.

.

a

Hoa đào nở, chim én về, mùa xuân lại đến. Chúc quý thầy cô và anh chị em đồng môn năm mới Giáp Thìn : - nghìn sự như ý, vạn sự như mơ, triệu sự bất ngờ, tỷ lần hạnh phúc.
THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ, ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU - MỘT NĂM MỚI AN KHANG THỊNH VƯỢNG - VẠN SỰ NHƯ Ý

09 tháng 2 2022

" NGƯỜI VỢ " LÀ MỘT VĨ NHÂN! - TRÀM CÀ MAU

 

 

Vợ là một vĩ nhân đúng 100% đang lúc vợ còn tại thế người chồng xem thường công lao của VỢ lúc vợ mất rồi thì mới thấm thía nhận ra sự mất mát to lớn biết là chừng nào. Cám ơn tất cã các Bà vợ HIỀN.

 

Có thời ông Tư thường hay đùa, trêu chọc bạn bè rằng: “Đời người đàn ông có hai lần sung sướng: Lần cưới vợ, và lần vợ chết. “Bây giờ vợ chết, ông mới ý thức được cái câu đùa nghịch đó vô cùng bậy bạ và bất nhân, không nên nói. Có lẽ anh chàng nào nghĩ ra câu nầy là kẻ độc thân, chưa có kinh nghiệm chết vợ. Ông ân hận và tự giận mình.

 

Sau khi chết vợ, ông như mất hồn, lãng đãng, trí óc để trên mây. Nhiều lần trên đường về nhà, ông đi lạc, lái xe qua khỏi nhà rồi mà không biết. Ngày xưa, ông hay bực mình mỗi khi được bà nhắc nhở đi lối nầy, quẹo góc kia, và bà cũng nổi nóng la nạt ông mỗi khi đi lạc đường. Bây giờ, mong được nghe lời cáu kỉnh gây gổ đó, mà không có được. Ông thở dài và đau nhói trong tim như có vật nhọn đâm vào. Không thể ngờ, vợ ông không còn trên đời nầy nữa. Bây giờ bà nằm ngoài kia, nghĩa địa hoang lạnh âm u. Không còn chầm chập kiểm soát từng hành động của ông để mà phê bình sửa sai.

 

Mở cửa, bước vào nhà, ông nói lớn như khi bà còn sống: “Em ơi! Anh đi làm về.” Trước đây, nếu không nghe tiếng trả lời, ông chạy vụt lên lầu tìm vợ. Bây giờ, ông lẳng lặng đến thẳng bàn thờ, thắp ba cây nhang, lạy bốn lạy. Ông thầm nghĩ, người ta chỉ lạy vợ khi vợ đã chết rồi, tại sao không ai lạy vợ khi vợ còn sống? Dù có gây nên tội lỗi tầy đình, cũng không ai lạy vợ bao giờ.

 

Ông nhìn tấm hình màu, ảnh bán thân của bà, có nụ cười thật tươi, hai vành môi uốn cong, đôi mắt sáng tinh anh, có ánh tinh nghịch. Ông thấy bà còn đẹp lắm, nét đẹp dịu dàng. Thế mà bao nhiêu năm nay, ông không hề biết, và chưa một lần nhìn ngắm kỹ cái nhan sắc của vợ. Sống lâu ngày bên nhau, thấy nhau, nhưng quên nhìn ngắm, chỉ thấy hình thể tổng quát của nhau. Cũng như nhiều ông có vợ thiếu nhan sắc, cũng không bao giờ biết vợ họ xấu. Những ông lấy được vợ đẹp, lâu ngày, cũng chẳng còn biết vợ mình là đẹp. Nhiều bà đi xâm môi, xâm lông mày xong, về nhà, ông chồng cũng không hề biết có sự thay đổi trên mặt vợ.

 

Ông Tư gieo mình nằm vật ra tấm ghế bành, hai tay ôm mặt khóc rưng rức như đứa bé đi về vắng mẹ. Tiếng khóc buồn bã vang dội trong căn phòng vắng. Ông ước sao chuyện thật hôm nay là một giấc mộng dữ, để khi ông thức dậy, thấy còn có bà bên cạnh. Có thể ông sẽ bị vợ cằn nhằn trách móc một điều gì đó như thường ngày, nhưng thà còn có những phiền hà của vợ, còn hơn là nằm đây một mình.

 

Ông đã khóc như thế cả tháng mấy nay, mỗi lần đi làm về. Bước vào căn nhà vắng vẻ lạnh lẽo, không còn bóng dáng người vợ thương yêu, làm trái tim ông se sắt, tâm trí ông trống rỗng mịt mờ. Nỗi đau cũng tan dần theo giòng nước mắt, rồi ông thiếp đi trong một giấc ngủ buồn, ngắn. Khi thức dậy, ông nhìn quanh, đâu đâu cũng có bóng dáng, có kỷ niệm với bà. Tất cả đều còn đó. Vật dụng, đồ đạc của bà trước khi chết, vẫn còn để y chỗ cũ, giữ nguyên trạng. Ông không muốn thay đổi chuyển dịch gì cả. Trên bàn trang điểm, vẫn còn chiếc lược nằm nghiêng nghiêng, thỏi son dựng đứng, hộp phấn, những chai thuốc bôi tay cho mịn da, tất cả đều không xê dịch, không sắp xếp lại. Ông tưởng như hương tay của bà còn phảng phất trên từng món vật dụng.

 

Mỗi bữa ăn, không còn ai thúc hối, hò hét dục ông ngồi vào bàn ngay, sợ cơm canh nguội lạnh. Bây giờ, ông tha hồ lần lửa, không tha thiết đến bữa cơm. Có khi chín mười giờ mới bắt dầu ăn, qua loa cho xong, miệng nhạt phèo. Thường ông để thêm chén dĩa đũa muỗng đầy đủ cho bà. Rồi thì thầm mời vợ ăn, tưởng như bà còn sống, ngồi đối diện và cùng chia vui hạnh phúc trong từng giây phút của thời gian. Ông có ảo tưởng như bà còn ngồi đối diện, đang lắng nghe ông nói. Hôm nay bà làm biếng phê bình, không mắng trách khi ông làm rơi cơm canh ra bàn. Với cách đó, ông tự dối lòng, để có thể nuốt trôi những thức ăn, mà vì buồn chán, ông không còn cảm được hương vị ngon ngọt.

 

Nhiều khi thức giấc nửa đêm, vòng tay qua ôm vợ, ôm vào khoảng trống, ông giật mình thảng thốt, chợt hỏi thầm, bà đi đâu rồi? Khi chợt nhớ bà không còn nữa, nước mắt của ông chảy ra ướt cả gối. Có khi úp mặt khóc rưng rức, khóc cho đã, cho trái tim mủn ra, và thân thể rã rời. Chiếc giường trở thành trống trải, rộng thênh thang. Ông vẫn nằm phía riêng, bên kia còn để trống, dành cho bà. Ông ôm hôn cái gối, mùi hương của bà còn phảng phất gợi bao kỷ niệm của tháng ngày hạnh phúc bên nhau. Khi không ngủ được, ông bật đèn nằm đọc sách, bây giờ ông không sợ ai cằn nhằn, ngăn cấm đọc sách giữa đêm khuya. Trước đây, nhiều khi ông tha thiết thèm đọc vài trang sách trước khi đi ngủ, mà vợ cứ cằn nhằn mãi, làm ông mất đi cái thú vui nầy. Bây giờ ông nhận ra vì thương chồng, sợ ngày hôm sau ông buồn ngủ, mệt, nên bà ngăn cản, bảo là chói mắt không ngủ được.

 

Ông tiếc, vợ chồng đã hay cãi vã những chuyện không đâu, chẳng liên quan gì đến ai, mà làm mất đi cái vui, cái hòa hợp của gia đình. Có khi chỉ vì tranh luận chuyện con khỉ bên Phi Châu, mà đi đến to tiếng, giận hờn, khóc lóc, làm vợ chồng buồn giận nhau, dại dột như hai đứa trẻ con ngu dại.

 

Tại sao phải gắt gỏng, đâu có được gì, mà làm nhau buồn. Bây giờ muốn nói lời ân hận, thì làm sao cho bà nghe được. Ông tự xét, ông là một con người tệ mạt, thiếu hiểu biết. Khi có hạnh phúc trong tay thì không biết trân trọng, để đến khi mất đi, mới ân hận, mà không còn kịp nữa.

 

Nếu được làm lại, ông sẽ đối xử với bà tử tế hơn, nói nhiều những lời êm ái dịu dàng. Sẽ không nổi giận khi bà làm chuyện ngang phè, sẽ nhường nhịn bà nhiều hơn, và sẽ phớt tỉnh mỗi khi bị bà chê bai, mai miả. Nhất là bày tỏ cái lòng ông, nói ông yêu thương bà, yêu thương lắm lắm. Đâu có gì ngăn trở, mà những ngày bà còn sống, ông không nói được những điều đó. Ông chợt nhớ có ngưòi viết rằng, vợ chồng phải đối xử như ngày mai thức dậy sẽ không còn nhau. Vì chẳng ai được sống mãi, và cũng không biết chắc chuyện gì sẽ xảy ra trong giờ sắp tới, cho ngày hôm sau. Cuộc đời con người vốn bấp bênh trong định mệnh.

 

Lấy kinh nghiện đó, nhiều lần nói với những người bạn mà vợ chồng còn được sống bên nhau, cho họ biết rằng, họ đang có hạnh phúc quý báu, nên họ nên trân trọng giữ gìn, kẻo mai đây, khi chiếc bóng, thì tiếc thương cũng đã muộn màng. Đa số có lắng nghe, và tin lời ông là đúng, nhưng họ quên phứt ngay sau đó, và không thực hành điều hiểu biết.

 

Mẹ ông mất trước vợ sáu tháng. Ông cũng buồn, thương. Nghĩ rằng mẹ già thì chết là chuyện thường tình. Nhưng khi mất vợ, ông cảm thấy đau đớn và buồn khổ vô cùng tận. Buồn hơn mất mẹ mười lần. Ông tự cảm thấy xấu hổ, vì mất mẹ mà lại không đau buồn bằng vợ chết! Có phải ông đã thương vợ hơn thương mẹ chăng? Có phải ông là đứa con bất hiếu? Ông cũng không biết, và không so sánh được hai cái đau vì mất mát. Nhưng rõ ràng, ông đã ngã gục khi chết vợ

 

Có khi quẩn trí, ông muốn chết theo bà. Sao cuộc sống vô vị quá chừng. Rồi mai mốt cũng già, bệnh, đâu có thoát được cái chết. Chết bây giờ, nếu còn linh hồn, thì còn gặp lại vợ ngay. Nhưng ông sực nhớ nhiều lần bà nói không muốn gặp ông lại trong kiếp sau. Bà đâu có thù ghét ông mà nói câu đó nhỉ. Nói chi cho ông đau lòng lúc nghe, và còn đau cả đến tận bây giờ. Ông nghe nói, có một loài chim, khi một con chết đi, thì con kia ngày đêm kêu thương, bỏ ăn bỏ ngủ, than gào cho đến chết. Chim còn chung tình đến thế, mà ông thì còn sống, còn ăn, còn ngủ, còn đi làm, còn giữ tiền bạc. Chẳng bằng được loài chim sao?

 

Trong căn nhà nầy, đâu đâu cũng có dấu vết của bà. Mở tủ đựng ly chén ra, ông đứng nhìn xem, bên trong sắp đặt thứ tự, gọn gàng. Có những thứ mà bây giờ ông mới thấy, và không biết công dụng nó làm gì, khi nào thì dùng đến. Bà đã mua sắm, sắp đặt cẩn thận. Ông cầm một cái ly, biết vật nầy đã có bàn tay vợ đụng đến, ông ghé môi hôn, tưởng đang hôn bàn tay bà. Ba bộ ấm pha trà xinh xắn, bà mang về trong dịp đi du lịch bên Nhật, để cho ông thù tiếp bạn bè. Bà thương ông đến như vậy đó.

 

Hơn cả chục chai rượu nho, rượu mạnh trong tủ kiếng, cũng do một tay bà mua. Bà không biết uống, nhưng hễ nghe ai khen rượu ngon, rượu quý, thì bà cũng cố mang về cho chồng một vài chai. Ông thường dặn nếu không biết uống rượu thì đừng mua, vì khẩu vị của mỗi người khác nhau. Cũng như mình khen mắm nêm thơm ngon, nhưng cho Tây ăn, thì họ bịt mũi mà oẹ ra. Bây giờ đứng đây, đưa tay sờ vào những chai rượu màu nâu sẫm, lòng ông đầy ân hận, đáng ra lúc đó, ông phải nói những lời tử tế ngọt ngào cám ơn, và bày tỏ cái hân hoan với tình thương chăm sóc của vợ. Những khi đó, ông đã nói những lời chân thật như đất ruộng, làm phụ tấm lòng yêu thương của bà. Ông định nhấp vài hớp rượu để tưởng nhớ đến ơn vợ, nhưng rồi đặt chai xuống, và thì thầm hai câu thơ của Vũ Hoàng Chương: “Em ơi! lửa tắt bình khô rượu. Đời vắng em rồi say với ai?” Mắt ông cay cay, tim đập sai nhịp.

 

Tủ áo quần của bà còn nguyên vẹn đó. Những chiếc áo giản dị, màu sắc khiêm tốn. Bà phải chờ cho đến khi bán hạ giá thấp nhất mới dám mua. Bà cần kiệm, không dám hoang phí. Đi đám cưới, tiệc tùng, bà không cần phải thay đổi áo mới, kiểu nầy, kiểu kia. Bà nói: “Ngay cả ông chồng, còn chưa nhớ được kỳ trước mình mặc áo nào, màu gì, huống chi thiên hạ. Họ đâu có dư thì giờ mà vớ vẩn nhớ đến cách phục sức của cả trăm người trong bữa tiệc. Mà dù cho họ có nhớ đi nữa, cũng không sao, đâu có gì quan trọng. Chắc cũng chẳng ai chê mình không có áo quần mới khi tham dự tiệc tùng.” Cái đơn sơ giản dị chân thành của bà làm ông thương và mến phục.

 

Áo quần của ông, cũng do bà tìm tòi mua giúp. Khi thấy cái áo quần tốt, màu sắc trang nhã, giá cả tương đối được, bà hối hả kêu ông chạy gấp đến tiệm thử liền. Ngay cả áo quần lót, vớ, cà-vạt, cũng do bà mua cho ông. Bà đem áo quần đã cũ sờn vất đi, thay vào các thứ mới. Ông cứ tự nhiên dùng, chưa bao giờ biết kích thước đúng của chính ông. Đã có bà lo hết. Bây giờ không còn bà, ông mới thấy rõ ràng hơn những gì đã nhận được xưa nay mà vô tình không nghĩ đến. Cầm chiếc quần được lên lai trong tay, nhìn đường kim mũi chỉ cẩn thận, ông thấy rõ tình thương của bà gói ghém trong đó. Áo quần mùa đông, mùa hè của ông cũng được bà sắp xếp riêng từng ngăn cẩn thận. Bà đã cho giặt sạch, kỹ lưỡng trước khi được treo xếp vào ngăn tủ áo quần, để dành mặc vào mùa sau. Từ khi có bà trong đời, ông mất dần đi khả năng tự lo, tự lập mà ông vô tình không biết.

 

Ông nhớ những khi tham dự tiệc tùng, trong lúc ăn uống, khi có chút rau, thịt mắc vào kẽ răng, không dùng lưỡi cạy ra được, bà nhìn ông, biết ngay. Bà len lén mở ví, kín đáo chuyền tay cho ông một cây tăm bọc trong giấy. Ông xem đó như chuyện tự nhiên. Cũng có khi ông quay qua bà hỏi khéo: “Em còn cây tăm nào không?” Bà mở ví, đưa cho ông ngay. Trong lúc ăn, có món ngon vừa ý, bà thì thầm nhắc ông. Hoặc khi lấy thức ăn, bà chọn cho ông miếng ngon nhất. Những lúc đó, ông hơi ngượng, liếc mắt nhìn quanh bàn. Phần ông, thì cứ dặp đại, chưa bao giờ phân biệt miếng ngon, miếng dở. Gắp được cục xương không dính chút thịt cũng cứ vui. Trong bữa ăn, khi thấy ly nước của ông cạn, bà châm, thêm, ông hoàn toàn không quan tâm đến.

 

Bà biết rõ ông ưa thích món ăn gì, để mỗi ngày nấu nướng. Khi nghe ông khen món nào đó, thì hôm sau, bà nấu ngay cho ông ăn. Ông chỉ lờ mờ nhận ra hảo ý của bà, nhưng không biết nói một câu nịnh cho vui lòng vợ.

 

Nhiều lần ông bà rủ nhau đi du lịch xa, ông có nhiệm vụ lên mạng mua vé máy bay, đặt khách thuê sạn. Thế là xong. Phần bà lo cho tất cả các mục còn lại. Từ áo quần thường, áo lạnh, áo ngủ, đồ lót, vớ, giày phụ, dép, bàn chải răng, kem, kiếng phụ, tăm, thuốc cấp cứu, thuốc dùng ngừa bệnh, điện thoại di động, giây cắm điện thoại, máy hình, máy điện toán xách tay và các thứ phụ tùng cần thiết. Danh sách của bà đủ bốn mươi tám món. Bà cũng không quên mang theo một ít thức ăn khô, phòng khi lỡ đường. Nhiều khi thấy va-li căng kè, nặng nề, ông gào to: “Đi chơi chứ đâu phải là dọn nhà? Sao không mang theo cả cái tủ lạnh cho tiện.”

 

Một lần đi Âu Châu, cuộc đình công kéo dài, điện tắt và trời bão tố. Ông bà bình tâm nằm trong khách sạn, không chút nao núng, vì đã có sẵn một ít thức ăn khô mang theo. Thường trước khi đi, bà đọc kỹ và kiểm soát lại chuyến bay, lộ trình, các hãng đưa đón, khách sạn, ngày giờ của các ‘tua’ du lịch. Bà bắt ông xuất trình giấy thông hành, căn cước, thẻ tín dụng, tiền bạc, kiểm soát lại từng chút một, để khỏi quên bất cứ vật gì. Ông cảm thấy khó chịu vì bị vợ xem như đứa trẻ con. Nhưng khi vợ mất rồi, ông đi xa mà để quên đủ thứ, nghĩ lại càng thương bà hơn.

 

Ông thường ham mê xem các trận đấu thể thao. Nhiều lần ông đang đi chơi với bạn, bà sợ ông bỏ mất trận đấu, kêu điện thoại nhắc nhở: “Anh nhớ chiều nay 5 giờ có trận chung kết bóng rổ đó nghe!” Ông cám ơn bà, và thu xếp về cho kịp giờ khai đấu.

 

Từ khi có gia đình, ông phụ thuộc quá nhiều vào vợ. Không có bà, ông như rơi xuống một vực sâu, tối tăm mù mịt, ngày tháng tẻ nhạt. Không gian và thời gian dường như thành trống rỗng.

 

Mỗi chiều tan sở, ông bâng khuâng không biết đi đâu,về đâu cho đỡ thấy quạnh hiu. Khi vợ còn sống, phải lo về ngay, không dám ngồi quán cà phê lai rai, về nhà vợ hạch hỏi không dám trả lời thật. Có khi ông điện thoại cho bạn, hỏi chiều nay ông đến chơi được không, và xin được ăn cơm tối. Bạn biết ông đang buồn, đơn lẻ, nên thường niềm nở chấp nhận. Nhiều lần, ông mua một vài món ăn ở tiệm, đem đến nhà bạn góp vào mâm cơm chiều và sau bữa ăn, uống trà, cà phê. Ngồi trong ghế bành, đôi khi không nói gì, cầm tờ báo lật qua lật lại, thế mà thấy bớt cô đơn trong lòng yên ổn. Rồi cũng phải về cho gia chủ đi ngủ. Ông ra xe, nỗi buồn lại dấy lên thấm thiá. Trời đất như rộng thênh thang. Đường về nhà hiu quạnh. Nghĩ đến căn nhà trống vắng, lòng ông rưng rưng.

 

Mỗi khi mở tủ lạnh tìm thức ăn, thấy trống không, chẳng có thứ gì ăn được. Vài ba cây trái đã đen điu thồi? rữa thối. Mấy bó rau đã đổi màu đen, khô quéo. Chai nước lọc cũng cạn. Không còn gì. Trong nhà không có bàn tay đàn bà, thì xem như chẳng còn có cái gì cả. Ông thầm thán phục những người bạn độc thân. Không biết làm sao họ có thể sống sót đến tuổi già, mà vẫn vui vẻ, yêu đời, nói cười. Họ đã làm gì cho tiêu tán quãng thời gian trống rỗng sau giờ tan sở nhỉ?

 

Như một thói quen, những chiều tan sở, ông chạy thẳng ra nghĩa địa, thơ thẩn bên mộ bà. Trong nghĩa địa hoang vắng nầy, ông thấy bớt cô đơn hơn là về nhà một mình. Cắm vài bông hoa, thắp nén hương. Rồi ngồi trò chuyện, như khi bà còn sống. Nói đủ thứ chuyện, nói nhiều hơn cả khi ông bà còn bên nhau. Ông độc thọai, và ông cứ tin ở dưới lòng đất, bà đang lắng nghe ông tâm sự. Khi có người lạ đi đến gần, ông hơi xấu hổ, nói nhỏ lại, chỉ thì thầm thôi. Ông sợ thiên hạ lần tưởng ông đau bệnh thần kinh. Rồi ông hát cho bà nghe. Hát những bài kỷ niệm, mà ngày trước, ông bà cùng song ca trong những buổi “Karaoke” tổ chức tại nhà bạn bè. Tai ông, vẫn còn văng vẳng giọng bà thánh thót hoà lẫn với tiếng hát trầm ấm trên môi ông. Ông hát từ bài nầy qua bài khác đến khô ran cả cổ. Nhiều khi ông nằm dài trên cỏ, bên tấm bia mộ ngang bằng, nhìn lên trời cao mênh mông và tưởng tượng có bà đang thân thiết nằm bên cạnh. Nghe được cả hơi thở của bà. Hơi thở có mùi hương quen thuộc của ngày nào. Ông thèm nghe vài lời cằn nhằn trách móc của bà.

 

Khi bóng đêm bắt đầu phủ xuống trên nghĩa địa, ông mới uể oải đứng dậy ra về. Ông nấn ná không muốn khu mộ, nhưng vốn yếu bóng viá và sợ ma, không dám ở lại khi đêm đen bao trùm khu nghĩa địa hoang vắng. Ông thì thầm: “Ngày mai anh sẽ đến thăm em.” Có những ngày chủ nhật, ông cứ mãi thơ thẩn quanh khu mộ. Ông nhận ra rằng, bây giờ ông yêu thương yêu vợ hơn nhiều lần khi bà còn sống. Tình cảm ông tha thiết, nồng nàn hơn xưa rất nhiều.

 

Mùa đông mưa dầm dề, gió thốc từng cơn trên nghĩa địa trống trải, ông trùm áo mưa, ngồi co ro run rẩy trong buốt giá bên mộ bà. Ngày nghỉ ông ngồi từ sáng đến trưa, từ trưa đến chiều. Tâm trí miên man mơ hồ vô định.

 

Chỉ mới một năm thôi, ông hốc hác, gầy rộc, vì mãi miết đắm chìm trong thương nhớ, khổ đau. Nhiều người khuyên ông nên đi bác sĩ tâm lý để điều trị, để tránh sa vào tình trạng suy sụp trầm trọng.

 

Ông nghĩ, bác sĩ cũng không giúp gì được khi trong lòng ông thương nhớ bà. Bác sĩ không thể làm bà sống lại, không thể làm phép lạ cho ông quên buồn.

 

Một buổi sáng khi nắng vàng rực rỡ nhảy múa trên khu nghĩa địa, gió mát mơn man cỏ cây, tiếng chim kêu văng vẳng. Ông Tư rầu rĩ mang bó hoa hồng đến đặt lên mộ bà, định than vãn vài câu cho bớt nỗi buồn thương không dứt được trong lòng. Ông ngạc nhiên thấy một tờ giấy cuộn tròn trong bình đựng hoa. Ông giật mình, ô kià, lạ chưa, có nét chữ của bà. Ông mở tờ giấy ra đọc. Một bài thơ của ai chép tay chữ viết giống hệt nét chữ bà. Những chữ h, chữ g và cả cách đánh dấu hỏi ngã. Ông run run đọc:

 

“Đừng đứng khóc lóc bên mồ em. Bởi em đâu còn dưới đó nữa. Em đang là ngàn gió bay cao trên đồng nội, là ánh dương quang lóng lánh giữa biển trời. Em đang tắm trong mưa thu mát dượi. Em đang trên cao, ngàn sao của giải ngân hà. Và một sáng mai kia, tiếng chim đánh thức anh. Thì hãy biết đó là tiếng em kêu anh. Thôi đừng khóc bên mồ em, chúng ta sẽ gặp lại nhau sau…”

 

Ông đọc đi đọc lại đến ba lần, và chợt nhớ ra đây là lời bản nhạc phổ từ bài thơ của bà Mary Elizabeth Frye viết trong cơn xúc động trên một mẫu giấy vụn. Trước đó bà Frye nẩy chưa hề bao giờ làm thơ. Bài thơ nầy về sau rất nổi tiếng, phổ biến rộng rãi trên khắp thế giới, được phỏng dịch ra hàng chục ngôn ngữ khác nhau. Ông đã từng nghe trong các đám tang người Mỹ. Nhưng khi đó, ông chẳng hề để ý. Bây giờ được đọc lại, ông thấm thiá và ngộ ra: Đúng. Bây giờ bà đâu còn nằm dưới đó nữa. Bà đang ở trên miền cực lạc. Bà đang sung sướng trong một thế giới khác, không có khó khăn, vất vả, không giận hờn ganh ghét, không có chiến tranh giành giựt, và không phải “Đổ mồ hôi trán mới có được miếng cơm vào mồm.” Thế thì, tại sao lâu nay ông phải âu sầu thương tiếc khóc lóc. Ông đã tự làm khổ ông, tự đọa đày trong vũng đau thương. Nếu bên kia thế giới mà bà biết được ông khổ sở rầu rĩ như thế nầy thì bà vui hay buồn? Ông tự hỏi, ông đau đớn vì thương bà hay tự thương mình? Bà đang hưởng lạc phúc, thì ông phải mừng, chứ sao lại sầu khổ? Nếu ông tự thương mình, thì phải chống tay đứng dậy, làm cho ngày tháng còn lại nầy được vui vẻ, hạnh phúc và lành mạnh hơn là chìm đắm trong tối tăm mịt mù. Ông đến trước bia mộ và thì thầm: “Đúng, em đâu còn nằm dưới lòng đất nầy nữa. Thân xác là cát bụi phải về với cát bụi. Không còn là em nữa. Em đã bay cao với gió trên mây vàng long lanh, đang rong chơi nơi thiên đường cực lạc. Anh phải biết mừng cho em. Phần anh, phải đi nốt tháng ngày còn lại trên hành tinh nầy với những bước chân vững vàng, vui vẻ và hạnh phúc cho riêng mình. Đó là bổn phận cấp thiết đối với bản thân.”

 

Ông lái xe ra về, lòng nhẹ thênh thang. Con đường có nắng vàng reo vui, cây cỏ xanh ngắt yêu đời. Tiếng nhạc vui rộn rã vang vang trong xe, ông đã tìm được ý nghiã cho tháng ngày vắng bóng vợ. Ông tin rằng, nếu chết là chưa hết, chưa vĩnh viễn tan biến, thì ông sẽ gặp lại bà trong tương lai, ở một nơi an bình hạnh phúc hơn ở cõi trần thế nầy. Nhưng nếu chết là hết, là xong, thì cũng khỏe. Bà đã khoẻ, và mai đây ông cũng sẽ theo bước bà tan vào hư không.

 

Về nhà, ông ngồi vào bàn, lập một chương trình sinh hoạt mới cho ngày tháng còn lại. Trước đây ông không dám về hưu vì sợ cô đơn, sợ không có việc chi làm bận rộn rồi sinh ra quẩn trí mà phát bệnh. Nhưng bây giờ, ông đã có một chương trình năng động, phủ kín thời gian trong tuần, còn sợ không đủ thì giờ để thực hiện. Nhưng không sao, với ông thì thi hành được chừng năm mươi phần trăm cũng đã là thành công rồi.

 

Mỗi sáng ông dậy sớm, đi đến phòng tập thể dục, chạy bộ trên dây?, cử tạ, bơi lội, tập yoga, tắm nước nóng. Sau đó họp bạn già uống cà phê, bàn chuyện trời đất thời thế. Về nhà đọc vi thư bạn bè, giải quyết các công việc lặt vặt. Rồi ngủ ngay một giấc ngắn. Tự nấu nướng lấy, mặc dù có thể đi ăn tiệm, hoặc mua thức ăn về. Ông học cách nấu ăn trong liên mạng vi tính. Đọc bốn năm bài dạy khác nhau, rồi chọn lựa, kết hợp, tìm ra cách nấu hợp với khẩu vị mà ông nghĩ là ngon nhất. Từ đó, ông ghiền xem truyền hình dạy nấu ăn, Ông nấu được những món ngon tiếp đãi bạn bè.

 

Có một bà góa ỡm ờ đề nghị: “Anh nấu ăn ngon thế nầy, mà ăn một mình cũng buồn và uổng quá. Hay là nấu cơm tháng cho em đi, mỗi ngày tới bữa em đến ăn. Hôm nào anh bận, thì báo trước, em sẽ đi ăn tiệm.”

 

Ông cười lịch sự đáp: “Cám ơn chị quá khen và đề nghị. Xin cho tôi suy nghĩ lại, xem có đủ sức phục vụ chị không, rồi sẽ trả lời sau.”

 

Ông bóng bẩy nhấn vào hai chữ ‘phục vụ” làm bà kia đỏ mặt e thẹn. Ông không thể tưởng tượng nổi có người nào đó thay thế được vợ ông. Mỗi khi nói chuyện thân thiết với bà nào đó, mà trong lòng ông có dấy lên một chút cảm tình, thì ông thấy như mang tội với người vợ đã khuất, ông đã thiếu chung thủy. Cứ áy náy mãi.

 

Ông tham gia các chương trình du lịch xa, đi chơi trên du thuyền. Ông gặp nhiều bạn bè, đàn ông, đàn bà, cùng vui chơi. Tham dự các trò đùa tập thể trên du thuyền. Nhiều bà góa thấy ông cô đơn, nhắm muốn tung lưới bắt mạng, nhưng ông cũng đủ khôn ngoan để né tránh. Ông nói với bạn bè rằng, mình già rồi, khôn có lõi, không còn ngu ngơ dại dột như thời trai trẻ, để nhắm mắt chui đầu vào tròng.

 

Đôi khi ông cũng muốn có bạn gái, có chút chất “mái”, dù không làm gì được, nhưng mơ hồ thấy có sự thăng bằng nào đó trong tâm trí.

 

Ông đã cùng bạn bè tham gia các chuyến du lịch xa, Âu Châu, Ấn Độ, Phi Châu. Bây giờ còn đủ sức để đi, có điều kiện tài chánh thong thả, tham gia kẻo mai mốt khi yếu bệnh, khỏi luyến tiếc. Đi theo đoàn đông đảo bạn bè, thì giờ rất sát, eo hẹp, làm ông không kịp nghĩ, kịp buồn.

 

Trên du thuyền, gia đình người bạn giới thiệu bà Huyền cho ông, bà đẹp, duyên dáng, hơi trầm tư, đôi mắt mở to như khi nào cũng ngạc nhiên ngơ ngác, cánh mũi thon, môi hình trái tim chúm chím. Bà Huyền xa chồng đã hơn ba năm. Lòng ông Tư mơ hồ dấy lên chút cảm tình vì bà đẹp, hiền thục, ít nói. Mấy lần hai người ngồi gần nhau trong bữa ăn. Bà Huyền hé lộ một chút tâm sự riêng tư cho ông nghe, rằng bà may mắn vượt biên đến Mỹ vào năm 1975, bà lặn lội thân cò nuôi chồng theo đuổi đại học trong bao nhiêu năm. Nhờ may mắn trong thương trường, tiền bạc có thời vô như nước. Gia đình vui vầy tràn đầy hạnh phúc. Rồi tai họa đổ xuống, chồng bà say mê một cô nhỏ tuổi hơn con gái ông, cô nầy làm công cho cơ sở thương mãi của gia đình. Ông chồng li dị bà để vui duyên mới. Bà nói rằng, chẳng trách gì ông, một phần cũng lỗi tại bà không phòng xa, để cho ông chồng và cô gái có dịp tiếp xúc thường xuyên. Lửa gần rơm thì phải cháy. Chia đôi gia tài, bà cho ông cơ sở kinh doanh, bà không cần làm nữa, tài sản có thể sống đến khi già chết.

 

Ông Tư cũng cảm mến bà Huyền vì cái giọng nói dịu dàng ngọt ngào, trái tim nhân áí, và tâm từ bi của bà cùng tấm lòng cao thượng. Khi nhắc đến ông chồng cũ phản bội mà không thù hận, không gay gắt giận hờn.

 

Bà Huyền biết kiên nhẫn lắng nghe, tôn trọng ý của người khác, dù có khi bất đồng quan điểm. Ông Tư cảm thương cho một người đàn bà biết điều như thế mà gặp phải hoàn cảnh không may. Cái tình cảm trong lòng ông đâm mầm nhú mộng êm ái. Đôi khi ông cũng giật mình, sợ trái tim ông yếu đuối, đổi cái quan hệ bạn bè với bà Huyền thành tình yêu. Ông không muốn mang mặc cảm phản bội bà vợ bên kia thế giới. Nhưng cũng là chuyện lửa gần rơm, mối giao hảo thân thiết của ông với bà Huyền càng ngày càng khắng khít. Đã có vài lần ông toan tính thổ lộ cho bà Huyền mối tình cảm chân thành của ông, nhưng rồi vốn nhát, nên lại thôi. Ông tự cười, đã chừng nầy tuổi, trên đầu tóc trắng nhiều hơn tóc đen, mà vẫn còn nhút nhát như thời mười sáu tuổi. Cuối cùng, chính bà Huyền đã mở đường dẫn ông vào cuộc tình già. Khi ông đi gần đến quyết định mời bà Huyền về sống chung, thì bạn bè can gián, cho ông biết bà Huyền là một trong ba người đàn bà nổi danh đanh đá độc ác nhất của thành phố nầy. Ai cũng biết, mà chỉ riêng ông Tư không biết mà thôi. Ông không tin một vài người, nhưng phải tin khi nghe nhiều người khác nói. Ông quyết tâm tìm hiểu, và vô tình gặp ông Duẫn là người chồng cũ của bà Huyền trong một buổi họp mặt. Ông lân la đến làm quen. Thấy ông Duẫn hiền khô, không rượu, không trà, không cả cà phê thuốc lá, và nói năng lịch sự dịu dàng. Bạn bè lâu năm của ông Duẫn cũng xác nhận anh nầy là một ‘ông Phật đất’. Hoàn toàn không hề có chuyện gian díu với một người đàn bà nào. Bà Huyền cũng không nuôi ông Duẫn một ngày trong đời như bà nói, bà đã đặt chuyện, cứ nói mãi, nên tin là có thật.

 

Ông Tư mạnh dạn hỏi thẳng Duẫn: “Anh nghĩ sao, nếu tôi cưới bà Huyền, vợ cũ của anh?”

 

Ông Duẫn gãi đầu, và nói ngập ngừng: “Ô… ô, không nghĩ sao cả. Đó là chuyện riêng của bà ấy với anh. Tôi không can dự gì. Chúng tôi đã li hôn lâu rồi. Tại sao anh hỏi tôi câu đó?”

 

Ông Tư hạ giọng: “Không phải tôi xin phép anh, mà tôi muốn hỏi ý kiến của anh về bà ấy. Nhận xét của riêng tôi, thì bà Huyền là một người đoan trang, trinh thục, hiểu biết, có trái tim nhân ái. Nhưng theo nhiều người khác thì đó là một trong ba bà ác độc nhất của thành phố nầy. Có thật vậy không?”

 

Ông chồng cũ của bà Huyền ngững mặt lên trời mà cười ha hả: “Khoan khoan, đừng nói thế mà tội cho người ta. Phần tôi, nếu không nói tốt cho bà ấy được, thì cũng không có quyền nói xấu. Tôi không dám có ý kiến gì cả. Có thể bà ấy không hợp với tôi, nhưng lại hợp với người khác. Có thể tại tôi bất tài, không tạo được hạnh phúc cho gia đình. Biết đâu, bà ấy với anh đồng điệu, hai người có thể tạo nên thiên đàng dưới trần thế nầy.”

 

Ông Tư ngại ngần và chùn chân, âm thầm lảng xa dần bà Huyền. Bà nầy biết được ý định, mắng ông Tư một trận nên thân, chưởi ông hèn nhát, bần tiện, keo kiết, không đáng xách dép cho bà. Ông Tư nghe xỉ vả chưởi mắng mà mừng húm. May mà chưa có cam kết gì với bà Huyền. Từ đó, ông đâm ra có thành kiến với bất cứ người đàn bà nào muốn tiếp cận với ông.

 

Ông Tư đã hết suy sụp tinh thần, tự tổ chức cho ông một đời sống có ý nghĩa, có nhiều niềm vui nhỏ nhặt trong đời sống, tránh xa mọi phiền toái của thế gian. Trong nhà ông treo một tấm biển lớn, chữ viết theo lối bút họa, ghi lời của một người bạn:

 

“Có thì vui. Không cũng vui. Được mất đều vui.”

 

Tràm Cà Mau


Cái Bóp Da

Trưa nay , trời quang tạnh sau cơn mưa rào ban sáng, tôi ra khỏi nhà đi dạo một vòng cho thoải mái. Đi được 1 lúc , tôi bỗng trông thấy ở dưới đất có 1 vật xinh xắn bằng da màu nâu. Nhìn kỹ lại thì ra đó là 1 cái bóp nhỏ – kiểu bóp đựng bạc cắc thường được dùng nơi các bà đầm già – nằm trơ trụi trong bãi cỏ sát cạnh lề đường. Ngó trước ngó sau không thấy ai , tôi tò mò lượm cái bóp đó lên và mở ra xem.
Ồ ! có tới gần trăm bạc lận.



Sau khi ngạc nhiên thốt lên câu nói đó , tôi gấp những tờ giấy bạc lại như cũ rồi bỏ vào bóp , đồng thời nhận thấy còn có 1 tấm giấy trắng cũng được xếp gấp gọn gàng. Mở nó ra xem thì đây là 1 cái toa cho thuốc của bác sĩ.

Nhớ lại lúc trước, có lần vợ tôi cũng đánh rơi mất bóp giấy tờ ngoài đường nhưng may mắn được 1 người hảo tâm đem đến trả tận nhà , nên tự nhiên trong đầu tôi cũng nảy ra 1 ý nghĩ làm chuyện tương tự , làm 1 cử chỉ đẹp cho người sung sướng…. Nhưng làm sao để tìm ra “ khổ chủ “ của cái bóp này ?

Sẵn có số điện thoại của bác sĩ trong toa thuốc , sau ít phút đắn đo suy nghĩ tôi bấm smartphone gọi. Hơi lúng túng để trình bày câu chuyện nhưng sau cùng tôi cũng được người bác sĩ cho cái hẹn ngay sau đó.

– Ông có biết công viên « les trois fontaines « ( 3 bồn phun nước ) không ?
– Dạ biết chớ , tôi vẫn thường đi dạo xuyên ngang qua đó mà.
– Tốt lắm , phòng mạch của tôi cách đó 2 ngã tư đèn đỏ, đi theo hướng xa lộ, nằm về bên phải. Số nhà có ghi trong toa thuốc. Ông đến ngay nhé , tôi chỉ có ít phút cho ông thôi.
– Cám ơn bác sĩ , tôi đi ngay đây.

Đó là 1 bà bác sĩ đã lớn tuổi, có nét sang trọng và các động tác còn nhanh nhẹn lắm. Sau khi nghe tôi thuật lại câu chuyện lần nữa, bà ta trầm ngâm 1 chút rồi nói :

– Đúng vậy, sáng nay người này có ghé phòng mạch của tôi. Trên nguyên tắc, tôi không thể cho ông địa chỉ thân chủ của mình, tuy nhiên đây là 1 trường hợp khá đặc biệt nên chúng ta có thể du di: bà ta cần phải uống thuốc của tôi cho trong toa, nội trong chiều nay… và tôi nghĩ rằng cách tốt nhất là nhờ ông giao trả đến nhà, để cho bà ấy còn kịp đi mua thuốc. Bà ta cũng không ở xa khu này bao nhiêu, tôi sẽ chỉ đường cho ông sau. Xin ông vui lòng giúp dùm cho bà lão mù lòa này.

– Bà lão mù ?
Tôi lập lại mấy chữ này và trong đầu chợt hiện ra hình ảnh của 1 bà lão mù dẫn chó đi dạo mà tôi đã gặp nhiều lần trong lúc đi bách bộ.
– Thưa bác sĩ, có phải bà lão mù với cây gậy trắng và con chó Labrador vàng, dẫn đường bằng sợi dây xích cổ ?.
– Đúng rồi… ông đã từng thấy bà ta sao ?
– Dạ, tôi đã trông thấy bà ta vài lần trong khi đi dạo ở quanh đây.

Bà bác sĩ gật gù, có vẻ yên tâm khi thấy tôi tả đúng chóc thân chủ của mình. Bấm liên tục trên bàn phím của máy vi tính, bà tìm ra địa chỉ của bà lão mù, ghi lại trên 1 mảnh giấy rồi trao cho tôi.
– Từ phòng mạch, ông trở ngược về công viên “ Les Trois Fontaines “.
Qua khỏi nơi này , ông rẽ ngay vào đường đầu tiên bên trái. Nhà bà ta ở đường thứ 2 hay thứ 3 gì đó bên tay phải.
– Cám ơn bác sĩ.
– Tôi sẽ gọi phôn báo tin ngay cho bà Anne để bà ấy khỏi bỡ ngỡ và lo ngại khi ông đến. Tiện đây, xin ông cho tôi biết tên để tôi loan báo trước cho bà ta.

Tôi nghe được trong điện thoại giọng tíu tít mừng rỡ của 1 người đàn bà.
– Bà Anne đang mong được gặp ông để còn kịp đi mua thuốc đó.
Bà bác sĩ nói trong khi gác máy và nhìn tôi với chút ngại ngùng :
– Tôi có thể ghi lại số điện thoại của ông chứ ? Biết đâu tôi sẽ phải cần đến ?

Rời khỏi phòng mạch, tôi nghĩ thầm trong bụng: “ Bà đốc tờ này cẩn thận và làm việc chu đáo thiệt “.

Chỉ 20 phút sau, tôi tìm đến được nhà bà lão mù : đó là 1 căn nhà trệt nhỏ bé khiêm tốn, với cái sân trước có ít bụi hoa tím mọc trên những phiến đá nhỏ màu trắng vân xám. Xuyên qua sân, đến tới cửa tôi bấm chuông điện và thấy bảng tên bên cạnh có ghi : Anne-Marie Dujardin .- Đúng là bà cụ này mình đã mấy lần chạm mặt trên đường đi.

Tôi thầm nghĩ như thế khi bà già dẫn chó ra mở cửa. Con cẩu tinh khôn này sủa thật ồn ĩ khi thấy người lạ , bà lão mắng nó thật to :
– Cooki, tais toi, coucher ( Cooki, im mồm lại, nằm xuống ).

Nó lập tức ngừng sủa, nhưng ư ử trong cổ họng như vẫn còn ấm ức vì chưa quát tháo được hả hê cho ra vẻ oai vệ của 1 chủ nhân ông. Sau đó nó ngoan ngoãn nằm phủ phục xuống ngay dưới chân bà cụ nhưng 2 mắt vẫn lom lom nhìn tôi với vẻ đe doạ, ý chừng như muốn nói “ liệu thần hồn đó nghe ông bạn “.

– Chào ông, có phải ông là Nuy – En ?
– Dạ, tôi là Nguyễn thưa bà . Tôi cười thầm vì lối phát âm sai lệch của người dân bản xứ ở đây.
Bà lão hắng giọng, có vẻ ngượng ngập :
– Xin lỗi ông nhé, tôi không biết làm sao để phát âm cho đúng cái tên của ông !
– Ô, không sao, không có gì quan trọng cả. Tôi đến đây để gởi trả lại cho bà cái bóp đó mà.
– Tuyệt vời …. tôi vừa mới được bà bác sĩ Audrey gọi báo tin rằng sẽ có người tên như thế… sẽ đem cái bóp lại nhà cho tôi. Rất cám ơn ông… Ông thật là tử tế.

Nhận lại cái bóp nhỏ của mình và sau khi kiểm điểm , bà lão lắp bắp câu gì đó nghe không rõ rồi đằng hắng nói tiếp :
– Tôi chắc là đã làm rơi nó sáng nay trên đường từ phòng mạch bà Audrey trở về nhà, lúc trời đổ mưa phải lấy dù ra che … Tôi có thể mời ông 1 tách cà phê chứ ?

Tôi thoái thác lời mời, viện cớ rằng bà cụ còn phải đi mua thuốc cho kịp uống chiều nay theo lời dặn của bác sĩ . Đôi mắt vô thần của bà cụ đột nhiên hấp háy :
– Tôi nghĩ là… tôi phải trả cho ông chút gì đó ?
Tôi trả lời 1 cách máy móc, 1 câu trả lời thật tình, từ đáy lòng mà ra :
– Dạ không thưa bà , xin bà đừng bận tâm, đây là chuyện đáng làm mà thôi. Tôi rất vui khi chuyện nhỏ này giúp ích được cho bà.

Lần mò nắm lấy tay tôi, bàn tay gầy guộc xanh xao của bà Anne xiết nhẹ , run run vì cảm động. Bà gật gật cái đầu, ậm ừ muốn nói thêm gì đó nhưng lúng túng chưa nghĩ ra lời.
– Vậy thôi … xin chào bà , tôi phải đi đây .
– Cám ơn ông thật nhiều… tôi sẽ không quên câu chuyện hôm nay. À… xin lỗi, chứ ông là người nước nào vậy ?
– Dạ tôi là người Việt Nam – tôi hy vọng sẽ còn gặp lại bà trên đường đi dạo xuyên qua công viên “ les trois fontaines “, bà nhé ?
– Ồ hay quá … ông cũng thường đi dạo trên đường đó hả ? – Bà cụ lộ vẻ vui sướng với nụ cười thật tươi – Chắc chắn rồi, thế nào cũng sẽ gặp lại ông . Xin tạm biệt nhé.

Một ngày nọ, đang đi trên con đường quen thuộc, từ xa tôi trông thấy bà lão mù và con chó Cooki đang tiến ngược chiều về phía hắn . Lúc đến gần, tôi mở lời :
– Chào bà Anne.

Bà lão khựng lại giây lát, nhíu mày. Con chó thấy chủ dừng bước nên nó tự động ngồi xổm xuống. Tôi lập lại lời chào, lần này bà cụ mỉm cười :
Chào ông Nuy – En, ông vẫn mạnh khỏe chứ ?
– Cám ơn bà, tôi vẫn thường . Còn bà thế nào ? À sao mà bà còn nhớ được tên tôi hay vậy ?.
– Ông có lối phát âm đặc biệt… hơn nữa thính giác của những người như chúng tôi phát triển hơn người bình thường nên tôi nhận ngay ra ông… Còn sức khoẻ tôi thì dạo này sa sút lắm, hay bị mệt mỏi trong ngày dù không làm gì nặng nhọc cả !

Bà cụ bỗng nhiên đổi đề tài :
– Tôi có được bác sĩ Audrey kể cho nghe về đất nước của ông. Một xứ sở có nhiều danh lam thắng cảnh xinh đẹp, hùng vĩ và với những nụ cười luôn luôn nở trên môi của người dân.

Tôi thấy vui vui với những lời khen tặng ấy, nhưng đồng thời 1 niềm chua chát dâng lên trong lòng : “ Vậy mà mình phải đánh đổi cả sinh mạng, tài sản để vượt biên qua đây hít thở không khí tự do dân chủ ở xứ người ! “.

Tác giả: Truỷ Thủ.

Hồi ức về góc phố ẩm thực bưu điện Sài Gòn

Ngày trước khu ăn uống trước Bưu điện Sài Gòn không một ông học sinh Taberd nào không biết. Bởi đơn giản là trường Taberd nằm trên đường Nguyễn Du bên hông Bưu điện, chỉ vài bước chân là đã tới khu vực ăn uống nằm trên vỉa hè rộng ở hai bên lối vào Bưu điện.

Taberd là một trường Tây tư thục nổi tiếng, học sinh đa số là con nhà giàu, trong túi lúc nào cũng rủng rỉnh tiền ăn hàng. Mỗi ngày một ông nhỏ đi học thôi bét nhất là 50 đồng (tiền thời bấy giờ), với số tiền này mấy ông có thể ăn một dĩa bột chiên, uống một ly chè là vừa đủ cho buổi sáng, đó là con nhà “nghèo”.

Còn con nhà giàu thì trong túi từ 100 đồng trở lên. Đã vậy mỗi cuối tuần còn được thêm mấy trăm gọi là cho các ông mua truyện, mua đồ chơi cho khỏi “tủi thân” với bạn bè! Nhưng lấy tiền mấy ông nhỏ này không phải dễ, vì con nhà giàu nên ông nào cũng kén và sành ăn hàng một cây. Bằng chứng là trong trường có hai quán bán đồ ăn cho mấy ông, mà mấy ông hay gọi là quán Patiserie đọc trại ra là Pa-tí-xệ, nhưng các ông miễn cưỡng ăn vào giờ ra chơi mà thôi. Mấy ông chỉ thích ăn sáng ở ngoài khu Bưu Điện nhiều món ăn lạ hơn.

Trước cửa Bưu điện hai bên có hai quầy bán bánh mì mà tụi tôi hay gọi là bánh mì bưu điện, quầy nằm bên trái là tiệm Hương Lan (Nguyễn Văn Ngãi). Quầy bánh Hương Lan bán đủ loại bánh ngọt, bánh kem nhỏ. Bánh pâté chaud ở đây rất ngon với cái vỏ bán giòn tan và mềm mại bên trong. Nhưng quầy Hương Lan nổi tiếng nhất với bánh mì gà hoặc jambon xúc xích. Ổ bánh mì nhỏ thôi mà tụi tôi còn gọi là bánh mì cóc, với nước sốt beurre béo ngậy và thịt gà chiên xé nhỏ kèm thêm miếng jambon mặn, đồ chua và cái cọng hành lá ló cái đuôi xanh xanh ra ngoài , cắn vào một phát thì lên mây ngay, ăn một ổ cũng đủ ngán.

Quầy bán bánh mì và bánh ngọt bên tay phải không bề thế bằng quầy Hương Lan, nhưng mấy ông anh lớn lại khoái cái quầy này vào bởi bên cạnh quầy có trổ một cánh cửa ra vào, kê vài cái ghế đẩu là chỗ để các ông ngồi nhâm nhi cà phê sáng và phì phèo đốt thuốc cho gọn.

Mỗi sáng ghé vào cái xe hàng ăn này là phải chờ vì bà con khoái món này lắm, xe cũng chỉ có 5 – 6 cái ghế để ngồi, đông quá có khi vừa đứng vừa ăn. Có bữa đi học trễ ,thèm dĩa bột chiên, thế là sà vào. Nhằm bữa chú Mạ đông khách nên phải đợi. Đến chừng dĩa bột chiên của mình cũng được đem ra nóng hổi, vừa thổi vừa nhai ngấu nghiến vài miếng thì tiếng chuông trường kêu leng keng giục giã vào học. Vội lùa thêm một vài miếng bột chiên nữa là ông nhỏ ôm cặp táp chạy thục mạng, có bữa quên cả trả tiền dĩa bột (nhưng không sao, vì là khách ruột nên hôm sau trả cũng được).

Có cái xe đạp bán gỏi khô bò của một ông Tàu khác. Khô bò của ông này thuộc loại tuyệt hảo vừa ngon vừa cay, miếng khô bò hay miếng gan của ông ướp gia vị đậm đà lắm. Khô bò của ông có hai loại: loại gan mềm ăn rất béo và bùi , loại khô bò cứng và rất cay với nước gia vị sền sệt. Bốc một nhúm gỏi đu đủ đã bào sẵn vào cái đĩa bằng sắt, tay cầm kéo của ông nhanh nhẹn cắt khô bò hay gan ra từng miếng, rưới một chút nước cốt dùng để ướp miếng khô bò lên trên dĩa gỏi, xắt thêm ít rau răm lên trên, rồi dích miếng tương ớt cắn một miếng nhai sừng sực gân guốc thấy đã làm sao!

Bữa nào có tiền thì chơi thêm miếng gan béo ngậy vô nữa là sướng rên mé đìu hiu, nhất là khi nghe tiếng cây kéo trên tay ông lách cách rất điệu nghệ. Nếu chưa đã thì có khi tụi tôi quay sang cái xe bò bía bên cạnh, chơi thêm vài cuốn cho chắc bụng.

Món bò bía cũng của ông ba Tàu, nó đơn giản và rẻ tiền nên mấy ông nhỏ chỉ ăn chơi cho thêm phần thú vị. Nhưng có khi đông không kém, mấy ông đứng chầu rìa quanh cái xe đạp với nồi nước luộc những miếng củ đậu sôi sùng sục. Bàn tay chú thoăn thoắt gắp mấy miếng củ đậu vào cái bánh tráng nhỏ xíu, thêm ít tôm khô và hai miếng lạp xưởng thái mỏng, ít rau xà lách thế là xong. Cuốn ra được cái nào là mấy ông nhóc giành giựt nhau cái đó, cãi nhau chí chóe.

Về thức uống thì có mấy cái xe bán đủ thứ đậu như đậu xanh, trắng, đỏ với nước cốt dừa béo ngậy, rồi sâm bổ lượng… nhưng mê nhất là những xe bán nước si rô và kem: ly si rô cho kem vào ăn vừa lạ vừa đã gì đâu; hay là ăn bánh mì loại ngọt tròn tròn rồi múc vài muỗng kem bỏ vô, cho một tí sữa bò đặc vào và thêm một nhúm đậu phộng rang giã nhỏ, thì còn gì bằng . Đây cũng là thức uống và thức ăn lạ của thời ấy. Toàn món lạ đời nhưng ít ông nào bị Tào Tháo rượt trong trường, thế mới tài!

Nếu chán mấy món ăn bên Bưu điện thì xẹt ngang qua con hẻm nhỏ cạnh cổng Bộ Nội vụ (bót Catinat thời Pháp thuộc) sát bên trường ăn hàng cũng được. Chỗ này có hàng cơm tấm sườn bì chả ăn cũng “nhức nách” lắm. Sáng nào đi ngang cũng bị cái đám khói nướng sườn thơm phức quyến rũ mù mịt bay xộc vào mũi.

Riêng tôi thì chấm cái gánh bán bánh mì bì, chả lụa của một o miền Nam chuyên mặc áo bà ba và cái quần đen Mỹ A láng mượt. Ổ bánh mì của o vừa dai vừa mềm và có vài chỗ hơi bị cháy, mà bỏ bì rồi cho mỡ hành lá vô hay chả lụa rồi chan nước mắm (o pha nước mắm ngon tuyệt chiêu), thuận tay dích miếng ớt xay xong đưa lên miệng là quên đường về. Tôi còn nhớ mỗi lần ghé vào mua bánh mì là được o tiện tay nựng má tôi một cái, và thường thêm cho một miếng chả lụa hay ít bì heo.

Em nào thèm chua thì sẵn có chiếc ba gác chất một dãy thố đựng các loại ổi, xoài, me, cóc, tầm ruột và những trái cà na, ô quả trám ngâm dấm chua chua ngọt ngọt, cắn một phát nghe giòn tan trong miệng. Món này đắt nhất lúc trưa Thứ bảy hay những buổi trưa tan trường về, vì buổi sáng ai lại đi ăn đồ chua cho nó cào ruột?

Vào năm 1976 khi trường Taberd (nay là trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa) đóng cửa thì góc phố ẩm thực này mới giải tán.

VŨ VĂN CHÍNH






Không có nhận xét nào:

CHÀO MỪNG QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU SÓC TRĂNG THAM QUAN, ỦNG HỘ HOANGDIEUTRUONGXUASAIGON.BLOGSPOT.COM. CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM NHIỀU SỨC KHỎE, THÀNH CÔNG TRONG CÔNG VIỆC.