.

.

a

Hoa đào nở, chim én về, mùa xuân lại đến. Chúc quý thầy cô và anh chị em đồng môn năm mới Giáp Thìn : - nghìn sự như ý, vạn sự như mơ, triệu sự bất ngờ, tỷ lần hạnh phúc.
THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ, ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU - MỘT NĂM MỚI AN KHANG THỊNH VƯỢNG - VẠN SỰ NHƯ Ý

16 tháng 7 2019

HAI BÀ NỘI…!





Từ khi hiểu chuyện, tôi biết mình có hai bà nội. Bà nội ở Sóc Trăng là người sinh ra bác Hai và ba tôi. Bà nội ở Phú Lộc thì sinh từ chú Tư A. cho tới chú Kh. (thứ tám, là út). Thỉnh thoảng ông nội lên Sóc Trăng. Có khi bà nội Phú Lộc cũng theo cùng ông, đi Sóc Trăng khám bệnh…
Nhà tôi nấu cơm tháng cho quý thầy cô Hoàng Diệu ở trọ tại nhà (hoặc trọ nơi khác, chỉ đến dùng cơm rồi về). Việc nấu nướng, chợ búa do má tôi đảm nhiệm. Ngày ngày, nội tôi “ngồi sòng” tứ sắc tại nhà. Ông nội tôi không thích điều này. Mỗi lần ông lên Sóc Trăng, gặp tại trận thì sòng bài phải dẹp ngay tức khắc. Nhiều lần như vậy, mấy bà rủ nhau đi “múa quạt” nơi khác. Trong đó có nhà của bà nội bạn H., học cùng khóa trường Hoàng Diệu với tôi. Những lúc ấy ông nội buộc má tôi phải đi tìm bà nội về liền (nói theo bây giờ là ngay và luôn), không “oỏng đơ” gì ráo…
Dù có hai vợ, nhưng trong gia đình ông nội tôi là số Một. Nhất là những khi ông nổi nóng hoặc tức giận lên, thì cả nhà ai cũng im thin thít. Khỏi nói, mỗi lần vậy, tôi đều leo lên giường, trùm mền kín mít. Cũng có khi bà tôi cãi lại ông, hoặc nói mát mẻ “Tui đã ly thân với ông từ khi ông rước bà nhỏ về mà. Lúc ấy, tui mới hơn ba mươi chớ mấy. Ông có vợ con riêng rồi thì phải để tui tìm niềm vui khác chớ. Tui đánh bài đâu phải bằng tiền của ông…” Có khi, nội nói “Tại con Vú thằng A. nó hiền, tui không nỡ nói động tới… Ông làm quá, thì ông bỏ tui luôn đi. Sao tui nói hoài mà ông hổng chịu? Ông nói số ông hai vợ, nếu tui bỏ ông thì cũng như không… Mà, tui nói, ông lên đây làm gì? Hai người giùm ơn đi…” Chú Tư A. do nội Phú Lộc sinh ra, nhưng nghe nói hồi nhỏ chú khôi ngô lắm, nên nội Sóc Trăng làm khai sinh nhận chú là con, và chú ở luôn tại Sóc Trăng, đi học…
Có lần, nội Phú Lộc lên khám bệnh, đang nằm trong buồng của một chị dưới quê lên trọ học, nghe nội Sóc Trăng tôi nói vậy thì lệ cứ lặng lẽ rơi dài, ánh mắt nhìn tôi vô cùng buồn bã mà miệng thì cố nở nụ cười!
Tôi thương quý cả hai bà nội. Mỗi dịp nghỉ hè về quê chơi, tôi tha hồ được nội Phú Lộc làm cho ăn món mà tôi thích nhất - khoai môn “ngào pà”. Còn nữa, ăn cơm với dưa muối chấm nước tương giằm tí ớt hiểm. Nội Phú Lộc muối dưa leo đèo, hoặc làm dưa cải “tùa xại” rất ngon. Đó là nguồn thu nhập của bà. Ngoài ra, bà còn nuôi giấm bán. Và nhận “luôn”, đơm nút áo dài, làm khuy các loại áo quần khác nữa… Tôi không thể nào quên hình ảnh bà ngồi khòm khòm, cắm cúi, miệt mài, tay thoăn thoắt vắt khuy, đơm nút… với chiếc kính lão trễ trên sống mũi. Phải nói, tôi chưa thấy ai làm khuy và đơm móc quần tây chắc và khéo, đẹp cho bằng nội Phú Lộc của tôi. Chiếc ghế bố (tấm vải bố có nẹp hai đầu để luồn hai khúc gỗ tròn đặc ruột, ngáng vào hai cái rãnh ở hai đầu ghế) là chỗ ngồi cố định của bà. Lúc hàng nhiều, bà còn làm vào buổi tối, bên cái đèn trứng vịt - lúc nhà không có điện! Khi tôi mười bốn mười lăm tuổi, có dịp ngồi phụ xếp những chiếc áo quần lúc bà đơm nút xong, bà hay nói với tôi “Nội mong mình sống cho được tới khi con và cô Bảy con có chồng…” Tôi cười cười “Nội phải chờ cho có cháu cố nữa chứ!” “Chắc hổng kịp đâu con!” Cô Bảy nhỏ hơn tôi hai tuổi, áp út. Còn cô Năm thì lớn hơn cô Bảy bốn tuổi. Chắc bà nội đinh ninh mình sẽ có đủ thời gian lo, tiễn cho cô con gái lớn theo chồng... Nên ao ước được nhìn ngày con gái nhỏ vu quy. Và, cả tôi nữa… Lúc ấy tôi nghe vậy chớ không để ý gì. Vậy đó rồi bà… “đi”, khi cô Bảy tôi mới lên tuổi mười lăm. Thì ra bà đã mắc bệnh lao phổi nặng!



Từ nhỏ, tôi ngủ chung với bà nội Sóc Trăng, cho đến ngày đi lấy chồng. Thường, dưới gối nằm hoặc dưới góc nệm bà hay để tiền. Nhưng tuyệt nhiên tôi không hề tò mò, đếm hoặc “nhón” lấy một đồng nào. (Thói quen này “đeo” tôi mãi đến nay, tôi không biết trong bóp của chồng có bao nhiêu tiền, hay hình ảnh, hoặc bất cứ vật gì trong đó…) Trong phòng ngủ có chiếc tủ quần áo bằng gỗ cao to, chứa đồ của hai bà cháu, và cái tủ sắt “bốn vú” khóa chữ. “Mật mã” là bốn chữ cái đầu tên tôi. Xâu chìa khóa tủ sắt cũng nằm dưới nệm. Khi cần lấy gì trong tủ sắt, nội kêu tôi mở khóa. Thời bao cấp khó khăn, nội tôi bán chiếc tủ sắt cho một cơ quan có nhu cầu. Chiếc tủ quần áo, và cái gạc-măng-giê - ngày tôi dọn vào ở nhà tập thể bên Khu 2 Trường Đại học Cần Thơ, nội nhứt định biểu tôi nhận, gọi là “chia của”. Trải bốn lần dọn nhà, cái tủ quần áo ấy hiện giờ tôi đã chuyển giao cho vợ chồng đứa con trai. Còn cái gạc-măng-giê, lúc nội còn sống, tôi đã xin phép bà cho tôi tặng một chị làm chung cơ quan, và bà tôi đồng ý!

Sau 30-4-1975, nội tôi nghỉ đánh bài và tự nấu ăn để trường chay. Lúc đó không có nhiều người ăn chay, và thực phẩm chay không phong phú như bây giờ. Bà tự nghĩ ra và nấu những món như: bắp chuối luộc bóp giấm, để rau răm, đậu phọng đâm nhuyễn - ngon không kém gỏi gà. Canh chua chuối xiêm chín nấu với nửa miếng tàu hũ, phần còn lại kho khô rắc tiêu… ơi, ngon thiệt là ngon. Nội Sóc Trăng trước thường xuyên “múa quạt”, song tôi nhớ rõ, mỗi dịp xuân về, chính tay bà làm từ A tới Z các món mứt: cà, mãng cầu, dừa… Một hai năm đầu sau đổi mới, bà còn làm mứt bưởi, mứt cà… cho con gái bảy tám tuổi của tôi bưng rổ đi bán dài theo xóm. Có một loại mứt nội tôi chuyên làm đãi khách, đó là mứt mận. Mứt mận không làm dẻo như mứt chùm ruột hay mứt cà, mà có nước để dùng chung với nước đá. Những ai từng ăn món này của nội, đều khen “Mứt mận còn ngon hơn trái vải đóng hộp. Bởi nó có vị chua chua chứ không ngọt “toàn phần” như trái vải…” Má tôi và tôi đều được bà dạy “bí kíp” làm các loại mứt, bánh, như bánh gan, bánh bò nướng sao cho có nhiều rễ tre; bánh thửng sao cho nở tai đều, to; bánh khoai mì, bánh đậu xanh, sao cho mịn, mềm, không quá ngọt, quá béo mà ăn đến quên thôi; vân vân… Nhưng nói thiệt, hiện giờ, tôi cũng khá “hư hỏng” rồi, bí kíp đã đánh rơi mà không chú tâm tìm lại - vì rất sợ các loại thức ăn ngọt!
Bà không chỉ dạy tôi một chữ “Công”. Các chữ còn lại, bà dạy tôi tất tần tật. Ví dụ, bà nói “Con gái không cần tô son đánh phấn, chỉ cần ăn mặc sạch sẽ, gọn gàng, kín đáo, không được mặc áo sát nách ra đường. Con gái chỉ nên nói thích, không nên nói sướng, khoái, đã…” Hồi chưa có chồng, biết tôi cũng có… hơn hai người để ý, bà thường nói “Là con gái, không để mình mắc nợ ai. Nhứt là, nợ tình khó trả…” Nhớ mấy tháng đầu về làm dâu, tôi ốm hẳn. Bà cô (em ông nội) tôi nói với nội, biểu má tôi qua xin má chồng cho tôi được về nhà ít lâu để tẩm bổ, sau đó sẽ quay lại nhà chồng. Nội tôi lắc đầu “Con gái, xuất giá tòng phu… Hơn nữa, mình cũng phải nghĩ cho mẹ chồng của nó…” Lúc chồng tôi đi học nước ngoài, những khi thấy tôi có vẻ buồn phiền, lo lắng, nội hay nói về “tình tấm mẵn”, về “gừng càng già càng cay”, hoặc “vợ chồng già càng thương nhau hơn”. Ba tôi vốn là tài xế, ngoài má tôi là vợ, ba còn “đèo bòng” có con rơi. Nội hay nhắc má tôi “Ớt nào là ớt chẳng cay. Nhưng… chồng giận thì vợ bớt lời…”. Nội dạy dâu mà cũng là dạy cháu. Tôi thấm lời bà, như giọt nước nhỏ đều vào tảng đá, tạo thành vết hõm sâu và mặt nước cứ từ từ dâng cao, lóng lánh ánh mặt trời…
Không thể kể hết những điều nội đã dạy tôi từ thời con gái, đến (và sau) khi có chồng. Bà nội tôi học ít, nhưng thuộc nhiều thơ ca, và thường vận dụng vào việc dạy dỗ con cháu. Nội hay đọc thơ Lục Vân Tiên, Truyện Kiều, có khi còn “Trống trường thành lung lay bóng nguyệt/ Khói Cam Tuyền mờ mịt thức mây…”, hoặc ca bài Dạ cổ hoài lang “Từ là từ phu tướng/ Bảo kiếm sắc phán lên đàng/ Vào ra luống trông tin chàng/ Năm canh mơ màng/ Ôi, gan vàng quặn đau í a…”
Đặc biệt nội tôi là người bản lĩnh. Có người kể, hồi ông nội tôi bị bắt về tội “tiếp tế Việt Minh”, bà tôi đã dám vào tận sân tòa đánh trống kêu oan, và “biện hộ” cho chồng. Chuyện là, khi ông nội tôi làm chủ hãng xe đò, đúng là có đóng góp cho cách mạng đánh Tây. Nhưng, cũng có khi xe đò của nội bị “đàng mình” đốt phá… Vì họ không cùng đường dây, nên người thì ghi nhận “công”, còn người khác thì “trị" tội... Nhưng, với lý lẽ và bằng chứng, nhân chứng rõ ràng do bà nội tôi đưa ra, ông nội tôi “thoát” tội!
Thú vị nhất với tôi là việc, có lần má nhận được và xé thư (qua bưu điện) của chàng trai nào đó gởi cho tôi, nội biết chuyện, rầy má “Là cha mẹ cũng không có quyền làm vậy. Thơ gởi ai người đó coi” Có lẽ nhờ vậy mà lần em trai tôi phát hiện trong bìa bao sách của một bạn nam (đồng môn Hoàng Diệu) gởi cho tôi như có gì cồm cộm, nó giật phắt và vừa chạy vừa la lên “Vú ơi, có người gởi thư cho chị Hai” Lúc ấy, má tôi nhìn sang nội, trả lời “Ai gởi cũng được, gởi chị Hai thì chị Hai đọc, làm gì mầy giựt rồi la làng lên vậy? Trả cho chị Hai đi... "

***
Gần ba chục năm rồi, sau ngày nội Sóc Trăng của tôi lên đường cỡi hạc, tôi vẫn không hiểu nổi: Sao mình có thể chạy xe tốc hành dưới trời nắng như đổ lửa, mà chỉ chín mươi phút thôi là đã về tới Sóc Trăng (vượt thời gian nửa tiếng so với bình thường). Hôm ấy, chồng tôi chở hai đứa con. Còn tôi chạy một mình, toàn bang ra giữa lộ. Nắng chói lóa. Mà trước mắt tôi như có lớp sương mù dày đặc buổi ban mai!

(15-7-2019)
NGUYỄN THỊ THANH NGỌC

Không có nhận xét nào:

CHÀO MỪNG QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU SÓC TRĂNG THAM QUAN, ỦNG HỘ HOANGDIEUTRUONGXUASAIGON.BLOGSPOT.COM. CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM NHIỀU SỨC KHỎE, THÀNH CÔNG TRONG CÔNG VIỆC.