.

.

a

Hoa đào nở, chim én về, mùa xuân lại đến. Chúc quý thầy cô và anh chị em đồng môn năm mới Giáp Thìn : - nghìn sự như ý, vạn sự như mơ, triệu sự bất ngờ, tỷ lần hạnh phúc.
THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ, ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU - MỘT NĂM MỚI AN KHANG THỊNH VƯỢNG - VẠN SỰ NHƯ Ý

16 tháng 7 2019

Chàng trai Việt trở thành triệu phú nhờ món gỏi cuốn (Australia)

Từ món ăn yêu thích, Nguyen Bao Hoang đã sáng lập chuỗi cửa hàng đồ ăn Việt với doanh thu trên 40 triệu USD mỗi năm.
 

Để phát triển chuỗi nhà hàng ẩm thực Việt tại Australia, Bao Hoang phải làm việc 120 giờ mỗi tuần. Ảnh: Good Food. 
Nguyen Bao Hoang là một trong ba nhà sáng lập, kiêm CEO của chuỗi nhà hàng đồ ăn nhanh Rolld ở Australia. Hiện Rolld có mặt ở khắp các trung tâm thương mại và trở thành thương hiệu ẩm thực quen thuộc tại Australia.
Những năm đầu thập niên 1980, bố mẹ Bao Hoang rời Việt Nam sang định cư tại Australia. Sinh ra và lớn lên tại xứ sở chuột túi nhưng Bao Hoang luôn có mối liên kết sâu sắc với văn hóa Việt Nam, đặc biệt là ẩm thực.
Sau khi tốt nghiệp ngành Vật lý Trị liệu tại ĐH Melbourne, Bao Hoang làm nhượng quyền thương hiệu trong lĩnh vực sức khỏe khoảng 10 năm. Yêu thích ẩm thực Việt, Bao Hoang ấp ủ đam mê và mong muốn giới thiệu ẩm thực Việt đến bạn bè quốc tế.Từ nhỏ Bao Hoang luôn được thưởng thức các món ăn thuần Việt do mẹ và các dì chế biến. Những món ăn đơn giản như bánh mì, gỏi cuốn, phở luôn xuất hiện trong thực đơn hàng ngày của Bao Hoang và anh ăn không bao giờ biết ngán.


Năm 30 tuổi, Bao Hoang bỏ công việc ổn định, mức thu nhập tốt để khởi nghiệp nhà hàng ẩm thực Việt. “Tôi đã nói chuyện với anh họ về ý tưởng kinh doanh chuỗi thức ăn đường phố mang hương vị Việt và anh ấy rất thích. Vậy là chúng tôi lên kế hoạch mở nhà hàng Rolld đầu tiên”, Bao Hoang chia sẻ.
Năm 2012, Bao Hoang cùng anh họ Tin Ly và người bạn học cấp một, Ray Esquieres, góp số vốn 180.000 AUD mua lại quán cà phê Italy ở thành phố Melbourne để khởi nghiệp. Tháng 5/2012, nhà hàng chuyên kinh doanh thức ăn nhanh hương vị ẩm thực Việt ra đời có tên Rolld.


Ba đồng sáng lập của Rolld (từ trái sang): Nguyen Bao Hoang, Tin Ly và Ray Esquieres. Ảnh: FB Rolld.

Chỉ 6 tháng sau, Bao Hoang đã mở thêm được nhà hàng thứ hai. Không có kinh nghiệm trong lĩnh vực ẩm thực nhưng bằng đam mê và hương vị Việt độc đáo, nhà hàng của Bao Hoang đã chinh phục được những thực khách khó tính nhất.
 Ban đầu, Bao Hoang mục tiêu hướng tới khách hàng là nhân viên văn phòng của các công ty xung quanh có nhu cầu ăn trưa nhanh gọn và tốt cho sức khoẻ. Xây dựng phong cách giản dị, thiết kế đơn giản, các món ăn có lợi cho sức khỏe, Rolld dần thu hút nhiều người tìm đến và trở thành khách hàng thân thiết. Thương hiệu ẩm thực Rolld dần trở nên quen thuộc với người Australia.
Toạ lạc tại khu văn phòng nhộn nhịp, Rolld là nhà hàng đặc trưng với các món ăn quen thuộc của người Việt như: gỏi cuốn, bánh mì, phở, cơm tấm… Ngay ngày đầu khai trương, Rolld phục vụ hơn 150 thực khách và mới 13h30, nhà hàng đã hết sạch đồ ăn. Chỉ vài tuần sau, số lượng khách hàng đến với Rolld tăng lên 1.000 khách mỗi ngày.
Theo Bao Hoang, công thức tạo nên thành công của Rolld là mối liên kết chặt chẽ giữa các thành viên trong gia đình. Người tạo ra công thức món ăn là mẹ và dì, bố quản lý việc giao hàng, vợ anh làm giám đốc thương hiệu, trong khi anh trai và chị gái giúp quản lý cửa hàng.

 

Nhà hàng Rolld hiện bán nhiều loại gỏi cuốn khác nhau được chế biến từ rau củ, thịt, hải sản. Ảnh: FB Rolld.
Hiện nay, chuỗi nhà hàng Rolld có hơn 700 nhân viên, mỗi năm bán ra khoảng 6 triệu chiếc nem cuốn, chiếm 50% doanh thu của chuỗi cửa hàng. Ngoài ra, các món ăn Việt khác như bánh mì, phở, bún bò Huế cũng được thực khách yêu thích.Rolld nhanh chóng trở nên nổi tiếng và Bao Hoang dần mở rộng chuỗi 66 nhà hàng tại các thành phố lớn của Australia. Những năm qua Rolld liên tiếp đạt mức tăng trưởng khoảng 800%doanh thu mỗi năm đạt 40 triệu AUD (gần 30 triệu USD).
Mở rộng chuỗi cửa hàng nhanh chóng với số vốn nhỏ là thách thức lớn đối với Bao Hoang. Bao Hoang lựa chọn nhượng quyền thương hiệu Rolld để mở rộng và tìm kiếm thêm nhà đầu tư. Đến nay, 70% chi nhánh của Rolld do Bao Hoang và hai người đồng sáng lập sở hữu, số còn lại là chi nhánh nhượng quyền.
“Để gây dựng một thương hiệu ẩm thực tại Australia là điều không đơn giản. Vì vậy, khi khởi nghiệp chúng tôi phải phát triển thương hiệu thật mạnh để đảm đảm đứa con tinh thần không bị chết yểu”, ông chủ người Việt chia sẻ.
Mục tiêu của Bao Hoang đến cuối năm 2018 là Rolld có 100 nhà hàng chi nhánh. Đồng thời, anh cũng lên kế hoạch mở rộng ra nước ngoài, cụ thể là Philippines và Mỹ.

Theo Ngôi Sao

Hồi ức về xe đò xưa – Vì sao người miền Nam gọi là “xe đò”, “lơ xe”?



 Theo nhà văn Sơn Nam, đồng bằng Nam bộ sông nước chằng chịt, ngày xưa phương tiện đi lại chủ yếu bằng đò ghe, cho đến thập niên ba mươi, người Pháp thành lập vài hãng xe chở khách đi miền Tây. Thời ấy đường bộ chưa phát triển, xe đến bến khách phải chuyển tiếp bằng đò ghe nên người ta gọi là xe đò cho tiện.
Người miền Bắc gọi xe đò là xe khách hoặc xe ca, còn người Trung lại gọi xe đò giống như người Nam. Một số người giải thích vì hầu hết các chủ nhà xe đi miền Trung là người Sài Gòn nên “xe đò” trở thành phương ngữ chung cho tiện. Nhà văn Sơn Nam nhắc tới kỷ niệm thời học sinh trung học từng đi xe đò từ Rạch Giá về Cần Thơ mà ông có nhắc lại trong tập “Hồi ký Sơn Nam”:
“…Tiền xe từ Rạch Giá đến Cần Thơ là một đồng hai (120km) nhưng nhỏ tuổi như tôi chỉ tốn có 6 cắc. Tôi lên xe ngồi để người phụ xế sắp đặt chỗ ngồi cho gọn, khép nép, chung quanh xe là nhiều người rao hàng để hành khách ăn buổi sáng vì buổi trưa mới đến bến Cần Thơ. Tôi còn nhỏ, ba tôi cho riêng tôi 2 cắc, rất tủi thân vì trong khi ấy gia đình khá giả dám trả 1 đồng hai (hai chỗ dành cho trẻ con rộng rãi hơn) lại dành cho con một cái bánh bao to để ăn dọc đường. Xe khách bóp kèn inh ỏi, chạy vòng quanh để tìm kiếm khách…”
Thời kỳ đầu xe đò do người Pháp làm chủ toàn là loại xe nhỏ chở khách chừng hơn hai mươi người. Nhưng chỉ một thập niên sau, người Việt giàu có tham gia mở công ty lập hãng, nhập cảng máy, khung gầm từ châu Âu châu Mỹ, đóng thùng thành xe đò loại lớn chở hơn năm chục hành khách, cạnh tranh ác liệt trong giai đoạn đường bộ được mở rộng và phát triển ở các tỉnh miền Tây và Ðông Nam Bộ.
Giao thông kết nối khắp nơi, nhu cầu đi lại của người dân càng nhiều, tạo thành thời vàng son của xe đò. Chiến tranh Ðông Dương nổ ra, Nhật vào chiếm miền Nam, xăng dầu khan hiếm, bị giám sát chặt chẽ, ngành xe đò suy giảm, một số hãng xe hoạt động cầm chừng và phải thay đổi nhiên liệu cho xe hoạt động.
Ông Sơn Nam kể: “Xe ô tô chở khách phải dùng “ga”, hiểu là than củi tràm, bỏ vào cái thùng tròn đặt bên hông xe phía sau. Trước khi cho xe nổ máy thì quạt cho than tràm cháy, hơi ga ấy bị đốt, gây sức ép cho máy xe chạy, gọi “Autogène”, theo mô hình của Kỹ sư Thịnh Hưng Ngẫu chế tạo ở Sài Gòn”.
Hình ảnh chiếc xe đò nhỏ chạy bằng than đốt trong cái thùng phía sau xe được lặp lại từ năm 1975 đến 1985 – thời kỳ khan hiếm nhiên liệu, chắc người Sài Gòn tuổi trung niên trở lên đều biết rõ. Mỗi lần chui vào cửa xe phía sau là đều phải cẩn thận với cái thùng than cháy nóng được treo dính ở đuôi xe. Thường thì người ta chỉ cải tiến xe đò lỡ – tức là loại xe Renault cũ xì từ giữa thập niên 50.
Tuy giới lái xe gọi đó là xe đò hỏa tiễn nhưng nó chạy chậm hơn xe chạy xăng hoặc dầu. Có lúc xe chạy ì à ì ạch khi than cháy không hết, lơ xe phải dùng thanh sắt mở lò đốt cời than. Hoặc thỉnh thoảng gặp đường vồng xóc, than văng ra khỏi cửa thông không khí, rớt xuống đường cháy đỏ rực. Vô phúc cho chiếc xe đạp nào chạy phía sau tránh không kịp, cán phải cháy lốp xe.
Xe đò hỏa tiễn chạy những đường ngắn như Sài Gòn – Long Khánh, Chợ Lớn – Cần Giuộc – Gò Công, Sài Gòn – Long An, còn xe đò dài vẫn chạy bằng xăng dầu, nhưng không còn nhiều như trước.
Trên mui phía đầu xe thường có thùng phuy nước dùng để làm nguội máy, kế tiếp là nơi chở hàng hóa, xe gắn máy, xe đạp cho khách buôn chuyến và khách đi tỉnh xa.
Tôi còn nhớ mãi lần đầu được đi xe lô về quê bên ngoại ở Càn Long, Trà Vinh. Năm đó tôi chín tuổi, đi cùng với người anh bà con. Xe lô có bãi xe ở Bến Bạch Ðằng và Bến Chương Dương. Bãi xe lô hay nhiều bãi bến xe đò khác khắp nơi trong thành phố Sài Gòn – Chợ Lớn đều nằm hai dãy dọc theo đường phố. Phòng vé là một cái quầy hay cái bàn gắn tấm biển to đề tên từng hãng xe, chạy lộ trình nào. Riêng xe lô không cần bán vé, khách đến bãi xe còn chỗ trống cứ lên, đủ người thì bác tài chạy. Loại xe này gọi đúng tên là “Location”, sơn màu đen, kiểu xe ô tô chở chừng bảy tám người nhưng bác tài cố nhét thêm hành khách.
Xe lô chạy nhanh hơn xe đò vì không bắt khách dọc đường, không lên xuống hàng hóa cồng kềnh, lại có khi qua cầu tạm không cần bắt hành khách xuống cuốc bộ. Ðể gió lùa vào cho hỉ hả đám hành khách ngồi chật cứng như nêm, lại thêm giỏ xách túi bị, va li lỉnh kỉnh, bác tài mở cửa sau bung lên cột chặt lại, người ngồi phía sau ngó ra phố phường. Xe chạy ra khỏi Phú Lâm, nhìn cảnh đồng lúa xanh tươi hai bên đường, lòng cảm thấy phơi phới mặc dầu lâu lâu tôi phải nhấc mông trở cẳng vì bị ngồi bó gối.
Nói là đi xe lô thì hành khách không cần xuống bộ qua cầu tạm, chứ lần đó tôi vẫn phải xuống cuốc bộ như bao chuyến xe đò khác. Tôi mới ca cẩm, xe lô cái nỗi gì, có mà “lô ca chân” theo lời hát của một tuồng cải lương trên truyền hình. Sau năm 1968, cuộc chiến ngày càng ác liệt, cầu đường nhiều nơi bị đánh phá, có nơi phải dựng cầu tạm, đầu cầu có đặt trạm kiểm soát của quân cảnh hay cảnh sát.
Ðường về Trà Vinh chỉ hơn 160 cây số mà qua mấy chục cây cầu, lại phải chờ phà Mỹ Thuận. Ði xe lô cho được nhanh mà về đến nơi phải mất năm sáu tiếng đồng hồ, huống hồ chi hành khách đi miệt Hậu Giang, Cà Mau xuống ở bến xe còn phải đón đò về nhà ở vùng U Minh, Miệt Thứ mất cả ngày đường. Chỉ có xe thư tức là xe đò làm nhiệm vụ giao nhận thư từ bưu phẩm chuyển cho bưu điện tỉnh mới được ưu tiên, không phải lụy phà hay bị cảnh sát xét hỏi.
Bây giờ xe đò tiến bộ hơn nhiều, xe có máy lạnh, ghế nằm thoải mái cho khách đường xa, duy chỉ không có phòng vệ sinh trong xe, lại còn tặng thêm nước uống, khăn ướt lau mặt. Xe chạy nhanh nhờ có cầu qua hai con sông Tiền và sông Hậu, tôi ngồi xe Mai Linh chạy một lèo về tới chợ Cà Mau chỉ mất sáu tiếng đồng hồ. Nếu không kể đến loại xe dù bắt khách dọc đường, thì xe đò là phương tiện đi đường xa tương đối rẻ tiền.
Trước năm 1975, Xa cảng miền Tây là bến tập trung các xe đò về các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, bên cạnh đó lại có bến xe Chợ Lớn đi về Cần Giuộc, Gò Công, Lý Nhơn, về sau bến xe này gộp lại với Xa cảng miền Tây mở rộng thành Bến xe miền Tây nằm trên đường Kinh Dương Vương quận Bình Tân.
Còn bến Miền Ðông dành cho xe đi các tỉnh miền Trung và phía Bắc trên đường Petrus Ký trước kia thì gộp lại với hai bến xe nhỏ là Nguyễn Cư Trinh đi lộ trình cao nguyên và Nguyễn Thái Học đi Long Hải – Vũng Tàu – Phan Thiết, rồi sau đó vài năm chuyển về bến xe Văn Thánh, và cuối cùng yên vị tại Bến xe miền Ðông trên đường Ðinh Bộ Lĩnh hiện nay.
Nhưng nghe đâu hai bến xe này sẽ phải dời ra xã Tân Túc huyện Bình Chánh và Suối Tiên Q. 9 để có diện tích rộng hơn, đáp ứng được cho nhu cầu ngày càng tăng. Sẽ thiếu sót nếu không nhắc đến Bến xe An Sương, bến này đúng ra có xe đi Tây Ninh – Bình Phước – Bù Ðăn – Bù Ðốp, vùng Tây Trường Sơn, nhưng cũng có xe đi vài tỉnh thành của cả ba miền, do hai bến xe miền Ðông và miền Tây nhỏ hẹp.
Ai cũng có kỷ niệm lần đầu đi xe đò. Mỗi chuyến xe chuyên chở nỗi niềm hoài niệm. Có người nhớ chuyện tiền vé như nhà văn Sơn Nam. Có người lòng phơi phới nhìn thấy phong cảnh đồng lúa xanh tươi chạy dài bên quốc lộ như tôi. Cũng có người nhớ mùi mồ hôi, mùi xăng dầu giữa nắng gió miền Trung. Nhớ bến bãi ồn ào í ới ngày xưa. Và cũng có người tuổi đời chồng chất, nhớ cảnh xuống xe qua cầu xe lửa Bến Lức, Tân An thuở xa lắc xa lơ.
Tại sao gọi là ”Lơ” xe đò?
Đầu thế kỷ 20, Saigon chỉ mới nhập một vài chiếc xe ô tô sử dụng cho ngành bưu chính để chuyên chở thư từ và bưu phẩm đi các tỉnh lân cận: Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Tây Ninh, Tân An do người Pháp lãnh thầu. Tới năm 1908 tại Sài Gòn đã có khoảng 30 xe đò kiểu còn thô sơ, để chở khách tuyến Lục tỉnh. Thường một chiếc xe có 1 phụ xế lo soát vé, bốc vác hành lý cho hành khách. Chữ ”Lơ” xe đò là từ tiếng Pháp: Contrôleur, có nghĩa là người soát vé mà ra.
Nguồn: Yên Huỳnh


Không có nhận xét nào:

CHÀO MỪNG QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU SÓC TRĂNG THAM QUAN, ỦNG HỘ HOANGDIEUTRUONGXUASAIGON.BLOGSPOT.COM. CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM NHIỀU SỨC KHỎE, THÀNH CÔNG TRONG CÔNG VIỆC.