.

.

a

Hoa đào nở, chim én về, mùa xuân lại đến. Chúc quý thầy cô và anh chị em đồng môn năm mới Giáp Thìn : - nghìn sự như ý, vạn sự như mơ, triệu sự bất ngờ, tỷ lần hạnh phúc.
THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ, ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU - MỘT NĂM MỚI AN KHANG THỊNH VƯỢNG - VẠN SỰ NHƯ Ý

28 tháng 8 2021

Kiệt tác 'pháo đài sư tử' giữa rừng rậm Sri Lanka.

 

Sigiriya là địa điểm lịch sử, khảo cổ nổi tiếng tại châu Á với những tác phẩm nghệ thuật bằng đá tuyệt đẹp.

Sigiriya có nghĩa "tảng đá của sư tử", nằm trên vách đá khổng lồ cao 200 m nhô ra giữa cánh rừng già tại miền trung Sri Lanka, tạo nên khung cảnh hùng vĩ. Theo sử thi Mahavamsa, hoàng tử Vijaya là cháu trai của một con sư tử, đến hòn đảo Sri Lanka để kết hôn với công chúa Kuveni. Từ cuộc hôn phối này đã sinh ra tộc người Sinhalese (nghĩa là những con sư tử). Do vậy, sư tử là nguồn gốc thần thánh của các vị vua và trở thành biểu tượng của vương quyền Sinhalese. Ảnh: Dreamstime.

Năm 477, Kashyapa I chiếm lấy ngai vàng sau khi sát hại vua cha Dhatusena. Kashyapa Io sợ bị người thừa kế chính danh Moggallana tấn công nên quyết định dời đô từ Anuradhapura về pháo đài Sigiriya. Sau khi vua Kashyapa I qua đời, những cuộc tranh giành quyền lực trong nội bộ vương triều Moriya và sự xâm lược của người Ấn Độ khiến "pháo đài sư tử" dần trở nên hoang phế. Đến thế kỷ 19, Sigiriya được phát hiện bởi sĩ quan người Scotland Jonathan Forbes và nhà khảo cổ học người Anh Ceylon Bell sau 1.500 năm bị lãng quên. Ảnh: andbeyond.

Sigiriya là tác phẩm nghệ thuật kết hợp giữa quy hoạch đô thị cổ đại, cảnh quan thiên nhiên và nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc. "Pháo đài sư tử" được chia thành hai phần: Khu vực phía tây có diện tích 90 ha, được bao quanh bởi ba thành lũy và hai hào, tạo thành khuôn viên hình chữ nhật với các khu vườn và hệ thống thủy lực phức tạp; cung điện hoàng gia và đền đài tổ chức nghi lễ tọa lạc tại khu vực phía đông có diện tích 40 ha. Ảnh: 123rf.

Du khách có thể đi dọc theo con đường trung tâm để đến lối vào chính của Sigiriya, tượng sư tử đang cúi mình được chạm khắc tuyệt đẹp. Khi leo lên 1.200 bậc thang dẫn đến Pháo đài, khách du lịch còn được ngắm nhìn 1.800 tác phẩm văn xuôi, bài thơ được viết bằng tiếng Sinhala, tiếng Phạn (Sanskrit) và tiếng Tamil trên Bức tường Gương (hay Sigiriya Graffiti), thể hiện sự phát triển về ngôn ngữ ở Sri Lanka trong suốt 800 năm. Đặc biệt, 21 bức bích họa tráng lệ mô tả điệu múa của apsara (thần nữ), cung nữ của nhà vua đang cài hoa... là những di sản nghệ thuật có giá trị cao nhất tại "pháo đài sư tử". Ảnh: Future Travel.

Hiện nay, Sigiriya đang lưu giữ một trong những khu vườn lâu đời nhất trên thế giới, bao gồm vườn bậc thang, vườn đá tảng và vườn nước. Trong đó, bốn khu vườn nước có vai trò quan trọng khi cung cấp nước cho toàn bộ "pháo đài sư tử" nhờ hệ thống hào, kênh ngầm... Khu vườn nước số 1 có bốn ao hình chữ L gọi là "Char-Bagh". Vườn nước số 2 có đài phun nước xếp tầng, nằm giữa hai cung điện mùa hè. Vườn nước số 3 nằm ở vị trí cao hơn, trong khi "vườn nước thu nhỏ" tạo nên tính đối xứng và sự cân bằng tổng thể cho toàn bộ công trình. Ảnh: Travel Map Sri Lanka.

Quần thể cung điện trên đỉnh đá Sigiriya nhằm thể hiện sự giàu có và quyền lực của Kashyapa I, được xây dựng trên diện tích khoảng 1,5 ha với tổ hợp công trình phục vụ cuộc sống hoàng gia, hồ bơi nhân tạo và ngai vàng được tạc bằng đá tự nhiên. Ngoài ra, tại "pháo đài sư tử" còn có những hang động (Asana, Deraniyagala, Cobra Hood) và đền thờ trong thời kỳ Sigiriya trở thành tu viện Phật giáo. Với những giá trị lịch sử và nghệ thuật, Sigiriya đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới vào năm 1982. Ảnh: Sri Lanka Holidays.

Hiểu Phong

Cận cảnh vùng đất không người bí ẩn nằm ở 'cực thứ 3 của Trái đất'

Vùng đất Khả Khả Tây Lý khắc nghiệt nhưng lại có sức cuốn hút đặc biệt bởi cảnh quan ngoạn mục.

Tây Tạng nằm ở khu vực biên giới phía tây nam của Trung Quốc, trên cao nguyên Thanh Hải. Vì nằm ở độ cao hơn 4.000m so với mực nước biển nên Tây Tạng được ví như "nóc nhà thế giới". Tây Tạng cũng là nơi nguồn nước của nhiều dòng sông lớn châu Á, bởi thế nó còn được mệnh danh là "cực thứ ba của Trái Đất" vì chứa trữ lượng nước ngọt lớn nhất bên ngoài Bắc Cực và Nam Cực.

(Ảnh: Staffan Widstrand)

Nhắc đến Tây Tạng phải kể đến vùng đất Hy Nhĩ hay còn gọi là Khả Khả Tây Lý (tiếng Mông Cổ: Aqênganggyai có nghĩa là Chúa tể của Mười nghìn núi) là một khu vực bị cô lập ở phía Tây bắc Thanh Hải - Thanh Tạng (cao nguyên cao nhất và lớn nhất thế giới). Đây là khu vực có dân số ít nhất Trung Quốc và ít thứ ba trên thế giới.

(Ảnh: Spanish People Daily)

(Ảnh: Natural World Heritage Sites)

Khả Khả Tây Lý hay còn gọi là khu vực không người. Nằm ở trong lòng cao nguyên Thanh Tạng, là khu vực có nhiệt độ lạnh nhất của cao nguyên. Con người không thể sinh tồn ở nơi đây, chỉ có thể nhìn thấy lơ thơ vài loài động thực vật có thể sinh tồn ở nơi có nhiệt độ lạnh khắc nghiệt này. Nước tan chảy từ các sông băng tại Hy Nhĩ tạo thành một hệ thống đất ngập nước khổng lồ với nhiều sông, hồ.

(Ảnh: CGTN)

Nói đến vùng cao nguyên Khả Khả Tây Lý phải nói đến 1 loại động vật vô cùng quý hiếm, đó chính là Linh Dương Tây Tạng. Đã có những thời kỳ 1 bộ da loại động vật đặc biệt của vùng đất cao nguyên này giá trị tương đương cân nặng của vàng. Để thích nghi với điều kiện khắc nghiệt của cao nguyên Tây Tạng có lúc xuống tới -40 độ C chúng có thể tự giữ nhiệt nhờ lớp lông ấm rất đặc biệt gồm những sợi lông bảo vệ dài với một lớp lông tơ nhỏ hơn và mềm mượt phía trong.

(Ảnh: Pinterest)

Chuyến tàu từ Lhasa về Tây Ninh qua khu bảo tồn Khả Khả Tây Lý, du khách sẽ có nhiều cơ hội chụp những tấm ảnh thực từ loài động vật đặc biệt của thảo nguyên Thanh Tạng này.

(Ảnh: People's Daily)


(Ảnh: Natural World Heritage Sites)

Cersei (Tổng hợp)

5 bằng chứng cho thấy lỗ đen vũ trụ thực sự tồn tại.

Dân trí

 Khái niệm về lỗ đen xuất hiện nhiều trong khoa học viễn tưởng và phim ảnh, nhưng đã có những bằng chứng để xác minh chúng là có thật.


Trong tất cả những khái niệm xa vời về thiên văn học, lỗ đen có thể nói là một trong những vật thể kỳ lạ nhất.

Nó được định nghĩa là một vùng không gian nơi trường hấp dẫn mạnh đến mức không thứ gì, kể cả ánh sáng, có thể thoát ra. Chính bởi vậy mà những vật thể khổng lồ đen tối này cũng mang đến một viễn cảnh khá đáng sợ.

Mặc dù theo định nghĩa, nó là vật thể đen hoàn toàn - hay nói cách khác là vô hình, nhưng bằng chứng về sự tồn tại của lỗ đen có thể được suy đoán thông qua tương tác của nó với môi trường vật chất xung quanh và bức xạ như ánh sáng.

Dự đoán của Einstein

Khái niệm về lỗ đen là hệ quả tất yếu của thuyết tương đối rộng do Albert Einstein đưa ra.

Lỗ đen lần đầu được nhắc đến vào năm 1916 bởi Karl Schwarzschild, người nhận ra chúng là hệ quả tất yếu dựa trên thuyết tương đối rộng của Albert Einstein. Nói cách khác, nếu lý thuyết của Einstein là đúng - và tất cả các bằng chứng đều cho thấy là như vậy - thì lỗ đen chắc chắn phải tồn tại.

Sau đó, lỗ đen được đặt trên nền tảng vững chắc hơn nhờ Roger Penrose và Stephen Hawking, những nhà vật lý đại tài, khi họ chỉ ra rằng bất kỳ vật thể nào "rơi" xuống hố đen sẽ tạo thành một điểm kỳ dị - nơi các định luật vật lý truyền thống bị phá vỡ.

Vụ nổ tia gamma

Vụ nổ tia gamma có thể hình thành nên các lỗ đen, và hiện tượng này đã được phát hiện bởi các thiết bị tối tân trên Trái đất. 

Vào những năm 1930, nhà vật lý thiên văn Ấn Độ Subramanian Chandrasekhar đặt ra câu hỏi: "Điều gì sẽ xảy ra với một ngôi sao khi nó đã sử dụng hết nhiên liệu hạt nhân?"

Trả lời cho câu hỏi này, NASA cho rằng nếu ngôi sao đó thực sự lớn, thí dụ như bằng 20 lần khối lượng mặt trời, thì phần lõi dày đặc của nó sẽ nổ và chuyển hóa hoàn toàn thành một lỗ đen.

Quá trình phát nổ của phần lõi xảy ra cực kỳ nhanh chóng, chỉ trong vài giây đồng hồ, giải phóng một lượng năng lượng cực lớn dưới dạng một vụ nổ tia gamma.

Thực tế là kính thiên văn trên Trái đất đã phát hiện ra nhiều vụ nổ tương tự. Một số trong số đó đến từ các thiên hà cách chúng ta hàng tỷ năm ánh sáng.

Sóng hấp dẫn

Hình ảnh mô phỏng cho thấy các lỗ đen di chuyển quanh nhau, và tạo ra các gợn sóng hấp dẫn lan truyền ra bên ngoài.

Các lỗ đen không phải lúc nào cũng tồn tại biệt lập. Đôi khi, chúng xuất hiện theo cặp, và di chuyển thành quỹ đạo xung quanh nhau.

Khi hiện tượng này xảy ra, lực tương tác hấp dẫn giữa chúng tạo ra các gợn sóng trong không-thời gian, lan truyền ra bên ngoài dưới dạng sóng hấp dẫn.

Nhờ có các đài quan sát hiện đại, giờ đây chúng ta có khả năng phát hiện ra những sóng này. Phát hiện đầu tiên liên quan đến sự hợp nhất của hai lỗ đen, được công bố vào năm 2016 và nhiều phát hiện khác đã được thực hiện kể từ đó.

Kẻ đồng hành vô hình

Minh họa ảnh hưởng của hiệu ứng thấu kính hấp dẫn tạo ra bởi một lỗ đen, khi nó làm méo hình ảnh của một thiên hà phía sau.

Về bản chất, các lỗ đen sẽ gần như không thể phát hiện ra được. Thực tế là chúng không phát ra bất kỳ ánh sáng hay bức xạ nào. Điều này có nghĩa là chúng có thể ẩn nấp ở mọi nơi trong vũ trụ, nơi chúng ta hay thậm chí là các nhà thiên văn cũng không hề hay biết.

Tuy nhiên, có một cách chắc chắn để phát hiện ra những "con quái vật bóng tối", đó là thông qua hiệu ứng hấp dẫn của chúng đối với các ngôi sao khác.

Theo đó, khi quan sát cặp ngôi sao quay quanh quỹ đạo được gọi là HR-6819 vào năm 2020, các nhà thiên văn nhận thấy những điểm kỳ lạ trong chuyển động của chúng, mà chỉ có thể được giải thích nếu có một vật thể thứ ba, hoàn toàn không nhìn thấy tồn tại ở đó.

Mọi thứ dần trở nên sáng tỏ khi họ bắt đầu tính ước khối lượng của nó, và kinh ngạc khi sự chênh lệch lớn hơn tới 4 lần so với Mặt trời.

Các nhà nghiên cứu khi đó khẳng định có một lỗ đen chưa phát hiện nằm trong thiên hà của chúng ta và đang ở rất gần Trái đất, khoảng 1.000 năm ánh sáng.

Hình ảnh thực tế

Bức hình được công bố cho thấy sự tồn tại của lỗ đen vũ trụ.

Cho đến nay, chúng ta đã có khá nhiều bằng chứng gián tiếp khá thuyết phục về các lỗ đen. Tuy nhiên, bằng chứng hùng hồn nhất cho thấy sự tồn tại của vật thể kỳ lạ này phải kể tới hình ảnh trực tiếp của lỗ đen siêu lớn ở trung tâm của Messier 87 - thiên hà đang hoạt động được công bố vào tháng 4/2019.

Bức ảnh được chụp bởi Kính thiên văn Chân trời Sự kiện (Event Horizon Telescope), thực tế bao gồm một mạng lưới các kính thiên văn lớn rải rác khắp nơi trên thế giới.

Kết quả cho thấy điểm tối cực kỳ rõ ràng của một lỗ đen có khối lượng 6,5 tỷ khối lượng Mặt trời (solar mass) và quầng sáng màu cam được hình thành từ những vật chất phát sáng xung quanh nó.

Minh Khôi/Theo Livescience













































Không có nhận xét nào:

CHÀO MỪNG QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU SÓC TRĂNG THAM QUAN, ỦNG HỘ HOANGDIEUTRUONGXUASAIGON.BLOGSPOT.COM. CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM NHIỀU SỨC KHỎE, THÀNH CÔNG TRONG CÔNG VIỆC.