.

.

a

Hoa đào nở, chim én về, mùa xuân lại đến. Chúc quý thầy cô và anh chị em đồng môn năm mới Giáp Thìn : - nghìn sự như ý, vạn sự như mơ, triệu sự bất ngờ, tỷ lần hạnh phúc.
THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ, ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU - MỘT NĂM MỚI AN KHANG THỊNH VƯỢNG - VẠN SỰ NHƯ Ý

01 tháng 5 2022

Tìm thấy chiếc bình gốm thời Trung cổ, chuyên gia phát hiện bí ẩn

 

Ban đầu các nhà khoa học tưởng những chiếc bình gốm thời Trung cổ dùng để đựng rượu, thuốc…, nhưng hoá ra chúng còn có công dụng khác.

Các nhà khoa học đã tìm thấy những chiếc bình cổ ở Jerusalem, Israel. Ban đầu, các chuyên gia nhận định rằng, những chiếc bình cổ 900 năm tuổi này được sử dụng với nhiều mục đích như đựng dầu, bia, rượu, thuốc…
Tuy nhiên, trong một nghiên cứu mới đây, các chuyên gia phát hiện ra rằng, một vài chiếc bình có khả năng là "lựu đạn cầm tay" thời Trung cổ khi chứa vật liệu dễ cháy và có thể nổ.
Cụ thể, các nhà khoa học tìm thấy những mảnh vỡ của một chiếc bình gốm. Đây có thể là phiên bản sơ khai của lưu đạn cầm tay và được những chiến binh sử dụng trong cuộc Thập tự chinh vào khoảng 900 năm trước.
Theo Carney Matheson, nhà khảo cổ học tại ĐH Griffith ở Queensland, Australia, thuốc nổ cầm tay cần có 3 thành phần thiết yếu. Thứ nhất là nhiên liệu để đốt cháy. Thứ hai là chất oxy hoá dùng để đốt cháy nhiên liệu. Thứ ba là một bình kín tạo áp suất, nhằm tạo điều kiện cho phản ứng giữa nhiên liệu và chất oxy hoá, cho đến khi nó gây ra một vụ nổ.
Trước đây, một quả lựu đạn bằng gốm 700 năm tuổi đã được tìm thấy ở ngoài khơi bờ biển phía Bắc Israel. Ảnh: Amir Gorzalczany
Chiếc bình trông giống lựu đạn mà các nhà nghiên cứu phân tích có thành dày hơn nhiều so với các loại gốm sứ khác mà họ nghiên cứu, đồng thời có dấu hiệu được bịt kín bằng nhựa thông. Điều này cho thấy đây có thể là cách để duy trì áp suất cần thiết cho một vụ nổ xảy ra. Thế nhưng để khẳng định chiếc bình gốm cổ này được sử dụng làm lựu đạn, nhóm nghiên cứu cũng phải cung cấp bằng chứng về vật liệu gây nổ bên trong.
Theo các nhà nghiên cứu, bên trong chiếc bình gốm cổ dạng hình nón còn có dấu vết của các vật liệu gây nổ như hỗn hợp dầu thực vật, mỡ động vật, cùng với các chất oxy hoá như natri nitrat, canxi nitrat, kali nitrat và magie nitrat.
Nhóm nghiên cứu cũng tìm thấy dấu vết của lưu huỳnh. Chất này được thêm vào có khả năng nhằm giảm nhiệt độ cần thiết cho phản ứng gây nổ xảy ra.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu còn nghi ngờ rằng, những quả lựu đạn tương tự có được bổ sung các thành phần có thể làm thay đổi những đặc tính nổ, như magie có thể tạo ra các tia sáng chói loá.
Theo ông Carney Matheson, các nhà nghiên cứu nghi ngờ rằng những quả lựu đạn tương tự thậm chí còn được bổ sung các thành phần có thể làm thay đổi đặc tính nổ, chẳng hạn như magie, nhằm tạo ra tia sáng chói lóa.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho biết, hiện chưa rõ chính xác vật liệu nổ sẽ được đốt cháy như thế nào.
Nhà khảo cổ học Carney Matheson cho biết: "Các thành phần có thể phát nổ khi va chạm, nhưng chúng tôi không chắc chắn về điều đó".
Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu nghi ngờ rằng, các chiến binh thời Trung cổ đã tiến hành luồn một kíp nổ vào trong bình qua một vết nứt nhỏ và sau đó được giữ cố định bằng nhựa thông.
Trước đây, các nhà nghiên cứu cho rằng bất kỳ thiết bị nổ cầm tay nào cũng đều có khả năng chứa thuốc súng, sử dụng than củi làm nhiên liệu và kali nitrat làm chất oxy hoá. Thuốc súng được phát minh ở Trung Quốc cổ đại. Nhưng thuốc súng không được du nhập vào khu vực Trung Đông cho đến thế kỷ 13.
Trong khi đó, những chiếc bình gốm trên có niên đại từ thế kỷ 11 – 12. Điều này cũng có thể sẽ làm thay đổi quan điểm của các nhà nghiên cứu về loại vũ khí này.Nghiên cứu mới này được công bố trên Tạp chí PLOS One
Theo Minh Hằng / Nhịp sống Việt

"Đại dương ngầm" dưới sa mạc với lượng nước bằng 8 con sông Trường Giang Trung Quốc.


Tân Cương nằm ở phía tây bắc, Trung Quốc, có diện tích lớn nhất trong khu vực hành chính (khu vực hành chính được xây dựng theo nhu cầu của một số tỉnh, bao gồm cả huyện và thành phố ở Trung Quốc), được bao bọc bởi bồn địa và các dãy núi cao, phía bắc có dãy núi Côn Lôn, Thiên Sơn và các dãy núi cao khác. Dãy núi Thiên Sơn là điểm đặc biệt ở lưu vực Tân Cương, và nam lưu vực Tarim.
Vùng Tây Bắc nơi đây thường khô cằn, nhiệt độ cao quanh năm và hầu như không có mưa. Tuy nhiên, cũng có một số ốc đảo xuất hiện trong môi trường khô cằn, sự hình thành của ốc đảo và sa mạc đều do thiên nhiên hình thành. Vì vậy, có rất nhiều tồn tại đặc biệt trong tự nhiên mà chúng ta chưa khám phá được. Tân Cương, một vùng sa mạc khô cằn, đã phát hiện ra một “đại dương ngầm” với lượng lưu trữ nước tương đương với 8 con sông Trường Giang, có thể được coi là một “phép lạ của Trung Quốc”.

Có rất nhiều khu vực điển hình ở Tân Cương, một trong số đó là sa mạc Taklimakan, là sa mạc lớn thứ 10 trên thế giới và là sa mạc lớn nhất ở Trung Quốc. Gió thổi quanh năm và các cồn cát được hình thành theo hướng của gió.

Do đó, ở sa mạc Taklimakan hầu như không có nước và dù có nước cũng sẽ bốc hơi ngay lập tức. Nhưng chuyện tưởng như không thể lại xảy ra với sự xuất hiện của một đại dương ẩn dưới lòng đất, theo nghiên cứu chính xác của các chuyên gia, lượng nước có thể sánh ngang với 8 con sông Trường Giang.

Rõ ràng là môi trường khô cằn khắc nghiệt, nhưng dưới lòng đất có tới “8 con sông Trường Giang”, cồn cát chuyển động theo hướng gió nên đường đi trên mặt đất là không thể, làm sao một“đại dương ngầm” có thể tồn tại? Đến nay các nhà nghiên cứu vẫn chưa có câu trả lời, suy cho cùng, vẫn còn rất nhiều điều kỳ diệu trong tự nhiên chưa được khám phá.

Xuất hiện tại sa mạc Taklimakan ở Tân Cương, Zongjing là một hồ nước rất dày đặc, nhưng do sự thay đổi tự nhiên, và sự tàn phá của con người cùng các yếu tố khác. Địa hình nơi đây không còn sự phân bố đồng đều, núi non, sông ngòi, lưu vực và núi đan xen nhau nên đường đi không thể hình thành, và toàn bộ nước đã bị rút cạn hoặc bốc hơi. Ngoài ra có thắc mắc rằng vì sao sa mạc Taklimakan có nhiều nước dưới lòng đất như vậy mà không khai thác? Bằng cách này, sa mạc sẽ trở lại trạng thái trước đây, và có thể mọc lên rất nhiều thảm thực vật và tạo nên ốc đảo lớn.

Thế nhưng có giả thiết rằng dù có được khai thác thì vẫn sẽ bị sức nóng của sa mạc Taklimakan làm bốc hơi, điều này cũng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến địa hình hiện tại. Mặt khác, đại dương dưới lòng đất là nước nhiễm mặn, sẽ gây nguy hại cho con người kết hợp với môi trường khai thác rất khó khăn bởi thời tiết khắc nghiệt.

https://dulich.petrotimes.vn/

Thu Hiền


8 điều thú vị về đảo Jeju, Hàn Quốc không phải ai cũng biết

Hòn đảo được tạo ra bởi các vị thần hay nơi có con đường ma ám là một trong số những điều thú vị về hòn đảo lớn nhất của Hàn Quốc này.

Jeju hay Jeju-do là hòn đảo lớn nhất của Hàn Quốc, được mệnh danh là “Hawaii của Hàn Quốc”. Nơi đây từ lâu đã trở thành điểm nghỉ mát nổi tiếng không chỉ với riêng người Hàn mà còn đối với cả du khách quốc tế bởi những bãi biển tuyệt đẹp và hệ sinh thái phong phú. Ẩn giấu trên hòn đảo này là những điều thú vị mà không phải du khách nào đến với Jeju cũng biết.

1. Jeju có ngôn ngữ riêng

Hàn Quốc được biết đến là đất nước có nhiều phương ngữ khu vực, nhưng Jeju không chỉ có phương ngữ riêng mà còn có ngôn ngữ riêng biệt. Tuy nhiên hiện nay, chỉ còn một số cư dân bản địa cao tuổi vẫn nói được loại ngôn ngữ này, hầu hết những người trẻ hay nói một biến thể của tiếng Hàn với phương ngữ Jeju. Trẻ em cũng không còn học tiếng Jeju ở trường nữa. Trước nỗ lực bảo vệ ngôn ngữ này, UNESCO đã bổ sung ngôn ngữ của đảo Jeju vào Sách đỏ về các ngôn ngữ nguy cấp vào năm 2011. Cũng theo tổ chức này, ngày nay trên đảo Jeju không còn quá 10.000 người có thể sử dụng loại ngôn ngữ đặc biệt này.

2. Jeju là nơi có ngọn núi cao nhất Hàn Quốc

Núi Hallasan trên đảo Jeju là ngọn núi cao nhất của Hàn Quốc. Đây là một ngọn núi lửa cao tới 1950m so với mực nước biển và được xem như là một trong ba ngọn núi thần của Hàn Quốc. Ngọn núi có niên đại từ kỷ Đệ tứ của Kỷ nguyên Kainozoi, các chuyên gia tin rằng nó có thể đã phun trào cách đây khoảng 25.000 năm.

Ở đây có thảm thực vật và động vật phong phú và được mệnh danh là “cánh cửa thiên đường”. Tại sườn dốc của ngọn núi có một số các ngôi chùa Phật giáo, trong đó ngôi chùa cổ nhất trên đảo là Hyomyeonsga cũng nằm tại nơi đây.

3. Hòn đảo được thần tạo nên

Truyền thuyết kể lại rằng đảo Jeju được tạo nên bởi một vị nữ thần khổng lồ có tên Seolmundae Halmang. Bà đã dùng chiếc váy của mình để mang những viên đá nhỏ rồi đổ chúng ra vùng biển nước rộng mênh mông để tạo thành một nơi nghỉ ngơi cho mình.

Chẳng bao lâu sau một hòn đảo dần dần hình thành, để hoàn thiện nó, bà đã tạo nên một ngọn núi vô cùng cao ở trung tâm của đảo, cao đến nỗi nó có thể chạm tới thiên đường, đó chính là núi Hallasan. Tuy nhiên sau đó, nữ thần lại cảm thấy ngọn núi quá cao nên quyết định phá vỡ đỉnh của nó. Đỉnh núi bị đánh văng ra ngoài biển và trở thành mỏm đá Sanbangsan.

4. Người dân trên đảo Jeju theo mẫu hệ

Ở Jeju, phụ nữ được coi là người cung cấp chính cho gia đình, bởi vậy họ đóng vai trò là chủ gia đình. Nguyên nhân chủ yếu là do nghề lặn truyền thống trên đảo đều là phụ nữ đảm nhận, họ còn được biết đến với cái tên haenyeo, hay nữ thợ lặn. Những nữ thợ lặn thường thu hoạch rong biển, động vật thân mềm và các sinh vật biển khác.

Những nữ thợ lặn có thể lặn sâu tới 10m mà không cần mặt nạ dưỡng khí. Mỗi lần lặn, họ có thể nín thở tới hơn 1 phút. Công việc của họ có thể kéo dài tới 7 tiếng mỗi ngày. Nhiều người trong số họ tuổi đã cao (từ 60 – 80 tuổi) nhưng vẫn có thể đều đặn thực hiện công việc này. Trước khi lặn, các nữ thợ lặn thường cầu nguyện trước nữ thần biển cả Jamsugut để cầu xin sự an toàn và thu hoạch bội thu.

5. Jeju là một tỉnh tự trị

Jeju trở thành tỉnh tự trị đầu tiên và duy nhất ở Hàn Quốc vào năm 2006. Chủ trương này nhằm biến Jeju có thể trở thành “thành phố tự do quốc tế” tương tự như Hồng Kông và Singapore. Theo đạo luật về tỉnh tự trị đặc biệt, chính quyền tỉnh Jeju được trao quyền tự quyết ở mức cao trong nhiều lĩnh vực, trừ ngoại giao, quốc phòng và tư pháp.

6. Tượng đá Ông Nội và Bà Nội

Đến với Jeju, du khách chắc chắn sẽ bị ấn tượng bởi những bức tượng đá bazan nằm khắp nơi trên đảo. Chúng được gọi là tượng đá Dol Hareubang, người dân trên đảo đã kể lại rằng, tổ tiên của người Jeju chính là những bức tượng đá này, đồng thời họ cũng coi những bức tượng này là vị thần bảo vệ người dân khỏi quỷ dữ và mang đến mùa màng bội thu.

Điều đặc biệt là những bức tượng đá Dol Hareubang này có phân định giới tính, được người dân gọi là Ông Nội và Bà Nội. Ở đây cũng quan niệm, nếu muốn sinh được con trai thì hãy đặt tay lên mũi Ông Nội, và ngược lại, nếu muốn sinh con gái hãy đặt tay lên mũi Bà Nội.

7. Có thác nước duy nhất ở châu Á đổ ra biển

Thác nước Cheonjiyeon là điểm cuối cùng của một con suối, có độ cao 22m, rộng 12m, nước từ thượng nguồn đổ về đây quanh năm, trắng xóa cả một vùng. Dưới chân thác là một hồ nước nhân tạo sâu 20m tạo nên một khung cảnh vô cùng hoang sơ và hùng vĩ. Đặc biệt, đây cũng là thác nước duy nhất ở châu Á đổ ra biển.

8. Con đường ma Dokkebi road

Dokkebi là một con đường kỳ lạ và nổi tiếng nhất trên đảo Jeju, nó không nổi tiếng vì cảnh sắc tươi đẹp mà là vì những hiện tượng kỳ lạ tại đây. Tương truyền nếu có người dừng xe tắt máy ở dưới chân dốc trên con đường này, thì xe sẽ tự động leo lên dốc mà không cần đến động cơ, như thể có người đẩy xe lên từ phía sau.

Trước đây, người dân xung quanh lan truyền tin đồn có ma ám con đường này, tuy nhiên khi các nhà khoa học vào cuộc tìm hiểu đã giải thích rằng thực ra đây là hiện tượng khúc xạ ánh sáng. Vào những ngày trời quang đãng, không nắng, không mưa, những người đi trên con đường này có thể bị đánh lừa thị giác, tưởng rằng có con dốc lên nhưng thực chất là dốc xuống.

L.A (Theo Bigseventravel)






































Không có nhận xét nào:

CHÀO MỪNG QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU SÓC TRĂNG THAM QUAN, ỦNG HỘ HOANGDIEUTRUONGXUASAIGON.BLOGSPOT.COM. CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM NHIỀU SỨC KHỎE, THÀNH CÔNG TRONG CÔNG VIỆC.