Nguồn gốc những bút danh của các nhạc sĩ nổi tiếng trước 1975: Ngô Thụy Miên, Anh Việt Thu, Mặc Thế Nhân… Có nhiều nhạc sĩ đã sử dụng tên thật của mình khi viết nhạc, thí dụ như Trịnh Công Sơn, Trần Thiện Thanh, Minh Kỳ, Châu Kỳ, Nhật Ngân, Phạm Mạnh Cương, Hoàng Thi Thơ, Nguyễn Văn Đông, Vũ Thành An, Từ Công Phụng, Phạm Đình Chương, Văn Phụng, Phạm Thế Mỹ… Có nhiều nhạc sĩ lấy bút hiệu dựa trên tên thật của mình, như nhạc sĩ Lê Dinh (tên thật là Lê Văn Dinh), nhạc sĩ Anh Bằng (tên thật là Anh Bường), nhạc sĩ Hoài Linh (tên thật là Lê Văn Linh), nhạc sĩ Đỗ Lễ (tên thật là Đôc Hữu Lễ)… Tuy nhiên đa số nhạc sĩ khác sử dụng bút hiệu khác với tên thật, như là Lam Phương, Trúc Phương, Trầm Tử Thiêng, Y Vân, Ngô Thụy Miên… Bài viết này sẽ tìm hiểu ý nghĩa của những bút danh của các nhạc sĩ nổi tiếng trước năm 1975.
Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên
Nhạc sĩ Bảo Chấn là một nhạc công có tiếng trước 1975, cũng là bạn học nhạc của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên. Trong một bài viết, nhạc sĩ Bảo Chấn đã giải thích về bút hiệu Ngô Thụy Miên, một cái tên rất thi vị, và cách giải thích cũng rất thú vị. Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên tên thật là Ngô Quang Bình, là nhạc sĩ viết tình ca nổi tiếng nhất của dòng nhạc trữ tình Việt Nam. Theo lời của Bảo Chấn, thời còn đi học thì chàng học trò tên Bình thường ngủ gật trong giờ học, cứ môn nào chán là lăn ra ngủ, thường bị bạn bè chọc. Sau này viết nhạc, ông lấy luôn tên Thụy Miên, nghĩa là ngủ gật. Miên ở trong chữ này đồng nghĩa với Miên trong chữ “thôi miên”, liên quan đến sự ngủ. Xem bài khác Chuyện đời thực của Khánh Ly và Trịnh Công Sơn, từ sân trường Văn Khoa trở thành cặp đôi huyền thoại Sự hiện diện của danh ca Thanh Thúy trong nhạc Trịnh: Ướt Mi, Thương Một Người.
Nhạc sĩ Anh Việt Thu, tác giả của những ca khúc bất hủ Tám Điệp Khúc, Người Ngoài Phố, Hai Vì Sao Lạc… tên thật là Huỳnh Hữu Kim Sang, có người em trai út tên là Huỳnh Hữu Việt Thu bị tật nguyền. Là người anh trai cả trong nhà, nhạc sĩ Anh Việt Thu có trách nhiệm bảo bọc và lo cho những người em, đặc biệt là người em trai út không may mắn, nên khi viết nhạc, ông đã chọn cho mình bút danh Anh Việt Thu (anh của Việt Thu), như là luôn tự nhắc nhở mình về trách nhiệm trong gia đình. Mang trọng trách lớn nhưng nhạc sĩ Anh Việt Thu vắn số, qua đời khi mới 37 tuổi. Vào một buổi sáng, bên chiếc xe tang của ông có một người vợ trẻ là cựu nữ sinh Gia Long, cùng 2 người con thơ, người cha già rưng rưng râu trắng, người mẹ hiền tóc điểm màu sương, và một người em trai tật nguyền.
Nhạc sĩ Anh Việt Thanh
Có nhiều người tưởng rằng 2 nhạc sĩ Anh Việt Thu và Anh Việt Thanh – tác giả của ca khúc Vùng Lá Me Bay là 2 anh em. Thực ra 2 nhạc sĩ này cùng quê, và dù không phải là anh em ruột nhưng cũng có chút liên hệ họ hàng xa. Lúc sinh thời, khi được hỏi vì sao chọn bút danh này, nhạc sĩ Anh Việt Thanh đã giải thích như sau: “Sở dĩ tôi lấy tên Anh Việt Thanh là vì tôi và Anh Việt Thu ở cùng làng, có bà con xa bên mẹ, hơn nữa tôi rất phục tài của Anh Việt Thu, nên ước muốn nơi chúng tôi sinh ra có nhiều nhạc sĩ”. Nhạc sĩ Anh Việt Thu từ giã cõi đời vào ngày 15/3/1975. Như một định mệnh, đúng 40 năm sau, nhạc sĩ Anh Việt Thanh qua đời vào ngày 12/3/2015.
Nhạc sĩ Giao Tiên
Nhạc sĩ Giao Tiên là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu của loại nhạc bình dân đại chúng trước năm 1975 với các ca khúc nổi tiếng như Nhớ Người Yêu, Vó Ngựa Trên Đồi Cỏ Non, Tình Đẹp Mùa Chôm Chôm, Thư Ngoài Biên Trấn, Lại Nhớ Người Yêu, Mất Nhau Rồi… Ông tên thật là Dương Trung, khi viết nhạc, vì thấy tên này khá khô cứng nên ông muốn chọn một bút hiệu khác thi vị hơn. Nhớ lại hồi nhỏ tích truyện Hoa Tiên có nhân vật nữ chính tên là Dương Giao Tiên có cùng họ với mình, nên ông chọn bút danh Giao Tiên. Hoa Tiên là một truyện dài bằng thơ Nôm ra đời khoảng giữa thế kỷ 18 trong lịch sử văn học Việt Nam, tác giả Hoa Tiên là Nguyễn Huy Tự – một danh sĩ đời Lê trung hưng. Truyện thơ có 1532 câu lục bát (sau này được sửa, thêm thành 1826 câu) được viết phỏng theo một ca bản xuất xứ từ Trung Hoa có nhan đề là Đệ bát tài tử Hoa tiên ký.
Nhạc sĩ Y Vân
Y Vân là một trong những nhạc sĩ nổi tiếng nhất của miền Nam trước 1975, tác giả cả khúc được xem là “quốc ca tình mẫu tử” là Lòng Mẹ. Ông tên thật là Trần Tấn Hậu, và cái tên Y Vân được ông chọn cho sự nghiệp âm nhạc lẫy lừng của mình được bắt nguồn từ mối tình đầu. Y Vân nghĩa là “yêu Vân”, Vân đó là cô Tường Vân, họ yêu nhau khi nhạc sĩ mới 19 tuổi, còn nàng mới 16 tuổi. Khi gia đình biết được giữa con gái và anh nhạc sĩ nghèo đang nảy sinh tình cảm thì tìm mọi cách để ngăn cản. Tường Vân nghe lời cha mẹ đi Pháp du học, bỏ lại anh nhạc sĩ nghèo đau khổ với mối tình vô vọng bị ngăn cách bởi giàu nghèo. Bà Minh Lâm, vợ của nhạc sĩ Y Vân kể lại: “Sau này, anh vào Nam, cô Vân có gửi thư nhưng vì bận, anh không trả lời, đưa tôi giữ đến tận bây giờ. Mối tình đó tôi rất tôn trọng”. Chị Ngọc Tú – con gái của nhạc sĩ Y Vân cũng bày tỏ sự ngưỡng mộ khi nhắc về tình đầu của cha. Chị cho biết: “Bố không liên lạc vì muốn cô Vân hạnh phúc. Cô Vân nguyện sống độc thân nên từ trước đến nay thư từ chỉ một hướng từ cô. Tôi thấy thương cô”. Mối tình đầu sâu nặng đó, ngoài việc để lại cái tên Y Vân nối tiếng, còn là nguồn cảm hứng để cố nhạc sĩ Y Vân cho ra đời nhiều ca khúc nổi tiếng về sau.
Nhạc sĩ Anh Thy
Nhạc sĩ Anh Thy – tác giả ca khúc Hoa Biển – từng là học trò của nhạc sĩ Y Vân vào những năm 1960. Thời điểm này ông cũng gặp gỡ và chơi thân với nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, và chính vị nhạc sĩ nổi tiếng này đã đặt bút danh Anh Thy cho người bạn của mình. Anh Thy là nói lái lại của chữ Y – Thanh, ghép lại từ 2 tên nhạc sĩ Y Vân và Trần Thiện Thanh, có thể xem là 2 người nhạc sĩ gần gũi nhất với Anh Thy vào thời điểm đó.
Nhạc sĩ Tú Nhi
Những người yêu nhạc vàng, hầu hết đều biết Tú Nhi là bút hiệu khi sáng tác của danh ca nhạc vàng Chế Linh. Vào khoảng đầu thập niên 1960, Chế Linh nổi lên như là một hiện tượng đặc biệt trong làng nhạc với giọng hát đặc biệt: Nức nở và thổn thức, hát như là nói, như thể là muốn kể lại một câu chuyện buồn bằng âm nhạc. Cách hát này của Chế Linh đi sâu vào lòng người, được đông đảo khán giả đồng cảm, và ông cũng trở thành nam danh ca hàng đầu của nhạc vàng trong suốt 60 năm qua, được xưng tụng là “Tứ trụ nhạc vàng”. Đi cùng với giọng hát đó là sự ra đời của hàng loạt ca khúc phổ thông dành cho đại chúng nghe nhạc. Đó không phải là những bài hát đầy chất thơ đầy tính ẩn dụ sâu xa, mà là những ca khúc dễ nghe, dễ hiểu, được Chế Linh trực tiếp yêu cầu nhiều nhạc sĩ nổi tiếng thời đó sáng tác, đó là Châu Kỳ, Mạnh Phát hoặc Trúc Phương… Thời điểm này dòng nhạc vàng dành cho đại chúng vẫn còn rất sơ khởi và chưa có quá nhiều tác phẩm, trong khi đối tượng khán giả yêu thích nghe loại nhạc này là rất lớn. Nắm bắt được thị hiếu đó, Chế Linh cũng tự sáng tác nhiều ca khúc để dành riêng cho giọng hát của mình, ký bút danh là Tú Nhi. Theo lời ông giải thích, Tú Nhi nghĩa là một đứa bé tuấn tú. “Tú” có nghĩa là “tuấn tú”, “Nhi” nghĩa là “em bé”, và từ khi chọn bút danh này cho đến tận bây giờ, ông vẫn luôn mong muốn mình hồn nhiên như một đứa bé thơ.
Nhạc sĩ Đài Phương Trang
Nhạc sĩ Đài Phương Trang tên thật là Phạm Vũ Anh Tứ, tác giả của Người Yêu Cô Đơn, Hoa Mười Giờ… Xuất xứ thú vị của bút hiệu nghe rất nữ tính này được chính nhạc sĩ kể lại: “Lúc trẻ tôi là một tay đàn hát có tiếng. Bạn bè thường yêu cầu tôi biểu diễn văn nghệ để giải khuây. Thế nhưng đó là khi xung quanh chỉ toàn đàn ông, con trai bởi tôi… rất “nhát gái”. Nếu xuất hiện bóng hồng nào đó, tôi sẽ lập tức đàn hát kém đi. Từ đó nghệ danh Đài Phương Trang ra đời, là cách nói lái của “đàn phương trai”, có nghĩa chỉ đàn hát ở những nơi toàn nam nhi mà thôi!
Nhạc sĩ Mặc Thế Nhân Nhạc sĩ Mặc Thế Nhân tên thật là Phan Công Thiệt, tác giả của nhiều bài nhạc vàng nổi tiếng: Cho Vừa Lòng Em, Em Về Với Người, Tương Tư, Trả Tôi Về… Nhiều người suy đoán bút hiệu Mặc Thế Nhân của ông theo nghĩa tiêu cực, nghĩa là “mặc kệ người đời”. Tuy nhiên nhạc sĩ nói rằng ý nghĩa bút danh của ông là “góp nhặt một vài giọt mực với người đời”. Mặc nghĩa là giọt mực, chứ không phải là mặc kệ.
Nhạc sĩ Lê Uyên Phương tên thật là Lê Minh Lập. Sau này do giấy tờ bị thất lạc nên ông phải làm lại giấy khai sinh hai lần, nhân viên làm giấy tờ nhầm thành Lê Minh Lộc rồi Lê Văn Lộc. Bút hiệu Lê Uyên Phương được ông lấy họ của mình ghép với chữ Phương trong tên của mẹ, cùng với chữ Uyên tên người bạn gái đầu tiên mà ghép thành. Trong làng nhạc miền Nam trước năm 1975, dòng nhạc Lê Uyên Phương có một chỗ đứng độc tôn, khác biệt với tất cả, một loại nhạc của sự cuồng mê, của những đôi tình nhân quấn quít và rã rời bên nhau. Những bài hát của nhạc sĩ Lê Uyên Phương rất nồng nàn nhưng cũng đầy khắc khoải với những lo âu về thời cuộc, những yêu đương thường vội vã và nhân tình luôn muốn được trọn vẹn ở bên nhau.
Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 là tác giả của những bài hát nổi tiếng Tình Khúc Chiều Mưa, Buồn Ơi Chào Mi, Không… Ông tên thật là Nguyễn Đình Ánh, khi chơi nhạc ở các phòng trà Sài Gòn, ông lấy nghệ danh rút gọn là Nguyễn Ánh. Tuy nhiên sau đó, có người nói tên này phạm huý vua (vua Gia Long – Nguyễn Ánh), ông bèn nghĩ ra tên khác. Trong một lần ngồi suy ngẫm, đếm ký tự của tên N G U Y E N A N H thấy vừa tròn 9 ký tự, nên ông lấy luôn nghệ danh thành Nguyễn Ánh 9. Đó cũng là một cái tên độc đáo, khác biệt và dễ gây chú ý.
Nhạc sĩ Trúc Phương
Có thông tin cho rằng chữ Trúc trong bút hiệu Trúc Phương của người nhạc sĩ tài hoa bậc nhất dòng nhạc vàng này bắt nguồn từ tre trúc có rất nhiều ở nơi ông sinh ra. Tuy nhiên những người con của nhạc sĩ Trúc Phương đã phủ nhận thông tin này, và có người nói rằng tên Trúc Phương được ông mượn từ tên của một người trong họ hàng, và đơn giản là vì ông thích cái tên đó. Nhạc sĩ Trúc Phương tên thật là Nguyễn Thiện Lộc, là tên tuổi lớn nhất của thể loại nhạc vàng giai điệu bolero, rumba.
Nhạc sĩ Lam Phương
Nhạc sĩ Lam Phương tên thật là Lâm Đình Phùng, là một trong những tên tuổi tiêu biểu nhất của làng nhạc miền Nam trước 1975. Ông chọn bút danh Lam Phương là từ cái tên thật Lâm Phùng của mình, nhưng cũng mang ý nghĩa là phương trời màu xanh, mong muốn hướng tới những điều tốt đẹp.
Nhạc sĩ Trường Sa tên thật là Nguyễn Thìn, sáng tác nhạc từ năm 17 tuổi (1957), nhưng lúc đó ông chưa lấy bút hiệu là Trường Sa. Phải đến năm 1964, ông ra mắt ca khúc Một Lần Xa Bến khi đang giữ chức hạm phó tàu tuần duyên mang tên Trường Sa, nên đã chọn tên này làm bút danh để sáng tác thêm hàng loạt ca khúc nổi tiếng: Hành Trang Giã Từ, Chuyện Người Đan Áo, Mùa Thu Trong Mưa, Rồi Mai Tôi Đưa Em, Xin Còn Gọi Tên Nhau, Một Mai Em Đi.
Nhạc sĩ Khánh Băng Nhạc sĩ Khánh Băng tên thật là Phạm Văn Minh, tác giả của những bài hát quen thuộc như Sầu Đông, Vườn Tao Ngộ, Giờ Này Anh Ở Đâu, Có Nhớ Đêm Nào… Ngoài cái tên Khánh Băng, ông còn sử dụng các bút hiệu khác là Nhật Hà, Anh Minh. Tên Khánh Băng được ông ghép từ tên 2 cô bạn thân, một tên Khanh, một tên Băng, thêm dấu sắc tên đầu, từ đó có tên Khánh Băng.
Nhạc sĩ Hàn Châu
Nhạc sĩ Hàn Châu tên thật là Lê Đình Nam, tác giả của những ca khúc nổi tiếng: Những Đóm Mắt Hỏa Châu, Thành Phố Sau Lưng, Ngày Mai Tôi Về… và bút danh Hàn Châu không phải do ông đặt, mà được nhạc sĩ Hoàng Trang đặt giúp khi sáng tác ca khúc Ngỏ Hồn Qua Đêm. Bài hát Ngỏ Hồn Qua Đêm được ký với 2 tên Triết Giang – Hàn Châu nên lâu nay người ta vẫn tưởng là bài hát được 2 người viết chung. Tuy nhiên theo gia đình nhạc sĩ Hoàng Trang cho biết thì bài hát chỉ do 1 mình Hoàng Trang viết, và ông muốn giúp đỡ người bạn chưa có tên tuổi là Lê Đình Nam nên để thêm tên Hàn Châu vào.
Theo vợ của nhạc sĩ Hoàng Trang kể lại, khi sáng tác bài hát này, vợ chồng nhạc sĩ Hoàng Trang còn rất nghèo, ở trong một căn gác xép nhỏ ở số nhà 218/1 đường Trần Quý Cáp (nay là Võ Văn Tần). Khi hoàn thành bài hát, nhạc sĩ Hoàng Trang nhìn lên tấm bản đồ Việt Nam dán trên tường nhà, thấy bên trên nước Việt Nam là sơ đồ nước Trung Quốc có ghi 2 cái tên Hàn Châu và Triết Giang. Hàn Châu (sau này ghi là Hàng Châu) là một thành phố du lịch nổi tiếng, thủ phủ của tỉnh Triết Giang (sau này ghi là Chiết Giang) ở Trung Quốc. Thấy hai cái tên này lạ và hay nên ông lấy luôn tên Triết Giang cho mình và tên Hàn Châu cho người bạn.
Nhạc sĩ Lê Thương Lê Thương là nhạc sĩ tiên phong và có nhiều đóng góp cho sự hình thành và phát triển của tân nhạc Việt Nam, là tác giả của Hòn Vọng Phu, Thu Trên Đảo Kinh Châu, Thằng Cuội… Nhạc sĩ Lê Thương tên thật là Ngô Đình Hộ, và bút danh Lê Thương của ông được ghép họ mẹ với tên con sông Thương – dòng sông của tuổi thơ đầy ắp kỷ niệm trong những dịp nghỉ hè ở đồn điền tại Đồng Đăng (Lạng Sơn) của gia đình của một người bạn học. Nơi đây ông cũng có dịp nhìn ngắm tượng đá vọng phu, là nguồn cảm hứng để nhiều năm sau đó ông viết thành bài trường ca bất tử.
Nhạc sĩ Viễn Chinh tên thật là Nguyễn Quốc Việt, tác giả của ca khúc Mùa Xuân Trong Thư Em và Nhật Thực. Bút hiệu Viễn Chinh của ông được kết hợp từ tên của 2 người bạn thân thuở nhỏ là Viên Và Chinh. Ông thêm dấu (~) để thành tên Viễn Chinh.
Nhạc sĩ Tuấn Khanh là tác giả của Chiếc Lá Cuối Cùng, Hoa Soan Bên Thềm Cũ, Mùa Xuân Đầu Tiên… Ông tên thật là Trần Trọng Ngọc, trước khi sáng tác nhạc ông là ca sĩ đã đạt giải ở đài phát thanh Pháp Á, đi hát với cái tên Trần Ngọc. Đến khi viết nhạc, ông ghép tên người anh là Trần Trọng Tuấn – là người đã khai tâm trong âm nhạc cho ông vào thuở ban đầu, cùng với tên Khanh, là tên con của ông Trần Trọng Tuấn, để thành tên Tuấn Khanh.
Bộ lạc ở Thái Bình Dương cho phép phụ nữ bắt cóc đàn ông làm của riêng.
Tại quần đảo Trobriand ở Nam Thái Bình Dương, phụ nữ có thể bắt đàn ông về để phục vụ mình và có quyền tự do đổi chồng, không ai phản đối nếu người phụ nữ bắt cóc một người đàn ông theo ý thích của mình và anh ta cũng không thể báo cảnh sát.
Đó là sự thật đối với người dân các bộ lạc sống ở quần đảo Trobriand, phía nam Thái Bình Dương và là một phần của quốc gia Papua New Guinea, theo Trinidad Express.
Các bộ lạc sống trên đảo Trobriand ngày nay vẫn duy trì chế độ mẫu hệ, người phụ nữ có quyền lực tuyệt đối trong gia đình. Phụ nữ được người đứng đầu bộ tộc cho phép bắt cóc đàn ông, sở hữu đàn ông theo cách mình muốn, theo một nghĩa nào đó thì có thể tấn công tình dục đàn ông.
Phụ nữ thường ẩn mình trong bụi rậm (Trobriand là thiên đường của rừng nhiệt đới), phục kích một người đàn ông đang đi bộ trên đường hoặc khi người đàn ông đó đang đứng một mình.
Có một nguyên tắc mà các phụ nữ phải tuân theo đó là người đàn ông bị bắt cóc không được phép là thành viên trong cùng một bộ lạc, một ngôi làng. Đó phải là thành viên bộ lạc hoặc ngôi làng khác sống trên đảo.
Một số người đàn ông kể rằng họ đã bị phụ nữ bắt cóc hai lần. Ban đầu họ cảm thấy sốc và sợ hãi nhưng sau đó thì cũng thấy quen. Bên cạnh đó, nếu một người đàn ông bị bắt cóc vì một lý do nào đó không thể thỏa mãn phụ nữ thì sẽ bị người phụ nữ đó trừng phạt theo ý muốn.
Thời điểm nguy hiểm nhất đối với đàn ông sống ở quần đảo Trobriand là vào dịp lễ hội, đặc biệt khi người đàn ông ở một mình. Do đó, mỗi khi ra ngoài vào thời gian này, đàn ông thường rủ nhau đi theo nhóm để đề phòng.
Người Trobriand khi đạt đến độ tuổi nhất định được tự do khám phá và quan hệ tình dục với người khác giới. Chỉ sau vài năm, phụ nữ Trobriand được khuyến khích thay đổi bạn tình, có quyền tự do đổi chồng. Theo quan niệm của người Trobriand, các cô gái ngủ với càng nhiều chàng trai càng tốt để chọn ra một người đàn ông tốt nhất và phù hợp nhất.
Nếu hai người muốn kết hôn, các cô gái chỉ cần đảm bảo rằng chàng trai sẽ ở bên cạnh mình cho đến khi Mặt trời mọc vào sáng ngày hôm sau. Nhiều cô gái thuần thục chuyện tình dục biết cách để giữ cho chàng trai ở bên mình đến đúng giờ quy định. Nếu một cặp đôi Trobriand muốn kết hôn, họ cũng có thể thể hiện sự quan tâm bằng cách không chỉ ngủ cùng nhau mà còn dành thời gian bên nhau và ở với nhau trong vài tuần.
Cha mẹ cô gái sẽ đồng ý khi cô gái chấp nhận món quà từ chàng trai. Sau đó, cô gái chuyển đến nhà chàng trai, ăn cơm ở đó và đi cùng chồng suốt cả ngày. Tin đồn sẽ lan truyền rằng chàng trai và cô gái đã kết hôn.
Nếu một người phụ nữ không hạnh phúc với chồng mình sau một năm, cô ấy có thể ly hôn. Người Trobriand dường như rất chuộng khoai lang, vì đây là một trong những vật phẩm không thể thiếu khi người đàn ông muốn làm hòa với vợ mình.
“Người dân Trobiand có quan điểm thoải mái về tình dục trước và thậm chí sau khi kết hôn”, nhiếp ảnh gia Eric Lafforgue giải thích trên tờ Daily Mail. “Các cô gái học về cách tránh thai rất sớm và trinh tiết ở đây không có giá trị”.
Người Trobriand vẫn sinh sống theo phong tục truyền thống, không hiểu được mối liên hệ giữa quan hệ tình dục và mang thai. “Nếu một cô gái có thai, gia đình cô ấy sẽ nuôi em bé. Người dân trên đảo tin rằng mang thai là kết quả của linh hồn tổ tiên nhập vào cơ thể người phụ nữ”, Lafforgue nói.
Mặc dù ngày càng nhiều người dân ở đảo được đi học, thái độ cởi mở về tình dục vẫn được giữ nguyên. “Giáo dục phương Tây đã thay đổi quan điểm của một số người nhưng không phải tất cả đều hướng đến tư tưởng hiện đại”, Lafforgue nói. “Mối quan hệ vợ chồng ở đảo không giống như ở châu Âu. Ở Trobriand, đàn ông phải tặng quà cho vợ để trả ơn vì đã quan hệ tình dục với anh ta”.
Quan điểm thoải mái về tình dục của người dân Trobiand cũng dẫn đến hậu quả là nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS và các bệnh truyền nhiễm khác.
Nhưng ngay điều này cũng không ngăn người dân trên đảo từ bỏ hoàn toàn các tập tục truyền thống. “Ở một số cộng đồng trên đảo, quan hệ trước hôn nhân vẫn là một phần của “lối sống bình thường”, Lafforgue nói.
Cuối cùng, tập tục truyền thống của người Trobriand không áp dụng với người ngoài. “Người dân địa phương rất tự hào và coi trọng dòng dõi của họ”, Lafforgue nói.
Sưu Tầm
Top 8 nơi khó tin tồn tại thật trên Trái đất.
Từ tảng đá "phản trọng lực" đến những ngọn núi lạ lùng, thế giới có nhiều điểm du lịch nổi tiếng như thuộc về một hành tinh khác.
Tảng đá Kummakivi, Phần Lan: Kummakivi, nghĩa là "Tảng đá kỳ lạ", có kích cỡ lớn. Điều đáng ngạc nhiên là nó nằm trên một tảng đá nhỏ hơn rất nhiều, thăng bằng một cách ngoạn mục. Theo truyền thuyết địa phương, những người khổng lồ đã tạo ra tác phẩm này. Các nhà khoa học cho rằng nguyên nhân là những dòng sông băng đã tan cách đây hơn 8.000 năm, để lại tảng đá lớn trên nền đá, sau này bị xói mòn dần. (Ảnh: Charismatic Planet).
Hang pha lê, Mexico: Nằm trong mỏ Naica ở núi Sierra de Naica, Mexico, hang pha lê được phát hiện từ 20 năm trước. Với những khối pha lê khổng lồ, dài đến 12 m và có đường kính đến một m, hang động này có khung cảnh như trong một câu chuyện viễn tưởng. (Ảnh: Liftl).
Núi cầu vồng, Peru: Những ngọn núi có màu sắc rực rỡ này được phát hiện vào năm 2015, khi sông băng phủ trên dãy núi tan ra và hòa trộn với các khoáng chất trong đất. Các tầng lớp màu sắc được tạo thành từ những loại khoáng chất khác nhau, đỏ từ hỗn hợp gỉ sắt, xanh từ clo và vàng từ sắt sunfua. (Ảnh: CNBC).
Đảo Socotra, Yemen: Hòn đảo ngoài khơi Yemen này là nơi duy nhất trên thế giới có những cây huyết rồng cổ xưa. Cây có tán giống như chiếc ô và nhựa màu đỏ như máu, ngày nay được dùng làm thuốc nhuộm và màu vẽ. (Ảnh: FT).
Fly Geyser, Nevada, Mỹ: Ở rìa sa mạc Black Rock của bang Nevada, du khách sẽ được chiêm ngưỡng khung cảnh như ở hành tinh khác. Suối phun Fly Geyser, nằm giữa vùng địa chất có màu sắc rực rỡ, hình thành năm 1916 khi một công ty điện khoan thử giếng. (Ảnh: WonderOUT).
Blue Hole, Belize: Là một phần hệ thống rạn san hô Belize Barrier, hố sụt này rộng đến 300 m và sâu 125 m, có thể nhìn thấy từ không gian. Đây được xem là một trong những điểm lặn đẹp nhất thế giới. (Ảnh: BMOT).
Công viên Trương Gia Giới, Trung Quốc: Được xem là cảm hứng tạo nên thế giới trong Avatar, cấu trúc đặc biệt của những núi đá dạng cột ở đây khiến chúng giống như đảo bay lơ lửng mỗi khi có sương ở khu rừng. (Ảnh: Hangzhoutours).
Thác máu, Nam Cực: Thác nước có màu đỏ rực rỡ, nổi bật giữa băng tuyết là một trong những bí ẩn của tự nhiên. Có nguồn từ sông băng Taylor, nước của thác chứa những vi sinh vật tiền sử và có lượng sắt cao, tạo ra màu đỏ như máu. (Ảnh: PBS).
Sưu Tầm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét