.

.

a

Hoa đào nở, chim én về, mùa xuân lại đến. Chúc quý thầy cô và anh chị em đồng môn năm mới Giáp Thìn : - nghìn sự như ý, vạn sự như mơ, triệu sự bất ngờ, tỷ lần hạnh phúc.
THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ, ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU - MỘT NĂM MỚI AN KHANG THỊNH VƯỢNG - VẠN SỰ NHƯ Ý

22 tháng 8 2021

Những tàn tích Hy Lạp cổ còn lưu giữ ở Italy.

 

Vết tích Hy Lạp cổ đại nằm rải rác khắp quốc gia này. Một số biệt lập trên đảo Silicy, số khác tích hợp vào các thành phố hiện đại, nơi vẫn thường diễn ra các sự kiện ngày nay.

Paestum nằm ở miền nam Italy, dọc theo bờ biển Tyrrhenian, thường được biết đến với cái tên “Hy Lạp vĩ đại” hoặc Magna Graecia. Từng là thành phố lớn của Hy Lạp cổ đại năm 600-450 trước Công nguyên (TCN), nơi đây có 3 ngôi đền nổi tiếng với tường thành và giảng đường hầu hết còn nguyên vẹn. Ảnh: Buyyourtour.


Locri Epizefiri, thuộc vùng Calabria, miền nam Italy, là địa danh đáng để ghé thăm. Du khách sẽ dễ dàng tìm thấy tại đây vô số tàn tích cổ bao gồm các ngôi đền Hy Lạp, rạp hát và thánh địa Persephone nổi tiếng. Ảnh: Wikimedia Commons.



Nhà hát Taormina nằm trên biển Địa Trung Hải và cạnh núi lửa Etna. Đây từng là nơi diễn ra các sự kiện văn hóa quan trọng của người Hy Lạp cổ đại. Nhà hát được xây dựng vào năm 300 TCN, trước khi người La Mã tu sửa lại vào thế kỷ 2 TCN. Ảnh: Greekreporter.

Thung lũng đền thờ Agrigento là nơi lưu giữ nhiều tàn tích nguyên sơ nhất của Hy Lạp cổ. Nhiều ngôi đền ở đây không có rào chắn, du khách có thể đi bộ vào bên trong và chiêm ngưỡng vẻ đẹp của kiến trúc có từ thế kỷ 5 TCN. Trong ảnh là đền Concord, một trong những ngôi đền được bảo tồn tốt nhất trên thế giới. Ảnh: Greekreporter.

Khu di chi khảo cổ Segesta, cách thành phố Palermo 70 km về phía tây nam, là địa danh sở hữu nhiều đền thờ cổ thứ 2 sau thung lũng Agrigento. Ngôi đền tuyệt đẹp trên đỉnh núi Barbaro từ thế kỷ 5 TCN là một trong số đó. Tham quan kiến trúc Doric điển hình này vào mùa hè, du khách sẽ có dịp thưởng thức những vở kịch Hy Lạp cổ xưa bằng tiếng Ý. Ảnh: Pxhere.

Siracusa là thuộc địa của Hy Lạp từ thế kỷ 5 TCN. Nằm dọc bờ biển phía đông nam của Sicily, nơi đây có nhà hát Hy Lạp, đền thờ Apollo và mộ của vua Hieron II nổi tiếng. UNESCO công nhận Siracusa là Di sản Thế giới và nhà hùng biện La Mã Cicero từng mô tả nơi này là "thành phố Hy Lạp vĩ đại và đẹp nhất". Ảnh: Wishsilicy.

Sang Trần/Theo Greekreporter

Phát hiện 'tranh tường' bí ẩn được vẽ bởi loài người đã tuyệt chủng.

Những hình vẽ kỳ lạ trên vách hang động tiền sử làm dấy nên mối nghi ngờ rằng nghệ thuật do một loài người khác phát minh ra chứ không phải tổ tiên chúng ta.

Theo nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Science (PNAS) của Viện Hàn lâm khoa học Mỹ, các nhà khoa học đã phát hiện ra những mảng đá có màu sắc kỳ lạ trên vách hang động Ardales, gần thành phố Malaga của Tây Ban Nha.

Một số khu vực trong hang động có những mảng màu kỳ lạ.

Dùng kỹ thuật xác định niên đại uranium – thorium, nhóm nghiên cứu xác định thời điểm các vệt màu xuất hiện là khoảng 64.800 năm trước và là vết tích của người "anh em họ" đã tuyệt chủng của loài người chúng ta-người Neanderthals.

Điều này xua tan giả thuyết trước đó cho rằng những vệt màu tìm thấy trong hang là kết quả của dòng ôxít tự nhiên. Cụ thể, quá trình phân tích cho thấy thành phần và vị trí của các vệt màu không phù hợp với các quy trình biến đổi trong tự nhiên. Thay vào đó, chúng được tạo ra thông qua động tác vẩy và thổi. Hơn nữa, kết cấu của chúng không khớp với các mẫu tự nhiên thu được từ nhiều hang động, điều này càng củng cố cho quan điểm các vệt màu được tạo ra một cách có chủ ý.

Phát hiện trên đã khiến cộng đồng cổ sinh vật học xôn xao bởi lâu nay nhiều người vẫn tin rằng nghệ thuật sơ khai được phát minh ra bởi tổ tiên chúng ta – Homo sapiens, tức Người Hiện Đại hay Người Tinh Khôn và mới chỉ 20.000 năm về trước.

Nhà khảo cổ Prancesco d’Errico từ Đại học Bordeaux (Pháp), một trong các tác giả dẫn đầu nghiên cứu, cho biết các bằng chứng tại hang cho thấy người Neanderthals từng sinh sống tại khu vực này trong thời gian dài, với nhiều nhóm khác nhau đến và đi.

Một hình vẽ đã phục chế từ bảo tàng, được in về từ vách hang La Pasiega (Tây Ban Nha), cũng được vẽ bởi người Neanderthals. Ảnh: Hugo Obermaier

Dù những "bức tranh tường" xét về trình độ chắc chắn cách quá xa so với "nghệ thuật" theo cách hiểu của người hiện đại nhưng là bằng chứng sống động cho thấy người Neanderthals đã phát triển như thế nào vào thời kỳ mà lịch sử ngỡ mọi loài người còn "mông muội".

Khám phá này làm dấy nên giả thuyết rằng nghệ thuật do chính người Neanderthals phát minh ra chứ không phải do Homo sapiens chúng ta và có thể họ đã truyền lại cho tổ tiên chúng ta trong giai đoạn 2 loài gặp gỡ, chung sống. Trước đó nhiều bằng chứng khảo cổ cho thấy người Homo sapiens và người Neanderthals đã chung sống hòa bình khá lâu dài, nảy sinh nhiều cuộc hôn phối dị chủng, còn để lại nguồn gene phong phú trong cộng đồng dân cư châu Âu.

Joao Zilhao, một trong những tác giả của nghiên cứu, bổ sung thêm, vệt màu đỏ được người Neanderthal đánh dấu lên vách đá, có thể là một phần của nghi lễ. "Điều quan trọng là nó thay đổi thái độ của chúng ta đối với người Neanderthal. Họ gần gũi hơn với con người hơn. Nghiên cứu trước đó cho thấy họ thích các vật thể, giao phối với người sơ khai và giờ chúng ta có thể chứng minh rằng họ đã vẽ lên vách hang động giống như chúng ta", ông nói.

Một số nghiên cứu gần đây cũng làm dấy nên mối nghi ngờ loài người đã tuyệt chủng này từng phát triển không kém cạnh tổ tiên chúng ta về mặt văn minh. Thậm chí người Neanderthal còn có thể biết dệt sợi, làm trang sức và chế tác công cụ lao động "siêu đẳng" hơn các Homo sapiens cùng thời. Tiếc rằng họ đã tuyệt chủng khoảng 30.000 năm về trước.

Minh Hoa (t/h)

Bí ẩn hồ xương người trên dãy Himalaya.

Hàng trăm bộ hài cốt kỳ dị trong lòng hồ Roopkund (Ấn Độ) đến nay vẫn là ẩn số với những nhà khoa học.

Vào năm 1942, một kiểm lâm Ấn Độ tên là H.K.Madhwal đã tình cờ phát hiện hàng trăm bộ xương người xếp chồng lên nhau tại hồ Roopkund. Khu vực này nằm sâu trong dãy Himalaya ở độ cao khoảng 4.800 m.

Phát hiện rùng rợn này đã thu hút nhiều sự chú ý và bắt đầu cho những cuộc điều tra, tìm hiểu kéo dài tới ngày nay.

Dãy núi chết chóc

Hồ Roopkund cách khu dân cư gần nhất ở bang Uttarakhand khoảng 50 km. Nhìn từ trên đỉnh Junargali, Roopkund như một viên ngọc xanh lam trong khung cảnh mênh mông của băng tuyết.

Khung cảnh hồ Roopkund vào mùa đông. Ảnh: BBC

Việc leo dốc đến khu vực này đầy khó khăn và nguy hiểm. Các nhà leo núi thường nói đùa: Một bước sai lầm có thể dễ dàng bỏ mạng và bổ sung thêm vào đống xương hiện có trong hồ.

Ban đầu, những bộ xương được cho là của những người lính Nhật Bản hoặc thương nhân Tây Tạng trên Con đường Tơ lụa đã chết do dịch bệnh hoặc thời tiết. Nhưng sau khi phân tích pháp y, giả thuyết tốt nhất được đưa ra là hài cốt của một nhóm người hành hương Ấn Độ. Họ đã bị tấn công bởi trận mưa đá khổng lồ tại Roopkund vào Thế kỷ thứ 9.

Họ là tín đồ của đạo Hindu, được cho là đã tham gia cuộc hành hương diễn ra 12 năm một lần (gọi là Nanda Devi Raj Jat Yatra). Đây là một nghi lễ cổ xưa vẫn tiếp tục cho đến ngày nay. Hồ Roopkund nằm trên đường đến Homkund, điểm đến cuối cùng của hành trình đi bộ đầy gian nan này.

Nghiên cứu để tìm ra lời giải

Veena Mushrif-Tripathy, giáo sư khảo cổ tại Đại học Deccan ở Ấn Độ, thành viên của cuộc khảo sát năm 2004, kể lại nhóm nghiên cứu đã kết luận giả thuyết trên là hợp lý nhất. Họ cũng tìm thấy dấu vết của các nhạc cụ và cả câu chuyện dân gian cổ của những người hành hương Nanda Devi Raj Jat Yatra.

Qua phân tích DNA, Mushrif-Tripathy tiết lộ đây là một nhóm nam nữ thuộc nhiều độ tuổi khác nhau. Công bố trên càng củng cố giả thuyết này.

Vào năm 2010, bộ gen người cổ đại đầu tiên được giải mã. Thành tựu này đã nhanh chóng thay đổi lại những nghiên cứu về việc phân tích xương trong quá khứ. Một lần nữa, bí ẩn Roopkund lại được nhắc tới.

Hàng trăm bộ xương người vẫn nằm rải rác trong và xung quanh hồ Roopkund. Ảnh: Indian Pictures RF

Năm 2014, 38 mẫu xương lưu trữ tại Cơ quan Khảo sát Nhân loại học Kolkata của Ấn Độ đã được gửi đến 16 phòng thí nghiệm trên toàn thế giới. Chúng được phân tích bộ gen và phân tử sinh học. 5 năm sau, kết quả của cuộc nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Communications.

Nghiên cứu cho thấy, 38 bộ xương thuộc ba nhóm khác biệt về mặt di truyền. Họ đã tử vong hơn 1.000 năm trước, vào giữa thế kỷ 7 và 10 trong một hoặc nhiều sự kiện.

Đáng chú ý, nghiên cứu cũng tìm thấy một nhóm cá thể mới có nguồn gốc từ đông Địa Trung Hải ở đảo Crete. Những người này đã chết vào thế kỷ 19. Có một mẫu có nguồn gốc Đông Nam Á cũng từ thế kỷ 19.

Ayushi Nayak từ Viện Khoa học Lịch sử Nhân loại Max Planck cho biết: "Tại một địa điểm như Roopkund, nơi bối cảnh đã bị xáo trộn nhiều và khả năng khai quật toàn bộ là thấp, việc sử dụng aDNA (DNA cổ đại) cung cấp cho chúng tôi thông tin trực tiếp về gốc gác của những cá thể này".

Những bí ẩn vẫn tiếp tục

Theo BBC, sự hiện diện của các nhóm người không có nguồn gốc Ấn Độ tại hồ Roopkund là một cú sốc. Không có bất kỳ bằng chứng lịch sử nào giải thích những người này là ai và họ đang làm gì ở những vùng xa xôi của dãy Himalaya.

"Vẫn còn nghi vấn về nhóm người có nguồn gốc giống với tổ tiên của những người miền đông Địa Trung Hải ngày nay. Về lý do họ đến thăm Roopkund, liệu họ có phải là du khách châu Âu hay người dân địa phương có tổ tiên ở miền đông Địa Trung Hải? Liệu có các địa điểm khác ở khu vực này cũng có nhiều người chết như vậy?", Ayushi Nayak nói thêm.

Nhưng nguyên nhân của tất cả là gì? Nhóm người phía đông Địa Trung Hải, họ đã chết như thế nào? Có phải họ đã rơi từ sườn núi Junargali? Có thể một số người trong họ đã bị giết? Hoặc cũng có thể một số người trong đó đã chết vì chứng say núi cấp tính - điều quá phổ biến ở độ cao này.

Các nhà khoa học vẫn tiếp tục tìm lời giải cho bí ẩn hồ Roopkund. Ảnh: Priyanka Haldar Photography

"Rất khó có việc 6-7 hộp sọ với chấn thương đều liên quan đến mưa đá”, Mushrif-Tripathy, cũng là thành viên của cuộc điều tra năm 2019, nói. Bà cũng chia sẻ thêm: "Theo tôi, bí ẩn vẫn chưa sáng tỏ. Chúng ta có nhiều nghi vấn hơn là câu trả lời".

Khu vực hồ Roopkund vẫn bị xáo trộn và không được bảo vệ. Trong nhiều năm, những bộ xương đã được người leo núi di chuyển khắp nơi và thậm chí mang về nhà làm quà lưu niệm. Điều này đặt ra thách thức để tìm ra câu trả lời chính xác trong tương lai, bất chấp những tiến bộ của khoa học.

Những điểm bất thường của nghiên cứu năm 2019 đã gây ra nhiều tranh cãi. Nhưng điều quan trọng hơn là nếu chỉ phân tích 38 mẫu trong số hàng trăm bộ xương như vậy đã đủ để lý giải về bí ẩn ở hồ Roopkund. Liệu còn bất ngờ nào khác đang được chôn vùi trong ngôi mộ băng giá? Bí ẩn về những người chết vẫn chưa được giải thích.

Đỗ Linh





























Không có nhận xét nào:

CHÀO MỪNG QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU SÓC TRĂNG THAM QUAN, ỦNG HỘ HOANGDIEUTRUONGXUASAIGON.BLOGSPOT.COM. CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM NHIỀU SỨC KHỎE, THÀNH CÔNG TRONG CÔNG VIỆC.