.

.

a

Hoa đào nở, chim én về, mùa xuân lại đến. Chúc quý thầy cô và anh chị em đồng môn năm mới Giáp Thìn : - nghìn sự như ý, vạn sự như mơ, triệu sự bất ngờ, tỷ lần hạnh phúc.
THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ, ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU - MỘT NĂM MỚI AN KHANG THỊNH VƯỢNG - VẠN SỰ NHƯ Ý

23 tháng 7 2015

TRUYỆN NGẮN HAY.

Thư từ quê nội

Hồi còn trẻ tôi rất ác cảm với nhà nội, đặc biệt là bà nội.

Ba tôi là công nhân xí nghiệp cơ khí, má tôi bán chè. Anh chị tôi ngoài giờ đi học phải phụ giúp ba má kiếm tiền bằng việc gánh nước mướn cho các sạp hàng ngoài chợ, tôi phụ má rửa ly chén và bưng bê cho khách.
Thường xuyên quanh quẩn bên hàng chè của má nên tôi trở thành “thư ký” của má. Mỗi khi có thư từ quê nội gửi lên, tôi là đứa đọc thư cho má nghe. Tôi là đứa con đầu tiên nghe tiếng thở dài của má, tới khi má gom được một số tiền gửi về quê mua thuốc chữa bệnh cho ông bà nội. Việc giỗ quảy, chăm sóc vườn tược, sửa sang mồ mả... thì tôi là đứa viết thư báo cho nhà nội biết đã gửi tiền rồi và mong ông bà nội thông cảm vì ba má chỉ có được chừng đó thôi.
Sợ nhất là thư tới vào dịp tết và khai giảng. Khi đó má bù đầu với đủ thứ món phải mua sắm, tiền cho việc này, việc kia mà tính đi tính lại hàng trăm lần cũng chẳng thể bớt món nào được. Đang múc chè cho khách mà nhìn thấy ông đưa thư ngừng trước sạp, vá chè trong tay má tôi khựng lại... Ba tôi đi làm từ sáng sớm nên ông luôn là người sau cùng nhìn thấy lá thư, khi đó nó đã nhàu vì qua tay anh chị em tôi đọc đi đọc lại.
Người đầu tiên là tôi như thường lệ, với đôi tay vừa rửa ly nên đọc xong thì lá thư thấm nước lốm đốm. Tiếng thở dài của má báo hiệu đã nghe xong rồi không cần tôi đọc lại nữa. Tôi xếp cất vô túi cho tới khi anh chị xong việc gánh nước, lá thư được lấy ra đọc bằng những bàn tay ướt nước... Cứ khô rồi ướt như vậy, chiều tối tới tay ba thì lá thư đầy vết nhòe.
Thư tới, anh chị em tôi hồi hộp chờ đợi vì thế nào cũng có vài món phải gác lại. Chị Hai chảy nước mắt khi má nói ráng mặc lại áo dài cũ. Mùa lạnh tới mùa nóng chị đều choàng áo len ra ngoài chiếc áo dài đã chật căng để đi học. Anh Ba con trai không khóc, nhe răng cười như khỉ khi ba nói không mua xe đạp như đã hứa...
Mỗi khi ba má gây gổ nhau, thế nào bà cũng nói với chị em tôi “Đừng lấy chồng là con trai trưởng nghe chưa con”.
Nhưng thím tôi không phải dâu trưởng cũng có khác gì.
***
Mùa hè năm cuối cấp III, hội phụ huynh cho cả lớp một chuyến đi chơi xa về vùng biển, nơi đó gần quê nội nên ba má gửi quà cho tôi đem về quê.
Ông nội đã mất, bà nội sống với chú thím út. Thật lòng, tôi về quê chỉ vì nhiệm vụ đưa quà chứ chẳng muốn ở lại lâu. Khi bà nội sai thím bắt con vịt nấu cháo cho tôi ăn, tôi lắc đầu ngay với lý do “Chiều nay cháu có cuộc họp lớp, phải về ngay”.
Thím khều tay tôi, thầm thì ngập ngừng: “Chịu ở lại đi cháu, lâu rồi mấy đứa nhỏ không được ăn thịt”. Nếu không tận mắt nhìn thấy mũi của mấy đứa em phập phồng và mắt đứa nào cũng hau háu nhìn đĩa thịt vịt, mấy tô cháo, thì không thể tin là các em tôi thèm thịt trong khi bầy vịt bơi kín mặt ao và bầy gà đủng đỉnh khắp sân vườn. “Sao lâu lâu thím không lén bà nội dắt mấy đứa đi chợ cho ăn một bụng?”, tôi hỏi. Thím giật nảy người: “Không được đâu. Chợ quê mình làm gì ai cũng biết”. Làm dâu mười lăm năm và đã là mẹ của bốn đứa con mà thím tôi vẫn cứ như cô gái mới về nhà chồng.
***
Anh chị em tôi vào đại học rồi đi làm, kinh tế gia đình ngày càng dễ chịu hơn, việc đóng góp về quê không còn là vấn đề gay gắt nữa. Anh chị em tôi cũng góp thêm phần của mình. Mỗi lần gửi tiền đi, chị em tôi hỏi đùa nhau tiền đó chắc là để bỏ vào hũ chôn chứ còn làm gì khác khi mà nhà đầy gà vịt nhưng không dám làm thịt.
Tôi lấy chồng. Đôi khi đang nấu miếng ngon cho mâm cơm nhà mình, tôi chợt nhớ kỷ niệm với thím và mấy đứa em về bữa cháo vịt. Có lẽ bây giờ khác nhiều rồi. Ừ, nếu bà nội không khác thì các em tôi đã khác, vì các em đã lớn. Trước đây tôi ghét việc viết thư về quê nội, bây giờ tôi lại hay gọi điện cho thím, đôi khi chỉ là vài câu vu vơ như “Ngoài đó đã có mưa chưa hả thím?” hay “Hôm nay bà nội ăn cơm hay ăn cháo?”.
***
Bà nội mất.
Tất cả con cháu đều kinh ngạc khi biết bà nội có cái túi vải đựng một chục lượng vàng, một số vốn đáng được gọi là khổng lồ ở quê tôi.
Nhà cửa ruộng vườn là việc của đàn ông, bà nội để con trưởng là ba tôi tùy ý định liệu, từ khi bà biết lần trở bệnh này khó qua khỏi. Lời trăng trối cuối cùng của bà là chia đều túi vàng cho các con dâu để dành lo cho mấy đứa cháu.
Bà nội nằm đó, gầy gò teo tóp trên tấm phản gỗ bóng lên nước thời gian. Trong khi cánh đàn ông tắc lưỡi xì xào bà nội keo kiệt bòn mót ki cóp làm gì để rồi chết đi có mang theo được đâu thì cánh đàn bà ai cũng khóc ròng.
Má tôi khóc, mấy thím khóc, chị em tôi cũng khóc. Ai cũng tự trách mình vì đã từng nuôi giữ trong lòng ác cảm với bà nội. Rồi thì mọi người nhớ lại ông nội hồi đó rất đỗi phong lưu và đào hoa...
NGUYÊN HƯƠNG

Bức thư xúc động của cô học trò lớp 9 trường Trưng Vương

Lá thư của em Mai Đỗ Hiền Chi (Lớp 9KI, Trường THCS Trưng Vương - Hà Nội) gửi cô giáo Lê Thu Hiền khi kết thúc năm học; với những tình cảm thày trò thật sự khiến người đọc xúc động.

Dẫu giờ đây có nhiều chuyện không vui xảy ra trong vấn đề quan hệ thày- trò, dẫu giờ đây xã hội phải lên tiếng vì sự "tôn sư, trọng đạo" không còn được như xưa.
Nhưng những tình cảm thầy trò đích thực như thế này, vẫn là điểm sáng để chúng ta có thể tin tưởng hơn vào cuộc sống này, vào tình thày trò ý nghĩa bao năm nay trong truyền thống của dân tộc.
"Gửi cô Hiền - người cô đáng kính của con, người truyền cảm hứng cho con, người vẽ cho con một lối đi riêng, người đón con chập chững ngơ ngác ở ngưỡng cửa cấp hai và cũng là người tiễn con đi phút ly biệt - Mẹ của con.
Tâm trạng con hôm nay khó tả quá cô ạ. Có lẽ vì sắp tới đây thôi, chỉ sau cái giây phút cô đứng lên thôi, là con sẽ không bao giờ có cơ hội thứ hai được ngồi dưới, được nghe cô giảng bài, được nghe những lời tâm tình của cô nữa.
Con nhớ lắm những tiết học hăng say, sôi nổi giờ cô năm lớp 6. Rồi dần dần, lớp con hư, nói chuyện, những đứa trẻ bướng bỉnh cứng đầu ấy làm cô phải buồn nhiều, làm cô mất hứng thú giảng dạy từ lúc nào không hay..
Con nhớ lắm những lần cô nhắc lớp mất trật tự. Cô không bao giờ mắng chúng con, cô luôn ân cần nhắc nhở nhẹ nhàng, mà thấm thía. Nhưng những đứa trẻ cứng đầu - là chúng con - không chịu hiểu lòng cô. Chúng con đổ tại cô dạy không nhiệt huyết mà quên đi mất cái lý do chủ quan từ chính bản thân mình.
Con nhớ lắm những lần cô bật mí cho lớp những bài thơ của cô. Cô đọc thơ về bà, về mẹ, về mái trường Trưng Vương cổ kính, rộng rãi. Rồi cô khóc, lặng lẽ khóc.
Và, con sẽ mãi nhớ những lời căn dặn ân cần, trìu mến trong buổi học cuối cùng mà con được học cô, tiết học văn cuối dưới mái trường THCS Trưng Vương này. Lời giảng cô chính là hành trang của đời con, là tình yêu của cô bao bọc và nâng đỡ chúng con suốt những chặng dài và rộng kế tiếp.
Con vô tình đọc được ở đâu đó, Cô bảo: "Trong cái nhọc nhằn bao giờ chẳng có niềm vui hả em". Nghề giáo nhọc nhằn lắm, nhưng cũng cao cả, đáng quý lắm. Cái nhọc ấy xuất phát tự sự bướng bỉnh, tinh nghịch từ những học trò như chúng con.
Nhưng cuối cùng, mọi hao khuyết đều trở thành cái đáng nhớ, trở thành kỷ niệm. Con không biết cô có vui khi được dạy, hay "phải dạy" khóa học này không, nhưng con hy vọng, trong tim cô luôn khắc ghi một mảnh ký ức đẹp đẽ về chúng con - lũ học trò tinh quái, nghịch ngợm.
Con thấy tiếc khi chưa bao giờ được gọi cô một tiếng "Mẹ", chưa bao giờ, con nói tiếng "cảm ơn" với cô. Giờ đây, con không được học cô nữa rồi, con đã phải rời xa Mẹ rồi...
Nhưng Mẹ à, con sẽ là một cánh hoa bồ công anh, bay khắp phương trời và gặt hái những thành công, vượt ra khỏi giới hạn của chính mình, cố gắng, cố gắng hơn nữa để không phụ niềm hy vọng của Mẹ dành cho chúng con.
Con sẽ luôn và mãi mãi nhớ về Mẹ, Mẹ Hiền của con.
"Tên con đã là một phần trong tên cô rồi..."
Mai Đỗ Hiền Chi

Không có nhận xét nào:

CHÀO MỪNG QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU SÓC TRĂNG THAM QUAN, ỦNG HỘ HOANGDIEUTRUONGXUASAIGON.BLOGSPOT.COM. CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM NHIỀU SỨC KHỎE, THÀNH CÔNG TRONG CÔNG VIỆC.