.

.

a

Hoa đào nở, chim én về, mùa xuân lại đến. Chúc quý thầy cô và anh chị em đồng môn năm mới Giáp Thìn : - nghìn sự như ý, vạn sự như mơ, triệu sự bất ngờ, tỷ lần hạnh phúc.
THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ, ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU - MỘT NĂM MỚI AN KHANG THỊNH VƯỢNG - VẠN SỰ NHƯ Ý

11 tháng 12 2021

Bánh pizza và những điều có thể ít người biết

 Google Doodle chọn ngày 6/12 để tôn vinh món bánh pizza đồng thời nhấn mạnh đây là một trong những món ăn phổ biến nhất thế giới hiện nay. Trong phần giới thiệu về Doodle hôm nay, Google giải thích lý do chọn ngày 6/12 bởi vào ngày này năm 2007, nghệ thuật ẩm thực của Napoli “Pizzaiuolo” đã được UNESCO ghi vào Danh sách Di sản Văn hóa Phi vật thể Đại diện của Nhân loại.

Google cũng giới thiệu đôi nét về pizza rằng món ăn này được coi là "đặc sản" của Italy đồng thời được ưa chuộng trên khắp thế giới. Pizza thường là loại bánh dẹt, tròn được chế biến từ nước, bột mỳ và nấm men, sau khi đã được ủ ít nhất 24 giờ, phía trên có các loại nhân đa dạng như thịt, cá, rau củ... được phủ bởi một lớp phô mai.

Pizza là một trong những niềm tự hào về tinh hoa ẩm thực của người Italy, nhưng thực chất lại có nguồn gốc sâu xa từ đất nước Hy Lạp.

Thời xưa, người dân Hy Lạp thường nướng những miếng bánh mỳ khô trên các phiến đá bị nung nóng sót lại từ các đám cháy. Sau đó, để có thể tận dụng những thức ăn còn dư thừa con người đã đem đặt hết lên trên bề mặt miếng bánh mỳ nướng đó rồi ăn. Pizza được bắt nguồn từ đó.


Tiền thân của chiếc bánh pizza nức tiếng trên thế giới hiện nay chỉ là những chiếc bánh mì tròn, mỏng dẹt.

Pizza du nhập vào Italy lần đầu tiên dưới hình dạng là một chiếc bánh mì hình tròn, dẹt với mức giá khá rẻ. Chúng ngon và được rao bán rất nhiều trên đường phố dành cho người nghèo.

Chiếc pizza đầu tiên có hình dáng và hương vị như ngày nay ra đời vào năm 1889, được làm để phục vụ nữ hoàng Margherita Teresa Giovanni khi bà đến thăm Napoli. Chiếc bánh này bao gồm phomai mozzarella, cà chua và lá húng quế tượng trưng cho màu sắc có trên quốc kỳ của đất nước này. Món pizza này nhanh chóng được yêu thích và người đầu bếp đầu tiên làm ra nó đã đặt theo tên của nữ hoàng: pizza Margherita. Ngày nay ngoài pizza Margherita, rất nhiều các biến thể khác vô cùng thơm ngon và được ưa chuộng không kém đã ra đời như: Pepperoni pizza, Extravaganzza pizza, Bologness pizza...


Pizza Margherita đại diện cho 3 gam màu: xanh lá cây, trắng, đỏ trên quốc kỳ của Italy.

Người Italy thông thường sẽ thưởng thức pizza cùng một ly kem gelato mát lạnh, vị thơm ngon của pizza quyện cùng vị thanh mát, ngọt ngào của kem gelato rất thú vị. Hơn nữa, người Italy không bao giờ ăn kèm salad với pizza, thay vào đó họ sẽ kết hợp với antipasto (món khai vị với phomai, thịt muối, nấm, quả oliu...). Đặc biệt, pizza là món bạn hoàn toàn có thể cầm ăn bằng tay thay vì sử dụng dao, dĩa mà không ai dám bảo bạn vô duyên ngay cả khi đang ngồi trong nhà hàng. Thứ còn được các tín đồ của món này công nhận là không thể thiếu khi ăn chính là Ketchup (tương cà) và sốt dấm ớt Tabasco hoặc tương ớt ngọt Heinz.

Pizza không chỉ là chiếc bánh khiến người ta nghĩ đến Italy mà còn nhanh chóng trở thành món ăn phổ biến và được yêu thích trên cả thế giới. Theo thống kê có đến 93% người Mỹ sẽ ăn pizza ít nhất một lần trong tháng. Và ước tính trung bình một năm mỗi người Mỹ tiêu thụ khoảng hơn 9 kg pizza. Các cửa hàng bán bánh pizza tại Mỹ còn chiếm đến 17% tổng số nhà hàng ở đất nước này.


Pizza pepperoni là loại bánh pizza truyền thống được nhiều người ưa thích nhất.

Hằng năm trên thế giới có khoảng 5 tỷ chiếc pizza được bán ra. Trong số đó pizza pepperoni là loại được yêu thích nhất, chiếm 36% tổng số.

Tối thứ 7 được coi là thời điểm phù hợp nhất trong tuần để thưởng thức một chiếc bánh pizza. Trong khi đó, có rất nhiều người tiêu dùng trên thế giới hiện nay tin rằng pizza là một bữa sáng hoàn hảo dành cho họ.

Ngày 9/2 hằng năm được chọn là ngày Quốc tế Pizza.

Đầu bếp Renato Viola đã tạo ra một chiếc bánh pizza đắt nhất thế giới ở thành phố cảng Salerno, Italy với giá 12.000 USD. Chiếc bánh có đường kính 20 cm, dành cho hai người. Bột làm bánh organic được nhập từ Arab, phủ một lớp muối hồng từ sông Murray, Australia và mất 72 giờ để chuẩn bị. Nhân bánh bao gồm ba loại trứng cá muối quý hiếm, tôm hùm Alaska và 7 loại phô mai.

Chuyến giao bánh pizza dài nhất thế giới được kỷ lục Guinness ghi nhận là từ nhà hàng Opera Pizza ở thủ đô Madrid, Tây Ban Nha đến Wellington, New Zealand. Khoảng cách tính theo đường chim bay giữa hai nơi là 19.870 km. Chuyến giao hàng này được thực hiện từ ngày 28/6/2006, hoàn thành vào ngày 1/7/2006.


Chiếc bánh pizza đắt nhất thế giới được bán với giá 12.000 USD.

Chiếc bánh pizza được giao ở nơi cao nhất thế giới và được kỷ lục Guinness xác nhận là trên đỉnh Kilimanjaro, Tanzania, mất ba ngày giao hàng, từ 5 đến 8/5/2016. Việc giao bánh độc đáo này được thực hiện để đánh dấu sự ra mắt của hãng Pizza Hut đầu tiên tại Tanzania.

Sưu Tầm

Ngôi đền được cho là 
'tác phẩm của người ngoài Trái đất'

 Đến nay, người ta vẫn không thể giải thích tại sao con người có thể xây dựng một đại công trình từ một khối đá duy nhất như Kailasa.

Đền Kailasa ở Maharashtra, Ấn Độ là công trình kiến trúc nguyên khối lớn nhất thế giới được chạm khắc hoàn toàn thủ công từ một tảng đá duy nhất. Đây được đánh giá là một trong những công trình đáng kinh ngạc nhất trong lịch sử kiến trúc.

(Ảnh: Twitter)

Ngôi đền Kailasa nằm ở phía Tây Maharashtra, Ấn Độ được biết đến là công trình thứ 16 trong tổng số 24 ngôi đền và tu viện trong hang động Ellora. Đây là quần thể bao gồm các di tích có niên đại từ 600 đến 1.000 năm Sau công nguyên, trong đó ngôi đền Kaisala làm từ đá cự thạch nằm sâu trong lòng đất có lẽ là di tích được nhiều người biết đến nhất.

Mang phong cách kiến trúc Dravidian, đền Kailasa có chóp vuông với các chi tiết được chạm khắc tỉ mỉ. Tổng thể ngôi đền cao khoảng 3 tầng, với một sân đền có hình móng ngựa cùng một tháp Gopuram ở lối vào. Trước chính điện là tượng con bò Nandi – vật cưỡi của thần Shiva. Những bức chạm khắc khổng lồ trên đá ở đây mô tả các vị thần Hindu.

(Ảnh: Daily Geek Show)

(Ảnh: Mystery of India)

Điều khiến cho ngôi đền Kailasa trở nên nổi tiếng nằm ở toàn bộ công trình khổng lồ này được tạo ra bởi công trình tạc một khối đá duy nhất ẩn trong lòng đất. Theo ghi chép, kỹ thuật dùng để xây dựng nơi này được gọi là “khắc từ đá tảng”.

Theo các nhà khảo cổ học, để hoàn thành được công trình này, đã có hơn 400.000 tấn đất đá được đẽo gọt và vận chuyển đi nơi khác. Rất có thể những người cổ đại với những công cụ lao động thô sơ đã phải mất tới hàng thế kỷ mới có thể hoàn thành được công trình vĩ đại này.


(Ảnh: Twitter)

Người ta vẫn chưa thể giải thích được làm cách nào mà người cổ đại có thể tách được những tảng đá khổng lồ ra khỏi ngọn núi đá cao hơn 30 mét với một tỉ lệ hoàn hảo đến vậy. Họ đã dùng công nghệ gì để xây dựng, mà đến thế kỷ 21 chúng ta vẫn không giải thích được?

(Ảnh: Lonesome Road)

(Ảnh: Teahub)

Các số liệu khảo sát đã cho thấy, những người thợ cần loại bỏ 200.000 tấn đá để tạo nên công trình này theo cách đào dọc từ trên xuống. Nhiều nhà khảo cổ đã đưa ra giả thuyết công trình hoàn thiện trong 20 năm theo phương pháp thủ công. Nếu vậy, các công nhân đã phải làm việc liên tục 12 giờ mỗi ngày, phải xử lý 60 tấn đá tương ứng với 5 tấn mỗi giờ. Vì vậy, không ít người tin rằng công trình đền Kailasa này, cùng với Kim tự tháp Ginza, là những tác phẩm của người ngoài hành tinh trên Trái Đất.

(Ảnh: My Modern Met)

Đến nay, người ta chưa thể tìm thấy bất cứ tài liệu nào về người đã xây dựng ngôi đền Kailasa. Dù vậy, các học giả thường gắn nó với vua Rashtrakuta Krishna I, trị vì từ khoảng năm 756 đến năm 773 Sau Công nguyên.

(Ảnh: Pixel)

Không chỉ có giá trị về mặt kiến trúc, đền Kailasa cũng là nơi lưu giữ hàng nghìn tác phẩm điêu khắc, bản vẽ và chữ khắc thể hiện sự phong phú về mặt nghệ thuật và triết học của nền văn minh Ấn Độ cổ đại. Trong đó có phiến đá khắc lại nội dung của thiên sử thi hùng tráng Ramayana. Ước tính ngày nay vẫn còn khoảng 32 triệu chi tiết chạm khắc tiếng Phạn tại đây vẫn chưa được dịch.

Theo Cersei/VTC News

Bí ẩn 3 xác ướp có lưỡi vàng trong lăng mộ cổ ở Ai Cập.

Các nhà khảo cổ tìm thấy ba xác ướp có chiếc lưỡi ngậm vàng tại Ai Cập.



Bí ẩn 3 xác ướp có lưỡi vàng trong lăng mộ cổ ở Ai Cập

Theo Bộ Du lịch và Cổ vật Ai Cập, các nhà khảo cổ đã phát hiện ra hài cốt của ba cư dân Ai Cập cổ đại. Đó là một người đàn ông, phụ nữ và trẻ em có những chiếc lưỡi bằng vàng.

Các chuyên gia cho rằng người ta làm như vậy để coi như một kho báu có khả năng giúp người chết có thể nói chuyện với vị thần Osiris ở thế giới bên kia.

Các xác ướp thuộc một trong hai ngôi mộ lân cận. Một trong những ngôi mộ đã bị bọn trộm cướp phá, chứa hài cốt của một người phụ nữ và một đứa trẻ 3 tuổi. Nhưng ngôi mộ của người đàn ông thuộc thời kỳ Saite vẫn còn khá nguyên vẹn.

Họ chết vào khoảng năm 525 trước Công nguyên vào cuối triều đại Saite, đây là lần cuối cùng người Ai Cập bản địa trị vì vương quốc của họ trước cuộc chinh phục của người Ba Tư vào thế kỷ 6 trước Công nguyên.

Esther Pons Mellado, giám đốc sứ mệnh khảo cổ của Oxyrhynchus cho biết: "Phát hiện rất quan trọng. Vì hiếm khi tìm thấy một ngôi mộ vẫn còn nguyên vẹn".

Các nhà nghiên cứu phát hiện xác ướp có lưỡi vàng tại địa điểm khảo cổ Oxyrhynchus, gần thị trấn El Bahnasa ngày nay, cách thủ đô Cairo khoảng 160 km về phía nam.

Oxyrhynchus từng là nơi nổi tiếng với giấy cói mà người ta thường tìm thấy tiếng Hy Lạp cổ đại, tiếng Latinh và các ngôn ngữ khác.

Ngôi mộ của người đàn ông chứa một xác ướp nằm trong một cỗ quan tài bằng đá vôi có nắp hình người, cùng với bốn chiếc lọ hình tròn chứa nội tạng của người quá cố. Đi cùng với đó là bùa hộ mệnh bao gồm một con bọ hung, chuỗi hạt màu xanh lá cây và khoảng 400 bức tượng nhỏ.

Những bức tượng nhỏ này giống với thần Horus, một vị thần Ai Cập Cổ đại thường đại diện là một người đàn ông với đầu giống con chim ưng, có nhiệm vụ bảo vệ.

Các nhà sử học từ lâu đã kết luận rằng các vật dụng cá nhân chứa trong quan tài để đi cùng người chết đến với thế giới bên kia.

Đây là lần thứ hai trong năm các nhà khảo cổ tìm thấy lưỡi vàng trong khu chôn cất của người Ai Cập cổ đại.

Vào tháng 1/2021, Bộ Du lịch và Cổ vật Ai Cập phát hiện xác ướp 2.000 năm tuổi có chiếc lưỡi bằng vàng tại Taposiris Magna, địa điểm khảo cổ trên bờ biển Địa Trung Hải, Ai Cập.

Hoàng Dung (lược dịch)

























Không có nhận xét nào:

CHÀO MỪNG QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU SÓC TRĂNG THAM QUAN, ỦNG HỘ HOANGDIEUTRUONGXUASAIGON.BLOGSPOT.COM. CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM NHIỀU SỨC KHỎE, THÀNH CÔNG TRONG CÔNG VIỆC.