Riêng tặng bạn
Lâm Quang Khải, Montréal
Bạn tôi rất
thích cây cỏ, tối ngày chăm sóc khu vườn sau nhà. Chúng tôi định cư ở thành phố
Montréal và anh là người Việt đầu tiên mở tiệm hiệu Bonsai ở thành phố nầy.
Bonsai có thể mua ở các nhà sản xuất bên Mỹ và cũng có tự sản xuất, tôi cùng
anh thường vào các trại bán hoa kiểng lớn, lục lọi các cây thông, cây tùng hư,
cong vẹo, cằn cỗi, có khi là những cây gần chết vụt bỏ thùng rác… mua rẻ đem về
cắt bớt cành dư thừa, dùng dây đồng uốn éo thành hình dáng đẹp, nuôi dưỡng một
thời gian cho thành bonsai, rồi đem bày bán. Cây làm bonsai thường là các loại
cây xứ lạnh lá nhỏ và giỏi chịu đựng thời tiết khắc nghiệt…
Một hôm trong
câu chuyện bàn về cây cỏ, anh nói trong một bài của tôi có một chỗ sai và anh
cho biết hoa pivoine (peony) không phải hoa mẫu đơn mà là thược dược. Tôi hỏi
anh căn cứ vào đâu mà nói vậy vì hầu hết các tự điển đều ghi pivoine là mẫu
đơn, còn thược dược là dahlia. (riêng tự điển của Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ thì
cho là mẫu đơn, hoa trắng thật thơm, có nhiều tai, cuống mập như ống, đài 5
chia nhọn, lá láng mọc đối và chùm ba, cây nhỏ trồng làm hàng rào cao tới 2 m,
tên là Gardenia Lucida ( thực ra người Nam gọi gardenia tới ba tên: mẫu đơn,
dành dành, bông lài trâu. Gọi tên hoa dành dành là đúng nhất. Ca dao có câu:
Con vợ khôn lấy thằng chồng dại, như bông hoa lài cắm bãi cứt trâu. Nhớ đừng lầm
với hoa lài (jasmine) ướp trà, hoa trắng nhỏ thơm lừng, người Ấn Độ thường dùng
xỏ xâu đeo cổ ).
Anh chỉ bức
tranh trên tường nhà tôi, nói -rõ ràng đây nè, bức tranh nầy phải người Tàu vẽ
hoa mẫu đơn không? Tôi xác nhận đúng là như vậy. Tôi cũng đã hiểu ý nghiã bức
tranh, đức Khổng Tử cho mẫu đơn là phú quí chi hoa, hoa lan là vương giả chi
hoa. Hai con bướm, chữ nho hiểu là trùng điệp. Bốn chữ trong bức tranh với nét
thảo tung hoành như lời mong ước, chúc phúc -phú quí trùng điệp.
Nhìn bức
tranh cây hoa cao trên cả thước, thuộc loại thân mộc cứng màu đen có nhiều cành
phụ, anh nói -nếu như giống hình vẽ, hoa to bằng cái chén lớn màu hồng, màu đỏ
nhưng cây hoa ở Canada thuộc loại thân thảo mềm, trồng bằng củ, mọc thành từng
bụi, khi hoa nở nhiều cần cây chống, nếu không chúng sẽ bị gió thổi gãy cành,
đâu phải thuộc loại cây thân mộc cứng cáp… Như vậy pivoine Canada chỉ có thể là
dahlia thôi, không phải là mẫu đơn !
Tôi không chịu
vậy vì đã từng thấy mẫu đơn y như hình vẽ, rũ anh vào vườn Bách Thảo, cạnh sân
Vận Động Olympique, chỉ cho anh coi cả một khu trồng cây mẫu đơn thân mộc cao cỡ
2 thước, hoa nở đỏ rộ đẹp lắm, có bảng ghi chú là Pivoine Chinoise (Chinese
Peony) Tôi ước ao có được một cây mà không biết mua ở đâu, phải mãi đến năm
1994 ở Canada mới nhập cảng giống mẫu đơn Trung Hoa thân mộc mà bán ngoài thị
trường. Thực ra anh bạn cũng có lý vì mẫu đơn có nhiều loại: Loại thân thảo như
Canada (herbaceous peony / pivoine japonese. Tên khoa học là peonia lactiflora
họ Ranunculaceae, sách Việt Nam cũng ghi là thược dược); Loại mẫu đơn thân mộc
của Tàu (peony tree, mutang (mẫu đơn) / pivoine arbustive: peonia suffruticosa
họ Peoniaceae). Tôi cho peony dù là giống nào thì cũng là mẫu đơn. Còn dahlia
là thược dược thuộc họ Asteaceae.
Kể từ dạo đó,
tôi nhớ lại tất cả những gì liên quan tới mẫu đơn trong các điển cố văn học
Trung Hoa. Chuyện bà Võ Tắc Thiên đày hoa mẫu đơn xuống Giang Nam tới các câu tả
Kiều bị Hoạn Thư đánh đập -Dạy rằng: cứ phép gia hình, ba cây chập lại một cành
mẫu đơn… rồi nhớ lan man qua Chinh Phụ: -xảy nhớ khi cành Diêu, đoá Nguỵ, trước
gió xuân vàng tía sánh nhau. Họ Diêu tìm được giống mẫu đơn màu vàng, họ Ngụy
tìm được giống mẫu đơn màu tía, mà tên tuổi được nhắc tới trong sử sách.
Nghĩ tới nghĩ
lui rồi chợt thấy mình bây giờ đang ở xứ lạnh như Trung Hoa, tại sao lại bỏ qua
cơ hội tốt để biết rõ những cây cỏ trong thơ văn cổ Việt Nam. Người Tàu vốn có
óc tưởng tượng phong phú, vật gì dù tầm thường cách mấy vào tay họ thì biến đổi
tốt đẹp quí giá không ngờ. Con rắn sống lâu trăm tuổi thì có ngọc, chiếc vòng cẩm
thạch có vân màu đỏ là nhờ chôn chung với người chết hàng mấy trăm năm, đáng
giá bạc triệu. Cũng vậy một ông Tàu già cho rằng kiếng đeo mắt nhờ bỏ dưới giếng
nước lâu cả trăm năm nên nhìn mọi vật thấy rõ và mát lắm !!!
Thảo mộc cũng
vậy, cây nào bên Tàu cũng quí và thơ mộng hơn cây cối bên Việt Nam. Thơ văn cổ
mình có bao giờ nói tới cây sao, cây dầu, cây bằng lăng, cây gõ, cây cẩm lai,
cây mít, cây ổi,… mà toàn là cây ngô đồng, cây phong, cây cù mộc, cây tử, cây
tang, cây du, cây lê, cây đào, cây hạnh… nghe thấy mê, nhưng đó toàn những cây
xứ lạnh. May quá, chúng ta bây giờ cũng ở xứ lạnh vậy, mà dám còn lạnh hơn bên
Tàu nữa, vậy mấy thứ cây đó là cây gì ở xứ Bắc Mỹ nầy? Biết đâu những tên cây
thơ mộng, linh thiêng, cao quí đó chúng mọc tràn lan ở rừng rậm, ở công viên, ở
lề đường hoặc sừng sững ở trước nhà !
Quả đúng vậy,
cây phong là thứ cây mà thơ văn mình thường nhắc tới. Cây phong (érable /
maple) thứ cây đặc biệt của Canada, cây to cỡ hai ba người ôm, gỗ quí cứng chắc,
vỏ nâu đen sần sùi, tàn rậm, lá to bằng bàn tay có 5 nhánh, hình dùng làm cờ
tiêu biểu cho đất nước, Canada là Xứ Cây Phong, đi đâu cũng gặp.
Người lên ngựa,
kẻ chia bào,
Rừng thu
phong đã nhuốm màu quan san. (Kiều)
Cũng như các
giống cây khác, phong có nhiều loại, thứ cho đường (maple syrup), thứ chỉ trồng
làm cảnh, phong Tàu, phong Nhựt, phong Na Uy, Thụy Điển, phong Anh… (Acer
rubrum, Acer saccharum, Acer saccharium, Acer negundo, Acer platanoides… thuộc
họ : Aceraceae) Muốn biết cây phong bạn chỉ cần mở cửa, bước ra đường là thấy
ngay, phong được trồng dọc theo đường phố, chỗ nào cũng có. Trên núi cao rừng
sâu, phong mọc ngút ngàn. Sách Tàu cho là phong Canada vào mùa thu, đẹp đến nỗi
say đắm mê mẫn lòng người -diễm lệ túy nhân. Thu đến lá phong đổi màu, tùy theo
giống mà lá đỏ hay vàng.
Trận gió thu
phong rụng lá vàng, rồi thì sau đó : -trận gió thu phong rụng lá hồng.
Lúc còn ở
trong nước, có người thắc mắc -đã có gió rồi sao lại có phong nữa? Câu hỏi khó,
nhưng nếu đã ở hải ngoại, biết rõ phong là cây phong thì chắc không ai còn thắc
mắc nữa, không cần phải học chữ nho làm chi. Thi sĩ Tản Đà đã đổi nhịp ngắt câu
quen thuộc của thơ Đường -trận gió thu, phong rụng lá vàng.
Nhưng thiệt
ra tôi vẫn cứ thắc mắc, mỗi lần đi ăn ở nhà hàng Hai Sư Tử phố Tàu (Toronto)
khi nhìn lên cao, rõ ràng hiệu tiệm đề hai chữ Hán: Phong Thành, nhưng tại sao
chủ nhân lại ghi tiếng Anh là Bright Pearl Restaurant ? Nếu tôi lẩn thẩn dịch
ra cho các cháu nhỏ hiểu thì phải như vầy : -Restaurant Bright Pearl là nhà
hàng Minh Châu, cũng là nhà hàng Phong Thành (thành phố cây phong ) mà cũng là
nhà hàng Hai Sư Tử. Trời đất, có một nhà hàng mà sao tới ba tên gọi, chắc các
cháu hổng hiểu gì hết trơn !
Có một loại
cây mà thơ văn thường nhắc đi nhắc lại, khiến tôi tò mò. Đó là cây hoè.
Tiếng sen sẻ
động giấc hoè, bóng trăng đã xế hoa lê lại gần (Kiều)
Thừa gia chẳng
nết nàng Vân, một cây cù mộc, một sân quế hòe (Kiều)
Sân hoè đôi
chút thơ ngây, trân cam ai kẻ đỡ thay việc mình. (Kiều)
Cù mộc thì là
cây si (ficus benjamina họ Moraceae), Việt Nam mình có nhiều, thuộc loại cây
to, tàn rậm, lá nhỏ, nhánh có nhiều rễ mọc lòng thòng xuống tới đất. Các bạn
thanh niên trai trẻ cũng thường trồng cây nầy ở gần nhà cô bạn gái dễ thương…
Nhưng còn cây
hoè là cây gì ? Tìm tòi trong nhiều sách thì thấy rõ cây hoè tên Latin là
Sophora Japonica, thuộc họ Fabaceae, cũng ghi chú là Japanese pagoda tree,
Chinese scholar tree. Tiếng Pháp lại ghi là arbre de miel hay arbre des
pagodes. Tiếng Á Rập, sophora có nghiã là cây mật, do hoa của nó phát ra mùi mật
ngọt ngào. Tuy Sophora có chữ Japonica đi kèm nhưng không phải gốc ở Nhựt Bổn,
mà từ Trung Hoa, do cha Pièrre d’Incarville mang trồng ở Âu Châu. Ông đã sống ở
Bắc Kinh từ năm 1742 tới năm 1757. Cây hoè cao chừng 15 đến 20 thước, tàn rậm
to, ngọn tròn vỏ đen nâu sần sùi. Lá nhỏ như lá me, mọc đối nhau, trái cũng giống
như trái me nhưng nhỏ và dẹp. Hoa vàng tươi nhỏ cỡ 1 cm, nở vào tháng tám bồng
bềnh dày đặc trên cành, mùi thơm nồng đượm ngọt ngào. Vài ngày sau khi nở thì
phai trắng nhạt từ từ, rụng thành một thảm hoa trắng trên bãi cỏ xanh. Lá hoè
cũng rụng vàng vào mùa thu nhưng là loại lá rụng cuối cùng, sau tất cả các cây
khác. Bên Trung Hoa, người ta nấu những nụ hoa hoè dùng để nhuộm tơ màu vàng,
cũng dùng làm thuốc (hoè hoa, hoè mễ, hoè diệp).
Trong Lục Vân
Tiên cũng có câu –buồn trông dặm liễu đường hoè
Cũng do bản
tánh tò mò mà tôi biết được cây ngô đồng, một loại cây được cho là quí hiếm. Cổ
thi có câu: -ngô đồng nhứt diệp lạc, thiên hạ cộng tri thu (một lá ngô đồng rụng
thiên hạ biết thu tới). Kiều cũng có nhiều –Thú vui thuần hức bén mùi, giếng
vàng đã rụng một vài lá ngô. Nhớ sách cổ đã ghi -cây ngô đồng mỗi cành có 12
lá, năm nào nhuận thì 13, tương ứng với thời tiết hàng năm. Chim phượng hoàng
là giống chim linh thiêng, nếu không phải cành ngô đồng thì không đậu, không phải
trái trúc thì không ăn (phi ngô đồng bất thê, phi trúc thực bất thực). Nhạc sư
Hoáng thời tiền cổ Trung Hoa, chọn gỗ cây ngô đồng chế ra cây đàn cầm. Ông
không lựa chỗ gốc vì âm thanh thô cứng, không lấy khúc ngọn vì âm thanh nhẹ yếu,
chọn khúc giữa, âm thanh trong trẻo và êm ái, đều hòa. Khi làm đàn xong mỗi lần
tấu lên, chim phượng hoàng bay về đậu trước sân, múa theo điệu nhạc….
Bắc thang đến
cung mây mà hỏi, biết bao giờ phượng tới cành ngô (Bần Nữ Thán)
Cây ngô đồng
là cây gì mà quí tới như vậy. Thi sĩ Lưu Nguyễn, bạn tôi quê Quảng Nam, nói ở
ngoài Trung ngô đồng nhiều lắm, ở Huế trong các lăng Gia Long, Minh Mạng cũng
trồng thành hàng. Anh tỉ mỉ tả cây ngô đồng cho tôi nghe, cuối cùng tôi cũng
không biết là cây gì.
Bóng trăng vừa
xế cành ngô, giấc hoè dìu dịu, chăn cù êm êm (Bích Câu Kỳ Ngộ).
Thi hào Đỗ Phủ
trong bài Thu Cảm cũng có hai câu đảo trang tuyệt bút về cây ngô đồng:
Hương đạo
trác dư anh vũ lạp, bích ngô thê lão phượng hoàng chi (chim anh vũ -con két, mổ
những hạt lúa thơm còn sót lại, chim phượng hòang đậu trên cành ngô đồng xanh
già.)
Muốn tiếng
đàn kêu vang to khiến chim phượng tìm đến để nghe thì phải là loại cây có sớ gỗ
cứng chắc bền bĩ, tiếng vang, không nứt, không vênh, không dễ hư mục.
Cây ngô đồng
(firminia simplex) người Anh gọi Chinese parasol tree, cũng gọi là Pheonix tree
(cây phượng hoàng), tiếng Pháp là Sterculia à feuille de platane. Tên khoa học
Firminia platanifolia hoặc sterculia platanifolia, họ Trôm Sterculiaceae. Cây
cao trung bình từ 12 đến 15 thước. Có nhiều ở Việt Nam, Trung Hoa, Nhựt Bổn….
Loại cây rụng lá hằng năm, thân thuộc loại gỗ cứng, có vỏ láng xanh, lá to mọc
thành chùm trên mỗi cành, cuống lá dài trên 20 cm, mỗi chùm có 12 lá, lá có chỉa
3 hoặc 5 giống lá phong nhưng hơi tròn đầy lớn hơn lá phong. Hoa nở vào mùa
xuân, cánh hoa thon dài như hoa ngọc lan màu trắng ửng nhụy vàng, bao lấy chùm
trái nhỏ như hạt tiêu ở giữa. Trong những công viên ở Nhựt, Trung Hoa, ngô đồng
có tàn lá như chiếc dù che cả một vùng rộng lớn, rất đẹp. Vì thuộc họ Trôm nên
thoạt nhìn thấy giông giống như cây vông, cây trôm… Người trong Nam thường lầm
lẫn cho ngô đồng là cây vông đồng. Nếu là cây vông nem thì gỗ sốp, mềm lắm, da
có gai, chỉ dùng làm guốc vông, lá để gói nem. ‘Việt - Hán Từ Điển Tối Tân’ nxb
Chin-Hoa (Chợ Lớn) ghi cây vông là ‘thúc đồng’, không phải ngô đồng.
Cây ngô đồng
Hoa Bắc
Đó là loại
ngô đồng Hoa Bắc. Khi vào vườn Thượng Uyển trong Tử Cấm Thành Bắc Kinh, bạn đọc
có thể tìm gặp cây ngô đồng loại Firmania simplex nầy, tàn lớn cao to, da xanh,
cọng lá dài, lá giống lá phong xòe ra năm cánh to như lá đu đủ rán để vào túi
đeo lưng nhưng không trọn.
Bên Âu Châu,
các nước Pháp, Ý, Thụy sĩ, Anh, Belgique,… bốn mươi phần trăm cây trồng vỉa hè
là dương ngô đồng (chữ dương bộ thủy, có nghiã là ngô đồng ngoại quốc, tên khoa
học: Platanus Orientalis -Platanus Occidentalis thuộc giống Platanus
acerifolia, họ Platanaceae). Nó được trồng nhiều vì dáng đẹp, sống lâu, không sợ
dông bão, chịu đựng được ô nhiễm, ít bịnh và cho nhiều bóng mát. Loại cây nầy
cũng được trồng nhiều ở thành phố New York, khu nhà chọc trời, khu Liên Hiệp Quốc,
chỗ tượng Nữ Thần Tự Do. Tên Anh là planetree hay sycamore, Pháp là platane,
cây to gỗ cứng, tàn lớn cao 25-30 thước, da láng nâu đen như da ổi, lá giống lá
phong chia năm, có trái thoạt nhìn giống trái chôm chôm xanh, khi già thì màu
đen. Theo tài liệu thì hiện nay ở Hy Lạp trong vườn nhà ông tổ y khoa
Hippocrate thành phố Kos, vùng Dodécanèse, có cây platane sống trên 2000 năm,
cao 45 thước, chu vi gốc 14 thước… Người Hy Lạp cổ cho là loại cây tái sinh
(regénération) vì lớp vỏ cũ bong ra, lớp vỏ mới thay thế, như rắn lột da sống đời.
Con ngựa thành Troie (Troy) được làm bằng gỗ platane (dương ngô đồng).
Cây ngô đồng
Hoa Nam
Các tỉnh Hoa
Nam và Tây Nam như Tây An, Trùng Khánh, Vũ Hán, Giang Tô, Phúc Châu, Tô Châu,
Hàng Châu, Triết Giang…, các tỉnh dọc theo sông Dương Tử, đi đâu cũng thấy cây
ngô đồng, được người dân nơi đây gọi là Pháp Quốc Ngô Đồng, cây nầy được trồng
dọc theo lối đi để lấy bóng mát, rất đẹp và nhiều như cây phong ở Canada vậy.
(ghi chú của tác giả: có đi bên Tàu thì mới biết cây ngô đồng mọc rất nhiều từ
Bắc xuống Nam, chỗ nào nơi đâu cũng toàn là ngô đồng, nếu dùng gỗ làm đàn thì
tiện lắm không cần tìm cây khác chi cho mất công và chim phượng hòang không đậu
trên cây ngô đồng thì đậu cây nào bây giờ…)
Trong Chinh
Phụ Ngâm Khúc cây dâu tằm ăn thường được nhắc đi nhắc lại. Ở Việt Nam thì cây
dâu được trồng nhiều. Ngày trước ở Tân Châu (Châu Đốc) trồng dâu để nuôi tằm dệt
lãnh Mỹ A, bây giờ thì ở Đà Lạt. Ngoài Bắc thì tôi đoán chắc là Hà Đông, nổi tiếng
nhờ lụa dệt bằng tơ tằm (Hà Đông cũng có loại lụa, dệt bằng lông sư tử, nhưng
không thuộc phạm vi bài nầy!) Còn ở thành phố Athens (Greece) thì cây dâu được
trồng ở nhiều lề đường để lấy bóng mát.
cùng trông lại
mà cùng chẳng thấy, thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu
ngàn dâu xanh
ngắt một màu, lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai. (Chinh Phụ)
Câu hỏi thiệt
là khó, nỗi sầu làm sao đong đếm, ai mà trả lời cho được. Chỉ có một chữ cổ khó
hiểu là chữ ngàn. Ngàn có nghiã là rừng :
-Đốn tre đẵn
gỗ trên ngàn.
-Đôi ta là
nghiã tào khang, xuống khe bắt ốc lên ngàn hái dâu (ca dao).
Cây dâu tằm
ăn thì không cần tả rõ vì ai cũng biết nhưng có một cây lạ thường được nói
chung khi người xưa nhắc tới cây dâu. Đó là cây tử. Trong Kinh Thi có câu: -Duy
tang dữ tử tất cung kính chỉ. -Khi thấy cây dâu và cây tử thì mình phải cung
kính. Tại sao vậy? Bởi vì cây dâu, cây tử là do cha mẹ trồng. Lá dâu để mẹ nuôi
tằm dệt vải. Cây tử cha trồng ngày sanh con. Cây tử cao to lớn cứng chắc, sau
hai ba mươi năm, cột nhà sẽ mục nát, con có cây sẵn mà thay. Cha mẹ già yếu sẽ
chết, con có sẵn gỗ tốt mà đóng quan tài. Tang tử hay tử phần cũng có nghiã là
quê hương.
-sân Lai cách
mấy nắng mưa, có khi gốc tử đã vừa người ôm.
-sắm xanh nếp
tử xe châu, vùi nông một nắm mặc dầu cỏ hoa.
-đoái thương
muôn dặm tử phần. Hồn quê theo ngọn mây Tần xa xa (Kiều).
Vua Ngô Phù
Sai muốn lập đài Cô Tô thật cao mà không có cây làm cột. Việt Vương Câu Tiển
cho người đi tìm thì được cây nam ở phía bắc núi Việt, cây tử thì ở phía nam, mỗi
cây to 20 vây và cao hơn 50 tầm, đốn đem dâng vua Ngô. Cây tử trong sử sách quí
như vậy, thì là cây gì, ở Canada? Các tự điển Hán - Việt đều ghi cây tử là một
giống cây lớn, chỉ quê hương, rồi hết. Duy Viễn Đông Thực Dụng Anh -Hán Tự Điển
(Far East Practical English-Chinese Dictionary) ghi chú rõ cây tử là Catalpa,
tiếng Anh và Pháp giống nhau. Cuốn The Urban Tree Book, tác giả Arthur Plotnik
(nxb Three River Press) chú thích kỹ và có hình vẽ rõ ràng.
Ở Toronto cây
tử khá nhiều, được trồng dọc lề đường khu phố Tàu. Thân cây to cao độ 20-25 thước,
lá to cỡ lá trầu xanh mướt, tàn lớn rậm, bông nở mùa hè màu trắng, nhụy tím
vàng, mùa thu có trái dài từ 15-40 cm, thòng xuống như trái đậu đũa nhưng thon
nhỏ hơn. Cây tử thuộc họ Bignoniaceae, giống catalpa, có người gọi cây đậu đũa Ấn
Độ… Mỗi lần đậu xe trên các đường nhỏ xung quanh khu phố Tàu, tôi thường nhìn
hàng cây tử gốc to cỡ cột nhà, ước ao làm sao trồng được năm ba cây trong vườn,
đến khi tuổi già, con cái sẽ dùng tới để lo cho mình, tiện lắm, khỏi phải tốn
kém nhiều, bận lòng mấy đứa nhỏ.
Còn cây dẽ là
cây gì? Chúng ta thường nghe nói -mắt đẹp màu hạt dẽ. Đó là cây châtaignier
cũng là marronnier / chesnut tree. Chữ nho đọc là cây lật. Cây lật to, lá to,
tàn rậm, cao cỡ trên 20 -25 thước, trái nhỏ bằng trái cau, vỏ có gai, tới cuối
thu thì vỏ khô, hạt bung ra rụng đầy gốc. Mùa đông bỏ hạt dẻ (marron / chesnut)
vào lò sưởi nướng ăn rất ngon, nên nhớ xâm lủng vỏ bên ngoài, nếu không khi nướng,
hột dẽ sẽ nổ ra, nát vụn hết. Tiệm tây hay Việt, Tàu đều có bán.
Cây du (orme
/ elm, thuộc họ Ulmaceae, giống ulmus,) loại cây lớn to, cao độ 20, 30 thước, gỗ
cứng, dùng chế tạo bàn ghế, vật dụng trong nhà. Cũng là loại cây thường được
người thích bonsai ưa chuộng vì lá nhỏ đẹp giống lá trà có răng cưa và sức chịu
đựng bền bĩ sương tuyết nắng mưa. Thu đến lá du đổi thành màu vàng chanh nhạt.
Cây du có thể mọc ở đồng bằng mà cũng có thể mọc ở vách núi đá cheo leo, đất xấu
tốt nào cũng sống được.
Chúng ta cũng
thường bắt gặp cây bạch dương trong thơ văn. Như trong Văn Tế Thập Loại Chúng
Sinh của Nguyễn Du:
đường bạch
dương bóng chiều man mát, ngọn đường lê lác đác mưa sa.
Tự điển không
thống nhất về cây bạch dương nầy. Có khi là cây white poplar / peuplier, có khi
là birch / bouleau, có khi là trembling aspen (or quaking aspen) (tên khoa học
là populus tremuloides, populus alba,… thuộc họ dương liễu Salicaceae) Gọi là
trembling hay quaking vì cây nầy khi có chút gió thì đám lá rung rinh như đàn
bướm bay. Thôi cứ tạm hiểu bạch dương có nhiều loại nhưng giống nhau có vỏ trắng,
sớ gỗ mềm, thường dùng làm diêm quẹt. Người da đỏ tách vỏ cây bạch dương già
(birch / bouleau) kết chặp vào nhau, dùng nhựa thông trét kín nước, để làm ghe
kayak (canoe). Ghe kayak nhẹ chắc chắn, khi phải qua rừng rậm, núi non, thổ dân
có thể đội ghe trên đầu mà đi.
Còn đường lê,
một cây cao trung bình, tên khoa học là -pyrus betulaefolia họ hoa hồng
Rosaceae.
Trong Bần Nữ
Thán tác giả thường nhắc tới cây hạnh:
ai ơi xin chớ
cười nhau, chẳng qua mai trước, hạnh sau khác gì.
mai nở trước,
mai cười hạnh muộn, hạnh nở sau hạnh ngắm mai suy.
hạnh mai cười
lẫn nhau chi, đến kỳ kết quả, đến kỳ khai hoa.
Trong đoạn
thơ nầy, mai không phải là cây hoa mai vàng (ochna intergerrima, họ Ochnaceae) ở
miền Nam, nở mỗi khi Tết đến. Mà là cây mai (prunier, abricotier / plum tree;
apricot tree) cho trái mơ (prune, abricot / plum, apricot).
Đức Khổng Tử
thường ngồi dạy học ở đàn hạnh, vì thế nên thường dùng chữ hạnh đàn để ám chỉ
trường học. Nhà Đường cho các học trò đỗ tiến sĩ vào ăn yến ở vườn hạnh, nên tục
gọi người thi đậu là hạnh lâm. Người mình cũng gọi cây tắc (cây quất: một loại
quít nhỏ trồng để làm cảnh) là cây hạnh. Không phải hạnh trong thơ văn.
Cây hạnh giống
cây táo (pommier / apple tree) hoặc giống cây hoa anh đào, cao độ 4, 5 thước,
hoa đỏ hường, mùa xuân bông đơm đầy cành, trông rất đẹp. Trái nhỏ cơm không ăn
được, chỉ ăn hột. Mỗi cây cho từ 2 đến 5 kí hột, chợ nào cũng có bán, giá khá mắc.
Trong thuốc bắc có vị hạnh nhơn (hột hạnh dẹp thon dài) và đào nhơn (hột đào dầy
hơi tròn, mùi hăng hắc, nồng mạnh hơn hạnh nhơn, cả hai dùng trị bịnh ho). Cây
hạnh là cây amandier / almond tree. Tên khoa học là Amygdalus communis, họ
Rosaceae. Có nhiều giống hạnh: prunus triloba, prunus armenica, prunus
amygdalo-persica, prunus dulcis…
-hoa chào ngõ
hạnh, hương bay dặm phần.(Kiều)
-dần dần năm
đã kể ba, hạnh vừa độ thắm, liễu vừa phần son. (Bích Câu Kỳ Ngộ)
*Đừng lầm cây
hạnh (amandier) với cây ngân hạnh, cũng gọi công tôn thụ hay bạch quả thụ
(ginkgo biloba). Cây ngân hạnh thuộc loại cây to cao chừng 30 thước, có nhiều
tên: ginkgo biloba, maidenhair -tree, the memory -tree (F: Ginkgoaceae G:
ginkgo), quả ăn được, hạt nó là bạch quả, thường dùng để nấu chè, ăn giúp trí
nhớ. Đó là loại cây quí từng tồn tại qua hàng trăm triệu năm từ thời tiền sử có
loại khủng long cho tới ngày nay không thay đổi hình dạng. Rất dễ nhận ra cây
ngân hạnh vì tàn lá xanh um tươi tốt.
Năm 1587 sách
thuốc Trung Hoa gọi nó là áp cước thụ (Eleusine -coracana) cây có lá hình tam
giác giống chân vịt xòe, cũng được trồng ở phố Tàu Toronto, ở các khu nhà chọc
trời New-York hay ở Genève. Cây ngân hạnh là loại cây quí, không bao giờ bị nấm,
ký sinh, sâu mọt hay hư mục. Ở thành phố Hiroshima khi bị bom nguyên tử, tất cả
các cây đều chết tàn lụi, chỉ có ngân hạnh là còn sống sót. Trong rừng núi
Trung Hoa, Nhật Bổn, Đại Hàn có nhiều cây sống lâu cả ngàn năm. Người ta trồng
ngân hạnh thành đồn điền lớn, lấy lá nó dùng làm thuốc giúp trí nhớ, cùng trị bịnh
Alzheimer cho người lớn tuổi. Ngoài tác dụng giúp trí nhớ, lá ngân hạnh còn
dùng làm dược thảo ngăn ngừa tác dụng lão hóa con người… Tóm lại chúng ta nên
thường ăn chè bạch quả, còn không thì mua Ginkgo Biloba về uống trẻ mãi không
già, chỉ tốn chút ít tiền cho quí vị dược sĩ !
Còn cây
olive/ olivier (olea europaeae họ Oleaceae) thì ít khi thấy trong văn thơ, tuy
trái và dầu nó mình dùng mỗi ngày. Cây olive cao chừng 10- 15 thước, gốc to cỡ
người ôm, sống hàng trăm năm, cành nhiều, vỏ xám sần sùi, lá nhỏ dài như lá
trúc đào, mọc đối, mặt trên xanh, mặt dưới xám bạc, hoa nhỏ cánh rời tỏa tròn,
màu trắng xanh, mọc thành chùm, quả mọng hình bầu dục dài 2,5 -3cm màu xanh,
khi chín thì đen đen, thường thấy mọc trên các sườn núi đá cheo leo. Cành olive
tượng trưng cho sự hoà bình, làm thành vòng đội lên đầu tượng trưng cho chiến
thắng vinh quang. Cây già cỗi có dáng uốn éo đẹp như bonsai. Được trồng nhiều ở
khu vực Địa Trung Hải. Chữ nho gọi là cảm lãm thụ. Cảm lãm quả là trái ô -liu,
miền Bắc gọi quả trám. Từ chữ cảm lãm biến âm thành quả trám, nhưng trong Nam
thì gọi là trái cà na. Vì ở Ấn Độ có cây canna, cây và trái giống ô -liu. Trong
rừng núi tỉnh Darlac có nhiều cây canna. Trám có nhiều loại: trám hồng, trám ba
cạnh, trám kênh, trám lá đỏ, trám trắng, trám mũi nhọn,.. tên khoa học là
canarium Bengalese, canarium subulatum, canarium album, thuộc họ Trám
Burseraceae.
oOo
Để kết thúc
bài cây cỏ nầy, tôi muốn nhắc tới một loại cây rất tầm thường ở nước ta, thường
mọc hoang và cũng có trồng, không ai thèm để ý tới. Sau năm 1975 thì cả nước đều
biết, cải tạo viên thì biết rõ hơn hết. Ở Việt Nam thì nó tầm thường nhưng đối
với Tàu ngày xưa được quí trọng như vàng, như ngọc. Đời ngược ngạo và khôi hài
vậy đó. Chuyện được ghi trong Hậu Hán Thư đàng hoàng. Đó là cây bo-bo, có liên
quan tới Mã Viện, Phục Ba Tướng Quân. Cây bo bo (sorgho / sorghum vulgare) thân
thảo giống cây lau cây sậy, cao chừng cỡ cây mía, hoa trắng trổ cao thành cờ, hột
bo bo giống đậu nành, đậu chi chít thành chùm trên ngọn. Hột bo bo có thể thay
cơm, thay cháo ăn đỡ đói khi thiếu thực phẩm. (hiện nay ở Trung Hoa trồng bo bo
thành đồn điền lớn, loại sorgho à sucre, mỗi mẫu chế được 7000 lít rượu
éthanol, dùng thay xăng)
Tên chữ nho của
bo bo là cao lương, mộc mạch hay đới thục mạch. Trong Thần Nông Bản Thảo gọi là
ý dĩ, là một món thuốc bắc, tiêu khát, giải độc, người ta thường dùng để nấu
chè ăn cho mát (sâm bổ lượng). Việt Nam mình, khí hậu tốt nên bo bo rất dễ trồng.
Sau khi Mã Viện tiến đánh Giao Chỉ (năm 43 sau TL) tiêu diệt kháng chiến Hai Bà
và ổn định công cuộc trị an địa phương thì có chiếu vua triệu về. Mã Viện ham ở
Giao Chỉ, lấy cớ tuổi già sức yếu nên chần chờ, lần lữa… Mãi đến khi chiếu triệu
lần thứ hai, Mã Viện mới đành tuân chỉ ban sư, quy hồi cố thổ. Trong đoàn quân
rầm rộ về kinh, ngoài quân nhu quân dụng, có chở thêm ba cỗ xe chở đầy, nặng,
được đậy đệm kín mít.
Sau khi về
triều, Mã Viện tâu trình và đệ nạp tất cả ngọc ngà châu báu, của cải chiếm được
lên vua. Tưởng là yên chuyện nhè đâu có người tố cáo với Hán Quang Vũ Đế là
trong danh sách đệ nạp các chiến lợi phẩm, sao không thấy ba xe chở đầy ngọc
trai mà Mã Viện bắt dân Giao Chỉ mò tìm ở biển đông ? Mã Viện sợ hãi tâu trình –xứ
Giao Chỉ nhiều sơn lam chướng khí, hạ thần khi qua đó bất hạp thủy thổ, phong
thấp thương hàn, may nhờ thầy thuốc giỏi, điều trị bằng ý dĩ, hạ thần mới được
bình an. Ba xe đó không phải ngọc trai mà là ba xe ý dĩ, thần có ý lo xa, khi về
tới nước nhà rồi, làm sao có được nữa, mong bệ hạ xét lại !. Hán Quang Vũ Đế ngẫm
nghĩ hồi lâu, biết bị qua mặt, tức giận vì không tìm ra bằng chứng, bèn ra lịnh
cách hết chức tước, không tịch thu gia sản mà cho về hưu. Mã Viện cũng còn may
giữ được cái mạng già nhờ mấy hột bo bo Việt Nam. Mới biết sống gần vua như sống
gần cọp. Cũng là quả báo nhãn tiền cho kẻ xâm lăng.
Ý dĩ hay là
ngọc trai, ai mà biết được ? Các bạn thử nghĩ coi, không lẽ bắt quân lính ỳ ạch
leo đèo vượt núi đi xa ngàn dặm, đẩy về nhà ba xe bo bo không đáng mấy lượng bạc!
Phục Ba Tướng Quân Mã Viện, danh tướng đời Đông Hán, đánh thắng được hai người
đàn bà ở một tiểu quốc, dựng đồng trụ để khoe công, thì thật là đại anh hùng.
Mà đã là đại anh hùng thì đâu có ngu!
Võ Kỳ Điền
25-11-2005
Phụ Chú bài
Thảo Mộc Trong Cổ Văn Việt Nam
….. vài ghi
nhận nhỏ thấy được trong chuyến đi liên quan tới bài “Thảo mộc trong cổ văn Việt
Nam” đã được phổ biến rộng rãi. Những gì tôi đã viết là do nghiên cứu, tìm tòi
trong sách vở, còn bây giờ là rõ ràng mắt thấy tai nghe trong hai chuyến đi cuối
năm 2009- 2010…
Ở thành phố Bắc
Kinh, ngoài các loại cây tùng bá xứ lạnh, dọc theo lề đường họ thường trồng cây
hòe, tán tròn lớn, lá nhỏ như lá me. Trong công viên có bảng trên thân cây đề
rõ là “Quốc Hòe” (Chinese Sophora). Các khu đất trống bên các xa lộ thì phần
nhiều là bạch dương (birch, bouleau), thân trắng như vôi.
Tôi lục lọi
tìm thì thấy được một cây ngô đồng ở vườn Thượng Uyển trong Tử Cấm Thành, có
tán rộng bao trùm một vùng rộng lớn như cây dù. Vì vào cuối thu nên phần lớn lá
rụng vàng phủ đầy gốc, da cây xanh xanh nứt nẻ như da vông nem mà không có gai.
Lá chia làm năm nhánh lớn cỡ cái quạt. Tôi lựa một lá đẹp còn nguyên vẹn, hỏi
người hướng dẫn và vài người du khách xung quanh, họ đều không biết thuộc cây
gì. May quá, có một ông già công nhân làm vườn người Tàu, đang quét lá, tôi hỏi
ngay và được trả lời rõ ràng là… lá cây ngô đồng (wũ thũng yé). Mừng quá, hỏi
đi hỏi lại cho chắc. Đó là loại Ngô Đồng (Firmana Simplex hay Pheonix tree)
đúng y như cây mà tôi đã viết. Tôi tính ép lá trong cuốn sách, đem về làm kỷ niệm
nhưng không được vì chiếc lá to quá, bề ngang cỡ 30 cm là ít, đành để trong chiếc
túi đeo lưng, khi về tới khách sạn thì chiếc lá vàng khô bể vụn như bánh tráng!
Nhưng khi về
tới miệt Hoa Nam, dọc theo Trường Giang, trời còn ấm áp, cây lá xanh tươi,
ngang qua các vùng Trùng Khánh, Hoàng Sơn, Vũ Hán, Tô Châu, Hàng Châu, Thượng Hải…
tôi để ý thì thấy cây long não và cây ngô đồng được trồng dọc theo lề đường rất
nhiều, chúng tạo nên một không gian xanh mát, đẹp đẽ nên thơ, mọi người trên xe
đều trầm trồ, nhất là khi vào công viên du lịch Hàng Châu. Anh hướng dẫn viên
cũng nói là “wũ thũng” nhưng khi nói sang tiếng Anh, anh gọi hàng cây nầy là
sycamore.
Vì ngô đồng
miệt nầy khác loại cây ngô đồng Bắc Kinh. Đó là loại “dương ngô đồng” bên Âu
châu (platane hay sycamore). Lá nhỏ cỡ bàn tay và giống y lá phong ở Canada và
da láng mốc trắng như da ổi. Tuy vậy các cây ở đây không lớn lắm, to vừa phải,
cao chừng 20 m, có lẽ mới được trồng chừng vài ba chục năm trở lại. Tôi đã từng
thấy ở vùng Lido, Venise, nhứt là ở Pisa, Lucca, Rome… (Ý) nhiều thân cây lớn cỡ
ba người ôm.
Vì thấy các
cây nầy khác cây ở Bắc Kinh, khi mua một nghiên mực ở Cảnh Đức Trấn (Giang Tô)
tôi đã bẻ một cành lá, hỏi ông chủ tiệm, ông cũng gọi là ngô đồng. Tôi hỏi tại
sao cây nầy không giống cây ở Bắc Kinh? Ông trả lời là không biết nhưng xác định
rõ, đây là cành lá cây ngô đồng. Như vậy ngô đồng có nhiều loại, tùy theo địa
phương và khí hậu mà là cùng một giống hay khác nhau. Giống ngô đồng Hoa Bắc
khác hoàn toàn với ngô đồng Hoa Nam. Trường hợp nầy không giống như cây liễu.
Liễu Canada thì to lớn và mạnh mẽ tuy lá cũng rũ xuống nhưng trông dáng vẻ khoẻ
mạnh, cứng cáp. Còn ở Tô Châu, Hàng Châu thì liễu mềm mại, uyển chuyển, ẻo lã.
Cứ nhìn thiếu nữ Tàu và đầm Canada, Mỹ thì biết liền….
Hàng Châu
cũng có nhiều cây chương (Cinnamomum camphora, chương thụ hoặc chương não,
hương chương, VN gọi là dã hương) đó là cây long não. Thân cây to da sần sùi,
tán tròn lớn, chừng 20 thước cao, lá thon nhỏ, màu xanh đậm, vò nát trong tay
thơm mùi long não hăng hắc, trái tròn chín láng đen, nhỏ cỡ hột tiêu, cuối thu
rụng đầy đất…. Vùng nầy thuở xưa có phong tục, khi sanh con gái thì trồng cây
chương trước nhà. Khi con lập gia đình thì đốn cây lấy gỗ làm giường cho đôi
tân hôn, làm rương để đựng nữ trang về nhà chồng. Nhà nào mà khi đi ngang qua,
thấy cây chương ngày một lớn, mà chưa bị đốn đi… thì bất cứ ai chợt thấy chắc
cũng phải xót xa!!!
Một trong các
bài văn viết về Ngô Vũ Bích Diễm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, có đoạn tả nàng mỗi
ngày đi học, ngang qua hàng cây long não xanh mướt lá nhỏ li ti đến trường,
hàng cây long não êm đềm được lập đi lập lại như một điệp khúc (*). Mỗi lần đọc
ngang qua đây, tôi như cảm thấy được từng bước từng bước chân nhẹ nhàng của người
con gái dịu dàng, đẹp đẽ, ngây thơ, trong sáng dịu hiền, thơ mộng… Câu văn viết
như câu thơ và câu thơ nghe chừng thánh thót tiếng nhạc. Nhờ yếu tố nầy ngày
xưa tôi từng say mê văn thi sĩ Đinh Hùng, bây giờ tôi đâm mê văn nhạc sĩ Trịnh
Công Sơn, chưa nói chi tới chuyện mê nhạc, mê thơ. Tưởng chừng trong đời, tôi
chưa từng thấy ai viết câu văn hay và đẹp như vậy. Tôi có lầm lẫn không, nhè
thi sĩ làm thơ, nhạc sĩ viết nhạc mà lại mê từng chữ, từng câu văn được trau
chuốt thần tình? Chắc là tại tuổi già, đầu óc lẩm cẩm, khi nhớ khi quên. Thiệt
là ba trợn!
(*) Bài viết về hàng cây long não của Trịnh Công Sơn
VÕ KỲ ĐIỀN.
Cây dẻ (marronier) |
Hoa Mẫu đơn Trung Hoa. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét