.

.

a

Hoa đào nở, chim én về, mùa xuân lại đến. Chúc quý thầy cô và anh chị em đồng môn năm mới Giáp Thìn : - nghìn sự như ý, vạn sự như mơ, triệu sự bất ngờ, tỷ lần hạnh phúc.
THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ, ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU - MỘT NĂM MỚI AN KHANG THỊNH VƯỢNG - VẠN SỰ NHƯ Ý

20 tháng 12 2021

MỖI NGÀY TÔI CHỌN MỘT NIỀM VUI ..

 


 

Tôi thức dậy khi tiếng chim hót ríu rít thật vui tai trên rặng cây cao ở khu rừng thông bên cạnh nhà. Sáng thứ sáu, ngày cuối tuần vui vẻ, tôi mang tâm trạng vui tươi đó khi diện chiếc quần jean và cái áo trắng thụng thụng khá model để đi làm. Trong tuần, chỉ có ngày thứ sáu là được tự do mặc jean thoải mái, khác với những ngày đầu tuần, lúc nào cũng phải mặc đồ nghiêm túc, lịch sự để gặp gỡ, làm việc với khách hàng. Khách hàng là … thượng đế nên mình không được ăn mặc lè phè.

 Tôi thật may mắn được làm việc với ông Sếp rất dễ thương, không hề biết làm khó dễ nhân viên là gì.

 Kể từ dạo công ty tôi làm mở mang thêm mấy dãy lầu, sân bãi đậu xe cũng được nới rộng ra. May quá, văn phòng của Sếp phải dời sang tòa lầu khác để thuận tiện cho ông trong việc họp hành, giao tiếp với khách hàng hay gặp gỡ các Sếp lớn. Tôi được đưa sang làm ở phòng film, cách văn phòng của Sếp một dãy cơ xưởng lớn. Một mình một cõi, cả tháng chưa thấy mặt Sếp, khi có chuyện gì cần dặn dò, trao đổi thì Sếp điều khiển từ xa, qua mấy cái email là xong. Công việc trôi chảy nhịp nhàng như thế, tính ra cũng hơn hai mươi năm rồi, tôi chưa hề bị khiển trách, thỉnh thoảng còn được khen thưởng. Là người phụ nữ da vàng duy nhất của Phòng Proof- Reading (Đọc bản vẽ và sửa bản in) tôi nhận được khá nhiều ưu tiên từ Sếp so với các đồng nghiệp khác màu da, khác màu mắt. Thích nhất là giờ giấc làm việc thật thoải mái. Thay vì mỗi ngày làm 8 tiếng, năm ngày một tuần; đi đi về về, tôi đã xin làm rút gọn trong bốn ngày, mười tiếng một ngày với lý do nhà xa, mà thật ra là để đở “hao xăng” và lại có thêm được một ngày nghĩ, tha hồ mà lang thang lên trang web … buôn dưa leo với mấy bà tám! Giờ có mặt ở bàn làm việc của tôi cũng chẳng bó buộc, tôi không sợ bị đi trễ, không bị áp lực trong công việc và giờ giấc. Tôi biết đó là những ưu đãi trong nghề nghiệp mà không phải ai ước là cũng có được. Đường công danh của tôi, tuy không đạt đến đỉnh như bao người với quyền cao chức trọng, nhưng đó là một công việc tôi yêu thích, với đồng lương xứng đáng so với khả năng và tuổi tác của mình.

Lòng hân hoan, thơ thới, tôi lái xe đi qua con đường quen thuộc mà tôi đã đi lại nhiều năm. Buổi sáng sớm, đường phố chưa tấp nập lắm, sương mai còn phủ lờ mờ khiến cảnh vật thật huyền ảo, mùi cỏ mới cắt dịu dàng, thoang thoảng làm tôi ngất ngây. Tôi vặn lớn volume của CD trong xe, lắng nghe âm thanh tiếng nhạc dạo … “… Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui, … chọn những bông hoa và những nụ cười …” …nghe có lý lắm! Bỗng nhìn lên kiếng chiếu hậu, ánh đèn màu xanh biếc đang chớp chớp, xoay xoay … Chết mẹ rồi, cảnh sát! Tôi bình tĩnh đưa tay tắt nhạc, cẩn thận lái xe thêm một đoạn, tìm cách tấp vào một khu shopping bên phải, tắt máy xe và chờ đợi. Chiếc xe cảnh sát nối đuôi tôi, cũng tấp vào phía sau. Mấy phút sau, một viên cảnh sát người Mỹ trắng cao to với hàm râu xồm xoàm làm khuôn mặt thêm phần oai vệ, nếu tôi không muốn nói là dữ tợn:

- Chào bà buổi sáng, vui lòng cho tôi xem bằng lái xe và giấy bảo hiểm.

Tôi lấy bằng lái xe ra trình. Hắn lịch sự:

- Cám ơn quí bà

Rồi đi về phía xe của hắn, đang còn chớp đèn đàng sau. Tôi ngồi yên trong xe mình, cũng chưa rõ mình bị stop vì lý do gì, … chạy quá tốc độ cho phép?  ... Không, tôi đâu có nôn nóng gì trên đường đi là bao nhiêu năm lái xe tôi chưa hề bị phạt về vụ này mà! Đang toan tính kiếm vài câu xã giao năn nỉ nếu bị hắn phạt quá nặng vì một tội vô cớ nào đó. Cảnh sát mà, họ làm tiền cho ngân sách chính phủ nên tôi đành chấp nhận một cách … lạc quan! Viên cảnh sát trở lại, hỏi tôi:

- Xin bà vui lòng cho tôi biết, tốc độ cho phép của đoạn đường bà đang lái xe, thưa bà!

Trời ơi, gì chớ bài học này, con số 45 miles nằm chình ình trên tấm bản nhỏ phía lề phải, dựng rải rác trên lề đường, có nhắm mắt tôi cũng nằm lòng mà, tuy vậy tôi cũng nhỏ nhẻ, lịch sự:

- Thưa ông, tốc độ cho phép là 45 miles một giờ.

Viên cảnh sát hỏi tiếp:

- Thưa bà, vậy vừa rồi bà đang chạy với tốc độ là bao nhiêu?

Tôi e dè:

- Tốc độ của tôi lúc nãy chừng 50 miles (tôi biết chắc, đây là con số … có thể tha thứ)

Viên cảnh sát nhìn tôi:

- Thưa bà, bà đã chạy với tốc độ 72 miles một giờ …

Tôi xây xẩm mặt mày, không lắng nghe hắn nói lải nhải gì thêm về luật giao thông … Tôi biết, một khi cảnh sát đã phán là y như tòa án phán, không kiện thưa làm gì cho tốn công mà còn phải trả lệ phí toà án. Nó nói mình chạy 72 miles? Cũng có thể lắm, khi vừa lái xe mà vừa nghe nhạc xập xình, có thể đầu óc hưng phấn nên lở trớn … Tôi thầm tính toán, với tốc độ vượt mức cao nghệu như thế, tôi phải chi ra bao nhiêu tiền để đóng phạt cho lần này, chi phí này chúng tôi vẫn gọi đùa là…tiền ngu! Viên cảnh sát lải nhải một hồi, hắn ta trả lại tôi cái bằng lái xe và tấm thẻ bảo hiểm xe. Tôi nhìn đôi mắt màu xanh lá cây biêng biếc của hắn và nghĩ đến những tờ tiền cũng màu xanh như thế phải chi ra một cách oan uổng. Vẫn chưa thấy tờ biên lai phạt màu vàng, không biết hắn xác định tội trạng của mình như thế nào đây, tôi nghe hắn tiếp:

- Bà đã chạy quá nhanh trên đoạn đường vắng vẻ này, rất nguy hiểm cho bà.

- Vâng, thưa ông, tôi biết!

- Bà nên luôn nhớ rằng, lúc nào tôi cũng chạy xe sau lưng bà, cẩn thận nhé!

Tôi rủa thầm trong bụng, quái, hắn muốn gì đây mà lên giọng hăm dọa phụ nữ? Cảm giác bực bội len lỏi vào tâm trí.

- Tạm biệt bà, chúc bà một ngày tốt lành!

Hắn nói xong, đưa bàn tay lông lá ra bắt tay tôi rồi quay lưng đi, không kịp nhận ở tôi một lời cám ơn…giả dối!

Tôi kiểm soát lại một lần nữa giấy tờ của mình, nhìn quanh chỗ ngồi trong xe, không có gì rơi rớt. Tôi mở cửa xe bước ra ngoài cẩn thận xem xét, mọi thứ đều OK. Tôi nổ máy xe, lái khoảng năm phút là đến cổng công ty, tâm trạng vẫn còn hoang mang. Lấy chìa khóa mở cửa phòng, việc đầu tiên tôi làm là lục bóp xem lại giấy tờ. Vẫn không thấy tờ giấy phạt ở đâu để biết ngày nào là hết hạn đóng phạt. Có một người đồng sự mang hồ sơ đến giao, hắn hỏi bâng quơ vài câu, tôi vui miệng kể cho hắn nghe sự việc xảy ra sáng nay. Hắn cười lớn:

- Vậy là chị được tha rồi. Hôm nay chị diện đẹp quá, một ngày may mắn cho chị đó!

Tôi nghe và vẫn không tin đó là sự thật, dễ gì tên cảnh sát râu xồm lại bỏ qua một cách vô lý khi hắn đã ngăm nghe là tôi chạy quá tốc độ khủng khiếp như thế. Khoảng chín giờ sáng, Sếp tôi đi họp, tiện đường ông đem một số dụng cụ văn phòng đến giao cho tay thư ký trong phòng tôi. Có lẻ khuôn mặt tôi đang còn băn khoăn nên Sếp hỏi:

- Chào cô, mọi chuyện đều tốt chứ, tôi có thể giúp gì cho cô hôm nay không?

Tôi kể lại chuyện gặp cảnh sát sáng nay và chờ ở Sếp một lời an ủi vì mới sáng sớm đã bị … hao tài. Ông Sếp hỏi tới hỏi lui:

- Cô chắc là ông ta chỉ trả lại giấy tờ chứ không bắt cô ký giấy phạt chứ?

- Tôi chắc, không ký giấy gì cả.

- Vậy là cô được tha rồi, may mắn quá! Nếu không, giá chót là cô phải tốn hai trăm đồng cho lần phạt này. Hôm nay chắc tên cảnh sát đó có chuyện vui nên dễ dãi đó, lần sau cẩn thận nhé!

Tôi vẫn còn bán tin bán nghi, không thể nào tin vào vận đỏ hôm nay. Cho đến ngày hôm sau ……Trưa thứ bảy, tôi có điện thoại vào sở để sửa một vài lỗi trong bản in sắp lên khuôn, hôm đó tôi được phép đi ra ngoài ăn trưa vì căng tin đóng cửa. Vốn không thích những thức ăn nhanh của Mỹ nên bất đắc dĩ lắm tôi đành phải ghé vào một cửa hàng ăn vội đĩa salad. Trong khi đang chờ lấy order…

- Xin lỗi bà, cho phép tôi ngồi ghế này được không?

Tôi ngước mắt nhìn, một ông Mỹ đang đứng cạnh bàn tôi và … chính xác là ông ta đang hỏi tôi. Tôi trả lời như một cái máy:

- Được, xin ông cứ tự nhiên

Người đàn ông ngồi xuống, rất thân thiện:

- Chào bà, khỏe chứ!

- Cám ơn ông, tôi cũng thường. Ông khỏe không?

- Cám ơn bà. Nhà bà ở gần đây sao?

- Công ty tôi làm cách đây chừng 5 phút, thưa ông.

Tôi trả lời rất thờ ơ, người đàn ông vẫn nhìn tôi:

- Bà thật không nhận ra tôi hay sao, bà Nguyen?

Câu hỏi của người đàn ông làm tôi giật mình. Tôi hơi sửng sốt rồi tự hỏi mình, quái, quen biết ở đâu? Sao hắn biết mình họ Nguyễn? Có thể quen mặt vì gặp nhau trong công ty hàng ngày. Tôi dò hỏi:

- Xin lỗi, ông cũng làm ở Scientific Games. Inc, phải không?

Người đàn ông cười:

- Bà không nhớ chúng ta mới gặp nhau hôm qua hay sao?

Lúc này tôi mới mở to mắt nhìn, Ah, đôi mắt “màu xanh đô la” và … hàm râu ... Thì ra hôm nay viên cảnh sát mặc thường phục nên tôi không thể nào nhìn ra được người đã stop tôi sáng hôm qua. Tôi tỏ vẻ ân hận:

- À, thật đáng tiếc, chào ông …

Có tiếng người phục vụ gọi tôi lấy thức ăn, người đàn ông đứng lên đi theo:

- Để tôi giúp bà.

Người đàn ông đến quày giúp tôi lấy thức ăn và nhận luôn phần ăn của ông ta bưng về bàn. Chúng tôi cùng ngồi ăn trưa. Tôi vừa dùng đĩa salad của mình vừa lắng nghe. Nét mặt người đàn ông có vẻ bùi ngùi, ông ta nói thật chậm, giọng kể lể, câu chuyện của ông đưa tôi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác:

- … Ba tôi là một sĩ quan quân đội Hoa Kỳ, đã từng tham dự cuộc chiến tranh ở Việt Nam nhiều năm. Mẹ tôi nói Việt Nam ở xa lắm, bên kia bờ đại dương. Ngày Ba tôi rời gia đình thì tôi mới năm tuổi, ông đi ... và đi mãi không về. Mẹ tôi vật vả, oán hờn cái đất nước bên kia bờ đại dương đã nuốt trọn hình hài của ba tôi. Vì sau nhiều đợt kiếm tìm đều trở về trong thất vọng, thân xác ba tôi vẫn còn nằm lại đâu đó, trong một khu rừng già nhiệt đới hay đã tan tành dưới đạn bom vô tình năm xưa. Từ đó, mẹ tôi ghét cay đắng những con người từ cái xứ sở đã cướp đi người bà yêu thương. Khi những đoàn người Việt Nam di dân sang đây ồ ạt, bà dạy tôi không được giao tiếp với những đứa bạn mang dòng họ Nguyễn. Theo sự tìm hiểu của bà, đó là dòng họ lớn nhất của người Việt Nam. Tôi không biết mẹ tôi đúng hay sai, nhưng tôi hiểu là tôi nên làm mẹ vui lòng. Cho đến một ngày … năm năm trước đây, mẹ tôi bị đau thận, cả hai quả thận của bà đều không còn hoạt động được bao lâu nữa. Bà mỏi mòn chờ một trái thận “từ thiện” thích hợp để kéo dài đời sống. Và … như một định mệnh, hay nói đúng ra là một sự đền bù được Thượng Đế sắp đặt, một phụ nữ bị tai nạn xe hơi qua đời, trong bằng lái xe có dấu hiệu sẵn lòng hiến dâng cả hai trái thận. Mẹ tôi may mắn được ghép một trái thận từ người phụ nữ nào đó, mang họ Nguyễn, cái họ khắc nghiệt mà bà căm ghét từ lâu. Chúng tôi không được phép biết tên vị ân nhân đó, chỉ biết đó là một bà họ Nguyễn … Thưa bà … mẹ tôi nay sống khỏe mạnh phần đời còn lại với một trái thận mang họ Nguyễn, ... như họ của bà đây.

Người đàn ông có đôi mắt xanh biếc ngưng một lát, ông ta nhìn tôi … và tiếp:

 

- …Sáng hôm qua tôi đã nhìn thấy trong bằng lái xe của bà dòng chữ màu đỏ ORGAN DONOR (Hiến Dâng Nội Tạng), bà Nguyễn … thật cám ơn bà. Xin thay mặt mẹ tôi, thật cám ơn những trái tim nhân ái đến từ bên kia bờ đại dương.

Nước mắt ướt nhoè khuôn mặt khi tôi nghe lời cám ơn rất trân trọng của người đàn ông. Trong khi thân xác bao người như cha anh và đồng đội đang còn nằm lại trên quê hương tôi. Mấy mươi năm qua rồi, tôi làm sao dám nhận ở anh lời cám ơn hôm nay. Nhưng qua câu chuyện của người đàn ông vừa kể, quả thận được hiến dâng của người phụ nữ họ Nguyễn nào đã cứu được mạng sống của mẹ anh, người đàn bà khác chủng tộc, không quen biết cũng là một hóa giải cho bao ưu phiền bấy lâu, tôi nghe mà mừng.

Chia tay người đàn ông, tôi nhận được thêm ở ông lời cầu chúc:

- Chúa sẽ ban phước lành cho bà!

- Cám ơn ông!

Tôi chào ông ra về.

Giữa trưa, bầu trời xanh thẫm, vài cụm mây trắng lang thang trên cao, tia nắng mùa hè xuyên qua cành lá, rơi xuống sân bãi đậu xe. Gió đưa nhẹ cành cây làm bóng nắng lung linh như nhảy múa. Tôi bước những bước chân như reo vui.

 

Nguyễn Diệu Anh Trinh


                          TUỔI HỌC TRÒ



Chủ đề của bài viết này là những hồi ức học trò ngày xưa của một người bước vào tuổi 70. Thuở học trò này rất xa và rất khác với thời đại @ ngày nay, khi mà các tiện nghi vật chất phong phú hơn, phương tiện giải trí đa dạng hơn và quan niệm về giáo dục cũng khác hơn.

 

Những nét khác nhau là hậu quả của hoàn cảnh xã hội và chính trị, cụ thể hơn là chính sách giáo dục và chế độ chính trị qua nhiều thời kỳ, từ thời Pháp thuộc đến giai đoạn 30 năm chiến tranh tương tàn.

 

Thuở học trò của chúng tôi chỉ có một mục đích duy nhất là… học, nhưng đôi khi cũng pha lẫn những chuyện tình cảm theo kiểu mà người Mỹ gọi là “tình chó con” (puppy love). Ngày nay, ngoài việc học còn có những tác động, xấu cũng như tốt, từ Internet, phim ảnh, báo chí cho đến những ảnh hưởng của người lớn như các bậc phụ huynh trong gia đình và sự tác động của xã hội bên ngoài.

“Puppy Love”

 

Học trò ngày xưa là mảng đề tài được khai thác rất “kỹ” qua văn chương, âm nhạc, hội họa. Vào thập niên 70, bản nhạc “Ngày Xưa Hoàng Thị” [1] của Phạm Duy, phổ thơ Phạm Thiên Thư [2] trở thành nổi tiếng với một mối “tình học trò”. Bài hát dẫn người thưởng ngoạn đến chuyện một cô nữ sinh tên Hoàng Thị Ngọ lúc tan trường, ôm nghiêng cặp, đi trong một cơn mưa phùn và phía sau cô… lẽo đẽo một “cây si” di động: 

“Em tan trường về, đường mưa nho nhỏ

Ôm nghiêng tập vở, tóc dài, tà áo vờn bay

Em đi dịu dàng, bờ vai em nhỏ

Chim non lề đường, nằm im dấu mỏ

Anh theo Ngọ về gót giầy lặng lẽ đường quê...”

 

Đó chưa phải là tình yêu theo đúng nghĩa. Chỉ là… “thích trộm, nhớ thầm” của một “cây si”.. Và chỉ cần lẽo đẽo theo một tà áo dài trắng cũng đủ thỏa lòng, dù bước chân có “nặng nề”, dù trong lòng “nức nở” để hôm sau vào lớp sẽ còn “ngẩn ngơ”:

“Em tan trường về

Anh theo Ngọ về

Chân anh nặng nề

Lòng anh nức nở

Mai vào lớp học

Anh còn ngẩn ngơ, ngẩn ngơ…

 

“Ngày Xưa Hoàng Thị” là một kết hợp tuyệt vời giữa thơ Phạm Thiên Thư và nhạc Phạm Duy nhưng lại có một đoạn kết buồn cho… “mối tình câm”. Ở đoạn kết đưa ra hai hình ảnh của “ngày xưa” và “ngày nay” với câu kết “Ai mang bụi đỏ đi rồi…” khiến tôi nghĩ ngay đến Ban Mê Thuột, thị trấn đã từng gắn bó từ tuổi học trò. Chả là BMT vẫn nổi tiếng là vùng đất đỏ bazan, nắng thì BMT (Bụi Mù Trời) còn mưa thì… bùn đỏ ngập bước chân:


“Xưa theo Ngọ về

Mái tóc Ngọ dài

Hôm nay đường này

Cây cao hàng gầy

Đi quanh tìm hoài

Ai mang bụi đỏ đi rồi…”


Học trò Đồng Khánh trên cầu Trường Tiền

 

Trong một cuộc phỏng vấn của Đỗ Văn với Phạm Duy, nhạc sĩ cho biết trong số những bài hát cho tuổi trẻ, ông thích nhất là bài “Tuổi Ngọc”…” bài hát này ông viết cho con gái mới lớn Thái Hiền khi bước chân vào trung học. “Tuổi Ngọc” viết theo nhịp điệu nhí nhảnh với những câu được lập đi lập lại “Xin cho em…”. Những thứ cô xin là một chiếc áo dài, một mớ tóc dài và một chiếc xe đạp [3]..

 

Đó là tất cả hành trang của một cô gái khi bước vào trung học. Chiếc áo dài “thơm dáng tuổi thơ”, mớ tóc nồng “êm như nhung” và, cuối cùng:

 

“Xin cho em còn một xe đạp

Xe xinh xinh, để em đi học

Từng vòng, từng vòng xe

Là vòng đời nhỏ bé

Đạp bằng bàn chân gót đỏ hoe”

 

Chắc nhà gần trường nên những học trò như cô Ngọ của Phạm Thiên Thư mới cuốc bộ để “cây si” có dịp lẽo đẽo theo sau. Nếu nhà ở xa thì chắc phải đến trường bằng xe đạp. Hình ảnh nữ sinh trên chiếc xe đạp sẽ khó có thể nào quên trong kỷ niệm, nhất là đối với những người nay đã xa xứ, không còn cơ hội nhìn thấy cảnh này..

Hồi xưa nữ sinh còn đội nón lá đến trường, ít có những kiểu mũ “mô đen” như ngày nay. Mỗi lúc tan học là cả một đàn bướm trắng bay ra rồi tỏa đi khắp các con đường. Nhà gần thì ôm cặp đi bộ để các anh như Phạm Thiên Thư đưa vào thơ. Nhà xa thì đạp xe theo từng nhóm như trong bức hình dưới đây trước Tòa Đô Chánh.

 

Nữ sinh trên xe đạp trước Tòa Đô Chánh

 

Gia đình khá giả thì có thể tậu một chiếc Velo Solex chạy bằng xăng, có cần khởi động máy ở phía trước và khi hết xăng có thể đạp như một chiếc xe đạp. Nhà thơ Nguyên Sa trong bài thơ "Tám phố Sài Gòn " [4] có một đoạn viết về chiếc Solex và cô học trò như sau:

 

“Sài Gòn phóng solex rất nhanh

Đôi tay hoàng yến ngủ trong gants

Có nghe hơi thở cài vương miện

Lên tóc đen mềm nhung rất nhung”

 

Ngày xưa, đã có nhiều nhà văn, nhà thơ không tiếc lời ca tụng hình ảnh nữ sinh trên chiếc Solex hoặc xe đạp. Ngày nay, họa hoằn lắm mới gặp những lời có cánh về những chiếc xe “tay ga” phóng vù vù trên đường… Ôi, thời thơ mộng của tuổi học trò nay còn đâu! 

Nữ sinh với chiếc Velo Solex

 

Thuở học trò của tôi cũng có một chuyện tình thuộc loại “puppy love” như trong bài thơ của Phạm Thiên Thư. Tôi không có ý “thấy người sang bắt quàng làm họ” nhưng quả thật cả hai đều có nhiều điểm rất giống nhau.

 

Thứ nhất, tên “người trong mộng” của nhà thơ Phạm Thiên Thư là Hoàng Thị Ngọ, một cái tên không được đẹp cho lắm, còn người tôi “mê” lại có một cái tên “không thể xấu hơn”: Phan Thị Lụng. Cả hai cô Ngọ và cô Lụng tuy có xấu tên nhưng ngược lại, hai cô lại là những nữ sinh rất xinh.

 

Thứ nhì, Phạm Thiên Thư tả cô Ngọ “vai nhỏ tóc dài” còn cô Lụng “của tôi” thì tóc cũng dài nhưng lại cột theo kiểu “đuôi gà” mà người Pháp gọi là “queue de cheval”, tức… “đuôi ngựa”. Ở đây có thêm một sự trùng hợp, “ngựa” còn được gọi bằng cái tên “ngọ”!


Kiểu tóc đuôi gà đã hớp hồn tôi thuở học trò.

 

Trong thơ Phạm Thiên Thư có cảnh nên thơ giữa hai học trò “trao vội chùm hoa, ép vào cuốn vở” còn tôi thì chơi trội hơn, viết luôn một cánh thiệp hồng báo hỷ bằng tiếng Pháp. Tôi không giỏi Pháp văn đến độ viết được thiệp hồng mà chỉ copy từ cuốn “Cours de Langue et de Civilisation Française” của Mauger đang học.

 

“Thiệp báo hỉ” mang tên Nguyễn Ngọc Chính và Phan Thị Lụng được để trên yên xe đạp của Lụng trong giờ ra chơi vì không đủ can đảm đưa tận tay nàng. Cho dù có đủ can đảm nhưng chắc cũng không dám đưa vì cái lối “tỏ tình” quá đường đột này.

 

Chắc chắn nàng đã đọc, không những thế, ngoài hai đứa còn có người thứ ba cũng đã đọc, đó là thầy tổng giám thị. Ông “tế nhị” gặp riêng tôi và cảnh cáo cần phải chấm dứt trò chơi “nguy hiểm” này, nếu tái phạm tôi sẽ bị “cấm túc” và thông báo về gia đình.

Nữ sinh miền thùy dương cát trắng Nha Trang

 Không biết Tác Giả

Nếu Mẹ Trẻ Lại.

Tôi vội vàng bỏ vào giỏ xách quả cam và miếng bánh bông lan để chuẩn bị đi thăm mẹ. Nursing Home chỉ cách nhà 15 phút lái xe rất tiện cho tôi đến thăm mẹ mỗi ngày.

Tưởng rằng về hưu tôi sẽ có nhiều thì giờ thong thả hơn để thăm mẹ thế mà vẫn thường có lý do bận rộn, không chuyện này thì chuyện kia, lần nào cũng hấp ta hấp tấp.
Hôm nay tôi vừa đi dự đám sinh nhật cháu một người bạn nên về nhà trễ, thế là đi thăm mẹ cũng trễ theo.
Ký tên ở ngoài bàn security ngay cửa ra vào của Nursing Home xong tôi vào thang máy lên lầu hai.
Bước vào phòng mẹ thấy hai chiếc giường trống vắng, mẹ tôi và bà “bạn” cùng phòng vẫn chưa về, chắc là hai bà đang ở phòng ăn hoặc phòng khách.
Không biết cố tình hay ngẫu nhiên mà họ sắp xếp hai bà già Châu Á nằm chung phòng, bà kia người Phi Luật Tân, nhưng dù bà là người gì, Mỹ đen, Mỹ trắng, Mỹ da đỏ hay Ả Rập thì cũng chẳng ảnh hưởng gì đến nhau vì cả hai bà đều mất trí, ngơ ngẩn, chẳng ai nói với ai một lời nào. Hai giường nằm gần nhau, chỉ cách nhau một tấm màn mà hai thế giới xa xăm vời vợi.
Tôi đến phòng ăn thì thấy mẹ vẫn đang ngồi trong chiếc xe lăn bên sát bàn ăn, trên bàn là những mẩu bánh mì sandwich xé nhỏ nằm trong vũng sữa lênh láng, mẹ tôi đã bốc mẩu bánh mì từ vũng sữa ấy bỏ vào miệng nhai, nhưng có lẽ bà chẳng biết là đang ăn cái gì.
Sữa từ bàn chảy vào áo mẹ, sữa dính nhoe nhoét trong bàn tay mẹ. Thấy mà thương.
Mấy năm mẹ nằm trong Nursing Home, hầu như ngày nào tôi cũng đến thăm mẹ nên từ nhân viên an ninh ngoài cửa đến supervisor và các nhân viên chăm sóc người gìa người bệnh trong này ai cũng quen mặt tôi
Thấy vẻ mặt bất bình không vui của tôi người nhân viên đứng gần đó vội trình bày:
– Bà ấy vừa làm đổ ly sữa ra bàn tôi bận phía này nên chưa kịp lau.
Bao giờ họ cũng có lý do chính đáng, những người gìa người bệnh trong Nursing Home nếu không mất trí nhớ thì cũng lẩm cẩm, cũng ốm đau có ai hiểu gì, có ai còn sức mà lên tiếng trách chê, cho nên họ được chăm sóc thế nào tùy theo lương tâm hay tâm trạng vui buồn của những nhân viên chăm sóc này mà thôi.
Tôi đẩy xe lăn đưa mẹ về phòng, đi qua mặt bà Ann. người cùng phòng với mẹ tôi. Bà Ann đang ngồi gục đầu trong xe lăn trông thật tội nghiệp, bà Ann khoảng 80 tuổi, trẻ hơn mẹ tôi gần chục tuổi mà tình trạng sức khỏe chẳng khá hơn là bao, bà cũng bị mất trí nhớ, cõi mê âm u, cõi tỉnh thì chỉ trong phút giây mơ hồ huyền hoặc.
Thỉnh thoảng tôi gặp con gái bà đến thăm, chúng tôi nói chuyện tôi được biết bà Ann trước kia là dược sĩ. Nhìn nét mặt sáng sủa thông minh của bà tôi đã hình dung ra cô dược sĩ xinh đẹp của mấy chục năm về trước. Chắc cô Ann đã từng có những hạnh phúc, tiền bạc trong tay, nhưng giờ đây là bà Ann lú lẩn chẳng biết gì.
Có lần tôi hỏi bà Ann, bà là dược sĩ phải không, gương mặt đờ đẫn ấy nhìn tôi rồi gật đầu, giây phút hiếm hoi mong manh ấy bà Ann đã chợt nhận ra mình.
Mẹ tôi cũng thế, từ một cô gái xinh đẹp đã làm say đắm nhiều chàng trai bây giờ là bà già ngớ ngẩn.

Về đến phòng tôi mới phát giác ra mẹ đã “làm xấu” đầy trong tã lót, thế là tôi đỡ mẹ nằm lên giường để lau chùi và thay tã lót cho mẹ..
Kể từ khi gởi mẹ vào Nursing Home tôi đã làm được nhiều việc như những nhân viên chăm sóc đã làm, tôi thay được khăn trải giường, thay tã lót ngay lúc mẹ tôi nằm trên giường.
Tôi đã quen với mùi già, mùi hôi thối, mùi bẩn, mùi thuốc men của các cụ già…
Chính tay tôi lau chùi vệ sinh cho mẹ nếu gặp đúng lúc như thế này, hoặc mỗi khi vào thăm mẹ, trước khi ra về tôi đều lau chùi lại mặt mũi, mình mẩy mẹ cho thật sạch sẽ thì mới yên tâm..
Mẹ nằm ngoan ngoãn như một đứa trẻ để yên cho tôi chăm sóc. Khi xong việc tôi sẽ cho mẹ ăn bánh bông lan hay vài múi cam đã bóc hết các lớp vỏ. Bà không còn răng, móm mém nhai và nuốt được tí nào hay tí ấy.
Khi tôi đang đút mẩu bánh bông lan thì đột nhiên mẹ cầm lấy tay tôi giọng reo vui:
– Cái vòng đẹp quá, cho … em đi
Nãy đi đám sinh nhật về tôi chưa kịp tháo dây chuyền, tháo vòng tay thế mà mẹ già mất trí của tôi cũng nhận ra, mẹ lắp bắp vòi vĩnh tiếp:..
– Cho em… cái vòng tay đi, em… muốn đẹp.
Tôi bất ngờ quá, hiếm khi mẹ cất tiếng nói, hôm nay mẹ lại nói được hai câu và xưng “em” với chính con gái của mẹ. Thật ngộ nghĩnh và đáng yêu.
Có điều gì sâu thẳm trong tâm hồn gìa nua mất trí ấy vừa le lói thức dây?
Tôi chiều mẹ tháo chiếc vòng tay đeo vào cổ tay gầy guộc của mẹ. Bỗng dưng tôi chạnh lòng, cổ tay này xưa kia mẹ đã đeo bao nhiêu lần chiếc vòng tay để làm đẹp rồi..
Tuổi già gần đất xa trời mẹ vẫn có nét đẹp của tuổi, khuôn mặt thanh thoát, chân tay dài thon thả. Vậy mà cả đời mẹ hình như chưa được hưởng hạnh phúc.
Được đeo chiếc vòng tay mẹ có vẻ hài lòng ăn hết miếng bánh bông lan và ăn thêm vài miếng nữa.
Chỉ vài phút sau thì mẹ quên cả chiếc vòng và nhắm mắt đi vào giấc ngủ.
Tôi tự hỏi mẹ có thấy gì trong giấc ngủ không, một quãng đời thanh xuân của mẹ?
Tôi lấy lại chiếc vòng vì luật trong Nursing Home các bệnh nhân không được đeo trang sức.
Khi tôi đang chuẩn bị ra về thì người nhân viên đẩy xe lăn bà Ann về phòng, anh ta trải lại giường và đỡ bà Ann lên nằm, bà co rúm người lại trong hai cánh tay mạnh khỏe của người nhân viên. Hình như bà Ann cũng biết mắc cỡ bên người khác phái lạ lẫm.
Cô Ann dược sĩ trẻ trung ngày xưa làm sao hình dung ra được cảnh này, cô sẽ thành một bà gìa bệnh hoạn, tàn tạ, mọi sinh hoạt đời thường của cuộc sống hoàn toàn lệ thuộc vào người khác.

Tôi về đến nhà chồng tôi hỏi thăm như thường lệ:
– Mẹ vẫn khỏe chứ em.
Tôi khoe:
– Nhưng hôm nay có một chuyện lạ anh ạ, mẹ thấy em đeo vòng tay mẹ thích lắm đòi đeo và xưng “em” với em. Hay là mẹ bắt đầu… tỉnh trí hả anh?
– Có thể nhìn cái vòng đeo tay vùng ký ức của mẹ bất chợt lóe lên một hình ảnh xa xưa nào đó.
– Ừ nhỉ… ngày xưa mẹ em hay diện, đeo vòng tay…
Chồng tôi trêu đùa:
– Ngày xưa mẹ em đẹp thế mà con gái mẹ ích kỷ không cho mẹ đi lấy chồng.
Chồng tôi vẫn đùa thế, nhưng lần này lòng tôi chợt đau khi nhớ lại nét mặt vui mừng của mẹ được tôi đeo chiếc vòng tay.

Mẹ tôi lấy chồng năm 20 tuổi, là con gái duy nhất trong một gia đình giàu sang được cha mẹ hết mực thương yêu chăm sóc. Sinh được hai chị em tôi, năm mẹ mới 24 tuổi thì cha tôi qua đời vì bạo bệnh, mẹ mang hai con về ở chung với cha mẹ.
Ông bà ngoại tôi nề nếp và cổ hũ phong kiến, nghiêm ngặt khuyên con gái góa của mình phải ở vậy thờ chồng nuôi con.
Bà ngoại luôn “tâm lý chiến” thủ thỉ với mẹ tôi:
– Con còn muốn gì nữa, danh vọng tiền tài và con cái con đều có đủ. Chồng con mất đi thiên hạ vẫn gọi con là bà bác sĩ, con có gia tài của chồng để lại, con có hai con xinh đẹp đủ nếp đủ tẻ. Nếu con tái giá thì liệu có giữ được mãi những điều này không? Hai con của con sẽ khổ vì cha ghẻ, sẽ hờn giận mẹ đã san sẻ tình thương cho người khác, con có yên tâm mà hưởng hạnh phúc với chồng mới không?
Người góa phụ xinh đẹp trẻ trung đã được nhiều chàng trai dòm ngó, họ đến nhà thăm mẹ thì đến lượt ông ngoại tôi ra tay ngăn cản bằng hành động.
Khách ngồi nói chuyện với mẹ thì ông cầm chổi lông gà….phất bụi trên tủ, trên kệ trước mặt khách hết sức lộ liễu khiến không ai dám ngồi lâu. Thậm chí khi họ chào ông để ra về ông ngoại đã đáp lại không cần nể nang lịch sự gì cả:
– Phải, mời anh về.
Tôi lớn dần lên và về phe với ông bà ngoại nhất định không muốn mẹ đi lấy chồng, chỉ muốn mẹ mãi là của riêng mình.
Năm tôi lên 10 đã biết cầm chổi lông gà phất lên mặt tủ thờ ngoài phòng khách để… đuổi khách của mẹ về. Tôi còn nhớ có ông tên Thảo, là một thanh niên có học thức, con nhà giàu chưa từng lấy vợ, yêu mẹ tôi và sẵn sàng chấp nhận gá nghĩa đá vàng với người góa phụ hai con.
Thế mà ông bà ngoại tôi vẫn không hề cảm động, giữ vững lập trường muốn con gái ở vậy thờ chồng nuôi con suốt đời.
Tôi ghét ông Thảo không thua gì ông bà ngoại đã ghét. Mỗi lần nghe mẹ nhắc tên ông Thảo là mặt tôi sưng xỉa lên và tôi khóc ầm ĩ làm mẹ phải năn nỉ dỗ dành.
Mẹ tôi đã buồn, đã khóc vì cha mẹ và con cái ngăn cản. Cuối cùng tình cảm gia đình vẫn cao hơn tình riêng, mẹ tôi từ chối lời cầu hôn của người mình yêu để sống cho trọn vẹn tiết trinh với người chồng quá cố, làm đẹp lòng cha mẹ và con cái.

Tuổi xuân của mẹ lặng lẽ trôi qua, hai chị em tôi lớn lên có nghĩa là mẹ đã già đi, tôi nào biết mẹ tôi đã từng khóc thầm vì cô đơn, vì khao khát một tình yêu với mối tình không bao giờ đến đoạn cuối như mong muốn của mẹ.
Năm cuối cùng trung học, trong một dịp theo trường đi cắm trại ở Vũng Tàu tôi đã quen một anh. Anh chàng lính hải quân hào hoa đẹp trai, tàu anh đang cặp bến Vũng Tàu.
Anh đã làm quen với tôi khi tôi đang ngồi trên bờ biển nghịch cát. Anh ngồi xuống cạnh tôi:
– Chào cô bé, cho anh chơi chung với nhé…
Tôi ngỡ ngàng chưa kịp đáp thì anh tiếp:
– Em muốn gì cứ… sai anh, anh sẽ làm cho em.
Tôi lấy lại bình tĩnh và chanh chua Bắc Kỳ:
– Anh xây giùm em căn nhà trên cát và bắt giùm em mấy con dã tràng.
– Ôi, cô bé mắng anh hão huyền chứ gì, không cho anh làm quen chứ gì.
Anh cũng là Bắc Kỳ nên quá hiểu con gái Bắc. Anh cứ lì thế mà chẳng công dã tràng tí nào cả, chẳng phù du như xây nhà trên cát gì cả, cuối cùng anh đã quen được tôi, xin địa chỉ nhà và hứa khi nào về Sài Gòn anh sẽ đến thăm tôi.
Trời… quả báo tôi. Hôm anh hải quân đến nhà, bà ngoại tôi nhìn anh chăm chăm từ đầu đến chân với vẻ ác cảm như nhìn một…. quân thù, làm như chàng thanh niên xa lạ này sẽ đến bắt cóc đứa cháu gái xinh của bà.
Ông ngoại lại cầm chổi lông gà…. phất bụi trên tủ thờ ngoài phòng khách như những năm xưa đã đuổi khéo khách của mẹ tôi làm tôi vô cùng ái ngại thương cho bộ quần áo hải quân trắng toát của chàng và thương chàng đang lúng túng không dám nói năng gì vì có ông bà ngoại lù lù đứng gần.
Chàng chịu hết nổi bèn đứng dây kính cẩn chào ông bà ngoại tôi:
– Xin phép ông bà cháu về ạ.
Ông ngoại đáp thẳng thừng, câu nói y chang như ngày xưa với bạn trai của mẹ tôi:
– Phải! Mời anh về.
Bà ngoại thì “tử tế” hơn, dặn dò::
– Ừ, cháu về chạy xe cẩn thận nhé.
Khách về rồi ông bà ngoại mắng mẹ tôi đã không để ý đến con gái, nó chỉ theo trường đi cắm trại ở biển Vũng Tàu vài hôm đã… dắt về nhà một thằng hải quân chẳng biết nguồn gốc lai lịch con cái nhà ai Thế lỡ nó đi cắm trại trong rừng dắt về nhà… một thằng mán thằng mường chúng ta cũng phải tiếp à.
Rồi ông bà ngoại đe dọa tôi liệu cái thần hồn học cho bằng được cái nghề dược sĩ hay bác sĩ như người cha qúa cố của tôi rồi mới được lấy chồng.
Nhưng mối tình đầu của tôi với anh hải quân càng ngày càng thắm thiết, tôi khóc lóc, tôi đe dọa tự tử và đe dọa… sẽ bỏ nhà đi theo anh ta. Thế là ông bà ngoại đành chịu thua đứa cháu gái bướng bỉnh.
Mẹ tôi thì dịu dàng nói với tôi:
– Con làm đúng khi bảo vệ tình yêu của mình, như mẹ lỡ một đời…

Tôi trở về hiện tại khi chồng tôi cầm tờ tuần báo từ phòng trong đi ra.
– Em đang nghĩ gì thế, anh đọc cho em nghe một mẩu tìm bạn bốn phương nè.
– Biết rồi, em đọc mục này thường xuyên.
– Anh cũng đọc thường xuyên, nhưng hôm nay anh bỗng suy nghĩ ra một điều. Này nhé một bà goá phụ 65 tuổi đang cô đơn cần tìm một người đàn ông nếu hợp sẽ… dìu nhau đi nốt quãng đường còn lại.
Tôi bật cười châm biếm:
– Dìu nhau là phải rồi vì cả hai cùng già, cùng lạng quạng đi đứng không vững. Sao đã ở vậy đến tuổi 65 mà không tiếp tục cho hết đời luôn nhỉ, lại còn… dở chứng??
– Ban đầu anh cũng nghĩ như em, nhưng bây giờ thì khác, người ta tìm nhau để cuộc sống không cô độc lẻ loi, mà cô độc lẻ loi thì buồn tủi lắm em ơi. Khi ta có đôi, đi đâu ở đâu ta cũng nghĩ ở nơi kia vẫn có người chờ đợi ta về sẽ thấy đời ấm cúng hẳn lên.
Tôi băn khoăn:
– Có phải anh suy nghĩ thế khi lúc nãy em vừa kể anh nghe mẹ em chợt tỉnh ra trong giây lát khi bà thấy cái vòng đeo tay của em, món trang sức ngày xưa bà thường dùng làm dáng, làm đẹp không?
– Chính thế. Ngày ấy mẹ em mới 24 tuổi, trẻ đẹp và nồng nàn tình xuân, thế mà hết cha mẹ đến con cái đã ngăn cản bà tái giá. Em có lỗi một phần trong cuộc đời mẹ cô độc thiếu vắng một người đàn ông, một vòng tay âu yếm, một bờ vai nương tựa ..
Tôi nói như rên rỉ:
– Nghe anh nói em đau lòng quá! Em thật đáng tội.
Hình ảnh mẹ tôi ngày xưa hiện ra khi tôi độ lên 10, mẹ tôi xinh đẹp hay làm duyên làm dáng đeo chiếc vòng tay bằng cẩm thạch lên nước trong xanh.
Thì ra hôm nay trong tiềm thức sâu thẳm lãng quên của mẹ tôi chút kỷ niệm nào đó vẫn còn. Bất giác mắt tôi cay cay…
Chồng tôi giục:
– Thôi em đi tắm, thay đồ rồi nghỉ ngơi, hôm nay em về muộn để anh sẽ thu gom quần áo em thay và đi giặt ….
Thật ấm áp khi bên cạnh tôi luôn có người đàn ông cùng chung vui buồn, chăm sóc lo lắng cho nhau. Thế mà mẹ tôi đã không có những tình cảm này suốt cả một cuộc đời son trẻ.
Tôi đã từng hiểu ra điều này suốt bao nhiêu năm từ khi tôi lấy chồng, hạnh phúc êm ấm bên chồng. Đôi khi tôi thấy lòng áy náy thương mẹ, hối hận ngày xưa tôi đã ngăn cản mẹ lấy chồng, nhưng tôi lại tự an ủi và kiêu hãnh mẹ là người phụ nữ thanh cao lý tưởng trong mắt mọi người, là người mẹ tuyệt vời, người mẹ đáng kính nể và ngưỡng mộ của chị em tôi.

Chưa bao giờ tôi cảm thấy ân hận và bị dày vò như ngày hôm nay.
Nếu như tôi cũng cô đơn như mẹ, nếu như đời tôi không có một người đàn ông yêu thương bên cạnh, cuộc đời sẽ chông chênh và buồn lắm.
Ngày xưa tôi yêu anh và lấy anh làm chồng thật xứng đáng, ông bà ngoại tôi đã lo ngại “thằng hải quân” đi lênh đênh khắp nơi, mỗi bến bờ quen một cô, cháu sẽ khổ cả đời. Nhưng ông bà đã đoán sai rồi, tiếc rằng ông bà ngoại không sống đến ngày nay để thấy anh hải quân của tôi vẫn là người chồng, người cha tốt.
Anh đi vào phòng tắm ôm ra một rổ quần áo dơ để vào phòng giặt. Thấy tôi vẫn ngồi yên anh ngạc nhiên đến gần:
– Em sao thế?
Tôi ngước lên nhìn anh, đôi mắt cay cay đã long lanh giọt nước mắt:
– Anh ơi, anh có biết em đang nghĩ gì không? Nếu… nếu…. mẹ trẻ lại như xưa…
Anh nghe lầm nên hỏi ngược lại:
– Nếu em trẻ lại như xưa hả? Vậy em còn muốn yêu anh nữa không? Hay lại chê “thằng hải quân lông bông” như ông bà ngoại em đã chê? Đến bây giờ anh vẫn nhớ cái cảm giác khi lần đầu gặp ông bà ngoại em, nếu tàu anh ra khơi có… đụng độ tàu địch ngay trước mặt anh cũng chưa bối rối đến thế..
– Anh nghe kỹ đây, không phải em mà là mẹ em. Nếu mẹ trẻ lại như xưa, khi em 10 tuổi em sẽ không bắt chước ông ngoại cầm chổi lông gà phất buị trên tủ để đuổi khách của mẹ đâu, em sẽ không đành hanh ghét ông Thảo đâu, em sẽ bảo mẹ đi lấy chồng. Em ân hận lắm. Ôi, nếu mẹ trẻ lại…. nếu mẹ trẻ lại….….
Anh hiểu ra, an ủi tôi:
– Chúng ta không thể lấy lại quá khứ, em đừng tự trách mình như thế, hãy sống với hiện tại, chăm sóc mẹ tận tình để báo hiếu mẹ đã hy sinh cả một thời xuân xanh nuôi con khôn lớn.
Tôi lau nước mắt mỉm cười:
– Vâng, chiều mai em vào thăm mẹ, em lại đeo vào tay mẹ chiếc vòng này để mẹ có khoảnh khắc vui như thiếu phụ còn xuân đang làm đẹp cho mình, cho người tình mình thương mến, dù chỉ là một niềm vui ngớ ngẩn.
Chồng tôi nhắc nhở:
– À, em nhớ thăm bà Ann bên cạnh luôn nhé, con cái bà bận rộn không vào thăm thường xuyên như em. Biết đâu bà Ann cũng cần có ai đó bên cạnh để chợt nhớ ra mình là ai và được vui trong phút giây như mẹ em…

Nguyễn Thị Thanh Dương.

























 

 

 

 

Không có nhận xét nào:

CHÀO MỪNG QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU SÓC TRĂNG THAM QUAN, ỦNG HỘ HOANGDIEUTRUONGXUASAIGON.BLOGSPOT.COM. CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM NHIỀU SỨC KHỎE, THÀNH CÔNG TRONG CÔNG VIỆC.