CHUYỆN CÁI CỬA.
Cái cửa, dĩ nhiên giúp cho… không khí hay người ta ra vào. Cái cửa có khi đóng, có khi mở. Cái cửa, sau khi mở ra thì phải đóng vào vậy mà ông Cẩm cứ nhất định không chịu đóng vào sau khi đã mở để đi ra. Còn nữa : sau khi phải dùng chìa khoá để mở cửa đi vào thì ông sẵn sàng để chùm chìa khoá lại ngoài cửa cho ai đó về sau thấy được mà mang vào !!!!…. may phước là mới có người ở cùng mang vào cỡ …vài ba bận chứ ăn trộm chưa thấy được mà vào nhà. Ông Cẩm cũng hay mất cả chùm chìa khoá nhưng ông cũng biết đánh rơi ở những chỗ xa nhà, ai đó có nhặt được cũng chỉ bỏ vào thùng rác mà thôi.
Một ngày đông… ấm áp, có bà bạn rủ ông bà Cẩm lái xe đi chơi, đi vòng vòng cho đỡ tù chân tù cẳng. Dĩ nhiên là phải đi chơi vào những ngày có nắng vì có nắng thì mới lên tinh thần nhưng cái xứ lạnh này kỳ lắm, càng nắng lại càng lạnh, cái lạnh kinh khủng , lạnh ngắt lạnh ngơ nên điều kiện cần và đủ để “sortie” là nắng và ấm chứ những ngày quá lạnh đành như con sâu làm tổ ta cuộn mình trong chăn mà xem phim Đại Hàn ….
Sung sướng thay hôm ấy trời nắng đẹp, không lạnh lắm…lại có bạn rủ đi chơi. Nên đi lắm chứ, trước hết là lái xe dạo chơi ngó nắng, sau đó xem có căn nhà nào đèm đẹp thì mách cho con chúng nó đến xem mà mua.
- Bên kia đường có căn nhà, coi bộ được đấy. Tốp! tốp!
- Từ từ chứ! đang chạy giữa đường mà…
- Ok.. Ok!…
Xe dừng lại.
- Ông làm ơn xuống xe, qua bển ghi lại tên người bán, nhớ lấy cả số điện thọai nữa nhé
Bà Cẩm đau chân nên lười xuống xe…Ông Cẩm xuống xe, và dĩ nhiên ông… không đóng cửa xe như …thường lệ
Bà Cẩm tính bước xuống đóng cửa xe vì hơi lạnh đưa vào nhưng bà bạn cản lại:
- Bà cần phải lỳ hơn ổng, ráng chiụ lạnh một chút để mình cho ổng một bài học!
- Bà ghi đi: tên … số điện thọai… ông Cẩm trở lại, leo lên xe, đóng cửa một cái rầm…
- Lần sau anh nhớ đóng cửa xe ..
- Đóng rồi!
- Là đóng lúc anh mới xuống xe cơ…
- Xuống có một tí rồi lại lên ngay cần gì phải đóng?
- Thế ngộ nhỡ có đứa bất lương nào nó leo lên rồi bắt lái đi cho nó ăn cướp xe thì sao ?
- Có đóng cửa thì nó cũng mở cửa ra leo lên được
- Nếu cửa đóng thì người ta có thể khóa lại từ chỗ người lái được …bà bạn chen vào
- Thôi không cãi nữa! u ám một ngày đẹp trời.
Xe chạy vòng vòng…
- Tốp! tốp! có cái nhà này coi cũng được…
Ông Cẩm tự động xuống xe làm nhiệm vụ xem nhà, lấy số điện thọai và dĩ nhiên khi xuống xe ông vẫn.. không đóng cửa. Bà Cẩm xuống đóng xe vì xe ngừng ngay chỗ cấm ngừng, phải tiếp tục chạy thêm một khúc mới đậu lại. Ông Cẩm trở lại, tưởng mình bị bỏ rơi:
- Tại sao không chờ tôi mà lại chạy đi?
- Chỗ đó cấm ngừng!
- Anh làm ơn đóng cửa lại mỗi lần xuống xe chứ! Trời lạnh, tôi không chịu được gió lạnh.
Bà bạn cằn nhằn…nhưng :
- Thì chị cứ chạy… tự động cửa sẽ đóng lại!
- Cái gì, anh nói gì mà quái đản thế? Cửa xe mở rồi lái xe đi, cửa sẽ tự động đóng lại! Quái đản! quái đản vừa vừa thôi chứ!
- Thì rõ ràng là cửa xe đóng lại rồi!
- Nhưng là do tôi xuống đóng lại chứ nó không tự động đóng, nó chỉ tự động gẫy- bà Cẩm dằn giọng- nếu xe chạy mà cửa xe chưa đóng!
Ai nấy đều bực mình nên quay về nhà. Uổng một ngày trời đẹp vì cãi chày cãi cối!
Ngày hôm sau, bà Cẩm lái xe đi chợ thì phát hiện ra cửa xe không khoá kỹ! Lại một màn cằn nhằn:
- Anh ra khỏi xe thì phải khoá lại chứ!
- Sao bà biết tôi không khoá?
- Rõ ràng hai năm rõ mười là cửa xe không khoá, chỉ có đóng lại thôi. Thôi tôi biết rồi, ông khóa bằng remote control nhưng ông hướng sang phiá khác. Tôi trân trọng yêu cầu từ nay trở đi ông dùng chìa khóa để đóng cửa. Tôi nhắc lại là : khóa -cửa- xe- bằng- chìa khoá -chứ- không- bẩy chốt- hay dùng remote control để khoá, bà Cẩm dằn từng tiếng một, ông nghe rõ rồi chứ?
- Chướng ! làm cách nào miễn khoá được thì thôi!
- Được rồi! anh cứ tiếp tục bẩy chốt cửa đi, lần sau xe có bị khóa lại tôi sẽ không đưa chìa khoá cho anh nữa.
Sở dĩ bà Cẩm phải nhấn mạnh khóa bằng chìa khoá vì ít nhất có hai lần ông Cẩm đã chạy taxi tới sở làm của bà để lấy chìa khoá xe do ông đã để chìa trong xe rồi khoá lại: Bạn ông đã …hãnh diện chỉ cho ông một phương pháp tân kỳ là khoá xe mà không cần chìa hay remote control : ra khỏi xe, bật cái chốt ở cửa xe - tuỳ loại xe mà kéo cái chốt ngay chỗ kính xe hay bẩy cái chốt ngay tay mở - rồi đóng cửa vào thì cửa xe sẽ khoá lại … Quí vị chớ học cách này nhé, nếu có người ngồi bên cạnh thì quí vị chỉ mới khoá được cửa bên tài xế mà thôi, hơn nữa, vì xử dụng cách nầy nên ông Cẩm đã xuống xe, ra khỏi xe, quên rút chìa khóa, bẩy chốt để khóa lại, thế là hết đường vào xe mà chìa vẫn nằm trong ổ khóa hay có lấy chìa ra mà lỡ để rớt trên nệm xe!!!
Cái lần quen tay thứ hai mới ..kinh khủng! Đó là một ngày đông có tí tuyết. Ông về đến nhà thì hai bên đường không còn chỗ đậu , ông cần cho xe vào drive- way mà đứa nào đã chặn ngay trước cửa thế kia? Lại con yêu nữ của nhà hàng xóm, con này lỳ lợm lắm, cảnh cáo rồi mà cứ chặn drive- way của người ta hoài. ..Vẫn để máy nổ, ông ra khỏi xe, bấm chuông hàng xóm, yêu cầu dời xe. Không phải đứa con gái mà là một người khách! Bà này xin lỗi và dời xe đi..nhưng than ôi, ông Cẩm không vào xe được vì cửa xe không hiểu tại sao đã khoá lại rồi!!!! Các xe sau bấm còi ầm ỹ… Khi vội xuống xe, ông đã đậu ngay giữa đường, ông chỉ ra khỏi xe để bấm chuông thế mà cái cửa xe chẳng hiểu sao đã tự động khoá chặt vào rồi. Ông quýnh quáo, vò đầu bứt tai, sau mới nhớ là bà vợ có giữ một chìa khoá (ông quên mất là trong nhà cũng có một chìa khoá phụ nhưng đã nói là chùm chìa khoá còn trong xe mà xe khoá rồi thì làm sao vào nhà mà lấy được). Người khách đậu ngang tình nguyện đưa ông đến sở làm của bà Cẩm để lấy chìa khoá. ( 40 phút vừa đi vừa về là nhanh nhất)….Cũng may là hai cái xe đậu lề đường đã dời đi để xe khác có thể..leo lên lề mà vượt qua, may nữa là nhờ chưa bế tắc giao thông nên cảnh sát không được mời đến để kéo xe của ông đi, ông về kịp để đưa xe vào garage.
Tối đó :
- Tại sao anh xuống xe rồi sẽ trở vô mà lại khóa cửa lại?
- Tôi đâu có khoá, nó tự động khoá lại!
Bán tín bán nghi bà Cẩm thử ngay bằng cách cầm cả hai chùm chìa khóa ra xe. Bà cho máy chạy, bước ra ngoài và đóng cửa xe lại. Bà phải thử vì xe này mới mua có thể khác với xe cũ chăng? …Làm gì có chuyện cửa xe tự động khoá lại dù là còn để máy nổ?
- Tôi hiểu ra rồi, ông lại mửng cũ soạn lại, lại khoá xe bằng cách bẩy chốt theo bản năng. Đầu óc ông lúc nào cũng ở trên mây.
- Tôi thề với bà là tôi không bẩy chốt, cửa xe tự động khoá lại…Lúc nào bà cũng kết tội người khác vô căn cứ!
- Vô căn cứ? Tôi vừa mới thử xong, cửa xe không hề tự động đóng lại như anh nói.
- Vậy … có thể là tay áo manteau của tôi chạm vào cái chốt khiến nó đóng lại?
Bà nguýt ông một cái dài cỡ …1 cây số rưỡi ….
Từ đó khi ra khỏi xe, để cho chắc ăn ông …không đóng cửa lại nữa, đóng lại thì làm sao vào được cơ chứ, cứ để mở cho chắc ăn, có gì người lái cứ chạy thì cái cửa xe nó phải biết là xe đã chạy mà …tự động đóng lại!!!! , ông cũng chẳng cần khóa vì chưa khoá thì còn vào xe được. Không khoá, ai có chià mới chạy được mà ví thử như xe có bị ăn trộm thì có bảo hiểm đền …lo gì…
Sau cỡ 5,6 tháng bị hai con mụ đàn bà nó nhằn thì ông mới ..tàm tạm nhớ được là xuống xe phải đóng cửa, nghĩa là ông vẫn quên nhưng quên bớt đi và bớt …cãi. Chưa chắc là hai người đàn bà có lý nhưng người xưa đã nói phụ nhân nan hoá- đàn bà khó dậy . Họ cứng đầu, chuyện bé mà cứ xé ra to ! Càng nói thì họ càng về hùa với nhau …
……
Bây giờ đến chuyện cái cửa nhà
Mùa hè nóng nực đã qua rồi nhưng cái cửa ra vào chính cho cả tòa nhà - cánh cửa bằng gỗ- đã không tự động đóng chặt để khoá vào! Cửa ra vào chung cho cả 3 căn- triplex- có gắn lò xo để đóng tự động nhưng lâu ngày hệ thống lò xo mệt mỏi và trời nóng khiến gỗ nở ra, cửa đã không thể đóng chặt mà khóa vào được nữa rồi. Loay hoay mãi, cuối cùng thì bà Cẩm đành phải viết vài hàng chữ dán ngay ở cửa để nhắc nhở mọi người ở chung: Vì sự an ninh chung xin quí vị kéo và đẩy cánh cửa cho chặt để cửa được khoá lại sau khi ra hoặc vào . Cảm ơn quí vị.
Cái tờ giấy chình ình đập vào mắt mọi người nhưng hình như chẳng ai nhìn thấy ! Rất, rất nhiều lần cửa đã không khoá chặt nên suốt ngày bà cứ phải theo canh chừng cái cửa mà kêu thợ sửa thì … thời bây giờ khó kiếm thợ lắm lắm …
_- Chiều hôm qua khi anh đi họp với anh Giao, anh đã không kéo chặt cửa ra vào!
- Tôi kéo rồi, mà sao bà biết là tôi không kéo, nhỡ mấy đứa trên lầu thì sao, lúc nào bà cũng đổ hết mọi tội trên đầu tôi? Mà nếu cửa ngoài không đóng cũng còn khoá cửa trong, chưa gì mà đã rối lên, làm như thể ăn trộm đã vào nhà….
- Thì tôi về ngay sau khi anh vừa đi ra và cửa chỉ khép chứ không khoá, vậy còn ai trồng khoai đất này? Tờ giấy dán sờ sờ để nhắc mà anh còn quên , đã vậy còn cãi nữa chứ.
- Bà hỗn vừa vừa chứ, tôi là chồng bà chứ không phải là con bà mà bà dám bảo là tôi cãi.
- Ủa , anh …cãi ..sa sả, vậy chứ không dùng động từ cãi thì dùng động từ gì, xin anh chỉ cho tôi biết?
- Bà nói không đúng thì tôi phải có ý kiến, sao lại bảo là tôi cãi? Bà là cái thá gì mà độc tài vậy, không cho người ta có ý kiến?
- Ý kiến , ý kiến ? Ok! trước khi có ý kiến thì anh nên suy nghĩ xem ý kiến đó có hợp lý để nói ra không chứ?
Ngày hôm sau khi vừa đi làm về thì bà Cẩm được ông chìa vào mặt một tờ giấy:
“ 12 giờ trưa: có người đi vào, không khóa cửa nhưng sau 15 phút thì họ trở ra, khi đó mới khoá cửa lại … Lúc 2 giờ : con nhỏ ở căn bên trái vào mà không đẩy cho cửa khóa chặt”
- Sao anh không gọi nó lại báo cho nó biết , anh nói với nó chưa ?
- Chưa!
- Được rồi, để tôi lên bảo cho nó biết….
Bà Cẩm mệt nhọc leo lên , gõ cửa căn nhà bên trái :
- Chào cô! hồi 2 giờ cô về mà không kéo chặt cửa. Tôi đã dán giấy nhắc nhở mọi người, vì an toàn chung, cần kéo chặt để cửa được khoá lại sau khi ra vào.
- Cái cửa không tốt !
- Thế nào là không tốt ? Cô muốn tôi cho tháo lò xo tự động ra hả? Lò xo tự động để nhắc nhở mọi người khỏi quên, còn thì mọi người phải có bổn phận khóa bằng cách đẩy hay kéo chặt cửa khi ra vào chứ. Những nhà bên cạnh không để tự động, họ đều phải dùng tay để khoá cửa. Nhà này, tôi sợ mọi người quên nên gắn lò xo tự động nhưng do thời tiết, trơì nóng là cửa nở ra và với thời gian nên cửa không còn tự động khép chặt như cũ thì mọi ngươì phải nhớ kéo vào. Tôi cho sửa rồi mà không sửa được nữa , nếu thay cửa mới phải làm lại cả đường đi tốn 20 ngàn là ít.
Sao? bây giờ cô muốn tôi cho tháo lò xo tự động ra không? Mấy tháng trước tôi đã phải cho thay ổ khoá vì cô làm mất chià hay sao đó mà trộm đã vào nhà cô lục lọi. Tôi chỉ yêu cầu cô vì an toàn chung nhớ đóng chặt cửa mà thôi. Cô có muốn tiếp tục bị ăn trộm vào nhà không?
- Thôi cứ để như cũ, tôi sẽ chú ý hơn!
Lại thêm một con cua tám cẳng hai càng chẳng đi mà lại bò ngang cả ngày … bà Cẩm phàn nàn.
Một tuần sau … đế lượt cái cửa ra vào của căn ấp riêng của ông bà Cẩm:
- Cái gì kỳ vậy? ban ngày ban mặt ở trong nhà mà anh phải cài cái dây xích, khoá một hay cùng lắm hai khóa là đủ ( cửa ra vào của mỗi ấp có 2 cái khóa và một sơị dây xích )
- Phải để dây xích, nhìn từ xa thì tôi mới biết là cửa đã khoá, hai cái khóa kia không nhìn rõ…
- Muốn chắc ăn thì sau khi khoá, anh giựt thử ra thì biết liền chứ gì.
- Móc vào thì đã sao? Móc vào thì ăn trộm không vào được.
- Yêu cầu anh đừng móc, nhỡ tôi ở ngoài thì vào không được!
- Tại sao? tôi ở trong nhà mà, bà gõ cửa thì tôi mở.
- Mở ? anh có nhớ …mấy năm trước (cái gì chứ tội lỗi cuả ông thì bà nhớ rõ mồn một cho dù lâu tơí mấy
- chục n ăm!) tôi thấy còn 15 phút mới phải đi làm nên ra ngồi sau vườn hóng nắng nhưng đến lúc đứng dậy vào lấy cái bóp để đi làm thì anh đã khoá chặt cửa sau, nhốt tôi ngoài vườn, tha hồ cho tôi đập cửa, tha hồ cho tôi la, tôi gọi, tôi vòng ra cả ngoài đường đập ầm ầm cửa sổ sous- sol mà mãi anh mới nghe thấy để mở khiến tôi phát khùng và đi làm trễ không ? Cũng còn may phước là anh chưa biến đi đâu mất. Tôi lạy anh, xin anh để tôi yên. Yêu cầu không móc dây, chỉ móc khi đi ngủ mà thôi, nếu cần ! Anh móc vào nếu chẳng may sau khi ra khỏi nhà có quên cái gì tôi không trở vào được. Gọi được anh đâu có dễ, anh đâu có thính tai rồi nhỡ anh ra vườn hay vào nhà tắm thì làm sao nghe thấy. Khổ quá!, nói cái gì với anh cũng phải giải thích năm lần bẩy lượt, mỏi cả miệng, đã vậy anh còn hay quên, dặn tới dặn lui mà vẫn chứng nào tật nấy! Lẩm cẩm quá rồi, mỗi ngày một phát minh mới, một “tối kiến” mới để làm phiền. Hết không đóng lại khoá cửa thật kỹ… Điên cái đầu ! Trời ơi là trời ! Cẩm gì, Cẩm chướng thì có ! Chướng ơi là chướng!
10/2010
Sao Khuê
Chuyện bên lề
Chuyện hoa cẩm chướng trổ đầy bông được gửi đi bằng e-mail cho một số bạn thì Sao Khuê nhận được hai cái mails…
Bà bạn của Sao Khuê có một ông anh, ông này giỏi lắm, giáo sư đại học chứ bộ dỡn, nhưng như những nhà bác học, ông này cũng đãng trí hạng nặng. Bạn của Sao Khuê viết như sau :
Ông Cẩm giống anh của Hồng Lựu lắm :
Cửa nhà :
- Đi ra anh ấy kéo cửa nhưng cửa chưa đóng chặt, con bé hàng xóm, người bản xứ, khoảng 3 tuổi chạy sang , đẩy được cửa vào nhà, chẳng biết nó ở trong nhà bao nhiêu lâu, đến khi Hồng Lựu về thì thấy bà mẹ nó đang ôm trong lòng cái lon guigoz, mặt đầy vẻ bồn chồn lo lắng sợ hãi ( Lựu mang những lon này sang từ Việt nam để đựng đường, đựng bột ). Bà ta rất mừng rỡ khi nhìn thấy Lựu, mừng tới chảy nước mắt:
- Trong này bà đựng gì? Con tôi lấy từ nhà bà, nó ăn hết cả rồi!!!!!
Lựư kể lại cho anh ấy nghe nhưng sau đó thì ông hàng xóm khác báo cáo là ông ta đi ngang thấy cửa mở toang hoác, gọi mãi không thấy ai nhưng ông không dám đóng, chỉ dám dùng báo cũ chặn lại rồi mới kéo cửa vào, sợ người nhà đi ra ngoài quên chìa khoá thì trở vào không được!!!! vậy mà chỉ ít lâu Lựu đi chợ về thấy ông ấy ở tuốt trong nhà tắm mà cửa ngoài thì để mở toang hoác!!!! Ông ấy bảo có ngươì ở nhà ai mà dám vô ( cứ làm như thời Nghiêu Thuấn, đời thái bình cửa thường bỏ ngỏ…)
Hồng Lựư kết luân :
Thành ra …trơì sinh đàn ông là như rứa, đàn bà đi sau để lượm rác để rồi chiụ hết nổi thì giận dỗi, la hét, cãi vã… may ra thì có người sửa đổi tí nào hay tí ấy bằng không thì cứ ráng chịu để rồi lại cãi nhau…
Cửa xe
- Lúc xưa chưa có remote control, anh ấy cũng đóng bằng cách bẩy chốt. Khi đi dạy, anh ấy khoá cửa chỗ tay lái, xuống xe lấy áo vest treo ở phiá sau, có lẽ phải xỏ tay áo nên để chùm chìa khoá xuống nệm và sau đó thì lại bẩy chốt, lúc ra về dĩ nhiên hết mở đượcxe, may mà xe đậu trong trường, chờ đến khi Lưụ gửi cấp tốc chìa phụ xuống bằng bưu điện .
- Tháng trước Lưụ đi đón anh chị ở phi trường lúc nửa đêm rồi mở cửa này đóng cửa kia… khi Lưụ lui xe đậu vào parking thì nghe rắc rắc, cửa đóng không kỹ bung ra đụng vào hàng rào, may quá, mơí bị móp xe chứ chưa bay mất cửa nhờ Lựư de xe dở nên de chầm chậm .
- Tuần trước ông ấy lại quên chìa khoá trong xe bà ấy phải đi bus về nhà lấy chìa phụ
Chià khoá
Anh ấy mất dài dài nên chia làm nhiều xâu nhỏ nhưng khi cần đến thì không biết để đâu hay mất từ hồi nào.
Anh ấy làm một chià phụ của xe, không hiểu gắn hay móc hay dấu ở đâu nhưng bây giờ nó cũng rơi mất tiêu rồi!!!! Ô hô ai tai! tuy vậy anh ấy biết lỗi không bao giờ cãi.
Sao Khuê thấy ông anh này …tạm được vì tai nạn lâu lâu mới sảy ra một lần. Quên – ai cũng đã từng quên .
Nhầm lẫn, ai cũng đã từng lầm… Căn bản là phải biết mình đã làm sai, nhận lỗi và quan trọng là phải sửa lỗi . Cãi chày cãi cối hay biện hộ tức là còn cho mình đúng, hễ còn thấy đúng thì không cần sửa, làm sao cho hết sai ?
Bây giờ là mail của chị khác :
Ối giời ơi sao giống ông Long nhà tôi thế, nghe chuyện của mấy bồ tôi đây được an ủi phần nào chứ không lại nghĩ mình độc quyền chịu đựng. Thôi từ nay cứ ngoan ngoãn chạy theo sau lưng hốt rác cho yên cửa yên nhà , chả biết là có yên không vì ông này cũng hay la hét, cả vú lập miệng em lắm cưa …
Chưa thấy có ông nào lên tiếng nên không biết ý kiến của phe các ông ra sao nhưng Sao Khuê nghe mơ hồ có tiếng :
-Hừ , đàn bà, chuyện bé xé ra to! phụ nhân nan hoá (đàn bà khó dạy)!
Các ông ơi đừng quên Sao Khuê cũng là đàn bà đấy nhé, bởi vậy có cái cửa cũng xé ra thành câu chuyện mà.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét