.

.

a

Hoa đào nở, chim én về, mùa xuân lại đến. Chúc quý thầy cô và anh chị em đồng môn năm mới Giáp Thìn : - nghìn sự như ý, vạn sự như mơ, triệu sự bất ngờ, tỷ lần hạnh phúc.
THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ, ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU - MỘT NĂM MỚI AN KHANG THỊNH VƯỢNG - VẠN SỰ NHƯ Ý

10 tháng 4 2023

Ăn Năn: Vợ chồng tôi sắp ly hôn & Hãy bế em ra khỏi cuộc đời anh!

 


Nhưng khi kinh tế đã đủ đầy thì tình yêu cũng thay đổi... Thực ra là do tôi đã nguôi dần cảm xúc với vợ. Tôi ngoại tình và tự thấy cuộc sống hôn nhân quá tẻ nhạt. Sống chung thực ra chỉ làm vợ tôi thêm đau khổ, vậy nên tôi nghĩ ly hôn là giải pháp. Vợ tôi ngày xưa rất cá tính, cô ấy tất nhiên không chịu, nhưng sự im lặng kéo dài cũng khiến cô ấy ngột ngạt. Phụ nữ thực ra không giỏi chịu đựng như người ta tưởng, nhất là về phương diện tình cảm, nếu không níu được họ vẫn biết sẵn sàng buông....


Hôm qua nhà bên vợ có đám giỗ, vợ bảo nhà năm này không làm cỗ, chỉ bày chút hoa quả cúng tổ tiên thôi. Anh về cũng được, nếu bận thì thôi. Vợ nói thì nói vậy, tôi tự thấy vẫn nên về.


Bố mẹ vợ đón tôi vẫn bằng nụ cười như mọi khi nhưng có vẻ hơi khách khí. Có lẽ vì biết chúng tôi sắp chia tay nên họ đón tôi như khách, không cho tôi động tay động chân việc gì. Mẹ vợ nhìn tôi lạnh nhạt, còn bố vợ đối với tôi vẫn thân tình niềm nở. Bố vợ tôi là người ít nói. Từ ngày làm rể ông, chưa bao giờ tôi thấy ông can thiệp vào chuyện gia đình con cái.



Nhưng lần này có vẻ như ông muốn nói. Ông bảo: Từ trước giờ bố vẫn đối với tôi như hai người đàn ông với nhau. Nhưng hôm nay bố muốn nói chuyện với tôi là tư cách bố vợ.


Giọng ông chậm rãi, đều đều, nhỏ đủ để tôi nghe.


Ngày xưa hồi cái Bống nó yêu con, bố mẹ không đồng ý. Bố mẹ chỉ có mình nó là con, bao yêu thương chăm sóc dồn cho nó cả. Tính nó từ bé đã ương bướng vì được bố mẹ nuông chiêu, cưng như hoa như trứng. Bố vẫn nghĩ nó lớn lên trong đủ đầy sẽ không thể nào chịu được khốn khó. Ngày nó nói yêu con và muốn lấy con, bố đã cản ngăn, không phải vì chê con mà vì sợ con gái bố nông nổi. Nó quen ăn sung mặc sướng, con thì thiếu thốn khổ nghèo. Nó vốn quen đón đưa, con thì một mái nhà để ở cũng không có. Nó yêu con, tưởng tình yêu là vĩ đại lắm, tưởng phong ba gì cũng vượt được, nhưng khi đối mặt với thực tại cơm tiền có chịu nổi không? Bố chỉ sợ nó lấy con rồi, được dăm bữa nửa tháng sẽ chạy về nhà than rằng con không quen chịu khổ, như vậy sẽ rất thiệt thòi cho con. Dù vậy nó vẫn kiên quyết lấy, nó khóc lóc suốt ngày, nó quỳ lạy van xin. Làm cha mẹ, không thể thấy con mình yêu sống yêu chết mà nỡ can ngăn.



Thôi thì nó lớn rồi, tự làm tự chịu. Các con về với nhau, nhà phải đi thuê. Ba lần bảy lượt bố nói các con về sống chung, nó bảo không về. Nó không muốn con cảm thấy xấu hổ vì cậy nhờ nhà vợ, ăn không dám ăn, nói không dám nói. Rồi trong lúc khốn khó, con tập tành kinh doanh. Nó cũng nghỉ việc nhà nước hỗ trợ con. Nó mang bầu trong thời gian làm ăn nhiều thất bại. Đôi bận nó về nhà, người lả đi vì suy nhược, nhưng nó giấu con, không muốn con nghĩ ngợi mông lung. Cuối cùng thì có công trồng cây cũng đến ngày hái quả. Các con dần có của ăn của để. Đứa trước lớn lên, đứa sau ra đời. Bố mẹ nhìn vào, cảm thấy hạnh phúc vì con mình đã trưởng thành, cứng cáp. Lâu rồi nó về nhà, mấy lần trốn trong nhà tắm khóc. Mẹ con biết mới cố tra hỏi, nó bảo chồng con ngoại tình.




Nó bảo nó không khóc trước mặt chồng, không muốn tỏ ra yếu đuối. Bố cũng không ngờ đứa con gái cá tính và bướng bỉnh ngày xưa nay lại trở nên yếu mềm như vậy. Từ bé tới lớn, người có thể làm nó khóc cũng chỉ có con. Người ta nói:


- Khó khăn th thách lòng chung thy ca đàn bà.
- Giàu có th
 thách lòng chung thy ca đàn ông.



Khó khăn không làm lung lạc ý chí và tình yêu của vợ con, nhưng tiền bạc đã làm con thay đổi. Bố không biết rốt cuộc là con gái bố đã làm sai điều gì với con, nó không biết ăn ở hay đối nhân xử thế tệ bạc? Nó ăn chơi trác táng hay bỏ bê chồng con? Là nó không tốt ở chỗ nào, hay chỉ vì đơn giản là con khát thèm sự mới mẻ? Con nhìn xem, người phụ nữ đầu ấp tay gối với con 16 năm qua. 16 năm tuổi thanh xuân đẹp nhất cuộc đời nó dành để cùng con mưu sinh bươn chải. 16 năm nó bận bịu cho chồng cho con đến quên cả đòi hỏi.


Giờ đến khi kinh tế đủ đầy rồi thì lại đối diện với cảnh chia ly.


Người phụ nữ đã vì con mà từ bỏ đầy đủ ấm êm. Vì con mà cam tâm chịu khổ. Vì con mà mạnh mẽ, cũng vì con mà yếu đuối.



Cuối cùng con lại làm khổ nó chỉ vì một người phụ nữ chưa một ngày vì con mà hao tâm tổn sức. Người phụ nữ con đang yêu hiện tại, bố nghĩ nó chẳng có gì hơn vợ con, ngoại trừ tuổi trẻ. Tuổi trẻ vợ con cũng đã từng có, nhưng nó đã dành hết cho con rồi. Tiền bạc mà người phụ nữ kia đang được hưởng từ con, cũng có một phần mồ hôi và nước mắt của vợ con trong đó.


Là đàn ông bố biết, bản năng chinh phục ẩn giấu trong mỗi người. Nhiều khi chúng ta nhìn con mồi nằm gọn trong hang của mình rồi thì thèm khát những con mồi đang tung tăng ngoài kia. Ta thường đứng bên này đồi rồi ngó sang bên kia đồi xuýt xoa “ở bên kia cỏ sao mà xanh thế”. Thực tế thì đứng núi này chắc chắn sẽ thấy núi khác cao hơn. Bố không muốn trách móc con. Nhưng bố là bố thì cũng như con đối với con của mình.

 


Làm bố, không thể thấy con mình khổ đau mà làm ngơ, không thể thấy con mình chịu ấm ức mà không lên tiếng. Làm bố của một cô con gái, ngay cả khi thấy nó cười vẫn cảm thấy bất an...


Chưa bao giờ tôi thấy bố vợ tôi nói nhiều như hôm nay, cũng chưa bao giờ ông uống rượu nhiều như vậy. Cả buổi tôi không nói một lời nào, chỉ sợ mỗi câu mình nói ra sẽ trở nên vô duyên vô dụng.


Vợ tôi từ đâu chạy ra, giật chén rượu trên tay bố:

 


Bố ạ, bố đừng uống nữa, đừng nói những chuyện vô nghĩa như thế nữa. Con đã giữ đúng lời hứa với bố ngày xưa "Dù khổ cực đến đâu cũng không phụ bỏ anh ấy". Bố xem con gái bố mạnh mẽ thế này, con có khóc đâu mà bố lại khóc!


Trong giây phút ấy nghe lời kể của ông, bao nhiêu ký ức hiện về trong trí nhớ như một cuộn phim quay chậm lại từng chi tiết. Người ta vẫn thường nói “khi bình yên, người ta thường quên đi những lời thề trong giông bão”, quả không sai.


Dù sao thì ngày mai tôi vẫn phải đến tòa án...




NỖI LÒNG CỦA CỤ ÔNG VIỆT KIỀU VỚI BỮA ĂN MỘT MÌNH



Hiện nay tôi đang sống với gia đình cô con gái út. Cháu có một gái đã trưởng thành sống ở tiểu bang khác và một cháu trai đang học năm cuối của trung học. Chồng cháu thỉnh thoảng phải đi làm xa. Hai vợ chồng tôi đã đến tuổi già gần đất xa trời, nên thời khắc biểu của những thành viên trong gia đình rất khác nhau, nên ít khi chúng tôi ngồi lại cạnh nhau cùng ăn chung một bữa cơm.


Buổi sáng thức dậy trễ, thì con cái đã đi làm, cháu đã đến trường, vợ thì luẩn quẩn ở sau khu vườn nhỏ, đành ngồi ăn sáng một mình. Buổi tối, thấy cơm canh đã sẵn sàng nhưng chưa thấy ai sẵn sàng cùng ăn với mình. Gọi vợ thì vợ bảo:

-“Ông cứ ăn đi, tôi mới ăn củ khoai, còn ngang bụng!” Gọi con thì con thưa: “Ba cứ dùng cơm đi, con đang bận tay!” Ðứa cháu thì khi hiện khi biến, chẳng mấy khi gặp mặt, có khi ăn ở trong bếp hay đem phần ăn lên phòng riêng để có sự tự do một mình.


Tôi muốn có những bữa ăn đông người, vui vẻ, có tiếng cười nói rộn ràng, nhưng thường là phải ăn những bữa ăn một mình. Bữa ăn một mình thì đâu cần đến mâm bàn dọn ra ngay ngắn, tươm tất, mà sao cũng cho xong một bữa ăn. Một tô cơm trộn thức ăn, và một cái muỗng, ngồi trước máy computer hay trước máy truyền hình. Bạn có nghĩ một bữa ăn như thế có dễ tiêu hoá, có lợi cho sức khoẻ hay không? Và một bữa ăn như thế có buồn không?


Tôi không bao giờ quên được những bữa ăn gia đình thời thơ ấu. Tất cả mọi người trong gia đình đều chờ nhau vào mâm cơm một lượt, dù là buổi sáng giờ trưa hay bữa chiều tối. Bữa cơm có cả ông bà nội, cha mẹ, cả anh chị cùng mấy đứa em nhỏ, kể cả thành viên nhỏ bé của đại gia đình là con mèo vàng luẩn quẩn chờ miếng ăn trong lòng bà nội tôi.


Rồi thời gian qua đi, kẻ còn, người mất, gia đình mỗi người một nơi. Tôi lớn lên, tạo lập một gia đình nhỏ, có những bữa ăn sum họp gia đình, nhưng không quên được những người đã đi xa, không còn hiện diện trên cuộc đời này nữa.

Rồi chiến tranh, tù đày, xô đẩy con người mỗi người đi mỗi hướng. Trong một trại tù nào đó, trên cái chõng tre tập thể, hay bữa trưa ngoài bìa rừng, tôi ngồi dùng đũa đếm những hạt ngô bung, xót xa nhớ đến những bữa cơm gia đình. Khi tôi từ nhà tù trở về, thì bữa cơm không còn là bữa cơm nữa. Con tản mát, vợ chạy gạo mỗi ngày, nồi cơm lạnh lẽo trên bếp, ai thấy thì ăn. 

Ra hải ngoại, thì cái văn hoá “bữa cơm gia đình” cũng đã mờ nhạt. Ly cà phê bữa sáng trên xe, cái hamburger cùng ly coke vào giờ lunch và những buổi tối về nhà trong giờ giấc trước sau không đồng nhất. Phải chờ đến những ngày Lễ Tết, sinh nhật, cha con, anh chị em họa hoằn mới có dịp ngồi lại trong những bữa tiệc cuối tuần.


Các bạn còn trẻ có lẽ chưa cảm nhận được nỗi buồn khi phải ngồi ăn một mình. Thức ăn có ngon đến đâu, bổ dưỡng đến đâu mà không “dịch vị” của tiếng cười, niềm vui, chỉ còn “gia vị” của cô đơn, buồn nản, thì bữa ăn ấy chỉ còn là bổn phận ăn để sống. Chính các vị y sĩ cũng đã khuyên người già “ăn uống phải có bạn, nên ăn chung với gia đình hay con cháu. Về phần con cháu, cũng không nên để cho cha mẹ mình ăn uống trong cô đơn buồn tẻ, vì khi ăn một mình, sẽ kém vui, và ăn ít đi, không tốt cho sức khoẻ. Sự cô đơn sẽ làm miếng ăn thêm cay đắng.”

Rõ ràng là tâm lý đã tác dụng vào sinh lý. Dù đau yếu, suy kiệt, mòn mỏi nhưng tôi vẫn nghĩ rằng những người sống chung với con cháu, hay còn vợ chồng có khả năng sống lâu hơn là những ông bà cụ già hiện đang sống một mình trong những căn phòng lạnh lẽo của những căn “nursing home.”


Trong nhà dưỡng hưu, tôi đã thấy những bữa cơm gọn gàng trong những cái khay nhỏ do nhà bếp đưa đến tận giường, để cả giờ nguội lạnh mà các ông bà vẫn chưa muốn ăn. Tôi đã đến thăm nhà thơ Nguyễn Chí Thiện lẻ loi trong căn nhà già ở Santa Ana lúc ông chưa vào bệnh viện. Lúc ấy vào buổi xế trưa, mà từ sáng đến giờ, nồi cơm điện còn nguyên chưa được xới ra trên bếp, thức ăn còn để lạnh ngắt trong tủ lạnh. Ông thú nhận là ông không muốn ăn, mà chỉ ăn vì “nghĩa vụ,” một nghĩa vụ nặng nề! Chung quy cũng vì nỗi buồn cô đơn, thui thủi một mình.


Keith Ferrazzi, tác giả cuốn sách “Ðừng bao giờ đi ăn một mình (Never eat alone) không nói về sự cô đơn mà nói về sự giao tiếp đưa đến sự thành công và hạnh phúc cho cuộc sống. Chúng ta không bàn đến chuyện “ăn một mình” theo lối này.

Ðã đi hết một chặng đường dài, đã lo toan cho mọi thứ, nhưng cuối cùng tuổi già cô độc bên mâm cơm, lặng lẽ một mình. Những bậc cha mẹ già không mong con tặng quà, phải chi con ghé nhà thăm, ngồi ăn với cha hay mẹ một bữa cơm, nói cười như thuở ấu thơ.





Thư của bồ gửi cho vợ
Thưa bà! Dù chúng ta có vô cùng xung khắc, chúng ta vẫn phải nhất trí một điểm: Chồng bà là đàn ông. Mà đàn ông thì sao? Ðàn ông thì ham thích nhiều thứ. Ham thích đến mãnh liệt. Và, bà đừng dấu em, bà hãy công nhận rằng, phụ nữ chúng ta yêu đàn ông vì họ ham thích và biết cách thực hiện nó. Ông thì thích máy móc, ông thì thích kiến trúc, ông thích vật lý và hóa học, ông dại hơn một chút thích thơ văn. Toàn những ham thích có lợi cho xã hội. Nhưng đàn ông không chỉ ham thích một thứ. Nếu gà chỉ thích giun, bò chỉ thích cỏ tươi hay thỏ chỉ thích củ cải thì đàn ông lại thích đa dạng. Chuyện ấy trong đá bóng, trong ẩm thực, trong bia bọt không sao, nhưng trong vấn đề phụ nữ, tính đa dạng của nó làm cuộc sống thêm rắc rối.
Bà thân mến, Em tin rằng, bà có rất nhiều ưu điểm. Sở dĩ em quen với ông là do ông ấy thông minh chứ không phải chỉ có tiền như thiên hạ vẫn đồn. Và, một người thông minh không khi nào chọn vợ quá kém. Thậm chí, bà không quá kém, bà còn rất nổi bật ở nhiều phương diện.
Theo như ông tiết lộ một cách đầy thành kính, bà nấu ăn ngon, bà rửa bát sạch, bà lau nhà bóng và bà đi chợ rẻ. Bà còn đối xử tốt với chó, mèo. Em xin thú thực, tất cả các phương diện đó, em đều thua bà. Khi em nấu món canh, ai cũng nghĩ là món xào. Khi em rửa bát, tốt nhất lúc dùng nên rửa lại. Khi em lau nhà hay quét nhà, em để cái đống rác chỗ nọ chỗ kia. Chợ duy nhất em đi là chợ mỹ phẩm. Còn chó mèo, em chỉ nuôi chúng trong tranh. Nhưng ông vẫn thích em. Tiện đây xin tiết lộ: thời gian thích không hề ngắn, cường độ thích không hề yếu và chi phí thích không hề thấp. Bà kinh ngạc. Bà không tin ư? Bà nhớ rõ ông vẫn về nhà, vẫn ăn cơm tối, vẫn lịch sự với bà. Bà cảm giác chả có khe hở nào để em lọt vô cái pháo đài do bà xây dựng, canh gác và tuần tra.
Bà nhầm. Em xin phép không đi vào chi tiết. Em chỉ nói một cách văn học rằng, không có gì ngăn cản được con tim. Nhất là một con tim già lao về một con tim trẻ. Như trên đã nói, em thua bà về một tỷ thứ. Ðúng một tỷ thứ, chả bớt phần nào. Nhưng, em lại hơn bà hai tỷ. Bà sẽ gầm lên. Bà sẽ quát: hơn ở chỗ nào?
Thưa bà, những thứ em hơn lại vô cùng vớ vẩn. Em thành thật tin thế. Nhưng đàn ông, tiếc thay, lại không tin. Em biết chớp chớp mắt. Em biết ngồi gần ông mà lại vẹo người. Em biết đánh vào lưng ông, hay đánh ở chỗ thấp hơn, vừa đánh vừa cong môi nhìn đi chỗ khác. Em biết hét lên khi thấy con sâu và ù té chạy khi gặp con thằn lằn.
Cái gì em cũng ngạc nhiên và nhờ ông giải thích. Em tin ông là vô địch về trí thức, về thể thao, và luôn thể hiện lòng tin ấy ra mồm. Mỗi lời nói của ông, với em, đều là chân lý. Em khâm phục khi ông uống bia. Em kiêu hãnh lúc ông châm thuốc lá. Em ngồi nép mình khi ông tụ tập. Em lo lắng nhưng chẳng bao giờ tra hỏi lúc ông đi khuya. Và, quan trọng nhất, thưa bà, da em trắng, eo em nhỏ, môi em đỏ và chân em chả khác chân dài. Em mặc váy hồng, em thắt nơ xanh và em dùng dầu thơm của Pháp. Nước Pháp chắc bà cũng biết, họ vô địch về các loại dầu thơm.
Khi ở bên ông, em không ngốc và không tham lam như các phim truyền hình quay vội vàng mà bà vẫn xem đâu ạ. Chúng em không hề bàn về tiền bạc. Hai người đều mơ tới ánh trăng, tới những khát vọng chưa thực hiện và đều thích nhìn sao trên trời. Hai người có thể xung đột vì một bài thơ, giận dỗi vì một bức tranh và bỏ ra về vì một bông hoa bày không đúng cách (trong khi ông và bà giận dỗi vì một mâm cơm, cãi nhau vì hoá đơn tiền điện và ra khỏi nhà vì chậu quần áo chưa phơi).
Thưa bà, Ðấy, em tới ông, ông tới em là như thế đấy. Nó thanh cao thì em không dám nói, nhưng nó cũng chẳng phàm tục như sách vụ án viết đâu. Em xin bà hãy mừng vì điều đó. Tuy ông phạm tội nhưng tội ấy còn sang. Bà hãy tự an ủi như thế. Tại sao em viết thư này? Tại vì em xin trả lại ông cho bà. Chúng em nhất trí cái gì đẹp thì phải ngắn và chúng em đã ngắn đủ dài. Toàn bộ sự tinh tế của tình yêu nằm ở chỗ này, và bà không biết được. Xin bà hãy dang tay đón ông về. Em lấy danh dự thề rằng, ông không sứt mẻ quá nhiều, đơn giản vì ông có còn nhiều đâu mà sứt mẻ. Bà hãy coi ông như vừa sau chuyến du lịch mạo hiểm trở lại nhà. Cần chở che và sẵn sàng che chở. Em đi đây. Cuộc sống là khám phá và em thích khám phá nhiều nơi. Bà đừng trách em. Bà cũng đừng tự trách mình. Khi em bằng tuổi bà, em cũng chả hơn gì bà đâu. Chúc bà vui khoẻ.

❤️Thư của bà vợ gửi cho bồ của chồng.
Thưa cô. Tôi đã đọc thư cô một cách bình tĩnh. Đúng như cô nói, ở tuổi tôi và địa vị tôi, sự bình tĩnh luôn luôn có thừa. Này cô. Việc chồng có bồ nhí khiến tôi ngạc nhiên. Đó là cảm giác đầu tiên, và thành thật với cô, nó hơn cả cảm giác căm phẫn.
Vì sao vậy?
Thưa cô, vì tôi tin chắc rằng lão (hãy gọi sự vật với đúng tên và đúng tuổi của chúng cô nhỉ) đã đuối sức rồi, nói một cách chắc chắn, một cách không có gì phải bàn cãi cả. Khi viết thư cho tôi, cô có vẻ tự đắc pha chút hả hê. Cô cảm thấy mình giật đuợc từ tay bà khác một mỏ vàng, và mình có những phẩm chất rất khác thường nên mới gặp may như thế.
Cô nhầm thảm hại quá cô ơi! Quả thật lão là cái mỏ. Hay nói chính xác hơn, đã từng là mỏ. Điều ấy cách đây ba mươi năm về trước, cả thành phố đều phải công nhận chứ đâu cần một cô gái có trí tuệ siêu việt gì. Nhưng trên, trong và dưới cái mỏ ấy, tôi đã đào, đã cuốc, đã nổ mìn, khai thác rầm rộ, quy mô mấy chục năm. Và giờ đây, mỏ chỉ còn khung, còn lại sự hoang tàn. Chỉ có đôi mắt ngốc của cô, chỉ có cặp môi dại của cô và chỉ có tí não khờ dại của cô mới không nhận ra điều đó. Cô vớ được lão, khi tôi trong một chừng mực nào đó, đã mặc cho lão tự do. Cho lão có cảm giác sổng chuồng. Đàn ông sống bằng ảo tưởng cô ạ, và nuôi dưỡng cái ảo tưởng đó một cách khéo léo là nhiệm vụ của phụ nữ chúng ta.

❤️Thư của ông chồng gửi cho vợ và bồ nhí
Hai bà thân mến! Tôi đã đọc thư của bà nọ gửi cho bà kia. Tại sao tôi đọc được ư? Tại vì khi các bà cả đời theo dõi tôi, rình rập tôi, chả lẽ không có phút nào tôi theo dõi lại. Đọc xong hai bức thư, tôi hơi buồn. Dù cố tỏ ra lịch sự, để xứng đáng với bản thân mình và xứng đáng với tôi, nhưng các bà vẫn vênh váo và công kích lẫn nhau. Bà nọ coi thường bà kia, cho bà kia là nạn nhân của mình.
Thưa các bà; Có một điều chắc chắn hai bà không chịu hiểu: chính tôi mới là nạn nhân của hai bà. Cả thể giới biết điều đó. Cả nhân loại tiến bộ lên án điều đó. Ai, nếu không phải hai bà, chỉ sau mười mấy năm, đã biến một chàng trai khỏe mạnh, đầy nhiệt tình, đầy sức sống như tôi thành một ông tuy chưa già (còn lâu tôi mới già) nhưng gầy yếu, còm nhom, sợ sệt? Ai, nếu không phải hai bà, có lúc từng người một, ngày đêm tra khảo tôi, ép uổng tôi, vùi dập tôi?
Trong công cuộc tàn phá đời tôi, hai bà có rất nhiều điểm chung: cùng nấu ăn dở, cùng mua cho tôi những chai bia dở và cùng bắt tôi đi coi những bộ phim dở. Nhưng hai bà, mỗi người đều có những đặc điểm riêng ghê rợn. Bà đầu tiên thích xuất hiện trong nhà với bộ đồ nhàu nát, với tóc rối bù cùng với đôi dép chiếc nọ chiếc kia. Bà sau này xuất hiện nơi công cộng với quần soóc chật căng, với áo thủng ở lưng cùng với mắt xanh viền đỏ. Cả hai thứ ấy đều giết tôi, đều nện tôi chí tử về mặt tinh thần.
Nếu bà thứ nhất sểnh ra lại chạy tót sang hàng xóm, nghe thiên hạ kể về chồng thiên hạ, sau đó tự khai báo về chồng mình, thì bà thứ hai sểnh mắt ra là phóng thẳng tới quán cà phê, nghe thứ nhạc cả thiên hạ nghe tuy chả đứa nào hiểu được câu nào.
Nếu bà thứ nhất đay nghiến tôi bao giờ về thì bà thứ hai hỏi tôi bao giờ đi. Nếu bà thứ nhất kêu rằng tiền điện, tiền ga đã tăng thì bà thứ hai than son môi và phấn hồng sao không giảm giá. Nếu bà thứ nhất khảo tôi về tiền lương thì bà thứ hai khảo tôi về quà tặng.
Cả hai bà, trong một phạm vi nào đó, đều lái tôi và đối xử với tôi như thể tôi là giám đốc nhà băng. Cho nên không lạ gì, cho tới tận phút này, nhiều lúc tôi ngạc nhiên là mình còn sống. Hoặc mình chưa ngồi trên chiếc xe lăn. Nhưng tôi cảm thấy rất rõ ràng, cái giờ phút đó cũng chả còn xa nữa.
Đọc tới đây, chắc hai bà sẽ hỏi: Khổ như vậy sao ông (bà thứ nhất gọi ông) và sao anh (bà thứ hai kêu anh) vẫn đèo bòng?
Khổ quá. Câu hỏi đó, chính tôi cũng thường tự hỏi mình. Và tôi cũng mang ra hỏi bạn bè tôi, tức mấy gã đàn ông khác. Số phận của chúng cũng chả hơn gì. Và bọn tôi đành kết luận thế này: cái kiếp đàn ông nó thế!
Nhân đây cũng nói luôn, kiếp đàn ông thật ra là kiếp vô cùng khổ cực. Nhiều khi chả khác nào con ngựa, con trâu (chẳng hề được như con dê mà dân gian vẫn nói). Đàn ông sinh ra là để đàn bà lợi dụng, bóc lột (đôi khi bóc lột còn thô bạo hơn cả cướp bóc), đè nén và hành hạ. Đàn ông sinh ra là để đàn bà sai đi mua đồ, sai lái xe, sai trả tiền, sai đón con, sai luôn cả việc đi ngủ.
Trong cái bể khổ mênh mông, bao la đó, sự khổ vì bồ nhí cũng chả nổi bật bao nhiêu. Nó chỉ được gom chung vào nỗi khổ vì các bà. Đã là các bà thì một bà, hai bà hoặc ba bà cũng thế thôi!
Hai bà thân mến, Giờ đây tôi đã tỉnh ra rồi. Tôi xin hai bà tha cho. Tôi không còn sức nữa. Kể từ giờ phút này tôi là một gã trai vô hại. Từ bỏ mọi mưu mô. Tôi ăn cơm nhà, tôi ngủ giường nhà. Tôi nuôi một vài con chim, mua vài hòn non bộ, sắm mấy giò phong lan. Tôi mở tivi xem tiết mục Thầy thuốc gia đình. Tóm lại, tôi hoàn lương toàn diện.

Hai bà đừng xỉa xói nhau nữa. Đừng so bì nhau nữa. Tôi đã đầu hàng. Tôi đứng giữa hai phe. Tôi xin ngừng bắn. Bà nào định đi đâu, cứ đi. Bà nào đang ở đâu, cứ ở. Tôi cũng thế. Tôi xin một phút bình yên. Tha cho tôi đi nhé.

Diệu Lê /Sưu tầm



 



Không có nhận xét nào:

CHÀO MỪNG QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU SÓC TRĂNG THAM QUAN, ỦNG HỘ HOANGDIEUTRUONGXUASAIGON.BLOGSPOT.COM. CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM NHIỀU SỨC KHỎE, THÀNH CÔNG TRONG CÔNG VIỆC.