.

.

a

Hoa đào nở, chim én về, mùa xuân lại đến. Chúc quý thầy cô và anh chị em đồng môn năm mới Giáp Thìn : - nghìn sự như ý, vạn sự như mơ, triệu sự bất ngờ, tỷ lần hạnh phúc.
THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ, ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU - MỘT NĂM MỚI AN KHANG THỊNH VƯỢNG - VẠN SỰ NHƯ Ý

01 tháng 1 2021

MỘT KIỂU AN TÁNG MỚI: SINH TÁNG

 


Chúng ta đã biết các loại tang ma khác nhau: địa táng (chôn xuống đất), hỏa táng, thủy táng (thường dành cho các lính thủy) … Chúng ta cũng biết một số cách tang ma người chết ở các vùng đất đặc biệt như Tây Tạng là điểu táng (ném xác cho chim ăn), hay có một số bộ lạc làm mộc táng (để người chết trên cây).
Nhưng có một cách an táng mới hoàn toàn, sắp được thực hiện ở Tiểu bang Washington, của Hoa Kỳ, đó là sinh táng (tạm dịch từ Recomposing). Khi thực hiện kiểu an táng này, cơ thể người chết sẽ được để trong một cái lồng kín, trong đó có dăm gỗ, rồi trồng lên một số loại cỏ. Sau 30 ngày, tử thi biến thành đất, và người thân đến lấy để bón cho cây cối trong vườn nhà.
Công ty đầu tiên làm việc này là Recompose của bà Katrina Spade ở thành phố Seattle, miền Tây Bắc nước Mỹ. Bà Spade và những người đồng sự đã thực hiện những dự án khoa học trong mấy năm liền, và cũng phải vận động giới nghị sĩ tiểu bang Washington ban hành luật cho phép.
Theo những người chủ trương Recompose, thì việc sinh táng này sẽ làm giảm lượng carbon xả vào khí quyển rất nhiều, và như thế sẽ góp phần chống việc biến đổi khí hậu đang đe dọa toàn cầu.
Ngoài việc chống biến đổi khí hậu, như biện luận của Recompose, việc biến thân xác thành đất, có vẻ cũng là một giải pháp cho nạn nhân mãn trên trái đất chúng ta, khi mà con người ngày càng đông lên, người ta thiếu … đất. Ðất để làm nghĩa trang.
Mà đất cùng với nhiều tài nguyên khác, nước, động vật, thực vật, sẽ trở thành của hiếm trong tương lai. Ðiều này không phải người ta mới ý thức được, mà đã là một sự lo âu từ rất lâu.
Cách đây gần nửa thế kỷ, vào năm 1973, các nhà điện ảnh Mỹ cho ra đời bộ phim viễn tưởng Mặt trời xanh (Soylent Green), dựng từ quyển tiểu thuyết Soleil Vert (Mặt trời xanh, viết theo tiếng Pháp) ra đời từ năm 1966 mô tả sự hiếm hoi trong xã hội tương lai. Trong tương lai của Mặt trời xanh, người ta không còn nhiều các vật phẩm thiên nhiên nữa. Những công dân được tưởng thưởng của xã hội ấy sẽ được nghe tiếng suối róc rách còn sót lại trên quả đất. Còn thức ăn thì họ không còn thịt cá, rau quả thiên nhiên nữa, mà chỉ ăn những thức ăn tổng hợp mà thôi. Bối cảnh của bộ phim là thành phố New York vào năm 2022. Nay chúng ta đã ở năm 2020, các nhà điện ảnh quả là có quá lời khi đưa ra những kịch bản nghiệt ngã như vậy. Nhưng nếu chúng ta quan sát những trận cháy rừng kinh hoàng ở California, Úc, và trong khi tôi viết những dòng này thì người Việt Nam ở miền Tây Nam bộ đang chuẩn bị hứng chịu một trận hạn hán mới, người ta dự báo sông Cửu Long đang đi đến những ngày cuối cùng của nó, thì chúng ta thấy rằng Mặt trời xanh cũng không phải là quá đáng.



                                        Bà Katrina Spade – nguồn komonews.com 


Phân bón thực vật, compost


Trước cả khi quyển tiểu thuyết Mặt trời xanh ra đời, tại Áo, vào những năm 1920, người ta bắt đầu làm phân bón hữu cơ từ các chất thải là thực vật như rau,củ, trái cây, lá vườn. Khái niệm compost ra đời từ đó.
Từ đó đến nay, tại các quốc gia Tây Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản, Úc … người ta phân loại rác để lựa ra các chất hữu cơ thực vật để đưa vào các nhà máy làm compost. Không những thế, người ta còn có thể ủ phân bón compost tại gia, với rất nhiều loại thiết bị khác nhau.
Nhưng làm compost thân thể người thì quả là lần đầu tiên.
Bà Spade cho biết là ý tưởng này bà đã có cách đây 13 năm, khi bà đặt câu hỏi là: Sau khi chết, thì chúng ta phải làm gì để trả ơn cho Trái đất đã phụng dưỡng chúng ta cả cuộc đời.
Ðể đỡ tốn kém đất đai làm nghĩa trang, các quốc gia phát triển đã thực hiện hỏa táng từ lâu, một biện pháp ma chay được cho là đến từ Á châu. Và gần đây, với kỹ thuật tân tiến, người ta còn có thể biến thân xác người thân của bạn thành một … viên kim cương, vì kim cương cũng như cơ thể chúng ta, đều được cấu tạo từ những phần tử carbon cả.
Nhưng hỏa táng, hay “kim cương” táng đều phải sử dụng một lượng lớn năng lượng, và tống ra ngoài không khí một lượng lớn chất thán khí, nguyên nhân làm biến đổi khí hậu.
Ðể có thể thực hiện dịch vụ sinh táng trên quy mô thương mại vào tháng Hai năm 2021, Recompose đã thực hiện sáu vụ sinh táng với sáu người tình nguyện hiến xác họ cho thử nghiệm, và trong bài trả lời phỏng vấn hãng tin BBC của Anh quốc, bà Spade nói đã có đến 15 ngàn người ký thư ngỏ để vận động việc cho phép sinh táng. Tuy nhiên hiện việc sinh táng này mới chỉ được cho phép trong tiểu bang Washington, và cũng chưa thấy thông tin về chi phí của việc an táng mới này.
Giá cả là một điều quan trọng, vì nó gắn với cuộc sống của những người … còn đang sống, dù họ có ý thức về biến đổi khí hậu tới đâu đi nữa mà giá cao quá thì cũng không thể. Giá cả của việc mua đất nghĩa trang, hay “kim cương” táng hiện nay có thể lên đến 10 ngàn Dollard.


                                        Quang cảnh buổi lễ an táng theo sinh táng


Cát bụi


Nhưng nếu vấn đề giá cả được giải quyết thì liệu những quan điểm truyền thống có ngăn trở chúng ta thực hiện việc sinh táng cho người thân hay không? Chúng ta sẽ không còn viếng mộ phần người thân trong tiết thanh minh, không viếng bình tro cốt người thân trong các ngôi chùa ngày giỗ chạp! Và rồi nếu thân xác biến thành đất sau khi sinh táng, được bón cho cây cối trong vườn nhà, mà căn nhà ấy được bán đi thì sao?
Cách đây độ ba mươi năm có một nhà sư xứ Suriname ở Nam Mỹ đến Việt Nam. Khi trả lời báo chí về những gì ông để lại sau khi viên tịch, ông trả lời rằng ông chỉ để lại những dấu chân.
Thuở sinh thời, Ðức Phật Thích Ca cũng từng nói với các đồ đệ rằng ông không ngủ hai lần dưới một gốc cây trong rừng, vì sợ quyến luyến nó, không xả bỏ, không giải thoát được.
Cách đây gần hai mươi năm, trong một diễn biến rất hiếm hoi của nước Việt Nam dưới chế độ cộng sản, hàng trăm ngàn người dân Sài Gòn xuống đường đưa Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn về nơi an nghỉ cuối cùng. Bên mộ phần của cố nhạc sĩ, nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn tiễn biệt họ Trịnh bằng chính bài hát của ông … bài Cát bụi. Nhưng sau đó người nhạc sĩ tài hoa vẫn chưa về hẳn với cát bụi, với những chuyện di dời, giải tỏa phiền phức liên quan đến mộ phần của ông.
Bà Katrina Spade thì quả quyết rằng Cát bụi thực sự trở về với Cát bụi chỉ sau 30 ngày!


Nguyễn Hòa
California – US


Vua nhà Nguyễn gả con gái như thế nào ?

Vào triều Nguyễn, công chúa lấy chồng được gọi là “hạ giá”, tức là gả xuống, hạ xuống mà lấy chồng. Bởi thân là hoàng đế, cha cua các nàng tất nhiên không tìm được nhà thông gia nào ngang hàng với mình, cônchúa do đó cũng chẳng tìm được người chồng thực sự môn đăng hộ đối, lấy ai thì cũng là hạ giá mà thôi.


Công chúa cũng có thể thành gái già

Theo quy định của nhà Nguyễn, các công chúa đến tuổi 16 thì phải tìm nơi để gả. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều khi các cô gái cành vàng lá ngọc đã ngoài 20 tuổi mà vẫn chưa có nơi có chốn. Nguyên nhân thường gặp là trong Hoàng tộc có tang. Với các đại tang như vua, hoàng phi, hoàng thái phi mất, thời gian để tang là 3 năm. Hoàng gia thì đông, nên đám tang cũng lắm, nhiều khi có đại tang liên tục, khiến hàng loạt công chúa đã đến tuổi lấy chồng nhưng chuyện cưới xin đành “ách” lại.

Chẳng hạn, năm 1846, dưới thời vua Thiệu Trị, Thuận Thiên Cao hoàng hậu (vợ thứ của vua Gia Long, thuộc hàng bà nội đương kim hoàng đế) qua đời. Ngay năm sau, chính vua Thiệu Trị cũng băng hà. Nghĩa là những công chúa chưa lấy chồng từ trước năm 1846 sẽ phải đợi đến năm 1850 mới được hạ giá. Vào thời gian trước khi Thuận Thiên Cao hoàng hậu mất, có đến vài chục hoàng nữ, con gái của vua Minh Mạng và vua Thiệu Trị ở tuổi trăng tròn. Và khi thời gian tang chế qua đi, họ đã 20 tuổi.

Vào thời ấy, đó đã là tuổi ế chồng nếu là con gái dân thường. Tuy nhiên, là con vua nên kiểu gì rồi họ cũng được người ta tìm cho một tấm chồng. Có điều, theo quy định, chỉ những công tử con đại thần từ nhị phẩm trở lên mới được đưa vào danh sách ứng cử viên con rể vua.

Đó là chưa kể các chàng trai còn phải đáp ứng hàng loạt tiêu chuẩn như chưa vợ, mặt mũi sáng sủa, cơ thể không có dị tật, thông minh, có học, tuổi phải lớn hơn hoặc bằng công chúa và ngày giờ sinh cũng phải phù hợp. Tuy nhiên, khi công chúa đã 20 tuổi, thậm chí già hơn, mới được lấy chồng thì các chàng trai bằng tuổi cô phần nhiều đã có vợ mất rồi.

Nhiều khi, số chàng trai độc thân trong độ tuổi phù hợp còn ít hơn cả số công chúa cần lấy chồng, vì thế người ta phải hạ tiêu chuẩn xuống, đưa vào danh sách ứng viên các công tử nhà quan tam phẩm. Một khi phải tổ chức quá nhiều đám cưới cho công chúa, lại trong tình trạng gấp gáp như thế, việc tuyển lựa chú rể cũng không còn quá khắt khe.

Nếu như bình thường, sau khi loại bớt những người kém hơn, người ta sẽ lựa ra dăm người để các quan lo hôn sự gặp mặt “phỏng vấn” rồi lựa ra vài người cho đức vua lựa chọn thì trong tình huống này, họ cũng chỉ chọn quấy quá cho xong.

Theo thống kê, trong số 64 hoàng nữ của vua Minh Mạng, độ tuổi hạ giá trung bình là 21 – 24, quá già so với tuổi xuất giá của con gái thường dân.

 Đám cưới công chúa có gì lạ?

Khi công chúa đến tuổi lấy chồng, một danh sách ứng viên phò mã được lập để trình lên vua, trong đó kê chi tiết tên họ, quê quán, tuổi… của các chàng trai. Vua chọn ra một vị hoàng thân làm Chủ hôn và một đại thần làm Chiếu liệu (đứng ra tổ chức lễ cưới), đều là những người đạo cao đức trọng, gia đình phúc lộc song toàn. Hai vị này không chỉ chọn ra những ứng viên ưu tú nhất cho vua duyệt mà còn lo liệu cho đến khi lễ cưới tổ chức xong trong ngày lành mà họ chọn.

Theo quy định thời Minh Mạng, để cưới được công chúa, nhà trai phải đưa 6 lễ: nạp thái (lễ hỏi), vấn danh (hỏi tên tuổi đôi trẻ), nạp cát (báo tin tuổi hai người đều tốt), nạp trưng (báo ngày cưới), thỉnh kỳ (xin ngày cưới), điện nhạn (nộp lễ rước dâu), trong đó 2 lễ lớn nhất là vấn danh và điện nhạn, vì lễ vật ngoài các thứ khác phải có 20 lạng vàng và 100 lạng bạc.

Các đời sau, lễ thỉnh kỳ được bỏ nhưng lại thêm lễ thân nghinh (rước dâu) ở khâu cuối cùng, quy định về lễ vật cũng thay đổi tùy triều vua. Hồi đầu, 6 lễ được tiến hành trong 6 ngày khác nhau, khiến hôn sự kéo dài nên về sau, tất cả được gói gọn trong 3 ngày.

Ngay khi được vua chấm làm rể, vị hôn phu của công chúa được cấp một số tiền lớn để lập phủ đệ, mua sắm đồ đạc sao cho xứng với nơi ở của con vua. Công chúa cũng được cấp hồi môn từ 20.000 – 50.000 quan tiền, tùy địa vị của nàng ta (là con của chính cung hay phi tần, con đầu lòng hay con thứ). Đây là số tiền rất lớn bởi ngay cả lương bổng của hoàng quý phi  – vợ chính của vua – cũng chỉ có 1.000 quan mỗi năm.

Vào ngày rước dâu, công chúa đội mũ phượng, mặc áo bào và xiêm đều màu đỏ, thêu hoa tròn và chim phượng, đi hài đỏ thêu phượng, theo nữ quan đến hầu vua cha và hoàng phi để bái biệt và nhận những lời giáo huấn, rồi bước ra ngoài, nơi phò mã đợi sẵn, tự tay vén rèm kiệu hoa mời công chúa bước lên.

Đoạn, phò mã cưỡi ngựa che lọng đi trước, dẫn đường cho đoàn rước với 300 binh sĩ mặc nhung phục chỉnh tề, cầm cờ quạt, nghi trượng vô cùng tráng lệ. Hộ tống kiệu công chúa có các nữ quan và thị nữ. Về đến phủ đệ, sau khi làm lễ tơ hồng, đôi tân hôn vào phòng làm lễ hợp cẩn. Họ uống rượu trong hai cái chén được làm bằng hai nửa của cùng một quả bầu.

Đám cưới cuối cùng của công chúa nhà Nguyễn được tổ chức năm 1907, cô dâu là công chúa Châu Hoàn, con gái vua Dục Đức, em gái vua Thành Thái. Từ đó cho đến khi triều Nguyễn sụp đổ năm 1945, không có thêm công chúa nào hạ giá nữa.

 Làm phò mã có sướng không?

Lấy được công chúa là kết thúc có hậu, đáng mơ ước nhất cho các nhân vật nam trong chuyện cổ tích, và cũng là mơ ước của đa số đấng nam nhi trong dân gian. Tuy nhiên, các công tử nhà đại thần – đối tượng được chọn làm phò mã – không phải ai cũng muốn làm rể vua.

Thứ nhất, tuy người lấy công chúa được ban cho chức Phò mã đô úy, hàm tam phẩm, được cấp 50 lính hầu, nhưng anh ta chỉ ngồi không ăn lương chứ chẳng có thực quyền. Phủ đệ tuy to lớn nhưng người ta cũng chỉ biết đó là phủ bà chúa chứ ít ai bảo đó là nhà ông phò mã X, Y nào. Trong khi đó, lấy phải bà vợ có thân phận cao quý hơn mình, phò mã phải chịu bao nhiêu thiệt thòi, mà đáng chán nhất là không được lấy thêm vợ, trừ khi bà chúa không thể sinh con.

Trong cái thời mà đàn ông năm thê bảy thiếp, chàng ta lại là con đại thần, tiền và quyền đều không thiếu, mà phải chịu nhịn như thế thì thật quá ấm ức. Đó là chưa kể, lấy vợ công chúa, chàng ta không thể ngược đãi, hắt hủi vợ như lấy con nhà khác, cho dù có chán ghét thì vẫn phải ra vẻ tôn trọng.

Lại nữa, ngay trong chuyện cưới xin, những người đàn ông làm rể hoàng gia đã phải chịu thiệt thòi. Nào là phải dập đầu tạ ơn bố mẹ vợ, nào là cung kính mời vợ lên, xuống kiệu hoa. Ngay bố mẹ chàng ta cũng phải chịu thiệt bởi sau hôm hợp cẩn, khi ra mắt bố mẹ chồng, nàng dâu đứng ở phía tây lạy 4 lạy thì bố mẹ chồng đứng ở phía đông cũng phải đáp lễ bằng 2 vái. Trong cuộc sống sau này, có nhiều cuộc vui giao tế liên quan đến Hoàng tộc, công chúa được mời còn phò mã thì không.

Nhiều khi, chính các công tử con quan đại thần bị “ép gả” cho công chúa, nhất là với các nàng công chúa quá lứa do hoàn cảnh đặc biệt như đã nói ở trên. Công tử nhà quan đại thần thừa sức lấy vợ trẻ đẹp mà vẫn con nhà danh giá, nay bị ép lấy một phụ nữ đã ngoài 20 tuổi, nhiều khi nhan sắc cũng không lấy gì làm khá, cộng thêm một cuộc đời gò bó, làm cái bóng của vợ, thì quả là không bất hạnh nào bằng.

Nhưng một khi đã bị chấm thì có ăn gan trời cũng không dám từ chối, vì thế nhiều chàng trai khi biết mình có khả năng lọt vào danh sách ứng cử viên đã giở chiêu chu du thiên hạ, đi thật xa để dù có bị ghi tên cũng không vào được “vòng phỏng vấn”

 (Nguồn : kienthuc.net.vn)

4 bí quyết của Vua hề CHARLIE CHAPLIN

Trước lúc mất ở tuổi 88, vua hề Charlie Chaplin phát biểu 4 điều như sau :

1. Không có gì vĩnh cửu trong thế giới này, kể cả những phiền muộn của chúng ta.

2. Tôi thích đi dạo dưới trời mưa, vì không ai có thể nhìn thấy nước mắt của tôi.

3. Ngày mất mát lớn nhất trong cuộc đời là ngày chúng ta không cười.

4. 6 bác sĩ giỏi nhất trên thế giới là mặt trời, sự nghỉ ngơi, luyện tập, ăn kiêng, lòng tự trọng, bạn bè.

Hãy thực hiện 4 điều đó trong tất cả các giai đoạn của cuộc đời mình và hãy tận hưởng cuộc sống khỏe mạnh...

Nếu bạn nhìn thấy mặt trăng, bạn nhìn thấy vẻ đẹp của Thượng đế...

Nếu bạn nhìn thấy mặt trời, bạn nhìn thấy sức mạnh của Thượng đế...

Nếu bạn nhìn thấy tấm gương, bạn nhìn thấy tác phẩm đẹp nhất của Thượng đế.

Hãy tin điều đó. Tất cả chúng ta là du khách. Thượng đế là hãng du lịch của chúng ta, người quyết định lộ trình, đặt chỗ, định hướng...Hãy tin Thượng đế và tận hưởng cuộc sống.

Cuộc đời là một chuyến du hành.

Vì vậy hãy sống ngày hôm nay ! Ngày mai có thể sẽ không đến.

Sưu tầm










Không có nhận xét nào:

CHÀO MỪNG QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU SÓC TRĂNG THAM QUAN, ỦNG HỘ HOANGDIEUTRUONGXUASAIGON.BLOGSPOT.COM. CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM NHIỀU SỨC KHỎE, THÀNH CÔNG TRONG CÔNG VIỆC.