Trước khi Cơ Đốc giáo chưa xuất hiện, xã hội phương Tây vẫn luôn tin vào sự tồn tại của luân hồi…
Ví dụ, nhà triết học Hy Lạp cổ đại Platon từng viết trong “Cộng Hòa” quyển 10 rằng: “Chiến binh Eros đã kể lại chi tiết về cuộc thử thách và sự tái sinh của linh hồn”.
Nhà triết học Hy Lạp cổ đại Pythagoras tin rằng linh hồn tái sinh luân hồi trong các loài khác nhau cho đến khi cuối cùng được thanh tẩy, từ đó thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi.
Sử thi La Mã cổ đại “Aeneid” cũng có quan điểm tương tự, nhà thơ Vergil (Publius Vergilius Maro) tường thuật chi tiết tình cảnh tại vùng đất hạnh phúc dưới địa ngục, một số người sẽ tái sinh thành vĩ nhân của La Mã sau chiến tranh thành Troy.
Theo như sử thi kể lại, vì tranh giành người phụ nữ đẹp nhất thế gian là Helen, giữa hai vị vua của Hy Lạp và Troy đã diễn ra có một cuộc đại chiến.
Sau khi người Hy Lạp chiếm được thành Troy, họ đã tiến hành một cuộc thảm sát đối với dân chúng trong thành. Hoàng tử Aeneas trong hoàng tộc Troy đã cõng người cha già trên lưng, dẫn theo một nhóm người trốn thoát khỏi Troy.
Aeneas là hậu duệ của Thần Zeus, mẹ là Aphrodite, vị Thần của tình yêu và sắc đẹp, còn cha là hoàng tử Anchises, anh em họ của vua Priam thành Troy. Trong số các hoàng tử của Troy, ngoại trừ Hector ra, thì chỉ có Aeneas là người nổi tiếng. Aeneas là một anh hùng hội tụ đủ lòng dũng cảm, trí tuệ và vẻ đẹp trai.
Sau khi Aeneas dẫn theo một nhóm người trốn khỏi thành Troy, đoàn người lênh đênh trên biển cả mênh mông trong một thời gian rất dài.
Trong thời gian này, cha và vợ con của Aeneas lần lượt qua đời. Dưới sự chỉ dẫn của Thần, anh vượt qua đại dương bao la, đi đến Italy.
Aeneas rất tôn kính thần Apollo. Vì vậy, ngay khi lên bờ, anh đã đi khắp nơi để tìm kiếm ngôi đền có thờ thần Apollo. Anh thành tâm cầu nguyện, hy vọng rằng Apollo sẽ giúp họ kết thúc cuộc sống lưu vong, cho phép họ định cư tại Latium và xây dựng một đất nước.
Lúc bấy giờ Aeneas có gặp một phụ nữ tên Sibyl, vì được Thần Apollo ban cho khả năng tiên tri xuất sắc nên Sibyl trở thành một nữ tiên tri nổi tiếng.
Nữ tiên tri Sybil nói với Aeneas rằng, anh sẽ phải quỳ gối khom lưng trước các thành bang của Italy để cầu xin sự giúp đỡ, anh sẽ phải trải qua rất nhiều tai họa và thử thách giống như trước đây. Tuy nhiên nữ tiên tri vẫn khích lệ anh dũng cảm tiến về phía trước, bất luận gặp phải bất cứ trắc trở gì cũng không được thỏa hiệp và khuất phục, bởi vì vận mệnh đã mở ra con đường phía trước cho anh rồi.
Hoàng tử Aeneas nói, bất luận gặp phải khó khăn gì, đối với anh mà nói cũng không là gì cả. Bởi vì anh thường xuyên mơ thấy người cha quá cố của mình, vì vậy rất muốn xuống địa ngục để gặp ông ấy. Vậy là Sybil đã đưa anh vào địa ngục.
Ở địa ngục có một vùng đất hạnh phúc, tức thiên đường Elysium, là thiên đường của những người chết có phước. Tất cả những người sống tại đây, khi họ còn sống, có người là tướng sĩ vì bảo vệ đất nước mà hy sinh, có người là người nhân nghĩa sẵn sàng giúp đỡ người khác, có người là tư tế không có quá nhiều tội lỗi, cũng có người là nhà thơ vô cùng thành kính, lời nói và hành động của họ đều không làm ô uế Thần Apollo. Tất cả những người ở đây đều quấn một sợi dây màu trắng ở trên đầu, tất cả họ đều tuấn tú, xinh đẹp và vô cùng nổi tiếng.
Aeneas nhìn thấy người cha già Anchises của mình đang chăm chú kiểm duyệt linh hồn, kiểm tra số phận và thành tựu trong tương lai của họ, để tiện cho họ một ngày nào đó có thể được đầu thai chuyển kiếp. Theo như lời giới thiệu của Anchises, trước khi nguyên thần của những người này đầu thai, sẽ phải uống một loại nước để quên đi ký ức trong quá khứ. Điều này có cùng một ý nghĩa tương tự như việc linh hồn uống canh Mạnh Bà trước khi đầu thai trong truyền thuyết của người Trung Hoa xưa.
Aeneas nói: sau khi con người chết đi, vẫn còn phải tái sinh về cõi người, tiếp tục chịu đau khổ, anh cảm thấy vô cùng khó hiểu. Vì thế Anchises đã giải thích tường tận về mối quan hệ giữa thể xác và linh hồn cho anh nghe.
Thì ra trong vũ trụ có tồn tại một loại sức mạnh, loại sức mạnh này tạo ra vạn vật trong vũ trụ. Mặc dù vạn vật trong thế gian đều có linh khí, nhưng “vì thể xác được làm từ bùn đất, nên cơ thể sẽ không bị mục nát”, thể xác này chứa đựng tất cả cảm xúc của con người, nó giống như vỏ của một vật chất, nó khống chế linh tính của con người, sẽ khiến cho con người trở nên ngây dại. Dưới sự cám dỗ của dục vọng, con người sẽ làm ra rất nhiều chuyện xấu.
Vì vậy sau khi sự sống của một kiếp người kết thúc, vì để thanh tẩy những tội lỗi đã phạm khi còn sống, cần phải thông qua phương thức luân hồi tái sinh, không ngừng rèn luyện linh hồn của con người. Cũng bởi thế, linh hồn của mỗi một người đều phải chịu đựng một nỗi đau nhất định, sau đó đi đến vùng đất hạnh phúc dưới địa ngục. Trải qua luân hồi một ngàn năm, loại bỏ những thói quen xấu đã bám rễ sâu, thì mới được vua Trời gọi tên, sau đó mới được đầu thai làm người lần nữa.
Từ phần giới thiệu của Anchises cho thấy, quan điểm “thân người khó có được” được nhất quán trong văn hóa phương Đông và phương Tây. Linh hồn phải rèn luyện ở một không gian khác rất lâu, chờ đợi rất lâu mới có thể có được thân người lần nữa, mới có được cơ hội tái sinh.
Sau đó Anchises kể tiếp cho con trai mình nghe về những người nổi tiếng của La Mã đang chờ tái sinh, và số phận của con cháu Aeneas tại nước Ý.
Danh sách bao gồm các vị vua của triều đại Alba, Romulus, Augustus, cùng các vị vua La Mã và một số anh hùng La Mã, v.v… Hơn nữa những người này tái sinh sẽ là một sự kiện tái sinh tập thể của một nhóm lớn, có một số người sẽ trở thành tộc người của Aeneas, có một số người sẽ làm thần dân của Aeneas, và vị trí đều tập trung tại La Mã.
Trong số đó, một thanh niên trẻ tuổi đứng gần ánh sáng bầu trời nhất, tựa vào ngọn giáo không có mũi nhọn, cậu ta sẽ được đầu thai thành con trai út của Aeneas, tên là Silvius, cậu ấy là người đầu tiên kế thừa huyết thống của gia tộc. Sau khi người thanh niên này tái sinh, cậu ấy sẽ được nuôi dưỡng bởi người vợ tương lai của Aeneas là Lavinia. Khi Silvius lớn lên, cậu ấy sẽ thành lập vương triều Alba Longa ở miền trung nước Ý.
Romulus là con trai của Thần chiến tranh, trên chiếc mũ sắt của Romulus có cắm hai sợi lông chim thẳng đứng, đây là biểu tượng của cha ông, biểu tượng của Thần chiến tranh, tiên đoán rằng tương lai Romulus sẽ vô cùng xuất chúng. Sau khi La Mã được thành lập, Romulus là vị vua của đời thứ nhất. Romulus không độc chiếm quyền lực mà chia quyền lực chính trị thành ba phe để cai trị đất nước, gồm có Nhà vua, Viện nguyên lão và Hội đồng công dân, sẽ do ba phe cùng nhau cai trị La Mã. Dưới sự thống trị của Romulus, danh tiếng của La Mã vang khắp thiên hạ.
Romulus cùng với người em trai sinh đôi của mình là Remus.
Khi Augustus (tiếng Latinh: Gaius Julius Caesar Octavianus, 63 TCN-14 SCN) vẫn chưa được đầu thai, thì ở nhiều quốc gia khác nhau xung quanh Biển Caspi, Hồ Meotia và sông Nile, đã nghe thấy có những lời tiên tri về việc Augustus sẽ xuất hiện trên thế gian này. Lời tiên tri của Thần khiến cho các vị vua trên mặt đất cảm thấy khiếp sợ và run rẩy. Trong tương lai, Augustus sẽ xây dựng lại đế chế của mình ở Latium, trên vùng đất từng được thống trị bởi Saturnus (cha của Jupiter, vua của các vị Thần La Mã), và bắt đầu một thời kỳ hoàng kim.
Augustus von Prima Porta (20-17 v. Chr.), aus der Villa Livia in Prima Porta, 1863.
Trước khi những người này luân hồi chuyển kiếp, kịch bản của số phận của họ đã được ‘biên soạn’ cả rồi, họ tên của các vị vua của mỗi một triều đại La Mã, thứ tự kế thừa ngôi vua của họ, cùng với những chiến công nổi bật của họ… tất cả đều đã được sắp xếp từ trước. Tương lai vẫn còn chưa xuất hiện, Thiên thượng đã có một loạt những sắp đặt từ trước. Con trai của Aeneas, cùng với bộ tộc tương lai của mình, sẽ lập được nhiều thành tựu to lớn tại La Mã.
Trong địa ngục, Aeneas nhìn thấy một người đàn ông cài một cành ô liu trên đầu, và mang theo một vật thiêng. Người này sẽ tái sinh ở Culles và được đặt tên là Numa Pompilius (753 TCN-673 TCN). Trong tương lai, người này sẽ nắm giữ quyền lực lớn, trở thành vua của La Mã. Sau Numa Pompilius, Tullus Hostilius sẽ lên kế thừa ngai vàng. Trong lương lai Tullus sẽ phá vỡ cuộc sống bình thường, truyền cảm hứng luyện tập võ nghệ cho những người dân thường lười biếng. Sau Tullus Hostilius là Ancus Marcius – biểu hiện của ông ở thế gian là thích khoe khoang bản thân, thích có được danh tiếng.
Trong số những người chờ tái sinh, còn có một hiện tượng rất thú vị, ví dụ như hai linh hồn khác nhau, họ đều mặc áo giáp sáng chói trên người, chung sống hòa hợp với nhau. Nhưng sau khi tái sinh làm người, theo sự sắp đặt của số phận, họ sẽ trở thành kẻ đối đầu của nhau, chém giết lẫn nhau. Đó chính là Caesar và Pompey trong tương lai.
Anchises khuyên con trai mình rằng: cùng là dòng huyết thống của ông, là hậu duệ của linh hồn Anchises thì phải có lòng nhân từ, khuyên bảo con cháu mình không nên tham gia vào các cuộc chiến tranh tàn ác, anh em không nên tàn sát lẫn nhau.
Trong phần giới thiệu của Anchises, ông còn nhắc đến rất nhiều nhân vật nổi tiếng, Ví dụ, Mummius, người đánh bại Corinth; đại tướng Aemilius Paullus, người đã san bằng Algos; vua Perseus của Macedonia (con của Achilles bất khả chiến bại) [1]; anh em nhà Gracchi vĩ đại, Tiberius và Gaius [2] hai cha con Scipio, Gaius Fabricius với biệt hiệu “người nắm quyền lực nhưng không có của cải trong tay” [3], Decimus Junius Brutus Albinus, và Maximus vô cùng nổi tiếng..v..v..
Anchises dặn dò Aeneas: “Con phải sử dụng uy quyền của mình để cai trị đất nước, sở trường của con là xây dựng trật tự hòa bình, khoan dung và nhân từ với kẻ bại trận, còn có thể dùng chiến tranh để chinh phục kẻ ngạo mạn ngang ngược”.
Anchises còn tiên tri rằng: trong tương lai La Mã sẽ xảy ra một cuộc bạo động lớn. Marcus Claudius Marcellus sẽ thống lĩnh kỵ binh La Mã đi dẹp loạn, san bằng Carthago và Gallia. Marcus sẽ được mệnh danh là “cây kiếm của La Mã”.
Aeneas cảm thấy rất tò mò về người thanh niên với khuôn mặt đẹp trai, mặc áo giáp trên người, đang sánh bước bên Marcus, nhưng trông anh ta có vẻ buồn bã, Aeneas không biết trong tương lai anh ta sẽ đầu thai thành nhân vật nào? Anchises rơi lệ và nói với Aeneas rằng: chàng trai trẻ đó sẽ là hậu duệ của Aeneas, và trong tương lai sẽ chết trên chiến trường khi chiến đấu với Thần chiến tranh.
Anchises dẫn con trai của mình đi xem qua tất cả những nơi cần phải nhìn thấy, và nói trước cho Aeneas biết trước số phận tương lai của Rome cùng với tên của vị vua La Mã.
Aeneas cảm thấy được động viên sâu sắc, và khao khát vinh quang đã bùng cháy trong trái tim anh. Sau khi từ địa ngục trở về, hoàng tử Aeneas đã chịu đựng rất nhiều tai họa và gian khó, để đặt nền móng cho sự trỗi dậy của La Mã trong tương lai. Vì vậy mà Aeneas được xem là tổ tiên của người La Mã, là người sáng lập ra La Mã.
Eneas đánh bại Turnus, tranh của Luca Giordano.
Chú thích:
[1] Vua Perseus (khoảng 212 TCN-166 TCN), vị vua cuối cùng của triều đại Antigonos.
[2] Anh em nhà Gracchi: Chính là hai anh em Tiberius Gracchus (168 TCN-133 TCN) và Gaius Gracchus (154 TCN-121 TCN).
[3] Gaius Fabricius là một vị tướng lĩnh và là một anh hùng của La Mã. Năm 282 trước Công Nguyên, ông giữ chức quan chấp chính. Năm 275 trước Công Nguyên, đảm nhận chức quan giám sát. Ông là một vị quan thanh liêm, không nhận bất cứ món quà giá trị nào. Khi ông qua đời, gia cảnh ông cực kỳ nghèo khổ, chính quyền La Mã phải bỏ tiền ra làm lễ mai táng cho ông. Ông là đại diện cho sự nghèo khó và đức tính cao đẹp. Trong chương 2 và chương 5 của tác phẩm “Bữa Tiệc” (Il convivio), Dante hết lời khen ngợi Fabricius trung thành với đất nước, từ chối số tiền hối lộ lớn.
Cây
nhiệt đới cao nhất thế giới cao 100,8 m, nặng 81,5 tấn
Cây nhiệt đới cao nhất thế giới hiện sống ở Malaysia, tên là “Menara” (trong tiếng Malaysia nghĩa là “Tháp”), cao 100,8 m, nặng 81,5 tấn không tính rễ.
Nhóm nhà khoa học thuộc Đại học Nottingham và Oxford của Anh phối hợp với Viện Nghiên cứu Rừng nhiệt đới Đông Nam Á (SEARRP), đã tìm thấy một cái cây nhiệt đới cao nhất thế giới từ xưa đến nay.
Các nhà khoa học Anh và Malaysia vừa vất vả trèo lên cây Menara để đo chiều cao cây bằng thước dây cho chính xác, Live Science đưa tin ngày 6/4. Nếu cây nằm trên mặt đất thì dài hơn chiều dài sân bóng đá. Menara đã phá kỷ lục trước đó là một cây bạch đàn (Eucalyptus regnans) trên đảo Tasmania của Úc – cao 99,6 m.
Các nhà khoa học ước tính, trọng lượng của cây Menara (không tính rễ) là 81,5 tấn, nặng hơn trọng lượng tối đa khi cất cánh của máy bay chở khách Boeing 737-800, theo National Geographic.
Menara cũng là cây có hoa cao nhất thế giới. Cây sống trong rừng mưa nhiệt đới ở bang Sabah nằm trên đảo Borneo.
Bằng cách nghiên cứu Menara, các nhà khoa học hy vọng hiểu được cách thức các loài cây phát triển cao và liệu có yếu tố nào giúp chúng cao hơn nữa hay không.
Menara thuộc loài cây thân gỗ Shorea faguetiana, họ Dipterocarpaceae sống trong các khu rừng mưa vùng đất thấp ẩm ướt ở Đông Nam Á.
Các
nhà khoa học Anh và Malaysia phát hiện ra cây Menara cao nhất thế giới khi dùng
công nghệ laser tên là lidar. Máy bay mang theo thiết bị lidar bay trên cao rồi
bắn các xung laser xuống phía dưới. Chúng dội lại khi chạm tán rừng và mặt đất,
cung cấp dữ liệu để làm bản đồ tô-pô.
Sau khi xem xét dữ liệu, các nhà nghiên cứu tới thực địa để quan sát cây Menara vào tháng 8/2018. Tại đây, họ quét cây bằng laser mặt đất để tạo ra các hình ảnh 3D có độ phân giải cao. Họ cũng chụp ảnh từ trên cao bằng cách sử dụng máy bay không người lái (drone). Một người địa phương tên là Unding Jami leo trèo rất giỏi đã trèo lên Menara vào tháng 1/2019 để dùng thước dây đo chính xác độ cao của cây.
Trèo lên cây nhiệt đới cao nhất thế giới không dành cho người yếu tim. (Ảnh: National Geographic).
“Đợt trèo này rất sợ, gió quá trời. Nhưng nói thật, cảnh trên ngọn cây thì quá đỉnh. Tôi không biết nói sao, chỉ có thể là rất, rất, rất tuyệt vời”, Jami nói.
Cây cao thì dễ bị gió tác động tiêu cực nhưng nhờ vị trí yên bình trong một thung lũng, Menara không bị đổ gãy gì cho đến tận hôm nay. Tuy nhiên, có một số yếu tố có thể ngăn cản cây không cao thêm, như cây vất vả với việc đưa nước từ rễ lên các nhánh ở trên cao nhất.
Mặc dù các nhà khoa học nói rằng cây Menara cao lớn đứng vững chãi, nhưng họ cũng cảnh báo nó vẫn dễ bị tổn thương bởi gió mạnh. Thậm chí, gió mạnh có thể làm cây bật gốc.
SƯU TẦM
Một tài phiệt của Sài Gòn trước 1975
Không bằng cấp, không kinh nghiệm, nhưng với khả năng kinh doanh thiên phú, ông đã làm cho giới tài phiệt và chính quyền Việt Nam Cộng hòa trước năm 1975 nhiều phen phải ngả mũ bái phục.
Vua gạch ngói Nam kỳ
Nguyễn Tấn Đời sinh năm 1922 tại làng Bình Hòa, tổng Định Thành, tỉnh Long Xuyên (nay là thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang). Ông nội Nguyễn Tấn Đời là một trong những người giàu có và tiếng tăm ở làng Bình Hòa thời bấy giờ. Vì vậy, từ nhỏ Nguyễn Tấn Đời được gia đình cho ăn học khá đàng hoàng.
Có một chi tiết thú vị là thời gian ở Long Xuyên, Nguyễn Tấn Đời vừa học vừa lùa bò thuê cho Nguyễn Ngọc Thơ. Khi đó Nguyễn Ngọc Thơ (sau này là Phó Tổng thống dưới thời Ngô Đình Diệm) đang làm quận trưởng Châu Thành, Long Xuyên kiêm luôn lái buôn… trâu bò từ Campuchia về Long Xuyên.
Năm 1945, Nguyễn Tấn Đời lên Sài Gòn theo học bậc cao đẳng tiểu học. Cách mạng Tháng Tám diễn ra, Nguyễn Tấn Đời tham gia lực lượng Việt Minh tại Sài Gòn, sau đó ông trở lại Long Xuyên. Khi Pháp tái chiếm Nam Bộ, Nguyễn Tấn Đời gặp lại Nguyễn Ngọc Thơ lúc này đang là Phó tỉnh trưởng Long Xuyên. Ông ta dọa Nguyễn Tấn Đời rằng ai đã đi theo Việt Minh mà bỏ về sẽ bị Việt Minh lên án xử tử? Hoang mang trước lời hù dọa, gia đình Nguyễn Tấn Đời cấp tốc gom góp đồ đạc cho ông trốn lên Sài Gòn.
Tại Sài Gòn, không tiền bạc, không người thân thích, hàng ngày Nguyễn Tấn Đời lân la khắp nơi tìm kiếm việc làm, đêm đến thì ngủ ngoài hàng hiên một ngôi nhà ở đường Yên Đổ (nay là Lý Chính Thắng, quận 3). Người chủ nhà thấy thương tình nên không nỡ đuổi đi, thậm chí còn “tặng” ông một chiếc ghế bố. Đây là kỷ niệm khó quên trong khoảng thời gian hàn vi của Nguyễn Tấn Đời, cũng chính vì thế mà sau này khi làm ăn khấm khá ông quyết định mua một căn biệt thự trên con đường này để ở.
Lang thang vạ vật ăn bờ ngủ bụi một thời gian Nguyễn Tấn Đời được một người bạn giới thiệu vào làm sổ sách cho một hãng buôn của người Pháp. Nhưng vốn là người không thích ngồi một chỗ, ông bỏ công việc nhàm chán này và chọn nghề môi giới để kiếm cơm. Ban đầu ông giao thiệp với các hãng lớn tại Sài Gòn như Descour Cabaud, Denis Frères, Biderman… với đủ loại mặt hàng, dần dần ông tập trung “chuyên môn” vào hai loại chính là vật liệu xây dựng và vải vóc.
Không ngờ nghề “buôn nước bọt” này đã giúp Nguyễn Tấn Đời giàu lên rất nhanh, trở thành một nhà môi giới có tiếng, đi lại bằng xe hơi sang trọng. Khi có vốn liếng, Nguyễn Tấn Đời quay sang một công việc khác : buôn bán tiền Pháp. Nghề này đòi hỏi phải có vốn lớn và gan cũng lớn vì thời điểm ấy đồng tiền không ổn định, thị trường rất bấp bênh, hên thì giàu to, xui thì… ra tro. Và thất bại đã chọn đúng Nguyễn Tấn Đời.
Năm 1949, ông lỗ trắng tay, đến nỗi phải bán cả xe hơi để trả nợ. Chán nản, ông định quay trở về nghề môi giới để làm lại từ đầu, nhưng rồi ông cảm thấy nghề này có phần hơi ác đức, khó mà vững bền nên quyết định chuyển sang một nghề hoàn toàn mới: mở Hãng gạch ngói Đời Tân.
Thời gian sang Campuchia lùa bò thuê cho Nguyễn Ngọc Thơ, Nguyễn Tấn Đời đã tìm hiểu và có chút kiến thức về công việc làm gạch ngói, hơn nữa máy móc bên Campuchia nhiều hãng bị dư thừa nên họ bán với giá rất rẻ, và biết những thợ người Triều Châu làm gạch ngói rất giỏi. Hội đủ những yếu tố cần thiết, gom góp tiền bạc và đi vay thêm bạn bè, ông lập xưởng sản xuất gạch ngói tại số nhà 321 Bến Bình Đông, Chợ Lớn.
Là một ông chủ hãng nhưng hàng ngày Nguyễn Tấn Đời cứ lóc cóc đạp xe đến từng ngôi nhà đang xây để chào hàng. Thậm chí, lúc giao gạch ngói, ông tự mình leo lên mái nhà căng dây lẩy mực rồi cùng thợ lợp ngói ngon lành. Đến khi lát gạch nền cũng thế, ông xắn tay vào làm thành thạo như một người thợ nhà nghề.
Tuần nào ông cũng tới Tòa Đô chánh Sài Gòn – Chợ Lớn tìm xin địa chỉ những nhà đang xin phép xây dựng để đến tận nơi chào hàng. Ông chịu khó đến nỗi nhà ở Bình Đông, Chợ Lớn, mà cứ sáng sáng đạp xe sang tận trung tâm Sài Gòn giao hàng và thu tiền. Trưa đến thì vào công viên tìm một chiếc ghế đá trống để ngả lưng. Đến xế chiều, ông lại lọc cọc đạp xe về tận Bình Đông.
Với cách làm như thế, chỉ hai năm sau, doanh thu của xưởng gạch ngói Đời Tân vượt lên dẫn đầu thị trường vật liệu xây dựng. Nguyễn Tấn Đời còn sang tận Pháp, đến Guillon Barthelemy để học hỏi công nghệ làm gạch ngói của người Pháp. Từ đó mẫu mã và chất lượng sản phẩm của ông chinh phục được hầu hết khách hàng, nơi nơi đều ưa chuộng. Hãng gạch ngói Đời Tân trở nên nổi tiếng khắp Nam Kỳ lục tỉnh, cung cấp cho thị trường từ Sài Gòn, miền Đông cho đến cả miền Tây Nam Bộ.
Phi thương bất phú
Sau sự thành công của Hãng gạch ngói Đời Tân, Nguyễn Tấn Đời mở rộng việc làm ăn ra đủ loại ngành nghề, nghề nào cũng mang lại lợi nhuận kếch xù. Năm 1952, ông sang Hồng Công tìm thị trường chuyển ngân Sài Gòn – Paris – Hồng Công, đăng ký nhập cảng lưới đánh cá từ Nhật về Hồng Công sau đó từ Hồng Công xin giấy nhập khẩu về Sài Gòn, rồi xuất cảng gạo từ Sài Gòn sang Hồng Công, Singapore…
Đến năm 1954, Hiệp định Genève được ký kết, người Pháp vội vã bán đồn điền để về Pháp, Nguyễn Tấn Đời bung tiền mua lại.
Năm 1955 – 1956, ông sang Campuchia đấu giá hội chợ và hùn vốn mở một công ty nhập khẩu xe đạp và máy móc nông ngư cụ đem về tiêu thụ tại miền Nam… Rồi ông cho nhập máy cày từ Âu – Mỹ về miền Nam bán cho nông dân. Thậm chí ông còn xoay qua hoạt động trong lĩnh vực hải sản, với một loạt những chiếc tàu đông lạnh ngày đêm hoạt động ngoài khơi. Đây là một ngành nghề rất mới mẻ thời bấy giờ, và nó đã đem lại cho Nguyễn Tấn Đời nhiều món lợi khổng lồ.
Vào những năm 1968, 1969, tại miền Nam phế liệu do quân đội Mỹ thải ra từ các căn cứ quân sự rất nhiều, chất cao như núi. Người ta cho đó là những đống rác bình thường nhưng Nguyễn Tấn Đời nhìn thấy vàng trong các đống rác đó. Ông đấu thầu mua lại toàn bộ với cái giá như cho không! Và, từ những đống phế liệu đó, ông cho nấu lại lấy đồng làm dây điện với nhãn hiệu Vidico.
Hãng Vidico trước đó bị phá sản do làm ăn thua lỗ, Nguyễn Tấn Đời bỏ vốn mua lại và biến nó từ đống tro tàn thành một hãng dây điện nổi tiếng miền Nam. Sản phẩm chất lượng tốt, lại trích hoa hồng cao cho các đại lý, vì vậy mà chẳng bao lâu dây diện Vidico của Nguyễn Tấn Đời đã lan tràn khắp nơi, trở thành một sản phẩm được tiêu thụ rất mạnh từ Quảng Trị cho đến Cà Mau, cạnh tranh mạnh mẽ, lấn lướt cả hàng ngoại nhập.
Có thể nói Nguyễn Tấn Đời là người có tầm nhìn xa trông rộng, có sự am tường về các lĩnh vực kinh tế và luôn đi trước thời đại. Vào những năm đầu thập niên 1950, tại Sài Gòn có rất nhiều biệt thự được người Pháp xây dựng tại quận 3. Những ngôi biệt thự này một phần được cấp cho các quan chức chính quyền, một phần dành cho các nhà đại phú thuê ở. Một số nhà kinh doanh cũng học theo người Pháp, đầu tư xây dựng biệt thự để cho thuê.
Tuy nhiên Nguyễn Tấn Đời nghĩ khác, ông cho rằng chi phí để xây dựng biệt thự quá cao, lại tốn quá nhiều quỹ đất. Chính vì vậy, ông không đi theo lối mòn của người Pháp mà học hỏi con đường kinh doanh của các nước tân tiến Tây phương: đầu tư xây cao ốc. Năm 1954, cao ốc đầu tiên do ông xây dựng được đưa vào sử dụng. Đó là cao ốc Mai Loan 125 phòng tại số 16 Trương Định. Toàn bộ số phòng trên đều được thuê, đa số là những người sống độc thân như nhà văn, nhà báo, ca sĩ, vũ nữ…
Năm 1955, thấy dân Sài Gòn đang sung túc, làm ăn mua bán nhiều, Nguyễn Tấn Đời xây thêm cao ốc Tân Lộc với 5 tầng lầu, 90 phòng ở số 177 – 179 đường Lê Thánh Tôn. Các căn hộ trong cao ốc này rộng rãi và tiện nghi hơn cao ốc Mai Loan, khi khánh thành cũng được thuê hết.
Một thời gian sau, Nguyễn Tấn Đời xây thêm cao ốc thứ ba là cao ốc Victoria ở số 937 đường Trần Hưng Đạo. Cao ốc này được xem là cao nhất và nhiều phòng nhất thời bấy giờ, gồm 240 phòng. Tuy nhiên, sau khi xây xong ông không cho thuê ngay như cao ốc Mai Loan và Tân Lộc mà để đó… chờ sau này người Mỹ thuê ở. Đến năm 1962, ông đầu tư xây cao ốc President ở số 727 đường Trần Hưng Đạo với 1.200 phòng, và ngay tức khắc nó đã được người Mỹ thuê dài hạn 10 năm…
Đến năm 1963, khi thấy Mỹ sắp hất Ngô Đình Diệm để chuẩn bị đưa lính Mỹ vào Việt Nam, Nguyễn Tấn Đời cho xây thêm cao ốc Đức Tân ở số 491 đường Phan Thanh Giản (nay là Điện Biên Phủ) và cao ốc Prince ở số 175 – 177 đường Phạm Ngũ Lão.
Có thể nói, vào những năm 1960, Nguyễn Tấn Đời là “vua” cao ốc của Sài Gòn. Những tòa cao ốc của ông rất đồ sộ, có cái lên đến 1.655 phòng và tất cả được người Mỹ thuê hết.
Từ tay trắng trở thành tỷ phú, cái tên Nguyễn Tấn Đời được người dân cả miền Nam biết đến. Nhiều người tỏ ra khâm phục, kính trọng, nhưng cũng lắm kẻ ghen ghét ganh tỵ, luôn tìm sơ hở để hãm hại ông. Nhưng với một con người có khả năng thiên phú như Nguyễn Tấn Đời, ông đã vượt qua tất cả, đi lên từ chính bàn tay khối óc của mình.
Thời gian sau, ông nhảy sang kinh doanh trong lĩnh vực ngân hàng với cương vị là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Ngân hàng Tín Nghĩa – một ngân hàng thương mại lớn nhất miền Nam những năm 1970. Ông đã có những cải tổ gây chấn động ngành ngân hàng, “làm mưa làm gió” suốt một thời gian dài, gây ra những làn sóng dai dẳng khen chê đủ kiểu làm tốn không ít giấy mực của giới báo chí Sài Gòn.
Chỉ bốn năm sau, vào năm 1971, TNNH hầu như trùm thiên hạ, lấn lướt hẳn các ngân hàng khác, kể cả ngân hàng Việt Nam Thương Tín. Biểu tượng ông Thần Tài đưa cao tay với xâu tiền điếu trong tay, hầu như quen thuộc với mọi người. Ở tận các hang cùng ngõ hẻm, dân nghèo sở hữu một món tiền nho nhỏ đều có thể có cuốn sổ tiết kiệm “Thần Tài”. Nhưng đùng một cái, tỷ phú Nguyễn Tấn Đời bị bắt! TNNH bị sụp đổ!
Chuyện gì đã xảy ra cho nhà tỷ phú tiếng tăm này? Nếu theo tin tức đăng tải công khai trên các báo xuất bản tại Saigon vào thời điểm đó, thì Nguyễn Tấn Đời đã phạm vào các tội làm TNNH mất cân đối thu chi và không còn khả năng chi trã cho khách hàng, cá nhân ông Đời đã vi phạm việc huy động vốn và đầu tư kinh doanh… Nhưng theo dư luận bên ngoài, kể cả của những người am tường nghiệp vụ ngân hàng, thì ông Đời đã bị các đối thủ “chơi” một vố thẳng tay, hết đường chống đỡ.
Đó là các tập đoàn tài phiệt đang cạnh tranh với ông, họ thấy cái thế của ông trong hệ thống ngân hàng quá lớn (theo con số được báo chí công bố lúc đó thì tổng số tiền của TNNH lên đến 22 tỷ đồng, số tiền này vào lúc đó rất lớn gần bằng số tiền của tất cả các ngân hàng tư nhân gộp lại) và có khả năng ông ta sẽ bỏ vòi sang địa hạt chính trị. Một câu hỏi khác đã từng được dư luận nêu lên: phải chăng ông Nguyễn Tấn Đời đã bị thế lực của các tướng lĩnh trong quân đội ra tay triệt hạ? Bởi cạnh tranh với TNNH còn có Kỹ Thương Ngân Hàng – một ngân hàng quân đội – mà đa số vốn là của các tướng lĩnh chóp bu trong quân đội thời đó.
48 giờ đồng hồ sau, khi chính quyền ra lệnh phong tỏa tất cả TNNH, ông Nguyễn Tấn Đời đã bị bắt tại nhà một người cháu ở đường Phan Liêm. Cuộc thẩm vấn ông Đời diễn ra chóng vánh, gần như đã được sắp xếp sẵn, để rồi tội danh được công bố như đã nói ở trên. Ông Nguyễn Tấn Đời bị tống giam vào khám Chí Hòa, như một tù nhân đặc biệt.
Nguyễn Tấn Đời ở tù cho đến ngày 30/4/75, nghe nói nhân lúc tình hình còn lộn xộn, ông Đời đã thoát ra khỏi khám Chí Hòa, sau đó về Rạch Giá để rồi lên tàu (do người nhà đóng sẵn) rời khỏi Việt Nam, định cư Montreal,Canada. Tại đây, ông mở một số nhà hàng Nhật và sau đó qua đời ở tuổi 70 tại Florida, Hoa Kỳ.
Theo Sagant Phan – Vũ Thất
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét