Bởi bản tính ngạo mạn, coi thường người khác mà Trịnh Hựu Huyền đã bỏ lỡ cơ duyên đắc Đạo chân chính. Vậy mới thấy, người có căn cơ nhưng mê lạc trong cõi hồng trần hiểm ác mà không ngộ thì chưa hẳn sẽ đắc Đạo mà tu thành.
Trịnh Hựu Huyền người Huỳnh Dương vốn xuất thân từ một dòng họ danh tiếng, sống ở thành Trường An. Anh ta từ nhỏ với con trai nhà hàng xóm họ Lư Khâu là học cùng một thầy. Hựu Huyền bản tính kiêu ngạo, bởi bản thân có tiếng là dòng dõi tôn quý, còn nhà họ Lư Khâu bần hàn thấp kém, nên anh ta thường hay châm chọc, mắng chửi Lư Khâu Tử: “Họ Lư Khâu nhà mi vốn không phải là đồng loại với ta, vậy mà lại cùng ta học chung một thầy. Ta thì không nói làm gì, còn nhà ngươi lẽ nào không tự thấy hổ hẹn sao?”.
Lư Khâu Tử nghe nói vậy thì tỏ vẻ hổ thẹn. Mấy năm sau, Lư Khâu Tử lâm bệnh mà chết.
Mười năm sau, Trịnh Hựu Huyền thi đậu cuộc thi Minh kinh, sau đó được điều đến quận Đường An nhậm chức. Quận trưởng lệnh cho Hựu Huyền tạm thay chức huyện úy Đường Hưng. Ở chung nhà có Thù sinh (chàng thư sinh họ Thù) mới 20 tuổi, là con cái của một thương nhân lớn, gia sản nhiều không đếm xuể. Thù sinh mỗi ngày gặp Hựu Huyền, đã gửi tặng rất nhiều tiền bạc của cải cho anh ta, lại thường cùng anh ta ra ngoài du ngoạn và tham dự yến tiệc.
Bởi Thù sinh chỉ là con nhà thương nhân, vậy nên Hựu Huyền trước sau đều không hề dùng lễ đối đãi với chàng. Có một lần, Hựu Huyền bày tiệc rượu gặp mặt bạn bè, nhưng lại không mời Thù sinh. Đợi đến khi bữa tiệc sắp kết thúc, có người nói với Hựu Huyền rằng: “Thù sinh cùng ở chung phòng với cậu, thường cùng đi tham dự yến tiệc, vậy mà Thù sinh lại không được mời, cậu không cảm thấy như vậy là không nên sao?’.
Hựu Huyền cảm thấy hổ thẹn, liền cho người đi gọi Thù sinh đến. Thù sinh đến nơi, Hựu Huyền lấy một cái ly lớn rót rượu cho Thù sinh, Thù sinh chối từ nói bản thân không thể uống hết được, một mực từ chối.
Không ngờ hành vi của Thù sinh đã chọc giận Hựu Huyền, y liền mắng rằng: “Nhà ngươi chỉ là con dân đầu đường xó chợ, thì phải biết được cái dùi và con dao, cớ sao vượt quá bổn phận mà ở nhà quan? Ta làm bạn với ngươi, nhà ngươi nên cảm thấy vinh hạnh mới phải, cớ sao lại dám khước từ rượu mời của ta?”.
Thù sinh xấu hổ, đành khom người cúi đầu lui ra. Sau khi trở về, chàng liền đóng cửa không tiếp khách, cũng không còn giao thiệp với ai nữa, mấy tháng sau lâm bệnh mà chết.
Năm sau, Trịnh Hựu Huyền bị bãi chức, sống trong chùa ở quận Mông Dương. Trịnh Hựu Huyền xưa nay đam mê đạo Hoàng Lão. Lúc đó có Ngô đạo sĩ nổi tiếng với tài nghệ tu đạo sống ở núi Thục Môn. Hựu Huyền kính ngưỡng Ngô đạo sĩ, đi bái kiến ông, hy vọng được làm đệ tử của Ngô đạo sĩ.
Ngô đạo sĩ nói: “Nếu như cậu đã có lòng kính ngưỡng Thần Tiên, thì hãy ở lại trên núi, chớ nên sống những ngày tháng tạm bợm trong cõi trần tục nữa”.
Hựu Huyền mừng rỡ lạy tạ, nói: “Tiên sinh quả thật là người có Đạo, tôi nguyện được theo hầu ngài, được chứ?”. Đạo sĩ đã đồng ý giữ ông ở lại. Sau 15 năm, chí hướng tu Đạo của Hựu Huyền dần dần sao nhãng đi. Ngô đạo sĩ nói: “Nếu như cậu đã không thể kiên định cái tâm tu đạo, vậy thì sống ở trên núi cũng chẳng có ích gì“. Sau đó, Hựu Huyền cáo biệt mà đi.
Sau này Hựu Huyền đi đến thành Bao, khi ở trong quán trọ, gặp được một đồng tử hơn 10 tuổi, tướng mạo thanh tú. Hựu Huyền và đồng tử nói chuyện, trí huệ và tài biện luận của đồng tử đó thiên biến vạn hóa, Hựu Huyền tự nhận không bằng được.
Đồng tử nói với Hựu Huyền: “Ông cùng tôi vốn là cố nhân, còn nhớ tôi chăng?”. Hựu Huyền nói:“Không nhớ!”.
Đồng tử nói: “Tôi đã từng sinh ra trong nhà họ Lư Khâu, sống ở Trường An, cùng học chung với ông, ông cho rằng tôi bần hàn thấp kém, nói rằng tôi không phải là đồng loại của ông. Về sau, tôi lại làm con cái của nhà họ Thù, cùng ở chung với ông. Ông đã nhận rất nhiều lễ vật của tôi, vậy mà ông chưa từng dùng lễ để đối đãi với tôi, mắng chửi tôi là con dân đầu đường xó chợ. Tại sao ông lại ngạo mạn quá mức đến như vậy?”.
Hựu Huyền nghe vậy thì sửng sốt, liền khom mình bái lạy hai cái rồi nói: “Đây quả thật là lỗi của tôi. Tuy vậy ông không phải là Thánh nhân, sao lại biết được chuyện ba đời vậy?”.
Đồng tử nói: “Tôi là Thái Thanh Chân Nhân. Ngọc Đế cho rằng ông có khí chất tu đạo, vậy nên đã đặc biệt sai tôi chuyển sinh nơi cõi người, kết bạn với ông, muốn truyền thụ bí quyết Chân Tiên cho ông, nhưng bởi ông bản tính ngạo mạn, cuối cùng không thể đắc được Đạo này. Ài, thật đáng tiếc quá!”. Dứt lời, bỗng không thấy đồng tử đâu nữa.
Sau khi Hựu Huyền biết được những chuyện này, vô cùng hổ thẹn tự trách chính mình, cuối cùng buồn bã mà chết.
Tiểu Thiện, dịch từ epochtimes.com
Con người cả đời tranh giành nhau rốt cuộc là vì điều gì?
Kiếp người ngắn ngủi mấy chục năm, thoáng chốc đã chỉ là cát bụi. Con người đối với nhau lại thường xuyên ganh đua, đấu đá, trong “tình, danh, lợi” mà ngày đêm hao tâm tổn chí, cuối cùng mang theo được những gì?
Người xưa thường nói: Có lương thực ngàn gánh cũng chỉ ăn một ngày 3 bữa, có căn nhà lớn 10 tầng cũng chỉ ngủ ở một gian, báu vật trăm xe ngựa trong lòng vẫn có buồn phiền, quan to lộc hậu cũng là đi làm hàng ngày, vinh hoa phú quý cũng chỉ là thoảng qua như mây khói! Vậy, sống trên đời vì sao cứ phải tranh giành?
Con người “tranh giành” rốt cuộc là vì điều gì?
Trong thế giới ồn ào này, người ta lừa gạt, oán trách nhau, đố kỵ nhau đều là kết quả của sự tranh giành. Công khai tranh giành, âm thầm tranh giành, tranh giành lợi ích lớn, tranh giành lợi ích nhỏ, hôm qua tranh giành, hôm nay tranh giành. Rốt cuộc, suy cho cùng, “tranh giành” cũng chỉ để thỏa tâm ích kỷ mà thôi.
Khi tấm lòng rộng mở một chút sẽ không còn chỗ cho tranh giành tồn tại. Xem nhẹ “được và mất” một chút, tranh giành sẽ tan biến. Mục tiêu giảm bớt đi một chút, tranh giành sẽ không trỗi dậy. Xem nhẹ tâm danh lợi đi một chút, tranh giành sẽ không còn.
Trong cuộc sống, có thể có vô số lý do để không tranh giành, nhưng chính vì dục vọng đã khiến cho mỗi người trở thành một chú “sư tử” đói nằm trong bụi cỏ, kìm nén không được.
Một khi tranh giành được “quyền và tiền” trong tay thì hạnh phúc sẽ mất đi. Tranh giành được “thanh danh” thì niềm vui cũng sẽ không tồn tại. Những thứ không thuộc về bản thân mà tranh giành được sẽ khiến tâm bất an.
Nói cách khác, những thứ mà con người vắt óc để nghĩ cách tranh giành được, không phải là “hạnh phúc, niềm vui và an tâm”, mà chỉ là “phiền não, thống khổ, thù hận và mệt mỏi” về thể xác và tinh thần.
Không tranh giành chẳng lẽ là điều không tốt? Cho dù chỉ giảm tranh giành xuống một chút, coi nhẹ những thứ mà mình cho là quan trọng đi một chút, mọi người sẽ phát hiện rằng nhân tâm của mình thoáng chốc đã trở nên rộng rãi, thế giới thoáng chốc trở nên to lớn.
Cũng bởi vì không quá tranh giành, khuôn mặt người ta sẽ tươi cười nhiều hơn, nắm tay nhau nhiều hơn, nhường nhịn nhau nhiều hơn, chân thành nhiều hơn, nhiệt tình nhiều hơn, bạn bè sẽ nhiều hơn, tình cảm nồng đậm hơn, tâm nguyện sâu sắc hơn và tình yêu thương sẽ lớn hơn, thật hơn.
Để giảm bớt “tranh giành”, hãy quan niệm:
Người nhiều tiền hay ít tiền, đủ ăn là được rồi!Người xấu hay đẹp, vừa mắt là được rồi!Người già hay người trẻ, khỏe mạnh là được rồi!Gia đình giàu có hay nghèo túng, hòa thuận là được rồi!Chồng về sớm hay về muộn, có về là được rồi!Người vợ phàn nàn nhiều hay ít, lo việc nhà là được rồi!Con cái dù làm tiến sĩ hay bán hàng ngoài chợ cũng được, an tâm là được rồi!Trang phục có thương hiệu hay không, có thể mặc được là được rồi!Ông chủ không tốt, có thể chịu được là được rồi!Hết thảy phiền não, có thể giải được là được rồi!Cả đời người, bình an là được rồi!
Không phải có tiền nhiều mới là tốt, tâm tính lương thiện giúp đỡ người khác thì số mệnh có thể thay đổi được tốt.
Rất nhiều chuyện nghĩ thoáng ra sẽ tốt, mọi người đều tốt, vạn sự đều tốt! Người tốt, mình tốt, thế giới đều tốt. Nói ngắn gọn lại, biết đủ là tốt nhất!
Không tranh giành là cảnh giới cao của nhân sinh!
Theo Daikynguyenvn
Cổ nhân để lại cho ta 3 cách nhìn người không bao giờ sai lạc
Trong cuộc sống, việc nhận diện tính cách của một người rất quan trọng. Đây không phải là đánh giá điều gì về họ, mà chỉ để xác lập mối quan hệ đúng mực và hợp lý. Dưới đây là 3 cách nhìn người đúng đắn mà cổ nhân để lại.
Cách nhìn thứ nhất: Dùng thời gian để nhìn người
Dùng thời gian để nhìn người, tức là sau lần gặp đầu tiên, chúng ta cần có một người thời gian để bình tĩnh quan sát đối phương. Thường thì khi gặp lần đầu chúng ta sẽ có những quan niệm đánh giá khác nhau, vậy nên yếu tố tình cảm đôi khi khiến ta nhìn người nhầm.
Thông thường chúng ta chỉ hiểu rõ một người khi gắn bó với người ấy và câu tục ngữ “Thức lâu mới biết đêm dài, chơi lâu mới biết là người cố nhân” vẫn đúng trong cuộc sống hiện tại. Để thời gian trôi chảy tự nhiên và chúng ta sẽ nhận ra tính cách, kiểu người.
Nếu dùng ‘thời gian’ để nhìn người có thể nhận ra một số kiểu người đặc trưng dưới đây:
– Người không thành khẩn: Vì anh ta không thành thực, do vậy lúc đầu rất nhiệt tình, sau đó lại thờ ơ. Lúc đầu thân thiện, sau lại xa lạ.
– Người nói dối: Nói dối lâu, sau đó sẽ lộ ra kẽ hở từ đầu đến cuối. Dùng “thời gian” chính là công cụ sắc bén để kiểm nghiệm những lời nói dối đó.
– Người lời nói không đi đôi với hành động: Loại người này nói và làm là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Dùng “thời gian” để nhìn nhận có thể phát hiện ra sự không đồng nhất trong lời nói và hành động.
Cách nhìn người qua thời gian này có có ý nghĩa sâu xa ở bên trong. Để học cách nhìn người, trước hết chúng ta phải học cách điềm tĩnh, không vội vàng phán xét ngay lập tức.
Cách nhìn thứ hai: Nhìn người qua đánh giá 360 độ
Chúng ta hoàn toàn không thể phủ nhận lợi thế của cách dùng “thời gian” để nhìn người. Thế nhưng, trong trường hợp cấp bách, chúng ta chỉ có vài ngày để xác định đúng đắn mối quan hệ, có thể là hợp tác trong công việc kinh doanh hay ký kết hợp đồng nào đó, chúng ta cần sử dụng tới một cách nhìn người khác.
Chúng ta có thể vận dụng cách nhìn người qua nghe ngóng từ mọi phía hay đánh giá 360 độ. Thường thì việc tìm ra những điểm tương đồng nhất khá là quan trọng. Những điểm tương đồng giữa các ý kiến bình luận, nhận xét, cũng có thể là điểm chủ yếu trong tính cách của anh ta, qua đó chúng ta có thể có cái nhìn khái quát về một người.
Đôi khi, chúng ta cũng có thể đánh giá người đó dựa trên đối phương vốn gặp mặt ta. Bởi vì có câu ‘ngưu tầm ngưu, mã tầm mã’. Một người có thể đưa ý kiến chân thực thì chứng tỏ họ có gắn bó với người ấy. Và điều gì lại khiến họ gắn bó lâu dài được như vậy? Là do họ có điểm chung, có thể là cách sống, đạo đức, văn hóa, trình độ,…
Ngoài ra, chúng ta còn có thể đánh giá nhờ quan sát gia đình của người này. Hãy xem cách họ cư xử với cha mẹ như thế nào, đối với anh chị em, vợ chồng, con cái ra sao, đối với hàng xóm như thế nào. Có thể nói đây là cách tốt nhất.
Cách nhìn 3: Dùng điểm tương đồng, sở thích để nhìn người
“Có một vị quân vương nuôi vài con khỉ trong nhà. Anh ta luyện cho chúng cách nhảy múa, và mặc cho chúng những bộ quần áo tuyệt đẹp, đeo cho chúng những chiếc mặt nạ hình mặt người. Khi lũ khỉ nhảy múa trông rất giống như người thật.
Một ngày kia, vị quân vương bắt bọn khỉ nhảy múa cho các triều thần thưởng thức. Diễn xuất điêu luyện của lũ khỉ đã nhận được nhiều tràng vỗ tay khen ngợi. Nhưng trong số các triều thần, có một vị đã cố ý làm rơi một trái chuối trên sàn nhà. Những con khỉ thấy vậy đã tháo lớp mặt nạ, lao vào để tranh nhau trái chuối. Kết quả là cuộc trình diễn tinh vi của lũ khỉ đã trở thành trò chế giễu cho mọi người”.
Qua câu chuyện ngụ ngôn ở trên, chúng ta thấy rằng bản tính của chú khỉ vẫn không thay đổi, dù đã được học nhảy múa và đeo mặt nạ. Khỉ vẫn là khỉ, nhìn thấy trái chuối sẽ lộ nguyên hình. Cũng vẫn đúng nếu ta đem so sánh giữa con người với các chú khỉ ở trên.
Con người ta trong cuộc sống hàng ngày dường như cũng đang đeo những chiếc mặt nạ để đóng các vai và biểu diễn trên sân khấu của cuộc đời. Do vậy, kẻ tiểu nhân đang đeo mặt nạ của người quân tử. Kẻ ác đeo mặt nạ của người lương thiện. Kẻ háo sắc đeo mặt nạ của người đoan chính, tử tế. Đây cũng là điều khiến xã hội dần bại hoại và gây ra nhiều hậu quả khôn lường.
Con người này tự mình đánh mất bản thân. Chúng ta nên hướng thiện, hữu xạ tự nhiên hương. Nếu chúng ta hành xử không đúng, thì dù có tài ngụy trang đến đâu vẫn sẽ phát hiện ra.
Biểu hiện của con người có thể không trực tiếp giống như khỉ, nhưng cho dù anh có cải trang thế nào, gặp phải thứ trong lòng yêu thích, anh ta sẽ vô thức và hiện rõ bộ mặt thật của chính mình. Do vậy, kẻ háo sắc bình thường rất tử tế nhưng nhìn thấy người đẹp, hai mắt sẽ dán chặt vào người đẹp, ngôn từ thất thái. Kẻ thích đánh bạc bình thường không đam mê, nhưng nhìn thấy chiếu bạc không thể kìm nén được bản thân.
Chúng ta đối nhân xử thế, tất nhiên không muốn làm hại đến ai, không phải dẫn dụ họ sa ngã mà chỉ là tìm cách bộc lộ rõ bản chất của họ. Áp dụng trên thực tế, bạn có thể chủ động tạo tình huống để người đó bộc lộ những sở thích, ham muốn của mình, khiến anh ta quên mất mình đang đóng vai gì, từ đó lộ rõ bộ mặt thật.
Nếu bạn không có năng lực sắp xếp tình huống, vậy thì bạn nên tận dụng mọi cơ hội để quan sát anh ta trong những tình huống mà anh ta không ngờ nhất, như khi tiếp xúc với một người phục vụ, một người ăn xin, một đứa trẻ con, một người xa lạ… Quan sát này có ý nghĩa sâu sắc hơn so với sự sắp đặt vì đối tượng bị quan sát không phòng bị, bộ mặt thật lộ ra tương đối sát thực.
Nói chung, cách nhìn người được xem như một kỹ năng sống quan trọng mà chúng ta cần rèn luyện. Tuy nhiên, có câu rằng: “Thay đổi chính mình, thay đổi thế giới”. Điều gì đến với chúng ta cũng không hề ngẫu nhiên, đôi khi phụ thuộc chủ yếu vào bản thân mình. Muốn mọi chuyện suôn sẻ chúng ta cần trở nên tốt hơn, đặc biệt trong tính cách, lối sống, đạo đức. Hy vọng rằng 3 cách nhìn người của cổ nhân trên đây sẽ có ích trong cuộc sống của bạn.
Theo Bestie
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét