.

.

a

Hoa đào nở, chim én về, mùa xuân lại đến. Chúc quý thầy cô và anh chị em đồng môn năm mới Giáp Thìn : - nghìn sự như ý, vạn sự như mơ, triệu sự bất ngờ, tỷ lần hạnh phúc.
THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ, ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU - MỘT NĂM MỚI AN KHANG THỊNH VƯỢNG - VẠN SỰ NHƯ Ý

16 tháng 12 2022

Chai Dầu Gió Xanh


Lần này, chúng tôi cùng bay về quê xưa, mùi dầu xanh quen thuộc nhắc nhớ bao chuyện cũ.

Mẹ tôi mất khi tôi vừa16 tuổi, tuổi đẹp nhất của thời con gái. Tôi nhớ rất rõ nhà tôi lúc ấy ở gần phi trường quân sự Biên Hòa, đêm đêm tiếng bom đạn pháo kích nghe rất gần. Ban đầu rất sợ, tôi đã tung mền và trốn dưới gầm giường, tự làm mồi cho muỗi đói mà không hiểu là mấy tấm vạt giường mỏng manh đó làm sao mà đỡ nổi bom đạn. Riết rồi cũng quen, mỗi lần nghe pháo kích, tôi không núp gầm giường nữa mà tỉnh bơ nằm ngủ. Con người ai cũng có số, nếu tới số chết thì ở đâu cũng chết... Thời ấy, tôi đã thầm biện hộ cho cái tính làm biếng của mình như thế.

Một đêm kia, đang ngủ mê, tôi thình lình bật dậy vì một thứ âm thanh khủng khiếp. Tai ù đặc không thể phân biệt được. Mắt vừa mở thì trời ơi, thấy cả bầu trời xanh lè đang chụp xuống. Mái nhà, những bức tường đã bay đâu cả rồi.

Dần dà, tôi nhận ra tiếng la khóc chung quanh. Nghe thì mơ hồ như từ cõi nào, nhưng nhìn thì hiện ngay trước mắt: Ba tôi đang ôm mẹ tôi, máu tuôn xối xả từ người mẹ. Tôi không biết mình đang ở đâu. Mãi lát sau mới nhận ra cái tủ đựng đồ ăn gãy hết hai chân đứng chỏng chơ. Thì ra chúng tôi đang trên nền cũ của nhà bếp, chính giữa là một cái hố sâu, khói bụi đang bốc hơi. Bên miệng hố, con chó Tô Tô của tôi, mình mẩy đẫm máu, đang rên rỉ. Con chó Ki Ki thì lẩn quẩn kế bên, miệng gầm gừ thảm thiết. Đây là cặp chó mà ba tôi đã xin về nuôi được chừng 2 năm rồi.

Có cái gì ướt trên mặt tôi. Đưa tay lên vuốt mặt, thấy bàn tay toàn là máu. Thì ra tôi cũng đã bị thương trên trán và cả ngôi nhà gia đình đã trúng đạn pháo kích.

Sau đó, mẹ tôi được đưa khẩn cấp vào nhà thương BiênHòa. 2 tuần sau, vết thương biến chứng sao đó, phải chuyển gấp lên nhà thương Cơ Đốc ở Phú Nhuận, Sài Gòn. Tôi ở lại trong nhà thương Cơ Đốc với mẹ nhiều ngày. Tại đây, tôi có dịp tiếp xúc với các y tá điều dưỡng và các vị bác sĩ hằng ngày đến chăm sóc cho mẹ, và bắt đầu cảm tình với ngành y từ đó.

Nhờ sự chạy chữa tận tậm của bệnh viện, thương thế mẹ tôi rồi cũng ổn định dần, nhưng từ khi rời bệnh viên về nhà, bà không còn khoẻ mạnh như xưa. Bà hay đau lưng, nhức mỏi, không còn sức làm việc như lúc chưa bị thương. Rõ ràng là mẹ ngày một suy yếu hơn. Dù đầu óc còn non nớt, tự tôi cũng thấy được điều này.

Thời ấy, trong túi áo bà ba của mẹ tôi lúc nào cũng có 1 chai dầu gió xanh mà bà thường lấy ra để xoa hay ngửi. Tôi cũng đã nhiều lần tự hỏi là dầu này có công hiệu hay không, vì chị em tôi ai nấy đều “sợ” bị bôi thứ dầu này. Khi chúng tôi bị sổ mũi nhức đầu, mẹ đều bắt chị em tôi phải bôi dầu hay cạo gió. Trời ơi, mỗi lần thấy mẹ tôi với chai dầu “mắc dịch” này chị em tôi đều chạy trốn, mặc cho bà phải kêu tên từng đứa dỗ dành.

Rồi đến một ngày không bao giờ tôi quên. Hôm đó mẹ tôi rất mệt. Khuôn mặt xanh xao, giọng nói yếu ớt, mẹ sai tôi đi chợ, mua thức ăn rau cải và dặn thêm: nhớ ghé qua hàng thuốc mua cho mẹ chai dầu xanh, vì chai dầu mẹ đang dùng gần cạn.

Tôi tung tăng đi chợ mua thức ăn như lời mẹ dặn. Trên đường về đầu óc tôi sao vẫn băn khoăn giống như mình đã quên một chuyện gì quan trọng. Cá cơm kho tiêu, canh cải bẹ xanh nấu tôm, rau muống xào, chuối tráng miệng...Đủ hết. Đâu còn thiếu món gì. Mãi tới khi về đến gần nhà, băng qua cầu Đúc, tôi mới đứng khựng lại vì chợt nhớ ra lời mẹ dặn thêm là mua chai dầu xanh cho mẹ. Tôi lật đật vòng lại, đi lên chợ để mua chai dầu. Đường lên chợ sao bây giờ thấy quá xa, tôi chạy hoài không tới...

Rồi sau cùng tôi cũng về đến nhà, nhưng sao nhà tôi lại đông người như vậy? Các cô bác láng giềng đang bu quanh ba tôi. Thấy tôi vào nhà, các em chạy lại nắm tay tôi và khóc. Ba tôi ôm tôi, nói trong tiếng nấc: má con đã chết rồi... Tôi sững sờ nhìn chai dầu xanh mà tôi đang nắm chặt trong tay. Tôi đã về muộn rồi. Mẹ tôi năm ấy chỉ có 38 tuổi.

Ít ngày sau khi mẹ qua đời, con chó Tô Tô vốn thường luẩn quẩn bên chân Mẹ, cùng bị thương trong trận pháo kích, cũng chết theo. Em tôi tìm thấy nó bỏ ăn, mãi nằm bên gốc cây măng cụt mà mẹ tôi đã trồng mấy năm về trước.

Từ đó, ở cái tuổi “ăn chưa no lo chưa tới” của mình tôi đã phải đối đầu với thật nhiều khó khăn trong cuộc sống. Ngoài việc nhà, nấu cơm giặt giũ, chăm sóc các em, tôi còn phải ngược xuôi lo việc chi tiêu trong nhà với đồng lương công chức giới hạn và bấp bênh của ba tôi, những việc mà khi còn m, tôi không bao giờ phải bận tâm lo lắng.

Cũng từ đó, tôi bắt đầu thân quen với chai dầu mua về cho mẹ. Dù qua nhiều dâu bể của đời, chai dầu gió xanh vẫn là người bạn đồng hành với tôi từ mấy chục năm qua.

 

******

Nghe có tiếng thầm thì chung quanh, tôi mở mắt ra. Trước mặt tôi là mấy giáo sư đồng nghiệp cùng trường và cả đám sinh viên của chúng tôi. Thấy tôi tỉnh dậy, cả đám cùng vỗ tay vui vẻ:

- Chào mừng giáo sư, chào mừng y sĩ. Chúng em vui lắm vì có cô đi cùng. Vậy là chuyến đi này là hoàn toàn mỹ mãn.

Donna, một cô sinh viên gốc người Mễ rất linh hoạt dễ thương của tôi hỏi:

- Cô ơi, mình sắp tới Việt Nam, cô hồi hợp không cô?

Nhiều em khác cùng hỏi rồi thay phiên ôm tôi để chia niềm thương cảm.

Số là mới cách đây mấy ngày, tôi gặp một tai biến rất lớn trong đời, đã tưởng không thể tiếp tục công việc với phái đoàn. Ngày cuối, khi quyết định cùng bay thì tới vào phút chót, phi cơ không còn chỗ để ngồi chung với phái đoàn của mình.

Chuyến đi đã chuẩn bị từ lâu. Các giáo sư và sinh viên tham dự ai nấy đều nao nức đợi ngày đi. Riêng tôi thì mong muốn đem lại một chương trình nào đó có lợi ích cho nền y tế của Việt Nam, nhân tiện được thăm lại quê hương, bè bạn cũ. Mọi sự xếp đặt cũng đã xong, nhưng nếu thiếu người hướng dẫn như dự tính từ bước đầu thì cũng không trọn vẹn. Vì vậy khi thấy tôi trong chuyến bay, cả đám cùng vui lăng xăng nói cười.

Nói “cả đám” cho thân tình chứ thật ra trong phái đoàn 33 người, lớp trẻ dưới tuổi 30 chỉ có 12 em sinh viên, trong số này có 3 em gốc Việt, đang học chương trình cử nhân. Phần còn lại đều lớn tuổi và già giặn hơn nhiều. Trong nhóm này có 2 em đang hành nghề y sĩ ở Houston và Dallas; 1 em sắp xong y sĩ; 5 em sắp ra tiến sĩ sau khi trình luận án vào mùa hè này, và 12 em khác đang học chương trình tiến sĩ. Dù thầy bằng trò hay trò bằng thầy về tuổi đời nhưng các em rất lễ phép và rất biết kính trên nhường dưới. Như vậy phái đoàn chúng tôi 33 người cũng có vẻ thuận thảo, hùng hậu. Hy vọng chuyến đi sẽ vui vẻ thành công.

Sau khi rời khỏi công việc bên bệnh viện, đã hơn 5 năm rồi, tôi nhận làm giảng sư chính thức cho trường đại học này. Tôi cũng đã dạy bán thời gian cho trường mấy năm trước nữa. Thấy không khí dạy học vui vẻ, nhất là tiếp xúc được với nhiều em sinh viên Việt Nam, gồm cả các em sinh tại Mỹ lẫn các du học sinh, nên tôi cũng thích vì có dịp hướng dẫn và khích lệ các em.

Trong trường, các em sinh viên người Việt hay gốc Á Châu thường tìm đến tôi để hỏi ý kiến về việc học hành, hay chỉ để than thở những việc xảy ra trong đời sống hằng ngày. Không biết từ bao giờ tôi đã trở thành một giáo sư hướng dẫn cho các sinh viên gốc Á Châu ở trường đại học này. Tôi thật không ngờ mình lại trở thành một bà “gõ đầu trẻ”, loại công việc mà khi còn trẻ tôi không bao giờ mơ ước để trở thành. Năm ngoái tôi có khai giảng một khóa học mà tôi phụ trách dạy về y học và văn hóa Việt Nam. Các sinh viên ghi tên học rất đông, Mỹ có Việt có. Các em gốc Việt sau đó có đến cảm ơn tôi vì khóa học đã cho các em có cơ hội tìm hiểu thêm về nguồn gốc Việt Nam của mình.

Trạm đầu tiên xuống Moscow nghỉ ngơi chừng nửa tiếng. Cả đám sinh viên đã hăng hái mua sắm. Khi trở lại máy bay, cô cậu nào tay cũng mang theo những túi quà kỷ niệm.

Sau trạm ghé này, biết mình đang từng phút gần hơn với Việt Nam, tôi như hình dung thấy bạn bè, trường ốc và những chuyện phải làm. Một cảm giác vừa vui mừng vừa hồi hộp làm tôi nao nao trong lòng. Phi cơ đang bay trong đêm nhưng ngay sáng mai là tôi sẽ có mặt trên quê hương yêu dấu của mình, sẽ có dịp thăm viếng, gặp gỡ những nơi mà tôi đã hoạch định chương trình để bắt đầu một cuộc hành trình mới.

Vừa chập chờn muốn ngủ thì bị đánh thức bởi giọng nói vang lớn từ cái loa trên trần phi cơ. Tiếng cô chiêu đãi viên hàng không lậi đi lập lại bằng tiếng Anh giọng Tàu lơ lớ:

- Trường hợp cấp cứu!! Trường hợp cấp cứu!! Chúng tôi cần gấp 1 bác sĩ. Trên máy bay, nếu có ai là bác sĩ xin đứng lên giúp chúng tôi một tay... Cấp cứu! Cấp cứu!

Tôi tỉnh ngủ hẳn, quơ vội cái túi nhỏ và đi lên cabin phía trên, hỏi cô chiêu đãi viên hàng không gần nhất:

- Trường hợp cấp cứu ở đâu vậy? Tôi là y sĩ V, tôi sẽ giúp cô.

- Dạ xin y sĩ theo tôi. Bệnh nhân đang ở trên cabin hạng nhất.

Tôi đi theo cô này đến khu hạng nhất của phi cơ. Ghế ngồi ở khu này rộng rãi hơn và phần lớn các hành khách đang ngủ với những chiếc khăn che mắt phủ trên mặt cho dễ ngủ.

Bệnh nhân là một thanh niên trẻ, đang nằm sóng sượt ngay trên sàn phi cơ. Cả người anh ta co quắp lại như hình con tôm, hai mắt nhm nghiền, mặt đẫm những giọt mồ hôi còn đọng lại.

- Hello. Tôi là Dr. V. Tôi sẽ giúp anh. Chuyện gì xảy ra vậy?

- Dạ em đau bụng quá, không chịu nổi. Phải nằm xuống như vầy mới bớt một chút. Em bị cách đây gần 1 tiếng đồng hồ, tưởng là chỉ sình hơi, ai dè càng lúc càng nặng hơn.

- Em tên gì ? 

Tôi hỏi.

- Dạ em tên John. Em là chiêu đãi viên hàng không cho hãng máy bay, em làm ở khu hạng nhất này.

Lúc này thì 2 học trò y sĩ của tôi là Patti và Mai đã đến. Patti lo cặp thuỷ đo nhiệt độ còn Mai thì giúp đo áp suất máu và hỏi về lượng đau của John.

Tôi bảo mấy người bạn đồng nghiệp của John:

- Đồ dự trữ cho trường hợp cấp cứu đâu? Làm ơn đem ra để tôi coi có gì dùng được không. Nhớ đem thêm mấy cái mền nữa để đắp cho John.

Quay qua mấy em y sĩ tôi bảo:

- Hãy giữ cho John ấm và đừng cho ăn uống gì hết. Có thể cho một vài giọt nước vào môi để giữ môi không bị khô mà thôi.

- Dạ, nhiệt độ người của John là 99.8 F. Áp suất là 160 trên 100, nhịp tim 112 và độ đau là 9 trên 10. 

Mai thông báo.

- Cảm ơn em. Cứ giữ cho John ấm và lấy áp suất như vậy mỗi 10 phút. Nếu thấy thay đổi, cho tôi biết.

Tôi và Patti kiểm soát cái túi cấp cứu lớn mà cô chiêu đãi viên hàng không vừa đem đến. Ngoài giấy tờ lặt vặt, chỉ thấy mấy thứ thuốc cấp cứu về tim như Digoxin, Lasix. Trong túi lớn còn một túi nhỏ chứa mấy bịch nước biển se-rum và kim, dây dùng để chuyền dung dịch này vào cơ thể.

- Patti, em chuẩn bị đồ chuyền dịch nhé. Không làm ngay bây giờ nhưng nên chuẩn bị trước. 

Tôi nói.

Tôi khám cho John. Mọi nơi bình thường. Chỗ đau duy nhất là vị trí dưới bụng phía tay mặt. Chỉ nhấn hơi mạnh một chút là John đã nhăn mặt kêu đau, cố đẩy tay tôi ra. Đây là trường hợp đau ruột dư mà phi cơ thì đang bay 50,000 mét trên không gian, đâu thể làm gì. Tôi suy nghĩ thật nhanh rồi bảo Tim, xếp của John, là tôi muốn nói chuyện với phi công trưởng của phi hành đoàn. John bị đau ruột dư. Cần đưa vào nhà thương để mổ và điều trị gấp để bảo vệ sinh mạng.

Tim đi một lát rồi trở lại:

- Thưa y sỹ, phi đoàn trưởng của chúng tôi nói là bây giờ máy bay đang bay qua lãnh thổ của nước Afghanistan không thể đáp xuống được, mong y sỹ thông cảm.

- Như vậy nước tới là nước nào? Và mình có đáp xuống được không?

- Dạ, để tôi đi hỏi lại phi công trưởng.

Tim trở lại lần nữa và nói:

- Nước tới là Ấn Độ và việc đáp xuống có thể được, nhưng xin y sĩ xác định lại việc cần đáp xuống vào lúc ấy, vì hiện thời bây giờ chúng ta còn phải bay 3 tiếng nữa mới qua khỏi biên giới của Afghanistan. Nếu đáp xuống theo chuyện cấp cứu thì cũng rất phiền hà và không biết bao giờ mình mới bay lên trở lại được.

Đúng lúc ấy, Patti gọi tôi lại:

- Dr. V, áp suất của John là 92 trên 60, nhịp tim 125 và độ đau là 10 trên 10. Em nghĩ là bệnh tình của John đang bị trở chứng đó giáo sư.

Tôi trở lại chỗ John nằm. Tay chân John lạnh toát, mà mặt mũi thì luôn toát mồ hôi, dù Mai đang liên tục lau mặt cho anh ta. Đúng như Patti nói, John đang trong tình trạng trở chứng, máu huyết tuần hoàn bị sụt xuống. Nếu tình trạng này kéo dài thì nguy cho tính mạng.

Vây quanh John là những đồng nghiệp của anh ta, ai nấy đều lo lắng. Có mấy hành khách cũng tìm đến tò mò coi chuyện gì xảy ra. Tôi nói Tim là nên mời hành khách về lại ghế ngồi để chúng tôi có chỗ xoay trở làm việc.

- Bắt đầu chuyền nước biển đi. Mở wide open rộng ra, và giữ cho John ấm. 

Tôi bảo Patti. Quay qua John, tôi bắt chuyện:

- Hi John, em sao rồi, đau nhiều không? Bây giờ chúng tôi chuyền nước biển cho em nhé. Mà trước giờ em có bị bệnh gì không? Có bị cao máu tiểu đường không?

- Em đau quá Dr. V. ơi. Em trước giờ khoẻ lắm không có bệnh gì hết.

- John có gia đình vợ con gì chưa?

John gượng cười:

- Dạ chưa, Dr. V. Nhưng em có bồ rồi. Cô ấy đang chờ em ở Singapore.

- A, vậy là em phải khoẻ lại cho mau để về gặp cô bạn.

Tôi nói chuyện đùa với John để giúp em quên bớt cái đau. Phải cố giúp John không bị nặng thêm, đủ sức chịu đựng trong khi chờ cấp cứu. Bỗng tôi chợt nhớ một việc:

- John à, tôi có một loại thuốc riêng mà khi nào cần thì tôi lấy ra dùng. Mà nó giúp tôi rất hiệu nghiệm. Nếu em muốn thì tôi sẽ chia sẻ với em!

John gật đầu lia lịa:

- Dạ bây giờ y sỹ có gì thì xin cho em dùng. Em đau quá. Em đi đường bay này thường lắm nên biết là mình không thể đáp xuống đây được đâu. Em lo quá, không hiểu có qua nổi cơn bệnh này không.

Tôi mở cái xách tay nhỏ, lấy chai dầu gió xanh của mình ra mở nắp cho John nhìn.

- Đây là chai dầu mà tôi hay dùng và nó rất hiệu nghiệm.Tôi đi đâu cũng có nó.John dùng thử nhé, nếu chịu được cái mùi hơi mạnh một chút của nó.

Tôi đưa chai dầu lên mũi John. Em hít một hơi nhẹ và nói:

- Mùi này cũng dễ chịu mà. Em thích lắm.

- OK, vậy thì tôi xức cho John nhé.

Tôi xoa dầu vào chỗ đau của John ở bụng, vừa làm vừa nói chuyện. Tôi hỏi chuyện làm, chuyện bạn bè, chuyện đời sống của John ở Singapore hay ở Mỹ. Mai và Patti vẫn tiếp tục lấy áp suất và nhiệt độ trong khi John dần dà có vẻ thích thú khi kể chuyện về đời mình cho chúng tôi nghe.

Khoảng chừng 1 tiếng đồng hồ sau, Patti thông báo là tuy độ đau không thay đổi, vẫn ở khoảng từ 8 cho tới 10, nhưng áp suất của John đã lên cao trở lại, khoảng 140 trên 90 và nhịp tim hạ xuống còn 100 nhịp trong một phút.

- Vậy là tốt. Em cho nước biển chảy chậm lại một chút đi. 

Tôi bảo Patti.

Dần dà, John có vẻ tỉnh táo hơn một chút, sắc diện cũng khá hơn. Tôi khám lại John thì thấy tình trạng ruột dư của em không thay đổi gì lắm.

Tim, xếp của John, trở lại:

- Thưa y sỹ, chúng ta bắt đầu vào biên giới Ấn Độ. Phi đoàn trưởng của chúng tôi xin ý kiến y sĩ. Nếu cần ngừng lại thì phải xin phép đáp xuống, thủ tục sẽ lâu lắm mà rồi chưa biết chừng nào máy bay mới có thể cất cánh trở lại.

- Sau Ấn Độ thì sẽ tới nước nào? 

Tôi hỏi.

- Dạ Miến Điện rồi Thái Lan trong vòng 3 tiếng đồng hồ nữa.

- Để tôi nói chuyện với John xong sẽ trả lời câu hỏi của anh.

Tôi trình bày rõ ràng với John về những chi tiết này. John trầm ngâm rồi hỏi lại tôi:

- Y sỹ nghĩ như thế nào, em có thể chịu nổi để về đến Singapore không?

- Thật sự thì rất khó đoán trước cơ thể của John sẽ chuyển động như thế nào nhưng tôi nghĩ là sẽ còn sức chịu được vài tiếng nữa, ít ra thì mình cũng có thể đến Thái Lan. Việc chữa trị ở đó cũng tốt hơn nếu so với những nơi khác. 

Tôi trả lời cho John.

- Xin y sỹ quyết định cho em vậy đi.

Tôi quay lại bảo Tim:

- Cứ tiếp tục bay đi. Khi nào gần đến Thái Lan thì cho tôi biết.

Trong suốt mấy tiếng bay tiếp, John và tôi vẫn tiếp tục trò chuyện, dầu gió xanh vẫn được thoa cho John đều đều. Nhiệt độ và áp suất máu của John khá bình ổn. Bịch nuớc biển vẫn nhỏ giọt đều nhưng chậm hơn lúc trước vì áp suất của John đã cao hơn. Chúng tôi đã đưa John lên nằm trên giường trong phòng dành cho phi công. John cho biết em thấy có vẻ khá hơn lúc ban đầu một chút.

Khi bay qua biên giới Thái Lan, tôi đã quyết định không dừng lại nữa vì từ nước này về Singapore thì chỉ còn 1 tiếng đồng hồ mà thôi và tình trạng của John thì thấy không thay đổi mấy. Cả đêm ấy, 3 thầy trò chúng tôi không chợp mắt chút nào nhưng vẫn không thấy mệt.

Rốt cuộc thì phi cơ cũng đáp xuống phi trường Singapore. Khi xe cứu thương đến phi cơ để đưa John vào bệnh viện cấp cứu, cậu ấy đã nắm tay tôi và ngập ngừng hỏi:

- Em cảm ơn Doctor V và phái đoàn của doctor đã giúp em rất nhiều. Em sẽ không bao giờ quên y sỹ V đâu. Chúc y sỹ và phái đoàn thành công trong chuyến đi này. Nếu được, xin y sỹ cho em xin luôn chai dầu gió xanh đó, có được không?

John muốn xin chai dầu gió xanh của tôi? Tôi cảm động đến sững sờ khi trao cho John chai dầu xanh trước khi từ biệt.

Phi cơ tiếp tục bay. Sắp thấy lại Sài gòn. Trong túi xách không còn chai dầu xanh. Vậy là chai dầu không cùng tôi trở lại quê mẹ. Nhưng hơn bao giờ, tôi thấy chai dầu xanh đang ở trong tim mình.

Và thấy mình muốn khóc.

Tôi biết các bạn trẻ ngày nay, như tôi thuở nào, có thể coi chai dầu xanh là thứ “mắc dịch”. Vậy mà với người Việt mình, hình như ai ai trong đời ít nhiều cũng đều biết đến nó.

Chai dầu gió xanh của mỗi người có thể khác nhau. Có thể là những kỷ niệm thời ấu thơ với người thân yêu, một lần gặp gỡ hay chia lìa, một mối tình, một ánh mắt, một nụ cười, một dáng đi, một tà áo, một giọng nói, một câu dỗ dành, một bài hát hay một lời thơ... Đôi khi bất chợt gặp lại, mùi hương nồng ấm của thứ dầu gió này có thể giúp ta dăm ba giây phút sống lại những kỷ niệm xa xưa, để tâm hồn dịu đi đôi chút giữa cuộc sống xô bồ.

Trong hành trình dài của đời người, với những bể dâu gập ghềnh trong cuộc sống, tôi thấy mình vẫn có chai dầu xanh làm bạn đồng hành và được nó trợ giúp. Âu đó cũng là niềm vui và hạnh phúc. Tôi cảm ơn nó.


Lập đông 2012.

Võ Quách Thị Tường Vi



Tác giả tự sơ lược tiểu sử: Sinh ở Bình Định, lớn lên ở Biên Hòa, học Trung Hoc Ngô Quyền 1965-1972. Học Đại Học Khoa Học Saigon rồi qua Mỹ tháng Tư 1975. Hiện làm Y Sĩ và là Giáo Sư Tiến Sĩ của Đại Học Texas Woman's University Houston Texas / TWU. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của Tường Vi kể chuyện trên một chuyến bay khi tác giả hướng dẫn phái đoàn gồm 33 giáo sư, sinh viên đi Việt Nam thực hiện 1 chương trình y tế của đại học TWU. Một phần của hệ thống TWU gồm Học viện nằm trong khuôn viên Texas Medical Center / TMC, Trung Tâm Y Tế lớn rộng nhất thế giới. Vài con số tiêu biểu: 280 building, diện tích 45.5 triệu bộ vuông, toạ lạc trên 1,300 mẫu đất; Ngân sách hàng năm 14 tỷ; 92,500 chuyên gia và nhân viên, TWU có 21 bệnh viện - 6,500 giường- hàng năm đón 7.1 triệu bệnh nhân; Số trẻ vào đời: 28,000. Số sinh viên học toàn thời: 34,000.




Quà Giáng Sinh tuyệt vời

Bàn tiệc đêm Giáng Sinh đã bày xong, con gà Tây quay vàng ươm mới ra lò nằm lộng lẫy trong chiếc dĩa bàn to, xung quanh con gà là những khoai tây vàng, cà rốt đỏ, rau xanh broccoli trông thật đẹp mắt.

Bên cạnh món ăn truyền thống đêm Giáng Sinh, chị Bông bao giờ cũng kèm theo món ăn Việt Nam. Một nồi nước lèo nấu từ xương heo với nước luộc gà, váng mỡ gà vàng nhạt loang loáng; những viên giò sống nổi lềnh bềnh cùng những cọng hành lá xắt khúc. Nhìn vào là hình dung ra ngay một tô bún mọc ngon lành hấp dẫn.

Bánh ngọt, trái cây, và chai rượu cùng những chén bát, ly tách sạch sẽ thơm tho nằm yên chờ người vào tiệc.

Chị Bông thấp thỏm ngó ra cửa, nói với chồng:

– Chắc Phong đi đón bạn gái sắp về anh nhỉ?

Anh Bông chưa kịp trả lời thì tiếng chuông cửa đã reo lên trả lời giùm; anh ra mở cửa. Hơi gió lạnh cuối tháng 12 được dịp thổi vào nhà cùng với Phong và một cô gái ôm trên mình một hộp bánh to. Phong giới thiệu:

– Bố mẹ ơi, đây là Quỳnh Như bạn gái của con. Cô ấy cùng làm trong bệnh viện với con.

Cô gái e dè để hộp bánh lên bàn và lễ phép:

– Cháu chào hai bác. Cháu chúc hai bác và gia đình mình Giáng Sinh vui vẻ. Ðây là ổ bánh Giáng Sinh tự tay cháu làm xin được chung vui với bữa tiệc đêm nay.

Quỳnh Như mở hộp, bên trong là một chiếc bánh hình khúc cây thật đẹp. Nếu cô không giới thiệu thì ai cũng sẽ tưởng ổ bánh này mua ở tiệm. Bánh màu chocolate nâu tươi, lốm đốm những hạt đường bột trắng xóa như hạt tuyết.

Chị Bông hết ngắm cô gái đến ngắm ổ bánh và khen cả hai:

– Xinh đẹp quá. Bác cám ơn Quỳnh Như.

Ben đã ăn mặc chỉnh tề, từ trong phòng đi ra chào bạn gái của anh. Ba đứa cùng đứng cạnh cây thông lấp lánh sắc màu hỏi thăm chuyện trò cùng nhau.

Mỗi năm cứ đến tháng 12 là chị Bông dọn dẹp lại góc phòng khách cạnh lò sưởi để đặt cây Giáng Sinh. Chị gọi đó là sự bận rộn và niềm vui cuối năm không thể nào thiếu.

Thằng con lớn Phong nói sẽ tặng cha mẹ một món quà Giáng Sinh đặc biệt, là dắt người yêu về nhà trình diện. Lần đầu tiên gặp gỡ, chị Bông đã cảm thấy hài lòng với cô gái này.

Thằng út Ben chắc lại tặng gói quà gì đó cho bố mẹ như năm ngoái khi nó từ dorm trường ở Austin về nhà ăn lễ Giáng Sinh. Ben chưa đưa quà, chắc muốn bố mẹ bất ngờ.

Mọi người vào bàn tiệc,  ăn miếng gà Tây đầu tiên Quỳnh Như đã khéo léo khen:

– Bác gái nướng gà Tây ngon quá. Hôm nào xin bác chỉ dạy cho con bí quyết của bác.

– Ðược rồi, bác tin là một cô gái khéo tay làm được ổ bánh khúc cây đẹp thế này thì nướng con gà Tây ngon sẽ dễ dàng.

Chị Bông nhìn Phong và nói:

– Bố mẹ cám ơn con đã tặng một món quà Giáng Sinh tuyệt vời là đưa Quỳnh Như về giới thiệu với cả nhà chúng ta.

Bây giờ Ben mới nói:

– Tối nay con cũng có món quà Giáng Sinh đặc biệt tặng bố mẹ…

Mọi người cùng nhìn Ben chờ đợi và thắc mắc vì chẳng thấy gói quà nào cả. Ben trân trọng tiếp:

– Tháng Mười Hai này con đã học xong thay vì đến tháng 5 của năm sau. Ðó là niềm vui của con, là món quà con muốn tặng bố mẹ, đền đáp công lao bố mẹ đã nuôi con và khuyến khích con ăn học.

Chị Bông vui mừng và ngạc nhiên:

– Ủa, thế là thế nào? Vậy mà mẹ cứ tưởng tháng 5 của năm tới con mới ra trường.

Phong cũng vui mừng nói:

– Chúc mừng Ben đã trải qua 3 năm rưỡi để học xong bằng đại học 4 năm. Nghĩa là Ben học nhanh và xong sớm đó mẹ.

Chị Bông nghe thế thì lo lắng:

– Con học gấp gáp thế điểm tốt nghiệp có thấp không Ben? Như vậy tháng 5 tới mẹ không được dự lễ ra trường của con hả? Mẹ đã chuẩn bị quần áo đẹp mặc trong ngày ấy rồi.

Ben mỉm cười giải thích cho mẹ hiểu:

– Con tin là bố mẹ sẽ hài lòng vì điểm tốt nghiệp của con. Dù tháng 12 này con học xong, nhưng ngày lễ tốt nghiệp vẫn là tháng 5 của năm tới, bố mẹ phải đi dự với con ngày vui ấy chứ.

Chị Bông hớn hở:

– Con làm mẹ bất ngờ quá, vui quá. Ðúng là món quà đẹp mùa Giáng Sinh.

Vẻ mặt Ben vẫn nghiêm trang, trân trọng:

– Món quà chưa kết thúc đâu mẹ ơi, còn nữa mà….

Chị Bông hồi hộp thăm dò:

– Chẳng lẽ con… có bạn gái như anh con và nay mai sẽ đưa về nhà giới thiệu?

– Con chưa có bạn gái. Con nghe lời mẹ bao giờ học hành xong, có công ăn việc làm mới có bạn gái như anh Phong mà.

Anh Bông sốt ruột giục con:

– Còn gì nữa con nói ngay đi, tin càng vui thì bữa tiệc Giáng Sinh đêm nay càng tưng bừng.

Ben nhìn mọi người thấy ai cũng đang ngừng ăn háo hức chờ nghe. Ben hân hoan tiếp:

– Con học gần xong đã có mấy nơi mời phỏng vấn. Nhưng con đã chọn hãng Raytheon tại thành phố Richardson tiểu bang Texas mình. Sau khi phỏng vấn họ offer việc làm và con đã nhận lời.

Mọi người cùng ồ lên ngạc nhiên thích thú. Chị Bông mừng vui rối rít:

– Trời ơi, toàn là tin vui to lớn mà con giữ kín tới giờ mới nói, học xong sớm này, lại có job ngay này, mà cái hãng ấy nó trả lương con bao nhiêu một năm? Sao con không đợi phỏng vấn hết mấy chỗ kia rồi lựa chọn nơi nào trả cao nhất?

Anh Bông :

– Em chỉ tính toán tiền nong, chắc con nó chọn hãng này cũng có lý do của nó, hãng Raytheon lớn chuyên làm đồ quốc phòng, oai ra phết .

– Bố mẹ ơi, chỉ vì một điều đơn giản hãng Raytheon ở thành phố Richardson gần nhà chúng ta, con không muốn đi xa nhà, xa bố mẹ đâu.

Chị Bông cảm động, môi cười mà nước mắt rưng rưng vì vui và thương lời nói chí tình chí hiếu của con. Anh Bông nói với vợ:

– Sang năm mới Ben bắt đầu đi làm, nó sẽ không là thằng Ben bé bỏng mà em từng chăm sóc nuông chìu nữa đâu nhé.

Chị Bông hãnh diện:

– Thằng con út của em vừa giỏi vừa ngoan không thua gì thằng anh nó. Ngày nó mới vào đại học, chọn ngành computer science anh cứ lo ngành này ế ẩm học xong không ai mướn, trong khi em luôn ủng hộ và khuyến khích con học cái ngành mà nó yêu thích.

– Thì cuối cùng anh cũng chịu thua mẹ con em rồi mà. Con giỏi và ngoan là của chung anh và em chứ.

Anh Bông rót rượu ra những ly và mời:

– Nào cả nhà chúng ta cùng nhấp chút rượu thơm, trước là chúc mừng Phong với bạn gái Quỳnh Như và sau là chúc mừng Ben.

Mọi người cùng nếm rượu, ăn gà Tây. Anh Bông lại cười tươi:

– Sau hai món quà Giáng Sinh của hai con, bố cũng có quà để khoe với cả nhà nè. Ðây là quà của người ta tặng bố, tặng một người đưa thư. Bố xin tặng lại cho cả nhà chúng ta..

Chị Bông nói đùa:

– Chắc của mấy bà góa chồng, ế chồng mua tặng cho anh mailman đẹp trai đây?

Anh Bông đi vào trong và lấy ra mấy gói quà lần lượt để ra bàn:

– Bố đi bỏ thư hàng ngày, suốt nhiều năm nay những khu nhà đâu đó đã là hàng xóm của bố, những người nhận thư nào đó có người thành bạn, thành quen bố dù chỉ gặp nhau tình cờ trong phút giây. Mỗi năm nhân dịp lễ Tạ Ơn đến Giáng Sinh thế nào bố cũng nhận quà từ những nhà ấy, những người ấy. Ðây là hộp kẹo chocolate, hộp bánh và có vài gói quà bố chưa mở ra. Dù chỉ là những món quà nhỏ bình thường nhưng bố biết là chân tình của người tặng.

Chị Bông nhìn mấy hộp quà chưa mở và đoán:

– Thế nào cũng có gói đồ ấm của bà Amy, năm nào cũng tặng ông đưa thư này mấy đôi vớ và chiếc khăn quàng cổ.

Quỳnh Như chăm chú lắng nghe, cô lên tiếng:

– Con nghĩ bác là người đưa thư chăm chỉ với công việc và tốt với mọi người nên mới được người ta quý mến thế.

Chị Bông lúc nãy hãnh diện con, bây giờ hãnh diện chồng:

– Ðúng thế cháu ơi, ông mailman này đã đưa thư tận tay cho người già cả ngồi xe lăn trong nhà vì họ thật khó khăn khi ra check hộp thư, ông cũng chẳng bao giờ ngại ngần hay than thở khi đưa thư đến địa chỉ hẻo lánh, khó khăn, có căn nhà nằm cheo leo trên quả đồi dốc phải bước ngược lên mấy chục bậc thang có khi chỉ bỏ vào hộp thư của họ mấy tờ báo quảng cáo.

Phong khen người yêu:

– Em thông minh ghê, nhận xét về bố anh không sai tí nào.

Chị Bông giơ cao ly rượu:

– Bây giờ chúng ta lại nâng ly chúc mừng bố nhá các con.

Anh Bông thêm vào:

– Chúc mừng mẹ các con nữa mới công bằng, một phụ nữ đảm đang, vừa đi làm vừa lo toan việc nhà, chồng con.

– Vâng chúng con xin chúc mừng Giáng Sinh vui vẻ với cả nhà chúng ta.

Chị Bông đợi tiếng reo vui ngừng mới âu yếm tiếp:

– Ai ngán món gà Tây muốn thay đổi mùi vị quê hương thì có tô bún mọc đang chờ đây nhé…và chốc nữa mẹ sẽ cắt bánh Giáng Sinh khúc cây của Quỳnh Như để mời cả nhà thưởng thức tráng miệng.

Anh Bông hưởng ứng:

– Em ơi, làm cho anh một tô bún mọc. Chúng ta đã có những món quà tuyệt vời trong mùa Giáng Sinh này. Thật là một mùa Giáng Sinh vui vẻ và hoàn hảo.

Nguyễn Thị Thanh Dương 


 NGỘ ĐẠO ĐẤT TRỜI

Ông Tư bị ung thư và biết chắc không thể sống lâu hơn sáu tháng. Ông bình tỉnh chờ cái chết, và vui vẻ sống những ngày ngắn ngủi còn lại, mà không bi ai, không sợ hãi. Ông muốn sau khi chết, gia đình làm đám tang theo ý riêng của ông. Bà vợ nghe dặn dò cách thức làm đám tang kỳ dị, thì nói giọng buồn, với đôi mắt cầu khẩn:

- Em nghe nói ngày xưa ở Huế, người đàn bà đầu tiên đi xe đạp, bị cả thành phố phỉ nhổ, xem như là Me Tây, như kẽ phá hoại phong hóa nơi đất thần kinh. Cho đến khi chiếc xe gắn máy hiệu “Velo solex” ra đời, người đàn bà đầu tiên xữ dụng, cũng bị xem như là thứ côn đồ, cao bồi du đảng, chẵng ai dám giao du thân mật. Đến như bà Thu, vốn là một công chúa, dù là con của vị phế đế, là người đàn bà có xe hơi, và lái xe hơi dầu tiên ở Huế, cũng bị thiên hạ nghi ngờ oan ức đến cái đức hạnh của bà, mà suốt đời không kiếm được một tấm chồng. Thế mà bây giờ, anh bảo em làm đám tang khác thiên hạ, không giống ai, thì chịu sao nỗi lời tiếu đàm của bà con, họ hàng!

Ông Tư cười, nhìn vợ và nói:

- Cái gì cũng phải có khởi đầu, có người làm trước, về sau thiên hạ thấy hay mà làm theo. Không ai khởi đầu cả, thì làm sao có tiền lệ để mà bắt chước? Thời trước nếu không có cô, bà nào dám tiên phong leo lên xe đạp, thì bây giờ đàn bà đi bộ cho rã cẳng ra. Ngày nay, còn có ai xì xầm khi thấy các cô, các bà đi xe đạp, xe gắn máy và lái xe hơi đâu?

- Sao anh bắt em phải làm cái việc khác đời, cho tội cho nghiệp em. Em đâu phải là hạng người thừa gan dạ, để có thể phớt lờ dư luận, khen chê của thế gian ?

Ông Tư trả lời với giọng rất bình tỉnh:

- Chỉ là ước mong nhỏ nhoi cuối cuộc đời của anh, mà em cũng không giúp anh được sao? Ai có nói gì, thì em cứ bảo đó là ý nguyện của anh trước khi chết. Mà có lẽ, mọi người đều biết anh muốn như vậy, em khỏi cần giải thích cho ai. Em không làm theo ý nguyện, anh chết không nhắm mắt, làm sao linh hồn siêu thoát? Như thế, em không sợ anh về quấy phá em mãi sao?

Nghe đến đây, thì bà Hoa tái mặt. Bà vốn sợ ma, sợ người chết, sợ bóng tối, sợ sự thiêng liêng. Bây giờ ông chồng còn sống, bà có thể lấn áp, bắt nạt ông được, chứ sau khi ông chết rồi, thì bà phải chịu thua, phải sợ ông. Ông Tư biết tính vợ, nên đem ma quỷ ra mà dọa trước, may ra sau khi ông chết, thì bà chịu theo lời ước nguyện của ông.

Nếu có ai biết ông Tư đang cận kề cái chết mà ái ngại cho ông, thì ông cười vui mà an ủi họ – chứ không phải là họ an ủi ông – rằng, nếu tin theo đạo Chúa, thì khi chết được về thiên đàng, ngồi dưới chân Chúa, sung sướng thế sao mà ai cũng sợ chết? Nếu theo đạo Phật, thì khi chết cũng sẽ về Tây Phương Cực Lạc, vĩnh cửu an bình, thì mừng vui chứ sao lại bi ai? Và nếu nói theo đức Đạt Lai Lạt Ma, thì cái xác thân ở trần gian, có thể ví như bộ áo quần ta mang, khi nó đã sờn cũ, xấu xí, rách rưới mục nát rồi, thì nên bỏ đi, mà mang bộ áo quần khác, đại ý nói đi đầu thai kiếp khác, mang thân xác mới hơn.

Ông Tư nói với bạn rằng, thân xác ông bây giờ như cái quần đã mục mông, rách đáy, không còn che được cái muốn che, thì phải bỏ đi, không xài nữa là hơn. Bởi vậy, ông bình tỉnh đón chờ cái chết cận kề. Khi biết ông bị ung thư sắp chết, thì phút đầu tiên, ông lặng người đi. Nhưng rất mau sau đó, ông nghĩ ra rằng bây giờ chỉ còn hai con đường để lựa chọn.

Một là rầu rĩ bi ai, than thân trách phận, oán thán trời đất, làm cho những ngày ngắn ngủi còn lại trở thành u ám, khổ sở, muộn phiền.

Hai là bình tỉnh chấp nhận điều không thể tránh được với thái độ tích cực, lạc quan, vui vẻ. Làm cho những ngày còn lại thành tươi vui, tốt đẹp và ý nghĩa hơn. Khi ra đi sẽ không có chút tiếc thương vướng bận.

Ông chọn con đường sau, nên không buồn bả, không hoang mang, không bi ai. Ông thấy cuộc đời bỗng đáng yêu hơn, đẹp hơn. Ông mở lòng vui vẻ đón nhận từng thời khắc, từng ngày còn lại. Mỗi sáng dậy, ông ca hát nhạc vui, và nói chuyện khôi hài cùng vợ con. Ông cố làm đẹp lòng mọi người, vì ông nghĩ rằng, sau khi nhắm mắt nằm xuống, thì dù có muốn tử tế với những người thân thương, cũng không còn làm được nữa.

Ban đầu, vợ con, gia đình, ai cũng ái ngại, nên cư xử tế nhị, dè dặt, gượng nhẹ với ông. Về sau, thấy thái độ bình tỉnh của ông, mọi người quên đi chuyện ông sắp xa lìa cõi đời nầy, mà cư xử với ông không khác gì người bình thường. Đôi khi bị vợ gắt gỏng, bị con giận hờn, bị bạn bè to tiếng, ông không buồn giận, mà cảm thấy tức cười, và thấy thương họ hơn.

Ông Tư dặn thêm vợ rằng đừng đăng báo, không đăng cáo phó gì cả. Đừng làm rộn, bận trí bà con gần xa, buộc họ phải thăm viếng. Không nên để phiền ai phúng điếu chia buồn. Ông đưa tờ báo cho bà, và nói:

- Em nhìn vào mấy cái cáo phó nầy đây, đọc thấy buồn cười : “Chúng tôi đau đớn báo tin cho thân bằng quyến thuộc: Ông Nguyễn Văn Mỗ đã được Chúa gọi về vào ngày , tháng, năm, hưởng thọ 82 tuổi…” Được Chúa gọi thì phải vui mừng, sung sướng, chứ sao lại đau đớn báo tin ? Về với Chúa là khổ lắm sao? Có đi tù cải tạo đâu mà đau buồn? Đáng ra phải cáo phó bằng câu : “Chúng tôi hoan hỉ báo tin cùng thân bằng quyến thuộc rằng, Ông Nguyễn văn Mỗ đã được Chúa gọi về vào ngày, tháng, năm,..”. Và đây, một cáo phó khác, cũng “khóc báo” với thân bằng quyến thuộc là thân nhân chúng tôi đã về cõi Phật. Về cõi ma vương quỷ sứ mới khóc báo, chứ về cõi Phật, sướng quá, mà khóc cái nỗi gì?”

Bà Hoa nhăn mặt nói:

- Anh đừng chi li bắt bẻ từng câu từng chữ . Đó là một lối nói thôi. Vì có ai biết chắc đi về đâu mà dám vui, buồn. Nhưng cứ cho là về thiên đàng, cực lạc, về với Chúa Phật, cho người sống an lòng. Không lẽ báo tin ông nội tôi được quỷ sứ rước đi rồi. Dù sống có gian ác đến đâu, khi chết cũng có quyền hy vọng về nơi lạc phúc, bình an.

Ông Tư lắc đầu nói tiếp:

- Em có thấy ông cụ Trương nằm liệt giường hai năm, không cử động được, như bị hành hình, cả nhà lao đao lận đận chăm sóc. Hai vợ chồng bác Thu con cụ, vì khổ nhọc quá, gây gỗ nhau, gia đình suýt tan vỡ.

Khi cụ mất, cả nhà thở phào sung sướng cho cụ, và cho mọi người trong gia đình. Thế mà khi cáo phó, cũng đau đớn báo tin. Bà con bạn bè đăng báo chia buồn, cũng là vô cùng thương tiếc, vô cùng đau đớn. Tang gia mừng, mà bà con lại chia buồn. Bà con muốn cụ nằm đó mãi, để khổ thân cụ, khổ con cháu cụ lâu dài hơn nữa hay sao? Hay là họ không phải khổ cực chăm sóc cụ, không phải đau lòng khi thấy cụ nằm liệt ra đó, nên cụ chết họ buồn đau? Bỡi thế, khi anh chết, anh không muốn cáo phó, không muốn ai phân ưu chia buồn. Chết cũng là một tiến trình của tự nhiên của trời đất, thì có chi mà phân ưu, chia buồn. Có ai sống mãi được?

Bà Hoa không đồng ý, nói lớn:

- Mất mát nào mà không đau buồn? Dù biết chắc rằng, ông cụ Trương chết là thoát được khổ đau đang hành hạ. Nhưng khi cụ mất, cả nhà cũng buồn vì mất cụ, mà vui vì cất đi được gánh nặng, bớt được mối thương tâm khi thấy người thân yêu của mình khổ cực nằm đó.

- Thế thì khi cụ mất, chắc chắn cả nhà vui nhiều hơn buồn, mừng nhiều hơn tiếc. Không ai dám nói mừng khi thấy thân nhân mình chết, vì sợ thiên hạ hiểu lầm, tiếu đàm. Thế thì đừng giả dối, nói là đau đớn, tiếc thương, mất mát. Mất cái gì mới ngại, chứ mất cái khổ đau hành hạ, thì cầu cho mất sớm, mất đi càng nhiều càng mau, càng tốt. Anh nghe nói người Lào có quan niệm rất hay về lẽ sống sự chết. Khi trong gia đình có người chết, họ không bao giờ khóc lóc rầu rĩ, mà bình tỉnh an nhiên, chắc rằng họ đã thấm nhuần cái lẽ thâm sâu của Phật giáo, biết chết là giải thoát, rũ sạch nợ đời.

Bà Hoa hỏi:

- Hay là đời sống dân họ đau khổ lầm than quá, nên chết đi là khỏe chăng? Chết là hết lo cơm áo, khỏi đói khát bệnh tật?

Bà Hoa nghĩ là ông Tư không thương bà đủ nhiều, nên cứ thản nhiên trước cái chết cận kề. Bà không biết làm sao chịu nỗi cảnh cô đơn khi sống thiếu ông trên đời.

Ông Tư thường nói với bạn bè rằng, rồi ai cũng phải chết. Không chết sớm thì chết muộn. Không chết lúc ba bốn mươi, thì bảy tám chín chục tuổi cũng phải chết. Cuộc đời, có thể ví như một đêm, không đi ngủ lúc chín mười giờ, thì mười hai giờ, một giờ sáng cũng phải đi ngủ. Nếu đêm không vui, thì tội gì không đi ngủ sớm cho khỏe, mà phải thức để nỗi buồn gặm nhấm. Nếu đêm nay đau răng thì cố thức làm gì, ngủ sớm đi mà quên đau.

Nhiều người sống với thái độ như sẽ không bao giờ chết, cho nên tích tụ của cải, bao nhiêu cũng không vừa, làm nhiều điều không đúng, không phải. Bỡi vậy, khi biết mình sắp chết, thì hốt hoảng khóc lóc, bi ai, mà vẫn không tránh được. Nhiều vị vua chúa đời xưa cũng muốn sống đời, nên uồng thuốc trường sinh, mà ngộ độc chết sớm. Còn gia đình, thì thời gian đầu thấy thiếu vắng, mất mát, nhưng rồi sau cũng quen dần, vì phải lo lắng nhiều công việc khác trong một cuộc sống bình thường, không còn có thì giờ mà tiếc thương, mà bi ai. Phần người chết, buông tay là xong tất cả, bình yên vĩnh viễn. Không còn phải lo công việc làm ăn, lo cơm áo gạo tiền, không còn lo làm giàu, lo tích trữ của cải, không còn ghen tuông, giận hờn, không còn phải thức khuya học hành, hoặc viết văn làm thơ mệt nhọc, không còn theo đuổi mộng lớn mộng bé, không ưu tư dằn vặt vì thời thế, vì đất nước, quê hương… Bỏ hết. Tất cả cũng chỉ là tro bụi. Thiên hạ còn ngưỡng mộ, còn khen ngợi những anh hùng liệt sĩ trong lịch sử, nhưng chính các người nầy có còn biết gì nữa đâu? Cũng là một mớ xương khô mục nát, đâu có nghe, có cảm xúc, hân hoan, vui thú gì. Có ca ngợi, nhắc nhở thì để các thế hệ con cháu về sau noi gương người đi trước mà gìn giữ quê hương, mà sống cho đàng hoàng, cho nên người, đừng làm việc xấu xa đê tiện.

Ông Tư dặn vợ làm một đám tang đơn giản, không mở nắp hòm cho bạn bè thăm viếng nhìn mặt. Hát nhạc vui trong tang lễ, không khóc lóc, mà vui cười tự nhiên. Sau khi thiêu xong thì gởi tro xương về quê nhà, đừng xây mộ, đừng đắp bia.

Bà Hoa thì chỉ muốn làm giống như tất cả mọi người. Ai làm sao mình làm vậy trong khả năng tài chánh của gia đình. Bà không muốn làm khác ai, để họ có thể nghị dị, bàn ra nói vào, thêm thắt thêu dệt. Nhưng bà cũng không nỡ từ chối ước nguyện cuối cùng của ông. Hai người con của ông bà, đứa con gái đầu thì tán thành, muốn làm theo ý kiến cũa bố, đứa con trai phản đối, vì sợ thiên hạ chê cười. Ông nói với con : “Con nên vì bố, không nên vì thiên hạ”.

Ông Tư xin nghỉ việc, đi thăm bà con họ hàng, đến đâu ông cũng nói chuyện khôi hài, vui vẻ, nồng nàn với bạn bè bà con, thức đêm, uống rượu, hát hò, ngâm thơ, ăn uống không kiêng cữ. Theo ông, thì kiêng cũng chết, mà không kiêng cũng chết, chết sớm hơn vài tháng, vài tuần, cũng chẵng nghĩa lý gì. Còn chẵng bao lâu nữa, kiêng cử làm chi cho khổ thân, cho đời mất đi một phần ý vị. Ông cho rằng, đã sống đến trên năm mươi tuổi là quá lời, quá đủ, không có gì để nuối tiếc. Thấy ông tươi vui, người biết ông có bệnh sắp chết, cũng quên mất là ông đang bệnh, người không biết bệnh trạng của ông, thì ông cũng không muốn nói ra làm gì. Ông đưa bà và hai con đi chơi một chuyến trên du thuyền. Ông tham gia các cuộc chơi tập thể trên du thuyền như hát hò, nhảy múa ca hát, tham gia các buổi hòa nhạc, uống rượu, cho đến khi mãn cuộc. Ông vui vẻ, bình tĩnh đến nỗi nhiều khi bà quên mất là vợ chồng không còn bên nhau bao lâu nữa.

Ông Tư chuẩn bị tinh thần cho vợ, cho con, để chấp nhận một sự thực không tránh được. Chấp nhận với sự bình tỉnh, sáng suốt, không vui vẻ nhưng không bi ai. Có người nói cho ông Tư nghe về kinh nghiệm của những kẽ đã chết thật rồi, mà sống lại nhờ sự mầu nhiệm nào đó. Rằng khi chết, thì thấy mình đi vào một vùng ánh sáng lạ, rất hân hoan sung sướng, khoái cảm tràn trề. Bỡi vậy, nên người đã trãi qua cận tử, thì không cón sợ chết nữa, mà đón nhận như là một ân huệ của trời đất. Ông Tư không tin chuyện cận tử, vì ông vốn con người thực tế và lý trí, cái gì chưa kiểm nghiệm được thì chưa tin. Nhưng cho rằng, nếu được như vậy thì càng tốt. Nếu không được vậy, thì cũng thôi.

Cuộc đời ông Tư đã trãi qua nhiều giai đoạn sướng khổ. Chưa xong đại học thì bị kêu đi lính, tham dự những trận chiến kinh hoàng, ngày đêm trấn đóng nơi ma thiêng nước độc, đã từng bị bắt làm tù binh, đã vượt ngục. Khi miền Nam thua trận, phải đi tù nhiều năm. Đã sống trong chế độ hà khắc kìm khớp, bữa đói bữa no. Đã đi qua biển tìm tự do. Và ước nguyện rằng, được sống thêm một ngày trong xứ tự do, thì có chết cũng không có gì tiếc nuối. Thế mà ông đã sống thêm được nhiều năm trong một xã hội có tự do, dân chủ. Con người được pháp luật bảo vệ, tôn trọng. Ông biết ơn trời đất đã cho ông cái phần thưởng vô cùng quý giá đó trong nhiều năm qua.

Ông Tư chỉ là một người bình thường, có đủ cả tốt xấu. Có chút rượu chè, nhưng không ghiền và say sưa. Khi vui bạn vui bè, thì ai đến đâu, ông đến đó. Ông hòa đồng cùng đám đông. Thỉnh thoảng ăn nhậu cùng bạn bè, nói chuyện trời đất, vui chơi. Cờ bạc ông cũng có chút chút, từ xì phé, bài cào, cờ tướng, cờ vua, đi sòng bài. Nhiều khi ông xoa mạt chược cùng bạn bè, một mạch từ sáng thứ bảy cho đến chiều chủ nhật mới thôi, ai về nhà nấy để chuẩn bị cho ngày đi làm vào thứ hai.

Ông không mê, không lậm, biết dừng lại đúng lúc, không phải khi thua cờ bạc thì nóng mặt cố gỡ, và gỡ cho đến bán nhà. Trai gái ông cũng có, nhưng không làm hại đến ai, biết giới hạn của cuộc chơi. Không làm khổ vợ con, không gây khổ đau cho người khác phái. Thuốc lá, cà phê hàng ngày, ông không ghiền, nhưng cũng không bỏ hút thuốc. Ông Tư còn có chút máu nghệ sĩ . Ông thổi kèn hắc tiêu rất đạt, nên lâu lâu theo người bạn Mỹ gốc Phi Châu đến các hộp đêm thổi kèn chơi, không lấy thù lao. Ông có chân trong một ban nhạc tài tử, lâu lâu đi trình diễn ở các nơi công cọng. Ông Tư có sáng tác vài bản nhạc, nhưng không ai hát, và hát không ai nghe, không ai khen, nên ông không sáng tác nữa. Ông Tư cũng thích đọc truyện, đọc thơ. Ông cũng có làm thơ, nhưng bà Hoa là vợ ông, khuyên đừng để cho ai biết những bài thơ đó do ông viết, vì sợ người ta cười lây cả bà. Ông nghe vợ chê, nãn lòng, không muốn làm thơ nữa. Tuy nhiên, có nhiều khi cao hứng, không cầm được cảm xúc, ông cũng làm thơ chơi, và dấu kín, vì sợ vợ đọc được chê bai.

Một người bạn của ông Tư cũng thích thơ phú, thường cùng ông ngâm vịnh khi nhàn tản, một hôm nghe ông nói về quan niệm cuộc đời, lẽ sống và cái chết. Ông nầy ngồi nghe mà đờ ra, và nói:

- Bác chờ chút, tôi lục tìm bài thơ của một ông bạn tôi, sao mà ý tưởng của bác với ông kia trùng nhau, như cùng học một sách. Kỳ lạ ghê. Lần đầu đọc bài thơ nầy, tôi khoái quá, phải xin ông bạn cho tôi mượn, chạy ra phố, chụp lấy một bản, còn cất giữ đây.

Ông Tư cầm lấy bài thơ dài, vừa đọc vừa gật gù, đọc xong ông vỗ đùi sung sướng, nói:

- Tuyệt. Hoàn toàn giống hệt suy nghĩ của tôi. Bác đem tôi đến giới thiệu tác giả bài thơ nầy đi. Bác xem đấy, đâu phải một mình tôi suy nghĩ khác đời đâu. Có nhiều người cùng một ý nghĩ, nhưng không dám nói ra, không dám thi hành. Đúng như cụ Nguyễn Công Trứ có viết là chỗ ta ngồi hiện tại, người xưa đã ngồi rồi. Tôi dốt chữ Hán, nhớ mang máng hình như là “Ngã kim nhật tại tọa chi địa, cổ chi nhân tằn tiện ngã tọa chi”. Mấy ông Tây cũng từng viết là dưới ánh mặt trời nầy, không có cái gì mới cả. Những suy nghĩ của tôi về cái chết, sự sống, người xưa cũng đã viết nhiều, tàng ẩn bàng bạc trong kinh Thánh, kinh Phật. Ngày xưa khi còn nhỏ, bố mẹ tôi gởi tôi vào học nội trú trường đạo Thiên Chúa, mỗi ngày mỗi đêm đều đọc kinh Thánh. Hồi đó tôi không hiểu hết ý nghĩa của kinh, tôi tưởng lầm đọc kinh là ngày đêm kêu gào sự xót thương của Chúa. Tuổi trẻ ngu muội và ngông cuồng nên tôi không có cảm tình với chuyện kinh kệ, nhưng khi lớn lên, đọc lại kinh Thánh, tôi thấy hay quá ông ạ. Lời kinh an ủi, vỗ về con người trong khổ đau, trong bước đường hoạn nạn, khi gặp cam go chìm nổi, tìm được yên bình để chịu đựng mà hy vọng qua khỏi nghịch cảnh.

Ông bạn cười, nói:

– Tôi thấy nhà bác thờ Phật, mà lại nói chuyện Chúa rành rẽ. Bác có theo đạo Cao Đài hay không?

- Không phải đạo Cao Đài, nhưng Phật Chúa gì cũng hoan nghênh. Bà xã tôi vẫn thường đi chùa. Ngày xưa khi còn trong quân đội, đóng quân giữa núi rừng, mẹ tôi gởi cho mấy bộ kinh Phật, không có sách vở, báo chí, buồn mà đọc chơi. Không có tâm tu hành, nhưng đọc mãi, nó thấm vào trong tư tưởng lúc nào không hay. Bỡi vậy, tôi có quan niệm rất rõ ràng về sự sống, cái chết, và bình tỉnh đón nhận như một lẽ thường của trời đất, tạo hóa.

Hai người đang nói chuyện, thì có bà bạn ghé chơi. Bà nầy yêu cầu ông Tư và bạn ông đóng tiền để mua đất chôn cất và xây mộ cho một người đồng hương Việt Nam nghèo mới chết. Gia đình không đủ tiền để làm ma chay và mua đất chôn ở nghĩa trang. Ông Tư móc ví, đóng ba chục đồng, và nói:

– Kêu gọi thì tôi đóng tiền, chứ thực tình trong lòng tôi nghĩ khác. Chết thì hỏa thiêu là đẹp nhất, tốt nhất và lại vệ sinh. Chôn xuống đất cho dòi bọ nó rúc rỉa, cho sình thối chứ có được gì. Một vạn cái xác, mới có được một cái không thối rữa, mà cũng khô đét nằm nhăn răng ra, hôi hám xấu xí. Nằm chật chội trong tối tăm âm u, dưới đất lạnh lẽo, chứ có sung sướng gì đâu. Rồi lâu ngày, thịt da cũng rữa, xương cũng mục. Được bao nhiêu năm? Mà cứ nghĩ kỹ xem, nếu mỗi người chết phải có một nấm mồ chừng hai thước vuông, thì trên thế giới nầy từ triệu năm trước đến nay, và nhiều triệu năm sau nữa, tỉ tỉ người đã chết và sẽ chết, lấy đâu ra đất mà chôn. Không lẽ cả thế giới nầy chẵng còn một tấc đất mà trồng trọt, nhịn đói chết hết sao? Nhiều xứ văn minh hiện nay, người ta thiêu xác. Bên Nhật, bên Tàu, Ấn Độ và nhiều xứ khác nữa, người chết được hỏa thiêu. Đạo Phật chính tông, thì các tăng ni đều được hỏa táng, nhưng những người theo đạo Phật nửa vời, thì lại chôn cất. Bày đặt ma chay linh đình cho thêm tốn kém.

Bạn ông Tư hỏi:

- Có phải người theo đạo Chúa không dám hỏa táng? Nghe đâu họ tin có ngày phán xét cuối cùng, và được sống lại. Bỡi vậy nên phải giữ thân thể, không muốn thiêu tan thành tro bụi.

Ông Tư cười lớn nói:

- Chờ đến ngày phán xét cuối cùng, thì sắt đá cũng đã mũn ra tro bụi, nói chi đến cái thân xác mong manh? Có lẽ những kẽ mê tín, kém hiểu biết, diễn dịch sai ý nghĩa của kinh Thánh chăng? Mà dù cho xương cốt có còn, thì cũng chỉ là bộ xương cũ mục, làm sao mà sống lại trên bộ xương đó được?

- Nghe đâu các nghĩa trang cũng chỉ bán đất trong vòng một trăm năm thôi- Bà bạn bàn thêm – Sau một trăm năm thì không biết họ có đào lên, đem chôn ở hố tập thể, hoặc đem thiêu đốt đi chăng? Nhưng khi mua đất chôn, thân nhân, không nghe ai nói đến điều nầy. Mà dù cho chủ nghĩa trang có hứa miệng là bán đất vĩnh viễn, thì sau một trăm năm, họ đào bỏ đi, cũng chẵng ai hoài công đi kiện. Lời hứa trăm năm trước con cháu không nghe, không còn chứng cớ, cả người hứa hẹn lẫn người nghe hứa hẹn, đã chết từ lâu. Mà có lẽ con cháu cũng vì lo làm ăn, sinh kế, đi tứ tán, không ai còn đoái hoài chi đến mấy ngôi mộ của tiền nhân trong các nghĩa trang đây đó.

Bạn ông Tư nói:

- Trong phim tài liệu về Tây Tạng, ở đó đạo Phật là quốc giáo, ông Phật sống cai trị dân như vua. Khi có người chết, thì họ quàng dây kéo lê lên núi, sau đó mấy ông chuyên môn chặt xác chết ra nhiều khúc, và ném cho chim kên kên ăn. Trông khiếp lắm. Không biết họ làm như thế, có đau lòng thân nhân ? Rõ như câu nguyền rủa ở xứ mình là “chim tha quạ rỉa”.

- Chẳng có đau lòng chi cả – Ông Tư bàn thêm – Bên đó toàn đá núi cứng. Muốn đào đá ra làm huyệt mộ cũng quá cực khổ. Thân nhân người chết, dẫu có muốn chôn cất đến mấy cũng không ai làm nỗi việc đó. Cho chim ăn là tiện nhất. Có điều, không biết làm sao chim kên kên không lây bệnh người chết, biết bao nhiêu là bệnh nan y, vi trùng, vi khuẩn. Bỡi thế, nên tôi cho hỏa thiêu là sạch sẽ và tiện lợi nhất.

Câu chuyện bàn rộng đến phong trào Việt Kiều về quê xây lăng mộ cho thân nhân, cho tổ tiên, đến nỗi có nhiều làng thi đua xây cất cho nguy nga, cho to lớn. Thấy lăng mộ người khác lớn hơn, thì đập cái cũ ra, xây lại cho lớn, cho đồ sộ hơn. Có nơi người ta đặt tên là Làng Ma, vì toàn cả lăng mộ. Ông Tư cho rằng, xây lại mồ mả cho tổ tiên để báo hiếu, cũng là một hành động tốt, không có chi sai trái. Nhưng thi đua nhau xây và xây cất có tính cách phô trương thì chỉ làm trò cười cho thiên hạ. Liệu những phần mộ kia đứng vững được bao nhiêu năm, và còn được con cháu chăm sóc đến bao giờ? Rồi cũng có ngày trở thành hoang phế, chẵng ai đoái hoài đến, mà mục rữa với thời gian. May ra, những nơi thiêng liêng như đền quốc tỗ Hùng Vương, lăng mộ các bậc anh hùng giữ nước, dựng nước, mới được con cháu tiếp tục tu sửa chăm nom. Thế mà cũng có còn tả tơi, tàn tạ, không ai chăm nom. Huống chi mình, là thứ thường dân, vô danh tiểu tốt, chưa làm được gì. Chưa kể những kẽ là tội đồ của dân tộc, bày đặt xây lăng ướp xác, như các ông lảnh tụ cọng sản từ Âu sang Á, từ từ rồi mồ mã cũng bị phá bỏ, san bằng. Bỡi thế, ông Tư dặn vợ con đừng xây mộ, tạc bia cho ông làm chi.

Ông Tư mượn bài thơ của ông bạn về đánh máy và sắp xếp lại cho đẹp, in ra nhiều bản, phóng ra một bản lớn, để dành khi ông chết sẽ sử dụng.

Chỉ bốn tháng, sau khi được báo tin ung thư, ông Tư qua đời mà không đau đớn nhiều, không dùng hóa học trị liệu trước khi chết. Có người mách cho ông nhiều loại thuốc ngoại khoa, ông cũng dùng thử. Trong giới bạn bè thân tình, có người nói là ông Tư đã tự chọn lấy con đường ra đi nhẹ nhàng, không để bệnh hoạn hành hạ trước khi chết. Ông Tư thường đùa rằng, còn nước thì còn tát, biết là dù có tát thì thuyền cũng chìm, thì quẳng gàu đi cho đở mệt trước khi thuyền chìm.

Bà con bạn bè đến viếng tang ông Tư tại nhà, khi bước vào cỗng, họ cố sửa soạn lại bộ mặt cho có vẽ buồn rầu, nghiêm nghị, để hợp với cảnh tang ma, dù trong lòng họ không có chút bi ai nào. Nhưng họ nghe có tiếng nhạc vui đang rộn rã vẵng ra từ bên trong, hòa với tiếng nhạc là tiếng cười vui vang vang, tiếng ồn ào. Người nào cũng giật mình, vội vả xem kỹ lại số nhà, sợ đi lầm.

Vào nhà, mỗi khách viếng tang được phát một tờ giấy màu hồng, bên trên ghi bài thơ “ Sau Khi Tôi Nhắm Mắt”. Bài thơ cũng được chụp phóng lớn, dán trên tấm bảng che kín cả một bức tường. Khách và chủ đang vui vẻ chuyện trò, cười đùa. Không thấy quan tài ông Tư đâu cả. Trên bệ thờ có cái ảnh ông Tư phóng lớn, miệng cười toe toét, tóc bù gió lộng. Trước tấm ảnh có cái hộp vuông chứa tro xương của ông Tư. Tiếng nhạc vui vang vang từ máy hát. Bài thơ in đậm nét:

Sau Khi Tôi Nhắm Mắt.

Khi tôi chết, viếng tang đừng buồn bả
Cười cho to, kể chuyện tếu vui đùa ,
Trong sáu tấm biết chắc tôi hả dạ,
Lên tinh thần, ấm áp buổi tiển đưa,

 

Nếu làm biếng, cứ nằm nhà thoải mái
Viếng thăm chi, vài phút có thêm gì ?
Mắt đã nhắm. Lạnh thân. Da bầm tái.
Dẫu bôi son, trát phấn cũng thâm chì.

Tôi đi trước, hẹn gặp nhau ở đó,
Ai thay da mãi mãi sống trăm đời.
Kẽ trước người sau, xếp hàng xuống mộ
Biết đâu là khởi điểm cuộc rong chơi.

Nếu có khóc, khóc cho người còn lại,
Bỡi từ nay thiếu vắng nỗi đầy vơi.
Cũng mất mát, dáng hình, lời thân ái
Tựa nương nhau, hụt hẫng giữa đất trời.

Đừng đăng báo, phân ưu lời cáo phó
Chuyện thường tình, phí giấy có ích chi ?
Gởi mua gạo, giúp người nghèo đói khó
Dịu đau buồn những kiếp sống hàn vi,

Trỗi nhạc vui cho người người ý thức,
Cuộc nhân sinh sống chết cũng tương đồng,
Khi nằm xuống, xuôi tay và nhắm mắt
Thì đau buồn hạnh phúc cũng hư không .

Đừng xây mộ, khắc bia ghi tên tuổi
Vài trăm năm hoang vắng, chẳng ai hoài.
Vũ trụ vô cùng, thời gian tiếp nối,
Tỉ tỉ người đã chết tự sơ khai

Khi tôi chết đừng ma chay đình đám,
Hỏa thiêu tàn, tro xác gởi về quê
Dẫu bốn biển, cũng là nhà, bầu bạn
Trong tôi còn tha thiết chút tình mê

Thì cũng C, H, O, N kết lại
Nắm tro xương hài cốt khác nhau gì
Nhưng đất mẹ chan hòa niềm thân ái
Cho tôi về, dù cát bụi vô tri.

Khi đọc xong bài thơ, có người thì mĩm cười, có người vui hẵn, và nói chuyện oang oang. Họ cho rằng bài thơ đã nói hết ý nguyện của người chết. Người chết không muốn bạn bè buồn rầu, thương tiếc, thì việc chi mà lại làm bộ, gượng gạo tạo ra nét buồn khổ trên mặt.

Vợ con người chết cũng không tỏ vẽ buồn rầu, mà cũng không hớn hở. Không một tiếng khóc lóc, thở than. Nhạc vui vẫn dồn dập phát ra từ máy vang dội. Khi khách đã đến chật nhà, và đúng giờ cử hành tang lễ, bà vợ ông Tư và đứa con trai mang áo quần trắng đứng chắp tay bên bàn thờ, cô con gái đứng bên tấm ảnh ông, cầm máy vi âm nhoẻn miệng cười và nói:

- Thưa các cụ, cô bác chú dì, bà con bạn bè thân thiết xa gần, chúng tôi xin cám ơn quý vị đã có lòng đến viếng tang Ba chúng tôi. Tang lễ nầy làm theo ý nguyện của người quá cố. Không làm tang lễ theo tục lệ bình thường, vì sợ trái với ước vọng cuối cùng của Ba chúng tôi. Chúng tôi xin nhận lấy mọi lời trách móc nếu có từ bà con bạn bè. Ba chúng tôi đã bình tĩnh và vui vẻ đón cái chết như một sự trở về không tránh được. Trong những ngày cuối của cuộc đời, Ba chúng tôi rất vui, chuẩn bị kỹ cho gia đình và cho chính ông. Ông đã dặn dò chúng tôi, không nên khóc lóc, không nên buồn rầu, vì sự thực không có chi đáng buồn cả. Ông dặn chúng tôi vặn cuốn băng sau đây cho bà con cô bác nghe.

Người con gái đến bên bàn thờ, bật máy, có tiếng ông Tư cười hăng hắc vui vẻ, làm một số người không cầm được, cũng cười theo. Một vài bà yếu bóng vía sợ xanh mặt. Sau tiếng cười chào, thì có tiếng ông Tư đọc bài thơ dán trên tường, giọng đọc rất chậm rãi, rõ ràng, như đang nói chuyện thủ thỉ với bạn bè. Mọi người im lặng lắng nghe, người thì nghiêm trang, người thì mĩm cười. Giọng Huế của ông Tư đọc chậm và ngân dài những đoạn ông đắc ý : “Tôi đi trước, hẹn gặp nhau ở đó. Ai thay da mãi mãi sống muôn đời, Kẽ trước người sau xếp hàng xuống mộ, biết đâu là khởi điểm cuộc rong chơi. Cuối cùng, có một tràng cười ha ha của ông Tư để chấm dứt bài thơ. Sau bài thơ, có ba ông người Mỹ, hai ông da đen, một ông da trắng, cầm đàn và kèn trỗi lên mấy khúc nhạc vui, các ông nhún nhẫy uốn éo, nhiều lúc dậm chân xuống sàn. Ba ông cùng lúc lắc, làm hàng một, đi quanh phòng khách, như múa lượn trước bàn thờ ông Tư. Những ông nầy, là bạn chơi nhạc với ông Tư tại các quán ca nhạc ban đêm.

Bỗng nhiên, bà chị ông Tư nhào ra, lăn lộn trước bàn thờ mà khóc lóc gào lớn:

- Cậu Tư ơi là cậu Tư. Chúng nó đem cái chết của cậu ra mà bêu rếu họ hàng. Vợ cậu muốn đi lấy chồng sớm nên bày ra cái cảnh chướng tai gai mắt nầy. Con cậu cũng là thứ bất hiếu bất mục, cha chết mà không có một giọt nước mắt, còn cười nói lung tung. Chỉ có tôi là chị câu, thương cậu thật tình thôi, ruột đứt lòng đau, nên khóc than đây.

Ông chồng chạy đến ôm bà kéo ra, và nhỏ nhẹ giãi bày. Bà vùng vằng và càng khóc lớn hơn, xỉ vả bà Tư những câu tục tỉu nặng nề. Bà Tư ôm mặt khóc lóc. Bà chị chồng nói lớn: “Mai mốt chúng mày chết, bà đến phóng uế lên hòm chúng mầy”. Nhiều người bà con đến phụ ông chồng lôi bà chị ông Tư ra xe chạy đi.

Khách viếng tang lảng ra, và có người lẵng lặng ra về không chào hỏi ai, vì sợ gia quyến ngượng ngùng. Cô con gái ông Tư đứng ra xin lỗi mọi người vì chuyện không may, không vui vừa xẫy ra.

Một bạn thân của ông Tư, quen nhau từ thuỡ trung học, đại diện bà con, đến trước bàn thờ, vỗ vào hộp tro xương, cười ha hả và nói:

- Tư ơi, ông là số một rồi đó, chả có ai bằng ông. Ông hiểu tận tường lẽ huyền vi của tạo hóa. Sống cũng vui, mà chết cũng vui. Sống cũng dám làm, mà chết rồi cũng dám làm, và làm được. Tôi cũng ước mong rằng, sau khi chết, vợ con làm cho tôi một đám tang như thế nầy, thì vô cùng sung sướng. Tưởng ông nói đùa chơi, ai ngờ làm thật.

Một vị mục sư là bạn thân của gia đình, cũng đến trước bàn thờ, và đoán chắc rằng bây giờ ông Tư đã được về với Thiên Chúa. Ông cho rằng thái độ của ông Tư trước cái chết rất sáng suốt, đáng khâm phục, và đáng được mọi người noi theo. Một vị sư già, có bà con họ hàng với ông Tư, đã từng viết nhiều sách Phật và rao giảng đạo từ bi, nói trước linh vị :

- Bần đạo không cần đọc kinh cầu siêu cho thí chủ. Bỡi linh hồn thí chủ đã thực sự siêu thoát trước khi chết. Thí chủ không vướng bận cõi trần, không hệ lụy vào cái thân xác tạm bợ. Thanh thản ra đi như kẽ đi chơi, thong dong, dễ dàng. Thí chủ đã hiểu thấu đáo cái lẽ vô thường trong đạo pháp.

Mọi người ra về, lòng nhẹ nhàng, tưởng như đi trong mơ. Từ phía nhà ông Tư, còn vang vọng nhạc vui đưa tiển đám tang khách.

Sau tang lễ, bà Hoa vợ ông Tư thở phào. Bà vui mừng vì đã làm được đúng lời căn dặn của chồng mà không bị tai tiếng. Bà chỉ sợ tai tiếng thôi. May mắn, đa số bà con đều tán thành nghi thức tang lễ, và nếu không tán thành, họ cũng im lặng, chỉ có bà chị ông Tư gây rắc rối thôi.

Nắm tro xương của ông Tư được vợ con gói kỹ bốn năm lớp, bỏ vào hộp bằng chất nhựa dày, để cho khỏi vỡ, rồi gởi bảo đảm về Việt Nam.

Chiếc xe chở hàng của hãng vận chuyển bị tai nạn trên đường ra phi trường. Xe rơi từ cầu xa lộ cao ba từng xuống đất, thùng xe vở nát, hàng hóa tung vung vãi, rách nát, cháy xém. Anh tài xế gảy hết tay chân và xương sống, hấp hối. Người ta đồn rằng anh tài xế buồn vì bị vợ cắm sừng, đã uống rượu say xỉn, không điều khiển được tay lái. Cái hộp tro xương của ông Tư bị rách và cháy xém mất một phần địa chỉ, được gởi lầm đi ngao du qua xứ Nambia bên Phi Châu. Cô con gái ông Tư hỏi tin tức bên nhà hàng ngày, qua liên mạng máy vi tính, về cái hộp tro xương, mãi đến hai ba tháng vẫn chưa nhận được. Bà Hoa viết nhiều thơ khiếu nại hãng chuyên chở. Họ trả lời là sẽ bồi thường cho bà hai trăm sáu mươi tám đồng. Bà Tư khóc lóc, thuê luật sư đâm đơn kiện. Sáu tháng sau, nhờ còn có địa chỉ người gởi, nên cái hộp tro xương được hoàn trả cho gia đình, với ghi chú là không có địa chỉ người nhận. Bà Hoa mừng ôm cái hộp mà khóc ròng.

Lần nầy, bà Hoa quyết định tự tay đem hộp tro xương ông chồng về tận Việt Nam. Bà sợ thất lạc thêm lần nữa, thì tấm lòng hoài vọng quê hương của chồng bà không được mãn nguyện, và bên kia cõi đời, ông Tư không yên ổn mà an giấc ngàn thu.

 

Tràm Cà Mau


Thời nón nỉ


Trong 23 năm làm nhân viên cửa hàng Kim Phát ở cửa Tây chợ Bến Thành từ năm 1953, ba tôi chỉ đội nón nỉ khi ra đường. Cái nón nỉ của ông, người Bắc gọi là mũ phớt, màu vàng nâu, vành nhỏ, có băng vải lụa viền màu nâu đậm. Cũng có loại nón khác làm bằng nỉ nhưng người ta chỉ dùng tên “nón nỉ” cho loại nón này.

Buổi sáng, ông chụp nón lên đầu, lái chiếc xe Sachs hai thì của Đức đi làm. Nón không có quai nhưng ôm sát đầu, hiếm khi bị bay trừ khi xe ông chạy trên xa lộ Biên Hòa với tốc độ cao. Hôm nào trời mưa, nón bị ướt, ông mở tủ lấy ra cái nón thứ hai mới toanh bọc trong nylon. Ông dùng tạm trong khi đợi cái kia khô. Cả hai đều hiệu Mossant.


Khi nghe kể về nón nỉ, anh bạn tôi ở nhà may Kim Sơn ngoài quận 1 kể nhà anh có ông thợ may tên là chú Đãi từ miền Bắc vào trước năm 1954 rất mê “nón Tây” - ông gọi nón nỉ như vậy. Mỗi ngày, ông tới chỗ làm trên chiếc xe đạp cũ, áo bỏ trong quần, đầu đội nón Mossant, trông rất phong lưu, dù buổi trưa có khi phải ăn chịu món tàu hũ... 

Vài câu chuyện cũ

Ông Trần Đỗ Cung, một viên chức cao cấp trong chính phủ Việt Nam Cộng hòa, người lập ra siêu thị Nguyễn Du từ năm 1967, viết bài Luận về cái mũ khá thú vị. Ông kể về cái mũ phớt ở quê hương ông thập niên 1940: “Hồi tôi mới lên mười một và chập chững vào Cao Tiểu (Collège de classes Primaires Supérieures) đã có thời trang đội mũ dạ gọi là mũ phớt theo kiểu các tài tử màn bạc Humphrey Bogart, Nelson Eddy, Fred Astaire, Clark Gable… Nào là mũ Fléchet, mũ Mossant rồi đến kiểu Stetson của cao bồi Texas. Trong lớp đệ nhất cao tiểu Thanh Hóa, học sinh đua nhau đầu đội mũ phớt tay xách cặp da, bộ mặt hớn hở, đi đâu cũng huýt sáo miệng Oh ma Rose Marie, ngón tay túm da cổ họng dật dật cho ra trémolo.

Đặc biệt có ba anh em họ Hoàng là cháu ruột dược sĩ Hoàng Hy Tuần trên Phố Lớn từ Vinh ra nhập học (có họ với nhà làm phim Hoàng Anh Tuấn). Tiêu biểu nhất có Hoàng Văn Huyền đội một chiếc mũ Fléchet dạ mầu nâu non, đỉnh nặn thành hai múi và vành trước kéo uốn xuống ngang mày trông hết sức tài tử lãng mạn. Anh chàng lại đội mũ lệch nghiêng về bên phải rất chi anh-chị-bất-cần-đời. Tôi rất thèm thuồng và năn nỉ mẹ đến tiệm Tân Thành Vinh mua cho một chiếc mũ phớt mầu kem nhạt, tuyết xoắn như lông cừu trông khá khác biệt…”.


Người Sài Gòn thập niên 1930 với nón nỉ trên đầu ngồi tiệm nước. Ảnh: TL


Trước đó một chút, Sài Gòn thập niên 1930 đã thịnh hành nón nỉ. Trên các báo Công Luận, Sài Gòn, Phụ Nữ Tân Văn đã có nhiều ô quảng cáo nón nỉ, bán trong các tiệm trang phục cao cấp trên đường Catinat, đường d’Espagne, Bonard, khu Dakao… Ba hiệu nón nỉ thịnh hành nhất cho dân khá giả là hiệu Fléchet, Mossant hay Borsalino nhập từ Pháp. Một tiệm khác, đăng trên báo Công Luận, số 7569 ra ngày 30.12.1937 khoe có “Nón nỉ bán tết, bán sỉ và lẻ giá đặc biệt. Có bốn hiệu danh tiếng lẫy lừng Mossant - Fleschet - Thibet - Varenne. Trên 100 kiểu kim thời, nhiều màu thiệt đẹp. Không có tiệm nào, hãng nào có đủ nón như thế. Giá nào cũng có từ 3$50 sấp lên”. Đây là lời rao của nhà buôn Nguyễn Văn Trận, số 94-96 đại lộ Bonard (Lê Lợi). 

Một câu chuyện trên mạng kể về anh chàng Năm Bé trong nhóm cướp Bảy Viễn. Khi đi dạo trên đường Catinat (nay là Đồng Khởi), anh ta thấy tiệm Tây chưng trong tủ kiếng mấy cái nón hiệu Borsalino của Ý, là thứ anh mê từ lâu mà chưa có dịp mua. Anh bước vào tiệm, bảo người Pháp bán hàng lấy nón cho đội thử để mua. Người bán hàng nhìn cái quần lãnh đen, cái áo bành-tô ka-ki xanh giống thợ thuyền anh mặc trên người với ánh mắt ngờ vực rồi chỉ tấm bảng giá: “25$ một cái, có tiền mua không?”. Giá này ngang với lương tháng thầy ký làm trong Tòa Bố (Tòa Tỉnh trưởng). Năm Bé thản nhiên: “Đưa coi đội có vừa không đã!”. Đội lên đầu vừa vặn, anh để luôn và bảo người bán gói luôn bốn cái còn lại. Móc bóp rút ra một tờ bộ lư, một tờ 20$ và một tờ con công, tất cả là 125$ trả tiền nón, làm cho người bán hàng há miệng, trố mắt nhìn. Năm Bé cầm nón đem về không biết làm gì cho hết, bèn kêu bạn tới cho bớt.

Người bình dân đã có nón nỉ tân trang 

Thời Pháp thuộc, vì có nhiều người thích loại nón này mà ở Sài Gòn, nhiều người bày ra nghề buôn bán nón cũ. Trước cuộc khủng hoảng kinh tế 1929 - 1933 nghề này chưa xuất hiện mà chỉ có những tiệm Tây hoặc Hoa có bán nón mới mắc tiền mà thôi. Sau đó, có một số người bày gian hàng ngoài đường bán nón cũ. Ban đầu còn ít, sau thấy dễ kiếm ăn, nhiều người bắt chước. 

Ở Sài Gòn, chung quanh chợ Bến Thành, trên lề đường Schroeder và d’Espagne, người ta bày rất nhiều gian hàng bán nón. Ở Chợ Lớn, đường Bonhoure (Hải Thượng Lãn Ông) cũng có nhiều chỗ bán nón cũ. Lúc đầu họ chưa biết cách buôn nón cũ ở ngoại quốc về mà chủ yếu là mở tiệm giặt nón rơm, hấp nón nỉ. Dần dà, họ đi rảo khắp các nơi hỏi mua lại nón cũ rồi làm sạch mới lại mà bán với giá rất rẻ. Chừng số người sửa và bán nón cũ tăng lên nhiều thì có một nhóm người Ấn Banh-ga-ly làm nghề gác cửa cho các hiệu buôn to ở Sài Gòn, đứng ra làm trung gian đầu nậu các thứ nón cũ.

Poster giới thiệu nón nỉ Mossant


Nhóm người này hay đi nhiều nơi nên biết được nhiều mánh lới khôn khéo để buôn bán đồ vặt vãnh rẻ tiền mà dễ tiêu thụ. Trên đầu họ cả chồng nón cũ, trên vai vắt vô số dây thun treo quần tây và rê-gát (régates), tay cầm hộp xà bông rửa mặt và dầu thơm, tay xách nhiều áo măng-tô bằng nỉ. Họ đi khắp các nẻo đường mà bán rẻ các món ấy. 

Do thường giao thiệp với thủy thủ dưới các chiếc tàu qua lại bến Marseille và Sài Gòn, họ nhờ mua đồ rẻ và đem đồ về Sài Gòn đặng tránh thuế thương chánh. Trong số đó, có mấy người đầu nậu Banh-ga-ly nhân thấy có một số đông người Việt Nam bày ra bán nón cũ coi mòi phát đạt lắm, họ bèn gởi thơ sang Pháp, Tân Gia Ba, Hồng Kông, Thượng Hải… mua sỉ nón cũ đã sửa giặt như mới. Cũng có khi họ mua được nón còn tinh hảo, nhưng giá rẻ mạt vì đồ ế phải bán cho hết vào cuối năm hoặc trong các tiệm bị phá sản.

Các tiệm bán nón cũ quảng cáo nhiều trên báo. Họ rao: “Nón nỉ dơ cũ, bị rụng lông hấp sửa ra lông nỉ mướt như mới. Áo quần nỉ serge, cũ phai màu, hấp nhuộm lại đủ các màu như mới. Nón Ăng-lê “Casque Singapore” bị méo mềm hấp sửa lại như mới. Nhuộm đồ, hấp nón bằng lò điển, máy ép. Khắp Đông Dương chưa tiệm nào tranh nổi. Nón Casque Singapore thứ thiệt Ellwood’s London bán 7p.50 một cái”. Đó là lời quảng cáo của tiệm Chapellerie Saigon ở số 154 đường d’ Espagne đăng trên nhật báo Sài Gòn. Nhờ dịch vụ tân trang nón, người bình dân có thể dùng nón này với giá rẻ hơn nhiều so với nón mới cứng vừa nhập về. 

Nón của thời sống chậm

Thời tôi còn nhỏ, xem phim có hai tài tử Jean-Paul Belmondo và Alain Delon đã thấy khoái cái nón nỉ hiệu Borsalino mà hai ông cùng đội, rất lãng tử. Sau đọc ở đâu đó mới biết Borsalino là hiệu nón nổi tiếng của Ý, có nguy cơ phá sản. Hồi đầu thế kỷ XX, tức là khi nón nỉ đã vào Việt Nam, mỗi năm có hơn hai triệu mũ Borsalino được sản xuất ra. Mỗi nón Borsalino được làm một cách thủ công và phải trải qua hơn 70 công đoạn.


Nón Borsalino trên đầu hai diễn viên điện ảnh nổi tiếng Jean-Paul Belmondo và Alain Delon. Ảnh: TL


Ký giả Nguyễn Đạt ở hải ngoại, năm 1954 từ Hà Nội di cư vào Sài Gòn năm 9 tuổi miêu tả người Sài Gòn lúc đó như sau: “Trai thanh - quý ông thì áo sơ mi quần tây trắng lốp; mũ Flechet; giày Deux Couleurs; đồng hồ quả quít đeo ở dây lưng. Gái lịch - quý bà thì áo dài Lemur - Cát Tường không thua phụ nữ Hà Nội, hoặc vận jupe như “bà đầm”; tay xách Porte Feuille, chân đi guốc cao gót; tóc búi cao hoặc uốn dợn sóng, cổ đeo kiềng vàng…” (Sài Gòn của tôi, 50 năm trước -  Giai phẩm Người Việt xuân Đinh Dậu 2017). Lúc đó, nón nỉ, trong bài là “mũ Flechet” đã là thời trang của quý ông khi đi dạo phố.

Đến thập niên 1970, chiếc nón nỉ ít được dùng thường ngày ở Sài Gòn. Nhiều người đi xe máy, xe đạp để đầu trần. Lính tráng thì đội nón của đơn vị mình. Người lái xích lô đạp, xích lô máy thích đội cái nón casque nhựa trắng vì không thấm nước. Chiếc nón nỉ thỉnh thoảng lại thấy xuất hiện trên đường phố trung tâm Sài Gòn trên đầu vài quý ông đi bộ, tay cầm ống điếu. Không còn  mấy người lái xe máy đội nón nỉ như ba tôi nữa. 

Sau năm 1975, chiếc nón kết lên ngôi, được dùng khi đi xe máy cho đến khi có quy định đội nón bảo hiểm. Cái nón nỉ thanh lịch hầu như biến mất hoàn toàn, trừ trong vài bộ phim, vở kịch diễn tả lại một thời xa xưa, thanh lịch và sống chậm. 

Phạm Công Luận









 




 

Không có nhận xét nào:

CHÀO MỪNG QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU SÓC TRĂNG THAM QUAN, ỦNG HỘ HOANGDIEUTRUONGXUASAIGON.BLOGSPOT.COM. CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM NHIỀU SỨC KHỎE, THÀNH CÔNG TRONG CÔNG VIỆC.