Bãi đậu xe của khu shopping Pupublic rộng mênh mông ấy vậy mà vẫn không có một chỗ trống, những ngày lễ cuối năm phố xá, chợ búa rộn ràng tấp nập vô cùng. Thiên hạ đi mua sắm không khác gì tháng chạp xứ mình. Steven chạy hai vòng mà chưa có chỗ đậu xe, đến vòng thứ ba thì bị kẹt giữa xe trước và xe sau. Bất chợt chiếc Mercedes đỏ đèn và de ra, tài xế lơ đễnh không nhìn phía sau. Steven hoảng kinh, bóp còi inh ỏi, tài xế chiếc Mercedes không nghe, vẫn cứ de. Một tiếng rầm, đít xe Mercedes húc vào bên cửa trái xe của Steven. Tim Steven như văng khỏi lồng ngực. Steven định mở cửa bước ra nhưng không thể mở được, cú húc đã làm cửa xe móp và kẹt cứng, đành lòng phải chui ra từ cửa bên phải.
Tài xế chiếc Mercedes là một người đàn bà da đen, bà ta cũng bước ra khỏi xe. Steven bực bội:
- Tại sao bà de xe mà không chịu nhìn phía sau?
Người đàn bà da đen ấy khoảng năm mươi, ra dáng người có tiền. Bà ta không chịu nhìn nhận lỗi của mình mà lại lu loa mồm mép:
- Tại sao mầy ngừng phía sau xe tao?
- Bà không thấy kẹt cứng cả trước lẫn sau à? Vả lại người de xe phải quan sát trước khi de!
Bà tài xế Mercedes ấy vẫn không ngừng la lối theo cái kiểu “ Cả vú lấp miệng em”:
- Mầy phải tiến về phía trước hoặc lùi về sau khi thấy xe tao de!
Biết cãi với người không biết điều vô ích vả lại tài xế mấy xe khác cũng bực bội, Họ yêu cầu phải dời xe khỏi đường để dòng xe không bị kẹt. Steven lấy phone chụp hình xe và hiện trường trước khi dời xe và sau đó gọi cảnh sát, trong khi ấy bà ta vẫn không ngừng to tiếng nói búa xua.
Hai mươi phút sau một anh cảnh sát da đen đến, anh ta cao to vạm vỡ như đô vật, bắp thịt cuồn cuộn căng cứng trong bộ sắc phục. Người đàn bà ấy lập tức phân bua tràng giang đại hải với anh cảnh sát. Sau chừng mươi phút mới để cho Steven trình bày. Anh anh cảnh sát im lặng lắng nghe mà không mở miệng nói một lời, vẻ mặt lạnh như tiền. Anh ta xem xét xe và làm biên bản nhưng cho cái hẹn ba ngày sau đến đồn cảnh sát Clayton để lấy.
Sau khi mọi việc được giải quyết, Steven trở lại xe mình, lúc bấy giờ bực bội nổi lên làm cho tâm trí giận dễ sợ, nãy giờ vì lu bu giải quyết việc nên không thấy, giờ thì mới nhận ra. Steven bực vì bao nhiêu việc trễ nãi, những dự tính làm trong tuần coi như dở dang, giờ còn phải mất thời gian đi văn phòng luật sư, văn phòng bác sĩ chấn thương chỉnh hình, sửa xe… Steven vô tình đấm mạnh vào tay lái làm cho còi xe kêu inh ỏi, lúc ấy mới giật mình nhận ra. Xưa giờ đọc bao nhiêu lý thuyết điều hơi thở, dưỡng tâm ý, không để thái độ tồi kẻ khác làm xáo trộn góc bình an trong tâm hồn mình...Thế mới biết khi chưa đụng chuyện thì hay lắm, khi xảy ra mới biết thật giả thế nào.
Văn phòng luật sư P.D chuyên về tai nạn xe cộ, nhân viên văn phòng tên Kim N đưa cho Steven điền một số giấy tờ, chụp hình bằng lái, giấy bảo hiểm, giấy kiểm định xe… sau đó cô ta bảo:
- Chúng tôi sẽ làm việc với hãng bảo hiểm của bên kia, sau khi anh nhận được biên bản từ cảnh sát thì hãy gởi ngay cho chúng tôi.
Đúng ba ngày sau, lấy được biên bản và đem đến cho cô Kim N. Biên bản rất rõ ràng cả chữ và hình đúng với hiện trường lúc bị đụng xe, lỗi hoàn toàn ở người lái Mercedes. Người cảnh sát làm việc rất chính xác và công tâm, vậy mà mấy ngày qua trong lòng Steven có nhiều lo nghĩ:” Không biết anh ta có thiên vị cho người cùng màu da với anh ta?”
Chị Kim N đại diện cho luật sư Paul D nói:
- Chúng tôi sẽ đòi quyền lợi tối đa cho anh, lỗi ở đối phương, công ty bảo hiểm sẽ chi trả tiền sửa xe và tiền mướn xe trong thời gian xe anh nằm ở body shop.
- Chị làm ơn giúp cho, chỉ đòi bồi thường từ hãng bảo hiểm bên kia thôi nhé! Đừng đụng đến bảo hiểm của tôi.
- Không, chúng tôi sẽ lấy tiền bảo hiểm của cả hai bên, bảo hiểm của anh là bảo hiểm hai chiều cơ mà, đây là quyền lợi của anh.
- Tôi biết nhưng tôi không muốn đụng đến phần bảo hiểm của mình, tuy tôi không có lỗi nhưng một khi đụng đến thì hồ sơ mình cũng bị một tì vết.
Chị Kim N thuyết phục Steven không được nên bực bội ra mặt, giọng sẵng:
- Tại sao?
- Tôi không muốn hồ sơ của mình có tì vết.
- Anh lo xa quá, chẳng sao đâu, đây chẳng phải lỗi của anh, tất cả các trường hợp như thế này chúng tôi đều đòi bồi thường bảo hiểm từ hai bên.
- Đành rằng là vậy, nhưng tôi không muốn thế.
Chị Kim N càng lúc càng tỏ vẻ khó chịu
- Khách hàng như anh thật là lạ, tôi không hiểu nổi.
- Chị làm ơn như vậy nha! Chỉ cần bồi thường của bảo hiểm đối phương thôi!
Sau đó luât sư Paul D hỏi một số câu hỏi và anh ta cho biết đây là những lời chứng cứ có ghi âm.
Về đến nhà, Steven kể lại cho vợ nghe buổi làm việc ở văn phòng luật sư cũng như thái độ của cô Kim N. Vợ Steven cười:
- Bọn họ muốn lấy tiền cả hai bên bảo hiểm, lấy càng nhiều thì phần hoa hồng của họ sẽ cao.
- Em nói đúng, mỗi một trường hợp tai nạn xe cộ như thế này, thường thì tiền bồi thường sẽ chia ba: Nạn nhân, luật sư và bác sĩ điều trị chấn thương chỉnh hình.
Ngay tuần lễ đầu tiên bị tai nạn, Steven đi đến văn phòng của bác sĩ Kieth N. Bác sĩ Kieth N vốn là cháu ruột của một vị trung tướng Việt Nam Cộng Hòa. Ông tướng đã tuẫn tiết khi sài Gòn thất thủ. Bác sĩ Kieth N khá thanh lịch, nhỏ nhẹ và cung cách làm việc tử tế rất khác với người ở văn phòng luật sư. Nơi này giúp làm hồ sơ và điều trị cho khá nhiều trường hợp tai nạn xe cộ cho đồng hương. Thật tình mà nói thì những trường hợp tai nạn nặng, có thương tích phải đi nhà thương hoặc đau nhức thật sự mới cần đến bác sĩ điều trị chấn thương chỉnh hình. Những trường hợp tai nạn nhẹ, không có thương tích hay đau nhức thì việc đi đến văn phòng bác sĩ chấn thương chỉnh hình chỉ là hình thức lấy chứng cớ hợp lệ để đòi bồi thường mà thôi. Steven cũng như bao trường hợp tai nạn nhẹ ấy, mỗi tuần đến đây hai lần, mỗi lần chừng mươi phút nằm giường mát xa và nhân viên dùng máy ấn, bóp, gõ vào hai bên sống lưng. Nói là điều trị để làm hồ sơ chứ thật chất chẳng có tác dụng chi mấy. Điều trị như thế hơn bốn tuần thì bác sĩ Kieth N bảo sẽ gởi đi nhà thương chuyên môn để chụp MRI. Steven từ chối:
- Cảm ơn bác sĩ Kieth, tôi nghĩ không cần chụp MRI đâu vì sức khỏe thân thể tốt, không có bất cứ dấu hiệu đau nhức hay bất thường gì.
- Nhưng bên luật sư Paul D họ yêu cầu.
- Nhờ bác sĩ nói với họ, tôi không chụp MRI.
Bác sĩ Kieth N cũng vui vẻ chấp nhận ý kiến của Steven, thật khác xa với thái độ của những người làm việc bên văn phòng luât sư. Việc điều trị chấn thương trong khi thân thể mình không bị gì đã là một sự không thật thà nhưng vì đây là luật nên không thể không làm. Cứ chấp nhận vậy cũng được, giờ còn muốn chụp MRI nữa để kiếm thêm tiền bồi thường thì quá đáng, lương tâm Steven không chấp nhận. Cả luật sư và bác sĩ đều muốn Steven đi chụp MRI để bảo hiểm chi trả nhiều hơn, tuy nhiên bác sĩ Kieth N không ép buộc như bên luật sư.
Mấy tuần sau có một bác sĩ chấn thương chỉnh hình người Mễ vừa vào làm cho văn phòng bác sĩ Kieth N. anh ta tên Carlos, tuổi chừng hai mươi bảy. Anh ta nắn bóp sống lưng và cổ cho Steven, vừa làm vừa hỏi:
- Anh có cảm giác đau không?
- Không, bình thường thôi.
Sau đó anh ta lại day, ấn một vài điểm khác trên lưng và hỏi có đau không, dĩ nhiên là Steven nói không. Anh bác sĩ Mễ bèn bảo:
- Nếu anh cảm nhận không có triệu chứng đau nhức gì, vậy chúng ta đóng hồ sơ nhé!
Bác sĩ Carlos thật thà, làm việc ngay thẳng, lương tâm trong sáng. Anh ta không muốn kéo dài việc điều trị không cần thiết. Steven đem lời Carlos nói với bác sĩ nhân viên văn phòng là cô Emma L, cô ấy khuyên:
- Mình không nên đóng hồ sơ sớm quá, việc này phải chờ ý kiến bác sĩ Kieth N
Steven nghe thế thì cũng đồng ý, cứ tiếp tục thêm vài tuần nữa cũng không sao, cứ coi như được mát xa miễn phí để giảm bớt căng cơ sau những ngày làm việc nặng nhọc. Ở xứ này tất cả các trường hợp tai nạn xe cộ dù nặng hay nhẹ cũng cần đi văn phòng bác sĩ chấn thương chỉnh hình. Steven biết có khá nhiều trường hợp tai nạn rất nhẹ, chỉ hơi móp hay trầy xước nhẹ nhưng chủ xe kết hợp với luật sư và bác sĩ làm tiền một cách quá đáng. Họ tận dụng những điều luật hợp pháp để đòi bồi thường cao nhất. Có không ít trường hợp gian lận đã được phanh phui, có đòi bồi thường cao ( kể cả gian lận) thì tiền chia phần mới được nhiều. Steven và vợ đồng ý với nhau không chụp MRI, không làm thêm bất cứ yêu cầu nào nữa, chỉ điều trị sơ đẳng thông thường thế thôi vì đây là quyền lợi hợp pháp của người có bảo hiểm. Ở xứ này phải thế, nếu mình bị tai nạn xe cộ mà không gọi cảnh sát, không báo luật sư hay không đi chữa trị chấn thương chỉnh hình thì đôi khi mình lại gặp rắc rối. Ở xứ này tất cả mọi người đều phải tuân thủ như thế! Đã có những trường hợp người đồng hương của mình vì nhẹ dạ cả tin khi va quẹt nhẹ mà không gọi cảnh sát, chỉ thỏa thuận miệng rồi bỏ đi, sau đó đối phương gọi cảnh sát và khai gian mình gây tai nạn rồi bỏ chạy, thế là cảnh sát tìm đến còng tay mình và phải hầu tòa, chịu nhiều oan ức nhưng không sao biện bạch được.
Ở xứ này mọi người đều phải tuân thủ pháp luật, không thể giỡn mặt với luật pháp. Dưới là ăn mày trên cao nhất là tổng thống, ai cũng có thể bị kiện, bị lôi ra tòa như chơi. Ai cũng có thể kiện, việc gì cũng kiện được, bởi vậy mà luật sư là cái nghề sống khỏe, sống mạnh, cái nghề không sợ thất nghiệp. Luât sư chuyên nghiên cứu luật, tìm mọi kẽ hở của luật để đấu lý với quan tòa. Ở xứ này quan tòa với luật sư dùng lý lẽ và luật pháp mà đấu trí nhau chứ không thể dùng quyền lực mà xử như quan tòa ở những xứ độc tài toàn trị. Bản án lệ thuộc rất lớn ở tài trí và năng lực của luật sư. Bên nào mướn được luật sư giỏi, rành luật thì coi như nắm chắc phần thắng. Quan tòa buộc tội và luật sư gỡ tội, có những vụ tiêu biểu như J Simpson, anh ta giết vợ rõ ràng nhưng luật sư vẫn cãi thắng quan tòa, quan tòa không thể buộc tội được và đành phải thả anh ta. Với luât sư thì thân chủ của mình là trên hết, bọn họ có thể cãi đen thành trắng miễn là đem lại phần thắng cho thân chủ của mình, còn việc gỡ tội ấy có vô đạo hay trái lương tâm không phải là việc họ quan tâm. Có rất nhiều những tay trùm maphia, phạm pháp… nhưng luât sư của chúng quá xuất sắc, quan tòa thua lý nên cũng không sao kết án được!
Sau khi luật sư đại diện làm việc với hãng bảo hiểm đối phương, hãng bảo hiểm ấy buộc Steven phải đem xe đến một body shop F P Collision của người Việt ở địa phương để sửa chữa trong khi Steven chỉ muốn sửa ở chính hãng Toyota. Họ bảo:
- Anh không có quyền lựa chọn, anh chỉ có thể sửa xe ở nơi mà chúng tôi chỉ định.
Steven thương lượng với chị Kim N, đại diện của văn phòng luật sư Paul D:
- Tôi muốn giữ tiền bồi thường và tự mình sửa xe.
Chị Kim N khăng khăng:
- Anh phải đem xe đến F P Collision để sửa, anh không thể giữ tiền bồi thường!
- Tôi là người bị đụng xe, là nạn nhân, không phải kẻ gây ra lỗi. Nhiều năm trước đây tôi từng bị đụng xe, sau khi được bồi thường luật sư đã nói với tôi là tôi có thể giữ khoản tiền bồi thường đó mà không cần sửa xe.
Chị Kim khó chịu ra mặt, vẫn một mực:
- Anh phải sửa xe và chỉ được sửa ở F P Collision, nếu anh sửa nơi khác thì anh phải tự trả tiền đấy!
Steven đành đem xe mình đến F P Collision. Anh Jimmy, chủ body shop sau khi nhìn xe và cái khoản tiền mà hãng bảo hiểm định mức trả bảo:
- Với khoản tiền này thì không đủ để sửa, tôi sẽ điều đình lại với hãng bảo hiểm bên kia. Anh đừng lo, tôi đã làm việc này nhiều rồi.
Mười ngày sau Jimmy gọi Steven ra lấy xe về, công nhận thợ của FP Collision quá khéo tay, họ đặt phụ tùng thay thế những phần hư và còn sơn lại những vết trầy xước khác, mắt thường nhìn không thể nào biết là xe đã từng bị đụng. Anh Jimmy cũng cho biết là anh đã đòi hãng bảo hiểm phải trả gấp đôi số tiền ban đầu mà họ đưa ra. Vấn đề muốn nói ở đây là công ty bảo hiểm G vốn cáo già, họ biết việc sửa xe ở body shop của người Việt rẻ hơn rất nhiều so với sửa ở chính hãng Toyota, vì thế họ buộc Steven phải sửa ở FP Collision. Mặt khác văn phòng luật sư cùng với FP Collion cũng quan hệ chặt chẽ với nhau. Họ buộc mình phải sửa xe chứ không được giữ tiền và tự sửa. Họ mặc cả với hãng bảo hiểm G để đòi gấp đôi số tiền mà họ đã ký ngân phiếu chi trả cho Steven. Văn phòng luật sư và FP Collision cùng có lợi, cả ba bên đều có lợi, một cuộc đấu trí và tương nhượng giữa ba bên để đạt cái lợi lớn nhất cho mình. Chủ xe là người bị tai nạn, ngoài việc được sửa lại xe thì chẳng có xu nào.
Sau mười hai tuần điều trị ở văn phòng bác sĩ Kieth N, mỗi tuần hai lần, vị chi là hai mươi bốn lần. Thực chất việc điều trị chấn thương chỉ là ký giấy xác nhận có đến điều trị vào ngày tháng đó mà thôi. Steven thấy thế là đủ rồi, không thể điều trị xạo xạo như thế này nữa nên đề nghị đóng hồ sơ. Em Emma L đại diện của văn phòng bác sĩ điều trị chấn thương chỉnh hình nói:
- Đóng hồ sơ sớm sẽ ít tiền, vì tiền bồi thường căn cứ vào số lần đi điều trị.
- Được bao nhiêu hay bấy nhiêu, anh cũng chẳng có đau nhức hay chấn thương chi cả, cứ kéo dài thế này thì thấy tâm mình không được thoải mái, mặc dù việc này hoàn toàn hợp lý và hợp pháp.
- Có gì đâu mà anh phải áy náy, ai cũng vậy thôi, tất cả mọi trường hợp tai nạn đều như thế cả! Hơn nữa mọi việc do văn phòng bác sĩ và văn phòng luật sư lo.
-Đành rằng là vậy, nhưng anh thấy không nên kéo dài thêm nữa!
- Anh không biết đâu, có những trường hợp chỉ va quẹt nhẹ mà người ta cứ đi điều trị chấn thương chỉnh hình gần cả năm đấy!
- Kệ họ đi em, em nói với bác sĩ Kieth N đóng hồ sơ thôi, anh không muốn điều trị gì nữa.
Emma L không thuyết phục được Steven nhưng vẫn vui vẻ đồng ý đóng hồ sơ.
Xứ Cờ Hoa này thật tuyệt vời, cứ như một hệ thống dây chuyền, mọi hoạt động liên kết ăn khớp và nhịp nhàng với nhau, rất chuyên môn, rất lành nghề, rất hiệu quả. Mỗi bộ phận, mỗi khâu của công việc dính liền và tác động qua lại lẫn nhau. Ngày thường, khi chưa đụng việc, Steven cũng như mọi người thường kêu ca than vãn:” Làm bao nhiêu cống nạp cho mấy hãng bảo hiểm hết!”. Đến khi xảy ra chuyện, bấy giờ mới thấy được sự lợi ích lớn của việc mua bảo hiểm. Giả sử không có bảo hiểm sức khỏe, lỡ có bệnh phải nằm nhà thương một tuần thì có nước bán nhà. Còn như không có bảo hiểm xe mà lỡ bị đụng thì lúc ấy coi như mất xe, đi tù…
Việc chi trả bảo hiểm hàng tháng cũng ớn chè đậu lắm chứ, rất nặng, nào là bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm xe, bảo hiểm nhà, bảo hiểm nhân thọ. Những người giàu hay nổi tiếng họ còn phải trả bảo hiểm từng bộ phận của thân thể nữa. Chi trả bảo hiểm nặng đấy, dù nặng vẫn phải gồng, sống ở xứ này không có bảo hiểm là không được! Có thể cắt giảm những thứ chi tiêu khác chứ không thể cắt giảm bảo hiểm!
TIỂU LỤC THẦN PHONG
XƯA EM GẮP MIẾNG THỊT GÀ
Thưa bà con! Giống như người Tàu ở Hong Kong, ở Macau, người Tàu ở miền Nam Việt Nam mình, nhứt là ở Chợ Lớn, đa số nói tiếng Quảng Đông (Cantonese), kế đến mới tới tiếng Triều Châu; chứ không nói tiếng Quan Thoại, (Mandarin), tiếng Phổ Thông, trừ ra những ai có đi học trường Tàu mới biết.
Dân Sài Gòn thường chê những người ưa nói Thánh nói Tướng; nói Trời nói Đất; nói không đâu vào đâu là: “Đồ nói Quảng nói Tiều!”
Bà con người Việt rặt ri mình vốn tánh xởi lởi, không xét nét nhỏ mọn, chi li: ai là người Quảng Đông, Triều Châu, Phúc Kiến, Hải Nam hay Khách Gia (người Hẹ) gì hết ráo. Mà gọi chung là: Các Chú, Chệt hoặc Ba Tàu.
(Đất lành chim đậu mà! Đến đây thì ở lại đây… Bao giờ bén rễ xanh cây… hết về…)
Đàn ông thì mình gọi là Chú Ba; đàn bà thì mình gọi là Thiếm Xẩm. Chú Thiếm hết ráo coi như ai cũng bà con hết trơn hết trọi hè!
Thưa sau nầy lưu lạc tới những nước nói tiếng Anh, câu chào hỏi đầu tiên là về thời tiết như Good morning! Good afternoon! Good evening!
Úc (vua làm biếng) chỉ Gday (Good day) khỏi cần sáng trưa chiều gì cho nó mắc công!
Người Việt mình thì chú trọng về sức khỏe về tinh thần cũng như về vật chất nên gặp nhau thì: “Độ rày có phẻ hông?”
Phẻ nầy cũng nhiều nghĩa, phẻ là có đau bịnh gì không? Mà phẻ cũng có nghĩa là làm ăn có đồng vô đồng ra đều đều hay không?
Riêng người Tàu (đâu cũng vậy): “Ăn cơm chưa?”
Có thể suốt từ thời lập quốc tới giờ, người Tàu bị nạn đói cơm rách áo hoành hành nên bị ám ảnh triền miên về cái ăn hay chăng?
Và chắc cũng chính vì vậy mà người Tàu luôn để cái thú ẩm thực đứng hàng đầu, “số dzách” Nên mới có câu: “Thực tại Quảng Châu, Y tại Hàng Châu, Thú tại Tô Châu, Tử tại Liễu Châu” (Cơm ngon ăn tại Quảng Châu, Áo đẹp may vải Hàng Châu, Vợ xinh đẹp cưới ở Tô Châu, Hòm chết chôn không bao giờ mục ở Liễu Châu).
Quảng Châu chính là thủ phủ của tỉnh Quảng Đông đó!
Như vậy người Quảng (Đông) là trùm về ăn uống. Vô Chợ Lớn ghé một tiệm ăn là: “Hầm bà lằng kỷ tố?” (Tất cả hết bao nhiêu?) (broken Cantonese!), là phổ ky nó biết mình xạo… Dốt mà bày đặt nói tiếng của ngộ nhe! He he!
Ôi nhớ xưa! Tía của người viết có lần trúng xổ số kiến thiết quốc gia (giúp đồng bào ta xây cửa xây nhà)… bèn dắt lóc nhóc một đám vợ cùng con đi ăn cơm Tàu trong Chợ Lớn.
Gọi là ăn cơm thố (chưng cách thủy gạo trong thố). Canh hàng chục loại khác nhau, chỉ khác rau cải, heo gà nhưng có cùng chung một loại nước súp cho nó tiện, gọn bân hè!
Sau nầy, qua Úc, biết bao lần đi ăn đám cưới, trong thực đơn bao giờ cũng có món cơm chiên Dương Châu cũng từ Quảng Đông.
Khởi thủy đây chỉ là đồ dư thừa của bữa tiệc hôm trước được gom vô, chiên lại.
Cơm là cơm nguội, thêm lạp xưởng, trứng chiên, đậu Hòa lan, hành lá… còn dư được xắt lát rồi trộn với cơm mà chiên lên!
Bà con người Việt mình cũng có cái tánh tằn tiện như người Quảng đó thôi. Sau đám cưới, đám giỗ quảy gì đó, thịt thà còn sót lại đổ hết vô một nồi gọi là xà bần… để dành ăn dần… cho tới Tết Congo… mới hết!
Thưa mới đây tui đọc báo thấy bài về Elizabeth Phu, cố vấn cho Tổng Thống Mỹ về an ninh Đông Á đã tháp tùng Barack Obama trở lại đất Sài Gòn mà 36 năm trước đã từng là một thuyền nhân mới lên 3 tuổi…
Phu mà có báo viết là Phú nên người viết tò mò muốn tìm hiểu thêm. Thì ra là Phù, viết tiếng Mỹ nên bị văng mất cái dấu huyền thành Phu! Mấy tay nhà báo bá xí ba tú thêm vô dấu sắc thành Phú!
Họ Phù gốc Đường Sơn trong lục địa Trung Quốc, rồi ra đảo Hải Nam, sống cũng không nổi nên phải tha phương cầu thực qua nước Việt của mình và các nước khác trong vùng Đông Nam Á!
Họ Phù coi tên lót rất quan trọng; vì cho biết người ấy thuộc đời thứ mấy, vai lớn nhỏ, có tôn ti trật tự đàng hoàng trong giòng họ.
Tên lót hiện thời là Phù Khí hay Phù Thọ là đời thứ 32. Phù Chí hay Phù Quốc là đời thứ 33. Tức cả ngàn năm nữa mới tới đời thứ 66 là hết.
Sau đó nếu chưa tận thế thì bà con họ Phù họp lại tại bản thổ là Đường Sơn để làm thơ, đặt tiếp… Cái chuyện đó còn lâu mà!
Nhưng lý thú hơn là, người Hải Nam, họ Phù, có món cơm lừng danh trên chốn giang hồ từ Hải Nam tới Hong Kong, Ma Cau, Việt Nam, Thái Lan, Mã Lai cho tới tận Singapore (coi món cơm nầy là quốc bảo). Đó là cơm gà Hải Nam.
Dân Hải Nam thì mùng Hai và Mười Sáu âm lịch thường cúng gà, cúng bà La Sơn Thánh Mẫu. Không có thịt gà là không thành yến tiệc!
Cơm gà là phải có gà. Mà gà Văn Xương mới được, thả trên đồi cho ăn hạt cây, sâu bọ và cùi dừa! Sau 4 tháng thì bắt về nuôi trong chuồng thêm 2 tháng nữa để vỗ béo bằng bã đậu phọng, gạo và khoai nấu lẫn với nhau. Gà ú nu nhưng ít mỡ, ít cholesterol.
Gạo tám thơm vo sạch đổ vào nồi, sau đó cho thêm một ít mỡ gà, tỏi phi thơm vào khuấy đảo cho đều, rồi đổ nước luộc gà vào nấu, khi nấu chín hạt cơm săn chắc, bóng dầu, chớ không có nở tòe loe, thơm phức…
Nước chấm được pha chế với nấm đông cô, tỏi băm nhuyễn, gừng cà nhuyễn, gia vị thêm tiêu, ớt đường, dấm, các vị mặn, ngọt, chua tùy ý thích mà nêm nếm!
Dưa chua ăn dặm thêm cho đỡ ngán gồm su hào, đu đủ và dưa cải…
Cơm gà Hải Nam theo đầu bếp họ Phù cũng tha phương cầu thực! (Bán cơm để có cơm mà ăn!). Đến mỗi nơi đổi một chút cho hợp với khẩu vị của người địa phương!
Đến Sài Gòn, vào Chợ Lớn, Cơm gà Siu Siu Hải Nam cũng danh trấn giang hồ trên đường Nguyễn Duy Dương (tức Thiên hộ Dương, một đầu lĩnh nghĩa quân kháng Pháp ở Đồng Tháp Mười) gần Chợ An Đông.
Những dĩa thịt gà vàng óng, những dĩa cơm gà nóng bốc khói, một dĩa đùi gà thêm vài ba cái phao câu và một dĩa gồm gan, mề, lòng, mươi quả trứng non bé bé xinh xinh màu vàng ngậy!
Thực khách (hơi có tiền một chút) uống lave đầu con cọp hay bia 33 là cha thiên hạ rồi!
Nghề chặt thịt, ông chủ tiệm kiêm đầu bếp tiệm cơm đã quen tay, coi giống như là ông đang múa võ; còn hay hơn là Vương Vũ hay Khương Đại Vệ, Địch Long, Trần Tinh hay Sơn Điền Bảo Chiêu múa mã tấu Tàu hay kiếm Nhựt trong phim kiếm hiệp Hong Kong thuở ấy.
Con gà bóng mỡ nằm ngửa trên thớt. Một nhát dao chặt cái bụp trên bụng, phân hai. Rồi phập phập! Hai cái đùi gà văng ra. Bốn đầu ngón tay trái chặn cái đùi gà! Rồi Phập! Phập! Bốn ngón tay lùi tới đâu con dao phập sát tới đó. Phập! Phập! Phập! Xong!
Xúc bằng yếm dao những miếng gà đều đặn, sắp hàng gọn ghẽ lên một chiếc đĩa trắng, rắc một ít hành lá lên trên cùng với những chén cơm gà nóng vàng ngậy, bốc khói, thêm hai thứ nước chấm: một chén xì dầu có những lát ớt đỏ và một chén gừng băm trộn dấm.
(Nghề chặt thịt siêu đến nổi có thằng nhỏ bị tật nói lắp, tức cà lăm, đến: “Bán… cho tui… ui… một dĩa cơm gà… à…!”
Phập phập. Thằng nhỏ chưa dứt câu là mấy cái đùi gà đã xếp hàng ngay ngắn như lính sắp hàng chờ duyệt binh trên dĩa cơm còn bốc khói “Xong rồi Tửng! Hà cái lầy rinh về cho Tía mầy nhậu đi!”
Thưa bà con! Ông bà mình thường nói nhứt nghệ tinh nhứt thân vinh! Bất cứ nghề nào mà giỏi là giàu có mấy hồi. Nhất là nghề ẩm thực. Chỉ cần vốn ít, ngày nào cũng xoay xong một vòng hết ráo. Sáng mua, bán tới chiều. Tối gom tiền lại, gấp 2, 3… hồi sáng!
Nên xin đừng nghĩ kiểu xưa là: “Sĩ, Nông, Công, Thương”. Anh thương mãi bao giờ cũng đứng chót mà trật bàn đạp…
Người Tàu tha hương giờ đi khắp thế giới nhiều đến nỗi bà con mình thường nói: “Đâu có khói là nơi đó có người Tàu!” Khói là từ bếp của một tiệm ăn nào đó của họ, vươn lên trời xanh mời gọi khách đường xa trong một buổi chiều đói bụng quá ta!
Ghé một tiệm cơm gà Hải Nam trên dọc đường gió bụi, ăn một mình. Gọi dĩa cơm, kèm theo một chai bia! Ăn xong, no bụng rồi mới xực nhớ là em yêu ở nhà phải ăn cơm với nước mắm kho quẹt quanh năm suốt tháng mà cảm thấy lương tâm mình cắn rứt! Nỡ lòng nào: Hột muối chia hai; mà cục đường anh lủm hết vậy cà?
Làm ăn chí thú, nên dầu chiến tranh ì ì như vậy mà ông chủ tiệm cơm gà Hải Nam Siu Siu nầy phất lên thấy rõ.
Từ một cái quán nhỏ tí teo như trái dưa leo giờ ông hết nghèo, chơi trèo, mua một hơi 3 căn nhà sát nhau trong một dẫy phố đường Nguyễn Duy Dương thành một nhà hàng bán cơm gà Hải Nam thật lớn.
Khá rồi nhưng vẫn không phụ nghĩa tình xưa, cái quán cơm Siu Siu thuở đầu hẻm, bàn ghế phải bày ở hàng hiên, vẫn còn nơi mà những khách quen từng lui tới biết chỗ để tìm về kỷ niệm, dắt em yêu hay má bầy trẻ cùng sắp nhỏ đi ăn thuở ấy.
Theo như người biết chuyện, nhà văn Nguyễn Tường Thiết (con trai út của nhà văn Nhất Linh) vốn là hàng xóm sát vách với tiệm cơm Siu Siu, bùi ngùi kể lại!
Tháng Sáu, năm 1978, ông chủ quán cơm gà Hải Nam Siu Siu và toàn gia đình vợ con đành đứt ruột bỏ tất cả để ra đi.
Ra khơi, tàu chìm. Gần trăm người trên tàu không một ai còn sống; chỉ sót một mình ông Siu Siu, bám vào một tấm ván theo sóng biển bập bềnh trôi, tấp vào bãi biển Bến Tre.
Ông Siu Siu sau đó nghĩ quẩn riết rồi… thành người mất trí. Không còn vợ con; không còn nhà cửa; không còn quán cơm Siu Siu ngày cũ.
Xưa ông bán cơm để làm người ta ăn no. Giờ cay nghiệt thay ông lại đói!
Phải ngửa tay xin từ gói xôi, gói bắp của những người qua đường để sống lây lất trước hàng hiên của chính căn nhà mình năm cũ.
Mất Sài Gòn là ông Siu Siu mất hết; là chết!
Quán cơm gà Hải Nam Siu Siu gần Chợ An Đông ngày xưa đã không còn nữa nhưng trong kỷ niệm của người Sài Gòn, của người viết đây, vẫn còn sống riết, bám chặt vào tâm tưởng!
Nhớ ngày nào đôi ta còn rất trẻ, mới quen nhau, anh dắt em yêu ra quán cơm Siu Siu (ngày cũ). Em yêu khẽ khàng vén nhè nhè tay áo dài, gắp miếng thịt gà vàng ươm từ trên dĩa, chấm miếng nước mắm gừng bỏ vào chén cho anh.
(Dẫu bây giờ sau biết bao năm mặn nồng hương lửa, giờ em chỉ gắp cho em. Còn anh? Anh đành gắp cho anh vậy!)
Nhưng kỷ niệm thời mới yêu nhau tràn về như sóng làm anh độ lượng mà tha thứ cho cái tật bỏ bê tình cũ của em yêu!
“Xưa em gắp miếng thịt gà. Gừng cay muối mặn tình già cũng (hổng quên!)” Hu hu!
Melbourne, Thứ Hai, 19 Tháng Chín, 2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét