.

.

a

Hoa đào nở, chim én về, mùa xuân lại đến. Chúc quý thầy cô và anh chị em đồng môn năm mới Giáp Thìn : - nghìn sự như ý, vạn sự như mơ, triệu sự bất ngờ, tỷ lần hạnh phúc.
THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ, ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU - MỘT NĂM MỚI AN KHANG THỊNH VƯỢNG - VẠN SỰ NHƯ Ý

16 tháng 12 2021

Trường Áo Tím Sài Gòn ngày xưa....

 Giáo dục Sài Gòn khởi đầu với chữ Nho. Pháp chiếm Sài Gòn vào năm 1858, thiết lập giáo dục chữ quốc ngữ năm 1878, Nho học Sài Gòn chấm dứt từ đấy! Có thể chia Nho học Sài Gòn thành 4 thời kỳ:

  1. Thời Sơ Khai từ năm 1698 – là năm Nguyễn Hữu Cảnh vào lập Sài Gòn, đến năm 1788 – là năm Nguyễn Ánh khắc phục Gia Định. Lúc nầy dân chúng lưu tán, giáo dục Sài Gòn bấy giờ xoay nhà Nho Võ Trường Toản.
  2. Thời kỳ Xây Dựng nền móng: tính từ lúc Nguyễn Ánh chiếm lại được Gia Định năm 1789, Chúa cho mở các khóa khảo thí, học trò nào được chọn sẽ miễn trừ binh dịch, và sau có mở ra 2 kỳ thi chọn nhơn tài vào năm 1791 và 1796.
  3. Thời kỳ Phát Triển: 1802 đến 1858. Sau khi lên ngôi, Gia Long thống nhứt giáo dục Nho học. Mãi đến năm 1813 Gia Định mới có khóa thi Hương đầu tiên. Đến năm 1859 Pháp chiếm Sài Gòn, trường thi Hương Gia Định dời về An Giang, và khóa thi Hương tổ chức tại đây vào năm 1864 là khóa thi Hương cuối cùng. Trước sau, Gia Định tổ chức được 20 khóa thi Hương và có 270 người đậu Cử Nhơn.
  4. Thời kỳ suy tàn. Từ năm 1859, Pháp chiếm Gia Định, đến năm 1878 là năm Pháp thiết lập hệ thống trường Cao Đẳng Tiểu Học 3 năm, dạy bằng chữ quốc ngữ nhưng vẫn còn duy trì chữ Hán.

Cho tới đầu thế kỷ XX, giáo dục Sài Gòn tuy trải qua mấy thập niên niên “Tân học” với chữ quốc ngữ rồi, nhưng người Sài Gòn còn nặng “tinh thần Nho giáo” trong giáo dục. Và giáo dục Sài Gòn lúc nầy chưa xóa được tánh “trọng nam khinh nữ”, không chú trọng đúng mức đến nữ giới.

Đến năm 1908, một số trí thức Việt Nam ở Sài Gòn đề nghị chính quyền Pháp thành lập một ngôi trường dành cho nữ giới. Một trong những người nầy là ông Bùi Quang Chiêu.

Bùi Quang Chiêu và trường Áo Tím

Bùi Quang Chiêu (1873-1945) người Mỏ Cày, Bến Tre, sanh trong gia đình có truyền thống Nho học. Ông học Trung Học Mỹ Tho, Chasseloup Laubat Sài Gòn rồi hoàn tất Trung Học tại Alger, thủ đô nước Algerie lúc nầy thuộc địa Pháp. Trong thời gian học tại Algerie, người học trò Bùi Quang Chiêu nhận được sự bảo đảm trách nhiệm (correspondant) của Hàm Nghi, vị Hoàng Đế Việt Nam bị Pháp lưu đày tại đây! Và nhờ vậy Bùi Quang Chiêu là người Việt Nam duy nhứt bấy giờ có dịp gần gũi và học được “tinh thần yêu nước” nơi Vua Hàm Nghi.

Học xong Trung Học, Bùi Quang Chiêu được học bổng sang Pháp, tại đây Ông tốt nghiệp Kỹ Sư Nông Nghiệp năm 1897. Về nước thời gian đầu làm việc tại Bắc Kỳ, lúc nầy lần đầu tiên ông hoạt động với chức Hội Trưởng Nam Kỳ Đồng Hương Tương Tế Hội.

Về Nam, Bùi Quang Chiêu làm Hội Trưởng Hội Khuyến Học Nam Kỳ, và cùng với các nhà trí thức yêu nước như Dương Văn Giáo, Diệp Văn Kỳ, Nguyễn Phan Long, BS Nguyễn Văn Thinh… thành lập đảng Lập Hiến Đông Dương: Đòi hỏi Việt Nam tự trị bước đầu, để rồi đi đến thể chế Quân chủ Lập Hiến.

Bùi Quang Chiêu đắc cử Phó Chủ Tịch Hội Đồng Quản Hạt, được bầu làm thành viên Hội Đồng Cải Cách Tiền Tệ Đông Dương và là người tích cực vận động phong trào Duy Tân ở Nam Kỳ. Mật thám Pháp coi Bùi Quang Chiêu là “kẻ thù nguy hiểm”, Việt Minh kết tội ông là “Việt gian”. Cuối cùng Bùi Quang Chiêu cùng 4 người con trai bị Việt Minh thủ tiêu tại Chợ Đêm ngày 29-9-1945. Năm ấy ông 72 tuổi!

Năm sau, 1909, Hội Đồng Quản Hạt chấp thuận đề nghị của Bùi Quang Chiêu và các trí thức, về việc xây một ngôi trường dành riêng cho nữ giới tại Sài Gòn. Do chưa có kinh phí nên Bùi Quang Chiêu là người tích cực đóng góp tài chánh và tổ chức lạc quyên gây quỹ xây trường.

Bốn năm sau, khi cuộc lạc quyên gom đủ tiền, một buổi lễ đặt viên đá đầu tiên được tổ chức ngày 6/11/1913 với sự chủ tọa của Toàn Quyền Pháp tại Đông Dương là Albert Sarraut.

Một dãy nhà đầu tiên của trường được xây trên khu đất rộng ở đại lộ Legrand de la Liraye, trước 75 có tên là đường Phan Thanh Giản, nay là đường Điện Biên Phủ. Nhiều vật liệu xây dựng được chở từ Pháp sang, trong đó có ngói nung màu đỏ phía dưới có khắc chữ “Marseille”.
Trường Áo Tím Sài Gòn ngày xưa, còn đâu!

Năm 1915, trường xây dựng xong và khai giảng năm đầu tiên. Ông Ernest Nestor Roume là Toàn Quyền Đông Dương và Thống Đốc Courbeil là người cắt băng khánh thành và tuyên bố khai giảng khóa đầu tiên cấp Tiểu Học, với chỉ có 42 nữ sinh.

Ban tổ chức đề nghị đồng phục cho nữ sinh là áo dài màu tím, “tượng trưng cho đức tính đoan trang, kín đáo và khiêm nhường của người thiếu nữ Việt Nam”. Trường có tên là Trường Áo Tím là vậy.

(Ảnh: Manhhai, Flickr)

Nữ sinh của trường lúc nầy đều cư ngụ ở Sài Gòn và vùng lân cận, mãi về sau mới có cư xá dành cho nữ sinh đến từ các tỉnh. Trường dạy ba cấp ở bực Tiểu Học như: Đồng Ấu (Enfantin), Cao Đẳng (Supérieur), năm cuối Sơ Học. Học sinh phải thi lấy chứng chỉ căn bản giáo dục sau khi tốt nghiệp năm cuối Sơ Học.

Năm 1918, vì số lượng học sinh gia tăng, trường xây dựng thêm một tòa nhà thứ hai song song với tòa nhà cũ. Tòa nhà mới, tầng dưới dùng làm cư xá cho các học sinh xa nhà, phía sau là bịnh xá, phòng giặt và nhà bếp. Nơi đây đồng thời cũng là nơi giảng dạy các môn nữ công gia chánh và thêu thùa cho nữ sinh Áo Tím.

Đến tháng 9 năm 1922, trường nâng lên thành trường Trung Học Đệ Nhứt Cấp. Albert Sarraut bấy giờ là Toàn Quyền đến khai giảng lớp đầu tiên của bậc Trung Học Đệ Nhất Cấp. Trường đổi tên là Collège Des Jeunes Filles Indigènes (Trường Con Gái Bản Xứ). Và mặc dầu có một phiên đá cẩm thạch khắc chữ Collège Des Jeunes Filles Indigènes dựng lên trước cổng trường, nhưng người Sài Gòn vẫn gọi với cái tên Trường Áo Tím.

Hiệu trường đầu tiên là một cô giáo người Pháp tên là Lagrange.

Để được vào học, học sinh phải vượt qua kỳ thi tuyển. Thời gian nầy tiếng Pháp được dạy từ cấp lớp căn bản cho đến bậc Trung Học Đệ Nhất Cấp, trong khi tiếng Việt chỉ được dạy mỗi tuần 2 tiếng trong giờ Việt Văn.

Trong trường, nữ sinh chỉ được dùng tiếng Pháp để giao tiếp, không được dùng tiếng Việt.

Năm 1940, vì quân Nhựt chiếm đóng cơ sở của trường, rồi sau đó đến quân đội Anh, nên trường dời về trường Tiểu Học Đồ Chiểu Tân Định. Cũng trong năm nầy, vì muốn xóa tàn tích Pháp nên trường đổi tên là Collège Gia Long, rồi Lycée Gia Long.

Tên nữ Trung Học Gia Long với lịch sử như thế và tồn tại mãi đến năm 1975.

Năm 1947, khi được người Anh trao trả, trường bị hư hại nhiều đến nỗi vị Hiệu Trưởng lâm thời phải vận động quyên góp tài chính để tu sửa trường.

Năm 1949, trường lại được mở rộng: một tòa nhà hai tầng được xây mới ở đường Bà Huyện Thanh Quan để đáp ứng số lượng học sinh ngày càng tăng.

Năm 1950 lần đầu tiên Hiệu Trưởng là người Việt đồng thời cũng là một cựu nữ sinh của trường là cô Nguyễn Thị Châu. Đến 1952, chương trình giáo dục Việt Nam dần thay thế chương trình giáo dục Pháp. Học sinh phải học cả hai ngoại ngữ là Anh-Pháp song song. Kỳ thi tuyển vào trường lúc nầy càng khó hơn trước vì thí sinh đến từ khắp nơi trong miền Nam. Thí dụ năm 1971 có 8,000 học sinh dự thi nhưng chỉ có 819 em chấm đậu.

Năm 1953, đồng phục trường đổi từ áo dài tím sang áo dài trắng với phù hiệu là Bông Mai Vàng được may lên trên áo, đồng thời sau đó chương trình giáo dục bằng tiếng Pháp của trường cũng được đổi sang tiếng Việt hoàn toàn. Và tên trường Áo Tím từ đây chỉ còn là hoài niệm!

Trường vẫn tiếp tục phát triển: 1964 trường bỏ chế độ nội trú, sửa các phòng ở thành phòng học với tổng cộng 3,000 học sinh, chia ra 55 lớp từ đệ Tứ đến đệ Nhứt học buổi sáng; và 45 lớp từ đệ Thất đến đệ Ngũ học buổi chiều. Năm 1965, trường xây thêm thư viện.

Sau 30 tháng 4 năm 1975, trường Gia Long bị xóa tên!
Hiệu Trưởng: từ đầu đến năm 1975

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

11

12

1914-1920: Cô Lagrange

1920-1922: Cô Lorenzi

1922-1926: Cô Pascalini

1926-1942: Cô Saint Marty

1942-1945: Cô Fourgeront

1945-1947: Cô Malleret

1950-1952: Cô Nguyễn Thị Châu

1952-1963: Cô Huỳnh Hữu Hội

1963-1964: Cô Nguyễn Thu Ba

1964-1965 ; Cô Trần Thị Khuê

1965-1969: Cô Trần Thị Tỵ

1969-1975: Cô Phạm Văn Tất

Và huyền thoại “Áo Tím”

Bà Tùng Long là cựu học sinh trường Áo Tím, là người khởi xướng mục “Gỡ rối tơ lòng” trên báo Sài Gòn Mới năm 1953 đã làm cho ngôi trường Áo Tím Sài Gòn đi vào huyền thoại cho tới nay.

Và phải chăng vì bà là cựu học trò trường Áo Tím mà các tiểu thuyết của bà như: Bóng người xưa, Đời con gái, Một lần lầm lỡ, Mẹ chồng nàng dâu, Nẻo về tình yêu, vân vân có thêm nhiều bạn độc giả bạn gái?

Màu áo tím của trường, “tượng trưng cho đức tính đoan trang, kín đáo và khiêm nhường của người thiếu nữ Việt Nam”, sau nầy được nói đến là “Áo Tím” rồi “Áo Trắng” Gia Long. Áo Tím, mực tím, hoa tím, màu tím… luôn là cái gì gợi hứng cho nhiều nghệ sĩ sáng tác sau nầy.

Và bài “Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím” của nhà thơ Kiên Giang Hà Huy Hà, nhắc nhớ bao thế hệ về một ngôi trường có mặt giữa Sài Gòn trên 60 năm: Trường Áo Tím!

Mười năm trước em còn đi học
Áo tím điểm tô đời nữ sinh
Hoa trắng cài duyên trên áo tím
Em là cô gái tuổi băng trinh…

Nam Sơn Trần Văn Chi

 

Giai thoại về Hoàng Thái hậu Từ Dũ : Tài đức vẹn toàn, giúp vua trị quốc

(Ảnh qua Eva)

Nghi Thiên Chương Hoàng hậu (1810 – 1902) là mẹ ruột của Hoàng đế Tự Đức và là Quý phi của Hoàng đế Thiệu Trị. Sinh thời, bà chưa từng lên ngôi Hoàng hậu nhưng lần lượt được truy tôn làm Hoàng Thái hậu, Thái Hoàng Thái hậu rồi Thái Thái Hoàng Thái hậu. Khi qua đời bà được truy tôn làm Hoàng hậu và được người đời nhớ đến với tôn hiệu Hoàng Thái hậu Từ Dũ.

Đức Từ Dũ nổi tiếng là bậc hiền nhân, được mọi người yêu quý, quần thần kính nể xem như thánh cô trong kinh thành Huế. Năm 1847, dưới triều vua Tự Đức bà trở thành Hoàng thái hậu, đến năm 1902 bà qua đời dưới thời vua Thành Thái. Sau này, danh hiệu của bà được đặt cho bệnh viện lớn nhất tại Saigon là Bệnh viện Từ Dũ.

Theo sử chép, Hoàng Thái hậu Từ Dũ tên húy là Phạm Thị Hằng, là trưởng nữ của Lễ bộ thượng thư Đức Quốc công Phạm Đăng Hưng và Đức Quốc phu nhân Phạm thị. Gia đình bà sống tại Sơn Quy (Gò Rùa), huyện Tân Hòa, Gia Định, ngày nay là thị xã Gò Công, Tiền Giang.

Bà nổi tiếng thông minh, hiền hậu, xinh đẹp từ nhỏ. Năm 12 tuổi, khi mẹ bà lâm bệnh nặng, chỉ thích nằm một mình thì bà là người duy nhất được gần gũi hầu hạ chăm sóc mẹ ngày đêm. Đến khi mẹ qua đời, dù còn nhỏ nhưng bà vẫn giữ tang như người trưởng thành khiến bên ngoài tấm tắc khen ngợi.

Năm 14 tuổi, nghe tiếng hiền của bà, Nhân Tuyên Hoàng thái hậu quyết định tuyển bà làm thiếp cho cháu đích tôn của vua Gia Long là Hoàng trưởng tử Nguyễn Phúc Miên Tông (sau này là vua Thiệu Trị).

Năm 15 tuổi, bà sinh con gái đầu lòng là Diêm Phúc công chúa – Nguyễn Phúc Tĩnh Hảo. Năm sau bà sinh con thứ là công chúa Nguyễn Phúc Uyên Ý nhưng không may mới 3 tuổi đã chết non. Đến ngày 25/8/1829, bà sinh con thứ 3 là hoàng tử Nguyễn Phúc Thì, tức vua Tự Đức sau này.

Ngày vua Thiệu Trị còn sống, bà luôn giữ đức của người vợ, ngày đêm chăm sóc chồng không quản mệt mỏi.

Khi vua Thiệu Trị mất, con bà là vua Tự Đức nối ngôi, tuy chủ trương là hậu cung không được xen vào việc triều chính, nhưng bà vẫn luôn ở bên cạnh để bảo ban, khuyên nhủ con đạo làm vua.

Khi trọng dụng các quan lại, bà thường nhắc nhở vua Tự Đức phải cân nhắc, soi xét thật kỹ càng, cốt để chọn ra được vị quan thanh liêm tạo phúc cho dân. Tất cả những lời bà dạy vua Tự Đức đều khắc in lại gọi là Từ huấn lục (lời huấn của mẹ hiền).

Có lần vua Tự Đức mải chơi quên buổi ngự triều, bà liền sai người đóng cung Diêm Thọ (nơi ở của bà). Vua phải đứng chờ cả tiếng, sau đó bà mới cho vào răn dạy: “Nước đang có nhiều việc rối, thân là Hoàng Đế lại ham vui chơi không lo lắng, biết lỗi với ta chỉ là phụ, biết lỗi với dân mới là chính.

Không chỉ là người mẹ hiền với con, là bậc mẫu nghi trong thiên hạ mà Hoàng Thái hậu Từ Dũ còn là người có lối sống giản dị, tiết kiệm. Bà thường dạy cung nhân cất bớt sáp thắp sáng, lâu ngày tiết kiệm được nhiều bà lại cho người đem vào kho dự trữ.

Khi chuyển tới cung Gia Thọ, bà vẫn giữ những đồ cũ từ trước để dùng, mặc cho người ta đã sắm sửa đủ thứ thì bà vẫn nhất mực chối từ.

Nói về thương dân, bà nổi tiếng như người mẹ hiền, hàng năm đến lễ mừng của mình, bà thường tìm cách thoái thác hoặc trì hoãn. Bà sợ dân khổ, bà từng nói với triều thần rằng, một hột gạo, một sợi tơ cũng đều là máu thịt của dân, cho nên cần phải tiết kiệm để dùng vào việc nước.

Dù luôn đứng trên vạn người nhưng bà luôn ý thức nâng cao kiến thức văn hóa, xã hội, nhờ đó mà bà có thể bàn luận, góp ý chuyện xã tắc, giúp vua Tự Đức rất nhiều trong đạo trị nước.

Những giai thoại về Hoàng Thái hậu Từ Dũ


Ngày 12/5/1902, Hoàng thái hậu Từ Dũ qua đời, hưởng thọ 92 tuổi, được sắc phong là “Nghi Thiên Tán Thánh Từ Dụ Bác Huệ Trai Túc Tuệ Đạt Thọ Đức Nhân Công Chương hoàng hậu”. Ít ngày sau đó, triều đình lại phong là “Nghi Thiên Tán Thánh Từ Dụ Bác Huệ Trai Túc Tuệ Đạt Thọ Đức Nhân Công Chương hoàng hậu”. Bài vị của bà được thờ ở thế Miếu trong Hoàng thành Huế và Biểu Đức điện trong Xương Lăng.

Đối đãi hòa ái, nhân từ

Đối với các phi tần và con của chồng mình, bà cũng muôn phần độ lượng. Như chuyện Phục Lễ công chúa Gia Phúc phạm tội, dù đó là con của cung nhân họ Hồ nhưng sau này Hoàng hậu vẫn tha tội.

Nhiều người mới gặp bà sẽ cảm thấy bà đáng sợ vì dáng vẻ nghiêm túc, khoan thai, đoan trang, nhưng khi tiếp xúc sẽ thấy bà là người vô cùng đôn hậu, nhân từ, lại hiểu biết sâu rộng. 

Giấc mơ sinh thiên tử

Một giai thoại khác cho biết, vào một đêm nọ, Hoàng hậu mộng thấy một vị Thần áo rộng đai to, đầu tóc bạc, lông mày trắng, mang một tờ giấy vàng viết chữ son có đóng dấu và một chuỗi minh châu trao cho bà, bảo là: “Xem đây để nghiệm về sau”, bà nhận lấy. Sau đó không lâu thì có thai.

Ngày 25/8 năm Kỷ Sửu (tức 22/9/1829), Hoàng hậu sinh ra vua Tự Đức giống như giấc mộng, từ đó mọi người cho rằng hoàng đế chính là Thần nhân phái xuống làm con bà .

Sưu Tầm

Sự thật về perovskite - Vật liệu kỳ diệu vượt trội so với silicon hiện nay

  •  

  • Các nhà nghiên cứu đã khám phá ra những đặc tính bí ẩn của perovskite - thứ được gọi là “vật liệu thần kỳ”. Từ đó mở đường cho công cuộc phát triển các cell pin năng lượng mặt trời hiệu suất rất cao, vượt xa công nghệ hiện tại.
Thông qua sử dụng các kỹ thuật kính hiển vi mới, các nhà khoa học từ Đại học Cambridge đã lý giải được tại sao cấu trúc kém ổn định của perovskite, lại có thể làm tăng tính hiệu quả sử dụng của nó.

Perovskite cũng có thể được tổng hợp trong phòng thí nghiệm.

Vật liệu perovskite nổi lên trong những năm gần đây như một giải pháp thay thế đầy hứa hẹn cho các cell pin năng lượng Mặt trời, vốn dựa vào tinh thể silicon. Chúng hấp thụ ánh sáng Mặt trời, chuyển đổi thành điện năng hiệu quả hơn cũng như có giá thành sản xuất rẻ hơn.

Cách đây chưa đầy một năm, các nhà khoa học từ Đại học Kỹ thuật Berlin đã đạt được kỷ lục thế giới mới về hiệu suất pin mặt trời với perovskite, đánh bại kỷ lục 28% của lớp silicon tiêu chuẩn với hiệu suất 29,15%.

Nghiên cứu mới nhất này do Phòng thí nghiệm Cavendish của Cambridge hợp tác cơ sở synctron Diamond Light Source ở thị trấn Didcot (Vương quốc Anh), cùng với Viện Khoa học và Công nghệ Okinawa Nhật Bản, hợp tác thử nghiệm các kỹ thuật khác nhau để hiểu rõ hơn về perovskite.

“Ý tưởng của chúng tôi là thực hiện một cái gì đó gọi là hiển vi đa thể thức, theo đó xem xét các mẫu giống nhau bằng nhiều loại kính hiển vi và về cơ bản cố gắng tìm ra mối tương quan các đặc tính mà chúng tôi rút ra từ từng thứ”, Kyle Frohna, nghiên cứu sinh tiến sĩ của Đại học Cambridge cho biết.

“Những gì chúng ta thấy là hai dạng hỗn loạn cùng xảy ra song song. Hỗn loạn điện tử liên quan đến các khiếm khuyết làm giảm hiệu suất, sau đó rối loạn hóa học không gian dường như cải thiện nó. Những gì chúng tôi phát hiện là rối loạn hóa học - rối loạn ‘tốt’ trong trường hợp này - sẽ giảm thiểu rối loạn ‘xấu’ từ khiếm khuyết, bằng cách chiết tách các chất mang điện tích”.

Được tôi luyện sâu bên trong lớp vỏ Trái đất, perovskite cũng có thể được tổng hợp trong phòng thí nghiệm và có tiềm năng biến đổi nhiều lĩnh vực khác nhau

Perovskite đã được ca ngợi là “vật liệu thần kỳ” vì tiềm năng biến đổi hoàn toàn mọi thứ từ năng lượng Mặt trời đến tốc độ internet.

Nó thậm chí có thể nắm giữ “chìa khóa” của siêu kết nối, khi mà một nghiên cứu năm 2017 cho thấy, vật liệu này có thể tăng tốc độ xử lý của máy tính và internet lên đến 1.000 lần.

Miguel Anaya, một nhà nghiên cứu tại Khoa Kỹ thuật Hóa học và Công nghệ Sinh học của Đại học Cambridge, cho biết: “Phương pháp này mở đường cho những hướng đi mới để tối ưu hóa ở quy mô nano, hoạt động tốt hơn cho ứng dụng nhắm tới”.

“Giờ đây, chúng ta có thể xem xét các loại perovskite khác nhau, không chỉ hữu dụng đối với cell pin mặt trời mà còn hiệu quả đối với đèn LED hoặc máy dò và hiểu được nguyên lý hoạt động của chúng”.

Giáo sư khoa học vật liệu Z. Valy Vardeny từ Đại học Utah đã mô tả phát hiện này là “không thể tin được, một vật liệu kỳ diệu” vào năm 2017, sau khi các nhà nghiên cứu cải thiện được hiệu suất ánh sáng Mặt trời - năng lượng của perovskite lên hơn 10 lần chỉ trong vài năm.

Sưu Tầm








 


 


Không có nhận xét nào:

CHÀO MỪNG QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU SÓC TRĂNG THAM QUAN, ỦNG HỘ HOANGDIEUTRUONGXUASAIGON.BLOGSPOT.COM. CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM NHIỀU SỨC KHỎE, THÀNH CÔNG TRONG CÔNG VIỆC.