Tôi yêu
tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời…..
(Phạm Duy)
Ngày
xửa ngày xưa ở ngay trên đất nước này, có rất nhiều người từ các nước trên thế
giới tìm tới định cư. Họ mang văn hóa ngôn ngữ của nước họ tới và chia sẻ với
nhau trong một vùng nào đó. Tuy nhiên để thích nghi với đời sống của con cái và
chính mình, họ phải học hỏi ngôn ngữ và văn hóa của phần đất bao dung họ.
Cha mẹ của
bà Emily cũng ở trong những thành phần này. Khi từ Việt Nam tới Mỹ, Emily mới
lên 10 tuổi, từ tên Mỹ Lệ, đi học, Mỹ Lệ được đổi thành Emily và chắc chắn
Emily nói tiếng Mỹ nhiều hơn tiếng Việt. Cha mẹ Emily cũng là thành phần có học
ở Việt Nam. Mẹ là Giáo Sư Việt Văn cho một trường Trung Học Công Lập và Cha thì
làm thông dịch viên trong ban Biên Tập cho Hãng Thông Tấn nhà nước. Sang Mỹ, cả
hai ông bà cũng như những người khác vất vả hội nhập, kiếm việc trong một hai
năm đầu, sau đó họ đều có việc làm tương đối hợp với khả năng của cả hai người,
đủ để nuôi con ăn học, cho đến khi con lập gia đình.Vì có Mẹ là giáo sư Việt
Văn nên Emily được Mẹ tiếp tục dạy tiếng Việt, cô nói và viết tiếng Việt
khá thông thạo. Mẹ cô nói:
-
Con phải nói tiếng Việt để mai kia Mẹ về già có người trò chuyện
với Mẹ.
-
Mẹ biết tiếng Mỹ mà, Mẹ đâu có cần nói tiếng Việt với con.
-
Nhưng chắc về già, Mẹ sẽ nhớ quê hương xứ sở và thích nói tiếng
Việt hơn con ạ.
Emily chỉ
cười, cho là Mẹ cô hơi khôi hài, bà ở đây lâu quá rồi, cần gì tiếng Việt nữa.
Cũng như cô, chỉ khi nào cần thiết lắm cô mới nói tiếng Việt với cha mẹ, thường
cha mẹ hỏi gì bằng tiếng Việt, cô trả lời bằng tiếng Mỹ cho nhanh, vì thỉnh thoảng
có chữ ít khi dùng tới, cô phải suy nghĩ, rồi dịch trong đầu trước khi nói.
Thoắt một
thoáng, cô đã già hơn mẹ cô ngày trước, cái ngày gia đình cô tỵ nạn ở Mỹ. Bây
giờ, mẹ Emily thành Cụ và Emily đã thành Bà.
Cả mấy
năm nay bà Emily vất vả với mẹ, Cụ bị suy sụp tinh thần từ khi chồng qua đời đột
ngột vì bệnh tim cách đây hai năm. Bà Emily bước vào tuổi 50, vợ chồng bà vẫn
còn đi làm và vẫn còn cô con út của ông bà đang học lớp 10. Mẹ bà rất yếu, cần
nâng, vực, mỗi lần di chuyển, vệ sinh và tắm gội.
Bà
Emily thuê người về nhà chăm cho mẹ khi bà đi làm. Nhưng việc kiếm người cũng
không dễ, phải thay đổi luôn. Đôi khi bà Emily phải ở nhà trông mẹ vì người phụ
việc nghỉ bất tử. Cuối cùng mẹ bà nói:
-
Con cứ tìm “Nhà Già” cho mẹ vào, chứ con cứ phải nghỉ việc hoài mẹ
nghĩ sẽ khó cho con.
Bà Emily
không nỡ, bà nghĩ mẹ bà sẽ thấy buồn lắm, nếu phải vào Nhà Già.
Bà Cụ trấn
an con gái:
-
Không sao, cuối tuần, con và các cháu vào chơi với mẹ. Mẹ nói được
tiếng Mỹ thì không sợ không có bạn. Mẹ vào đó có người giúp, để mắt đến mẹ thì
tránh được vấp ngã.
Sau cả mấy
tháng đắn đo, cuối cùng đành phải đưa mẹ vào “Nhà Già”. Bà Emily kiếm được một
chỗ khá gần nhà mình, sạch sẽ, giá cả cũng phù hợp với tiền hưu trí và tiền để
dành của Bố Mẹ có trong quỹ. Có một điều ở đây toàn là người Mỹ, không thấy người
Việt, bà sợ mẹ sẽ buồn, nhưng mẹ bà nói tiếng Mỹ thông thạo và đầu óc còn minh
mẫn (chỉ cơ thể yếu đuối thôi) và chính mẹ cũng trấn an bà:
_ Đừng có
lo lắng nhiều, Mẹ biết tiếng Mỹ mà con.
Đúng thật,
Cụ vào “Nhà Già” mấy tháng là có bạn thân ngay và xem chừng Cụ thích nghi được,
Cụ ăn ngủ ngon và lên cân. Có điều Cụ vẫn cần người săn sóc vệ sinh cá nhân.
Vợ chồng
bà Emily và các con vẫn mỗi tuần vào thăm Bà Ngoại, rồi dần dần mỗi tháng hai lần,
rồi mỗi tháng một lần. Cụ ở trong đó được hai năm, bà Emily vẫn thỉnh thoảng
ghé mẹ, nhưng mấy đứa cháu ngoại, đứa đi học xa, đứa lấy chồng xa. Sự thăm viếng
mỗi ngày một thưa, bà Emily mỗi lần nghĩ đến mẹ vẫn yên trí, mẹ nói được tiếng
Mỹ, mẹ có bạn Mỹ, mẹ “Everything O.K.” Nếu mẹ không O.K thì người ta sẽ gọi
mình.
Sang
năm thứ ba, mọi việc vẫn bình thường, khi vào thăm mẹ, bà thấy Cụ vẫn tỉnh táo,
vui vẻ. Cho đến một hôm, “Nhà Già” gọi bà vào có việc muốn nói, bà hốt hoảng hỏi:
-
Mẹ tôi có sao không?
-
Không, Mẹ già của bà vẫn bình an, chúng tôi chỉ muốn gặp bà để
nói chuyện về sự thay đổi của Cụ.
Bà Emily hấp
tấp lái xe vào gặp mẹ, tí nữa thì tông phải cái xe phía trước, mắt bà bây giờ ở
tuổi ngoài 50 cũng bắt đầu thấy kém đi nhiều rồi.
Emily tới
nơi thì bà Quản Lý “Nhà Già” cho hay là Mẹ của bà, mấy bữa nay vẫn ăn, ngủ bình
thường nhưng tự nhiên hình như quên mất tiếng Mỹ, hỏi gì Cụ cũng ngơ ngác và trả
lời bằng tiếng Việt, nên người trông coi Cụ không hiểu được Cụ muốn gì và Cụ
không muốn gì.
Emily ngẩn
người ra hỏi:
-
Việc này đã lâu chưa?
Độ hơn một
tháng nay, bắt đầu thì Cụ nói tiếng Việt lẫn vào tiếng Mỹ, sau đó thì chỉ hoàn
toàn tiếng Việt và Cụ hình như không hiểu gì khi nghe lại bằng tiếng Mỹ.
Emily hỏi
lại bà Quản Lý:
-
Bà cho tôi gặp Mẹ tôi ở phòng ăn được không? Bây giờ 3 giờ, ở đó
đang vắng người.
-
Vâng, mời bà vào phòng ăn, để tôi gọi người đỡ Cụ ra.
Bà Emily
phân vân không biết chuyện gì đã xảy ra mà Mẹ mình tự nhiên lại quên hết cả tiếng
Mỹ. Bà biết là Cụ rất khá, Cụ nói tiếng Mỹ ngang với tiếng Việt và Cụ lại là
người thích đọc sách, đọc báo Mỹ.
Bà Cụ vừa
thấy con gái thì mắt sáng lên, ríu rít nói bằng tiếng Việt, một tràng dài:
-
Sao con bây giờ mới tới, chắc cả gần ba tháng rồi, mẹ không thấy
con. Mẹ muốn về nhà mình ở, ít ra mẹ và vợ chồng con còn nói chuyện được, ở đây
họ nói toàn tiếng Tây tiếng Mỹ , Mẹ chẳng hiểu gì cả, buồn lắm.
-
Mẹ nói gì lạ vậy. Tiếng Mỹ của mẹ giỏi lắm mà. Tại sao lại không
hiểu?
-
Không con ạ, con cho mẹ về, mẹ có biết tiếng Tây, tiếng Mỹ nào
đâu.
Bà Cụ nói
xong, ngồi thừ ra một lúc, rồi ứa nước mắt. Bà Emily thấy mẹ khóc, sợ quá, bà
ôm vai mẹ nói.
-
Nếu mẹ thật sự muốn về thì con sẽ đón mẹ về, con chỉ còn hai
tháng nữa sẽ nghỉ hưu, nhà con thì đã hưu từ năm ngoái. Con sẽ kiếm người phụ
thêm ngày vài tiếng thôi. Con trông được mẹ.
Cụ mừng
quá, rút tờ khăn giấy ra lau nước mắt đang thi nhau trào ra. Bà Emily ngạc
nhiên vô cùng. Tại sao tự nhiên mẹ mình lại quên hết một ngôn ngữ cụ thông thạo
cả 50 năm nay mà chỉ nhớ lại ngôn ngữ mẹ đẻ thôi. Bà cho rằng có thể vì muốn về
với con cháu nên cụ nại cớ ra, nói dối không hiểu tiếng Mỹ.
Đón mẹ về
nhà hơn một tháng, bà Emily để ý, Mẹ không nghe đài tiếng Mỹ, mỗi lần vợ chồng
bà ngồi nghe tin tức thì Cụ không tham dự, lăn cái ghế đủn của mình sang
phòng khác, sách báo tiếng Mỹ cụ vứt vào thùng rác, nếu cụ đang ở gần thùng
rác. Có hôm cụ cầm tờ quảng cáo của chợ Mỹ, cụ hỏi.
-
Con xem hộ mẹ có thuốc Bổ của mẹ hạ giá không? Mẹ không đọc được
chữ Mỹ.
Bạn hàng
xóm Mỹ sang thăm, cụ ú ớ không biết nói năng gì cả.
Bà Emily
buồn lắm, không biết đầu óc của mẹ mình có vấn đề gì mà tự nhiên quên hẳn một
ngôn ngữ mà Cụ đã thông thạo. Bà làm hẹn cho mẹ tới gặp Bác Sĩ Tâm Thần.
Ông Bác Sĩ
sau khi khám cẩn thận sức khỏe cho Cụ, nói Cụ chỉ có bệnh lão hóa thông thường ở
những tuổi 80 của Cụ thôi. Bác Sĩ nói thêm, thường người bệnh đang ở phút hấp hối,
người ta quên hết các ngôn ngữ khác mà trước đây người ta đã học và chỉ biết
ngôn ngữ mẹ đẻ thôi. Đây là một trường hợp hiếm là Cụ quên trong khi sức khỏe
và đầu óc chưa lẫn. Bác Sĩ khuyên nên thỉnh thoảng nói tiếng Mỹ với cụ để đánh
động cái phần trí óc quên lãng của Cụ.
Bà Emily về
nhà nói chuyện với chồng, hai vợ chồng bàn nhau, hay là chỉ nói tiếng Mỹ với Mẹ,
xem Cụ có nhớ lại không? Điều quan trọng không phải là Cụ không nói được tiếng
Mỹ mà là sợ một phần nào đầu óc Cụ bị lãng và dần dần có khi cả tiếng Việt cũng
không nhớ.
Khi hai vợ
chồng bà bắt đầu thử nói tiếng Mỹ thì Cụ ngẩn người ra, lúng túng không trả lời,
Sự lúng túng của Cụ thấy thành thật đến tội nghiệp, Cụ bắt đầu tránh mặt hai
người và bỏ cả bữa ăn. Trong vòng hai tuần Cụ hốc hác hẳn và vẻ sầu não trông rất
đáng thương. Cụ tự nhiên thành một chiếc bóng im lặng trong nhà vì bất đồng
ngôn ngữ. Bà Emily sợ quá, vội vàng nói tiếng Việt lại với Mẹ và Cụ dần dần hồi
phục.
Bà Emily
nói với chồng:
-
Em nghĩ là mẹ về già, mẹ nhớ quê hương quá, mà ngôn ngữ là phần
quan trọng nhất trong những điều một người xa quê nhớ tới. Chắc bây giờ óc của
mẹ không còn sáng suốt như hồi trẻ, nó co lại rồi nên có bao nhiêu mẹ dồn hết
cho tiếng “Mẹ Đẻ” của mình.
Bà lại đến
tìm gặp Bác Sĩ Tâm Thần của Mẹ và nghe ông kể cho bà về những bệnh nhân già, quốc
tịch khác nhau, mà ông đối diện với họ vào giờ cận tử. Ông kể là khi họ hấp hối
thì họ toàn nói tiếng “Mẹ Đẻ” của họ với Bác Sĩ, Y Tá, không cần biết đó là
ngôn ngữ xa lạ, không ai biết, một mình họ biết. Họ tìm về nguồn trong ngôn ngữ.Thật
sự những ngôn ngữ bản xứ lúc đó không còn lại trong đầu óc họ nữa.
Bà Emily
thương mẹ quá. Mẹ bà đã ở giai đoạn cận tử đâu, Cụ tuy có yếu đi, nhưng vẫn hiểu
biết, nghe và nói rõ ràng. Cụ chỉ quên mất cái ngoại ngữ mà Cụ đã được học, đã
sử dụng hồi trẻ thôi. Bác Sĩ nói, có thể đây là trường hợp đặc biệt.
Bà
Emily lên mạng, tìm đặt mua sách Việt, băng nhạc Việt (mà chính bà cũng lâu lắm
không đọc, không nghe) cho Cụ.
Cụ vui lắm
khi mở nhạc Việt nghe. Cụ nói huyên thuyên về tên những Ca Sĩ, những bản nhạc Cụ
được nghe từ thời ở quê nhà. Bà Emily thấy mẹ vui và khỏe ra thì cũng vui lắm,
nhưng đôi khi nghe những bài hát vọng ra từ phòng mẹ, Bà tự hỏi: “Liệu
mình có bị di truyền bệnh này giống mẹ không? Nếu mình cũng quên hết tiếng Mỹ
và chỉ nhớ và giữ “Tiếng Mẹ đẻ” trong não mình, thì ai sẽ trò chuyện với
mình. Con mình thì chắc chắn KHÔNG rồi, vì chúng nó chỉ bập bẹ đôi ba câu. Nếu
chồng mình chết trước mình thì ai sẽ mua sách Việt, băng nhạc Việt cho mình?
Thôi, không dám nghĩ tiếp nữa.”
Một buổi
sáng, Cụ muốn ra ngoài hàng hiên ăn điểm tâm. Bà Emily thay quần áo cho Cụ, rồi
đủn xe Cụ ra chỗ có nắng ấm áp nhất. Cụ tươi tỉnh xem chừng vui lắm, ánh mắt cụ
sáng lấp lánh trong bình minh, Cụ muốn Bà mang chiếc máy cassette nghe nhạc để
bên cạnh, Cụ tự chọn băng cho mình. Bà Emily vào bếp pha trà, làm bữa điểm tâm
cho hai mẹ con. Khi Bà mang ra thì nghe thấy tiếng hát Thái Thanh lảnh lót vang
lên:
“Tôi
yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời, người ơi, Mẹ hiền ru những câu xa vời….À
ơi, tiếng ru muôn đời.”
Bà mỉm
cười, đặt khay thức ăn trước mặt mẹ, nói: Mẹ chọn bài này hay quá!
Cụ không
trả lời, hai mắt Cụ nhắm lại, hai giọt lệ ứa ra ở hai khóe mắt, miệng Cụ như mỉm
cười.
Bà
Emily đặt chiếc khay thức ăn xuống cái bàn nhỏ trước mặt mẹ,
Bà khụy
chân xuống nhìn sát vào mặt mẹ, bà thấy đầu Cụ như nghiêng về một bên, hai mắt
vẫn nhắm và những giọt nước mắt nữa… và hình như Cụ không còn thở. Bà vòng tay
ôm đầu Cụ ngã vào vai mình. Bà yên lặng, vùi cái đầu đã hoa râm của mình vào
mái tóc bạc phơ của mẹ.
Tiếng
Thái Thanh vẫn cất lên:
Tiếng
nước tôi! Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui, khóc cười theo mệnh nước nổi trôi…Nước
Ơi!
Trần
Mộng Tú
Ngày 19
tháng 1 năm 2021 -
Những ngày
cuối năm nhớ nhà, nhớ nước.
Vụ án ông già Noel - Pierre Bellemare
Đào Duy Hòa phỏng dịch
–Mẹ nhìn trong tủ kính kìa, chiếc tàu điện đẹp ơi là đẹp!
Ðó là ngày 19 tháng 12 năm 1978. Cậu bé Antonio, 6 tuổi, cùng mẹ đi trên đường phố Milan, nước Ý. Ở tuổi búp măng, Antonio muốn mẹ đưa đi phố mua sắm vào dịp lễ Noel là chuyện tự nhiên. Ðường phố được trang hoàng, thắp sáng bởi đủ loại màu sắc sặc sỡ, đặc biệt là những tủ kính với đủ loại hàng hóa, đồ chơi trẻ con. Nhưng chiều hôm ấy, đường phố Milan không đông người như thường lệ vì từ trưa, tuyết phủ một lớp dày khắp nơi. Sau khi ngắm nhìn thỏa thích chiếc tàu điện trong tủ kính, Antonio, bấu vào tay mẹ:
-Mình lại đằng kia xem ông già Noel đi mẹ!
<!>
Cách nơi họ đứng khoảng 20 mét, một ông già Noel đứng bất động trong trang phục cổ truyền: quần áo, mũ màu đỏ viền ren màu trắng, đôi giầy bốt màu đen, bộ râu dài trắng xóa. Ông già Noel đứng trên một cái bệ cạnh vỉa hè, mặc cho tuyết rơi, trời lạnh giá. Antonio đến bên cạnh ông già Noel:
-Chào ông già Noel!
Ông già Noel đứng lặng im. Antonio cố nài nỉ:
-Xin chào ông già Noel! Sao ông không trả lời?
Ông già Noel vẫn im thin thít. Mẹ Antonio đến bên con, hơi ngạc nhiên trước thái độ là lạ của ông già Noel. Chị định hỏi một câu gì đó nhưng lại thôi vì không có nhiều thời giờ. Bất ngờ ông già Noel tiến về cửa chiếc xe vừa mới đỗ bên vệ đường. Chắn ngang trước mặt người đàn ông vừa ra khỏi xe, ông già Noel thò tay vào ống tay áo lấy ra một vật. Sự việc sau đó diễn ra trong chớp nhoáng: hai tiếng nổ vang trời, người đàn ông ngã gục xuống vỉa hè đầy tuyết, ông già Noel tẩu thoát mất dạng.
Sau khoảnh khắc sợ hãi, mẹ Antonio hồi tỉnh. Chị chạy đến bên nạn nhân bị hai viên đạn bắn trúng vào đầu. Mẹ Antonio tri hô cấp cứu.
Một giờ sau, Trung úy Signorelli, cảnh sát trưởng Milan, người trực tiếp điều tra vụ án ông già Noel, thẩm vấn mẹ của Antonio là nhân chứng duy nhất tại hiện trường. Bước vào tuổi ngũ tuần, mái tóc của Trung úy Signorelli đã ngả màu muối tiêu:-Chị có thể mô tả vài chi tiết nhận dạng tên tội phạm?
Mẹ Antonio đưa tay lên bóp trán cố nhớ:
-Biết trả lời ông cảnh sát trưởng thế nào nhỉ? Ông già Noel là ông già Noel trong bộ đồ truyền thống màu đỏ viền trắng…
-Ví dụ gương mặt ông ta, già hay trẻ?
-Tôi không trông thấy rõ. Cái nón và bộ râu trắng che khuất gần hết gương mặt.
-Ðôi mắt hắn màu gì?
-Thực tình tôi cũng không mấy chú ý. Tôi chỉ nhìn hắn được có mấy giây trong khi tuyết rơi dày đặc.
-Thế thì chị có thể phỏng đoán chiều cao của hắn?
-Hắn hơi cao hơn tôi một tí.
Trung úy Signorelli quay sang Antonio. Cậu bé đang ôm lấy mẹ, gương mặt lộ vẻ sợ sệt.
-Cậu bé, cậu thấy nét gì đặc biệt ở tên sát nhân không?
Cậu bé lắc đầu:
-Thưa không ạ!
Nhận thấy cuộc thẩm vấn không có kết quả, Trung úy Signorelli kết luận:
-Tôi không muốn làm phiền hai mẹ con chị nữa. Cuộc thẩm vấn kết thúc tại đây. Xin cám ơn chị và cháu.
Sau khi tiễn mẹ con Antonio về, Trung úy Signorelli gọi người phụ tá đắc lực của mình là Thiếu úy Alberto Ponza, 28 tuổi.-Chúng ta không thu thập được gì từ nhân chứng, phải bắt đầu từ nhân thân của kẻ bị hại thôi. Anh đã tập họp được chi tiết nào chưa?
Ponza rút ra tập hồ sơ:
-Vâng, thưa trung úy. Nạn nhân là Ricardo Negri, 51 tuổi, hoạt động trong ngành thời trang may mặc. Ông ta khá giàu có và nổi tiếng ở Milan. Ý kiến của trung úy thế nào?-Tôi không mấy quan tâm đến nghề nghiệp của ông ta. Anh có chi tiết gì về quan hệ gia đình của ông ta không?-Nạn nhân Ricardo đã có vợ và hai con. Cô con gái, Émilia, 23 tuổi, đang theo học ngành lịch sử nghệ thuật. Cậu con trai, Sergio, 18 tuổi, là một sinh viên rất năng động, có khả năng sẽ kế nghiệp gia đình sau này.
Signorelli lắng nghe báo cáo của Thiếu úy Ponza:
-Còn vợ của ông ta?
-Bà Antonella, 45 tuổi, rất đẹp. Thời con gái, bà từng là người mẫu thời trang. Hiện Antonella đang đi trượt tuyết ở Chamonix, Pháp, cùng với tình nhân Silvio Michaelli.
Chi tiết quan trọng nầy khiến Signorelli phải thầm khen tài tháo vát, nhanh nhạy của viên phụ tá:
-Tốt lắm, Ponza! Anh thu thập thông tin rất nhanh. Bằng cách nào anh có được nó?
-Thông qua gia đình, tôi biết bà Antonella đang ở Pháp và tôi đã trực tiếp gọi đến đó. Cả hai ở chung phòng trong khách sạn.
-Họ đã quay về Milan chưa?-Antonella vẫn còn ở đó, nhưng tình nhân của bà ta đã trở về Milan. Hình như anh ta có việc gấp thì phải.
Cảnh sát trưởng Signorelli gật đầu hài lòng:
-Anh cho mời Silvio Michaelli đến ngay!
Bằng giọng khiêm tốn, Ponza đáp:
-Tôi dự đoán thế nào trung úy cũng yêu cầu điều này nên đã gọi anh ta đến. Anh ta đang chờ trung úy ở phòng ngoài.
Silvio Michaelli có dáng dấp một tay chơi. Anh ta khoảng 25-30 tuổi, trẻ hơn nhiều so với người tình. Ngoại hình của hắn thể hiện rõ một tay vô liêm sỉ chuyên sống nhờ váy đàn bà. Nhưng trước mặt Trung úy Signorelli, Silvio trở thành một kẻ nhu nhược: vai hắn trệ xuống, đôi mắt thất thần, hai tay run nhẹ:
-Tôi không giết ông ta, thưa ngài cảnh sát trưởng. Tôi xin thề không phải là tôi.
-Tại sao anh đột ngột quay về Milan?
-Vì công việc thôi ạ.
-Công việc gì? Anh sống bằng nghề gì?
Sau giây phút do dự, hắn ngẩng mặt lên:
-Tôi muốn thuật lại sự việc một cách minh bạch. Mọi người có thể đánh giá không tốt về tôi. Nhưng giết người là việc tôi không bao giờ làm. Thực sự tôi sống nhờ đàn bà chứ không có nghề ngỗng gì khác. Tôi quay về Milan vì tôi có cuộc hẹn với người tình khác ở Milan. Nghề của tôi là thế, phải phòng ngừa trước các cuộc chia tay để không phải sống cô đơn, không tiền…
-Tôi hiểu…
-Ông phải hiểu tôi. Tôi không bao giờ giết người, nhất là giết người vì ghen tuông.
-Tại sao không, bà Antonella Negri là một phụ nữ rất đẹp kia mà?
-Thế thì ông chưa thực sự hiểu tôi rồi, thưa ông. Những cuộc hẹn hò giữa tôi và phụ nữ chỉ là sự mua bán, trao đổi. Nếu có ai đó nói lời yêu đương với tôi thì tôi rút lui ngay.
-Thật thế không?
-Ðó là sự thật! Ông thử nghĩ xem, nếu tôi si mê Antonella, liệu tôi có nên ngủ chung phòng với bà ta trước khi ra tay sát hại người chồng chính thức? Khi viên phụ tá của ông gọi tới, chúng tôi xác nhận ngay đang vui vầy bên nhau, chúng tôi không giấu giếm điều gì cả.
-Ngay cả với ông Ricardo Negri?
-Không, ông Negri biết chúng tôi quan hệ với nhau. Ông có thể xác minh qua những người thân quen của ông ta.
-Vậy thì tại sao Ricardo Negri bị sát hại?
-Tại sao trung úy cứ quy kết ông ta bị giết vì ghen tuông? Ricardo Negri là nhân vật nổi tiếng, giàu có và đầy quyền lực. Có thể nguyên nhân dẫn đến án mạng là do cạnh tranh nghề nghiệp, do sa thải nhân viên…
Ðúng vào lúc đó, Alberto Ponza bước vào phòng thẩm vấn. Anh ta bước đến sát bên Signorelli nói nhỏ:
-Một nhân chứng khác vừa đến xin gặp trung úy.
-Khi nào xong tôi sẽ gặp.
-Thưa trung úy không cần phải tiếp tục với Michaelli nữa đâu ạ.
Signorelli lập tức cho Michaelli ra về với lời dặn, không được rời khỏi thành phố cho đến khi có thông báo mới.
Signorelli cau mày ngạc nhiên trước sự xuất hiện của nhân chứng mới. Ðó là một cậu bé cũng xấp xỉ tuổi Antonio. Cậu bé đến cùng với mẹ. Alberto Ponza giới thiệu:
-Xin giới thiệu, cậu bé Amedeo Berti. Amedeo đã gặp ông già Noel trước Antonio ít phút. Amedeo ghi nhận được một chi tiết rất quan trọng: cậu bé đã nghe giọng nói của ông già Noel.
Cảnh sát trưởng Signorelli:
-Cháu có trò chuyện với ông già Noel ư?
Vẻ rụt rè, Amedeo lắc đầu phủ nhận. Phụ tá Alberto Ponza đỡ lời:
-Cậu bé không trò chuyện với ông già Noel. Nó nhìn thấy ông già Noel bị vấp chân trong tuyết và nghe ông ta thốt lên lời ta thán. Lúc bấy giờ nó ở rất gần ông già Noel. Tốt nhất là để nó tự thuật lại điều tai nghe mắt thấy với cảnh sát trưởng.
Nở nụ cười thân thiện với Amedeo, Signorelli khuyến khích:
-Nào, cháu nghe thấy gì, kể cho chú nghe đi?
-Ðó là một phụ nữ.
-Cháu nói sao?
-Cháu nghe giọng nói một phụ nữ thốt ra từ miệng ông già Noel.
Signorelli ngồi bất động vì ngạc nhiên. Chi tiết mới ngoài dự đoán làm ông thật sự bất ngờ. Cuộc điều tra rẽ sang bước ngoặt mới.
oOo
Ngày 23 tháng 12 năm 1978, tức 4 ngày sau vụ án, cảnh sát trưởng Signorelli gõ cửa một căn nhà mà bề ngoài trông có vẻ nghèo nàn. Ra mở cửa là Gina Borgo, một phụ nữ ngoài 50 tuổi, nét mặt không có gì đặc biệt. Chị ta bắt đầu bằng giọng nói mệt mỏi:
-Ông đến tìm tôi có việc gì không ạ, thưa ông cảnh sát trưởng?
Chậm rãi và trầm tĩnh, Signorelli đáp lại:
-Hẳn là bà đã biết lý do của cuộc viếng thăm, thưa bà. Và tôi nghĩ trong tận sâu đáy lòng, bà đang chờ cuộc hội ngộ này.
-Tôi không hiểu ông muốn nói gì?
-Viên phụ tá của tôi rất tài ba, thưa bà Borgo. Từ khi chúng tôi biết ông già Noel thực chất là một phụ nữ, chúng tôi chỉ việc áp dụng phương pháp loại trừ. Người phụ nữ nào có lý do để giết ông Negri? Vợ ông ta ở ngoài phạm vi điều tra vì lúc xảy ra sự việc bà ta đang ở Pháp. Chúng tôi cố tìm hiểu xem liệu ông Negri có tình nhân nào không, Không có! Ông Negri cũng chẳng cho một nữ thư ký hay nữ nhân viên nào nghỉ việc… Ðể kết luận, chúng tôi chỉ thấy có mỗi mình bà thôi, bà Borgo ạ!
-Ông kể với tôi cái gì thế, ông cảnh sát trưởng? Tôi chẳng biết ông Negri là ai cả.
-Ðúng vậy, thưa bà Borgo. Nhưng chồng bà thì biết ông Negri rất rõ. Và chính chồng bà là nguyên nhân dẫn đến vụ án mạng.
Bà Gina Borgo giữ im lặng. Signorelli nói tiếp:
-Chồng bà, ông Paolo Borgo, đã tự vận cách đây 6 tháng bằng một viên đạn bắn vào đầu. Chồng bà là chủ nhân xí nghiệp may mặc, cùng ngành sản xuất với ông Negri. Ông Negri có đề nghị chồng bà bán lại xí nghiệp cho ông ta, nhưng chồng bà từ chối. Và thế là bằng chiến thuật “cá lớn nuốt cá bé”, ông Negri đã làm chồng bà phá sản dẫn đến việc tự tử. Ðó là lý do tại sao bà giết ông Negri. Và nếu như giọng nói của bà không bị một cậu bé phát hiện thì có lẽ bà đã thoát khỏi lưới của pháp luật. Thật sự tôi cũng không ngờ kẻ phạm tội là một phụ nữ.
Bà Borgo điềm tĩnh đáp lời:
-Tôi không biết Negri là ai cả. Ông cảnh sát trưởng không có bằng chứng buộc tội nào cả, ngoại trừ lời lẽ lý luận dông dài.
-Cho đến bây giờ thì chưa, nhưng bằng chứng nằm trong tầm tay của chúng tôi. Bà biết đấy, mỗi vũ khí để lại vỏ đạn có đặc thù riêng giống như dấu vân tay. Ông Borgo tự tử bằng súng Smith & Wesson 12mm. Tôi chỉ cần khai quật mồ chồng bà lên và so sánh vỏ đạn thì biết ngay…
Bà Borgo lấy hai tay ôm đầu gào lên:
-Không, tôi không cho phép quật mồ chồng tôi! Không được đụng đến chồng tôi!
-Nếu thế thì chỉ có cách duy nhất là bà hãy tự thú.
Khoảnh khắc im lặng trôi qua. Giọng bà Gina Borgo nấc lên:
-Tôi xin tự thú. Ông già Noel chính là tôi!
Phỏng dịch từ nguyên tác “Le Père Noel assassin“
Noel 2021 nhớ Saigon...
Sài Gòn xưa có hai tiệm Thanh Bạch, một ở đường Lê Lợi, bên rạp xi-nê Vĩnh Lợi.
1 - Đính kèm là hình tiệm Thanh Bạch , kế rạp hát Vĩnh Lợi
Tiệm Thanh Bạch thứ hai ở đường Phạm Ngũ Lão, trong dẫy phố trệt dưới tòa soạn nhật báo Sàigòn Mới Ngoài bánh mì ốp-la, ôm-lết, thịt nguội, Thanh Bạch Lê Lợi đặc biệt có bánh mì bò kho.
Nhà hàng Thanh Thế bên Nguyễn Trung Trực có món suông ngon hết sảy. Bún suông dùng xương heo để nấu nước lèo, và đặc biệt ở đây là dùng tôm tươi lột vỏ, bỏ đầu, bằm nhuyễn sau đó vo lại thành sợi dài (như sợi bún). Nước lèo ở đây rất trong, ăn kèm với rau sống…
Nhà hàng Tài Nam trên đường Ohier (Tôn Thất Thiệp) nổi tiếng với món đuông chà là chiên bơ rất ngon nhưng cũng rất mắc tiền.
Theo nhà văn Sơn Nam, vua chúa cũng còn thèm “con đuông chà là”, tên chữ là “hồ đa tử”. Hồ đa là cây dừa rừng, tức cây chà là hoang thường mọc miền nước mặn Nam bộ, giống như cây cau kiểng. Cây dừa rừng có “củ hũ”, tức đọt non, đến mùa sau Tết thường xuất hiện con đuông, giống như con nhộng. Ðuông ăn đọt dừa non nên to, mập và thường được bắt trước khi nở thành bướm.
“Ðem đuông nướng trên vỉ sắt, cho héo rồi ăn, chấm với nước mắm nhĩ nguyên chất. Con đuông béo ngậy vì tăng trưởng, ăn ròng củ hũ cây chà là”.
Vùng Thanh Ða (Bình Thạnh) nổi tiếng khắp Sàigòn với món cháo vịt, gỏi vịt. Vào buổi tối người Sàigòn hay ra bán đảo Thanh Ða trước là để đón những luồng gió mát từ sông Sàigòn thổi vào và khi về, ghé mấy quán cháo vịt, gọi thêm đĩa gỏi vịt ăn kèm. Nếu là “bợm nhậu” thì gọi thêm chai bia Con cọp BGI để… đưa cay.
Nếu ngại ra Thanh Ða thì trên đường Hồng Thập Tự cũng có khu bán cháo vịt thuộc loại… “ăn được”. Thịt vịt tại đây khá mềm, nhai kỹ thấy ngọt và đặc biệt không thấy mùi hôi vốn có của thịt vịt. Có thể họ tuyển loại vịt chạy đồng nên không hôi (?).
Ðinh Công Tráng là một con đường nhỏ gần nhà thờ Tân Ðịnh với món bánh xèo. Bí quyết của bánh xèo nằm ở kỹ thuật pha bột, sao cho khi chiên lên, bánh giòn tan khiến người ăn có thể cảm được cái thú nghe miếng bánh đang được nhai dưới hai hàm răng. Lớp bột gạo pha chút nghệ khi đổ vào chảo dầu tạo nên một tiếng “xèo” khiến ta hiểu được tại sao lại gọi là… bánh xèo !
Ngày nay, đường Ðinh Công Tráng trở thành “đường bánh xèo” nhưng người sành ăn thì chọn quán bên tay trái, nếu đi từ đường Hai Bà Trưng vào.
Quán không tên nhưng người ăn vẫn nhớ vì nó đã đi vào “bộ nhớ” của người Sàigòn từ bao năm nay. Những quán đối diện bên kia đường trông có vẻ lịch sự hơn, sạch sẽ hơn nhưng vẫn chịu cảnh vắng khách vì là kẻ… hậu sinh.
Khu Ða Kao có tiệm bánh cuốn Tây Hồ (127 Ðinh Tiên Hoàng), gần chợ Ða Kao, quận 1, nổi tiếng. Tại đây, mỗi bàn có để sẵn một thẩu nước mắm và một chồng chén nhỏ để khách tùy nghi sử dụng, thêm nhiều hay ít ớt bằm theo sở thích riêng của từng người.
Tuy nhiên, có khách lại thích chan luôn nước mắm vào đĩa để bánh cuốn thấm nước mắm, đậm đà hơn.
Chả quế và giò lụa được cắt thành miếng lớn, để riêng trong một đĩa nhỏ. Khách có thể chỉ ăn bánh cuốn nhân thịt mà không đụng tới đĩa giò chả, như vậy người phục vụ nhìn vào đĩa chả còn nguyên mà không tính tiền. Nếu cần, có thể gọi thêm đĩa bánh tôm hoặc bánh cuốn không nhân.
Sàigòn cũng có bánh cuốn Thanh Trì kiểu Bắc, mỏng như tờ giấy, ăn với “ruốc” (chà bông) và nước mắm phải kèm với vài giọt cà cuống mới là “sành điệu”!
Còn bánh ướt là kiểu bánh cuốn bình dân ở Sàigòn, cũng ăn kèm với bánh tôm chiên, giò, chả và rau, giá. Những xe bánh ướt được đẩy đi khắp Sàigòn, có cả nồi hấp nên lúc nào bánh cũng nóng và người bán bao giờ cũng chan nước mắm vào đĩa thay vì chấm kiểu “thanh cảnh” như bánh cuốn Thanh Trì.
Lại nói thêm, đường Albert (vào thời Ðệ Nhất Cộng Hòa đổi tên thành Ðinh Tiên Hoàng) khá dài nên dọc theo con đường này có nhiều địa chỉ ẩm thực nổi tiếng.
Tiệm ăn Chez Albert (lấy tên theo con đường), Cà phê Hân, Mì Cây Nhãn (tên đặt theo cây nhãn hồi đó còn trồng trước sân), Thạch chè Hiển Khánh (nơi sưu tầm rất nhiều thơ ca tụng thạch chè)… Tôi chắc chắn còn bỏ quên khá nhiều điểm ăn uống khác nữa trên con đường này.
Ở góc đường Tôn Thất Ðạm và Hàm Nghi, trước kia vào thập niên 30 có một quán cháo cá nổi tiếng một thời. Buổi chiều cho đến gần khuya, khách đến ăn rất đông, nhất là khi cải lương, hát bội, hát bóng vãn hát.
Theo Vương Hồng Sển trong Sàigòn Tạp Pín Lù, quán cháo cá này của người Tàu, gốc Quảng Ðông, “cha truyền con nối suốt bốn năm thế hệ, trót trăm năm chớ không phải chơi… ”.
Cháo tại đây nấu bằng gạo tấm hầm với cá, xương heo và thịt tôm hùm để thành một thứ hồ sền sệt khiến “người đau mới mạnh dùng không sợ trúng thực, người mệt mỏi ăn vào cảm thấy nhẹ bụng, mau tiêu". Tô cháo cá Chợ Cũ quả là một ‘tô thuốc tráng thần’…
Cháo nóng hổi bốc hơi nghi ngút. Vừa thổi vừa húp xì xụp mới thấy được cái thú vị của món cháo cá Chợ Cũ. Thịt cá giòn, thơm, lẫn lộn hương vị của hành, tiêu, gừng và có thể ăn với “dầu cháo quẩy”.
Thú thật, tôi là người thích thịt hơn cá nhưng thỉnh thoảng được thưởng thức món cháo cá vẫn thấy ngon đến toát mồ hôi !.Tại đây có Tiệm Cơm Tàu bán Cơm Thố nổi tiếng.
Có một tiệm cháo giò heo khá nổi tiếng trong ngõ đường Phan Ðình Phùng (ngày nay là Nguyễn Ðình Chiểu). Tiệm không có tên, chuyên bán cháo từ 6 giờ tối tới một, hai giờ sáng. Khách của tiệm này đa số là khách chơi đêm, khách đi nhảy, khuya về đói bụng đến ăn tô cháo nóng.
Tôi lại nhớ đến món phá lấu ở góc đường Lê Lợi-Pasteur, nơi đây còn có xe bò bía và nước mía Viễn Ðông. Bán phá lấu là một chú Tàu và “cửa hàng” của chú chỉ vỏn vẹn một cái khay tròn, trên đó bày đầy đủ nội tạng heo : lòng, dồi, gan, bao tử, ruột non, ruột già, tim, phèo, phổi…
2 - Đính kèm là hình chú ba bán phá lấu
Trông thật hấp dẫn, ngửi thơm phức và ăn vào thì giòn tan. Phá lấu nói chung có vị hơi ngòn ngọt, gan thì bùi bùi, lòng thì hơi dai dai nhưng khi nhai kỹ mới thấy ngon… thấu trời xanh !
Nghệ thuật làm phá lấu chắc chỉ mấy chú ba mới đáng hàng sư phụ. Phá lấu làm tại nhà cũng ướp húng lìu, ngũ vị hương nhưng không thể nào so sánh với phá lấu góc nước mía Viễn Ðông. Từng miếng phá lấu được ghim sẵn bằng tăm, chấm với tương đỏ trộn tương đen. Khách ăn xong chú Ba chỉ nhìn tăm mà tính tiền nhưng tuyệt không bao giờ sai.
Quá bộ vài bước là xe nước mía tươi mát đang chờ… để kết thúc một chuyến ăn hàng bên lề đường.
Gần nước mía Viễn Ðông có xe thịt bò khô của ông Năm (theo tên gọi của khách quen) và sau 1975 ông dời về đường Tự Ðức (nay đã đổi tên là đường Nguyễn Văn Thủ) thuộc khu Ða Kao. Dân chơi Sàigòn thường xếp hạng : “Ăn quận 5, nằm quận 3, xa hoa quận 1” nên viết về món ngon Sàigòn mà bỏ qua khu vực Chợ Lớn là cả một thiếu sót lớn.
Dọc đường Trần Hưng Ðạo nối với đường Marins (Ðồng Khánh) thuộc địa phận quận 5 có những nhà hàng, tửu lầu nổi tiếng một thời như Arc-en-Ciel, Ðồng Khánh, Á Ðông, Bát Ðạt.
Theo tôi, Chợ Lớn nổi tiếng hơn cả là đường Lacaze mà người Việt hay gọi trại là La Cai, tức đường Nguyễn Tri Phương sau này. Khu La Cai có mì vịt tiềm hầm thuốc bắc, một trong những món “tủ” của người Tàu.
Bên cạnh đó còn có những tiệm hủ tiếu mang tên Mỹ Tiên, Cả Cần và tiệm bánh bao Bà Năm Sa Ðéc. Ðêm đến có các quán sò huyết dọc theo lề đường. Khách bình dân ngồi ăn nhậu thoải mái giữa dòng xe cộ ồn ào bên ánh đèn nê-ông từ các nhà hàng, vũ trường sang trọng của Chợ Lớn “by night” !
…Thôi thì đời người có lúc hưng lúc tàn, cũng như vận nước có khi thịnh khi suy. Viết lại món ngon Sàigòn chỉ để thỏa mãn kiểu “ăn hàm thụ” như đã nói ở trên. Giờ có cho ăn thực thụ chắc cũng chẳng thấy ngon như thời còn trai trẻ.
Tất cả bây giờ chỉ còn là…hoài niệm!