.

.

a

Hoa đào nở, chim én về, mùa xuân lại đến. Chúc quý thầy cô và anh chị em đồng môn năm mới Giáp Thìn : - nghìn sự như ý, vạn sự như mơ, triệu sự bất ngờ, tỷ lần hạnh phúc.
THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ, ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU - MỘT NĂM MỚI AN KHANG THỊNH VƯỢNG - VẠN SỰ NHƯ Ý

08 tháng 4 2023

LỖI CHÍNH TẢ

 


Không biết vì sao mà bây giờ người viết sai chính tả nhiều quá. Có thể là ngày nay, mạng xã hội, Facebook phổ biến nên người ta viết nhiều, sử dụng nhiều nên mới lộ ra việc viết sai chính tả chăng ?
Cũng có thể nhà trường hiện nay không chú trọng việc dạy viết đúng chính tả cho học sinh ? Cũng có thể bây giờ người ta ít đọc sách, bởi đọc sách cũng là một cách rèn luyện viết chính tả cho đúng ? Mà cũng có thể thời hiện đại người ta phát âm sao thì viết ra vậy nên chữ nghĩa ngọng nghịu là lẽ đương nhiên ? Và cũng có thể vì tất cả những lý do ấy.
Chỉ cần lướt các bài viết và comment ở trên mạng, ta có thể tìm thấy vô vàn lỗi chính tả. Lỗi nhẹ thường thấy là sai hỏi ngã. Lỗi này thì quá phổ biến, đến độ người ta có thể bỏ qua. Cũng thường thấy là viết như người ngọng nói. Ngày trước, người Việt thường lấy giọng Hà Nội làm tiêu chuẩn, giọng Bắc là giọng chuẩn, điều ấy chưa hẳn đã đúng nhưng cũng tạm chấp nhận. Lúc đấy người nói chớt, nói ngọng theo cách nói của địa phương thường là người già, là nông dân. Người có chút học vấn sẽ tránh nói theo kiểu ấy. Nhưng bây giờ thì khác rồi, người Bắc nói chớt, nói ngọng nhiều quá và đem cái chớt, cái ngọng ấy vào bài viết, nói sao viết vậy.
Trân trọng viết là chân chọng. Trả treo viết là chả cheo. Cho nên viết là cho lên. Lịch sử viết là lịch xử… nhiều lắm kể không hết. Cứ tưởng người ít học thì viết sai nhiều lỗi chính tả, nhưng không phải thế. Học sinh cấp 3, sinh viên Đại học cho đến giáo viên, Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ cũng viết sai chính tả tùm lum. Các nhà lãnh đạo cũng mắc không ít lỗi chính tả khi viết. Ngay đến giáo viên dạy môn Văn trong các trường học cũng viết sai chính tả. Nhà văn, nhà thơ, nhà báo cũng đầy lỗi chính tả.
Ngày xưa, sách, báo là nơi để người ta tìm thấy sự chính xác trong câu văn, trong từ ngữ sử dụng và cũng là nơi tin cậy về chính tả. Ngày nay không còn thế nữa, sách đầy lỗi, báo viết sai tè le, ngay cả sách giáo khoa dạy cho trẻ con của một ông Giáo sư Tiến sĩ tự vỗ ngực là người có trình độ cao nhất thế giới cũng viết con dơi thành con rơi. Đành thua.
Một bài văn hay, một bài báo tốt, một câu comment thú vị mà nhiều lỗi chính tả thì bài văn ấy, câu comment ấy giảm biết bao giá trị. Nhiều khi cứ tự nghĩ không biết giờ trong nhà trường ở môn Tiếng Việt, môn Văn học, người ta dạy học trò những gì nhỉ ? Còn nhớ cách đây hơn 60 năm, thời tôi còn là cậu bé con đi học tiểu học môn dictée tức chính tả là môn học quan trọng, thầy cô rất chú trọng môn này và dần cho nát xương đứa nào viết sai nhiều lỗi cho nên trò nào cũng cố gắng Une dictée sans fautes, một bài chính tả không có lỗi. Có lẽ nhờ thế mà thế hệ chúng tôi viết bài ít lỗi hơn bây giờ chăng? Tuy vậy, giờ có tuổi, lẩn thẩn rổi, trong khi viết mà gặp một từ nào hơi hồ nghi, tôi liền tra tự điển hoặc vào Google đánh chữ đấy tìm xem để có sự chính xác. Tôi nghĩ viết cho đúng chính tả cũng không khó. Nếu để ý trong lúc viết, kiên trì rèn luyện thì việc viết sai chính tả sẽ vượt qua được thôi.
Cứ đà này, chữ Việt thành một mớ hỗn độn của người bệnh ngọng. Đôi lúc cứ đọc thấy lỗi, lòng lại buồn và lo cho thế hệ sau .
ĐỖ DUY NGỌC

Thảm Họa sử dụng từ “Văn Hóa” ở trong nước

Hiện nay ở trong nước, hai chữ “văn hóa” được dùng tràn lan, sai nghĩa và trở nên dị hợm khi nói: văn hóa nói dối, văn hóa tham nhũng, văn hóa đi trễ, văn hóa chen lấn, văn hóa chửi thề, văn hóa ỉa bậy, văn hóa phong bì, nền văn hóa giao thông. Hai chữ “văn hóa” ở đây được dùng với ý xấu, ám chỉ cái gì đã trở thành cố tật thấm sâu vào não trạng và không sao thay đổi được nữa và được cả xã hội chấp thuận và làm theo. Trong khi “văn hóa” biểu tượng cho cái gì tốt đẹp đã được gạn lọc theo thời gian và là niềm hãnh diện vì là đặc trưng của một quốc gia.
Theo từ điển Anh, “culture” ngoài nghĩa “văn hóa” còn có nghĩa khác như sau: “The set of predominating attitudes and behavior that characterize a group or organization.” Theo định nghĩa này thì “culture” có nghĩa là: Lề thói, cách cư xử, trào lưu, phổ biến, một căn bệnh, cố tật…của một tập thể, một tổ chức, một nhóm người nào đó chứ không chung cho cả một dân tộc.
Xin nhớ cho, văn hóa là đặc trưng, thường là tốt đẹp cho cả một dân tộc. Do đó, khi phê phán người nào cư xử, hành động nói năng thô tục, khiếm nhã, thiếu lịch sự, ăn mặc hở hang… chúng ta nói, “Đây là hành động thiếu văn hóa”, tức văn hóa là biểu tượng cho mẫu mực và tốt đẹp chung. Chẳng hạn, “Việt Nam có một nền văn hóa cổ kính”. “Hoa Kỳ có một nền văn hóa đa dạng”.
Văn hóa là một tổng hợp bao gồm rất nhiều lãnh vực của xã hội như: Hội hè, nghi lễ, nghi thức, cách ăn mặc, cách nói năng, cách cư xử trong gia đình, ngoài xã hội…chẳng hạn như: văn hóa Trung Hoa, văn hóa Mỹ, văn hóa Việt Nam…qua đó chúng ta thấy sự khác biệt về lối sống giữa các quốc gia. Chẳng hạn thờ cúng tổ tiên là nét văn hóa lớn của người Việt chúng ta. Hoặc, các cụ ngày xưa gặp nhau đều chắp tay vái chào, đó là một nét văn hóa cổ kính của Việt Nam. Hoặc, Hội Lim hằng năm để trai gái hát Quan Họ, hát đúm là nét văn hóa trữ tình của làng quê Việt Nam.
Do đó không thể dùng từ ngữ “văn hóa” để diễn tả một thói hư, tật xấu, một trào lưu của một số người chứ không phải của cả dân tộc, chẳng hạn như:“Văn hóa ứng xử” mà phải nói, “cách cư xử” sao cho lễ độ, lịch sự, phải phép v.v..“văn hóa xếp hàng” mà phải nói “thói quen xếp hàng” hoặc “ tự trọng khi xếp hàng”. “văn hóa đi trễ” mà phải nói, “thói quen đi trễ”, “bệnh đi trễ”.“văn hóa chửi thề” mà phải nói, “bệnh chửi thề”, “tật chửi thề” Thí dụ: Thằng cha/con mụ đó có tật hễ mở miệng ra là chửi thề.
Do đó không thể nói, “Thằng cha/con mụ đó có văn hóa chửi thề” Nếu đã có văn hóa thì làm sao có thể chửi thề? “văn hóa phong bỉ” mà phải nói “trào lưu, phổ biến”. Thí dụ: “Bác sĩ nhận phong bì của bệnh nhân đã trở thành một trào lưu không biết ngượng/phổ biến của giới bác sĩ Việt Nam bây giờ.” Do đó không thể nói, “Ông/bà bác sĩ đó có văn hóa nhận phong bì.” Mà phải nói “Ông/bà bác sĩ đó không biết xấu hổ khi nhận tiền biếu của bệnh nhân.”“văn hóa phóng uế”mà phải nói “ thói quen phóng uế, xả rác. Thí dụ: “Xả rác và phóng uế là thói quen bất trị của người Việt Nam bây giờ.” hoặc, “Hút thuốc xong liền quăng tàn thuốc lá xuống đất là thói quen đã thấm vào não trạng/vào máu của người Việt Nam.”
Do đó không thể nói “Thằng cha đó có văn hóa đái bậy/ỉa bậy”. Bởi vì nếu có văn hóa thì đâu có đái bậy, ỉa bậy. “văn hóa nói dối” mà phải nói, “thói quen nói dối, cố tật nói dối”. “bệnh nói dối”. Chúng ta không thể nói, “Thằng cha, con mụ đó có văn hóa nói dối.” mà phải nói, “Thằng cha, con mụ đó có bệnh nói dối”. “văn hóa đi máy bay” mà phải nói, “những điều nên làm và không nên làm khi đi máy bay”. Ngoài ra cũng không thể nói, “văn hóa ẩm thực” mà chỉ là “cách ăn uống, thói quen ăn uống, tập tục ăn uống”.“văn hóa khinh bỉ”.
Thật tình tôi không hiểu người sáng chế ra chữ này muốn nói gi? Đồng ý tham nhũng là vi phạm pháp và đáng khinh bỉ. Nhưng để “tận diệt” nạn tham nhũng, ngoài việc ngăn ngừa, trừng phạt còn phải xây dựng một lòng tự trọng là “biết khinh bỉ tham nhũng” tức xây dựng “lòng tự trọng” chứ tại sao lại sáng chế ra một từ ngữ quái đản như vậy?
“Nền văn hóa giao thông” mà là “thảm trạng giao thông tại Việt Nam”. Tại sao cứ dùng hai chữ “văn hóa” để gán ghép cho những thói hư tật xấu? Giả dụ ngày mai đây hệ thống giao thông công cộng được cải thiện, người dân bắt đầu có ý thức trách nhiệm và bảo vệ an toàn trên đường phố, lái xe có trật tự hơn thì cái gọi là “nền văn hóa giao thông” đó có còn tồn tại không?
Vậy đây chỉ là một thảm trạng nhất thời chứ không phải một nền văn hóa. Xin nhớ cho văn hóa là một tập tục, lề thói tốt đẹp của một dân tộc, tồn tại mãi với thời gian trong lòng cộng đồng dân tộc đó, chẳng hạn như thờ cúng tổ tiên là nét đặc thù của nền văn hóa Việt Nam.-Rồi “văn hóa online”. Làm gì có cái gọi là “văn hóa online”. Đây chỉ là một phương tiện, một trào lưu vào mạng lưới toàn cầu trên máy điện tử để theo dõi tin tức, thảo luận, có khi chửi bới nhau thậm tệ… chứ nó có phải là một nét “văn hóa” để nâng cao phẩm hạnh, tư cách, đạo đức của con người đâu.
Một người tối ngày vào các diễn đàn điện tử để tranh cãi chưa chắc đã là con người có tư cách và đạo đức.Mới đây nhất Ngày Hội Cà-Phê Ban Mê Thuột 2019 đã quảng cáo cái gọi là “văn hóa cà-phê”. Thật quái đản! Khi nói “văn hóa cà-phê” điều đó có nghĩa rằng việc uống cà-phê đã được lưu truyền từ đời Quốc Tổ Hùng Vương xuống con cháu bây giờ. Nhà nhà, từ rừng núi tới thành thị, hang cùng ngõ hẻm đều uống cà-phê. Nghệ thuật uống cà-phề đã được ghi lại trong thi ca, sử sách, đã trở thành một thứ “đạo” như “trà đạo” trong mọi gia đình Việt Nam.
Và trải qua 4000 năm, nó đã trở thành nề nếp văn hóa của dân tộc giống như tục lệ thờ cúng tổ tiên vậy. Kẻ nói như con vẹt này không biết rằng việc uống cà-phê chỉ có khi ông Tây mũi lõ đô hộ nước ta. Nó chỉ là một cái thú, một thị hiếu, một sở thích, một thói quen chứ chẳng liên quan gì tới văn hóa cả. Làm gì có cái gọi là “văn hóa cà-phê” trong kho tàng văn hóa Việt Nam?
Những kẻ buôn lậu, mánh mung, đâm cha chém chú, chơi bời lêu lổng… dù có ngồi uống cà-phê tại một nhà hàng sang trọng thì đâu có gì gọi là văn hóa? Uống cà-phê thì cũng giống như uống nước trà, nước chè tươi, nước vối…có gì ghê gớm đâu? Thế nhưng ngày Tết đi lễ chùa, thăm viếng thầy cô trong tinh thần “tôn sư trọng đạo” lại là một nét đẹp của văn hóa.
....
Đào Văn Bình (trong Tự Điển Tiếng Việt Đổi Đời)

Những câu chuyện đượm tình người vẫn luôn hiện hữu trong thế giới của chúng ta




Một hành động bất cẩn có thể gây bất hòa, một cư xử ác ý có thể làm hỏng cả cuộc đời ai đó. Thế nhưng, một cử chỉ yêu thương, dù rất nhỏ cũng đủ đem lại hạnh phúc đến cả người cho và người nhận. Có câu rằng: Cuộc đời sẽ dịu dàng hơn biết mấy, khi chúng ta biết đặt mình vào vị trí của nhau.


Câu chuyện thứ nhất

Cậu bé Souma (17 tuổi) bị mất ví tiền ngay trước khi mua vé máy bay để về quê tham dự tang lễ của người bác. Trong ví có 60 nghìn yên là số tiền cậu dự định để để mua vé máy bay. Cậu vô cùng hoảng loạn vì đó là số tiền rất lớn với một học sinh, lại lo lắng không thể tới kịp đám tang.

Một người đàn ông không quen biết thấy Souma ôm đầu buồn bã ngồi ở nhà ga đã đến hỏi thăm. Sau khi nghe cậu bé kể lại câu chuyện, ông đã đưa cho cậu 60 nghìn yên không chút chần chừ. Nhờ sự giúp đỡ của người đàn ông này mà cậu bé tội nghiệp đã kịp mua vé máy bay trở về quê.

Khi mọi chuyện đã thu xếp ổn thoả, Souma mới nhớ ra là khi nhận tiền của người đàn ông, vì quá vội vã nên cậu chỉ kịp nói tiếng cảm ơn rồi chạy đi mua vé máy bay ngay. Cậu thậm chí còn chưa kịp hỏi tên và cách liên lạc của người đàn ông đã giúp đỡ mình. Không còn cách nào khác, Souma đã nhờ trường học liên lạc với báo chí địa phương để tìm ân nhân. Cậu bé muốn trả lại số tiền mình đã vay và nói lời cảm ơn thêm một lần nữa.

Chỉ trong thời gian ngắn, cậu bé đã tìm được danh tính của người đàn ông tốt bụng. Ông là bác sĩ Kanoya Hiroshi (68 tuổi), là trưởng khoa đột quỵ-thần kinh tại bệnh viện Imusu Miyoshi tỉnh Saitama. Một người đồng nghiệp của ông sau khi đọc bài báo trên đã kể cho ông.

Ông Kanoya Hiroshi xúc động nói rằng:

– Thấy cháu ấy tìm tôi để cảm ơn, tôi cảm động đến phát khóc. Thật may mắn vì tôi đã tin tưởng cháu ấy.

Cậu bé Souma cũng vui mừng nói:

– Cháu vui quá, vui tới mức ngay lập tức muốn liên lạc cho ông. Giờ trong lòng cháu ngập tràn xúc động, nhớ lại lúc được ông giúp đỡ…

Mấy ngày trước, bác sĩ Kanoya Hiroshi kể cho một người quen nghe câu chuyện mình cho một cậu bé 60 nghìn yên, khi không hề biết bất cứ điều gì về cậu. Khi ấy người ta đã đã cười nói và nói với ông rằng “Ông bị lừa rồi đấy”. Nhưng cuối cùng vị bác sĩ tốt bụng đã chứng minh được: Ông đã tin tưởng và trao sự giúp đỡ cho đúng người.

Có lẽ với những người lương thiện, trao đi sự giúp đỡ sẽ luôn là đúng người!


Câu chuyện thứ 2 

Đó là một ngày cuối đông gió lạnh, ông Phillips kết thúc ngày làm việc và chuẩn bị rời văn phòng về nhà thì nhớ ra vợ đã nhờ ông mua một cân chuối. Vừa xuống đường, ông đã nhìn thấy một người phụ nữ lớn tuổi trông có vẻ ốm yếu đang ngồi bán chuối ở bên vệ đường. Do không có nhiều thời gian, ông quyết định sẽ mua chuối của bà cụ này mặc dù bình thường ông thường có thói quen mua sắm ở một siêu thị cách đây vài dãy nhà…

Dù hằng ngày vẫn đi qua con đường này nhưng chưa bao giờ ông Phillips chú ý tới sự hiện diện của bà cụ. Gương mặt bà không lộ ra vẻ khắc khổ mà chỉ phảng phất nỗi buồn xa xăm xen lẫn sự hiền lành. Bà ngồi yên lặng nhìn dòng người qua lại, thi thoảng thì lau sạch những quả chuối tươi đang bị bám bụi.

Ông Phillips bước lại phía bà cụ và hỏi về giá của một cân chuối. Bà nhìn ông hiền từ đáp rằng:

– Mỗi cân chuối bà bán với giá 7 đô-la.

Nghe vậy, ông Phillips ngay lập tức không hài lòng:

– Ở siêu thị tôi hay mua chỉ bán có 5 đô-la một cân thôi. Tại sao bà bán rong mà giá cao hơn nhiều như vậy? Nếu bà bán với giá 5 đô-la tôi sẽ mua.

Người phụ nữ thành thật trả lời:

– Xin lỗi ông, tôi không thể bán với giá đó được. Tôi có thể bán cho ông với giá 6 đô-la, tôi không thể hạ giá hơn được nữa. Đó là giá thấp nhất rồi.

Ông Phillips đặt túi chuối vừa mới cầm trên tay xuống rồi nói với bà cụ:

– Vậy thì thôi, tôi không mua nữa.

Ông Phillips quyết định đi đến siêu thị mà ông vẫn thường mua, lựa chọn một túi chuối và tới quầy thanh toán tiền.

Ông vô cùng ngạc nhiên khi được biết mỗi cân chuối ở đây có giá 10 đô-la. Ông hỏi người thu ngân:

– Tôi đã mua chuối ở đây mấy năm rồi. Lần này tăng giá cao quá, cô có thể giảm giá cho khách hàng lâu năm như tôi không?

Người thu ngân bắt đầu giải thích:

– Xin lỗi ông, nhưng đó là giá cố định. Chúng tôi không chấp nhận mặc cả.

Ông Phillips suy nghĩ một vài giây và đặt túi chuối trở lại. Ông quay về quầy bán của bà cụ ban nãy. Ngay lập tức bà cụ nhận ra ông, bà nói:

– Nếu tôi bán cho ông với giá 5 đô-la, tôi sẽ chẳng kiếm được chút tiền lãi nào. Mong ông thông cảm!

Ông nhìn bà với ánh mắt thông cảm:

– Bà không phải lo về điều đó, tôi sẽ trả bà 10 đô-la một cân. Bà bán cho tôi 2 cân nhé!

Người phụ nữ vô cùng ngạc nhiên và vui mừng, bà cân cho ông Phillips 2 cân chuối rồi nói:

– Tôi không thể lấy của ông 10 đô-la được nhưng tôi sẽ bán với giá 7 đô-la. Tôi vô cùng biết ơn lòng tốt bụng và sự hào phóng của ông.

Lúc này, ánh mắt bà thoáng buồn và giọng bà bỗng dưng trầm xuống. Bà nói:

– Chồng tôi đã từng sở hữu một cửa hàng bán hoa quả nhưng không lâu sau thì ông ấy mắc bệnh. Chúng tôi không có con cái hay người thân nào giúp đỡ. Tôi đã bán cửa hàng để lấy tiền chữa trị cho ông ấy nhưng ông ấy vẫn không thể qua khỏi…

Những giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt bà cụ đầy nếp nhăn và lấm tấm đồi mồi của bà. Nhìn bà cụ khắc khổ trong gió rét với đôi tay run rẩy vì lạnh cóng, ông Phillips dường như cảm nhận được tất cả những thăng trầm mà bà đã trải qua.

 Bà cụ đã nói tiếp:

– Tuy nhiên tôi không hề cảm thấy bất hạnh. Ít nhất tôi vẫn còn có thể đi bán chuối để kiếm sống. Tôi trân trọng tất cả những gì mình đang có và sẽ không mãi đau khổ vì những điều đã qua.

Ông Phillips bỗng cảm thấy vô cùng khâm phục sự lạc quan, mạnh mẽ và tốt bụng của bà cụ. Ông nói:

– Kể từ ngày mai tôi sẽ chỉ mua chuối của bà.

Nói rồi, ông đưa thêm cho bà 100 đô-la, dặn dò:

– Bà cầm lấy số tiền này để mua thêm nhiều loại hoa quả khác nữa. Nếu bán đa dạng các loại hoa quả thì sẽ đông khách hơn. Bà cứ coi đây là số tiền tôi trả trước nhé.

Bà cụ nghẹn ngào xúc động, cầm lấy số tiền và cảm ơn ông Phillips.

Kể từ đó, ông Phillips chỉ mua hoa quả của bà cụ. Ông cũng giới thiệu bạn bè tới mua cho bà cụ. Với sự ủng hộ và giúp đỡ của ông Phillips và những khách hàng khác, công việc buôn bán của bà cụ ngày càng thuận lợi, cuộc sống cũng nhờ đó mà tốt hơn.

Người tử tế, họ hiểu rằng, khi làm một việc tốt hay việc xấu, nó sẽ đều quay trở lại với mình trong tương lai, không gần thì xa.

Thiện Nam 





 CHUYỆN TRONG QUÁN PHỞ


Bà mẹ hỏi nhỏ cô chủ quán:
‐ Bao nhiêu tiền một bát phở bò hả cô?
‐ 45 ngàn bác ạ.
‐ Cô có thể bán cho tôi một bát 30 ngàn được không, tôi không đủ tiền.
Cô chủ quán tỏ vẻ khó chịu:
‐ Bác không có tiền mà còn đi ăn phở. Mời bác ra quán cơm bụi ăn, để yên cho cháu buôn bán.
Có ông khách đang ngồi ăn phở gần đó, nghe được bèn lên tiếng:
‐ Cô cứ bán cho người ta đi, tiền để tôi trả.
Cô chủ quán nghe vậy, mới làm một bát phở bò bê ra, nóng hổi và thơm phức.
Bà mẹ giục cậu con trai:
‐ Con ăn đi cho nóng.
Người con nếm một chút nước lèo, rồi nhăn mặt:
‐ Phở gì mà tệ thế này, nhạt như nước ốc.
‐ Con rất thích phở bò mà. Mẹ lỡ gọi rồi, con không ăn bỏ phí lắm.
‐ Con không ăn thứ dở tệ này đâu, mẹ ăn đi.
Nói rồi người con đi ra ngoài. Ông khách thấy vậy, ra gặp người con, nói giọng bức xúc:
‐ Sao cậu nỡ đối xử với mẹ mình như thế, cậu thật là tệ.
Người con ngước nhìn ông khách, gật đầu:
‐ Đúng rồi, cháu thật là tệ. Xưa cháu là trẻ em cơ nhỡ, được mẹ cháu nhận làm con nuôi, cưu mang và dạy bảo cháu. Cháu thương mẹ suốt ngày phải đi bộ nhặt ve chai, bán vé số, nên muốn đi làm bốc vác để đỡ đần cho mẹ, nhưng mẹ cháu không cho.
Giọng ông khách chùng xuống:
‐ Nhưng tại sao cháu lại không chịu ăn bát phở?
‐ Mẹ bắt cháu đi học nghề. Mẹ bảo cháu cố gắng học, có một cái nghề, khi tốt nghiệp, sẽ thưởng cho cháu một bát phở bò, món ăn mà cháu rất thích.
‐ Nhưng vì thương mẹ, nên cháu nhường cho mẹ ăn, đúng không cháu?
‐ Dạ. Cháu biết là mẹ cháu chưa bao giờ dám ăn phở. Đến cơm mẹ còn nhường cho cháu ăn nữa là...
Ông khách có vẻ xúc động, đưa số điện thoại của mình cho người con:
‐ Nếu cháu chưa có việc làm, không chê chú, thì hãy gọi điện cho chú, chú có rất nhiều việc cho cháu làm. Công ty chú luôn cần những người như cháu. Nhớ gọi cho chú nhé, chú chờ đấy...

Võ ngọc Trí

Không có nhận xét nào:

CHÀO MỪNG QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU SÓC TRĂNG THAM QUAN, ỦNG HỘ HOANGDIEUTRUONGXUASAIGON.BLOGSPOT.COM. CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM NHIỀU SỨC KHỎE, THÀNH CÔNG TRONG CÔNG VIỆC.