.

.

a

Hoa đào nở, chim én về, mùa xuân lại đến. Chúc quý thầy cô và anh chị em đồng môn năm mới Ất Tỵ 2025 : - nghìn sự như ý, vạn sự như mơ, triệu sự bất ngờ, tỷ lần hạnh phúc.
THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ, ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU - MỘT NĂM MỚI ẤT TỴ 2025 AN KHANG THỊNH VƯỢNG - VẠN SỰ NHƯ Ý

26 tháng 11 2024

TẠI SAO BẠN CẦN ÂM NHẠC?…


Vài năm trước, một lần lái chiếc xe Volvo 940, chiếc xe tôi mua vào năm 2003 và mới bán cách đây mấy tháng, bỗng nhiên một bài hát tiếng Anh phát ra từ ổ CD cũ rích khiến lòng tôi xốn xang và mắt tôi rướm ướt.

Bài hát gợi tôi nhớ về thời gian tôi dạy Karate ở Nhà Văn hóa Thanh niên Hải Phòng, nơi tôi gặp và kết hôn với một cô gái người Mỹ, mắt xanh, tóc vàng. Hồi ấy, khi dạy Karate cho nàng, nhiều lần tôi phải lôi từ điển ra tra. Trong đại học, tôi học tiếng Nga, và sau khi ra trường, tiếp nhận võ đường Hải Phòng từ anh trai tôi, đại võ sư Đoàn Đình Long, tôi mới bắt đầu học tiếng Anh.
Thực ra thì tôi không nhớ bài hát tên gì, bởi hồi ấy tôi nghe nhiều và thường lẩm bẩm hát theo để luyện tiếng Anh. Giai điệu ấy bỗng làm sống lại một quãng thời gian rất đẹp: thời gian của tuổi trẻ, võ thuật, đàn hát, yêu đương và học hành. Hồi ấy trẻ lắm và ngố lắm, mà con trai học Bách Khoa, toàn những thằng giống tôi. Thời đó, ra trường rồi thì tỷ lệ biết nụ hôn đầu chắc chỉ 1/100, có khi còn ít hơn.
Nhiều lần trong cuộc đời, một bài hát nào đó bỗng làm cảm xúc trỗi dậy trong tôi một cách bất ngờ. Chắc hẳn các bạn đã thấy một cảnh phim nào đó, cả một nhóm người đang buồn bã, bỗng dưng một tiếng hát cất lên, rồi cả nhóm hát theo; chỉ chốc lát, niềm vui đã lại san bằng nỗi u buồn. Âm nhạc không chỉ là giai điệu và lời ca, mà còn là nguồn sức mạnh tinh thần, giúp con người vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.
Tôi nhớ một bài nói chuyện trong TED về một cô gái bị bệnh về não, không nói được; cô ấy chỉ tập trung chơi violon, và dường như những tần số của nốt nhạc đã giúp cô ấy hồi phục. Các bạn nhớ bộ phim Casablanca không? Anh chàng Rick si tình, bỗng một ngày lao ra nhạc công quát ầm ầm vì dám chơi bài hát anh ấy cấm trong quán của mình. Bài hát ấy là linh hồn chứng kiến cuộc tình đẹp nhưng dang dở của Rick. Chỉ cần giai điệu ấy cất lên, ký ức sẽ như một con dao lách thẳng vào con tim của kẻ si tình. Bạn nào chưa xem, nhất định phải xem bộ phim này.
Âm nhạc giống như một cỗ máy thời gian huyền diệu; nó mang tâm hồn chúng ta về quá khứ, làm sống lại những cảm xúc đã ngủ yên bao năm. Trong những lúc mệt mỏi và cô đơn, khi nằm duỗi dài trên đi-văng, âm nhạc có thể trở thành nơi trú ẩn an toàn, một người bạn thủ thỉ ngọt ngào, động viên và nâng đỡ tâm hồn thấm mệt của ta.
Điều tuyệt vời là âm nhạc vượt qua mọi rào cản ngôn ngữ và văn hóa. Dù bạn yêu thích thể loại nhạc nào: cổ điển, nhạc thập niên 60-80, reggae hay bất kỳ thể loại nào khác, âm nhạc đều mang lại niềm vui và sự kết nối. Nó như nhịp đập của một linh hồn huyền bí khiến trái tim mọi người cùng đập theo. Nếu chúng ta coi ngôi nhà là nơi để nghỉ ngơi trong cảm giác ấm áp và an toàn, thì âm nhạc chính là ngôi nhà duy nhất mà ta có thể coi là nhà, bởi nó có thể đi theo ta khắp nơi.
Âm nhạc cũng có thể coi là tri kỷ; khi những người bạn đã xa ta, âm nhạc vẫn còn ở đó.
Tôi yêu âm nhạc nhưng không có khiếu về âm nhạc và nhiều lần làm phiền các bạn bằng sự trình diễn của mình. Dù vậy, tôi thường tự hỏi tại sao ngôn từ và giai điệu lại tuyệt đến vậy. Người nhạc sĩ có bộ não như một nhạc cụ thần thánh, cho ra những tuyệt phẩm khiến hồn tôi xao động.
Tôi hy vọng mỗi đứa trẻ lớn lên đều được tiếp xúc thật nhiều với âm nhạc. Âm nhạc nâng đỡ, âm nhạc chữa lành, âm nhạc gợi nhớ yêu thương, âm nhạc chung thủy…

101 Điều Cuộc Sống (II) – Đoàn Bảo Châu






TẮM MÁT DÒNG SÔNG TUỔI THƠ…

Tuổi thơ, ai cũng có một dòng sông để tắm mát tâm hồn, đó là dòng sông của quê hương, của biết bao nỗi nhớ yên bình.
Xin một vé về tuổi thơ!!!
Đứng trên bờ đê, tôi đưa mắt nhìn về phía dòng sông, bao nhiêu ký ức tuổi thơ gắn liền với sông cứ chen nhau hiện về trong tôi. Dòng sông của tuổi thơ tôi là nơi một góc trời quê nhỏ thật hiền hòa. Có con nước lớn, ròng bồi lắng hạt phù sa cho những hàng bần ven sông ngày một thêm lớn thêm xanh tỏa bóng mát xuống mặt sông.
Đám con nít ở quê của bọn tôi ngày ấy thích nhất là được đi tắm sông. Chiều chiều bọn tôi gần chục đứa tụ tập lại rồi ra ngoài phía bến sông để tắm. Những khi nước ròng bỏ bãi thì bọn tôi xúm nhau rượt đuổi đám cá bống sao chạy tung tăng trên bãi một hồi rồi mới chịu đi tắm. Còn lúc nước đầy sông thì hay leo lên ngọn bần rồi phóng ầm xuống nước, chìm mất tiêu, một hồi sau mới nổi lên. Trò lớn khỉ ấy dường như bọn con trai đứa nào cũng thích cả. Hoặc khi thì đi vớt mấy đám lục bình trôi để hái bông mà chơi nhà chòi. Cũng có khi bẻ bông bần búp để chơi. Những bông bần sắp nở bung ra từng sợi li ti màu trắng trắng, tím tím trông thật là đẹp. Những bông bần ấy khi được nở xòe ra rồi buông rơi xuống mặt nước cũng là một phần làm nổi bật thêm nét đẹp hiền hòa dung dị trên dòng sông cù lao quê tôi.
Thời con nít, có biết gì đâu để cảm nhận nét đẹp của quê hương. Mà chỉ biết thỏa mãn với những trò chơi mà mình thích để vui thôi. Còn dòng sông thì vẫn âm thầm mang con nước lớn con nước ròng để bồi lắng phù sa. Những cây bần ven sông thì cứ ngày thêm lớn thêm xanh. Không biết có phải cây bần là loài cây đại diện cho sự nghèo khó – như chính cái tên “bần” của nó hay không? Nhưng rõ ràng là bần sống ở nơi sình lầy rất hạp, dù là nước ngọt, lợ hay mặn. Và cũng chẳng ngại ngần nắng, mưa, bão, lũ gội rửa đời mình. Bần cứ theo thời gian mà vươn mình lấn mãi ra phía sông.
Cũng chẳng biết cây bần có sự quyến rũ gì mà đôi khi thỉnh thoảng ban đêm ra phía bến sông nhìn lên cây bần lại chợt thấy cả một bầy đom đóm tụ tập chẳng rõ mấy trăm con, cứ chớp tắt liên tục tạo ra một vùng ánh sáng mờ ảo cực kỳ sinh động và đẹp mắt.
Bọn con nít của chúng tôi khi lớn lên thì ai cũng lo đi tìm tương lai sự nghiệp cho mình. Bởi cuộc sống là một vòng quay của chuyện cơm, áo, gạo, tiền…và với tôi cũng vậy. Đôi khi phải chấp nhận làm kẻ xa phương mà bôn ba xứ người.
Khi cuộc sống có quá nhiều bộn bề vất vả thì ta lại thèm những êm ả yên bình. Và khi ấy ta lại chợt nhớ về tuổi thơ, về những tháng ngày quá đỗi hồn nhiên và cũng luôn đọng lại những yêu thương. Với tôi thì tôi vẫn luôn nhớ về dòng sông của một thời cho tôi tắm mát. Nơi ấy, có hàng bần xanh nghiêng nghiêng tỏa mát mặt sông quê. Có những bông bần nở xòe rung rinh trong làn gió. Và cả đàn đom đóm chơi đèn dưới ánh trăng thơ.
Ôi! Yêu quá dòng sông của tuổi thơ tôi.

Đường Lãng Du


Về Nhà Ngày Bão

Thương đậu chiếc xe Honda trước cửa, khẽ khàng bước lên thềm nhà. Trời vẫn mưa như trút nước. Cô cởi tấm áo mưa, ngó nghiêng vào bên trong. Cả ngôi nhà ngói ba gian cũ kĩ, sộc lên mùi ẩm mốc.

Thương gọi khẽ:

- Ba ơi, ba à, ba đang làm gì đấy?

Đáp lại tiếng cô là bước chân cuống quýt của con Lu. Nó chạy xồng xộc ra phía cửa, mũi hẵng còn dính đất, liếm vào chân cô tỏ vẻ mừng rỡ. Cô hỏi như hỏi người thân:

- Ba đâu rồi Lu?

Nó giơ hai chân trước lên, cào cào vào chiếc quần ngắn của cô, mắt hướng ra ngoài vườn. Theo bước chân nó, cô bước ra sau, tấm lưng còng của ba đang lúi húi dưới mấy bụi mía rậm rạp. Đôi bàn tay thô ráp, đã chậm chạp theo thời gian, đang cố níu giữ những cây mía bị cơn gió mạnh thổi rạp chiều hôm qua. Hết kéo bên này lại giật bên kia, nhưng dường như sức nặng của những cây mía đã làm cho ông già thấm mệt. Thương lên tiếng:

- Mưa gió thế này, ba cứ trầm mình ngoài vườn làm gì vậy ba ơi, mấy cây mía đó, mai mốt nó lớn thêm, cũng bán được bao nhiêu đâu. Rồi ba bịnh ra, không có con ở nhà, ai chăm ba được. Ba vào nhà đi cho con nhờ.

Thương gay gắt, chỉ mong ba bỏ dở việc, chủ động bước vào nhà nghỉ ngơi. Đã ba ngày nay, cơn bão vần vũ trên những mái nhà, gió rít từng cơn. Mấy đêm liền nằm ôm con trong mùng, cô lại khấp khởi lo cho ba. Sợ ba một mình chống chọi với những vất vả. Bảy mươi mấy tuổi rồi, ba đã không còn là chàng lính ngự lâm trẻ, xông xáo và mạnh mẽ như những năm tháng ở chiến trường. Cộng thêm nỗi buồn đau từ ngày má mất, ba yếu đi rất nhiều.

Nhà có ba anh em, hai đứa út học trên thành phố, lấy vợ rồi sinh sống trên đó luôn. Chỉ mỗi mình Thương nhận tấm bằng Đại học Sư phạm loại giỏi, nên may mắn xin đi dạy ở quê. Cũng theo chồng về dinh sau ba năm giảng dạy ở trường, bây giờ đã hai con nheo nhẻo, đứa lên bốn, đứa lên ba, suốt ngày quấn lấy chân mẹ. Cô cũng chẳng có thời gian thường xuyên về thăm ba.

Nhà chồng cách nhà cũ của cô tận ba mươi cây số, mỗi lần về, cô đều phải tay xách nách mang hai đứa nhỏ theo cùng. Hôm nay trời mưa bão, một mình trên chiếc xe cô còn sợ gió sẽ cuốn mình xuống bờ ruộng lúc nào không hay. Nhưng ruột cứ cồn cào lên mỗi khi thời tiết bất ổn. Lo ba ở nhà không có người dọn dẹp, che chắn cho ngôi nhà dột trước, xiêu sau. Đã bao lần, cô bàn với hai em, xây cho ba ngôi nhà mới. Nhưng cứ hễ nói ra, ba lại lắc đầu:

- Ngôi nhà này ba má xây từ thời tụi bây chưa sinh, năm tháng bào mòn tuổi xuân và đã đưa má về với ông bà. Không lẽ chút kỷ niệm của má bây, ba không giữ được.

***

Má mất vào mùa bão, cũng những ngày nước xâm xấp mặt sông. Ba chèo thuyền đi lượm củi, vài thứ lặt vặt trôi nổi trên sông. Má kéo lũ con nhỏ đi bắt cá, kiếm bữa ăn cho cả nhà. Thương bầy con nhỏ quanh năm với dưa cà, rau củ trong vườn, nên má cứ trầm mình mãi dưới con nước. Đợt đó về má bị thương hàn. Rồi má đi. Cũng chẳng kịp lên bệnh viện thăm khám.

Phần vì nhà không có tiền, phần vì má sợ mùi bệnh viện. Má bảo hồi đó ông ngoại kêu đau đầu, cả nhà đưa ông ngoại lên bệnh viện. Nhưng chỉ nửa ngày sau thì ông mất. Người ta bảo, do những năm tháng chiến tranh, ông bị trúng đạn ở đầu, may cứu kịp nên còn sống tới bây giờ. Nhưng tuổi tác bào mòn sức khỏe, chẳng ai có thể chống chọi được với thời gian.

Hồi đó, nhìn sự đau đớn, vật vã của ông ngoại trong mấy tiếng đồng hồ, má đã không chịu được. Kíp trực hôm đó rất nhiều bác sĩ, tiếng chạy huỳnh huỵch dưới hành lang, tiếng y tá gọi nhau dồn dập, nhưng cuối cùng ông ngoại cũng đã nhắm mắt xuôi tay. Nỗi ám ảnh ấy đã khiến má sợ bệnh viện, sợ mãi cho đến ngày má cũng nối gót theo ông.

Đồng lương thương binh của ba đã không đủ để trang trải cho ba đứa con nheo nhóc. Thương lên phố, ở với người cô họ hàng xa, ngoài giờ học, cô phụ buôn bán quán ăn và chăm các em nhỏ. Lâu lâu, dịp nghỉ hè cô cho Thương về nhà mấy hôm, thăm ba và các em, rồi lại trở lên phố làm việc.

Những năm tháng nơi phố thị, nỗi nhớ da diết của Thương là ba, là hai em nhỏ đang tuổi ăn tuổi lớn ở nhà. Nhiều hôm, sau những giờ phục vụ khách ngoài cửa hàng, Thương lại ngồi bậu cửa, nhìn xa xăm ra quốc lộ. Mường tượng về khung cảnh ở nhà.

Rồi Thương đỗ đại học, giấc mơ đứng trên bục giảng và hơn nữa là giảm chi phí cho việc học, Thương đã chọn sư phạm. Thương nghĩ một ngày nào đó, sẽ được về gần ba, chăm lo cho ba nhiều hơn, bù đắp những năm tháng ba gồng mình nuôi ba chị em khôn lớn.

***

- Hai đứa nhỏ đâu, sao không chở nó về chơi với ba cho vui, nay vẫn còn nghỉ hè mà.

- Tụi nó đã đi học cấp một đâu ba, vẫn đi nhà trẻ hằng ngày ạ. Nghỉ hè thì con gửi trường tư. Hôm nay mưa bão, chở cháu về sợ nó bịnh nên con không chở. Con về xem tình hình ba thế nào, mua cho ba mấy lốc sữa, đồ ăn thức uống cho ba bồi bổ nè.

- Ba ngừng không buộc mía nữa, thất thểu bước vào thềm. Nụ cười nhân hậu nở trên đôi môi, khóe mắt nhăn nheo, đôi mắt đã đục mờ. Ba dịu giọng:

- Ba có tiền lương mà con, một tháng nhiêu đó, ba ăn đâu có hết.

- Nhưng con không thấy ba mua gì hết trơn. Lúc nào về nhà, con cũng thấy nồi cá kho ráo nước, bốc mùi thơm của nhiều ngày kho đi kho lại. Con không thấy ba mua sữa uống, cũng chẳng thấy trong tủ lạnh có thêm đồ ăn gì. Ba ăn uống như vậy, tuổi già sức yếu, chịu sao nổi.

Vừa nói, Thương vừa ấm ức lấy tay quệt nước mắt. Bao năm vẫn vậy, trừ những ngày cố cứng cỏi ở phố, dấu nỗi nhớ ba và các em vào trong, thì Thương vẫn luôn là cô gái mau nước mắt. Sợ ba sẽ không chịu nổi những ngày giông bão dập dìu ghé qua căn nhà, sự cô đơn bủa vây lấy người cựu binh ấy. Nhiều lần cô cũng ngỏ ý muốn ba tìm thêm một người để bầu bạn tuổi xế chiều, nhưng mà ba một mực không chịu.
***

Cánh cổng kẽo kẹt, có tiếng con Lu sủa. Tiếng nhẹ nhàng của chân trần. Cô Hòa hàng xóm gọi vọng vào:

- Ông Tư đâu, trời mưa bão không xuống chợ được, nhà có mấy con gà bị lũ cuốn, dồn một đống, sáng nay ông nhà làm thịt sạch sẽ, kho sả ớt, tôi mang sang cho ông một cặp lồng, cất dần trong tủ lạnh, thèm thì lại mang ra kho ăn nè.

Thương vội vàng bước ra ngoài, lau giọt nước mắt chưa kịp khô trên má. Rối rít cảm ơn cô Hòa. Cũng nhờ cô qua lại thăm nom, mà mấy nay ở nhà chồng xa xôi, Thương cũng bớt lo hơn về ba.

- Rồi ba cũng theo má tụi bây, mấy đứa cứ lo ổn định công việc, lo cho gia đình, đừng lo cho ba nhiều quá. Ba đã nói như thế khi thấy Thương lại tất bật chuẩn bị áo mưa, nón để về. Thương cười động viên:

- Ba cứ đùa con, má mất vì bịnh, giờ ba là người thân duy nhất của tụi con, dù như thế nào, tụi con vẫn lo cho ba, để ba sống vui, sống khỏe bên con cháu chứ!

***

Thương có ý định xin dạy ở trường cấp ba gần nhà mình. Tiện đường tiện xá có thể chăm ba nhiều hơn. Công việc của chồng cô là kĩ sư xây dựng, rày đây mai đó, ở nhà cũng không nhiều. Cô sẽ hỏi ý kiến anh, về việc xây dựng nhà mới trên nền đất của ông ngoại, chuyển về ở hẳn với ông. Ở bên nội, các anh, các chị cũng ở vòng vòng gần đó, chạy qua chạy lại chăm ông bà nội thuận tiện hơn nhiều.

Cô chưa nói ra vì bây giờ công việc chạy một chân giáo viên ở quê cũng khó hơn. Nhất là chưa tìm hiểu về trường, chưa biết giáo viên trong trường thiếu đủ thế nào. Những năm trước, người ta vẫn ưu tiên những giáo viên tốt nghiệp loại giỏi và đã từng học cấp ba ở trường. Nhưng Thương thì không, cô không học cấp ba ở quê vì những năm tháng phụ việc trên thành phố, kiếm tiền lo cho các em. Điều duy nhất cô được ưu tiên đó chính là một suất của con gái thương binh.

Khi đang phân vân giữa đi và ở, giữa chọn về nhà chăm ba và việc ở bên nội thì chồng Thương chủ động gợi ý.

- Hay anh xin cho em về trường cấp ba gần nhà ngoại, vợ chồng chúng mình cất một căn nhà bên ngoại cũng được.

Thương ngạc nhiên, nhìn chồng đầy ngờ vực. Cô không biết anh đã hiểu ý định này của cô từ bao giờ. Ánh mắt cô rưng rưng:

- Sao anh biết em muốn như vậy?

Anh cười:

- Sao anh không biết được. Em là vợ của anh mà. Những ngày thăm ba trở về, thấy nét mặt u sầu của em là anh đoán ra rồi. Anh cũng thương ba, những năm tháng tuổi già vật lộn với vết thương chiến tranh, hai cậu ở xa, lâu mới về được. Vợ chồng mình, còn có cơ hội gần ba nhiều hơn, thì mình làm thôi.

Thương khóc như mưa. Cô ôm chồng, cảm ơn anh rối rít.

***

Ngày Thương dọn về nhà mới, trời lại đổ cơn mưa. Lần này cũng là cơn mưa lớn, ràn rạt trên mái nhà. Ba ngồi trước thềm, chơi với hai đứa cháu. Cô tất bật dọn dẹp trong nhà để cúng kiếng lên nhà mới. Ngôi nhà ngói ba gian cũ kĩ theo ý ba, vẫn để lại để lưu giữ kỉ niệm những năm tháng khốn khó, có ba, có má và gia đình của cô.

Mưa xối xả, dâng nước gần ngập cả khoảng vườn rộng lớn. Mấy cây bắp mới nhú cố vẫy chiếc lá để vươn mình xanh tốt. Cô biết giờ này “bão đã dừng sau cánh cửa” nhà mình... 

Truyện ngắn - tác giả: Ngô Nữ Thuỳ Linh


 Ký ức bứt dứt

"Thiệt là sướng, khi người ta đến một nơi hoàn toàn không có ý ức. Mợ nghĩ vậy, khi bạn đồng hành cứ xuýt xoa khi xe đò sắp vào thành phố, ui trời đẹp quá chừng, mợ ơi coi kìa, rừng thông. Con nhỏ đeo kính dày như đít chai, mới vừa thi xong nên thưởng cho mình chuyến đi xa đầu tiên trong đời. Nó nói nghe Đà Lạt trong thơ trong nhạc lâu rồi, giờ mới hít hà được khí trời, chạm tay vào xứ sở.

Dĩ nhiên trong mắt đứa con nít lần đầu đến, ngọn đồi trụi kia là đã trụi sẵn hàng trăm năm trước. Giờ khách sạn có nằm chễm chệ trên đó cũng đẹp như thường.

Mợ thì bứt dứt. Không muốn đọ cảnh xưa cảnh nay, nhưng hồi ức lợp xanh đồi trong tâm trí mợ. Thông, và chỉ thông, thứ cây thẳng lưng kiêu hãnh. Hồi đó phim Titanic đang sốt, mợ và bồ hì hụi trèo lên tận đỉnh, ra chỗ cái mõm đồi trống, rồi bắt chước anh Jack và chị Rose căng hai tay ra trong lộng gió trời. Nhắm mắt, mợ nghĩ mình đang bay, liệng một vòng dũng mãnh giữa không gian khoáng đạt nức mùi nhựa thông và hoa dại, cảm giác tự do và an toàn, mợ biết mình không bao giờ rơi vì có bồ bay bên cạnh. Sau này chia tay bồ rồi, mợ vẫn nghĩ về ổng với những ý nghĩ dịu dàng, vì đã từng bao lượt bay chung.

Trên những lần xuôi ngược lúc yêu và sau yêu, mợ vô tình làm chứng cho nhiều đổi thay phố núi. Thành phố phình ra, đồng nghĩa những rừng thông bọc quanh nó thưa dần, hệt như tóc bà già mỗi tuổi mỗi thưa. Người đông lên, cả những cô bé con má cũng bớt hồng, vì tiết trời không còn lạnh như trước. Con người đi đến đâu, hơi ấm bừng lên ở đó, nhưng ấm đến mức thay đổi cả khí hậu của một vùng đất, cũng ghê".

 Nguyễn Ngọc Tư







Không có nhận xét nào:

CHÀO MỪNG QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU SÓC TRĂNG THAM QUAN, ỦNG HỘ HOANGDIEUTRUONGXUASAIGON.BLOGSPOT.COM. CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM NHIỀU SỨC KHỎE, THÀNH CÔNG TRONG CÔNG VIỆC.