Từ ngày đặt mua vé máy
bay để cả nhà cùng về Việt Nam ăn Tết, anh Bông thấy lòng lâng lâng, vui vẻ,
anh nôn nao chờ đợi từng ngày.
Anh sẽ về Việt Nam vào
đúng ngày 23 Tết, kịp đưa ông Táo về trời, rồi hưởng 3 ngày Tết, những điều
thật cũ mà bỗng mới trong anh, rồi anh sẽ
đi thăm bà con, lối
xóm, bạn bè gần xa, phố cũ thân quen…
Chỉ có mấy tuần lễ ở
Việt Nam, mà anh sẽ sống lại cả một phần đời ròng rã mấy chục năm đã qua. Bao
nhiêu kỷ niệm sẽ sống lại trong anh như
chưa hề xa cách10 năm
nay. Thấy người ta về chơi Việt Nam nhiều quá, anh cũng ham, nhưng mãi tới bây
giờ vợ chồng anh mới có đủ điều kiện.Từ ngày được người chị ruột anh bảo lãnh
sang Mỹ, vợ chồng anh miệt mài làm việc và sanh con đẻ cái, thì giờ đâu, tiền
bạc đâu mà về Việt Nam như thiên hạ? Bởi chị muốn, thà không về thì thôi, đã về
phải cho đích đáng.
Cứ ngày nào rảnh là
chị Bông lại đi mua đồ, lúc thì ở Mall đang on sale, lúc thì ở chợ Wal-Mart,
chỉ còn vài ngày nữa là ngày lên đường, thì mấy cái va ly đã đầy ngắc.
Buổi tối, thấy chị
đang xem xét lại các món quà, anh hỏi chị :
- Xong hết rồi hả em?
- Coi như…tạm xong!
- Ủa! còn thiếu món gì
nữa?
- Đây nè, đọc đi thì
biết! Chị đưa cho anh lá thư của má chị, từ Việt Nam gởi sang. Và anh đọc:
“ Hai con và hai cháu
yêu quý của má,
Được tin gia đình con
sẽ về Việt Nam vào dịp Tết này, má mừng quá trời. Má vốn hay mất ngủ, có tin
vui này má càng mất ngủ hơn (vậy con nhớ mang về cho má ít thuốc ngủ).
Các con về đây má sẽ
nấu các món ăn ngày Tết Việt Nam như cá lóc kho nước dừa, khổ qua nhồi thịt
hầm, gỏi cuốn tôm thịt, bánh tráng cuốn tai heo, dưa giá, dưa món.. v..v.
Lâu lâu mới có dịp về
Việt Nam, vậy con mua cho má đủ loại mỹ phẩm từ A tới Z, để nhà xài, và biếu
tặng bà con lối xóm làm quà.…
Đọc tới đây, anh quay
ra phàn nàn với chị:
- Cái điệu này, em
phải…bê luôn cả chợ Wal-Mart về cho má xài quá!
Rồi anh lại đọc thư
tiếp: “Đó là phần quà lặt vặt. Sau đây là ba mục tiêu chính:
- Thứ nhất là khi về
tới Việt Nam, con mua cho thằng em con một cái xe gắn máy, để nó có chạy với
người ta.
- Thứ nhì là em gái
con sắp lấy chồng, con cho má tiền để làm
đám cưới và cho nó ít
vốn để về nhà chồng làm ăn, buôn bán, có của thì họ đỡ khinh nhà mình con à!
- Thứ ba là con mua
cho má đôi bông tai, sợi dây chuyền và chiếc vòng cẩm thạch đeo tay. Hồi nào
tới giờ mang tiếng là có con gái ở nước ngoài mà má đơn sơ quá cũng kỳ. Má đeo
vàng bạc lên người là làm tăng giá trị…cho con. Người ta sẽ khen con hiếu thảo
biết lo cho má, biết thương yêu má…”
Anh Bông càng đọc càng
toát mồ hôi như đang đọc một …truyện ma! Chịu không nổi, anh lại ngừng đọc thư:
- Em ơi, bộ má tưởng
em vừa trúng số độc đắc hả? má có hiểu tụi mình đang phải trả góp tiền nhà
không? Trả góp tiền hai cái xe không? Cả nhà mình toàn xài đồ on sale không?
- Em không nói làm sao
má biết? Mà ngu gì nói ra cho mất…thể diện!
Anh Bông đọc tiếp lá
thư “Thôi, má chỉ đơn sơ có bấy nhiêu. Chúc gia đình con lên đường bình an và
đoàn tụ với má trong dịp Tết này. Má đang trông chờ các con từng giây từng
phút.
Ký tên,
Mẹ hiền của các con.
Tái bút: À quên, con
nhớ mua cho má vài chục mét vải “soa” để má may đồ bộ, vải soa ngoại mặc mới
sang, nhìn vô là biết đồ “ngoại” liền.”
Anh Bông lại phê bình:
- Lạ lùng ghê! Ở Việt
Nam đòi vải vóc,quần áo ngoại, trong khi người ở Mỹ lại thích về Việt Nam mua
sắm quần áo, khen rẻ và đẹp.
- Người đời ai chẳng
thích của lạ ! Chị bênh vực cho má chị.
Tưởng đã hết lá thư,
ai dè vẫn còn một đoạn nữa :
“Tái bút đợt hai: À
quên,ngoài ít thuốc ngủ như má đã dặn ở trên, con mua thêm vài thứ thuốc Tây
khác như thuốc nhức đầu, đau bụng, thuốc cảm, cúm, thuốc ho, tiêu chảy, thuốc
giảm đau, và…nhiều loại nữa mà bây giờ má chưa kịp nghĩ ra. Để phòng khi ốm đau
là có thuốc uống liền, mà lại thuốc thứ thiệt nữa, bảo đảm sẽ khỏi bịnh, ở Việt
Nam thuốc tây cũng làm giả nữa con ơi.
Tái bút đợt ba: À
quên, Mấy lần trước con nói chuyện với má, khen nước mắm ở bển ngon lắm, toàn
đồ xuất khẩu từ Thái Lan, từ Việt Nam qua.
Nào nước mắm mực, nước
mắm hai con cua, nước mắm cá cơm Phú Quốc. Vậy con có thể mang về cho má, mỗi
nhãn hiệu vài chai để Tết này má ăn thử cho biết không? Con sướng thiệt! đồ ăn
nào cũng ngon, cũng rẻ, chứ má ở Việt Nam thứ gì cũng giả được hết, có ngày
chết vì ngộ độc ăn uống không biết chừng! Thôi, hẹn được nếm thử nước mắm cao
cấp của con mang về.
Nếu còn thiếu gì thì
má sẽ gởi thư sang bổ sung sau”.
Anh Bông buông rơi tờ
thư xuống bàn:
- Trời ơi, một lá thư
tái bút tới ba đợt, mà còn e chưa đủ. Má em tưởng từ đây về Việt Nam gần như
Sài Gòn -Chợ Lớn vậy đó, đòi xách về mấy chai nước mắm!! Lên máy bay, thời buổi
chiến tranh, khủng bố này, ngửi mùi nước mắm là cả máy bay phải di tản khẩn cấp
ngay.
Chị Bông than thở:
- Tội nghiệp má quá!
Đến chai nước mắm cũng ước ao, vì ở Việt Nam món gì cũng rổm, cũng giả, bất
chấp mạng sống của con người..
Anh Bông lẩm nhẩm tính
toán:
- Không kể tiền máy
bay, tiền quà cáp đáp ứng theo những yêu cầu của má em chắc cũng lên đến chục
ngàn đô chứ ít gì!
Chị Bông gạt đi:
- Nhiêu thì nhiêu! Cả
chục năm nay mới về, xài cho đáng, cho thật hoành tráng, người ta còn cho cha
mẹ, anh em vài chục ngàn đô, xây nhà cao cửa rộng kia kìa.
- Người ta khác, mình
khác. May mà gia đình anh ở cả bên này.
Nếu không, hãy thử
tưởng tượng má anh cũng ra một cái list như má em thì chắc mình phải…bán nhà để
lo tròn chữ hiếu cho đôi bên?
- Bởi biết vậy nên em
mới dám dốc hết sức lực cho má em. Anh à, mình còn làm ra tiền, hãy vui vẻ để
ăn một cái Tết Việt Nam và người nhận quà cũng vui vẻ nghe anh.
Chị dịu dàng năn nỉ,
đó là những lúc chị cần đến anh, chứ bình thường, chị là người được anh năn nỉ.
Vợ đã tính rồi thì làm sao anh cãi lại được?
Xếp lại gọn gàng kẹo
bánh quà cáp xong, chị Bông quay ra xếp quần áo của chồng con và tới phần chị,
chị lôi từ trong closet ra đủ loại áo quần, váy ngắn, váy dài, quần jean, quần
tây, áo xanh, áo đỏ…Cái nào chị cũng ngắm nghía rồi bỏ vào valy.
Anh ngạc nhiên:
- Sao em mang nhiều
quần áo thế? Em có phải là người mẫu đi trình diễn thời trang đâu? mình về Việt
Nam có ba tuần, mang vài bộ là đủ rồi.
Chị lườm nguýt anh:
- Để người ta cười em
hả? Việt kiều gì có ba bộ quần áo?
- Nhưng cái áo lạnh
lông xù to kềnh to càng kia em mang theo làm gì? Chật cả va li.
- Em sẽ mặc cái áo
này. Chị khẳng định.
- Tết ở Việt Nam nắng ấm,
mà em mặc áo lạnh? Anh kêu lên.
- Dĩ nhiên, ai mà
không biết điều đó, nhưng cái áo lạnh lông xù đẹp thế này không mang về cũng
uổng. Nếu không đời nào người ta biết rằng ở bên đây em đã mặc cái áo mùa Đông
lộng lẫy như tài tử Hollywood này.
- Và đời nào người ta
biết rằng em đã mua cái áo này ở tiệm đồ cũ có mười đồng bạc?
- Suỵt! Về bên Việt
Nam anh đừng có lỡ miệng nói ra nhé. Nếu không đừng trách em.
Chỉ nhìn chị lúi húi
xếp ra xếp vào hết bộ nọ đến bộ kia, anh cũng thấy hoa mắt và nhức cả đầu, thà
lên giường, dù mất ngủ cũng còn sung sướng hơn .Tới khuya, chị vào giường thấy
anh vẫn còn thao thức, chị ngạc nhiên:
- Tưởng anh ngủ rồi
chứ? Bộ nôn nóng về Việt Nam nên chưa ngủ được hả?
Anh nói lẫy:
- Phải, nôn nóng quá
nên lòng dạ nào mà ngủ được!
Trong bóng đêm chị
không nhìn thấy khuôn mặt kém vui của anh, bởi chính lòng chị đang vui, đang
nôn nóng thật sự, chị tưởng anh cũng thế. Chị âu yếm ôm lấy anh, thủ thỉ:
- Thôi ráng ngủ đi,
mai còn đi làm, để dành sức khoẻ vài ngày nữa về Việt Nam chơi vui…
Chợt chị cao giọng vì
chợt nhớ ra:
- Anh nè, em báo anh
một tin vui nữa là dì Ba và dì Tư ở dưới quê Cần Thơ sẽ dẫn đàn con, đàn cháu
lên SàiGòn ăn Tết với tụi mình đấy, nên em cũng cần một ít tiền mặt để tặng hai
dì và lì xì cho xấp nhỏ.
Anh giật cả mình:
- Lại thêm một món
tiền chi phí nữa hả? Dì ba, dì Tư nào? Có phải hai bà Dì có ông bố ghẻ là anh
em con chú con bác với bà ngoại kế của em đó không?
- Chứ còn ai vào đây
nữa.Vòng vo tam quốc thế mà anh nhớ không sai tí nào! Chị tấm tắc khen anh.
Anh cố phân bày:
- Xét ra hai dì đâu có
dính líu máu mủ ruột thịt gì với nhà mình đâu em.
- Dù sao cũng là liên
hệ, là tình cảm bấy lâu. Mấy lần em gởi quà về, má cao hứng về quê chơi và cho
hai dì chút tiền. Bây giờ nghe tin mình về Việt Nam ăn Tết, hai dì lên chơi đáp
lễ.
Thấy anh không hào
hứng, chị đề nghị:
- Hay là…em gọi phone
về cho hai dì, nói đừng lên thành phố nữa, nghe?
Anh mừng quá, nói như
reo lên:
- Đúng đó em, đường xá
xa xôi, từ quê lên tỉnh tội nghiệp mấy dì quá.
- Nhưng bù lại tụi
mình… sẽ về quê thăm họ để bày tỏ nhiệt tình, cũng vẫn biếu họ tiền và lì xì
xấp nhỏ. Vậy anh chọn cách nào?
Anh cụt hứng:
- Cách nào cũng tốn
tiền như nhau, có gì đâu mà lựa chọn?
Chị vẫn cao hứng:
- Khác chứ anh, nếu
mình về quê, sẽ được nhìn lại cảnh làng
quê êm đềm. Em sẽ nói
hai dì nướng gà bọc đất sét cho anh thưởng thức món đặc sản đồng quê.
- Êm đềm cái gì? Trầy
da tróc vẩy mới đến được ngôi làng khỉ ho cò gáy đó. Anh nhớ thuở mới cưới em,
theo em về quê ngoại, mang tiếng ở Cần Thơ, tưởng đâu ngay bến Ninh Kiều, ai dè
trong một ngôi làng hẻo lánh ở thị xã Long Tuyền, mấy lần xe, mấy lần đò, mấy
lần đi bộ qua cánh đồng hoang mới tới… một con rạch, đứng bên này bờ phải hò
hét lên thật to, cho người bên kia bờ nghe thấy mà đem ghe ra chở mình sang.
Lúc đó mới thật sự tới được nhà hai bà dì của em. Cho nên anh chẳng ngu gì chịu
gian khổ lần nữa để ăn món gà bọc đất sét nướng của dì em trong mùa đại dịch
cảm cúm này.
- Ừ nhỉ, em quên mất
đang dịch cúm gà. Khổ quá, Tết nhất người Việt mình cần có món gà để cúng quẩy,
để làm cỗ, món nọ món kia, thế mà phải nhịn.Vậy thôi, cứ để hai dì lên thành
phố cho mình đỡ mệt, bù lại, mình cho hai dì tiền rộng rãi để chi phí xe cộ
đường xa.
Chị lại cao giọng lần
nữa, và làm anh giật mình lần nữa:
- Anh nè !
Thấy anh nằm im, chị
hỏi:
- Ủa, anh ngủ rồi hả?
- Em cứ “Anh nè” hoài
làm sao anh ngủ nổi ? Mỗi cái “Anh nè” là thêm một chi phí, cũng như thư của
má, mỗi lần tái bút má lại “À quên” là thêm những món cần gởi. Hai má con em
giống nhau y chang.
- Anh nè, em mới nghĩ
ra một điều vô cùng tuyệt vời, mình phải đi Đà Lạt nữa, mùa Xuân Đà Lạt chắc là
đẹp lắm? thành phố của các loài hoa mà . Ngày tư ngày Tết bao cả nhà một chuyến
du Xuân cho vui và thuê thợ quay phim, chụp hình làm kỷ niệm. Mình sẽ thuê một
cái xe van lớn nghe anh. Nghĩ cho cùng, hồi còn ở Việt Nam, vợ chồng mình
nghèo, đâu dám mơ đi Đà Lạt chơi, nay có điều kiện, tội gì không hưởng?
- Trời ơi! Không phải
chỉ má em tưởng em trúng số độc đắc. Mà chính em, làm như em đang xài tiền
trúng số vậy đó. Em có biết là sau chuyến đi Việt Nam ăn Tết này, vợ chồng mình
sẽ sạt nghiệp không?
- Nhằm nhò gì! Người
ta năm nào cũng về, mình 10 năm mới về thì tốn kém mấy cũng chơi luôn.
Anh hờn mát quay mặt
vào trong tường. Chị lại gọi:
- Anh nè…
Anh cảm tưởng như đang
bị chị “khủng bố”, anh kinh hoàng gắt :
- Gì nữa? Em có biết
mỗi lần em gọi “Anh nè” là anh giật bắn người lên như vừa dẫm chân vào gai nhọn
hay cục than đỏ hồng không?
Chị nũng nịu:
- Anh nè, lần này em
chỉ muốn chúc anh ngủ ngon thôi mà. Good night anh !
Nói xong chị ôm hôn
anh, dịu dàng và dễ thương quá, làm lòng anh mềm lại. Cái trò “mỹ nhân kế” của
chị không bao giờ cũ đối với anh. Nhưng nghĩ tới sắp sửa phải ra bank rút cả
chục ngàn đô cho một chuyến về Việt Nam ăn Tết, anh thấy xót xa quá!
Dĩ nhiên đi chơi là
phải tốn kém, phải quà cáp cho người thân, nhưng cái giá này quá đắt, thậm chí
vô lý, trong khi ở đây, cuộc sống hàng ngày có bao nhiêu lo âu tính toán, vậy
mà về Việt Nam cứ tiêu xài vô tư, thoải mái, cho đẹp mặt đẹp mày. Rồi về lại
méo mặt méo mày.
Anh cố tìm giấc ngủ,
mấy đêm trước anh còn đi vào giấc ngủ với bao nhiêu là hình ảnh vui tươi, tuyệt
vời của ngày Tết Việt Nam. Vậy mà đêm nay những hình ảnh đẹp đẽ ấy biến đi đâu
hết?
Anh mong sao sáng mai
thức dậy, đọc báo thấy tin chính quyền Việt Nam vừa…ra lệnh cấm không cho Việt
Kiều về quê ăn Tết nữa. Chắc lòng anh sẽ…vui như Tết. Khỏi phải đi đâu cả.
Cô Vợ Xinh
Đẹp Và Người Thợ Mỏ.
Thật là một
câu chuyện đáng đọc... mắt tôi đã nhòe đi khi đọc đến những dòng cuối cùng...
Cô ấy 30
tuổi, người xinh đẹp, nước da trắng, thân hình nhỏ gọn, nhưng số mệnh cô không
được tốt, trước tiên là sinh hạ một cô con gái đần độn, sau đó nữa thì, năm cô
29 tuổi, chồng cô mất. Về sau, cô đã quyết định tái giá, cô gả cho một người
đàn ông lớn hơn cô 15 tuổi.
Cô không
chịu nổi khổ, huống hồ còn phải dẫn theo cô con gái đần độn. Điều quan trọng
là, ông ấy là một người thợ mỏ, thu nhập bao nhiêu thì không nói, chỉ là nếu
như xảy ra tai nạn, thông thường nạn nhân sẽ được bồi thường bảy, tám trăm triệu.
Cô đã
nghèo khổ đến sợ rồi, nếu không, tại sao xinh đẹp như vậy lại muốn gả cho một
người có chút tật ở chân cơ chứ. Ông ấy vừa già vừa khó coi, miệng méo mắt lệch…
Ông ấy cũng biết rằng bản thân mình không xứng, nhưng vẫn cảm thấy giống như có được báu vật vậy…
Số tiền ông kiếm được, toàn bộ đều đưa hết cho cô, nhưng mỗi tháng cũng chỉ khoảng 3 triệu, trừ đi các khoản chi dùng cho cơm ăn áo mặc thì cũng chẳng còn lại bao nhiêu.
Cô thật sự
không can tâm, cô con gái ngốc của cô sau này còn phải dùng đến tiền nữa, bản
thân không muốn sống với ông cả đời như vậy. Khai thác khoáng sản, đâu đâu cũng
dễ xảy ra tai nạn như vậy, tại sao ông ấy lại không gặp phải nhỉ?
Điều cô
nghĩ đến chính là vài trăm triệu đó, nếu như ông ấy chết rồi, cô sẽ ôm tiền bỏ
đi. Đây là một suy nghĩ ác độc, nhưng lại là điều chân thật nhất…
Cô mua quần
áo phấn son tô điểm cho chính mình, liếc mắt đưa tình với người hàng xóm…
Có người nói cho ông hay rằng: “Hãy nhìn vợ ông kìa, lấy tiền của ông chưng diện
rồi gian díu với người đàn ông khác!”.
Ông chỉ cười: “Cô ấy ở nhà cô đơn buồn chán, ăn diện một chút thì có sao đâu”.
Thật ra, trái tim ông đang đau nhói, ông không muốn thấy cô phóng đãng như vậy.
Cô nói muốn
ăn quýt, ông liền đi ra tận thị trấn mua, nhưng lúc đi không có nói với cô trước.
Cũng ngay lúc đó, tại hầm mỏ xảy ra tai nạn, suy nghĩ đầu tiên của cô chính là,
lần này tốt rồi, tiền đã đến tay rồi!
Bao nhiêu thi thể được khiêng ra, cô nhìn xem từng người từng người một, nhưng
không có nhìn thấy ông, trong lòng không khỏi thất vọng cùng cực.
Bỗng nhiên quay đầu lại, cô nhìn thấy ông ấy tay ôm theo giỏ quýt đi đến trước
mặt cô, ngây thơ giống như một đứa trẻ.
Ông nói: “Cho em này. Anh đi ra thị trấn mua quýt cho em, vậy nên đã thay ca với
người khác!”.
Cô khóc òa lên, không phải xúc động vì thấy ông bình an, mà là bởi hy vọng tan
vỡ.
Ông khuyên rằng: “Anh không sao, em đừng sợ”. Ông tưởng rằng cô đang sợ hãi lo
lắng cho mình.
Khi ăn trái quýt, trong lòng cô cảm thấy bản thân mình không ra gì...
Một thời
gian sau, ông len lén chạy lên núi trồng cây, mỗi tháng trồng được khoảng bốn
năm chục cây. Có người hỏi ông trồng cây để làm gì? Ông cười trả lời rằng: “Trồng
cho hai mẹ con họ, sau này khi tôi chết rồi, thì số cây này cũng đã lớn, có thể
nuôi sống hai mẹ con họ”.
Lời này đã đồn đến tai cô, trong lòng cô không khỏi chua xót, suýt chút nữa là
rơi nước mắt.
Về sau, cô
bị nhiễm phong hàn, ông ấy đã không quản ngày đêm chăm sóc cho cô. Nửa đêm tỉnh
dậy, phát hiện người chồng đang ôm chân của mình. Cô hỏi: “Anh ôm chân em làm
gì vậy?”.
Ông nói: “Chỉ cần em tỉnh dậy, anh sẽ biết được, nếu như em phải đi vệ sinh sẽ
có người dìu em”.
Lần này cô thật sự đã khóc, nghẹn ngào nói: “Anh đúng là ngốc mà”.
Sau khi bệnh khỏi rồi, cô khuyên ông rằng: “Anh đừng có đi làm ở khu mỏ nữa được
không? Chỗ đó lúc nào cũng có tai nạn rình rập, hôm trước lại chết mấy người nữa,
em thật sự rất sợ”.
Lần này cô thật lòng, bởi vì cô đã nghĩ thông suốt rồi, con người là quan trọng
nhất, người không còn nữa, thì cái gì cũng đều không có nữa.
Sau đó, cô
nghiêm túc hẳn, không có đi đây đi đó nữa, cũng không còn trang điểm quyến rũ nữa.
Cô mở một tiệm tạp hóa nhỏ, hàng ngày đứng tựa cửa chờ ông trở về.
Không lâu
sau đó, ông đột nhiên cảm thấy lồng ngực đau nhói, mới làm việc được một lúc, mồ
hôi đã đầm đìa, thế là ông lén uống thuốc giảm đau, mỗi lần uống là năm sáu
viên, nhưng vùng ngực vẫn cứ đau.
Ông lén đi
ra thị trấn khám thử. Bác sĩ nói, ung thư gan thời kỳ cuối, nhiều nhất chỉ sống
được hơn ba tháng nữa, muốn ăn gì thì hãy cứ ăn, đừng có làm khổ bản thân mình.
Đi ra chợ,
ông đã tiêu xài hết toàn bộ số tiền mang theo, ông đã mua rất nhiều đồ, quần áo
mới cho cô, áo khoác hoa cho con gái, son phấn nước hoa, nhưng lại không có mua
một món gì cho bản thân mình.
Buổi sáng
hôm sau, ông nói ông tính đến khu mỏ làm việc.
Cô nói: “Đừng đi, chỗ đó rất nguy hiểm, dễ xảy ra chuyện, đừng có đi, dứt khoát
đừng có đi!”.
Ông cười hì hì, cuối cùng vẫn đi. Ông nói với ông chủ rằng: “Hãy sắp xếp cho
tôi phần công việc khó nhất, có mệt tôi cũng không sợ”. Ông chủ đương nhiên đồng
ý, bèn cử ông xuống hầm mỏ sâu nhất. Khi cơn đau kéo đến, ở trong bóng tối ông
thầm gọi tên cô.
Đi làm được ngày thứ ba, dưới hầm bắt đầu ngập nước, ông vốn dĩ là có cơ hội chạy
thoát được, nhưng ông nghĩ, có được tiền rồi, cô và con gái cả đời cũng không cần
phải lo nghĩ nhiều nữa. Thế là, ông không có chạy, cũng không kêu cứu.
Sau khi
hay tin, cô đầu tóc cũng không chải mà chạy đến nơi, dùng tay gắng sức đào bới
ngoài cửa mỏ, hai tay đều đã chảy máu. Nhìn thấy thi thể của ông, cô gọi tên của
ông, khóc lóc kêu gào thảm thiết rằng: “Em không muốn! Em không muốn! Anh đừng
bỏ em, đừng bỏ em, làm ơn đừng bỏ lại em mà!”.
Từ trong túi áo của ông rơi ra một mẫu giấy chẩn đoán của bệnh viện, lúc này cô
mới hiểu rằng, người đàn ông này đã dùng sinh mệnh của mình để yêu thương cô một
lần cuối cùng.
Sưu Tầm
Cơm
Tàu Và Quà RongTàu - BS. Lê Văn Lân
Chúng ta người Việt Nam vẫn thường có dịp ăn cơm Tàu. Nếu như trước đây ngoài Bắc năm thì mười họa rất đặc biệt người ta mới đi ăn " hiệu khách", ăn "cao lâu", thì trong Nam chuyện ăn tửu lầu khá thường xuyên hơn qua những tiệc cưới hay những dịp đãi đằng khao mừng hay tiếp đón tiễn đưa, nhất là tại Saigon vùng Chợ Cũ hay tại Chợ Lớn ...Ngoài ra thì ở mỗi thành phố lớn khác của miền Nam VN như Huế, Đà nẵng, Faifoo, Nha trang, Mỹ tho, Cần thơ ...cũng có hiện diện ít nhất một tửu lầu của Hoa kiều nhưng vì trong thời chiến, tôi không có cái may mắn lê chân khắp bốn vùng Chiến thuật nên không rành các tên hiệu. Hình như trở thành một thông lệ chăng, những tiệm ăn nào có tên hiệu kèm chữ " Ký" như Khê ký, Sáng ký, Vĩnh ký ...thì ít nhiều cũng là liên hệ gốc Tầu, không đặng 72 phần dầu chánh gốc gia phả thì ít ra cũng lai căng đầu gà đít vịt, hay mối tình chồng Tàu vợ Việt...
Những tiệm ăn lớn của Hoa kiều ở Việt nam theo tôi hiểu thì đại đa số nấu nướng theo kiểu bếp Quảng Đông, kỳ dư nghe nói thì cũng có vài tiệm nấu theo kiểu Triều Châu hay Phước Kiến hay Hẹ (Khách gia hay Hakka) gì đó ... Tuy nhiên , có những tiệm lai lai, ký này ký nọ ở các tỉnh miền Tây như Cần thơ Tây Đô thì nấu bếp rùa rắn cho dân nhậu tưng bừng ... Ưu thế đa số của bếp Quảng Đông cũng dễ hiểu vì kể từ thời cuối thế kỷ 17, đám Minh thần gốc Quảng Đông không phục nhà Mãn Thanh như Dương Ngạn Địch, Trần Thượng Xuyên, Mạc Cửu ...đã đến xin thần phục Chúa Nguyễn Đàng Trong để được tá túc lập nghiệp thành những xóm Minh Hương miền Đông phố Biên Hoà hay Hà tiên rồi. Kể đúng ra thì khi tra lại sổ bộ thuế thuyền bè ngày xưa ở Hội An thì chúng ta còn thấy nhiều người Tầu đủ gốc ở các vùng khác đến buôn bán ở Đàng Trong như Sơn Đông, Thượng Hải, Quảng Đông, Phước Kiến, Hải Nam, Mã cao ...nhưng họ đến thì rồi phải đi như " Tàu từ Phước kiến đến thì nạp thuế 2.000 quan, lúc tàu trở về thì chỉ nạp thuế 200 quan... (trích Phủ Biên tạp lục, quyển IV của Lê Quí Đôn). Theo Lê Quí Đôn, tàu buôn từ Quảng đông đến Hội An thuận gió mùa thì chỉ hai ba ngày thôi. Có lẽ vì thương khách Trung Hoa đến tấp nập, đông đảo trên các tàu buôn lớn nên dân ta bèn gọi họ là " dân Tàu" cho tiện! Về sau, trong thời Pháp thuộc, còn có vài đợt dân Tàu chạy giặc xin nhập cảnh cư trú mà ta quen gọi là dân"Các Chú" do chữ Khách trú mà ra, lần này thì thêm nhiều dân Tàu khác, do đó họ mới thành lập nhiều bang hội khác nhau. Có cả thảy 5 nhóm Hoa Kiều lập thành Ngũ Bang là Quảng Đông, Triều Châu, Phúc kiến, Hải Nam, Khách Gia (Hẹ hay Hakká) nhưng đa số vẫn là hoa kiều từ Quảng Đông, sau đó là dân Tiều nên các danh từ Quảng đông và Triều Châu được Việt- âm- hóa rất nhiều.
"Các chú" Quảng đông vẫn là đa số buôn bán" chạp phô"- tạp hóa- ở nhiều nơi, còn các " chệc" Triều châu thì phần lớn ở Bạc Liêu hay Trà vinh làm rẫy, một số Tiều chuyên làm trà . Cũng nên lưu ý về tiếng Tiều gọi trà là " té" nên do đó có những chữ " thé" và " tea" trong Pháp và Anh ngữ, còn tiếng "Tsà"theo tiếng Quảng Đông thì chuyển qua thành " chai" hay "chá" trong tiếng Nga và Bồ đào nha... [Theo Lê ngọc Trụ trong Tầm-Nguyên Tự- điển Việt- Nam, " chệc" là tiếng Tiều gọi chữ Thúc, nghĩa là "em trai của cha" Người bình dân gọi Chệc để chi người Hoa. Nhưng người Quảng Đông cho là giọng khinh bỉ, người Triều Châu trái lại, chấp nhận vì họ được tôn là " chú": Chú chệc, thím xẩm. Theo nhiều người nói thì " các chú" Quảng làm ăn buôn bán khá hơn các " chệc" Tiều lam lũ làm rẫy tằn tiện nên không biết có phải vì vậy mới có câu khá ngộ sau: Quảng Đông ăn cá bỏ đầu , Tiều Châu lượm lấy đem về kho tiêu! ]. Theo một người bạn Việt gốc Tiều của tôi, người Tiều chê dân Quảng không biết ăn cá: Món cháo cá Tiều ăn ngọt đặc biệt nhờ nấu cá chỉ rửa sạch bên ngoài còn giữ nguyên...vảy, đầu và cả ruột. Dân Tiều ở Việt nam chuyên trị về những món sau như Cá chim hấp, bò viên, tôm viên, ruột heo nấu cải chua...và nhất là nấu " hủ tíu Tiều Châu" hay " hủ tíu Nam vang"!
Dù xa quê hương chúng ta vẫn không quên những lần dậm xà (ẩm trà) tại các tiệm các chú bán cà phê, mì, hoành thánh (vân thốn hay hổn độn)"hủ tiếu"(qua điều) đóng chốt ở các góc đường, những xe mì bán khuya về đêm và nhất là những tiệm ăn sáng ở Chợ Cũ với các tên" phổ ky" (hỏa kế) chạy bàn bưng những món"xíu mại" (thiêu mãi), "há cẩu" (hà giao), những ly " phé nại" (cà phê sữa - gia phi ngưu nãi). Theo các nhà văn Bình Nguyên Lộc hay Minh Hương, một thời tiền chiến trước 45, các phổ ky còn có thói rao ê-a như rao lô tô bằng tiếng Quảng Đông khi gọi lớn vào bếp những tên món ăn mà khách đặt:
-
Bàn số 3 , bên Đông, bà lùn, cà phê ít sữa nhiều!
-
Bàn số 4, bên Đông, hủ tíu không giá.
-
Bàn số 1, bên Tây thên bánh bao ngọt thằng nhỏ
-
Bàn số 2, bên Tây, ông già râu, cà phê đen ly lớn, xíu mại to
Chủ
quan thường biết rõ tính nết và sở thích ăn uống của mỗi khách quen, nên họ thường
đặt cho mỗi người một cái ngoại hiệu hỗn danh nên khi khách ăn xong lại quầy trả
tiền thì phổ ky rao những câu hóm hỉnh bằng tiếng Quảng Đông sau:
-
Ông đầu hói mang khăn rằn, một đồng hai cắc
-
Bà hai mập, ba đồng sáu cắc
-
Ông chủ ốm nón nỉ, tám đồng tư, hai bánh bao mang về
Bên cạnh những tiệm ăn, ta thấy ở mỗi khu thị tứ đầy Hoa kiều, đều có ngự trị ít ra một tiệm bán gọi chung là " lạp gia" bán những món gọi là " lạp vị " như lạp nhục, lạp áp (thịt heo hay vịt muối mặn) cùng với heo quay, vịt quay treo đỏ chói vui mắt, quyến rũ lạ kỳ... Ở nước Tầu rộng lớn, chỉ có dân Quảng Đông là nổi tiếng về món thịt heo ướp ngũ vị hương quay, ngoài thì da dòn rụm, trong thì thịt vừa mềm vừa thơm ... khiến người sống ở dương gian thèm thì không nói làm gì, linh hồn ông bà ông vải và cô hồn các đẳng ở âm ty địa phủ cũng đòi hưởng mỗi năm vào rằm tháng bẩy... [ Món " Lạp xưởng" tức là Lạp trường là thịt heo có lộn mỡ, ướp diêm tiêu dồn vào ruột (trường) rồi phơi nắng tháng Chạp (gọi theo lịch Tàu là Lạp Nguyệt). Lạp xưởng phơi là lạp xưởng khô, còn không phơi là lạp xưởng tươi.
Tôi không biết có nên kể thêm những xe bán đồ ngọt của các chú Quảng đông không? Họ bán Sắn pủ lường (Thanh bổ lương), các loại chè hổ tai (hay phổi tai - do chữ hải đái là rong biển), pạc quỏ (bạch quả hay trái của cây ngân hạnh - ginko)... Cũng nên lưu ý dân Tầu cũng ăn thịt cầy nấu thuốc Bắc gọi là " hướng dục" (hương nhục) ăn trời lạnh cho ấm con tì con vị. Dân học sinh chắc không thể nào quên món lòng heo, lòng bò " phá lấu" ăn kẹp với bánh mì. Phá lấu do chữ đả lỗ tức là ướp mặn bằng nước tương và ngũ vị hương rồi đem um lên cho rặc săn lại. Lại còn những xe bán " ngầu dìn" (hay thịt bò vò viên - ngưu viên) Ngầu dìn chấm tương cay cay, nhai vừa dẻo dai vì có trộn gân bò, và vừa dòn vì trộn hàn the (hay bằng sa). Chú bán ngầu dìn còn bày ra trò đổ ba hột lúc-lắc chơi " xí ngầu lác" để dụ các em trai học sinh chơi để "thiếm xực " ăn thêm (xí ngầu lác tức là tứ-ngũ-lục!). Các em gái nhỏ khoái ăn chua chua, ngọt ngọt thì có các thứ : cà- na, cánh- chỉ, xí mụi! Cà na tức là trái trám hay Cảm lãm; Cánh chỉ do chữ Gia ứng tử đọc từng âm là cá-dính chỉ nhưng đọc lướt nhanh nuốt âm là kính chỉ hay cánh chỉ. Còn xí mụi hay xín mụi là quả mai chua (toan mai)
Lẽ tất nhiên, nói cho công bằng, bên cạnh đa số tiệm Tàu gốc Quảng Đông, ở Sàigòn Chợ lớn cũng có lai rai một vài tiệm Tàu khác như tiệm hủ tíu Triều Châu ở đối diện Chợ Lớn mới, Cơm Gà Hải Nam ở Chợ An Đông, hay đường Tôn Thọ Tường.
Cái kiểu ăn quà vặt thì dân Quảng đông gọi là xỉu-xực (tiểu thực). Nếu đi chơi đêm coi xi nê hay hành lạc về khuya ăn để dằn bụng trước khi về nhà ngủ thì gọi là "xíu dề" (tiêu dạ) Kỷ niệm kể lại có lẽ còn cơ man nhiều cái linh tinh lỉnh kỉnh khác, không kê đủ ra đây. Bây giờ thì tôi mời các bạn tới tửu lầu ăn đàng hoàng theo bữa hay đặt " thồi" (đài là cái bàn). Dịp ăn cơm Tàu thông thường nhất là đám cưới. Tôi xin nhắc lại đây tên vài nhà hàng Tầu nổi tiếng vùng Chợ lớn như Đồng Khánh, Arc-en-ciel, Soái kinh lâm, Bát Đạt, Á đông, Đại La thiên, Triều châu...Ba nhà hàng kể chót thì chủ nhân tuy gốc Tiều nhưng vẫn nhận đặt tiệc cưới nấu theo Quảng Đông, nhưng họ vẫn nấu ăn Tiều cho khách đồng hương nếu yêu cầu...
Trước đây, tôi có nghe người ta kháo rằng các ông lớn tham nhũng được Các Chú Ba mời mọc mua chuộc hối lộ với những buổi liên hoan Orgy " Nhất dạ đế vương" trong những Cercle Rouge kín đáo nào đó. Lẽ tất nhiên, kiểu ăn không giống kiểu tiệc" rừng thịt ao rượu - nhục lâm, tửu trì" của Trụ vương với nàng Đát Kỷ! nhưng tôi nghĩ cũng phần nào chắc cũng giống những bữa yến diên có đầy mỹ nữ hầu rượu của nhân vật Hàn Hi Tái trong lịch sử Trung Hoa. Thực đơn chắc chắn phải có nhiều món huyền thoại danh bất hư truyền về cái tính chất bổ dương khích dục đi đôi với các thứ rượu quí mấy ngàn Mỹ kim một chai. Đối với người dân thường kiếm đồng lương khiêm tốn lương thiện thì đi ăn cưới tại nhà hàng Tàu là một đại tiệc rồi. Thực đơn đám cưới đặt theo bàn tròn hay "thồi" (đài) - 10 hay 12 người, theo đủ loại giá. Thành phần thì đại khái có ba phần: phần đầu là phần khai vị (entrées, hay hors- d'oeuvres hoặc appetizers), phần giữa là phần chủ lực gồm các món nặng, vừa ăn vừa uống rượu, phần chót là phần dằn bụng với món cơm trắng ăn với món mặn hay món cơm chiên hay mì xào cho chắc trước khi bế mạc với phần tráng miệng. Theo lệ đám cưới Á đông, vào giai đoạn chót của phần chủ lực để bước sang phần dằn bụng" chấm dứt chương trình văn nghệ tạp lục Tùng Lâm", có màn chào bàn của tân lang và tân giai nhân, muốn uống rượu gì thì cố cạn ly mà uống đi chứ sau đó thì nên ngưng mà ăn cơm, ăn mì cho chắc dạ, kẻo về nhà khuya khoắt lại ăn mì gói nhé! Món ăn dằn bụng ở cuối tiệc Tàu thường là món cơm Dương Châu.
Ở Trung Hoa có hai địa danh Dương Châu: một Dương Châu là một vùng thị tứ nằm ở giao điểm sông Trường giang hay Dương tử với kinh Đại Vận Hà, con kinh đào lưu thông chuyên chở sản vật vùng Giang Nam lên Bắc kinh cống nạp cho triều đình. Một Dương Châu khác tuy là thuộc địa phận Quảng đông nhưng không sản xuất Cơm chiên Dương Châu (Dương Châu xảo phạn)! Cơm này chỉ là một trong những cách nấu nướng tiêu chuẩn từ những món ăn còn dư lại đem chế biến thành một món ăn mới ngon miệng hơn. Cơm vốn là " cơm nguội" nấu dư từ hôm trước, nhưng còn nguyên, chưa dọn ra bàn cho thực khách đụng đũa ăn bỏ mứa lại, cũng như nhiều phụ gia phẩm khác như jambon, trứng tráng, đậu Hòa lan, hành lá...đi chợ còn dư được xắt lát rồi trộn với cơm mà chiên lên...Chiên là gì? Nó không phải là xào chính hiệu (stir-frying) hay chiên ngập dầu (deep frying), mà là một thứ xào rất ít dầu mỡ, để cho chín lâu trên lửa, - tạm gọi tương đương là " sautéing"- khiến những hột cơm từ từ hút dầu săn lại rồi đến đúng độ nào thì lại nở tung ra nên khi ăn hột cơm thì thấy trong mềm dẻo nhưng ngoài lại dòn do lớp vỏ chiên. Cơm mới nấu không thể nào chiên như thế vì còn ướt, chỉ có cơm nguội đã ráo chiên mới ngon, bây giờ cơm nguội để tủ lạnh chiên còn ngon hơn. Điều ngộ là món cơm chiên Dương Châu không phải là một thứ " danh thái" hàng đầu trong bếp Quảng Đông, nhưng thực khách trên thế giới ăn cơm Tầu phải nhớ tới nó, cũng như nhớ tới một món Quảng Đông tương đương khác là " ch'ao mien" (mì xào). Mì đã luộc chín rồi để ráo, đem xào với măng tre xắt chỉ, giá đậu và thịt heo ... [ Cũng nói trong dấu ngoặc, Tàu hay bán món " bánh bao" (Quảng Đông gọi là " tài báo") - một thứ bánh ngon lành mà vỏ làm bằng bột mì hấp nở xốp phình ra trông vô cùng hấp dẫn, trong có nhân thơm phức bằng thịt xào, lạp xuởng và trứng. Theo cuốn phim tàu Thần Bếp (Thần trù) rất ăn khách hiện nay, nhân bánh bao cũng là những món dư của nhà bếp từ hôm trước chế biến lại. Món bánh bao được vua Khang Hi nhà Thanh ăn khen ngon khi ông giả thường dân đi vi hành ngoài cung cấm. Về sau, vua biết bánh bao chế bằng đồ ăn thừa ông lại khen nức nở cho tinh thần dân Hán tiết kiệm nhưng biết sáng chế.]
Nhân nói về cái ngon của cơm Quảng Đông, ngạn ngữ Trung Hoa có câu khen tứ đại danh của lãnh thổ Trung Quốc như sau: Thực tại Quảng Châu, Y tại Hàng Châu, Thú tại Tô Châu, Tử tại Liễu Châu (Cơm ngon ăn tại Quảng Châu, Áo đẹp may vải Hàng Châu, Vợ xinh cưới ở Tô Châu, Hòm chết chôn không bao giờ mục ở Liễu Châu). Quảng Châu là thủ phủ của tỉnh Quảng Đông. Tỉnh này rộng lớn ở vùng Hoa Nam thuộc miền bán nhiệt đới, mưa nhiều vào khoảng giữa tháng 5 và tháng 9 dương lịch. Vùng châu thổ sông Châu Giang của Quảng Đông và duyên hải là vùng nông nghiệp phát đạt thịnh vượng phì nhiêu. Lúa một năm trồng haivụ và gạo là cốc loại để ăn chính, mỗi ngày người dân ăn hai lần, ngoài các hoa màu khác cũng nhiều nhu khoai lang, bắp, khoai môn và ngay cả lúa mì cũng trồng. Về chăn nuôi thì có nhiều trại heo, trại gà, ao cá . Các thứ rau cải lá xanh lớn mọc sum xuê, trái cây nhiệt đới như cam, đào, thơm và lệ chi (vải) thì ê hề. Biển duyên hải thì nhiều loại hải sản ngon như cá (đặc biệt là hoàng ngư - yellow croaker), sò ốc, cua...Một yếu tố nhân sự khác quyết định cái ngon của Bếp Quảng Đông là nhiều đầu bếp ngự thiện của cung đình phương bắc đã chạy giặc lánh nạn ở miền Hoa Nam, nên họ có dịp thi thố tài năng giữa đống sản vật địa phương phong phú, hơn nữa đây là vùng hải cảng giao tiếp với những nước ngoài nên họ không ngần ngại dùng những thứ rau củ ngoại lai như Cà chua (phiên gia), cà rốt ( Tầu chỉ có củ cải trắng gọi là la-bặc nên họ gọi cà rốt là hồng la bặc), khoai tây (mã linh thự - củ khoai hình lục lạc ngựa),củ la-đì (radish), hành tây (dương thông)...Do đó, bếp Quảng Đông rất uyển chuyển, thích nghi và đa dạng và thoát sáo...Thức ăn Quảng đông không nêm nhiều gia vị cay nồng như bếp Tứ Xuyên, nhưng có nghệ thuật pha trộn phong phú dung hòa nên khẩu vị nổi bật...Trên lịch sử, Bếp Quảng Đông phát triển muộn nhưng nó biết đầu sư học đạo sẵn lòng làm môn đệ thông minh của các địa phương danh tiếng ở miền khác ở Trung Hoa. Phần lớn các đầu bếp Tầu ở Mỹ đều là dân Tàu Quảng đông vùng Tứ Ấp di dân qua vào cuối đời Thanh trong giai đoạn cực kỳ loạn lạc. Sau đây là một thực đơn " Tứ hải giai huynh đệ" của một nhà hàng Trung Hoa mà tôi đặt thành vần điệu cho vui, nói lên cái đa dạng phong phú dung hòa của Bếp Quảng Đông:
Bóng
Cá khai mào Hải vị thang
Chả
giò Tam giác chúc an khang
Giỏ
hoa Đồ Biển mừng vui nhộn
Heo
Tứ Xuyên viên đón rỡ ràng
Sơn
Đông Ngưu Xảo mời tân khách
Vịt
rút xương mềm tiếp túy lang
Đông
Cô Gà nấu duyên văn nghệ
Hoan
hỉ Cơm Chiên thêm nở nang.
Và
sau đây cũng là một thực đơn tiệc cưới tôi xin nhắc lại cũng để nói lên cái nét
khẩu vị uyển chuyển dung nhập hài hòa nhiều nguồn gốc của nhà hàng Quảng Đông:
Súp
vi cá mở đường Bát bửu
Vịt
Bắc kinh , Hải vị Tổ chim
Kế
là: Cá hấp thơm lừng
Tôm
Hùm vị ngọt xào gừng thiệt cay
Mời
nhau tiếp: Gà Quay tuyệt hảo
Hãy
gắp lên Đồ Biển Mì Xào
Cơm
Chiên Tôm đỏ làm sao
Cải
Xanh xào với Ngư Bào tuyệt ghê!
Cứ
vui nhé! Chớ hề khách sáo
Rượu
rót luôn, huyên náo nâng ly
Tiệc
vui hồ hởi một khi
Chúc
mừng phu phụ "happy" một nhà
(Lê
văn Lân)
Cơm
Tầu ăn ở Việt Nam theo bếp Quảng đông được đa số Việt nam chúng ta nhận định là
thích khẩu, dù sau này người Việt đi tỵ nạn năm châu bốn biển ăn cơm Tàu khắp
nơi và du lịch ở Trung Hoa vẫn nhớ và cho rằng không đâu ngon bằng cơm Tầu mình
ăn đầu tiên trên quê hương mình! Điều này có lẽ là tại dân mình bị " điều
kiện cách", vả lại trước đây có dịp nếm cơm nhiều xứ khác đâu mà nhận định
và so sánh một cách khách quan. Thôi ta đành nhại thơ thi sĩ Tế Hanh mà tự thổn
thức tâm tình vậy:
Nay
xa cách lòng tôi luôn tưởng nhớ
Vị
cơm Tàu quyến rũ chốn quê tôi
Thoáng
con thuyền tỵ nạn chạy muôn nơi
Ti
thấy nhớ cái mùi... Chợ lớn quá
Lê
Văn Lân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét