Huế của tôi buồn lắm, một thành phố buồn nhất hành tinh,những ngày mưa bão kéo dài cả tháng úng trời úng đất không nói làm gì sao vẫn buồn cả những ngày nắng hạ chói chang và phượng đỏ rực rỡ như màu môi thiếu phụ. Thành phố lúc nào như cũng đắm chìm trong hồi ức vàng son và trong quá khứ nhạt nhòa rêu phủ...
Nhưng bây giờ là mùa xuân, những hoa cúc Đại Đóa nở vàng rực trong vườn ông ngoại, Đăng Tâm nói:
– Đăng Tâm thích màu vàng dễ sợ.
Tôi cười:
– Đó là màu bội bạc.
Đăng Tâm mím môi để lộ hai hạt gạo lún sâu hai bên khóe miệng:
– Ai nói? Màu vàng thật sự là màu cô độc kiêu sa nên dễ bị hiểu lầm là bội bạc.
Bao giờ tôi cũng chịu thua Đăng Tâm để được nhìn nụ cười cô rạng rỡ:
– Đăng Tâm nói đúng, màu cô độc kiêu sa.
Đăng Tâm đốt xong mớ giấy tiền vàng bạc dưới chân trang thờ và rải gạo muối chung quanh... Những con chim se sẻ từ đâu sà tới, ríu ra ríu rít tranh nhau nhặt gạo. Đăng Tâm luôn được bà ngoại phân công việc cúng cô hồn trong những ngày rằm, mùng 1... Ông ngoại không thích điều này vì cho rằng bà ngoại hối lộ cô hồn các đảng bằng cô cháu cưng xinh đẹp để mưu cầu lợi ích cho đại gia đình. Ông ngoại giận dữ khi bà ngoại bày cho Đăng Tâm khấn vái cầu xin cô hồn các đảng cho cả nhà mạnh khỏe, bình an... Bà ngoại phải vuốt giận bằng cách khi Đăng Tâm đi ra vườn cúng vào những chiều chạng vạng thì bị bôi lên mặt mấy vết lọ nghẹ và có tôi đi theo hộ tống.
Không một khu vườn nào ở Huế mà không có một trang thờ leo lét ngọn đèn dầu hiu hắt. Huế trải qua bao nhiêu tang thương biến động trong những cuộc chiến, bao nhiêu người chết oan chết ức, bao nhiêu đền đài đổ nát tan hoang. Nhà ông ngoại đã nhiều lần tan nát vì bom đạn nhưng lần nào ông ngoại cũng xây lại với nguyên bản cũ: Một ngôi nhà rường 3 gian 2 chái, khuất sau 1 bình phong cổ kính với chiếc hồ bán nguyệt thả sen thả súng cho cô cháu nội cưng Đăng Tâm rửa chân... Cây Ngô Đồng cao rủ bóng thỉnh thoảng rơi vài chiếc lá xuống hồ làm bầy cá quẫy lao xao.
Đăng Tâm đọc:
– Ngô Đồng nhất diệp lạc
Thiên hạ cộng tri thu.
Tôi lắc đầu:
– Ngô Đồng nhất lạc diệp
Thiên hạ cộng tri xuân.
Đăng Tâm cười:
– Tấn thông minh dễ sợ... Nhất lạc diệp... 1 chiếc lá reo vui đón mùa xuân đang tới.
Đăng Tâm luôn đem niềm vui cho người khác và cô gặt lại cho mình những mùa buồn đau.
Đăng Tâm rủ:
– Lên Điện Hòn Chén xin xăm đi Tấn. Rủ con Tò He luôn để nó chèo thuyền.Trốn đi chớ bà nội bắt Đăng Tâm vô chia bài tứ sắc bây giờ.
Tôi chọc:
– Nhưng ở nhà có nhiều tiền lì xì hơn. Và chút nữa bác Tạo sẽ dẫn anh con trai bác sĩ ở Mỹ về tới giới thiệu cho Đăng Tâm đó.
Đăng Tâm đỏ hồng hai má:
– Đăng Tâm còn nhỏ mà.
– Bác Tạo sẽ mang gạo tới để nuôi Đăng Tâm thêm vài năm nữa.
Đăng Tâm hét lên bỏ chạy vô nhà:
– Tấn còn nói nữa thì Đăng Tâm nghỉ chơi với Tấn đó.
Tôi đã nhìn thấy con bác Tạo sau mười mấy năm không gặp, anh chàng bác sĩ cao ráo đẹp trai... tôi hình dung Đăng Tâm đứng cạnh anh ta, đôi mắt phượng ngơ ngác nhìn anh ta đầy ngưỡng mộ, nụ cười xinh xắn dành cho anh ta tươi tắn dễ thương, bàn tay bé nhỏ mềm mại nằm trong tay anh ta dịu dàng tin cậy... Tôi ghét Đăng Tâm rồi. Người luôn yêu cái màu vàng phản bội. Tôi ghét cái thành phố buồn thỉu buồn thiu này làm người ta đi để mà nhớ chớ không phải là ở để mà thương…
Nhưng tôi đâu dễ dàng bỏ cuộc, Đăng Tâm là của tôi từ nhỏ, chúng tôi là anh em cô cậu, không ai có thể bắt Đăng Tâm của tôi. Tôi tìm con Tò He, con nhóc em họ khác, rất thông minh, lanh chanh như hành không muối và luôn coi tôi như thần tượng.
– Mi tìm cách chia rẻ Đăng Tâm với Phước cho tao.
Tò He le cái lưỡi dài nhọn hoắc (thỉnh thoảng nó lại biểu diễn liếm lổ mũi cho bọn tôi coi):
– Em không làm mô, bà ngoại cạo đầu em đó. Bà ngoại nói anh Phước ở Mỹ về mà hiền hậu dễ thương, chị Đăng Tâm khù khờ lấy anh nớ thì không sợ bị ăn hiếp. Mà răng anh ghét anh Phước rứa?
– Mắc chi mà tao ghét Phước, nhưng tao không thích Đăng Tâm lấy chồng.
Tò He nhìn tôi, con mắt nó đọng đầy xót xa:
– Anh thương chị Đăng Tâm hả anh? Mình bà con với nhau mà.
Tôi cáu kỉnh:
– Đồ con nít nhiều chuyện, tao không muốn Đăng Tâm lấy chồng, mà tao cũng không thèm lấy vợ.
Tò He nhíu mày thương cảm:
– Anh nói cũng đúng, ai mà thèm lấy anh!
Phản xạ của Tò He nhanh hơn con sóc nếu không nó đã bị 1 cái bạt tai, nó mở to hai con mắt nâu khờ khạo hỏi:
– Rứa răng anh không nói với chị Đăng Tâm?
– Chưa thấy ai ngu như mi, nói thì Đăng Tâm sẽ cho là tao ganh tị.
– Được rồi, em hiểu, nhưng em lấy lý do chi để chia uyên rẽ thúy trong khi anh Phước thông minh giàu có đẹp trai phong độ…
Mỗi cái đức tính của Phước mà Tò He nêu ra như một mũi dao cứa vô trái tim tôi vì tôi thấy quá chính xác, mình không thể nào bì được. Nhưng biết tẩy Tò He lậm nặng những điển tích cũ hoắc cũ huơ mà bà ngoại cứ bắt võng dưới gốc cây vãi thiều ầu ơ ngâm nga ru nó ngủ ngày xưa...
À, nếu mi muốn nghe những câu chuyện lâm ly thì sẽ được nghe những chương hồi bi ai rơi nước mắt.
– Tò He, nghe anh nói đây, anh và Đăng Tâm là thanh mai trúc mã, anh không muốn Đăng Tâm đi lấy chồng xa... chim kêu vượn hú biết nhà mình mô... Anh không muốn bọn anh biến thành uyên ương gãy cánh mõi mòn mà chết!
Tò He hứ một tiếng bắt chước y bà ngoại:
– Rứa mà anh dám nói anh không thương chị Đăng Tâm!
Rồi nó chép miệng cũng y bà ngoại:
– Thôi được, để coi.
Tôi căn dặn:
– Tò He phải hứa danh dự là không được nói với ai.
– Dĩ nhiên rồi, nói thì anh cũng chẳng bị chi mô, bà ngoại cưng anh như vàng ngọc, còn em thì bị bà ngoại cạo đầu... Ủa, nhưng mà em được lợi chi trong việc ni?
Tôi mừng rỡ, biết nó thuộc lòng văn chương thi phú, tôi đốc khứa:
– Quân tử thi ân bất cầu báo, nhưng anh sẽ biết ơn Tò He cho tới mấy kiếp luôn!
Tò He nguýt:
– Thôi thôi, nói rứa chớ em không hứa chi hết đó nghe.
Tôi nịnh nọt:
– Biết rồi, nhưng một lời em nói là Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy!
Tò He lại nguýt, con mắt có cái đuôi ngoe ngoe nguẩy nguẩy.
Bà ngoại giận điên lên khi người Phước đòi cưới là Tò He chớ không phải Đăng Tâm. Trời có sập xuống bà ngoại cũng không tin nỗi là Phước từ chối cô cháu nội cưng tiểu thơ khuê các để chọn 1 cô cháu ngoại, cũng tiểu thơ nhưng khá Lọ Lem.Cuối cùng bà ngoại chép miệng nhủ thầm: Thôi mấy cái hủ mắm treo đầu giàn ai rước hủ nào thì mừng hủ đó!
Ba má Phước khuyên lên khuyên xuống, bà con giòng họ nói tới nói lui, bạn bè bàn qua bàn lại... bởi vì nếu đặt lên cân đo đong đếm thì Tò He nhẹ hổng. Nhưng từ nhỏ tới lớn Phước đã nổi danh là con cua ngang ngạnh đâu dễ gì ai thuyết phục. Hơn thế nữa, Phước thành đạt ở Mỹ mà chịu về Viêt Nam lấy vợ con nhà đàng hoàng do gia đình chọn chứ không dính 1 cô Mỹ, cô Mễ nào đó thì cũng thiệt là đại phước, cũng làm nguôi ngoai cơn giận của cả nhà. Thế là mâm bưng quả rước, Tò He ngang xương trở thành bà bác sĩ dù chỉ mới học lớp 12. Đã nói con gái học chi cho lắm, muốn được gọi là bà bác sĩ thì cứ lấy 1 ông bác sĩ; muốn được gọi là bà giáo sư thì cứ lấy 1 ông giáo sư; muốn được gọi là bà kỹ sư thì chỉ việc lấy 1 ông cư sĩ, ủa quên, 1 ông kỹ sư!
Trong thiệp hồng không đề tên Tò He Tò Hiếc, cô là Hoàng thị Cát Tường, cái tên và con người của cô luôn đem tới niềm may mắn cho người đối diện.
Không ai biết bà ngoại đã âm thầm tự trấn an, ai cũng tưởng bà ngoại buồn giận nên không cho Tò He đến gần bà ngoại. Cho đến khi bà ngoại gọi Tò He vào phòng khóa cửa, ai cũng xanh mặt tái mày lo sợ. Tôi và Đăng Tâm túc trực ở ngoài, chỉ sợ bà ngoại... bức tử Tò He, bắt nó uống thuốc độc hay thắt cổ bằng 1 dãi lụa trắng như trong kinh điển. Nghe tôi nói, Đăng Tâm tái xanh tái mét gõ cửa dồn dập, bà ngoại nạt:
– Đứa mô ồn rứa.
– Đăng Tâm đây bà nội ơi!
– Vô biểu.
Cửa phòng mở hé, Đăng Tâm bước vô, tôi lò dò đi theo:
– Thằng quỷ nhỏ vô luôn đi, khi mô cũng tò tò đi theo con gái như cái đuôi.
Tôi vội vàng nhìn Tò He, nó vẫn tươi tắn chỉ có mấy giọt nước mắt trong veo còn trên má, tôi thở phào nhẹ nhỏm khi nhìn quanh không thấy ly thuốc độc lẫn dãi lụa nào.
Bà ngoại hỏi:
– Bọn mi cần chi mà gấp gáp rứa. Tao đang dạy con Tò He bổn phận làm dâu làm vợ. Tao không muốn về đó họ chưởi nhà mình vô phước!
Tôi lanh chanh:
– Đăng Tâm sợ bà ngoại bức tử Tò He!
– Thằng quỷ, răng mi cứ nhồi vô cái đầu con ngu nớ mấy cái điều bậy bạ?
Đăng Tâm suốt đời là 1 con nhóc khờ khạo hiền thục không giận hờn ai bao giờ:
– Con sợ thiệt mà bà nội. Rứa là bà nội tha cho Tò He cái tội giựt chồng của con.
Bà ngoại phì cười:
– Chồng mổng chổng mông.
Rồi chép miệng, bày tỏ nhân sinh quan rất hiện đại:
– Tình yêu biết răng mà nói cho ngạ! Tò He có lỗi chi mô khi cái thằng bác sĩ khù khờ nớ thương yêu và muốn rước hắn về thờ?
Tôi lại thở phào, mùa xuân này Tò He lên thuyền hoa (Đăng Tâm đã thiết kế ý tưởng đó, thuyền hoa xuất phát từ bến sông Như Ý trước nhà, xuôi về Vỹ Dạ, cập vào Cồn Hến.. ăn chè bắp rồi chụp hình cưới nhìn nắng hàng cau nắng mới lên...)
Không còn ai vét cho tôi lớp mứt gừng cháy thơm phức đáy nồi, không còn ai lột giùm tôi lớp lá bánh tét cho khỏi dơ tay... Từ khi Tò He đi theo chồng, tôi bỗng dưng mất mát quá nhiều lợi ích!
Còn Đăng Tâm, nhóc em họ làm tôi điêu đứng suốt tuổi học trò vẫn luôn là 1 con bé sống ở trên mây... Nhiều năm sau gặp lại,nó đã là 1 ni sư đáng kính nhưng tôi cũng vẫn bâng khuâng như cũ... Nếu bà ngoại còn sống, bà ngoại sẽ nạt: “Thằng quỷ, khi mô mi mới chịu lớn khôn?!”
Nhưng bà ngoại mất lâu lắm rồi, chiều nay, một mình tôi lang thang trên đồi Forest Lawn lộng gió, những ngôi mộ ẩn chìm dưới cỏ, tôi đốt một nén nhang thơm bái vọng quê nhà...
Quê nhà yêu dấu của tôi.
TÔN NỮ THU DUNG
CHỞ CỦI ĐI ĐÂU
Thằng hít Xăng
Từ tờ mờ sáng cho đến khi bóng hoàng hôn phủ trùm lên ngọn núi Đá Chẻ, chen chúc những tảng đá lô nhô đầy góc cạnh. Tiếng búa nện vào dụng cụ chẻ đá vang lên không ngừng. Dưới chân núi, những đống đá chẻ vuông vức được sắp thành chồng chờ xe tải đến chuyển về các công trường xây dựng.
Núi Ðá Chẻ có tên nguyên thủy là núi Bìn-Nin, 1 di sản của dòng họ Phan Quang từ thời ông cố tạo mãi. Núi trấn sau lưng một quần thể đại gia cư qua nhiều đời. Phía trước mặt là dòng sông trong xanh lững lờ uốn khúc. Nà bắp, nà dưa xanh tăm tắp chạy dọc bờ sông gió lộng quanh năm. Con đường làng bò quanh chân núi như dải đăng-ten viền quanh cổ áo của người thiếu nữ. Từ chân núi, cánh đồng lúa trải dài chệch về hướng bắc như hai tà áo phất phơ theo từng cơn gió nồm. Chiếc áo mang màu xanh khi lúa đang thì con gái. Ðến mùa lúa chín cánh đồng lại thay áo màu vàng.
Bìn Nin là một hòn núi cây cối um tùm. Những cây đa cổ thụ 5-6 người ôm không xuể tỏa bóng rợp cả một vùng. Ðủ các loại chim muông tề tựu về đây hót vang bốn mùa. Những năm tháng chưa có bôm đạn, từng bầy khỉ chuyền cành ăn các loại trái cây chín tới. Thỉnh thoảng chúng ra tận bờ sông đào khoai lang, đậu phụng. Khỉ biết cách quấn dây lang quanh bụng rồi nhét củ khoai vào lưng mang đi. Ðám học trò mỗi lần đi ngang qua núi thường trốn trong bụi rậm để rình xem bọn khỉ bắt chước loài người. Khi con khỉ đầu đàn phát giác có người là bốn chân nó nhảy lên như con choi choi, miệng kêu khọt khẹt báo động. Rồi cả bầy gọi nhau chí chóe chạy trốn vào núi. Ðến giai đoạn chiến tranh khốc liệt, loài khỉ bỏ núi Bìn-Nin tìm lên núi cao sinh sống.
Sau 1975, núi Bìn-Nin trở thành tài sản của nhà nước. “Cha chung không ai khóc” thiếu người bảo quản.Từ cán bộ đến dân mặc sức thi nhau đốn sạch cây cối làm củi. Cán bộ kiểm lâm đón ngã nầy thì họ lách đi lối khác. Nếu bắt gặp thì có “Bác” đỡ đòn. Chỉ mất vài năm là không còn một cây con nào lớn lên kịp. Núi chỉ còn trơ lại toàn đá. Ðá lúc nhúc, lục cục đủ cỡ.
Những tảng đá lớn đơn độc như loài voi đen đúa bám đầy rong rêu nằm phủ phục hàng trăm năm dưới bóng râm của cây rừng giờ đây chúng phơi mình dưới ánh nắng chói chang. Từng chồng đá cao dềnh dàng như tháp đỉnh đứng chênh vênh dưới bầu trời mông quạnh.
Núi không còn cây cối, mùa nắng cánh đồng thiếu nước khô hạn thường xuyên. Mùa mưa lúa chìm trong biển nước. Mất mùa liên tục, dân làng thiếu ăn. Ðói, đầu gối hay bò... dân chúng ùa nhau lên núi chẻ đá kiếm tiền mua thực phẩm. Thấy nghề không vốn, các nơi khác cũng đổ xô đến núi Bìn Nin chẻ đá kiếm sống.
Chính quyền xã phát hiện dân xâm chiếm tài sản của nhà nước bèn cho lực lượng an ninh địa phương tịch thu hết số đá đã chẻ. Biết đây là nguồn lợi tức trời cho, chính quyền bèn thành lập “Hợp tác xã Chẻ đá”. Người nào muốn tham gia chẻ đá phải ghi tên gia nhập làm xã viên với điều kiện ăn chia tứ lục. Cứ chẻ được 10 viên đá là hợp tác xã lấy 4 viên còn lại 6 viên dành cho xã viên. Ủy ban xã độc quyền mua bán trao đổi với các xí nghiệp xây dựng. Ðá của xã viên được Hợp tác xã mua lại với giá quy định.
Từ đó núi Bìn-Nin trở thành núi Ðá Chẻ và làng Diên Thọ thành làng Ðá Chẻ.
Anh Mẹo là một xã viên Hợp tác xã Ðá chẻ có kinh nghiệm lâu năm nên được cấp trên đề bạt làm tổ trưởng Kỹ thuật. Vợ Mẹo là một phụ nữ sinh ra và lớn lên tại làng Ðá Chẻ nhan sắc mặn mà lại cần cù lao động. Một sào ruộng lúa nước và trăm thước vuông đất canh tác của xã phân chia cho gia đình, chị lo quán xuyến không cần đến bàn tay chồng. Chị còn cắt lúa lấy công điểm, đi cấy đổi công. Ðứa con trai duy nhất của chị được bà mẹ chồng lo chăm sóc hàng ngày. Dù cuộc sống không sung túc gì, nhưng có đồng ra đồng vào nhờ tiền bán đá chẻ.
*****
Ðã 2 ngày qua, cơn mưa dầm đầu mùa cứ rả rích suốt đêm. Từng cơn gió mạnh của cơn bão đến sớm làm ngã rạp những đám mía non chưa đủ độ đường, quật gãy những nà bắp trái chưa tượng hột. Cánh đồng lúa vừa chín tới, nước ngập lai láng. Thế là mùa màng mất sạch, người người đều lo lắng cho những ngày tháng sắp tới.
Sáng nay, cơn mưa dầm bỗng dưng ngưng hẳn, ánh sao mai ló dạng cuối chân trời. Vợ chồng Mẹo thức dậy lúc màn sương còn phủ kín cả dòng sông. Họ chuẩn bị phần cơm trưa, vợ mang ra đồng, chồng mang lên núi.
Khi Mẹo đến khu đá chẻ, các xã viên đã bắt đầu làm việc. Tiếng búa nện vào đá vang lên những âm thanh khô khốc đơn điệu như bản hợp tấu của loài vạc sành đua nhau vỗ cánh về đêm. Mồ hôi và nước mắt của người thợ chẻ đá đã đổ ra thấm vào lòng đá để đổi lấy chén cơm trong ngày. Mùa hè, tấm lưng trần của người thợ phơi dưới cơn nắng đốt cháy da. Mùa đông, họ vẫn lấy lưng chống lại với những cơn mưa tầm tã. Một ngày làm việc, đôi chân tê dại, đôi tay rã rời.
Khi trời sụp tối, họ còn phải chuyển đá từ trên cao xuống chân núi chất thành đống chờ cán bộ họp tác đến nghiệm thu.
Mẹo dạo qua một lượt quanh khu vực của tổ làm việc mà anh phụ trách rồi trở lại tảng đá của anh đã đục xong hai hàng lỗ. Anh đóng mũi chạm thọc sâu vào thân đá bằng chiếc búa tạ để đường nứt theo ý định của mình. Bỗng, tiếng động ầm ầm như loài voi di chuyển. Mẹo quay đầu nhìn lên phát hiện một tảng đá khổng lồ từ trên đỉnh cao vùn vụt lao xuống núi. Bao nhiêu người chạy tán loạn. Mẹo vừa đứng lên định phóng người qua một bên, nhưng không còn kịp nữa. Dưới sức nặng hàng tấn của tảng đá lăn qua, thân thể anh Mẹo bẹp rúm nát nhầy. Máu thịt loang đầy cả tảng đá anh đang chẻ.
Mẹo chết để lại người vợ trẻ, đứa con trai và mẹ già 60 tuổi. Bao nỗi khó khăn dồn dập đổ lên gia đình chị Mẹo. Một sào ruộng khô cằn, trăm thước đất trồng bắp không đủ nuôi 3 miệng ăn. Lợi dụng thời gian rảnh rỗi khi mùa vụ làm xong, mỗi sáng sớm chị Mẹo đạp xe xuống thị xã gánh nước thuê. Ðến cuối ngày, trời tối mịt chị lại đạp xe về nhà với túi gạo, bó rau và chai mắm trên ba-ga xe.
Lần hồi chị Mẹo phải ở lại thị xã gánh nước đêm đến cuối tuần mới đem thực phẩm về cho mẹ chồng nuôi cháu nội. Càng ngày chị Mẹo về nhà thăm con càng thưa dần cho đến lúc người ta không còn thấy bóng dáng chị nữa. Khi dân làng xì xầm rằng anh đội trưởng hợp tác xã đá chẻ đã dẫn chị Mẹo vào Long Khánh xây tổ uyên ương, thì 2 bà cháu ôm nhau gào khóc tưởng chừng như con trai bà chết lần thứ hai.
Mẹ anh Mẹo không đủ sức làm sào ruộng đành trả lại cho Hợp tác xã nông nghiệp. Ðể kiếm tiền mua gạo bà bắt chước lối xóm đặt vài chai xăng trước ngõ bán cho xe máy nổ qua lại trên đường đi thị xã. Thằng Ni con anh Mẹo không có tiền đóng phụ phí học đường. Nó đành bỏ học lo giúp bà nội mua bán xăng với vài vỏ chai serum đựng xăng đặt trên chiếc ghế đẩu. Dù thân thể gầy còm của tuổi lên 12 mà thằng Ni phải làm cái việc khuân đá chẻ nặng nhọc, lăn từ trên cao xuống chân núi từng viên đá sắc cạnh chất thành đống bên đường để có chút ít tiền công phụ cho nội nó. Thằng Ni còn phải giành mối, luồn lách mua xăng từ các bác tài xế bộ đội hay xe tải cho nội nó bán. Nhờ vậy mà bà cháu có đủ tiền mua gạo mắm nuôi sống qua ngày.
Vì tiếp xúc thường xuyên với hơi xăng từ nhỏ, thằng Ni bắt đầu ghiền mùi xăng. Một ngày không ngửi được mùi xăng là nó ngơ ngơ ngẩn ngẩn như người lảng trí. Nó ghiền mùi xăng như ghiền thuốc phiện.
Khi con đường chạy vòng qua núi Ðá Chẻ được mở qua hướng khác tiện lợi hơn, thì đoạn đường đi qua làng Ðá Chẻ vắng hẳn xe qua lại. Những chai xăng không còn xuất hiện bên lề đường. Bà nội của Ni dẹp nghề bán xăng và Ni không còn xăng để hít. Nó bắt đầu lang thang đến đoạn đường mới đứng chờ chực chỗ bán xăng khi nào có xe ghé vào đổ xăng là nó nhào tới hít lấy hít để. Khi đã cơn ghiền nó nhe răng cười, một nụ cười vô hồn khiến người ta sợ hãi. Những lúc cơn ghiền nổi lên nó lén mở cả nắp xăng xe Honda để hít. Không may bị chủ xe bắt gặp, tưởng nó lấy trộm nắp xăng là bị đòn nhừ tử. Cái tên Ni cúng cơm được thay bằng “Thằng Hít Xăng” từ đó.
Thằng Hít Xăng vừa tròn 16 tuổi mà đã mang dáng nét đàn ông, vai u thịt bắp. Ai sai việc gì nó cũng làm chẳng nề hà nặng nhọc chỉ cần có cơm ngày 3 bữa và có xăng cho nó hít. Ngày ngày nó tiến dần ra thị xã kiếm ăn quên cả bà nội ở dưới quê, và quên luôn người mẹ đã bỏ nó theo chồng mới.
Một hôm nó gặp người congái lai Lào hơn nó 2 tuổi con ông Ba Lới, 1 cán bộ miền Bắc công tác tại Luâng-bra-bang một tỉnh lỵ của nước Ai Lao hồi hương về Việt Nam sau năm 1975. Ông Ba ăn lương hưu, hưởng tiêu chuẩn nhà ở do nhà nước cấp. Căn nhà tọa lạc gần quốc lộ ở vùng ngoại ô thị tứ. Con bé phát triển rất nhanh về thể xác, còn trí tuệ lại trì độn không theo kịp với tuổi đời. Vì vậy mà việc học hành dở dang. Dù tiếng Việt nó nói thành thạo nhờ sống chung với cộng đồng Việt kiều ở Lào, nhưng vẫn không hòa đồng được với đám bạn láng giềng của nó cùng lứa ở quê.
Lúc nó mới lên 12 tuổi mà đã rủ rê đám nhóc con trai làm tình với nó. Quờ quạng chẳng được gì, lũ nhóc bị nó đánh bầm cả mặt. Nó lại kéo những thằng cỡ tuổi lớn hơn ban đêm ra bãi cát ven sông. Cuối cùng, cũng bị nó cào cấu chửi mắng đuổi đi. Bố nó biết được cấm cửa không cho nó ra ngoài. Ðêm nào hàng xóm cũng nghe tiếng nó gào thét, đập phá đồ đạc trong nhà.
Năm 17 tuổi nó đã lê la đến các quán cà phê, quán phở. Chỉ cần 1 ly nước, tô mì là mấy tay thanh niên có thể dẫn nó đi đâu cũng được. Nó thú thật, ngày nào mà thiếu đàn ông thì cả ngày rạo rực, bứt rứt đến độ nổi cơn điên. Nghe đâu bố nó nhờ đến bác sĩ chích thuốc điều trị để quân bình 2 loại hoóc-môn nam và nữ nhưng đâu cũng vào đấy.
Con bé bỏ nhà sống lang thang từ ngày bệnh viện trị liệu bằng giải phẩu mà không thành công. Bố nó chán nản, buồn bực bỏ cuộc. Con bé lại đi rông vào các quán ăn gạ gẫm đám khách đàn ông. Ðã mấy năm nay, dân vùng nầy quen tai, quen mắt xem nó như một con bé bệnh hoạn điên khùng nên ít người để ý tới nữa.
Từ ngày gặp thằng Hít Xăng, con nhỏ lai Lào hình như đã chịu đèn. Ðêm nào nó cũng kéo thằng Hít Xăng ra ngoài bờ sông ôm nhau ngủ trên bãi cát. Bố nó quyết định dẫn 2 đứa về nhà vừa hợp tình hợp cảnh mà chẳng tốn kém gì. Chỉ cần thêm chén, thêm đũa trong 3 bữa ăn và chai xăng thường trực trong nhà là tránh được tai tiếng cho ông. Thằng Hít Xăng ăn uống đầy đủ lại có áo quần lành lặn trông nó chững chạc và có phần sáng sủa ra. Nó có sức mạnh và siêng năng nên được nhiều người mướn làm công việc khuân vác bỏ hàng hóa cho con buôn và làm cả việc nặng nhọc khác trong nhà, cũng như ngoài đồng.
Năm 17 tuổi, một dịp may đến, thằng Hít Xăng được một quả phụ giàu có ở thị xã mướn ở trong nhà để đạp xích lô chở bà đi giao dịch công việc làm ăn hàng ngày. Ðược bà chủ sắm cho quần áo mới trông nó cũng ra dáng lắm. Nó vừa giữ nhiệm vụ đưa rước vừa xách cặp theo sau hầu cận bà chủ.
Sau một ngày đi đó đi đây liên hệ các cơ quan, các xí nghiệp, bà chủ thật sự mệt mỏi. Tối về, lưng đau nhừ, tay chân rời rã bà sai thằng Hít Xăng tắm rửa sạch sẽ vào phòng tẩm quất cho bà. Nó chẳng biết gì về cái chuyện đấm bóp. Khờ khạo, lạng quạng một hồi lâu khiến thêm nhức mình nhức mẩy, bà chủ bực mình hét toáng lên. Những lần sau bà phải hướng dẫn nó từng chi tiết chỗ nào trên thân thể cần đấm mạnh tay, chỗ nào chỉ cần bóp nhẹ. Ðôi bàn tay khỏe mạnh, thằng Hít Xăng lần lượt nắn bóp từng sớ thịt trên đôi chân đầy đặn, trên đôi cánh tay tròn lẳn rồi qua chiếc lưng trần múp rụp. Nó thảng thốt nghĩ thầm: Sao da bà chủ trắng đến thế! Quả thật nó chưa bao giờ được thấy một màu da mịn màng trắng như cơm trái dừa non. Lưng bà nội nó thì bày cả xương vai, xương sườn, da già nhăn nheo, tái nhợt. Con lai Lào thì da dẻ tối sầm khô khốc.
Ðôi bàn tay thằng Hít Xăng cứ xoa nhẹ trên làn da lưng êm ái của bà chủ trong nỗi nhớ mông lung về màu da mát mịn của bầu vú mẹ mình thuở nào. Thằng Hít Xăng đã vô tình gây kích thích cho bà chủ. Chồng chết đã lâu, hôm nay mới có bàn tay đàn ông sờ nắn trên thân thể mình đã đánh thức sự ham muốn của bà. Không kìm chế nổi, bất ngờ bà lật người lại rịt đầu thằng Hít Xăng siết mạnh vào bộ ngực đồ sộ của mình.
Có phải do hơi xăng tác động vào cơ thể khiến cho thần kinh thằng Hít Xăng chai lỳ và dẻo dai. Ðặc biệt hơn cả là “cái dương vật khác thường” của nó mà sau nầy người ta biết được đã ví nó như nhân vật Lao Ái của Trung Hoa thời xưa. Bà chủ đã qua 2 đời chồng cao sang danh vọng nhưng chưa bao giờ đạt được cơn khoái cảm tột đỉnh của người đàn bà. Giờ đây dù là đứa nghèo hèn, thằng Hít Xăng đã cho bà hưởng được cái cảm giác đặc biệt của tạo hóa ban cho nữ giới. Và từ đó đêm nào thằng Hít Xăng cũng phải làm cái công việc đấm bóp và thỉnh thoảng được ngủ luôn trong phòng bà chủ.
Dù to con lớn xác của cái tuổi 18 đôi mươi, nhưng đầu óc nó không phát triển đồng bộ. Cái tính ngây thơ trẻ con vẫn còn, vì vậy mà nó đi khoe với bạn bè chuyện của nó được ngủ trong cái phòng thơm tho của bà chủ.
Các mệnh phụ phu nhân dưới thời "kinh tế thị trường kiêm định hướng xã hội chủ nghĩa "mỗi ngày mỗi phát giàu nhanh lại càng đua đòi hưởng thụ để bù lại những ngày đói khổ. Các đấng phu quân là cán bộ gộc lo lập “phòng nhì” thích “cỏ non” bỏ quên vợ già khiến mấy bà hận tình, hận đời thề quyết nổi loạn cho khỏi uổng phí cuộc đời.
Bà chủ xích lô rất sành tâm lý nên biết tỏng tòng tong cái thói rạo rực của các mệnh phụ kia. Vốn là dân chạy mánh, bà chủ lợi dụng thằng Hít Xăng làm vật trao đổi với mấy bà vợ của các ông chồng ty trưởng, sở trưởng, tổng giám đốc công ty quốc doanh trong công việc đấu thầu, gởi gắm, mối lái tuyển dụng nhân viên... Quý bà âm thầm giới thiệu thay nhau giữ rịt thằng Hít Xăng trong nhà. Cây kim trong vỏ bọc lâu ngày cũng phải xì ra, việc thầm lén của mấy bà cũng vậy. Một hôm, bà chủ xích lô lên tiếng trách móc vợ của ông giám đốc xuất nhập khẩu:
- Này, đằng ấy thực tình không biết điều tí nào. Ðã nói trước là tôi cho bà mượn nó vài ngày thế mà bà quên lời hứa không trả lại cho tôi đúng thời hạn.
- Ơ hay, bà chị xem nó là loại gì, đâu phải con búp bê làm đồ chơi riêng của chị. Là con người, nó thích ai thì nó ở, tôi làm sao đuổi nó được.
- Nhưng nó là sở hữu của tôi bởi tôi đã đích thân tìm đến quê mướn nó.
- Mặc kệ chị, chừng nào nó nhớ tới chị là nó trở về, tôi không cản.
Bà chủ xích lô giận quá phun miếng kẹo cao su đang nhai bay vèo qua trước mặt bà vợ cán bộ, mắng:
- Ðồ dâm loạn!
Rồi bỏ đi. Bà phu nhân chẳng vừa, nguýt dài, chửi với theo:
- Hứ, còn hơn con lợn nái.
Rồi quay lưng với thái độ đắc thắng.
Giúp việc cho các bà có nhà cao cửa rộng, ăn uống đầy đủ lại được nuông chiều, thằng Hít Xăng quên hẳn con lai Lào, ở luôn ngoài tỉnh lỵ. Con lai Lào thì nhớ nó bèn ra thị xã tìm kiếm đã mấy tháng qua. Biết được thằng Hít Xăng hiện đạp xích lô nên nó đứng loanh quanh ở ngã tư canh chừng những chiếc xích lô chạy qua.
Một hôm, bất ngờ nó nhìn thấy thằng Hít Xăng chở một bà trung niên, mặt trét son phấn lòe loẹt, thân hình phốp pháp. Con lai Lào băng qua đường chạy theo, kêu lên:
- Bớ Ni, mầy đi đâu mà bỏ tao một mình bao lâu nay.
Kéo thắng chiếc xích lô dừng lại, thằng Hít Xăng xuống xe đứng chờ. Con LaiLào nhào tới, 2 đứa ôm nhau. Bà chủ bước xuống xe mặt hầm hầm đến nắm tay con lai Lào kéo ra khỏi thằng Hít Xăng rồi xô nó té sấp. Mặt con Lai Lào cày trên lề đường, máu mũi tuôn ra ướt cả ngực áo.
Ðứng khựng một lúc, mặt thằng Hít Xăng ngớ ra. Khi bà chủ đến trước mặt hầm hè hối thúc nó lên xe, bất ngờ nó dang tay tát vào mặt bà chủ một cú như trời giáng rồi kéo tay con lai Lào chạy ra khỏi thị xã hướng về nhà bà nội nó ở làng Ðá Chẻ.
Khi đến nơi mới biết nội nó đã chết từ lâu, căn nhà thì đổi chủ. Thằng Hít Xăng khóc rống lên, nước mắt ràn rụa. Nó đứng thẫn thờ trước hiên nhà đưa tay đấm vào ngực giận dữ khiến con lai Lào phải ôm nó dìu về nhà.
*****
1 năm sau, con bé Lai Lào sinh được đứa con trai bụ bẫm. Ông Ba Lới sống trong cảnh già đơn chiếc mà có được đứa cháu ngoại cũng an ủi được phần nào. Vả lại, từ ngày đẻ con, đứa con gái của ông đã thay đổi hẳn tính tình, điềm đạm và biết lo lắng cho con khiến ông rất vui mừng. Thằng Hít Xăng vẫn mang bịnh nghiền mùi xăng nhưng chịu khó làm ăn. Và đặc biệt nhất là nó thương con vượt mức bình thường.
Một hôm, thằng Hít Xăng đang làm công việc chất những kiện hàng lên xe tải. Bỗng một đám khói đen cuồn cuộn bốc lên trong xóm bên kia đầu cầu. Cả đám khuân vác ngừng tay nhìn về hướng có đám khói. Một người hoảng hốt kêu lên:
- Cháy nhà!
Người khác hỏi:
- Khu nhà ai?
- Hình như khu nhà thằng Hít Xăng.
Nghe thế, thằng Hít Xăng ngước nhìn về hướng khói đang bốc lên ngùn ngụt. Bất giác, nó vất bao hàng trên vai xuống xe rồi cắm đầu cắm cổ chạy về nhà.
Ðúng là nhà của ông Ba Lới, bố con Lai Lào phát hỏa. Kẻ cầm xẻng hắt từng xẻng cát, người chuyền tay từng thùng nước tạt vào lửa. Con Lai Lào vừa gào khóc vừa chấp tay van xin mọi người cứu con nó trong căn nhà đang cháy.
Mọi người lắc đầu bất lực vì lửa mỗi lúc mỗi bốc lên rần rật, phủ trùm cả căn nhà.
Thằng Hít Xăng vừa chạy về đến nhà biết được đứa con nó bị kẹt trong căn nhà, với bộ áo quần ướt đẫm mồ hôi nó phóng người qua ngọn lửa đang liếm vào khung cửa lớn. Vì quá bất ngờ không ai kịp cản ngăn trước hành động liều lĩnh của thằng Hít Xăng do lòng thương con thôi thúc. Tình phụ tử thiêng liêng tạo thành sức mạnh vô biên khiến cho con người không sợ chết trước hiểm nguy để bảo toàn tánh mạng cho con mình.
Mọi người đang hồi hộp đợi chờ. Bỗng một khối lửa đỏ rực lao qua khung cửa chính. Thằng Hít Xăng vụt hiện ra trên tay bồng đứa bé 5 tháng tuổi cháy nám đen cùng với thân thể nó đang bốc lửa. Vừa bước ra đến sân, thằng Hít Xăng đổ nhào, tay vẫn còn ôm chặt con nó vào ngực. Người ta tập trung nước tưới lên thân thể 2 cha con nhưng không cứu kịp. Con bé Lai Lào nhào tới ôm chầm lấy 2 cái xác cong queo. Nó gào lên một hồi rồi ngất lịm.
Mùi thịt khét lẹt trộn lẫn với mùi vải cháy cùng với hình ảnh 2 cánh tay lửa đốt nứt cả da của người cha ôm chặt lấy đứa con vào lòng đến độ dính vào nhau gở không ra đành phải để vậy liệm chung một quan tài, đã khiến cho bao nhiêu người rơi nước mắt và chắc chắn hình ảnh đó sẽ không phai mờ trong tâm khảm mọi người.
Sau khi chôn cất cha con thằng Hít Xăng, con bé Lai Lào bỏ nhà ra đi không về. Bố nó đi hỏi dò khắp nơi. Kẻ bảo thấy nó ngồi sau xe Honda của một người đàn ông. Người khác nói có chiếc xe con đến đón nó ngoài đầu cầu...
Vài tuần lễ sau, người đi rừng phát giác xác con Lai Lào đã rữa nát nằm co quắp trên mộ của cha con thằng Hít Xăng chôn tại nghĩa địa của dân làng tận trên khu rừng đèo heo hút gió.
Mấy năm sau, trong những đêm mưa phùn gió bấc, cánh thợ rừng thường chứng kiến 2 ngọn lửa phụt lên từ hai ngôi mộ của thằng Hít Xăng và con Lai Lào nhập vào nhau bay là là trên mặt đất rồi vụt tắt trên giữa tầng không. Người ta bảo đó là khí thiêng của 3 linh hồn lạc lõng tìm đến với nhau! ./.
Hạo Nhiên Nguyễn Tấn Ích