Năm 1986, một trận sương mù bí ẩn bất ngờ bao phủ một khu vực dân cư gần hồ Nyos ở Cameroon đã cướp đi mạng sống của gần 2.000 người chỉ trong một đêm. Câu chuyện vẫn làm đau đầu các nhà khoa học đến tận bây giờ.
Bữa tối kinh hoàng
Đêm 21/8/1986, một đám sương mù khổng lồ xuất hiện phía trên hồ Nyos ở vùng núi hẻo lánh nằm tận tây bắc đất nước Cameroon. Đám sương trắng tràn vào thung lũng và các làng mạc quanh đó, giết chết tất cả các sinh vật trên đường đi của nó. Kết quả là 1.700 người được tìm thấy đã chết một cách bí ẩn vào buổi sáng hôm sau.
“Trên thi thể họ không có một dấu hiệu nào chứng tỏ đã bị chấn thương hay có một cuộc đụng độ nào đó dẫn tới tử vong” – Cha Anthony Bangsi, một nhà truyền giáo tại làng Subum nhớ lại sự kiện khủng khiếp trên.
Nhiều thi thể người dân đã bị đốt cháy và một số người sống sót đã mô tả lại rằng họ đã ngửi thấy mùi khí lưu huỳnh trong đêm đó. Cha Anthony là một trong số những nhân chứng may mắn sống sót sau thảm họa đã xóa sổ gần như toàn bộ ngôi làng. Nhưng cha Anthony cũng như bất kỳ người dân địa phương may mắn thoát chết đều không thể giải thích được chuyện gì đã xảy ra. Trong ngày hôm đó, tin tức về quy mô của thảm kịch đáng kinh ngạc trên đã lan ra ngoài biên giới Cameroon khiến nhiều người không khỏi bàng hoàng và hồ nghi.
Nhưng đây không phải là lần đầu tiên câu chuyện lạ lùng này diễn ra. Năm 1984, đã có 37 người dân sống ở vùng hồ Monoun, cách hồ Nyos 59 dặm về phía Đông Nam, cũng qua đời một cách bí ẩn. Giống như trong thảm họa ở hồ Nyos, các nạn nhân đều chết đột ngột trong đêm mà không có bất kỳ một dấu hiệu nào cho thấy có một cuộc va chạm trước lúc họ qua đời.
Những giả thuyết ban đầu
Chuyên gia người Mỹ có tên George Kling là một trong những nhà khoa học đầu tiên xuất hiện tại hiện trường thảm họa Nyos sau sự kiện. Ông tin rằng đã có một vụ phun trào núi lửa dưới lòng hồ và cho rằng đó có thể chính là nguyên nhân dẫn tới những cái chết bí ẩn.
Tuy nhiên, Kling lại không thể tìm thấy dấu vết của một dòng dung nham nóng, đài phun lửa hay bất kỳ thứ gì chứng tỏ rằng đã từng có khí núi lửa được bơm vào không khí trong đêm đó bởi khí lưu huỳnh thường đi kèm với những đợt phun trào dung nham. Hơn nữa, nhiệt độ của hồ cho thấy chúng thực sự mát lạnh hơn cả bình thường chứ không phải đã được làm nóng sau một vụ phun trào.
Từ đó, Kling cảm thấy nghi ngờ giả thuyết ban đầu của mình và nghĩ rằng có lẽ núi lửa không phải là nguyên nhân dẫn tới cái chết của gần 2.000 người dân nơi đây. Ông bắt đầu chuyển hướng điều tra và hướng tới một giả thuyết đã được đưa ra trước đó của nhà nghiên cứu núi lửa người Iceland tên là Haraldur Sigurdsson, người đã từng đến Cameroon điều tra về một thảm kịch tương tự 2 năm trước ở hồ Monou dẫn tới cái chết bí ẩn giống nhau của 37 người dân sống ở đó.
Sigurdsson cũng đã thăm dò để xác nhận có phải hoạt động của núi lửa là nguyên nhân dẫn tới thảm kịch này hay không và các xét nghiệm của ông cũng cho thấy không có bằng chứng nào chứng tỏ rằng chính núi lửa đã phun trào dung nham và khí nóng.
Tuy nhiên, Sigurdsson lại phát hiện thấy trong nước hồ có chứa hàm lượng lớn khí CO2, một loại khí tự nhiên có thể giết chết người qua đường hô hấp. Sigurdsson đã xây dựng lên một giả thuyết được gọi là “Hồ lật đổ” cho rằng chính hồ nước đã giải phóng lượng lớn khí độc mà nó tích tụ được thành đám sương mù giết người. Nhưng trên thực tế chưa từng có trường hợp nào như thế này xảy ra trước đó được ghi nhận và cộng với sự hạn chế của khoa học lúc bấy giờ đã khiến giả thuyết của Sigurdsson trở nên có quá nhiều sơ hở và chưa từng được biết tới từ trước tới thời điểm đó.
Bởi vậy, các nhà khoa học cùng thời với ông đã bỏ qua giả thuyết đó. Khi ông đề nghị kiểm tra nồng độ CO2 của các hồ khác trong vùng cũng đã bị Chính phủ Cameroon từ chối. Và chính sai lầm này đã dẫn tới sự thiệt hại lớn sau này là mạng sống của 2.000 người dân quanh vùng hồ Nyos hai năm sau đó.
Trở lại Nyos những lần sau đó, George Kling càng tin rằng giả thuyết của Sigurdsson là đúng. Ông đã độc lập tiến hành thử nghiệm nước trong hồ Nyos và nhận thấy có một lượng lớn khí CO2 trong vùng nước sâu của hồ. Ông cho rằng chính khí đốt tự nhiên này đã bốc lên thành một đám mây độc hại và đầu độc 3 ngôi làng ven hồ. Đám mây này có thể trông thấy bằng mắt thường, chúng di chuyển rất êm và không có mùi. Ba yếu tố đó hợp lại khiến nó trở thành một kẻ giết người hoàn hảo. Giả thuyết này cũng khá phù hợp với những vết bỏng được phát hiện trên thi thể các nạn nhân. Nó được gây ra bởi khí CO2 lạnh chứ không phải khí nóng từ núi lửa.
Kling cũng dẫn chứng những kết quả nghiên cứu của không quân Hoa Kỳ cho thấy việc tiếp xúc với lượng lớn khí CO2 có thể dẫn tới ảo giác khiến họ tưởng tượng rằng chúng có mùi lưu huỳnh. Và chính từ giả thuyết này đã mở đường cho các nhà khoa học hiện đại vạch trần được bộ mặt thật của kẻ giết người bí ẩn.
Hồ Nyos và hồ Monoun đều là những hồ nằm trên miệng núi lửa. Chúng được hình thành trong quá trình nguội đi của núi lửa và do tích tụ nước mưa. Trong hầu hết các loại hồ này, các tầng nước luân chuyển từ trên mặt dưới đáy hồ và ngược lại theo một chu kỳ. Trong quá trình đó, các khí từ lòng đất xâm nhập vào đáy hồ cuối cùng sẽ được giải phóng ra bầu khí quyển. Nhưng hồ Nyos, hồ Monoun và cả hồ Kivu ở Đông Phi lại không giống như vậy. Các lớp nước hồ không có sự luân chuyển trên dưới và vì vậy, khí độc khi xâm nhập ở đáy hồ sẽ bị khóa chặt tại đây.
Khi xuất hiện một cơn bão hay một trận lở đất, địa chấn mạnh sẽ làm một lượng lớn nước trên bề mặt chìm xuống đáy và đồng thời đẩy nước từ dưới đáy lên trên. Khí độc từ trạng thái hòa tan sẽ thoát ra ngoài giống như các bọt khí nổi lên từ một chai nước bị mở nắp.
Theo tính toán của các nhà khoa học, trong sự kiện hồ Nyos năm 1986, khí và nước đã bốc lên thành cột cao khoảng 80m, di chuyển với tốc độ 45dặm/giờ và lan đến những ngôi làng cách đó 12 dặm. Ước tính, hồ đã nhả ra khoảng 1km3 khí CO2 đủ để lấp đầy 10 sân bóng đá. Tại hồ Monoun, đám mây khí này nhỏ hơn nhưng cũng đủ làm 37 người thiệt mạng.
Lượng khí độc trong hồ Nyos và Monoun hiện nay còn lớn hơn cả trước đợt phun trào năm 1986 khiến những người dân sống quanh khu vực này không khỏi lo lắng. Đầu năm 2010, một nhóm các nhà khoa học người Mỹ đã bắt đầu tiến hành tháo ngòi nổ cho hồ Nyos bằng cách đặt một ống polyethylene xuống sâu dưới đáy hồ làm cho nước khí CO2 dưới đó sủi bọt lên và giải phóng bớt khí CO2 vào khí quyển.
Nhờ vậy, áp suất ở đáy hồ sẽ giảm, hạ thấp nguy cơ phun trào. Tiến sĩ James G. Smith, một chuyên gia địa chất học tại Cơ quan Phát triển Quốc tế, nhà tài trợ chính của dự án cho biết: “Đây sẽ là lần đầu tiên chúng tôi có thể ngăn chặn một thảm họa tự nhiên”.
Ngoài việc đặt hệ thống đường ống khử khí độc, các nhà khoa học còn lắp một hệ thống cảnh báo sớm trên mỗi hồ. Khi nồng độ CO2 tăng cao, còi báo và ánh sáng nhấp nháy sẽ hoạt động, báo động cho người dân sống trong vùng có thể chạy thoát.
Mặc dù vậy, nguy hiểm chưa hẳn đã hết. Theo các nhà khoa học, hồ Nyos vẫn còn chứa lượng khí CO2 khổng lồ và một đường ống đơn độc không đủ để giải phóng hết chúng. Cần có từ 4-5 đường ống tương tự để loại bỏ mối nguy hiểm ở đây cũng như tại hồ Monoun.
Tổng hợp
Popocatepetl và Iztaccihuatl – Hai ngọn núi huyền thoại bi tráng của Aztec
Kiến trúc địa chất tự nhiên ở Mexico là chủ đề của nhiều truyền thuyết và thần thoại của các bộ lạc thời tiền Columbus như người Aztec và Ayas. Hai trong số nhiều núi lửa tại đây đã trở thành biểu tượng của một trong những câu chuyện tình bi tráng, không ngừng được kể lại dù đã phủ bụi thời gian.
Núi lửa rất quan trọng đối với người Aztec. Họ tôn thờ nhiều vị thần trong đền thờ của mình, và vị thần kết nối họ với các vị thần khác là Xiuhtecuhtli, còn tên là Cuezaltzin (có nghĩa là “lửa”) hoặc Itztlacoliuhqui. Đây là vị thần của ngày, sức nóng và lửa. Vị thần này cai quản núi lửa và là hiện thân của cuộc sống sau khi chết. Ông cũng là chúa tể của ánh sáng trong bóng tối, thức ăn trong nạn đói, và sự ấm áp trong cái lạnh lẽo vô cùng.
Các vị thần này được coi là cha mẹ khai sinh ra những vị thần khác, tất cả họ cư ngụ trong trung tâm của Trái đất. Như vậy, trong lịch sử cổ xưa của Mexico, núi lửa là cốt lõi tín ngưỡng, là tín hiệu từ các vị thần và nhân vật huyền thoại.
Theo thần thoại Aztec, hai ngọn núi lửa gần Mexico City từng là nơi sinh sống của một cặp đôi yêu nhau sâu đậm. Sau khi khi chết đi, họ hóa thân thành hai ngon núi lửa này, và từ đó nó được xem như biểu tượng của tình yêu.
Những ngọn núi khơi gợi tưởng tượng
Các núi lửa nằm ở các bang Puebla và Mexico ở miền Trung Mexico. Một phần của ngọn Popocatepetl còn nằm ở Morelos. Từ Puebla và Mexico City đều có thể nhìn thấy được các ngọn núi này. Cao nhất Mexico là ngọn Citlaltepetl 5.636m, thứ hai là Popocatepetl 5.426m và thứ ba là Iztaccihuatl là 5.230m. Iztaccihuatl có nghĩa là ”Bạch nữ”, bởi khi nhìn từ phía đông hoặc phía tây ngọn núi này có bốn đỉnh tách biệt phủ tuyết trắng tựa như đầu, ngực, đầu gối và bàn chân của một thiếu nữ đang ngủ.
Popocatepetl có nghĩa là ”Núi Khói”, và nó là núi lửa vẫn còn hoạt động, trong khi Iztaccihuatl là núi lửa đã ngưng phun trào từ rất lâu.
Vào năm 1889, các nhà khảo cổ học lần đầu tiên công bố báo cáo đưa ra bằng chứng cho thấy người Aztec đã leo đến những ngọn núi lửa này, và có thể đã thực hiện các nghi lễ tôn giáo. Cuộc sống của các bộ lạc cổ xưa thường xuyên kết nối với thiên nhiên, vì vậy hình dạng tuyệt đẹp của các ngọn núi lửa tại đây không những đã biến nó trở thành nơi lý tưởng cho việc thờ cúng thần linh, mà còn giúp họ kết nối với năng lượng của hành tinh.
Câu chuyện của Popo và Itza
Popocateletl và Iztaccihuatl được biết đến cũng bởi cái tên ngắn gọn hơn là Popo và Izta. Câu chuyện về họ theo thời gian đã dần phai nhòa…
Đó là câu chuyện kể về chiến binh dũng cảm Popocatepetl và nàng công chúa xinh đẹp Iztaccihuatl. Cha công chúa là một thủ lĩnh hùng mạnh, đã quyết định rằng nếu Popocateletl muốn cưới con gái của ông thì chàng phải tham gia vào cuộc chiến chống lại những kẻ thù mạnh nhất của các bộ lạc và mang chiến thắng trở về. Chàng chiến binh trẻ yêu công chúa xinh đẹp tha thiết. Chàng quyết định chấp nhận thách thức. Có rất nhiều biến thể khác nhau mô tả về trận chiến, nhưng một trong những phiên bản phổ biến nhất cho rằng Popocateletl đã mang đầu của kẻ thù trở về làm bằng chứng cho chiến thắng của chàng.
Khi Popocatepetl ra đi, Iztaccihuatl chờ đợi người mình yêu. Trái tim nàng đau đớn mỗi khi nhớ tới chàng. Ngay trước khi Popocatepetl giết chết kẻ thù, một trong những tình địch của chàng đã đến gặp công chúa và buông lời nói dối bi thảm. Hắn nói rằng Popocatepetl đã chết trong cuộc chiến. Khi nghe tin này, thế giới của nàng công chúa ngay lập tức sụp đổ. Nàng không thể tưởng tượng ra được cuộc sống thiếu Popocateletl. Nàng buồn đau tuyệt vọng mà chẳng chút mảy may nghi ngờ vì tin tưởng rằng không ai có thể độc ác đến nỗi nói dối với nàng về một điều như thế. Cuối cùng nàng Iztaccihuatl chết trong đau đớn tuyệt vọng.
Khi Popocatepetl mang chiến thắng trở về, chàng nóng lòng muốn gặp người vợ tương lai yêu dấu của mình, nhưng lại bất ngờ nhận tin nàng đã chết. Không thể đón nhận cú sốc này, sau nhiều ngày vật vã đau khổ, Popocatepetl quyết định xây một ngôi mộ lớn dưới mặt trời. Chàng ôm xác người tình trong tay và đưa nàng đến đỉnh của một ngọn núi lớn.
Chàng hôn lên môi người tình lần cuối cùng, rồi quỳ xuống trước mặt nàng trong ánh đuốc. Chàng nhìn nàng và nhớ về những tháng năm đã qua, cùng những vui buồn mà cả hai cùng sẻ chia. Chàng cứ ngồi với nàng như thế cho đến khi tuyết bao phủ hai cơ thể của họ, và họ đã hóa thành hai ngọn núi lửa hùng vĩ.
Truyền thuyết nói rằng mỗi khi chiến binh vĩ đại Popocatepetl nhớ người yêu của mình thì trái tim của chàng sẽ đập nhanh hơn, ngọn lửa đam mê ấy làm cho ngọn núi lửa phun trào. Núi lửa thứ hai lại ngủ một giấc bình yên, trong khi Popocatepetl tiếp tục phun khói.
Chuyện tình Aztec trong thế giới hiện đại
Câu chuyện lãng mạn này đã trở thành một trong mẩu chuyện hấp nhất đối với khách du lịch đến thăm khu vực này. Nhiều người trong số họ muốn đến tận nơi để thăm hai ngọn núi lửa này, một số khách du lịch lại muốn chiêm ngưỡng hình dạng của chúng nơi đường chân trời.
Ngày nay, các khu vực xung quanh núi lửa trở thành nơi ưa thích của những người đi bộ đường dài, nhưng mỗi khi Popocatepetl hoạt động thì những con đường mòn xung quanh bị chặn lại. Nhiều cặp vợ chồng quyết định chụp ảnh cưới của họ hay tổ chức lễ đính hôn bên núi Popocatepetl và Iztaccihuatl.
Trong những đêm đầy sao, những người từ Puebla và Mexico City đôi khi thấp thoáng thấy bóng hình đôi tình nhân thời tiền Columbus ấy, và rồi họ lại kể cho nhau nghe câu chuyện tình bi thương …
Theo Ancent Origins
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét