.

.

a

Hoa đào nở, chim én về, mùa xuân lại đến. Chúc quý thầy cô và anh chị em đồng môn năm mới Giáp Thìn : - nghìn sự như ý, vạn sự như mơ, triệu sự bất ngờ, tỷ lần hạnh phúc.
THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ, ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU - MỘT NĂM MỚI AN KHANG THỊNH VƯỢNG - VẠN SỰ NHƯ Ý

05 tháng 2 2022

Thành Cát Tư Hãn có phải là người Trung Hoa?

 

Thành Cát Tư Hãn là một trong những nhà quân sự nổi tiếng nhất trong lịch sử, từng đưa đế quốc Mông Cổ đạt đến giai đoạn cực thịnh, làm bá chủ lục địa Á-Âu. Ngày nay, có luồng ý kiến cho rằng Thành Cát Tư Hãn có thể được coi là người Trung Hoa. Vậy sự thật như thế nào?

Tượng Thành Cát Tư Hãn ở Mông Cổ.

Thành Cát Tư Hãn tên thật là Thiết Mộc Chân. Ông là con trai cả của Dã Tốc Cai, thủ lĩnh của bộ lạc Khất Nhan. Thành Cát Tư Hãn được ghi nhận trong lịch sử Trung Quốc với tư cách là Nguyên Thái Tổ, người khai sinh triều đại nhà Nguyên (do Hốt Tất Liệt sau khi thống nhất Trung Hoa truy tôn).

Theo trang mạng chuyên về lịch sử Trung Quốc Qulishi, có luồng ý kiến ở Trung Quốc ngày nay cho rằng Thành Cát Tư Hãn là người Trung Hoa. Nhưng cũng có ý kiến bác bỏ quan điểm này. Vậy sự thật như thế nào?

Ở Trung Quốc và Mông Cổ ngày nay đều có các bức tượng và dấu vết lịch sử của Thành Cát Tư Hãn. Người Trung Quốc và Mông Cổ coi Thành Cát Tư Hãn chiếm vị trí quan trọng.

Người Mông Cổ coi Thành Cát Tư Hãn là anh hùng dân tộc. Tại Mông Cổ, ảnh hưởng của Thành Cát Tư Hãn thể hiện rất mạnh mẽ, từ khuôn mặt của ông xuất hiện trên đồng tiền cho đến chai rượu vodka. 

Theo Qulishi, các quan điểm cho rằng Thành Cát Tư Hãn là người Trung Hoa chủ yếu xuất phát hiện quan điểm thời hiện đại.

Ở Trung Quốc, Mông Cổ được coi là một trong số 56 dân tộc chính thức, với số dân khoảng hơn 5 triệu (năm 2019), lớn hơn cả quốc gia Mông Cổ với 3,3 triệu người (năm 2020).

Quốc gia Mông Cổ chính thức độc lập sau sự sụp đổ của nhà Thanh. Trước đó, vùng Ngoại Mông thuộc Trung Quốc trong gần 300 năm. Đại đa số người Mông Cổ sinh sống ở vùng Nội Mông, nay là người Trung Quốc.

Hốt Tất Liệt sau khi thống nhất Trung Hoa đã suy tôn Thành Cát Tư Hãn làm Nguyên Thái Tổ.

Thành Cát Tư Hãn sinh ra ở khu vực gần dãy núi Khentii, phía đông bắc Mông Cổ. Đây là địa bàn từng chịu sự kiểm soát của nhà Đường, triều đại cực thịnh nhất trong lịch sử Trung Hoa. 

Địa bàn hoạt động chính của Thành Cát Tư Hãn là ở Nội Mông, chịu ảnh hưởng của nhà Tống. Các hậu duệ Thành Cát Tư Hãn ngày nay đều sinh sống ở Nội Mông, có mối liên hệ với Trung Quốc nhiều hơn là Ngoại Mông (nay là Mông Cổ).

Thành Cát Tư Hãn là Nguyên Thái Tổ, người khai sinh triều đại nhà Nguyên, là một phần của lịch sử Trung Hoa.

Tuy nhiên, những luồng ý kiến khác cho rằng Thành Cát Tư Hãn là người Mông Cổ, người sáng lập đế quốc Mông Cổ hùng mạnh, chỉ có con cháu của Thành Cát Tư Hãn trực tiếp cai trị Trung Quốc mới được coi là người Trung Hoa.

Thời điểm Thành Cát Tư Hãn được suy tôn làm Nguyên Thái Tổ là vào năm 1266, sau ông khi qua đời gần 40 năm. Thành Cát Tư Hãn chưa ngồi trên ngai vàng ở Trung Nguyên một ngày nào, do đó không được coi là hoàng đế Trung Hoa.

Năm 1206, tại hội nghị Khố Lý Đài trên sông Oát Nan, các bộ lạc sống ở thảo nguyên Mông Cổ thống nhất bầu Thành Cát Tư Hãn làm Khả Hãn, người đứng đầu Mông Cổ.


Thành Cát Tư Hãn là người thống nhất các bộ lạc ở thảo nguyên Mông Cổ.

Thành Cát Tư Hãn khi còn sống phát động các chiến dịch quân sự trên khắp khu vực Á-Âu, chiếm một khu vực lãnh thổ rộng lớn. Nhưng khi Thành Cát Tư Hãn qua đời năm 1227, Nhà Tống vẫn là triều đại thống trị ở Trung Nguyên, đến năm 1279 mới chính thức tan rã.

Do đó, không thể coi Thành Cát Tư Hãn là người Trung Hoa mà chỉ là người có ảnh hưởng tới lịch sử Trung Quốc.

Ngày nay một trong những bí mật lớn nhất về Thành Cát Tư Hãn là nơi an nghỉ của ông. Chỉ khi mộ của Thành Cát Tư Hãn được tìm thấy, những tranh cãi rằng ông là người Mông Cổ hay người Trung Hoa có thể mới chấm dứt.

Có nhiều truyền thuyết khác nhau xung quanh việc chôn cất Thành Cát Tư Hãn, người qua đời năm 1227 ở Tây Hạ (tây bắc Trung Quốc ngày nay). Có những câu chuyện khác nhau về việc ông qua đời như thế nào. Một số nói rằng ông đã bị giết khi ra trận, những người khác nghi ngờ ông qua đời vì bị thương.

Theo một câu chuyện được lan truyền phổ biến, nhóm lính hộ tống thi thể của Thành Cát Tư Hãn trở về Mông Cổ để chôn cất đã giết chết tất cả những người họ gặp trên đường.

Sau khi hoàn tất tang lễ, những người đưa tang cũng bị giết chết hoặc tự sát. Vì vậy, lăng mộ dưới lòng đất của Thành Cát Tư Hãn nguyên vẹn suốt hơn 800 năm, không ai biết rằng ông được chôn ở đâu.

10 kỳ tích làm nên tên tuổi thủ lĩnh Mông Cổ Thành Cát Tư Hãn

Thành Cát Tư Hãn khi còn sống từng làm nên những kì tích mà ở thời bấy giờ chưa ai làm được, là một trong các nhà quân sự lỗi lạc và có ảnh hưởng nhất lịch sử thế giới. 

Thành Cát Tư Hãn làm được 10 điều mà khi còn sống chưa ai trên thế giới làm được.

Thành Cát Tư Hãn là Khả Hãn Mông Cổ, người sáng lập đế quốc Mông Cổ sau khi hợp nhất các bộ lạc độc lập ở vùng Đông Bắc Á vào năm 1206. 

Cháu nội của Thành Cát Tư Hãn, Hốt Tất Liệt là người thống nhất Trung Hoa và lập ra nhà Nguyên. Các cuộc chinh phạt của Thành Cát Tư Hãn trên khắp khu vực Á - Âu đã đem lại sự thống nhất và phát triển giao lưu buôn bán.

Thành Cát Tư Hãn cũng nổi tiếng bởi sự tàn bạo khi sẵn sàng thảm sát toàn bộ những người không chịu quy phục.

Vậy Thành Cát Tư Hãn vĩ đại như thế nào? Dưới đây là 10 thành tựu lớn nhất trong cuộc đời Thành Cát Tư Hãn.

Thứ nhất, Thành Cát Tư Hãn tạo ra đế chế lớn nhất. Đế quốc Mông Cổ do Thành Cát Tư Hãn sáng lập có lãnh thổ lớn nhất trong lịch sử thế giới.

Đế quốc Mông Cổ ở giai đoạn cực thịnh có diện tích hơn 45 triệu km2, phía đông trải dài tới bán đảo Triều Tiên, phía tây tới Ba Lan, Hungary, phía bắc tới Công quốc Nga và phía nam tới đảo Java, Indonesia. Đế quốc Mông Cổ khi đó có diện tích lớn gấp khoảng 4 lần Trung Quốc ngày nay, chiếm 1/5 dân số thế giới thời bấy giờ.

Thứ hai, Thành Cát Tư Hãn là người chinh phạt vĩ đại hơn bất cứ ai khác trong lịch sử. Thành Cát Tư Hãn phát động cuộc chinh phạt lớn nhất trong lịch sử nhân loại. 

Ông và các hậu duệ đã thống lĩnh 300.000 quân Mông Cổ, chinh phạt đông và tây suốt 50 năm, tiêu diệt hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, thống trị 720 dân tộc, tiêu diệt hơn 10 triệu quân đối địch, cai quản vùng đất có tổng dân số lên tới 600 triệu người.

Thứ ba, Thành Cát Tư Hãn là người thành lập mạng lưới liên lạc truyền tin sớm nhất, gọi là hệ thống các dịch trạm. 

Thành Cát Tư Hãn sáng lập ra đế chế lớn nhất thế giới.

Quân Mông Cổ chinh phạt khu vực rộng lớn, cần thông tin liên lạc thông suốt và nhanh nhất giữa quân viễn chinh và đại bản doanh.

Các dịch trạm được tính toán sao cho thông tin được người và ngựa chuyển đi thông suốt, không ngừng nghỉ, giống như “truyền với tốc độ mũi tên”. Với mạng lưới này, thông tin có được truyền đi có thể xa tới hàng trăm km mỗi ngày, đảm bảo kịp thời truyền đạt mệnh lệnh tới lực lượng chiến đấu. Ước tính số dịch trạm dưới thời Thành Cát Tư Hãn lên tới 1.300.

Thứ tư, Thành cát Tư Hãn là người sáng tạo nên chiến thuật chiến tranh chớp nhoáng, trong thời đại chỉ có vũ khí lạnh. 

Quân đội Mông Cổ dựa vào sự cơ động của ngựa, tấn công như vũ bão. Trong phần lớn các trận chiến, Thành Cát Tư Hãn đều vận dụng chiến thuật tập kích táo bạo, đánh bất ngờ, đánh nhanh thắng nhanh. Chiến thuật này được gọi là chiến tranh chớp nhoáng và vẫn còn hiệu quả đến ngày nay.

Thứ năm, Thành Cát Tư Hãn là người tạo ra lực lượng công thành đầu tiên trên thế giới. Năm 1220, trong chiến dịch xâm lược đế quốc Khwarezmia, Thành Cát Tư Hãn đưa vào trận chiến 3.000 nỏ bắn tên, 300 máy bắn đá, 4.000 cầu thang cùng các xe công thành, xe phá tường thành, thậm chí cả vũ khí thổi ra lửa.

Các lực lượng công thành còn lập nhiều chiến công trong các cuộc chinh phạt sau này ở đất nhà Kim, Tây Hạ, nhà Tống, Đại Lý và nhiều nơi khác.

Thứ sáu, Thành Cát Hãn là người đầu tiên huy động toàn bộ nội lực của quốc gia. Một trong những nguyên nhân khiến đế quốc Mông Cổ trở nên hùng mạnh là nhờ sự hợp nhất giữa con người và quân sự.

Bất kì người bình thường nào ở Mông Cổ cũng phải biết cách chiến đấu và bất kì binh sĩ nào cũng tham gia chăn thả gia súc, sản xuất trong thời bình. Đó cũng là đặc điểm khác biệt của xã hội Mông Cổ so với các đế quốc phong kiến khác cùng thời.

Dưới thời Thành Cát Tư Hãn, đội quân Mông Cổ bách chiến bách thắng.

Thứ bảy, Thành Cát Tư Hãn là nhà lãnh đạo đầu tiên áp dụng lối tư duy cởi mở và sáng tạo, không quan trọng là người Hán ngay tộc người khác, miễn là có tài thì sẽ được trọng dụng. Các tướng lĩnh bên cạnh Thành Cát Tư Hãn đều là người cực kỳ trung thành.

Thành Cát Tư Hãn cũng không toàn quyền quyết định một cách độc đoán. Các việc quan trọng đều được đem ra thảo luận công khai với các thủ lĩnh bộ lạc.

Thứ tám, Thành Cát Tư Hãn là người giàu nhất trong lịch sử thế giới. Đế quốc Mông Cổ ở giai đoạn cực thịnh trải dài ở khu vực Á-Âu, đất đai nhiều vô kể. Đội quân Mông Cổ tiến hành chiến tranh kiểu cướp bóc, tài sản thu về đều được coi là thuộc sở hữu của Khả Hãn.

Có thể nói, Thành Cát Tư Hãn là người giàu nhất nếu xét trên quy mô lãnh thổ kiểm soát, bao gồm cải cướp bóc và sản xuất trên phạm vi lãnh thổ đó. 

Dân gian đồn rằng, của cải trong lăng mộ Thành Cát Tư Hãn đủ để người Mông Cổ ăn tiêu trong 300 năm. Tuy vậy, vị trí lăng mộ Thành Cát Tư Hãn đến nay vẫn còn là bí ẩn.

Thứ chín, Thành Cát Tư Hãn là người được tôn thờ với quy mô lớn nhất và lâu nhất thế giới. Kể từ thời nhà Nguyên, các hoạt động thờ tự và tưởng nhớ Thành Cát Tư Hãn diễn ra rộng rãi. Các hoạt động này đến nay vẫn được người Mông Cổ duy trì, được coi là điều hiếm thấy trong lịch sử.

Thứ mười, Thành Cát Tư Hãn là người có ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử thế giới. Con cháu của Thành Cát Tư Hãn cai trị nhiều vùng đất trên thế giới, đặc biệt là phương Tây trong suốt 250 năm.

Thành Cát Tư Hãn cả đời tham gia hơn 60 trận chiến, hầu hết đều giành chiến thắng. Thành tích mà hiếm ai có thể đạt được.

Theo Đăng Nguyễn - Tổng hợp (Dân Việt)


Vén bức màn bí mật về “Thủ phủ rửa tiền của thế giới”



(CLO) Năm 1969, hai năm sau khi Quần đảo Cayman - một lãnh thổ của Anh, thông qua luật đầu tiên cho phép hoạt động các quỹ tín thác bí mật ngoài khơi, nó đã nhanh chóng trở thành một tiểu bang bị thâu tóm bởi tài chính mờ ám.
Đó là sự khởi đầu gay cấn của một hệ thống tài chính hiện đại được đưa ra ánh sáng bởi Pandora Papers, một vụ rò rỉ dữ liệu khổng lồ do Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) thực hiện.

London là trung tâm tài chính thế giới, nhưng cũng là nơi cất giữ những tài khoản bí mật - Ảnh: Reuters

Nếu bạn là một người giàu có và quyền lực nhưng lại chọn giấu tiền và tài sản ở nước ngoài, thì điều bạn sợ là bị lộ. Về lý thuyết, cơ quan thuế của quốc gia nơi bạn sinh sống quan tâm đến tài sản ở nước ngoài của bạn, nhưng nguồn lực điều tra của họ nói chung là có hạn và các quan chức của họ không phải lúc nào cũng có xu hướng theo đuổi những người quyền lực nhất. 

Trong những năm gần đây, các tỷ phú và chính trị gia thường xuyên bị lộ tài khoản bí mật, điều thường xảy ra thông qua việc rò rỉ các hồ sơ ngân hàng nước ngoài. Những bản báo cáo này không được gửi cho các cơ quan chính phủ mà cho các nhà báo. 

Ông Gerard Ryle, năm nay 56 tuổi, với mái tóc bạc trắng và giọng Ailen đặc sệt, đã thành danh với tư cách là một phóng viên điều tra ở Úc, nơi ông xuất bản một loạt bài báo điều tra về một doanh nhân tên là Tim Johnston - người đã bán cho công chúng một loại thuốc hóa học có thể được thả vào bình xăng của ô-tô để giảm lượng khí thải. Cuộc điều tra đã đưa Ryle đến với thế giới tài chính hải ngoại.

London - Trung tâm của “mạng nhện”

Pandora Papers, hay Hồ sơ Pandora, được xuất bản vào ngày 3/10/2021, có phạm vi toàn cầu. Các bài báo đã vạch trần một loạt các giao dịch tài chính bí mật và đáng ngờ của hơn 330 chính trị gia và quan chức công quyền từ hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ, và hơn 130 tỷ phú từ Nga, Mỹ cũng như nhiều nơi khác. Một loạt các trò lừa đảo và tích trữ của cải chóng mặt của những nhân vật cấp cao được phơi bày.


Tổng thống Uhuru Kenyatta xuất hiện trên báo khi ông nằm trong số hơn 330 chính trị gia hiện tại và cựu chính trị gia xuất hiện trong Pandora Papers. Ảnh: AP

Nhưng nếu có một quốc gia ở trung tâm của hệ thống, thì đó là Vương Quốc Anh. Cùng với các vùng lãnh thổ được kiểm soát một phần ở nước ngoài, Anh là công cụ trong việc che giấu tiền mặt và tài sản của toàn thế giới. 

Như một thành viên của Đảng Bảo thủ cầm quyền đã nói, Anh là “thủ phủ rửa tiền của thế giới”, và London - trung tâm tài chính của đất nước, là cốt lõi của hệ thống.

Theo thiết kế, hệ sinh thái hải ngoại rất phức tạp. Nhiều công cụ phức tạp và không rõ ràng, bao gồm các quỹ tín thác nước ngoài, lỗ hổng thuế và các công ty vỏ bọc, cộng với bí mật ngân hàng và quy định tài chính cẩu thả đã che khuất tài sản của những người giàu có trong sương mù pháp lý mơ hồ. 

Trung tâm của tất cả là các thiên đường thuế, chẳng hạn như Quần đảo Cook, Quần đảo Virgin thuộc Anh và Jersey, có thể hoạt động như thiên đường của những kẻ buôn lậu. Những người giàu có và bất chính để tiền của họ ở đó để bảo vệ, nhưng cũng để trốn tránh các quy tắc, luật và thuế mà họ không thích.

Sự giàu có được nắm giữ trong các thiên đường thuế thật đáng kinh ngạc: Ước tính số tiền đang tích trữ tại đây dao động từ 6 nghìn tỷ USD đến 36 nghìn tỷ USD. Và một số thiên đường thuế gần hơn nhiều so với mọi người tưởng tượng.

Mỹ, với các công ty vỏ bọc ở Delaware mờ ám và quỹ tín thác ở Nam Dakota, từ lâu đã trở thành một phần quan trọng của hệ thống bí mật. Một nhóm các quốc gia châu Âu, bao gồm Luxembourg, Ireland và Thụy Sĩ, cung cấp một loạt các lựa chọn phong phú khác. Tất nhiên, châu Á có Hong Kong và Singapore. 

Nhưng mạng lưới của Anh chắc chắn là lớn nhất. Chỉ số Bảo mật Tài chính của Tax Justice Network, một bảng xếp hạng các thiên đường thuế, cho thấy rằng Anh và “mạng lưới” của các quần đảo ngoài khơi sẽ xếp hạng đầu tiên. Hơn 2/3 trong số 956 công ty mà Pandora Papers liên kết với các quan chức nhà nước được thành lập ở Quần đảo Virgin thuộc Anh.


Vợ chồng cựu Thủ tướng Anh Tony Blair có tên trong Hồ sơ Pandora. Ảnh: Panamatimes

Hiện thực và thách thức

Trung tâm của quá trình này là thành phố London. Thông qua niêm yết thị trường chứng khoán quốc tế, giao dịch tiền tệ, phát hành trái phiếu và hơn thế nữa, thành phố này xử lý hoạt động tài chính hoàn hảo đáng nể từ khắp nơi trên thế giới. Nhưng nó cũng là trung tâm đầu não chính của hệ thống hải ngoại toàn cầu đen tối hơn, nơi cất giấu và bảo vệ của cải bị đánh cắp của thế giới.

Từng là trái tim tài chính của Vương Quốc Anh, London đã tự tân trang lại mình để trở thành cầu nối cho các nguồn tài sản quốc tế đủ thể loại. Đặc biệt, trong bối cảnh phi thực dân hóa, Ngân hàng Trung ương Anh chấp thuận để nước này đăng cai tổ chức thị trường Eurodollar mới. Đây là một không gian hải ngoại gần như không được kiểm soát và có lợi nhuận cao, tách biệt với nền kinh tế Anh, nơi các ngân hàng nước ngoài, chủ yếu là người Mỹ, có thể làm những điều họ không thể ở nhà.

Vào những năm 1970, thị trường đang phát triển nhanh chóng này bắt đầu kết hợp với các thiên đường thuế của Anh và những nơi khác, thành một mạng lưới toàn cầu liền mạch. Các thiên đường của Anh kể từ đó đã hoạt động như bến đỗ cho các hoạt động tài chính đa dạng từ khắp nơi trên thế giới, kể cả có hợp pháp hay không.

Song song với nhau, cả hai đã gây ra những thiệt hại không thể kể xiết. Doanh thu từ thuế bị thất thoát thật đáng kinh ngạc: Các tập đoàn sử dụng các thiên đường thuế để trốn nộp khoản tiền ước tính từ 245 tỷ đến 600 tỷ USD mỗi năm. Mà một thỏa thuận toàn cầu mới về mức thuế doanh nghiệp tối thiểu 15% sẽ hạn chế những thiệt hại đó. Các cá nhân cũng tích trữ một khoản tiền lớn không nộp thuế.

Nhưng thuế chỉ là một phần của câu chuyện. Trò chơi lừa dối toàn cầu, được thực hiện trong nhiều thập kỷ bởi những người giàu có và những người có sức ảnh hưởng và vai vế lớn tại London, đã làm xói mòn pháp quyền và tước đi lòng tin của người dân đối với hệ thống.

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đã làm bộc lộ sự thái quá của hệ thống tài chính, và thế giới đã có một số nỗ lực cải cách.

“Lỗ hổng ở London”, như cách gọi của chủ tịch cơ quan quản lý Mỹ Gary Gensler, đã được khắc phục. Nhưng giờ đây, khi ký ức về khủng hoảng mờ đi và Brexit bắt đầu tàn phá, nền nghệ thuật đen tối của thành phố dường như đang được hồi sinh. “Một chương mới cho các dịch vụ tài chính”, một tài liệu hướng dẫn quan trọng được xuất bản vào tháng 7 tiết lộ về một sự quay trở lại của một thời kỳ dễ dãi hơn. Một lần nữa, một trung tâm tài chính quá cạnh tranh cũng để lại những di chứng với các vấn đề bất bình đẳng khu vực, một nền kinh tế mất cân bằng, năng suất suy giảm, đầu tư đình trệ, lạm phát giá tài sản và tham nhũng chính trị. 

Với nước Anh, dù có thiếu lương thực hay năng lượng, họ vẫn có thể gánh một thành phố “quá khổ”, nhưng thế giới mới là những người phải chịu đựng nhiều nhất. Đối với các doanh nhân mờ ám và các nhà lãnh đạo chính trị lâu năm, hệ sinh thái hải ngoại cung cấp một bức màn hoàn hảo che giấu sự giàu có và tránh bị trừng phạt lẫn đóng thuế. Hệ thống này đảm bảo rằng sự thịnh vượng vẫn nằm trong tay của số ít người, thường không thể truy vết cũng như quy trách nhiệm.

Để lật ngược tình trạng bất bình đẳng và bất công, đặc biệt trong thời kỳ khủng hoảng của đại dịch, chúng ta sẽ phải thẳng thắn đối mặt với những thiên đường thuế này.

Hoàng Việt



















Không có nhận xét nào:

CHÀO MỪNG QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU SÓC TRĂNG THAM QUAN, ỦNG HỘ HOANGDIEUTRUONGXUASAIGON.BLOGSPOT.COM. CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM NHIỀU SỨC KHỎE, THÀNH CÔNG TRONG CÔNG VIỆC.