23 tháng 11 2017
Người con gái không nịt ngực
Sau khi được tàu Mỹ vớt, chúng tôi nằm la liệt trên sàn tàu. Mười sáu ngày vùi dập bởi sóng biển, đói khát, rét lạnh làm mọi người tơi tả. Một em bé sanh ra trên tàu được cấp tốc đưa vô phòng cấp cứu. Chiếc tàu nhỏ loại đánh cá chở chúng tôi đi buộc dây kéo theo sau, nhỏ bé như con kiến đi cạnh con voi. Chỉ một thời gian ngắn sau, các miếng gỗ của tàu cũng sút ra từng mảnh, trôi lênh đênh...
Ôi! Chiếc tầu nhỏ, quá nhỏ, chỉ ba mươi ba người mà đã chật không còn chỗ ngồi hay đứng. Chỉ mới qua đêm thôi, khi ngồi bó gối trong thân tầu, bị sóng biển nhận chìm, đưa lên rồi lại bị nhận chìm sâu hơn nữa vào trong lòng biển lạnh, rồi nghe tiếng kêu răng rắc của những mạnh gỗ bắt đầu bị lồi ra những cây đinh thì chúng tôi hiểu rằng chiếc tầu thân yêu không còn có thể gánh vác mạng sống của chúng tôi xa hơn được nữa.
Tôi đưa mắt nhìn những thủy thủ trên tầu Mỹ, lòng tràn ngập niềm vui và niềm biết ơn khó diễn tả. Và lon Cola mà tôi được phát, chao ôi sao mà nó ngon! Trôi tuột vào cổ họng khô khát... Có lẽ đó là lon coca ngon nhất trên đời tôi được uống. Chỉ mới hôm qua thôi, ngày thứ mười lăm, khi một em nhỏ trên tàu thoi thóp khóc vì quá khát thì mẹ em đã gieo cho em chút hy vọng: "Ráng đi con, khi nào có tầu vớt thì con sẽ được uống nhiều nước. Có khi lại có Coca!". Lúc ấy chúng tôi mới chỉ nghĩ đó như một giấc mơ. Hai đứa em tôi nằm bên cạnh, rên lên khi nghe nói tới nước...Từ cả hơn mười mấy ngày trước, khi đói và khát quá thì thằng nhỏ nhất bắt đầu mơ tưởng đến đồ ăn thức uống: " Chị ơi! Em đói quá! Em thèm một tô phở. Và một ly trà đá thật bự! Hay cái gì cũng được! Một tô mì, bánh xèo, hay bún bò..." Một bà trên tầu gắt lên: "Trời ơi! Đói khát thế này mà cứ kể ra mấy món ấy có chết không cơ chứ?". Rồi bà lâm râm đọc kinh, cả tầu cũng đọc kinh...Em tôi không dám nói lớn nữa, nhưng ráng thì thào bên tai tôi: "Chị ơi! Hay chị cho em một chén cơm nguội cũng được!" Tội nghiệp! Nó quá nhỏ để hiểu cuộc hành trình này không có quyền chọn lựa. Rồi nó không thì thào được nữa, mà bắt đầu khóc, và chỉ vào hạ bộ của nó đang sưng đỏ vù. Tầu nhỏ, không có chỗ ngồi huống chi chỗ đi tiểu, đi cầu...Lúc đầu mọi người còn ráng ra ngoài để tìm chỗ đi, nhưng khi say sóng và đuối sức thì ai ngồi chỗ nào đi chỗ nấy. Sau những ngày không được chùi rửa vệ sinh, hạ bộ đỏ u lên. Em tôi không hiểu tại sao hạ bộ nó sưng phồng, đỏ lòm và to gấp hai, ba lần bình thường. Mỗi lần nước biển tạt vào, nước muối mặn sát vào da thịt rát quá làm mọi người kêu la, oằn oại như thấu trời xanh. Rồi cộng thêm với những đêm bão lạnh kinh hoàng mà mỗi giọt nước rót vào người là như mũi dao xẻ thịt xẻ da, thì em tôi cảm giác như có những mũi dao cắt đứt đi cái phần cơ thể riêng tư quý báu đang bị sưng vù nên vểnh lên cao nơi hạ bộ của nó. Cho tới bây giờ tôi vẫn còn hình dung thấy hình ảnh những em trai nhỏ và những người con trai cúi cong người che hai chân lại rên xiết mỗi lần những cơn và sóng biển ập xuống.
Trên tầu Mỹ, vì không đủ phòng tắm cho mọi người cùng vào, chúng tôi được chia làm hai hàng nam và nữ. Hai thủy thủ cầm hai ống nước gấp rút xịt nước tắm cho mọi người, tất cả quần áo được cởi ra để đem khử trùng giặt sấy. Các thủy thủ gom góp áo quần của mình phân phát cho mọi người mặc tạm. Những bộ quần áo Mỹ rộng lớn bao che thân thể Việt gầy nhỏ, chúng tôi bơi lội trong đó như bơi lội trong niềm hạnh phúc và lòng tri ân được vượt thoát bình an.
Ngày hôm sau quần áo giặt sấy xong được trả về cho mọi người. Vì ở rải rác trên boong tầu không có mặt lúc phát lại quần áo, hoặc có những người nhận lộn đồ, chúng tôi đa số người lạc áo kể lạc quần, giầy dép không còn. Tôi còn lạc mất chiếc nịt ngực. Ngày đặt chân lên trại tị nạn, đôi chân trần bước trên đất nóng, tôi vẫn không thấy ngại bằng cảm thấy bộ ngực vô cùng trống trải. Thủa ấy tôi mới vừa mười tám tuổi, sinh ra và lớn lên trên cao nguyên Đà Lạt. Ở thành phố nhỏ hoa anh đào đó, đời sống là áo trắng hiền ngoan, má đỏ môi hồng, thẹn thùng e ấp. Vậy mà bỗng chốc lăn vào đời, chân không giầy dép, người không nịt ngực. Cái nịt ngực đối với tôi, nhất là ở xứ lạnh, là một vật dụng thân thiết ít khi rời. Nó vừa giữ ấm cho người, vừa che đậy nâng đỡ một phần cơ thể kín đáo. Ở phần dưới nịt ngực thường có một viền sắt mỏng hay viền vải chắn ngang, và một lớp vải dầy với miếng mút ôm gọn hai bầu vú để giữ cho phần ngực không rung rinh di chuyển theo mỗi bước đi và không lộ rõ núm vú. Khi sinh hoạt, dù trong nhà, cũng nên mang. Thế mà bây giờ, ở chốn đông người, giữa ban ngày ban mặt, tôi đi đứng chạy nhảy mà chẳng mang nịt ngực. Cái cảm giác trống trải không kín đáo này đối với tôi, một người con gái Á Đông lần đầu bước vào đời là cái cảm giác không an toàn, hở hang, bất an...
Tôi lên trại xin cấp nhưng chưa có. Trại chuyển tiếp có những nhu cầu cần thiết hơn phải được giải quyết trước. Miếng ăn, nước uống, thuốc men, nhà vệ sinh, tất cả còn thiếu mà người tị nạn đổ về mỗi lúc một đông. Lúc bấy giờ ở Việt Nam mà đa số là đàn ông thanh niên bị kêu gọi tham gia "thanh niên xung phong" hoặc bị gởi qua chiến trường Cam Bốt khốc liệt. Mọi người vội vã tìm đường vượt biên, trại rất đông đàn ông con trai. Và đủ mọi hạng người. Mỗi lần sáng chiều đi lãnh cơm, đi tắm, đi hứng nước hay có loa gọi gấp lên làm giấy tờ, tôi đi giữa những hàng chòi lá và dãy nhà tập thể, cảm nhận có những cặp mắt nhìn theo bộ ngực vô tình nhấp nhô theo từng bước chân chạy...
Tôi vừa mất cha nên có miếng tang đeo trước ngực, không biết người ta nhìn miếng tang cảm thông với tôi hay nhìn vào ngực và biết tôi thiếu cái nịt ngực...Có những cái nhìn rất soi mói, như lột trần mình ra. Con gái mới lớn, bộ ngực nở nang không làm tôi hãnh diện mà chỉ làm tôi thêm ngại ngùng khổ sở. Ở lứa tuổi học trò ngây thơ thủa đó, cảm giác nhận được là nhột nhạt, khó chịu, bất an. Tôi bỏ luôn thói quen mỗi sáng tập thể dục ngoài trời, vì khi không có nịt ngực thì những động tác nhún nhẩy có thể tạo sự chú ý. Ngay cả những ngày hè nóng nực ở trại tị nạn cũng không thoải mái thả mình theo sóng biển, bởi quần áo càng dính chặt vào người, núm vú càng hiện rõ, lộ liễu. Ở cái tuổi con gái tươi trẻ tung tăng mà tôi không hề dám tung tăng. Có hôm đang đi, nghe tiếng huýt sáo trêu ghẹo đuổi theo, tôi ngại và mắc cỡ quá lính quýnh đi như chạy, vấp té làm áo bị sút khuy nút. Hai tay vội vã cố gài khuy áo, tôi đi tiếp trong những tiếng cười tinh nghịch nham nhở. Có lần vừa sắp hàng đi hứng nước tắm về, thì nhạc quốc ca của trại trỗi lên, mọi người đang đi đường đứng nghiêm lại hát chào quốc kỳ. Tôi đang đứng nghiêm chỉnh bỗng nghe tiếng cười chỉ trỏ về phía mình, Một vài thanh niên đang ngồi trên tầng trên của chòi lá thò đấu ra nhìn tôi rồi một người chợt nói: "Chắc tắm về để quên cái nịt ngực!" Rồi họ cười hô hố. Một người khác tiếp theo: "Tên gì thế em! Tối nay đi chơi trọn đêm với anh nhá?" Một người lớn tuổi đang đứng chào cờ không xa, tỏ vẻ khó chịu. Ông ta nói vừa đủ tôi nghe: "Lần sau có ra đường hay chào quốc kỳ thì nhớ mặc nịt ngực! Con gái lớn ra đường ăn mặc đàng hoàng một chút!"
Tôi còn đang ngơ ngác thì tiếng quốc ca và mặc niệm chấm dứt, mọi người tiếp tục đi. Tôi cúi xuống cầm xô nước, ngỡ ngàng. Trời ơi! Thì ra có người tưởng tôi cố tình không mặc đồ đàng hoàng. Đây là lần đầu tiên tôi biết điều này. Tôi cảm thấy nghẹn không thể nói thành lời, muốn chạy đến người đàn ông khi nãy để nói rằng là tôi không phải cố ý như thế, mà hai chân tôi cứ bước như người không hồn, xô nước sóng sánh đổ ra mà không biết.
Dường như có giọt lệ nào, không chảy xuống mà chảy ngược vào tim tôi, lăn mãi, và lăn mãi...
Chiều chiều trong chòi lá nghe từ loa vọng lại bài hát "Người Di Tản Buồn", tôi thấy như bóng dáng mình trong đó..." Chiều nay có một người đôi mắt buồn, ngày ra đi lặng câm trong đau đớn..." Tôi ngồi bên xong cửa, thấy chiều rơi rất chậm, rồi "rưng rưng lệ vương mắt lệ nhòa "...
Rồi tôi cũng được chuyển sang một trại tị nạn chính thức khá hơn một chút, và xin được cái nịt ngực cũ. Cái cảm giác đầu tiên khi được mang lại vật dụng thân thiết ấy của người nữ làm tôi thật an toàn, yên ổn. Dù không vừa vặn nhưng thế là quá đủ!
Rồi tôi liên lạc được với người chị từ một trại khác vừa sang Mỹ. Ngày được bảo lãnh, khi chị đón ở phi trường, tôi nhìn chị, rồi như bị ám ảnh bởi hình ảnh của chính mình trong những ngày đầu tị nạn, tôi len lén nhìn vào ngực chị, trong phút chốc chợt mủi lòng, nhớ cha nhớ mẹ, nước mắt âm thầm lăn dài trên má. Chị cũng khóc, nhưng có lẽ lúc ấy chị không hiểu đích xác cái tủi buồn thầm kín của em mình.
Ngày hôm sau, vì trúng ngày thi cuối khóa nên chị nhờ người bạn trai là hôn phu chở chúng tôi đi làm giấy tờ và mua ít vật dụng cần thiết. Tôi đi trong thương xá rộng lớn, rồi bỗng sáng mắt khi nhìn thấy quầy bán nịt ngực, Chao ơi nhiều! đủ mầu đủ số. Tôi mân mê vuốt nhẹ lên từng phiến vải mềm, như muốn cảm nhận được tất cả sự dịu êm của từng miếng ren vải lụa, thấy lòng hạnh phúc reo vui như thể được cái gì quí giá lắm. Tôi chọn lấy một cái vừa vặn và một quần lót nhỏ cùng màu. Thế nhưng đến lúc ra quầy tính tiền, nhìn thấy người bạn trai của chị đang đứng chờ, tôi chợt thấy ngại. Tưởng tượng phải thả cái nịt ngực và cái quần lót nhỏ xuống trước mặt anh, tôi đã thấy ngượng. Tôi len lén bỏ lại, mơ hồ một cảm giác luyến tiếc sâu kín...
Hai em tôi đã chọn được cặp táp, vở học, và một ít quần áo. Còn tôi, tôi đã dành trọn thời giờ bên quầy nịt ngực...
Bây giờ tôi đã có nhiều chiếc nịt ngực, khác mầu, khác kiểu. Nhưng trong một góc ngăn kéo, tôi vẫn còn giữ lại cái chiếc chật cũ của những ngày tị nạn. Và trong một góc ngăn kéo rất sau thẳm của ký ức vẫn như còn đọng lại hình dáng một chiếc nịt ngực ao ước mãi của ngày xưa...
Sau này, khi các con tôi khôn lớn, sẽ có một lúc nào đó tôi dẫn vào thương xá, rồi như vô tình, đi ngang quầy bán nịt ngực, tôi sẽ kể các con nghe về chút kỷ niệm của thời mới lớn. Đơn giản thôi các con! Chỉ là một chiếc nịt ngực, mà đã từng là niềm mơ ước, nỗi ám ảnh của mẹ trong một khoảng đời con gái.
Giờ đây, tuổi trẻ các con lớn lên trong mệm ấm chăn êm. Thấy những gì đang có sẵn là tự nhiên, là bình thường. Đôi khi còn than thở, so sánh...Có biết đâu có những không gian và thời gian mà ở đó, ngay cả những cái nhỏ bé bình thường nhất cũng có thể là nỗi tủi nhục, niềm ao ước cháy bỏng. Đừng nói chi đến cái bầu trời tự do để thở như ở đây thì đã là quá tuyệt diệu và đã từng đánh đổi bằng biết bao là đau khổ chồng chất.
Có một thời gian, những câu chuyện vượt biên thống khổ như những vết thương mà người ta muốn quên đi để bớt nhức nhối trong một cuộc sống mới xa lạ và tất bật. Thế nhưng khi có dịp ôn lại và tìm về những kỷ vật cũ ấy, tôi chợt nhận ra rằng những đề tài cũ và đấy dấu tích đau khổ ấy, lại là những bài học tiêu biểu vô cùng cho những thế hệ sau...
Và tôi hiểu ra rằng đó còn chính là bài học cho chính tôi...
Ôi thảm nạn của những cuộc hành trình vượt chết vô tiền khoáng hậu! Ôi những chiếc tầu nhỏ bé một bloc chỉ có thể chạy trên sông mà đã băng biển vượt sóng rồi giông tố biển khơi, hải tặc tàn bạo, và nhục nhằn của bao người trong cuộc hành trình vượt chết...Thế mà bây giờ, tôi ngồi đây, trong cuộc sống có thể gọi là đầy đủ, nhiều lúc lại cho rằng đời sống sao mà khổ! Nào con cái, việc làm, nhà cửa, sao mà bận bịu! Nào "bill", nào "Job", nào chứng khoán trồi sụt...nhưng nghĩ cho cùng, thì có phải là những ngày đêm dài thăm thẳm trôi dạt trên thân tầu sắp vỡ, lúc gần chôn thây trong biển lạnh, lúc cận kề cái chết trong gang tấc, tôi chỉ ước mơ đứng trên đất liền, được sống...Có phải là khi ra đi tôi chỉ mong một bầu trời tự do hơn để thở, có phải là tôi đã ngủ quên cái hạnh phúc lớn lao mà biết bao người không may mắn có được... và, nhìn lại tủ áo, có phải là một lúc nào đó trong đời tôi chỉ ao ước một cái nịt ngực...
Có nghe, có đọc, có nhớ, có hình dung lại những cuộc hành trình biển đông năm xưa thì dường như ta mới cảm nhận được thấm thía hơn tất cả cái may mắn và hạnh phúc mình đang có.
Những thống kê về di dân đã cho thấy thế hệ di dân đầu tiên, như chúng ta, là thế hệ làm cầu nối cho các thế hệ kế tiếp vốn không có chút kỷ niệm và ấn tượng gì về quê hương mà cha mẹ đã phải bỏ lại. Đó là những thế hệ rất dễ ngày càng xa nguồn gốc nếu không được học hỏi giả thích.
Tôi tự nhủ, tôi sẽ không nhất thiết phải đi làm cho thật nhiều để các con có cuộc sống dư thừa, rồi để lại cho các con gia tài tiền của. Nhưng, đại dương sóng sau dồn sóng trước, tôi sẽ góp phần làm gạch nối giữa các con với những giá trị muôn đời của cội nguồn dân tộc. Các con sẽ được chia xẻ, rút tỉa những kinh nghiệm quí báu của cha ông đồng thời học hỏi những cái hay cái lạ của xứ người. Cái đó mới là cái đẹp riêng, là gia tài hành trang của các con, khi một lúc nào đó nhìn màu da khác người bản xứ, sẽ tự hỏi: " Tôi là ai? từ đâu đến, vì sao tôi ở chốn này?" Các con sẽ được giải thích để hiểu rõ, để tự tin, hãnh diện, và sẽ có lúc giải thích cho các con của mình hiểu. Những lúc yếu mềm, không nghị lực, không lối thoát, hãy lăn bành một chút về dĩ vãng, học ở đó những bài học xương máu. Khi tìm hiểu về những chiến trận anh hùng, những hành trình thống khổ đầy gương can đảm, các con sẽ thấy rằng ở đời có muôn ngàn cái khổ, nhưng có những cái khổ và cái can đảm làm rung chuyển lương tâm nhân loại. Máu, mồ hôi, nước mắt nhiều khi liên tiếp đổ ra mà chưa chắc đánh đổi được những gì chúng ta đang có. Rồi hãy hít thở đi cho ngập tràn khí quản cái tự do hạnh phúc quí báu vô vàn, rồi can đảm tiếp bước đi trên đường đời ngang dọc.
Đừng quên rằng chung quanh chúng ta, có những không gian và thời gian mà ở đó có những điều cần thiết, tuy nhỏ bé và bình thường, nhưng chỉ một chiếc nịt ngực thôi, cũng có thể là nỗi ước ao triền miên của những khoảng đời cơ cực...
Amy Phương Lê
Vậy Mà Tôi Cứ Tưởng
1- • Bữa nay ông già lại ra thực đơn…
• Ba đòi ăn gì má?
• Bò xào cải rổ.
• Vậy thì mình ăn bò xào cải rổ luôn
• Ổng đòi vậy chứ mà có ăn được đâu. Hôm qua đòi ăn đùi gà, mình bỏ công nấu cho nhừ, xé nhỏ từng miếng, mới nuốt miếng đầu tiên là ổng khoát tay, nhè ra hết.
• Trời, tội nghiệp vậy! Thèm mà không ăn được mới tội.
Mấy bữa nay ông già chồng tôi bệnh. Lần này chắc nặng. Ông nằm nhiều ngày. Ông kêu đau lưng quá, không ngồi dậy được. Bác sĩ nói bị thấp khớp. Nằm một chỗ nhưng mỗi ngày ông ra một thực đơn rất cụ thể. Bánh ngọt Givral, bò vò viên mua ở Coopmart có gân, đùi gà ta luộc. Đòi thì nhiều nhưng ăn chẳng được miếng nào. Mấy bữa nay ông lại trở chứng, chỉ có tôi đút thuốc, đút thức ăn là ông chịu hả miệng, còn bà già chồng tôi chăm sóc thì ông cứ đưa tay gạt phắt đi. Tôi sợ bà buồn nhưng bà nói: “ Ổng nể bây nên ông ráng mà nuốt đó mà”. Chuyện như vậy nên tự nhiên tôi trở thành một con dâu hiếu thảo dù bình thường tôi rất ngại tiếp cận với ông. Tôi mời được một bác sĩ gia đình đến chăm sóc cho ông. Ông nói: • Bác sĩ ơi, sao tự nhiên tôi bị ngọng. Má chồng tôi cũng nói ông ngọng. Ông bị thụt lưỡi. Chắc ông sắp đi rồi. Tôi thấy đôi mắt ông như dại đi. Biết ông ham vui tôi gọi điện thoại cho má ruột tôi :
• Má kêu mấy đứa nhỏ ra thăm ông nội bé Linh dùm con. Ổng yếu lắm.
Vậy là ba má tôi và mười đứa em cùng vợ chồng con cái kéo hết ra thăm ông già. Hôm đó ông vui lằm. Nói cười sang sảng. Mỹ Tâm, đứa em gái thứ tám của tôi nói:
• Chị nói sao chứ em thấy bác Tư còn khỏe mà.
• Ừa chắc thấy đông vui thì ông khỏe lên chứ bình thường ông đâu được vậy. Thấy tôi lo lằng. Má tôi an ủi:
• Thấp khớp thấy vậy chứ không sao đâu, bệnh này lâu lăm.
Con Thùy, cô người làm của tôi cũng nói :
• Chị đùng lo, năm năm nữa ông nội cũng không sao đâu.
Con Vân, cô người làm cũ về thăm cũng nói :
• Hồi đó ba con cũng năm một chỗ. Thấy thì lo chứ không đến đỗi đâu,cô Lam đừng lo.
Tôi cứ hỏi” Thiệt không?”
Nhà đơn chiếc quá, tôi chưa muốn một thành viên nào ra đi. Ông đòi vào bệnh viện. Nằm ba ngày rồi về. Ông đi lại được. Sau bí đái lại vào viện. Nhà phải chia nhau ra chăm ông. Gọi điện thoại vào thăm thì thằng Thức , cháu kêu ông bằng Dượng đang trực ở bệnh viện khoe:
• Dượng Tư ăn khỏe lắm. Ăn hết nguyên một phần cơm bò xào. Mà Dượng Tư bắt em phải đi mua cơm ở nhà hang Dìn ký mới chịu đó.
Nghe vậy tôi mừng. Có ăn là có sức. Có sức thì có khỏe.
2- Sao dạo này tôi cứ trằn trọc khó ngủ. Linh cảm như có chuyện lớn sắp xảy ra. Có tiếng chuông điện thoại lúc bốn giờ sang. Thôi chắc có chuyện lớn rồi. Không thôi ai lại gọi vào giờ này. Tôi đứng tim chờ. Sau chừng vài phút má chồng tôi gõ cửa :
• Thằng Thức gọi. Ba đi rồi.
Vậy là ai cũng nói sai hết. Đâu phải thấy vậy mà lâu. Ông già trở bệnh mới có hai tuần, mà cũng không phải là bệnh phải chết người nên tôi cứ tưởng…
Khi vào bệnh viện thì hai đứa con gái riêng của ông đã ở đó. Tôi giở tấm khăn đắp mặt ông ra nhìn. Đôi mắt vẫn còn mở, trắng dã. Tôi đưa tay vuốt. Đôi mắt khép lại. Tôi tự hỏi :» Cơ thể đã chết rồi sao đôi mắt còn biết nhắm mở ? »
Khi làm xong mọi thủ tục để đưa ông về nhà thì tôi nghe má chồng tôi nói chuyện với những người bà con của ông ở dưới quê, bảo họ chuẩn bị dùm một chỗ cho ông nằm. Kinh ngạc vô cùng tôi hỏi :
• Ủa, sao má lại..
• Ba muốn về quê nằm bên cạnh ông nội.
• Sao chưa bao giờ con nghe ba nói..
• Ông đã gọi điện thoại cho hết thảy bà con dưới quê là ông săp về cất nhà cạnh ông nội.
• Sao….
Vợ chồng tôi đã hai lần lo sẵn mộ phần cho ông bà. Lần nhất là hai chỗ cạnh bà ngoại chồng tôi. Sau có chỗ đẹp hơn nên vợ chồng tôi cho bà con nào cần, tạo hai mộ phần khác ở một nghĩa trang sạch đẹp nhất thành phố. Mỗi lần có dịp đi đưa tang ai ở nghĩa trang đó ông đều dẫn người quen đến khoe ngôi nhà tương lai. Tôi tưởng vợ chồng tôi đã lo cho cha mẹ tươm tất lắm. Lòng thỏa mãn. Nhưng cuối đời ông lại không thèm. Ông muốn về một miền quê xa tít tắp mà ông đã bỏ đi từ năm mười ba tuổi, hơn sáu mươi bảy năm trời. Vậy mà tôi cứ tưởng…
3- Ngay sau ngày mở cửa mả, má chồng tôi quyết liệt cho đi tất cả nhưng gì mang dấu tích của ông già. Điện thoại di động, đồng hồ, đồ dùng cá nhân…tất tần tật. Bà nói :
• Đổi cái giường đi.
• Bộ má sợ hả? Ba đâu có mất trên cái giường này đâu…
• Tao không sợ, cái giường này có cái múi của ổng. Vậy là đổi giường. Chưa hết, bà càu nhàu:
• Bỏ cái tủ áo này đi.
• Sao vậy?
• - Còn mùi của ổng…..
• Bỏ tủ áo này thì biết lấy cái gì thế. Để con lấy nước hoa xịt, khử hết cái mùi của ba nha.
Vậy là bà chấp nhận nằm cái giường cá nhân thay cho cái giường đôi rộng lớn. Tôi nghĩ chắc bà không muốn chạnh lòng nhớ ông mà buồn. Vậy mà tôi cứ tưởng bà muốn giữ tàn y lại để dành hương….
Cũng ngay sau ngày mở cửa mã, bà đòi con Thùy sáng hôm sau đưa bà đi chợ. Con Thùy sợ bà mệt, bà buồn, bà không đi chợ nỗi nên nó tự động đi chợ cho bà. Chờ hoài không thấy nó tới, bà giận. Tôi la con Thùy không chìu bà. Con Thùy cố giải thích, bà không thèm nghe mà dứt khoát nói:
• Tao đâu có liệt đâu mà đi không nỗi.
Con Thùy tấm tức nói:
• Vậy mà con tưởng…
Tôi cũng nói trong bụng “ Con cũng tưởng….”
Ông già mất. Tôi cứ cám cảnh bà già buồn thiu trong căn phòng rộng. Trưa tôi xuống phòng bà thăm. Tối tôi xuống phòng bà thăm. Tôi muốn bảo đảm cái Tivi bà coi nó OK, có hình rõ tiếng ( vì có nhiều nút điều khiển tôi sợ bà bối rồi). Tôi cứ nhắc nhở bà đi đứng cẩn thận. Tôi dặn con Thùy dòm ngó bà, không ngờ bà quạu:
• Chưa chắc ai chết trước ai đâu mà lo.
Tôi ngỡ ngàng, vậy mà tôi cứ tưởng….
4. Cứ tin là bà đang chạy trốn nỗi buồn mất một người chung chăn gối hơn năm mươi năm. Nhất là khi ông còn sống, dù rất tài năng, bà chỉ ở nhà để “dòm ngó’ ông đúng nghĩa. Ông đố được nói cười vui vẻ với ai nếu là người khác giới tính, bất kể người đó bao nhiêu tuổi, vai vế thế nào với bà, với ông. Tôi nghĩ chắc bà phải yêu ông ghê ghê lắm và bây giờ chắc phải suy sụp lắm lắm lắm. Nhưng bà không có biểu hiện của một bà già vừa mất chồng, cô đơn trong những ngày xế bóng. Mà ngược lại, bà có vẻ thư thái nhẹ nhàng, lên kế hoạch đi đây đi đó, nói cười rỗn rảng. Tôi hỏi :
- Ba mất má không buồn sao?
- Buồn gì mà buồn, già tới số thì chết, có gì mà buồn.
- Con nghe con Thùy nói lúc ba nằm một chỗ, đêm nào má cũng đốt nhang vái cho ba đi sớm.
- Ừa thì sống không khỏe thì để ông bà rước ổng đi. Ổng mà không đi sớm thì tao đi… có tối nào ngủ được với ổng, ông cứ hết khều móc tới đái ỉa. Hết đaí ỉa lại cứ rên hừ hừ..
- Nhưng bây giờ ra vô một mình má không buồn sao?
- Thì cũng hơi buồn thôi, rồi cũng quen. Nghĩ lại sống một mình cũng khỏe re, muốn làm gì thì làm. Hồi có ổng có đi đâu được.
- Thì ba đâu có cấm má đi, tại má không đi…
- Ổng mất nết làm sao mà dám đi đâu…
- Con về nhà này hơn ba chục năm, con thấy ba rất đàng hoàng.
- Đó là tại bây chưa biết…
Tôi nói thầm “ Đó là tại má chưa biết má bệnh quá đó thôi!”
- Thôi má đừng kể tội ba nữa. Con biết hết rồi… ( Tôi phải vội ngăn bà kể những câu chuyện hư hỏng của ông già mà cà nhà tôi không ai tin, dù chỉ là một phần nghìn). Tò mò tôi phỏng vấn tiếp:
- Vậy chứ bây giờ không vướng bận bà thì má muốn sống ra sao?
- Bây kêu thằng Minh mua nhạc Pháp, nhạc Trịnh công Sơn cho tao. Bây giờ tao học đàn lại. Hồi có ổng, mỗi lần tao nghe nhạc ổng nhằn, ổng chỉ thích coi đô vật với xem bóng đá. Ba cái thứ đồ quỷ đó…tao đâu có coi, um sùm. Tao mà đàn thì ổng đi tới đi lui dòm dòm khó chịu. Muốn đi đâu chơi, ngồi chưa nóng đít ổng đã đòi về… Bây giờ muốn làm gì thì làm, khỏe ra, sướng muốn chết.
- Vậy mà con tưởng….
Tôi đem chuyện bà già chồng tôi về chia xẽ với mẹ ruột. Mẹ tôi yêu thương ba tôi vô cùng. Bà mong khi nào đi thì đi có đôi. Trong cuộc sống bà chìu chuộng ông từng chút. Bà luôn nói “ Già rồi có vui thì sống mới lâu, để ổng buồn ổng chết sớm”. Tận trong lòng tôi có hơi bất nhẫn mẹ chồng tôi, tôi nghĩ bà hơi vô tình. Tôi nghĩ mẹ ruột tôi, một người đàn bà chân quê sẽ phê phán mẹ chồng tôi. Nhưng mẹ tôi lại bình thản nói:
• Chị Tư là một người thành thật khi nói vậy. Hồi anh Tư còn sống, ngó lơ thì chị sợ sổng mất anh. Theo canh hoài thì mỏi mệt. Một người có ăn có học, ham đàn ham hát mà sống với một ông gốc ruộng đồng thành ra nó tréo que. Bây giờ sống không còn được bao lâu, chị Tư được sống theo ý mình thì chị thấy thoải mái là phải rồi…chị cũng đâu cần giả bộ buồn, giả bộ tiếc thương với ai…
• Vậy mà con tưởng
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét