Bạn có nhận thấy rằng tất cả các ngón tay cái là khác nhau? Nó không chỉ khác nhau về kích thước mà với mỗi người cũng có hình dáng khác nhau nữa.
Nếu nhìn kỹ hơn một chút, bạn sẽ thấy ngón tay cái bao gồm hai xương – hai đốt. Để xác định hình dạng của ngón cái có liên hệ với tính cách như thế nào, người ta thường xem xét độ dài của các đốt và hình dáng của ngón tay. Những điều đơn giản này có thể sẽ đem đến cho bạn nhiều bất ngờ thú vị về bản thân đấy. Nào, chúng ta cùng khám phá nhé!
Loại A: Người cầu toàn
Nếu phần trên của ngón tay cái của bạn dài hơn đáng kể so với phần dưới, bạn là người sống lí trí hơn là tình cảm. Những người này thường là những người có lý tưởng tuyệt vời và kỳ vọng rất cao về bản thân cũng như những người quanh họ.
Làm việc với những người cầu toàn này đôi khi có thể là một thách thức vì yêu cầu cao của họ. Tuy nhiên, nếu bạn muốn công việc được hoàn thành tốt, đó chắc chắn đó là người phù hợp để gia nhập vào nhóm của bạn.
Loại B: Công nhân chăm chỉ
Đối với những người có ngón tay cái mà đốt xương dưới dài hơn đốt trên thì đây là tuýp người sống rất thực tế. Họ là những người làm việc chăm chỉ, thực hiện tất cả các nhiệm vụ được giao phó cho đến khi đạt được tiến bộ.
Nhờ tính cẩn thận và ổn định, họ thường là những thành viên vô giá của các đội nhóm. Đối với bạn bè, họ là những người trung thành, làm mọi thứ trong khả năng để những người xung quanh hạnh phúc, trong khi vẫn đảm bảo an toàn.
Loại C: Cân bằng
Nếu hai đốt của ngón cái có độ dài bằng nhau thì sự cân bằng là những gì đặc trưng cho tính cách của bạn. Trong các mối quan hệ, bạn thường có xu hướng tìm kiếm sự hòa hợp và là một người hòa giải. Cảm giác bình tĩnh và cân bằng của bạn được đánh giá cao bởi những người xung quanh.
Loại tính cách này khiến bạn như một “giáo viên xuất sắc” bởi vì bạn có khả năng nhìn thấy tất cả các khía cạnh của một vấn đề và tìm cách cân bằng giữa lý thuyết và thực tiễn.
Loại D: Linh hoạt
Khi giơ ngón tay cái như đang làm tín hiệu xin đi quá giang, bạn thấy gì? Nếu bạn nhìn thấy một đường cong, nó cho thấy bạn là một người linh hoạt, dễ thích nghi, sẵn sàng và có thể thay đổi để thích nghi với môi trường và thách thức mới.
Ngoài ra, họ còn là những người có khả năng chia sẻ và dễ dàng thể hiện bản thân, ngay cả khi có mặt người mới.
Loại E: Bướng bỉnh
Nếu ngón tay cái thẳng, nó cho thấy sự bướng bỉnh và bản chất nổi trội của bạn. Mặc dù bạn không đặc biệt linh hoạt như loại D, nhưng bạn luôn được mọi người đánh giá cao về tính thẳng thắn sự trung thực và kiên trì với các dự định của bạn. Điều này rất đáng quý.
Bạn luôn chân thành với bản thân và những người xung quanh, điều đó khiến bạn trở thành một người đáng tin cậy, một người bạn tốt và tận tuỵ.
(Nguồn ảnh: Illustration – The Epoch Times)
Chuyện đời bí ẩn của kẻ in tiền giả có giá trị nhỏ nhất nước Mỹ
Tháng 11/1938, cơ quan Mật vụ Mỹ tại New York nhận được tờ tiền giả có mệnh giá 1 USD và bắt đầu đặt ra nghi vấn: Kẻ nào tốn thời gian và công sức cho một tờ tiền giả có giá trị nhỏ như vậy?
Điều đáng nói là, tờ tiền giả này có chất lượng kém tới nỗi khiến các nhân viên điều tra không sao lý giải được. Thông thường những kẻ làm tiền giả đều luôn cố gắng làm cho giống như thật, nhưng những tờ 1 USD giả này thì hoàn toàn ngược lại: Nó được in trên loại giấy rẻ tiền có thể mua được ở bất cứ cửa hàng nào; hàng series không thẳng hàng và mờ nhạt. Chân dung cố Tổng thống George Washington thì vẽ lại vụng về và tên cũng bị in sai thành “Wahsington”.
Trong suốt một tháng, phòng giám định pháp y lần lượt nhận được hơn 40 tờ tiền giả trị giá 1 USD bị làm giả nhưng không tìm ra thủ phạm. Điều tra viên gọi kẻ này là “Ngài 880”, theo bí số của chuyên án.
Thông thường, với những vụ điều tra tiền giả, các nhân viên cảnh sát sẽ thu giữ được hàng triệu USD vì những kẻ phạm tội thường vô cùng tham lam. Nhưng với chuyên án “Ngài 880” thì khác, nghi phạm dường như chỉ tiêu đủ sống. Hắn chưa bao giờ dùng quá 15 USD mỗi tuần và cũng không tiêu tiền giả 2 lần tại cùng địa điểm mà rải khắp quận Manhattan, gồm nhà ga, cửa hàng tiện lợi…
Điều tra viên đã dán khoảng 200.000 áp phích cảnh báo tại hơn 10.000 cửa hàng trên khắp thành phố New York và tìm gặp hàng chục người đã từng nhận phải tiền giả. Cuộc điều tra kéo dài 10 năm với quy mô và phí tổn có thể nói là lớn bậc nhất trong lịch sử điều tra tiền giả nước Mỹ vẫn không mang lại kết quả. Dường như dù nghi phạm có trình độ kém nhất nhưng lại là kẻ ẩn náu giỏi nhất.
Tới năm 1947, các nhà chức trách đã ước tính có khoảng 7.000 tờ tiền 1 USD giả chất lượng kém (chiếm 5% số tiền giả) được lưu hành trên cả nước. Những nhân viên điều tra đều phải thừa nhận rằng, tên tội phạm bí ẩn này ắt hẳn phải là người có trí tuệ bậc thầy.
Tháng 1/1948, một nhóm trẻ em chơi đùa tại khu phía tây Manhattan đã phát hiện hai khuôn kẽm và 30 tờ tiền giả vùi trong nền tuyết được cho là tác phẩm của “Ngài 880”.
Điều tra viên tới khu vực để tìm hiểu và được biết vài tuần trước một căn hộ gần đó đã xảy ra hỏa hoạn. Lính cứu hỏa vào trong căn hộ và phát hiện ra máy in, mực, phim âm bản, và số tiền giả kém chất lượng chất đầy ngăn kéo.
Khi tìm được chủ nhân căn hộ, người này ngay lập tức nhận tội. Không ngờ rằng nhân vật bí ẩn khiến các nhân viên điều tra đau đầu suốt một thập kỷ lại là cụ ông 73 tuổi với dáng người thấp bé, hàm răng móm mém và cái đầu hói. Tên của cụ là Emerich Juettner, hành nghề thu gom rác,
Cụ ông cho biết mình di cư từ Áo sang Mỹ năm 13 tuổi, lập gia đình và sống ổn định tại New York. Tới năm 1937, vợ ông đột ngột qua đời và hai người con cũng có cuộc sống riêng. Ông bắt đầu hành nghề thu gom rác vì quá già yếu và không kiếm được công việc khác.
Nhờ những kỹ năng cơ bản về chạm khắc kim loại và nhiếp ảnh học được thời còn trẻ, ông đã tạo ra khuôn in tiền giả. Khi nào thiếu tiền, ông in ra vài tờ để mua thức ăn cho mình và chú chó sống cùng. Emerich cho biết, ông có nguyên tắc là không bao giờ đưa quá 2 tờ tiền giả cho cùng một người nên không nạn nhân nào chịu thiệt hại nhiều hơn một USD trong các giao dịch.
Ngày 3/9/1948, Emerich Juettner bị tòa án liên bang tại New York tuyên án với ba tội danh Tàng trữ khuôn tiền giả, Lưu hành tiền giả, và Sản xuất tiền giả. Mỗi tội danh đều có mức phạt cao nhất là 10 năm tù. Tuy nhiên, vì xét thấy cụ ông này không phải là mối đe dọa tới nền kinh tế Mỹ, thẩm phán đã tuyên mức phạt thấp hơn, chỉ một năm một ngày ngồi tù cùng số tiền phạt 1 USD.
Emerich Juettner được trả tự do sau 4 tháng ngồi tù vì cải tạo tốt.
Câu chuyện cuộc đời của Emerich Juettner sau đó đã được lan truyền rộng rãi khắp thành phố New York và trở thành cảm hứng cho bộ phim “Ngài 880”. Phim đạt giải Oscar vào năm 1950. Nhờ bộ phim này, ông Emerich đã kiếm được số lợi nhuận nhiều hơn số tiền ông đã làm giả trong suốt 10 năm.
Ông Emerich Juettner đã qua đời vào năm 1955 ở tuổi 79.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét