22 tháng 7 2019
EM KẾT NGHĨA…
Tết năm 1981, con gái tôi mới gần bốn tháng tuổi. Theo lời giới thiệu của chồng, tôi tìm gặp một kỹ thuật viên trung cấp nông nghiệp vừa làm việc vừa học tại chức (ở Trường Đại học Cần Thơ) và đã tốt nghiệp đại học… để viết bài báo Xuân cho tòa soạn. Hôm ấy là chủ nhật, em vẫn vào nông trại làm việc. Còn ông xã tôi phải tháp tùng để ẵm giúp con gái lúc tôi trò chuyện cùng em, và cũng để tôi có thể cho con bú mẹ đúng giờ…
Em là anh Hai trong một gia đình có chín anh em, gồm bảy cô em gái nằm khúc giữa… Cả chín - dù gái hay trai đều đẹp, mũi cao, thẳng, miệng cười có duyên. Khi em rời quê Ô Môn đi học tại Cần Thơ, ba má em đã cố gắng mua cho được miếng đất khá rộng trong con hẻm xeo xéo cổng Khu 2 trường đại học. Lúc tôi gặp gỡ em lần đầu để viết về em - một tấm gương phấn đấu vượt khó trong học tập và thành đạt - dường như căn nhà ấy còn lợp lá, vừa đủ cho em cùng các em mình (đang theo học ở Cần Thơ) náu nương nhau trên con đường đi tìm tri thức. Cạnh nhà có chiếc ao khá rộng hình chữ nhật. Tôi đã từng chứng kiến những ngày đầu em cật lực đào ao và cả lúc “sên” ao, mình mẩy lấm lem sình đất. Ngày ấy dáng vẻ em thư sinh, ốm yếu hơn so với sau khi có vợ cho tới bây giờ… Lúc ngắm em mím môi xắn từng leng đất hất nhịp nhàng lên bờ vườn, tôi như trông thấy được quyết tâm, sức mạnh và tương lai của các anh em. Với sự gương mẫu, tình thương yêu của cánh chim đầu đàn là em, các em của em đã tuần tự trưởng thành, học giỏi, hết lòng yêu thương, đùm bọc nhau, đồng thời chăm chút cho mảnh vườn cùng mái ấm gia đình!
Theo thời gian, em trở thành em kết nghĩa của chồng tôi. Ba má em cũng xem chúng tôi như con cái trong nhà. Có lần, bác Hai gái kể chuyện hồi mua bán đồ hàng bông ở chợ quê. Bà nói mê nhứt là bán Tết, hàng họ có bao nhiêu cũng bán sạch veo buổi chợ ngày cuối năm. Hồi mấy em mới đi Cần Thơ học, hằng tuần bác trai (lâu lâu thì bác gái) đều xuống thăm, chi viện đồ ăn đủ trong tuần cho mấy anh em. Lúc đầu tôi chưa biết bác gái nhiều vì bác bận buôn bán ở quê. Còn bác trai thì tôi thường gặp, vì chính bác đã cùng con trai đầu lòng làm “chủ xị” trong việc gây dựng, chăm sóc miếng vườn nhà… Sau, hai bác về ở hẳn tại Cần Thơ, căn nhà và miếng vườn cũng nhiều lần thay da đổi thịt và biến thiên theo quá trình qui hoạch đô thị. Chín anh em của em đều thành danh, nên người và hầu hết đều làm việc, đóng góp không ít công sức vào công cuộc phát triển của Cần Thơ, Hậu Giang - nhất là em…
Tốt nghiệp đại học xong em tiếp tục làm việc tại trường. Và, từ là một công nhân nông trại, em chuyển sang công tác bên vườn quả, rồi học lên, học lên nữa… cho tới khi có học vị tiến sĩ (mấy năm rồi). Tôi biết, muốn trở thành giảng viên đại học, chí ít cũng phải là thạc sĩ. Em không chỉ muốn mình đứng vững trên chính đôi chân của mình. Em còn phải làm gương cho các em mình noi theo và cùng đi theo cái đầu tàu anh Hai - mà theo nếp nhà, các em em vẫn còn xưng “con” với người anh khả kính của mình.
Tôi không muốn nhắc về em thông qua thành tích chuyên môn. Tôi chỉ nhớ về em bởi em là một người con hiếu thảo với mẹ cha; một người anh, người bác, người cậu tuyệt vời của “bầy” em, cháu của em. Riêng, với chúng tôi, em là đứa em kết nghĩa - gần bốn chục năm qua vẫn một lòng son sắt, thủy chung với người anh không ruột rà, huyết thống! Mỗi mùng 3 Tết, em thường đến nhà tôi với chút ít quà đậm đà tình nghĩa. Khi thì đôi chai rượu nhẹ. Lúc vài chục quít không hạt (nếu tôi nhớ không lầm thì đó là kết quả đề tài nghiên cứu khoa học của em - đã đi vào cuộc sống. Lỡ chị có nhớ sai thì chị xin “say sorry” với em nhe!)… Vấn đề không phải là quà. Quan trọng là khi tới em “đòi” ăn với gia đình, hoặc chí ít là với chồng tôi, một tí tôm khô củ kiệu hay ít thịt kho hột vịt kèm bánh tét nhưn mỡ đậu xanh… Cũng có động đũa mấy đâu. Ba ngày xuân, nhà ai cũng đầy tràn các món ăn quen thuộc ấy. Chỉ là để nhâm nhi với chồng tôi và nói cho ông ấy nghe bao thứ chuyện trên đời! Có khi còn trao đổi, “tham vấn” chuyện làm giàu - muốn giàu thêm bạc tiền hay giàu thêm tri thức - để lựa chọn hướng đi, khi cuộc sống vô tình đưa đẩy em chần chừ trước ngã ba đường…
Lúc bác trai còn sống, cả nhà tôi thường đến chơi với gia đình và thăm bà ngoại em, nhất là vào các dịp giỗ chạp, tết nhứt hay những khi gia đình có hỷ sự. Hai con tôi gọi ba má em là ông bà nội nuôi. Ngày tôi rời khu tập thể trường đại học về ở nhà riêng mới mua, ba và em đều tới mừng tân gia. Trước đó, khi nghe tôi báo tin đã mua và sắp dọn nhà em ngạc nhiên lắm và chạy ngay tới, hỏi xem giấy tờ nhà. Sau khi tận mắt trông thấy giấy tờ và nhà cửa còn nguyên xi, không bị chủ trước lừa, gỡ lấy đi bất cứ thứ gì… em thở đánh khì và cười cả miệng lẫn mắt, phán “Chị giỏi thiệt!”. “Có giỏi gì đâu em. Lù khù ông cù độ mạng…” tôi trả lời và kể em nghe “Anh của em phải mượn tiền của bạn của thầy gởi về cho chị mua nhà… Nếu lỡ bị lừa, chắc chết!” “Trường chuyển hộ cán bộ từ tập thể khu Hai về khu Một sao chị không về mà phải đi mua nhà ở ngoài?” “Em coi, một mình chị với hai đứa nhỏ trên một chiếc xe đạp, ngày bốn lượt đi về, trong khi khu Một cách cơ quan chị ba bốn cây số, chị biết phải làm sao! Vừa bất tiện đi lại đưa đón con đi học, đi nhà trẻ, vừa sợ tai nạn giao thông!”
Cảm động nhất là ba em cũng đến chúc mừng nhà mới (chỉ 40 mét vuông, trong một hẻm nhỏ trên đường Trần Hưng Đạo, cách cơ quan tôi và hai trường học của con chưa đầy hai cây số). Khi đó con trai tôi lên ba, còn chị nó mười ba... Những năm về sau này, khi con trai tôi học lớp chín, lớp mười mỗi khi có dịp đến chơi, ông hay nhắc các con tôi “Ông thấy má tụi con có tóc bạc, và cái lưng hơi còng hơn trước rồi đó. Những lúc ba con đi học vắng nhà tụi con phải nghe lời và quan tâm giúp đỡ mẹ nghe hông…” Từ ngày ông mất, nhất là từ ngày má em nhớ nhớ quên quên, bẵng mấy năm nay vợ chồng tôi ít khi đến thăm bà và các em! Song, mùng 3 Tết năm nào em cũng đến với vợ chồng tôi, trừ khi có chuyện quá đột xuất…
Hôm nay nhớ chuyện xưa, tôi muốn nói với em cùng gia đình em lời xin lỗi! Dù em và các em em chắc là không trách cứ chi đâu. Bằng chứng là mới gần đây thôi, khi em gái em cưới dâu, tôi bệnh và bận giữ cháu ngoại không đi được, em ấy cứ tiếc hoài, còn căn dặn chồng tôi “Chừng nào rảnh anh phải đưa chị tới nhà em chơi nhe. Em nhớ chị lắm!”
Chị xin cảm ơn em và những đứa em rất đáng yêu của em. Và, xin chúc má sống khỏe, vui, trường thọ cùng con cháu trong một đại gia đình hạnh phúc!
Nguyễn Thị Thanh Ngọc
* Tặng NBP và gia đình em!
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét