Ngày xưa nhà tôi nghèo lắm, đến bữa ăn gia đình thường quây quần bên mâm cơm đạm bạc, không có người ăn trước người ăn sau, bởi nếu như vậy thức ăn sẽ không đủ cả cho gia đình mười người con.
Anh em có một thông lệ ngầm là mỗi tháng phải nấu hai lần canh chua, đó là ngày Ba tôi lãnh lương và ngày anh em chúng tôi đề nghị.
Mỗi lần nghe Ba tôi nói với Má: “Bà ơi mai nấu canh chua nghe bà” dường như đêm đó tôi không ngủ được, thử hỏi một thằng con trai còn non và chưa xanh vừa tròn mười lăm tuổi… ngày mai xách giỏ lẽo đẽo đi chợ với Má, thì ôi thôi “còn có danh gì với núi sông“ nữa.
Vào chợ, Má lựa chọn tỉ mỉ, cá phải là cá còn sống, rau phải tươi ngon, trái me không được già hay non quá, khóm mua nguyên trái vừa chín tới, bạc hà mới cắt phải còn mủ, lấy móng tay bấm vào phải xốp…
Việc mua nguyên liệu, Má đã cẩn thận, thì công đoạn nấu nồi canh chua còn công phu hơn nữa, để cạo lớp nhớt trên mình con cá Hú (Ú) phải là nước sôi vừa “reo” sau đó chà xát với muối tránh mùi tanh, cá cắt ra từng khứa bằng nhau để vào rỗ cho ráo nước không được để trên dĩa cá đọng nước sẽ không ngon, trái me cạo sạch và dằm me bên ngoài lấy nước chua tuyệt đối không dằm me trong nồi canh chua, khóm và các rau khác xắt ra đều để thứ tự trong rỗ…
Khi nghe tiếng xe đi làm về của Ba tôi ngoài cửa, Má tôi mới bắt đầu nấu nồi canh chua, Má nói nồi canh chua không được nấu sớm hay trễ quá sẽ mất đi mùi vị của nồi canh chua, giống như trái cây chín tới khi ăn mới cảm nhận được cái ngon của nó.
Tôi không quên được tiếng húp xì sụp, những giọt mồ hôi chảy dài của anh em tôi bên mâm cơm bởi vị ngon của tô canh chua.
”Bà nấu ngon quá“ Ba tôi khen.
Nhìn chồng và các con ăn, tôi thấy gương mặt Má tôi hạnh phúc và mãn nguyện.
Có lần Má tôi hỏi:
“Theo con nguyên liệu nào quan trọng nhất của nồi canh chua?”.
Tôi liền đáp: “Cá, me, bạc hà phải không Má“.
Má từ tốn nói: “Nếu chỉ có cá, me, bạc hà là nguyên liệu chính để quyết định nồi canh chua ngon, theo Má như vậy thì chưa đủ, con thử nghĩ nếu canh chua thiếu chút ớt hay hành, ngò, giá … thì hương vị của canh chua như thế nào?. Tuy những nguyên liệu đó không sánh được với nguyên liệu khác, nhưng nó là yếu tố quan trọng làm kết dính những mùi vị khác để hình thành nồi canh chua ngon.”
Những điều Má tôi nói, giúp tôi hiểu ra được nhiều vấn đề trong đó có việc học của tôi, trong lớp tôi chỉ giỏi toán, lý, hóa, sinh ngữ còn những môn khác tôi không cho là quan trọng.
Từ dạo đó tôi ít đi chơi chăm học hơn những môn kém, đi học về tôi phụ giúp Má nhiều hơn và việc học của tôi tiến bộ.
Tôi nghĩ “Trong cuộc sống có những vật bình thường ở cạnh mình, mình không gìn giữ, trân trọng khi mình cần nó đã thất lạc hay bị mất đi làm mình tiếc nuối khôn nguôi.”
Ba năm sau!
Vào một chiều mưa muộn, Má tôi đã bỏ anh em tôi ra đi mãi mãi!
Tạo hóa rất công bằng và oan nghiệt, tạo hóa ban tặng cho tôi một người Mẹ để tôi sống trong yêu thương, giận hờn, vòi vĩnh và tạo hóa đòi lại người Mẹ của tôi, chưa cho anh em tôi đủ trưởng thành để được báo hiếu.
Từ ngày Má mất, gia đình tôi ít tiếng đùa vui, anh em tự chăm sóc cho nhau, đi học về tôi nấu nướng chính cho gia đình. Riêng ba tôi tóc bạc nhiều, ít nói và trầm mặc.
Có những lần tôi chợt thức giấc nửa đêm thấy Ba ngồi ngoài sân nhìn vào cõi xa xăm, tôi biết Ba tôi đang nhớ Má lắm, Ba thật cô đơn như chết nửa tâm hồn.
Tháng năm dần qua, anh em tôi ra đời làm việc, người thành đạt, người công chức, người giáo viên cuộc sống ổn định.
Riêng tôi, hành trang ra đời là nồi canh chua của Má, cái nồi canh chua dân miền Nam ai cũng nấu được, chỉ khác nhau sự nêm nếm, tùy theo khẩu vị mọi người khi ăn xong chỉ khen ngon hay dở mà thôi.
Nồi canh chua của Má cũng dung dị như bao nồi canh chua khác. Nhưng với tôi nồi canh chua của Má lại có tính triết lý dạy cho tôi biết vận dụng trong cuộc sống và ngộ ra được nhiều điều.
Ở công ty, tôi biết coi trọng chị nấu bếp, anh lái xe, người bảo vệ… Tôi không coi tôi là một khúc cá, me và bạc hà để quyết định nồi canh chua, chính họ - ngò, ớt, hành… là những nguyên liệu quan trọng kết dính để phát triển công ty, và tôi đã thành công.
Với con tôi, tôi là người cha, người bạn, người thầy và cả là người em nữa.
Mọi người tin tôi không? “Bố ơiiiiiii tắm con”
“ Yes Sirrrrrr “ !!!
Được Má chỉ dẫn phương thức nấu nhưng tôi chưa bao giờ nấu được nồi canh chua ngon như Má tôi.
Nhân ngày họp mặt, anh em đề nghị tôi nấu nồi canh chua, tôi tận dụng mọi kỹ năng của mình để hoàn thành nồi canh chua thật to đãi các anh em.
Đang ăn cơm, tôi thấy mọi người ăn trầm ngâm và đăm chiêu, đến khi đứa em út thốt lên một câu “Ăn canh chua làm em nhớ Má!“, từng đôi đũa để chầm chậm xuống bàn, mọi người từ từ đứng dậy không nói với nhau lời nào, tôi biết anh em đang hoài niệm lại ngày Má còn sống bên tuổi ấu thơ của chúng tôi.
Nồi canh chua của tôi nhạt nhẽo!
Nồi canh chua tôi nấu dư thừa của người có tiền, còn Má tôi phải đi từ đầu chợ đến cuối chợ trả giá, mua con cá vừa phải, xin thêm người bán cọng ngò trái ớt … vì túi tiền eo hẹp.
Nồi canh chua, tôi nấu nhanh chóng vì có người giúp việc.
Nồi canh chua của Má tự tay làm có pha mồ hôi và nước mắt vì khói củi cay xè.
Canh chua của tôi vừa ăn có nhạc du dương, còn canh chua của Má chỉ có mồ hôi và tiếng xì xụp, đũa muỗng lanh canh của mười đứa con đang đói.
Canh chua của Má tràn ngập thương yêu có sự đợi chờ chồng và các con về trong hạnh phúc đầy mãn nguyện, còn canh chua của tôi thì mau chóng, no nê và thừa thải.
Má tôi luôn luôn là người ăn sau cùng, có lần nghe thằng Út nói lại với tôi:
“Má mút lại những cái xương cá của anh em mình đó anh!”
Em hỏi Má, Má quay đi chỗ khác và nói
“Tụi con ăn phí quá!”
Đây là bài học có lẽ tôi không bao giờ quên cho đến khi xuôi tay nhắm mắt.
Nếu tôi được một điều ước, tôi sẽ ước Má tôi sống lại để anh em tôi được phụng dưỡng Má, dù tạo hóa có lấy đi bao nhiêu tuổi thọ của tôi cho điều ước đó tôi cũng vui vẻ chấp nhận, mãi được ôm Má vào lòng và gọi hai tiếng
“Má Ơi”.
Đỗ Cường
KIẾP CHỒNG CHUNG
Lão Thức vốn là người khéo léo và nho nhã nhất làng. Song, lão vẫn là sản phẩm cổ hủ của quan niệm nối dõi tông đường , nên lão luôn khát khao bằng mọi cách phải đẻ bằng được thằng chống gậy và cầm ảnh lão đi giật lùi trước quan tài của mình khi lão chết . Và hẳn là đẻ được thằng cu thì dòng giống nhà lão mới hi vọng truyền đời truyền kiếp được chứ không thì tiệt nòi tiệt giống mất .
Lão không ngờ tưởng cưới được con Nụ tốt nái ai ngờ nái đểu . Đẻ sòn sòn cho lão mà đến đứa thứ 5 vẫn thị Bướm . Nhà có những tận 6 cái máy khâu con bướm đó là nỗi buồn nỗi đau khó tả của lão . Có những tối ngồi buồn một mình uống rượu mồm miệng đắng ngắt vì chán . Lão nhìn xung quanh bướm đậu đi đi lại lại lăng xăng khắp nhà . Lão cũng thương lũ con gái nhưng nẫu ruột nén thở dài :
- Cha bố tiên nhân chúng mày ! Nuôi cho lớn rồi mai bay hết lại trơ khấc hai cái thân già !
Chưa bao giờ lão thèm khát có được thằng cu như lúc này ! Nhiều tháng suy nghĩ miên man lão bèn bày tỏ nỗi khát khao đó với vợ :
- U nó này !
- Gì cơ ông !
- Chẹp ! Mợ ăn nằm chồng vợ với tôi bao năm nay đã bao giờ tôi yếu đâu đã bao giờ tôi không biết cách để cho mợ được sung được sướng . Ấy vậy mà chả hiểu sao mãi không đậu được thằng cu ! Dự là nếu có đẻ nữa mới mợ tôi lo lại con gái ! Hay tôi đang định tính ...
Nụ đang khâu lại cái áo xu chiêng bị đứt chỉ mấy hôm mặc vô duyên quá nụ đào cứ hây hẩy sau làn áo phin nõn mỏng . Ngẩng lên linh cảm chột dạ nghi ngại hỏi lão Thức :
- Sao?! Thế thầy em định bảo gì !?
- Chẹp ! Tôi định ... định ... định ... đi bước nữa . Tôi định hỏi lấy cái Đào ở thôn dưới để sinh thêm thằng cu . Chứ tôi với mợ chắc không có duyên sinh trai . Mợ có hiểu cho lòng tôi thì thương tôi nghĩ kĩ cho tôi về việc đó .
Nụ biết Nụ đã từ lâu đọc được nỗi niềm của lão trong ánh mắt trong tiếng thở dài mỗi đêm nằm bên lão . Nụ không sửng sốt nụ không ghen mà chỉ cảm thấy bất lực và buồn tủi và tự giận mình đã phụ lại lão hay sao . Hơn mười năm làm vợ lão Nụ không thể trách lão được một câu nào bởi lão luôn là người chồng khéo léo ý nhị nhẹ nhàng chu đáo tình cảm và rất thương con . Nụ cũng ghen cũng ích kỉ nhưng nhiều lần suy đi tính lại và vì yêu lão kính trọng lão tuyệt mực nên Nụ cũng đành dằn lòng để lão đi bước nữa vì không nỡ để chồng mãi u buồn sinh bệnh mà chết thì mất chồng Nụ còn đau hơn .
Trước hôm lão đi bước nữa . Lão dặn dò :
- Tôi đưa em Đào về để nó sinh cho tôi thằng cu ! Mợ nhiều tuổi lại về nhà này trước ! Mợ yêu thương bảo ban em nó thật lòng hộ tôi nhé ! Chị em yêu thương nhau con cái vui vầy để làng trên xóm dưới người ta không chửi cho !
Ngày đi rước dâu về cho chồng là ngày buổn nhất của đời Nụ . Song vì yêu lão Thức và trong lòng vẫn áy náy không có sinh được cho lão thằng cu Nụ cố nuốt nước mắt vào trong giả tươi giả cười đon đả pha nước mời trầu trong hôn lễ của lão . Dân làng ai cũng phục tài của lão Thức ăn ở cư xử thế nào mà để Nụ cư xử với lão như thế một cách tự nguyện .
Đêm động phòng của chồng . Nụ thức trắng đêm không ngủ được . Có cái gì đó như cái cối đá đè lên ngực Nụ .
Thỉnh thoảng Nụ căng tai nghe rõ từ phòng của cô dâu mới với chú rể chồng tiếng rên la đê mê sung sướng của Đào mà nước mắt vòng quanh. Nụ không ghen vì mừng cho chồng đang được thăng hoa hạnh phúc và hi vọng sau những đêm đó Đào sinh cho chồng được thằng cu . Có ghen thì Nụ chỉ ghen với Đào vì phàm là đàn bà mà nhất lại yêu chồng như Nụ thì không ghen mới là lạ nhưng chỉ vì yêu chồng hiểu được khát khao đó của chồng mà Nụ đành dằn lòng .
Bên phòng kia tiếng rên ngày càng rõ thỉnh thoảng xen lẫn tiếng thổn thức của Đào vì chuyện đấy lão Thức khéo phải biết ! Nụ rạo rực gồng người lên không chịu được bèn lấy cái gối úp chặt lên mặt để thôi khỏi nghe thấy tiếng kêu tiếng rên rỉ bên phòng đôi tân lang vọng sang
Tảng sáng, lão Thức mò sang phòng Nụ ôm Nụ hôn âu yếm dỗ dành :
- Mợ đừng buồn đừng tủi thân . Tình cảm tôi dành cho hai người là yêu thương như nhau . Không phân biệt đối xử . Chị em bảo nhau mà thuận hoà giữ cho gia phong nền nếp trong ấm ngoài êm không tôi đau lòng lắm .Nói đoạn lão tuy mệt ! Nhưng vẫn cố chút hết sức lực còn lại để mang lại cho Nụ sự đê mê êm dịu để tuổi hồi xuân của Nụ không đến nỗi thiếu thốn mà phải héo hươi !
Sáng hôm sau ,chị chị ,em em tiểu tiểu muội muội dậy sớm làm cơm ríu rít với đàn con nhỏ chạy đi chạy lại lăng xăng .
Riêng chỉ có lão Thức là đau nhừ người và lưng mỏi gục !
Năm năm bốn lần Nụ đưa Đào đi đẻ ! Nụ cũng hồi hộp khát khao không kém vì nếu Đào sinh con trai thì Chồng sẽ hạnh phúc thoả lòng !
Nhưng cả bốn lần Đào sinh lại đều là ... gái !
Lúc này ,lão Thức đã già yếu hơn ! Nhà cả thảy có chín máy khâu con bướm ! Lão ốm đi ốm lại nhiều lần ! Nụ và Đào đều yêu thương lão mà gạt bỏ ghen tuông ích kỉ đối với nhau . Hai chị em nín nhịn yêu thương nhau chạy ngược chạy xuôi cắt thuốc chữa bệnh cho chồng .
Lão Thức ốm nhiều ngày suy kiệt tinh thần lão trở thành ngưoi ngớ ngẩn . Cứ chiều về chống gậy đi lang thang khắp xóm . Lão đi như kẻ tâm thần miệng cứ lẩm bẩm một điều gì đó .
Lúc đi về nhà lão đi giật lùi vừa đi vừa chống gậy, vừa đi tay vừa ôm khư khư trước ngực một vật gì đó !
Nỗi đau của lão, tiếng lão lẩm bẩm là gì thì chỉ có Nụ và Đào là dịch hiểu được .
Từ đó trở đi chị em lại thương yêu nhau hơn và cùng chăm cho chồng lúc này đã trở nên lẩn thẩn .
Chung chồng và chung cả nỗi đau chồng bị tâm thần !
( Hoa Đong Noi ) ( Phỏng từ truyện có thật của làng )
Diệu Lê /Sưu tầm
Năm cô 6 tuổi, cô mất cả bố lẫn mẹ, họ bị tai nạn ô tô trong lần về quê thắp hương cho ông bà nội.
6 tuổi, cô chưa thể hiểu hết mọi chuyện đang xảy ra trong gia đình, cô chỉ biết khóc suốt ngày vì bố mẹ không quay về.
Cô còn một người anh trai tên là Nam, cậu bé 14 tuổi, dáng người to cao giống bố. Lúc bố mẹ mất, cậu không khóc, không gào thét mà chỉ ôm chặt cô em gái vào lòng cho đến khi ngủ thiếp đi.
Suốt ngày cô đều theo sau anh trai đòi bố, đòi mẹ; cô không thích ăn cơm nửa sống nửa chín của anh trai nấu, không thích mặc bộ đồ nhăn rúm anh trai giặt.
Kể từ ngày hiểu ra rằng bố mẹ mãi mãi không về, cô bắt đầu dựa dẫm vào anh trai vì sợ anh lại bỏ cô mà đi
Đêm hôm đó, trời đã rất muộn, rất muộn nhưng cô không chịu ngủ mà ngồi dậy kéo anh trai và hét to: “Em muốn gặp mẹ!”.
Bỗng nhiên, Nam kéo cô từ trong chăn ra, hai tay nắm lấy đôi vai bé nhỏ của cô và nói:
“Mẹ mất rồi, đừng có tìm mẹ nữa, bố mẹ đều không còn nữa, họ sẽ không quay về nữa đâu!”.
Giọng nói của Nam vang lên rất to khiến cô phải im lặng vì sợ hãi. Sau đó, cô dần dần hiểu được bố mẹ cô mãi mãi không quay về, cô hiểu được trên thế giới này chỉ còn anh trai là người thân duy nhất của mình.
Nam úp mặt xuống giường và khóc thật to, đó là lần đầu tiên cô nhìn thấy anh trai khóc kể từ ngày bố mẹ mất.
Cô nhẹ nhàng cúi xuống rồi nằm trên lưng anh trai, cô dùng đôi tay bé nhỏ của mình ôm lấy anh, cảm giác ấm áp như ôm bố mẹ vậy.
Cô luôn khóc đòi mẹ, anh trai chỉ im lặng và ôm cô vào lòng
Cô bắt đầu dựa dẫm vào anh trai giống như trước kia từng dựa vào bố mẹ: đi học, cô đòi anh chở đi; tan học, anh trai phải đến đón cô.
Trường của cô cách nhà khá xa, mỗi buổi sáng Nam đều chở cô đến trường, đến nơi người Nam ướt đẫm mồ hôi. Ngồi trên xe, cô nắm chặt lấy vạt áo của anh không rời, cô không khóc đòi bố mẹ như trước nữa. Trước giờ cô chưa từng nói với anh, kể từ khi hiểu ra rằng bố mẹ mãi mãi không quay về nữa, trong lòng cô luôn bao trùm một nỗi sợ hãi, cô sợ rằng một ngày nào đó, anh trai cũng sẽ rời xa cô.
Cảm giác sợ hãi đó khiến một đứa bé 6 tuổi trở nên ngoan ngoãn, nghe lời đến lạ. Thế rồi, có mơ cô cũng không tưởng tượng được rằng cuối cùng anh trai vẫn bỏ rơi cô.
Hôm đó là ngày cuối tuần, mới sáng sớm, Nam đã phải mất hơn nửa tiếng đồng hồ chăm chút buộc cho cô hai bím tóc, mặc cho cô bộ váy màu trắng mà cô không biết anh mua cho cô từ khi nào, sau đó cô được anh trai dẫn đi công viên chơi rất nhiều trò, ăn rất nhiều món, cho đến khi mệt, cô ngủ say trên lưng anh.
Sáng hôm sau tỉnh dậy, cô thấy mình nằm trên giường của nhà khác còn anh trai thì không thấy đâu nữa.
Cô hốt hoảng chạy đi tìm anh, sau đó một người hàng xóm mà cô gọi là “thím” nói với cô rằng anh trai cô đi làm thuê rồi, từ nay về sau, cô sẽ sống cùng với gia đình họ. Mặc dù cô biết, chú thím là bạn thân thiết của bố mẹ mình nhưng cảm giác bị anh trai bỏ rơi lúc này còn tuyệt vọng, đau đớn hơn khi bố mẹ rời đi. Là anh trai đã bỏ rơi cô, cô đã bị anh trai bán lấy tiền, anh trai không cần cô nữa.
Sau khi biết anh trai cũng bỏ đi không về như bố mẹ, cô nhanh chóng thích nghi với cuộc sống mới, có nhiều sự thay đổi. Sự thích nghi nhanh chóng đó mãi đến khi lớn lên, cô nhận ra rằng đó chính là một kiểu để quên đi đau thương.
Cô chủ động học làm việc nhà, tự giặt quần áo, cô biết đây không phải là nhà của mình, họ không phải người thân của mình nên cô dần dần không còn dựa dẫm vào ai nữa. Kể từ khi anh trai bỏ đi, cô hòa toàn mất đi quyền được nũng nịu, đòi được yêu chiều. Cô cũng có một người anh trai nữa, người đó hơn cô một tuổi, rất nghịch ngợm và đôi lúc còn bắt nạt cô.
Cũng may là bố mẹ nuôi rất thương cô, mỗi năm họ đều mua quần áo mới cho cô, có đồ ăn ngon cũng luôn để phần. Tình cảm cô đối với bố mẹ nuôi, có yêu thương, nhưng sự cảm kích, ơn huệ lại là phần nhiều.
Năm cô 11 tuổi, lúc đó cô đang học lớp 4, một buổi tối nọ, cô đang giúp mẹ vá lại chiếc áo, bỗng mẹ nuôi nói:
“Mấy năm nay, con không nhớ Nam sao? Lúc đó, nó còn bé, sao có thể chăm lo cho con được?”
Cô im lặng không nói, đúng vậy, cô không nhớ anh trai, mới nghĩ đến cô đã thấy hận, vì thế cô không muốn nghĩ. Cô nói với mẹ: “Mẹ à, đừng nhắc đến anh con nữa”.
Mẹ nuôi thở dài, hình như trong lòng vẫn còn điều gì đó muốn nói nhưng cô đã đi về phòng mất.
Chính xác, cô hận anh, cô không sợ khổ khi đi theo anh, không được đi học thì có gì đáng sợ đâu, cô sẽ theo anh đi kiếm cơm vậy. Nhưng anh đã đập tan mộng tưởng của cô, đã làm mất đi chỗ dựa của người thân duy nhất, đó chính là sự hủy diệt triệt để, không để lại điều gì cả. Vì thế, cô không thể tha thứ cho anh trai mình.
Năm 16 tuổi, thành tích học tâp đứng đầu toàn trường giúp cô thi đỗ vào trường cấp ba, người anh lớn hơn cô một tuổi đang học lớp 11.
Một năm sau, khi người anh đó đang chuẩn bị tốt nghiệp cấp ba, bố nuôi nghỉ việc, ông thuê một cửa hàng nhỏ ở chợ để bán rau. Tối hôm đó, đang ngồi học cô khát nước nên đi ra phòng khách uống thì tình cờ nghe được cuộc trò chuyện bên phòng của bố mẹ. Anh trai nuôi nói với mẹ rằng: “Mẹ, con không biết, dù thế nào đi nữa con cũng phải học Đại học”.
“Không được, cái Mai học tốt hơn con, nó có khả năng thi đỗ Đại học”. Tiếng nói của bố nuôi nhỏ nhẹ nhưng rất quyết đoán.
“Lấy đâu ra tiền mà nuôi hai đưa ăn học cùng một lúc chứ?” Mẹ nuôi nói.
Nghe đến đó, cô vội quay về phòng, cô không muốn nghe gì nữa. Lúc đó, cô quyết định để cho anh trai học Đại học, còn cô, học xong cấp ba, cô sẽ đi tìm việc. Bởi từ khi anh trai bỏ cô mà đi, bố mẹ nuôi đã cho cô quá nhiều, cô không muốn thêm gánh nặng cho họ nữa.
Đáng tiếc là anh trai nuôi của cô thi không đỗ và bố nuôi cô vẫn kiên quyết rằng cô phải vào Đại học.
Cô vẫn kiên quyết: “Con không thi đâu, con quyết định rồi!”.
Tranh luận hồi lâu không được, mẹ nuôi cô từ trong bếp nói vọng ra: “Mai à, con bắt buộc phải thi vào Đại học. Con có biết không, anh trai con đã gửi đủ số tiền học phí cho con rồi nên con nhất định phải học Đại học, đừng phụ lòng nó, nó không dễ dàng gì…”.
Cô ngẩn người.
11 năm sau, lần đầu tiên cô lại tìm về hồi ức của anh trai mình.
Bố mẹ nuôi nói với cô: “Năm đó, anh trai con biết một đứa trẻ 14 tuổi như nó không có khả năng để nuôi em gái nên nó mới quyết định ra ngoài đi làm kiếm cơm, còn gửi con lại cho bố mẹ. Nó bán nhà và đưa hết số tiền đó cho bố mẹ bởi nó tin rằng bố mẹ sẽ chăm sóc tốt cho con. Buổi sáng sớm hôm đó, trước khi rời đi, anh con ôm con đang ngủ say trong lòng đưa cho mẹ bế, sau đó nhìn con và hứa rằng: “Thím à, con nhất định sẽ về đón em con, mong thím chăm sóc tốt cho nó…”.
“Từ khi con bắt đầu lên lớp 4, mỗi tháng nó đều gửi tiền về cho mẹ, bố mẹ cũng tích góp lại cho nó. Là bố mẹ vô dụng, nhiều năm qua luôn để con phải chịu ấm ức…” Bố mẹ nuôi nghẹn lòng không nói nên lời, họ cầm lấy tay cô và khóc.
Vậy những năm qua anh ấy đi đâu, sống như thế nào?…Hàng loạt câu hỏi hiện lên trong đầu, thì ra anh trai chưa từng bỏ rơi cô, anh trai vẫn luôn yêu cô nhưng bằng cách mà mấy năm qua cô không thể lý giải được.
“Thế tại sao anh lại không về thăm mình chứ, không phải anh đã hứa sẽ về thăm mình rồi ư?…”.
Số tiền gửi từ Sài Gòn về, bên ngoài phong bì không ghi địa chỉ cụ thể, cô hạ quyết tâm nhất định phải vào Sài Gòn tìm anh.
Một năm sau, cô thi đỗ và vào Sài Gòn học tập, cô vẫn không thôi nghĩ đến việc tìm anh trai, thế nhưng giữa đất Sài Gòn rộng lớn như thế, đi tìm một người quả như là mò kim đáy bể.
Tốt nghiệp xong, cô ở lại Sài Gòn và làm việc ở đó, cũng là để tìm anh trai luôn. Vào lúc cô gần như tuyệt vọng, bỗng nhiên cô nhìn thấy một bức ảnh trên mạng: “Trước một quầy báo nhỏ, có một chàng trai người gầy gò ốm yếu, bị mất một tay đang sửa xe đạp…” Khi nhìn thấy dòng chữ ghi tên Nam, cô hoa mắt, người đó chẳng phải là anh trai mình sao? Đúng rồi, là anh ấy.
Cô xem tiếp: “Năm 19 tuổi, người thanh niên làm việc ở một công trường xây dựng, trong lúc đang làm việc thì do gặp sự cố về máy móc nên anh ta đã bị mất đi một cánh tay, từ đó anh lang thang phiêu bạt khắp nơi, làm đủ nghề để mưu sinh: nhặt phế liệu, đi bán báo, phát tờ rơi,…Và 3 năm trước, anh ta mở một quầy báo nhỏ vừa bán báo vừa sửa xe đạp. Động lực duy nhất để anh sống lạc quan như thế chính là cô em gái…”.
Khi cô xuất hiện trước quầy báo, anh trai cô đang bận rộn với công việc sửa xe đạp, mặc dù mất một tay nhưng động tác của anh vô cùng nhanh nhẹn và điêu luyện. Cô nhẹ nhàng bước lại gần, nước mắt cô rơi xuống lã chã, trước mắt cô chính là người anh mà cô từng hận vì đã bỏ rơi cô, chính là người yêu thương cô nhất, bất chấp tất cả để lo cho cô một cuộc sống đầy đủ.
“Cô gái, cô…” Anh ngạc nhiên khi nhìn thấy cô, cô khóc nức nở và ngồi xuống nhẹ nhàng lấy khăn lau mồ hôi cho anh.
“Anh à, em là Mai đây!…”
Cô vội vàng ôm lấy anh, đã lâu lắm rồi cô không được ôm anh như vậy, cảm giác đó vẫn ấm áp như hồi bé, cảm giác được an toàn, được yêu chiều…
Tình cảm gia đình luôn thiêng liêng như vậy, nó luôn là chỗ dựa để ta lớn lên, luôn là động lực để ta bước tiếp, dù người thân có làm gì thì hãy luôn nhớ rằng, tất cả đều vì những người mà họ thương yêu mà thôi!
Lê văn Quý/sưu tầm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét