Nhiều người Việt thích tờ 100 đô của Mỹ, nhưng chắc không mấy ai tò mò tự hỏi: - Chân dung trên tờ tiền này là ai?
Một số người đoán có lẽ đó là một vị Tổng thống nào đó của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Thực ra đó không phải chân dung của Tổng thống nào của Hoa Kỳ, mà là chân dung của một người đóng vai trò quan trọng trong Lịch sử Hoa Kỳ còn hơn hầu hết các Tổng thống.
Đó là một người khổng lồ của lịch sử nhân loại. Một người đa tài. Một nhà phát minh và sáng chế hàng đầu. Một nhà kinh doanh tài ba. Một nhà tư tưởng xuất sắc. Một chính khách lỗi lạc. Một trong những ‘Người Cha Lập Quốc’ (Founding Fathers) và Anh hùng dân tộc của Hoa Kỳ. Trong lịch sử nhân loại khó có ai có thể sánh được về tài năng và ảnh hưởng với con người này.
Ông là BENJAMIN FRANKLIN
Benjamin Franklin sinh ngày 17 tháng 1 năm 1706 tại phố Milk, Boston. Cha Ông, Josiah Franklin, là người làm nến, xà phòng và bán hàng tạp hóa. Mẹ ông là vợ thứ hai của Josiah. Benjamin là con thứ 15 trong 17 người con của cha mình.
Do việc làm ăn của người cha sa sút, năm lên 10, Benjamin buộc phải thôi hẳn việc học ở trường. Năm 12 tuổi, Ben bắt đầu làm công việc của một thợ in cho xưởng in của anh trai James. Do ham học, cậu đọc ngấu nghiến mọi thứ sách báo cậu có được.
Năm 1721, James Franklin lập ra một tờ báo lấy tên là New England Courant. Đây được coi là tờ báo độc lập đầu tiên ở xứ sở này. Khi đó, Ben tỏ ý muốn làm một người viết bài cho báo nhưng bị từ chối. Cậu bèn gửi bài theo bưu điện với bút danh là Mrs Silence Dogood, có vẻ như của một mệnh phụ. Và thật bất ngờ, những bài của cậu đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Nó nêu ra những vấn đề xã hội mà rất nhiều thành phần quan tâm. Tuy nhiên, James đã rất khó chịu khi phát hiện ra tác giả của những bài viết này chính là thằng oắt em trai mình!
17 tuổi, Benjamin bỏ nhà tới Philadelphia để tìm việc làm. Những năm sau đó, chàng trai phải vật lộn mưu sinh. Chứng kiến sự trì trệ của xã hội, năm 1727, Franklin lập ra một hội lấy tên là Junto, gồm “những người thợ và thương nhân hy vọng hoàn thiện chính mình đồng thời hoàn thiện cộng đồng”.
Việc xuất hiện của Junto châm ngòi cho phong trào hình thành các tổ chức xã hội và nghề nghiệp khác nhau ở Philadelphia. Một trong những hoạt động quan trọng của Junto là đọc sách. Để có nhiều sách cho mọi người đọc, Franklin đã lập ra Library Company of Philadelphia (Công ty thư viện Philadelphia). Tiền mua sách do các hội viên đóng góp và các độc giả trả phí khi mượn sách. Công ty này vẫn tồn tại cho đến ngày nay và trở thành một trong những thư viện vĩ đại nhất thế giới.
Năm 1730, Franklin thành lập xưởng in của riêng mình, đồng thời lập ra tờ báo The Pennsylvania Gazette. Tờ báo này nhanh chóng trở thành diễn đàn bàn về việc cải cách xã hội. Với tư cách chủ bút và là người viết những bài quan trọng đề xuất những tư tưởng cách mạng, Benjamin Franklin nhanh chóng có được uy tín của một nhà cải cách thông thái.
Cùng năm, Franklin nhận là cha của một đứa bé tên là William và không cho biết mẹ nó là ai. Ông đã nuôi William cho đến khi người này trưởng thành và được chính Ông dàn xếp để làm thống đốc New Jersey rồi trở thành nhân vật hoàn toàn bất đồng chính kiến với Ông: William là người bảo hoàng, trong khi Benjamin Franklin là nhà cải cách.
Tháng 9 năm đó, Franklin kết hôn (không hôn lễ) với bà Deborah Read, người đã từng có 2 đời chồng. Sau này, họ có với nhau 2 người con. Năm 1731, Franklin trở thành một trong những nhà lãnh đạo của Hội Tam Điểm ở Mỹ. Ông bắt đầu viết sách về tôn chỉ và hoạt động của hội này.
Năm 1743, Ông sáng lập Hội Triết Học Mỹ. Trong những năm tháng đó, vốn kiến thức mà ông tích lũy được về khoa học và kỹ thuật đã đưa Ông lên tầm một nhà khoa học thực thụ.
Ông phát hiện ra là có 2 loại điện và gọi chúng là điện âm và điện dương. Ông nêu ra nguyên lý bảo toàn điện tích. Ông phân loại được các chất thành chất dẫn điện và chất cách điện, nhờ đó đã không gặp nguy hiểm về tính mạng khi thu điện từ các đám mây. Ông là người đầu tiên phát hiện ra sự khác nhau giữa hướng gió trong cơn bão và hướng di chuyển của cơn bão, một điều rất quan trọng đối với dự báo bão. Ông tìm ra nguyên lý làm lạnh bằng hiện tượng bay hơi và đã tạo ra được nhiệt độ âm 14 độ C trong môi trường mùa hè bằng cách cho ether bay hơi.
Ông có những sáng chế đi vào lịch sử khoa học kỹ thuật. Trong số đó có:
- Cột thu lôi,
- Bếp lò Franklin,
- Kính 2 tròng,
- Ống thông tiểu mềm,
...
Năm 1753, Franklin được trao tặng Huy Chương Copley của Hội Hoàng Gia Anh (giống như viện hàn lâm KH).
Năm 1762, Ông được ĐH Oxford trao bằng tiến sĩ danh dự.
Trong đời sống xã hội, Franklin cũng có những đóng góp lớn lao. Ông đã:
- Lập ra công ty cứu hỏa đầu tiên tại Mỹ,
- In một loại tiền chống được việc làm giả thời đó,
- Thành lập viện hàn lâm Philadelphia (thực chất là trường đại học),
- Cùng với TS Thomas Bond thành lập bệnh viện Pennsylvania (bệnh viện đầu tiên ở Mỹ),
Cuối thập niên 1740, Franklin bắt đầu các hoạt động với tư cách quan chức chính quyền. Ngoài các chức vụ trong chính quyền thành phố và vùng Pennsylvania (khi đó chưa phải là một bang của HCQ Hoa Kỳ, vì chưa có liên bang), Ông còn đảm nhiệm công tác ngoại giao với Anh Quốc và Pháp.
Năm 1751, Ông được bầu vào quốc hội Pennsylvania.
Năm 1754, Franklin lãnh đạo phái đoàn Pennsylvania tham gia Đại Hội Albany. Tại đó, Ông đưa ra một tuyên ngôn về Liên Minh Thuộc Địa. Mặc dù tuyên ngôn không được thông qua, nhưng nó là cơ sở về tư tưởng cho Hiến Pháp Hợp Chủng Quốc sau này.
Từ 1757 đến 1762, Franklin sống ở Anh để giành tâm lực cho cuộc đấu tranh chống lại các đặc quyền đặc lợi của một số nhân vật Hoàng Gia Anh tại Mỹ và đòi quyền lợi kinh tế và chính trị cho các thuộc địa của Anh trên đất Mỹ.
Năm 1763, Franklin thay mặt chính quyền Pennsylvania đứng ra dẹp một cuộc nổi loạn. Những người tham gia cuộc nổi loạn này khi đó đang tiến hành một cuộc trả thù tàn bạo đối với những người Indian Mỹ (người ‘da đỏ’). Như vậy, Franklin đã giúp người Indian Mỹ tránh được một cuộc thảm sát. Sau vụ đó, Franklin lớn tiếng lên án những quan điểm phân biệt chủng tộc hiện đang khá phổ biến trong dân chúng gốc Âu.
Trong các năm từ 1764 đến 1774, Franklin liên tục có mặt ở châu Âu để vận động cho công cuộc giải phóng thuộc địa (Mỹ) khỏi sự cai trị của Hoàng Gia Anh. Đến năm 1775 thì Ông trở thành phần tử nguy hiểm nhất trong mắt Hoàng Gia Anh. Tháng 3 năm đó, Ông rời Anh Quốc trở về Mỹ.
Ngày 5 tháng 5 năm 1775, chiến tranh cách mạng Mỹ bắt đầu. Trong cuộc chiến này, một số vùng (mà sau này là các bang) đã liên kết với nhau chống lại sự cai trị của Hoàng Gia Anh. Franklin được chọn làm đại diện của Pennsylvania tham gia Đại Hội Thuộc Địa lần 2.
Năm 1776, Franklin tham gia một ban gồm 5 người soạn thảo TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP (trên cơ sở bản của Thomas Jefferson). Tháng 12 năm 1776, Franklin tới Pháp với tư cách công sứ Hoa Kỳ và làm việc tại đó mãi tới 1785. Trong thời gian đó, Ông đã thuyết phục chính quyền cộng hòa Pháp tham gia liên minh quân sự với Hoa Kỳ. Uy tín của Ông ở Pháp lớn đến mức việc treo chân dung của Ông trong nhà trở thành mốt. Một người là le Ray Chaumont đã thuê họa sĩ Duplessis vẽ chân dung ông. Đến nay, nguyên bản của bức chân dung này vẫn còn được treo trong Phòng Tranh Chân Dung Quốc Gia ở Washington DC, và đó chính là bản gốc của chân dung Ông trên tờ 100 đô Mỹ.
Năm 1785, khi trở về Mỹ, Franklin đã trở thành người có ảnh hưởng thứ hai ở đất nước này, chỉ sau George Washington.
Những năm tháng cuối đời, Ông dành hết tâm sức cho công cuộc giải phóng nô lệ, chủ yếu là người da đen gốc Phi.
FRANKLIN LÀ NGƯỜI DUY NHẤT ĐỂ LẠI CHỮ KÝ TRONG CẢ 4 VĂN KIỆN LẬP QUỐC CỦA HOA KỲ, TRONG ĐÓ CÓ TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP VÀ HIẾN PHÁP.
Benjamin Franklin cũng có năng khiếu và tham gia hoạt động nghệ thuật. Ông từng chơi mấy loại nhạc cụ và sáng tác nhạc. Ông là hội viên Hội Nghệ Thuật Hoàng Gia Anh nhiều năm. 200 năm sau, vào năm 1956, hội này đã lập ra Huy Chương Benjamin Franklin để trao tặng cho những tài năng nghệ thuật xuất sắc.
Về quan điểm Tôn giáo, Franklin tin vào Chúa Jesus.
Về đức hạnh, cả đời Ông luôn giữ vững 13 đức tính: ôn hòa, kín tiếng, ngăn nắp, quyết đoán, tiết kiệm, siêng năng, chân thành, công bằng, điều độ, sạch sẽ, tĩnh tại, giản dị, khiêm tốn (temperance, silence, order, resolution, frugality, industry, sincerity, justice, moderation, cleanliness, tranquility, chastity, humility).
Benjamin Franklin mất ngày 14 tháng 4 năm 1790 tại Philadelphia.
BỆNH CỦA THIÊN TÀI ALBERT EINSTEIN ( 1879 -1955).
Vợ của Albert Einstein thường khuyên ông phải ăn mặc cho chỉn chu hơn khi tới chỗ làm. Ông sẽ luôn phản bác lại rằng:
- “Tại sao nhỉ? Mọi người ở đó đều biết tôi mà”.
Khi Einstein tới dự một cuộc họp lớn, bà lại nài nỉ ông hãy mặc những bộ đồ đẹp đẽ hơn. Ông lại bảo:
- "Tại sao chứ? Ở đấy có ai biết tôi đâu!"
Người ta thường yêu cầu Albert Einstein giải thích thuyết tương đối. Ông phân trần:
- "Bạn giơ tay trên bếp lò, một phút dài như một giờ. Bạn ngồi với một cô nàng xinh đẹp, một giờ chỉ như một phút. Ấy chính là sự tương đối!”
Một hôm, hồi còn làm việc tại đại học Princeton, khi đang trên đường về, ông quên mất địa chỉ nhà mình. Tài xế taxi không nhận ra ông. Ông hỏi anh ta có biết nhà của Einstein không. Anh ta đáp rằng:
- "Ai mà không biết địa chỉ của Einstein chứ nhỉ? Ai ở Princeton này chả rõ. Ông muốn gặp ông ấy à?"
Và Einstein nói:
- “Tôi là Einstein đây. Tôi quên địa chỉ nhà mình rồi, anh chở tôi về đó được không?”
Tài xế chở ông về và còn chẳng lấy tiền cước xe.
Có lần, Einstein đi tàu hỏa từ Princeton và người soát vé đi xuống để bấm vé của các hành khách. Khi anh ta tới chỗ Einstein, ông tìm trong túi áo vest. Chẳng thể nào mò ra được tấm vé, ông chuyển sang túi quần. Không thấy, ông lại tìm trong cặp nhưng cũng không có luôn. Và rồi tiếp đến, ông tìm cả chiếc ghế bên cạnh mình. Vẫn chẳng thấy gì. Người soát vé nói:
- “Tiến sĩ Einstein, tôi biết ngài mà. Chúng tôi đều biết ngài. Tôi chắc rằng ngài đã mua vé rồi. Xin đừng lo lắng gì cả”.
Einstein gật đầu một cách lịch sự. Người soát vé tiếp tục đi tới những hàng ghế phía sau. Lúc sắp sang toa khác, anh ta quay lại và thấy nhà vật lý vĩ đại của chúng ta vẫn đang loay hoay quỳ xuống tìm tấm vé. Anh ta vội vã đi tới và bảo:
- “Thưa tiến sĩ Einstein, xin đừng lo mà, tôi biết ngài là ai mà. Không vấn đề gì đâu. Ngài không cần vé đâu. Tôi tin là ngài đã mua vé rồi”.
Einstein nhìn anh ta và nói:
- "Chàng trai à, tôi cũng biết tôi là ai mà. Nhưng tôi quên béng mất mình đang đi đâu rồi”.
Khi Einstein gặp Charlie Chaplin:
Einstein nói:
Einstein nói:
- "Tôi rất ngưỡng mộ nghệ thuật của ông, nhất là sự phổ quát trong ấy. Ông chẳng cần nói gì... Vậy mà cả thế giới vẫn hiểu được."
Charlie Chaplin đáp lời:
- “Đúng vậy. Nhưng danh tiếng của ông còn vĩ đại hơn mà. Cả thế giới ngưỡng mộ ông, dù chẳng ai hiểu được ông nói gì."
Nguồn Sưu Tầm
Thị trấn bên trong 'mỏ vàng'
AUSTRALIATrái với khung cảnh sa mạc khô hạn trên bề mặt, trong lòng đất Coober Pedy là hệ thống những ngôi nhà hiện đại, quán bar, hiệu sách và nhà thờ.
Coober Pedy là thị trấn nhỏ ở Nam Australia, được mệnh danh là thủ đô opal (đá mắt mèo) của thế giới, nằm cách thành phố Adelaide khoảng 850 km về phía bắc. Thoạt nhìn qua, nơi đây trông vô cùng hẻo lánh với những ngôi nhà thưa thớt trên sa mạc khô cằn. Tuy nhiên, thị trấn lại là nơi sinh sống của 2.500 cư dân và một nửa trong số đó đều xây dựng nhà dưới lòng đất. Ảnh: VEK Australia/Shutterstock.
Trước năm 1915, Coober Pedy là vùng đất xa xôi, hẻo lánh và chỉ được quan tâm bởi những nhà khai thác. Một trong số đó là New Colorado Prospecting Syndicate. Mặc dù thất bại trong việc tìm mỏ vàng ở phía nam thị trấn, ông lại may mắn phát hiện ra nơi đây có nhiều đá opal, sau khi con trai 15 tuổi của ông nhặt được chúng trên đường.
Sau khi tuyến đường sắt xuyên lục địa được hoàn thành năm 1917, nơi này nhanh chóng thu hút sự quan tâm của những nhà khai thác và du khách. Cách duy nhất để tìm thấy đá quý là đào đất, vì vậy trên bề mặt xuất hiện hơn 3 triệu hố sụt. Để đảm bảo du khách không rơi xuống hố, chính quyền địa phương đã đặt nhiều biển cảnh báo nguy hiểm xung quanh. Ảnh: Fritz16/Shutterstock.
Điều kiện thời tiết ở đây vô cùng khắc nghiệt, với nhiệt độ có thể lên tới gần 50 độ C trong bóng râm. Vì vậy, để tiện cho công việc khai thác, những cư dân thời kỳ đầu quyết định chuyển xuống dưới lòng đất hay trong lòng đồi để sinh sống. Sau hơn 100 năm, Coober Pedy đã trở thành thị trấn vô cùng nhộn nhịp với đầy đủ các tiện nghi hiện đại.
Trên ảnh là nhà thờ Chính thống Serbia, được xây năm 1993. Nằm sâu dưới lòng đất khoảng 15 m, nhà thờ được trang trí với những bức tường chạm khắc tinh xảo. Ảnh: Marc Dozier/Corbis.
Các ngôi nhà ở đây thường có 1, 2 phòng ngủ và luôn duy trì ở mức nhiệt khoảng 23 - 25 độ C, dù không có điều hòa không khí. Một số ngôi nhà rộng tới 450 m2, tựa như biệt thự. Người dân lắp đặt đầy đủ điện, internet để phục vụ sinh hoạt. Họ có đường ống nước từ lưu vực Great Artesian, cách đó khoảng 25 km. Tuy nhiên, đường ống thường xuyên bị rò rỉ, nên họ rất tiết kiệm nước.
Người dân ở đây cho biết, thứ duy nhất họ không có là ánh sáng mặt trời, còn lại mọi thứ đều thuận tiện, thậm chí nơi đây rất yên tĩnh và giúp ngủ ngon hơn. Ảnh: Benjamin Jakabek/Flickr.
Kệ sách, bàn làm việc có thể được tận dụng từ những hốc đá trên tường. Ảnh: Booking.com.
Thị trấn có cả quán bar, nhà hàng, khu vui chơi và khách sạn ngầm. Còn siêu thị và gara ô tô được xây dựng trên mặt đất. Ảnh: Explore Shaw.
Hiệu sách duy nhất của thị trấn cũng nằm bên dưới lòng đất. Ảnh: Remi DU/Flickr.
Coober Pedy cung cấp hơn 70% sản lượng đá opal trên thế giới. Vì vậy, khai thác vẫn là công việc chính của người dân với thiết bị máy móc hiện đại, thay vì dụng cụ đào đất thô sơ như trước kia. Ảnh: Mark Higgins/Shutterstock.
Thị trấn độc đáo mỗi năm đón hơn 150.000 du khách tới tham quan. Du khách tới đây có thể tham gia tour thăm các hầm mỏ, phòng trưng bày và bán lẻ đá quý, bảo tàng, nhà ở... Ảnh: Coober Pedy Website.
Ở đây, du khách sẽ được nghỉ ngơi tại khách sạn Desert Cave, khách sạn ngầm được xếp hạng quốc tế duy nhất trên thế giới. Các phòng ở đây được xây dựng bằng đá sa thạch nên luôn mát mẻ và khô ráo. Khách sạn còn có quán cà phê, trung tâm thông dịch viên, quán bar, phòng chơi game dưới lòng đất. Giá mỗi đêm từ 107 USD. Ảnh: Coober Pedy Website.
Du khách còn có thể tham quan khu Noodling để tìm kiếm đá opal vụn. Những người may mắn có thể kiếm được mảnh vụn để làm kỷ niệm. Những loại đá opal có màu sắc sống động, với giá trị cao không có nhiều, chỉ chiếm khoảng 10% sản lượng khai thác và không có ở khu Noodling. Ảnh: Coober Pedy Website.
Lan Hương (Theo Business Insider)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét