.

.

a

Hoa đào nở, chim én về, mùa xuân lại đến. Chúc quý thầy cô và anh chị em đồng môn năm mới Giáp Thìn : - nghìn sự như ý, vạn sự như mơ, triệu sự bất ngờ, tỷ lần hạnh phúc.
THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ, ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU - MỘT NĂM MỚI AN KHANG THỊNH VƯỢNG - VẠN SỰ NHƯ Ý

22 tháng 3 2024

Truyện ngắn về tình yêu – hôn nhân: ĐÀN BÀ KHÔN, DẠI…




1
Đứa con nhỏ chưa đầy một tuổi cứ khóc ngằn ngặt mãi không nín. Dù đôi tay mỏi rã rời nhưng chị vẫn không thể đặt nó xuống giường được. Chị cố dỗ dành, bày trò đủ cách nhưng suốt buổi, con vẫn không chịu bú sữa, chỉ chực khóc. Nhìn con, chị ứa nước mắt.

Chị định gọi điện thoại cho chồng nhưng cơn ghen âm thầm khiến chị ấm ức mãi không quên. Đêm qua, chị tình cờ nhìn thấy tin nhắn của một cô gái lạ gửi cho anh. “ À anh ơi…!”, chị lộn ruột lên bởi chỉ đọc được một đoạn tin nhắn ngắn ngủn trên màn hình điện thoại. Anh cài mật khẩu, chị không tài nào mở được để đọc cho hết đoạn sau. Suốt đêm bồn chồn, chị không tài nào chợp mắt.

Mỗi lần thấy anh vội vàng chạy ra ngoài nghe điện thoại, lòng chị lại nhen nhóm những nỗi hoài nghi. “Hay anh đang cặp bồ…?”. Chị cố xóa đi những tưởng tượng không đứng đắn cho chồng.

Nhiều lần, anh nổi cáu giải thích: “Khách hàng này quan trọng lắm, trong phòng con khóc to như vậy, anh phải ra ngoài mới nghe được”.

Biết chồng làm nghề bán hàng, chạy doanh số nên tin nhắn điện thoại của khách hàng đổ dồn liên tục đêm ngày. Dù chưa một lần bắt được chồng tăm tia cô nào nhưng chị vẫn không sao an lòng, nhất là mỗi khi đọc hay nghe được đâu đó, chuyện đàn ông thích ra ngoài mèo mả gà đồng.

Mỗi ngày ở nhà ôm con vò võ trong bốn bức tường, chị lại càng hay suy nghĩ vẩn vơ: không biết giờ này chồng ở đâu, làm gì, đi với ai…!?

Những cơn ghen âm ỉ trong tim, cùng bao lo âu căng thẳng khi ở cữ chăm con nhỏ, bào mòn người chị còn một nắm. Mặt mày nhàu nhĩ, dáng đi thất thểu, trông chị thân tàn ma dại khiến người thân, bạn bè giật mình, không nhận ra. Với chị, mỗi ngày trôi qua lại tràn ngập lo sợ, với những nỗi buồn không biết gọi tên…Chị đau khổ trong lòng mà chẳng thế trút bầu tâm sự với ai được?

2
Ngôi nhà của cô quanh năm phủ đầy hoa giấy rực rỡ từ dưới đất lên tận sân thượng, mỗi ngày, luôn văng vẳng tiếng chim hót ríu rít vui tai. Chồng làm thầu xây dựng, đi công trình biền biệt nhưng nhìn tổ ấm của mẹ con cô, ít ai nghĩ thiếu vắng người đàn ông.

Mờ sáng, trong căn nhà ấy lại phát ra tiếng nhạc tập thể dục nhịp điệu sôi nổi. “Dáng cháy quá hen…”. “Gái hai con trông mòn con mắt…”. Mỗi lần, cô ra chợ lại nhận được tràng khen ngợi của các chị, các bà nội trợ.

Cứ như thường lệ, chập choạng tối, cả con hẻm, hàng xóm lại quen thuộc với tiếng cười nói í ới của ba mẹ con cô. Những cây vợt đập vào quả cầu phầm phập. Cô bật cười nắc nẻ, mỗi khi con gái đánh quả cầu hụt.

Dẫu chồng vắng nhà suốt nhưng chẳng bao giờ người ta thấy cô mang gương mặt ủ ê. Ở cô luôn tỏa ra niềm yêu đời phơi phới, có lẽ vì vậy mà hai đứa con cô cũng hưởng lây cái tính xởi lởi hay cười nói của mẹ.

“Chồng đi suốt, không ghen à?”, nhiều lần nghe thiên hạ dèm pha những câu khó nghe nhưng đáp lại, cô vẫn cười điềm đạm. Cô bảo: “Có lẽ phụ nữ khổ, vì họ luôn lo sợ những điều chưa kịp xảy ra. Sống mà luôn nơm nớp lo lắng chồng theo vợ nhỏ, chồng bỏ, chồng chán… thì mình còn đâu tâm trí để tận hưởng và cảm nhận hạnh phúc nữa”.

Ai đó từng bảo rằng: Trong chuyện tình yêu – hôn nhân, đôi khi cũng như chúng ta nắm một nắm cát ở trong bàn tay, càng nắm chặt lại càng rơi ra, phải không các bạn!?

✍️Tác giả: Nguyễn Nga
Trích từ tập truyện ngắn tự cổ chí kim chưa xuất bản!


SỰ HUYỀN DIỆU


Từ câu chuyện có thật.

Buổi chiều tối mùa đông băng giá, bên ngoài tuyết phủ trắng xóa lấp lánh dưới ánh trăng rằm cuối năm, Quân đem vài thanh củi đến bên lò sưởi đốt lên sưởi ấm căn phòng. Mùi gỗ thông thơm thoang thoảng dễ chịu...
Như thường lệ,sau khi dùng cơm chiều anh thường đem máy Laptop đến ngồi trên chiếc ghế bành cạnh lò sưởi, vào mạng internet. Anh thích cảm giác ấm áp từ ánh lửa tỏa ra, thích ánh sáng chập chùng đem đến niềm thư thái an lạc.
Hôm nay,sau khi đọc tin tức đó đây, Quân vào trang mạng Craiglist được hầu hết người ở Mỹ dùng để giao dịch mua bán đồ đã qua sử dụng tại địa phương, anh muốn kiếm cái máy thổi tuyết đã dùng qua nhưng không thấy ai đăng bán.
Trong lúc định tắt máy, anh ngước nhìn bức tranh sơn dầu có hình Đức Phật mỉm cười treo trên tường, ánh sáng từ lò sưởi làm bức tranh sống động linh thiêng lạ kì.Bỗng nhiên như vô thức anh gõ chữ Buddha(Phật) trên trang mạng Craiglist và bấm nút search (tìm)
Trên màn hình, những dòng chữ hiện ra: Cần chuyển nhượng chiếc tủ thờ Phật,nhà sắp bàn giao. Xin liên hệ với ông Ted Tazuma số điện thoại.. để biết thêm giá cả và chi tiết.
Hết sức ngạc nhiên, Quân không ngờ trang mạng tại một tiểu bang đa số người da trắng lại xuất hiện mẩu tin này, ngày đăng lời rao vặt cũng đã gần ba tháng. Đọc tên họ, anh biết ông Ted là người gốc Nhật. Nhìn đồng hồ cũng chưa quá tối, anh bấm số gọi, bên kia đầu dây có tiếng người đàn ông lớn tuổi:
- Xin chào ! Tôi là Ted Tazuma.
- Cháu là Quân, có đọc mẩu tin rao bán chiếc tủ thờ nên gọi cho ông. Cháu là Phật tử. Ông có thể gởi hình cho xem trước và cho biết giá được không ạ?
- Anh là Phật tử à! Thật tốt quá. Về hình và giá, có lẽ anh nên đến xem để cảm nhận trọn vẹn, chúng ta sẽ nói chuyện với nhau.
- Thưa ông Ted, có ai xem và trả giá chưa ạ, xin ông cho địa chỉ.
- Cũng có vài nơi trả giá nhưng chúng tôi vẫn chưa quyết định bán. Địa chỉ nhà tôi là…
- Ô, nhà ông Ted ở tận North-Bend à? Cách nơi cháu gần 200km. Ông có thể chờ đến ngày thứ Bảy được không? Ngày cuối tuần nghỉ làm, cháu mới lái xe đi được.
- Ừa được, tôi chờ anh nhé.
Không chờ lâu hơn được nhé, vì thứ Tư sau đó tôi đã giao nhà cho người mua rồi.
Thứ Bảy, Quân dậy sớm chuẩn bị cho chuyến lái xe xa. Bên ngoài tuyết vẫn rơi, phủ dày. Anh cặm cụi móc dây xích chốg trơn trượt vào các báh xe pickup (bán tải), đem theo xẻng, đồ ăn khô, thức uống, túi ngủ để đề phòng trường hợp tuyết lở trên các đoạn đèo làm đường nghẽn không di chuyển được...
Quân không ngờ mình lại quyết định lái đến nơi xa trong tình trạng thời tiết băng giá để xem một vật không biết rõ hình thể, chất lượng, cũng không biết giá cả ra sao. Có điều gì đó thôi thúc anh và có lẽ đây là lần đầu tiên anh hành động như thế.
Quân lái xe trên con đường tỉnh lộ hoang vắng, những cánh đồng tuyết dài bất tận, những rừng dương, đồi núi hùng vĩ khoác màu trắng trinh nguyên đẹp lạ kỳ.
Thông thường vào mùa hè khoảng cách từ nhà Quân đến ông Ted chỉ cần 2 giờ lái. Mùa đông do đường đóng băng, xe phải gắn xích, thời gian lái tăng lên gấp đôi vì không thể lái nhanh được.
Tuy nhiên, do phải chú tâm thao tác tay lái liên tục để chống trượt, Quân thấy thời gian trôi qua rất nhanh, chẳng mấy chốc anh thấy mình đã đến thành phố North-Bend lúc gần trưa dù ra đi hồi sáng sớm. Theo hướng dẫn của máy bản đồ định vị, Quân cho xe dừng lại trước căn nhà gạch, đồ sộ như biệt thự. Lối bộ hành từ chỗ đậu xe đến cửa được thổi tuyết sạch sẽ tươm tất. Đến bên cánh cửa đôi bằng gỗ tếch sang trọng, anh bấm chuông.
Một lúc lâu, cụ già có nét mặt Á châu Nhật Bản, tay chống gậy, mở cửa, cười hiền lành:
- Anh đi vào kẻo lạnh, thời tiết như thế này tưởng anh không tới được.
Quân bước vào trong,căn phòng khách rộng có nhiều thùng đựng đồ, được chồng lên nhau như chuẩn bị dọn nhà. Ông cụ bước đi yếu đuối, hai tay chống trên khung gậy trợ lực, mời anh theo ông qua phòng kế bên. Ông bật đèn lên, trước mặt Quân là một chiếc tủ đen, cửa đóng kín, nằm uy nghi giữa căn phòng có sàn gỗ hoàn toàn trống trải. Ông Ted lên tiếng: "Anh tự nhiên xem nhé. Anh thích mua thì chúng ta nói chuyện..."
Chiếc tủ có chiều cao khoảng 1m5, phần dưới có các hộc tủ, phần trên có bộ khung cửa 4 cánh được đính bản lề kim loại rất tinh tế nhưng mạnh mẽ khiến Quân cảm được năng lực thiêng liêng, cao quý bên trong. Quân bước chậm nhẹ đến trước chiếc tủ, ông Ted dõi mắt nhìn theo.
Quân đứng lặng yên vài giây, nghiêm trang chắp tay kính cẩn xá một xá. Không gian tĩnh lặng quá, Quân nghe được cả tiếng tim đập, anh hồi hộp mở 2 cánh cửa: một vừng hào quang lung linh phản chiếu diệu kỳ, Quân giương to mắt ngạc nhiên trầm trồ...
Mặt sau đôi cánh cửa đen được dát vàng lóng lánh, Quân đối diện đôi cửa thứ hai chạm trổ tinh vi có màn lưới mỏng thấy được kiến trúc huyền bí, mờ ảo bên trong. Nhẹ nhàng, anh mở nốt cánh cửa thứ hai: Một Phật Hùng Bảo Điện uy nghi, sáng ngời hiển lộ. Hình ảnh Đức Phật lấp lánh, sống động tỏa từ quang chiếu rọi. Một thế giới tâm linh trang nghiêm, tràn đầy Phật lực.
Quân ngạc nhiên xuýt xoa như không tin vào mắt mình khi thấy được nội điện bên trong chiếc tủ. Một cấu trúc chùa chiền vĩ đại không những về kiến trúc mà cả tâm linh được công phu thể hiện gọn nhỏ bên trong chiếc tủ như nghệ thuật bonsai điêu luyện. Đứng trước chiếc tủ gỗ, Quân cảm được uy lực, nét trang nghiêm vốn chỉ có nơi chốn thiền môn. Anh quỳ xuống, thành tâm lạy ba lạy như mỗi khi vào Phật điện.
Quân quay về hướng ông Ted:
- Ông ơi! Chiếc tủ thờ uy nghi, công phu mỹ thuật quá. Cháu thấy lần đầu tiên trong đời. Chiếc tủ này phải quý lắm, giá phải cao lắm. Cháu e không mua nổi. Được chiêm ngưỡng chiếc tủ thật không uổng công cháu lái xe đến đây ông ạ.
Ông Ted khuôn mặt tươi, cười rạng rỡ:
- Cháu qua phòng khách, chúng ta cùng nói chuyện.
Cha ông Ted sinh ra ở Nhật; ông theo cha mẹ qua Mỹ định cư khi chỉ mới 2 tuổi. Đây là chiếc tủ thờ Phật của cha ông Ted,không biết có từ thời nào. Ông Ted còn nhớ hồi 2, 3 tuổi đã được cha hướng dẫn tới làm lễ trước tủ thờ. Hai mươi năm trước cha mất, ông thừa hưởng chiếc tủ thờ dù đã có riêng một chiếc nhỏ hơn nhiều. Cách đây 4 năm, ông Ted bị đụng xe chấn thương cột sống nên di chuyển khó khăn, nay tuổi đã lớn không thể sống một mình, đành bán nhà vào khu dưỡng lão. Do diện tích phòng trong khu dưỡng lão khá khiêm tốn, ông chỉ có thể đem theo chiếc tủ thờ Phật nhỏ của mình.
Ngồi xuống chiếc ghế nệm, ông Ted chậm rãi:
- Cháu thích chiếc tủ này lắm phải không?
Quân nhìn ông, mỉm cười gật đầu:
- Cháu chưa bao giờ thấy được một tủ thờ huyền diệu tuyệt mỹ như vậy. Khi đứng đối diện tủ thờ, cháu cảm được nguồn thiêng liêng, từ lực phát ra ông ạ.
Ông Ted choàng tay qua, vỗ nhẹ nhẹ vào vai Quân:
- Nhiều người đọc tin rao vặt xin đến xem. Có người trả 1 ngàn, 5 ngàn, có người trả 10 ngàn... nhưng ta không bán vì họ toàn là những người sưu tầm đồ cổ hoặc thấy đẹp mua về để trưng bày.
Quân chêm vào:
- Nhưng cháu không đủ tiền để mua vật quý giá này đâu thưa ông.
Giọng ông Ted lộ chút xúc động:
- Nhìn cháu tiếp xúc chiếc tủ thờ, ta biết đã gặp đúng người. Còn vài ngày nữa là giao nhà, ta cứ tưởng phải tiễn chiếc tủ thờ cho các người sưu tầm đồ cổ.
Ông Ted nhìn Quân một lúc lâu, cười hiền từ:
- Ta bán cho cháu giá 200 nhé, không thêm, không bớt. Ta không thể cho, vì cho thì cháu sẽ mang ơn ta.
Quân hốt hoảng:
- Không thể được đâu ông ạ. Chiếc tủ quý thế này phải trên 10 ngàn ông ạ. Cháu được xem lần đầu là thỏa nguyện rồi. Ông hãy bán cho người sưu tầm đồ cổ để có tiền lo cho tuổi già.
Ông Ted cất tiếng cười :
- Ta đã bán căn biệt thự này thì thêm 10 ngàn, 20 ngàn đâu có thay đổi gì. Điều ta cần là tìm được người mỗi ngày biết sống, biết giao cảm thiêng liêng với chiếc tủ thờ. Trong hộc tủ thờ, có vài cuốn kinh, văn hóa phẩm bằng tiếng Nhật của cha ta. Con giữ làm kỷ niệm, không thì đốt giùm nhé. Ta đã giữ quá nhiều đồ của ông cụ rồi, không thể đem thêm được nữa, ta lại không biết tiếng Nhật.
Quân bối rối:
- Cháu rất cảm động,cám ơn ông nhiều lắm. Cháu cứ tưởng mình đang sống trong mơ ông ạ...!
Quân trang trọng an vị chiếc tủ thờ trong phòng khách được anh thiết kế thành thiền phòng. Mỗi đêm anh thường tắt hết đèn điện, thắp ngọn nến nhỏ, gõ tiếng chuông ngân vang, ngồi thiền. Một không gian phản chiếu hào quang huyền diệu.Quân cảm được năng lượng từ bi, thanh tịnh phát tỏa từ Đức Phật lung linh gần gũi.
Vài tháng sau, Quân bắt đầu xem những tập sách in bằng tiếng Nhật xếp đầy trong các hộc tủ bên phần dưới tủ thờ. Cầm từng cuốn sách, lật vài trang, liếc vội dòng chữ, anh nghĩ thầm chắc đây là lời kinh bằng Hán tự như tiếng Việt xưa. Anh chợt để ý dòng chữ bên trong tập sách mỏng như được viết bằng bút lông, ruột sách hầu hết là giấy trắng đã hoen màu, ngoài bìa có vài chữ được in lớn.
Quân dù không biết Hán tự,nhưng nhìn nét bút lông tinh tế, đẹp đều, anh suy đoán những dòng chữ này ắt phải có ý nghĩa rất quan trọng. Anh chụp hình bìa sách rồi gởi tin nhắn(text message) đến người bạn Việt Nam sống tại Nhật mà anh quen qua mạng xã hội:
- Chị Du ơi, lâu ngày không liên lạc, nay làm phiền chị rồi. Mấy chữ ngoài bìa sách nói gì thế?
Chị Du:
- Chào anh Quân, lâu quá nay mới thấy. Chữ này có nghĩa là Gia Phả Tổ Tiên.
Quân chụp hình trang viết tay gởi chị Du:
- Chị dịch thêm vài dòng trang này nhé có phải là chữ viết tay không?
- Mấy trang này nói ngày sinh, ngày mất của ông bà tổ tiên, nghề nghiệp, quê quán… tương tự cách ghi chép gia phả của người Việt Nam. Nét chữ rất đẹp, có thể do quý tôn sư trong chùa viết.
Quân kể chị Du nghe về chiếc tủ thờ và người Mỹ già gốc Nhật rồi nhờ thêm:
- Có 3, 4 trang chị dịch ra tiếng Việt giùm nha, rồi Quân sẽ dịch ra tiếng Anh. Biết đâu ông già Nhật muốn biết những điều này. Mai mốt gặp nhau ở Mỹ hay ở Việt Nam, Quân hậu tạ nhé!
Chị Du:
- Không sao đâu anh Quân, giúp chút xíu có gì đâu mà. Nhưng đãi nhà hàng thì cũng nhận đấy!
Hôm sau, Quân gọi cho ông Ted theo số lưu lại trong điện thoại di động. Anh hồi hộp nghe chuông reng, hy vọng ông không đổi số, đầu dây có tiếng quen thuộc:
- Xin chào, tôi Ted đây.
Quân mừng rỡ:
- Chào ông, cháu là người mua tủ thờ của ông. Ông ơi, mấy cuốn kinh trong hộc tủ thờ, có cuốn là gia phả nhà ông.
Ông Ted ngạc nhiên:
- Hả, cháu nói gì, cuốn gia phả hả?
- Dạ phải, vì ghi ngày sinh, quê quán, nghề nghiệp của hầu hết người có tên họ là Tazuma.
Ông Ted thốt lên mừng rỡ:
- Ôi tốt quá! Thật không ngờ. Khi cha ta sống thì ta không thèm để ý. Đến khi cha ta mất, khát khao muốn biết gốc gác thì không biết hỏi ai. Gần đất xa trời ta cứ ôm hận không biết tổ tiên mình.
Quân nhẹ nhàng:
- Dạ, ông cho cháu địa chỉ mới, cháu gởi cuốn gia phả và bản dịch tiếng Anh cho ông ạ.
Ông Ted sung sướng cười lanh lảnh:
- Nhân quả, Phật pháp tuyệt vời làm sao. Nếu ta ham tiền thì đâu thể gặp cháu. Cháu cho ta món quà vô giá!
Ông cười to, nói tiếp:
- Một ông Việt ở Mỹ mua đồ của ông Nhật ở Mỹ, rồi ông Việt lại nhờ bạn Việt ở Nhật dịch tiếng Nhật ra tiếng Việt, ông Việt lại dịch ra tiếng Mỹ... Chuyện như một giấc mơ, cháu nhỉ!
Quân phấn khởi cười với ông:
- Dạ, cháu đến giờ nhìn chiếc tủ thờ vẫn tưởng đang mơ ông ạ. Ông và cháu có một giấc mơ rất đẹp.
Ông Ted cười khoái chí:
- Điều đẹp nhất là giấc mơ của chúng ta có thật. Phật pháp nhiệm mầu quá, cháu nhỉ...

Bài & ảnh sưu tầm 



Nếu Mẹ Trẻ Lại

Tôi vội vàng bỏ vào giỏ xách quả cam và miếng bánh bông lan để chuẩn bị đi thăm mẹ. Nursing Home chỉ cách nhà 15 phút lái xe rất tiện cho tôi đến thăm mẹ mỗi ngày. Tưởng rằng về hưu tôi sẽ có nhiều thì giờ thong thả hơn để thăm mẹ thế mà vẫn thường có lý do bận rộn, không chuyện này thì chuyện kia, lần nào cũng hấp ta hấp tấp.
Hôm nay tôi vừa đi dự đám sinh nhật cháu một người bạn nên về nhà trễ, thế là đi thăm mẹ cũng trễ theo. Ký tên ở ngoài bàn security ngay cửa ra vào của Nursing Home xong tôi vào thang máy lên lầu hai. Bước vào phòng mẹ thấy hai chiếc giường trống vắng, mẹ tôi và bà “bạn” cùng phòng vẫn chưa về, chắc là hai bà đang ở phòng ăn hoặc phòng khách.
Không biết cố tình hay ngẫu nhiên mà họ sắp xếp hai bà già Châu Á nằm chung phòng, bà kia người Phi Luật Tân, nhưng dù bà là người gì, Mỹ đen, Mỹ trắng, Mỹ da đỏ hay Ả Rập thì cũng chẳng ảnh hưởng gì đến nhau vì cả hai bà đều mất trí, ngơ ngẩn, chẳng ai nói với ai một lời nào. Hai giường nằm gần nhau, chỉ cách nhau một tấm màn mà hai thế giới xa xăm vời vợi.
Tôi đến phòng ăn thì thấy mẹ vẫn đang ngồi trong chiếc xe lăn bên sát bàn ăn, trên bàn là những mẩu bánh mì sandwich xé nhỏ nằm trong vũng sữa lênh láng, mẹ tôi đã bốc mẩu bánh mì từ vũng sữa ấy bỏ vào miệng nhai, nhưng có lẽ bà chẳng biết là đang ăn cái gì. Sữa từ bàn chảy vào áo mẹ, sữa dính nhoe nhoét trong bàn tay mẹ. Thấy mà thương.
Mấy năm mẹ nằm trong Nursing Home, hầu như ngày nào tôi cũng đến thăm mẹ nên từ nhân viên an ninh ngoài cửa đến supervisor và các nhân viên chăm sóc người già người bệnh trong này ai cũng quen mặt tôi. Thấy vẻ mặt bất bình không vui của tôi người nhân viên đứng gần đó vội trình bày:
– Bà ấy vừa làm đổ ly sữa ra bàn tôi bận phía này nên chưa kịp lau.
Bao giờ họ cũng có lý do chính đáng, những người già người bệnh trong Nursing Home nếu không mất trí nhớ thì cũng lẩm cẩm, cũng ốm đau có ai hiểu gì, có ai còn sức mà lên tiếng trách chê, cho nên họ được chăm sóc thế nào tùy theo lương tâm hay tâm trạng vui buồn của những nhân viên chăm sóc này mà thôi.
Tôi đẩy xe lăn đưa mẹ về phòng, đi qua mặt bà Ann người cùng phòng với mẹ tôi. Bà Ann đang ngồi gục đầu trong xe lăn trông thật tội nghiệp, bà Ann khoảng 80 tuổi, trẻ hơn mẹ tôi gần chục tuổi mà tình trạng sức khỏe chẳng khá hơn là bao, bà cũng bị mất trí nhớ, cõi mê âm u, cõi tỉnh thì chỉ trong phút giây mơ hồ huyền hoặc.
Thỉnh thoảng tôi gặp con gái bà đến thăm, chúng tôi nói chuyện tôi được biết bà Ann trước kia là Dược Sĩ. Nhìn nét mặt sáng sủa thông minh của bà tôi đã hình dung ra cô Dược Sĩ xinh đẹp của mấy chục năm về trước. Chắc cô Ann đã từng có những hạnh phúc, tiền bạc trong tay, nhưng giờ đây là bà Ann lú lẫn chẳng biết gì.
Có lần tôi hỏi bà Ann, bà là Dược Sĩ phải không, gương mặt đờ đẫn ấy nhìn tôi rồi gật đầu, giây phút hiếm hoi mong manh ấy bà Ann đã chợt nhận ra mình. Mẹ tôi cũng thế, từ một cô gái xinh đẹp đã làm say đắm nhiều chàng trai bây giờ là bà già ngớ ngẩn.
Về đến phòng tôi mới phát giác ra mẹ đã “làm xấu” đầy trong tã lót, thế là tôi đỡ mẹ nằm lên giường để lau chùi và thay tã lót cho mẹ.. Kể từ khi gởi mẹ vào Nursing Home tôi đã làm được nhiều việc như những nhân viên chăm sóc đã làm, tôi thay được khăn trải giường, thay tã lót ngay lúc mẹ tôi nằm trên giường.
Tôi đã quen với mùi già, mùi hôi thối, mùi bẩn, mùi thuốc men của các cụ già… Chính tay tôi lau chùi vệ sinh cho mẹ nếu gặp đúng lúc như thế này, hoặc mỗi khi vào thăm mẹ, trước khi ra về tôi đều lau chùi lại mặt mũi, mình mẩy mẹ cho thật sạch sẽ thì mới yên tâm. Mẹ nằm ngoan ngoãn như một đứa trẻ để yên cho tôi chăm sóc. Khi xong việc tôi sẽ cho mẹ ăn bánh bông lan hay vài múi cam đã bóc hết các lớp vỏ. Bà không còn răng, móm mém nhai và nuốt được tí nào hay tí ấy.
Khi tôi đang đút mẩu bánh bông lan thì đột nhiên mẹ cầm lấy tay tôi giọng reo vui:
– Cái vòng đẹp quá, cho… em đi.
Nãy đi đám sinh nhật về tôi chưa kịp tháo dây chuyền, tháo vòng tay thế mà mẹ già mất trí của tôi cũng nhận ra, mẹ lắp bắp vòi vĩnh tiếp:..
– Cho em… cái vòng tay đi, em… muốn đẹp.
Tôi bất ngờ quá, hiếm khi mẹ cất tiếng nói, hôm nay mẹ lại nói được hai câu và xưng “em” với chính con gái của mẹ. Thật ngộ nghĩnh và đáng yêu. Có điều gì sâu thẳm trong tâm hồn già nua mất trí ấy vừa le lói thức dậy? Tôi chiều mẹ tháo chiếc vòng tay đeo vào cổ tay gầy guộc của mẹ. Bỗng dưng tôi chạnh lòng, cổ tay này xưa kia mẹ đã đeo bao nhiêu lần chiếc vòng tay để làm đẹp rồi..
Tuổi già gần đất xa trời mẹ vẫn có nét đẹp của tuổi, khuôn mặt thanh thoát, chân tay dài thon thả. Vậy mà cả đời mẹ hình như chưa được hưởng hạnh phúc. Được đeo chiếc vòng tay mẹ có vẻ hài lòng ăn hết miếng bánh bông lan và ăn thêm vài miếng nữa. Chỉ vài phút sau thì mẹ quên cả chiếc vòng và nhắm mắt đi vào giấc ngủ. Tôi tự hỏi mẹ có thấy gì trong giấc ngủ không, một quãng đời thanh xuân của mẹ?
Tôi lấy lại chiếc vòng vì luật trong Nursing Home các bệnh nhân không được đeo trang sức. Khi tôi đang chuẩn bị ra về thì người nhân viên đẩy xe lăn bà Ann về phòng, anh ta trải lại giường và đỡ bà Ann lên nằm, bà co rúm người lại trong hai cánh tay mạnh khỏe của người nhân viên. Hình như bà Ann cũng biết mắc cỡ bên người khác phái lạ lẫm. Cô Ann Dược Sĩ trẻ trung ngày xưa làm sao hình dung ra được cảnh này, cô sẽ thành một bà già bệnh hoạn, tàn tạ, mọi sinh hoạt đời thường của cuộc sống hoàn toàn lệ thuộc vào người khác.
Tôi về đến nhà chồng tôi hỏi thăm như thường lệ:
– Mẹ vẫn khỏe chứ em.
Tôi khoe:
– Nhưng hôm nay có một chuyện lạ anh ạ, mẹ thấy em đeo vòng tay mẹ thích lắm đòi đeo và xưng “em” với em. Hay là mẹ bắt đầu… tỉnh trí hả anh?
– Có thể nhìn cái vòng đeo tay vùng ký ức của mẹ bất chợt lóe lên một hình ảnh xa xưa nào đó.
– Ừ nhỉ… ngày xưa mẹ em hay diện, đeo vòng tay…
Chồng tôi trêu đùa:
– Ngày xưa mẹ em đẹp thế mà con gái mẹ ích kỷ không cho mẹ đi lấy chồng.
Chồng tôi vẫn đùa thế, nhưng lần này lòng tôi chợt đau khi nhớ lại nét mặt vui mừng của mẹ được tôi đeo chiếc vòng tay.
Mẹ tôi lấy chồng năm 20 tuổi, là con gái duy nhất trong một gia đình giàu sang được cha mẹ hết mực thương yêu chăm sóc. Sinh được hai chị em tôi, năm mẹ mới 24 tuổi thì cha tôi qua đời vì bạo bệnh, mẹ mang hai con về ở chung với cha mẹ. Ông bà ngoại tôi nề nếp và cổ hủ phong kiến, nghiêm ngặt khuyên con gái góa của mình phải ở vậy thờ chồng nuôi con.
Bà ngoại luôn “tâm lý chiến” thủ thỉ với mẹ tôi:
– Con còn muốn gì nữa, danh vọng tiền tài và con cái con đều có đủ. Chồng con mất đi thiên hạ vẫn gọi con là bà Bác Sĩ, con có gia tài của chồng để lại, con có hai con xinh đẹp đủ nếp đủ tẻ. Nếu con tái giá thì liệu có giữ được mãi những điều này không? Hai con của con sẽ khổ vì cha ghẻ, sẽ hờn giận mẹ đã san sẻ tình thương cho người khác, con có yên tâm mà hưởng hạnh phúc với chồng mới không?
Người góa phụ xinh đẹp trẻ trung đã được nhiều chàng trai dòm ngó, họ đến nhà thăm mẹ thì đến lượt ông ngoại tôi ra tay ngăn cản bằng hành động. Khách ngồi nói chuyện với mẹ thì ông cầm chổi lông gà…. phất bụi trên tủ, trên kệ trước mặt khách hết sức lộ liễu khiến không ai dám ngồi lâu. Thậm chí khi họ chào ông để ra về ông ngoại đã đáp lại không cần nể nang lịch sự gì cả:
– Phải, mời anh về.
Tôi lớn dần lên và về phe với ông bà ngoại nhất định không muốn mẹ đi lấy chồng, chỉ muốn mẹ mãi là của riêng mình. Năm tôi lên 10 đã biết cầm chổi lông gà phất lên mặt tủ thờ ngoài phòng khách để… đuổi khách của mẹ về. Tôi còn nhớ có ông tên Thảo, là một thanh niên có học thức, con nhà giàu chưa từng lấy vợ, yêu mẹ tôi và sẵn sàng chấp nhận gá nghĩa đá vàng với người góa phụ hai con. Thế mà ông bà ngoại tôi vẫn không hề cảm động, giữ vững lập trường muốn con gái ở vậy thờ chồng nuôi con suốt đời.
Tôi ghét ông Thảo không thua gì ông bà ngoại đã ghét. Mỗi lần nghe mẹ nhắc tên ông Thảo là mặt tôi sưng sỉa lên và tôi khóc ầm ĩ làm mẹ phải năn nỉ dỗ dành. Mẹ tôi đã buồn, đã khóc vì cha mẹ và con cái ngăn cản. Cuối cùng tình cảm gia đình vẫn cao hơn tình riêng, mẹ tôi từ chối lời cầu hôn của người mình yêu để sống cho trọn vẹn tiết trinh với người chồng quá cố, làm đẹp lòng cha mẹ và con cái. Tuổi xuân của mẹ lặng lẽ trôi qua, hai chị em tôi lớn lên có nghĩa là mẹ đã già đi, tôi nào biết mẹ tôi đã từng khóc thầm vì cô đơn, vì khao khát một tình yêu với mối tình không bao giờ đến đoạn cuối như mong muốn của mẹ.
Năm cuối cùng Trung Học, trong một dịp theo trường đi cắm trại ở Vũng Tàu tôi đã quen một anh. Anh chàng lính Hải Quân hào hoa đẹp trai, tàu anh đang cặp bến Vũng Tàu. Anh đã làm quen với tôi khi tôi đang ngồi trên bờ biển nghịch cát. Anh ngồi xuống cạnh tôi:
– Chào cô bé, cho anh chơi chung với nhé…
Tôi ngỡ ngàng chưa kịp đáp thì anh tiếp:
– Em muốn gì cứ… sai anh, anh sẽ làm cho em.
Tôi lấy lại bình tĩnh và chanh chua Bắc Kỳ:
– Anh xây giùm em căn nhà trên cát và bắt giùm em mấy con dã tràng.
– Ôi, cô bé mắng anh hão huyền chứ gì, không cho anh làm quen chứ gì.
Anh cũng là Bắc Kỳ nên quá hiểu con gái Bắc. Anh cứ lì thế mà chẳng công dã tràng tí nào cả, chẳng phù du như xây nhà trên cát gì cả, cuối cùng anh đã quen được tôi, xin địa chỉ nhà và hứa khi nào về Sài Gòn anh sẽ đến thăm tôi. Trời… quả báo tôi. Hôm anh Hải Quân đến nhà, bà ngoại tôi nhìn anh chăm chăm từ đầu đến chân với vẻ ác cảm như nhìn một…. quân thù, làm như chàng thanh niên xa lạ này sẽ đến bắt cóc đứa cháu gái xinh của bà.
Ông ngoại lại cầm chổi lông gà…. phất bụi trên tủ thờ ngoài phòng khách như những năm xưa đã đuổi khéo khách của mẹ tôi làm tôi vô cùng ái ngại thương cho bộ quần áo Hải Quân trắng toát của chàng và thương chàng đang lúng túng không dám nói năng gì vì có ông bà ngoại lù lù đứng gần.
Chàng chịu hết nổi bèn đứng dây kính cẩn chào ông bà ngoại tôi:
– Xin phép ông bà cháu về ạ.
Ông ngoại đáp thẳng thừng, câu nói y chang như ngày xưa với bạn trai của mẹ tôi:
– Phải! Mời anh về.
Bà ngoại thì “tử tế” hơn, dặn dò:
– Ừ, cháu về chạy xe cẩn thận nhé.
Khách về rồi ông bà ngoại mắng mẹ tôi đã không để ý đến con gái, nó chỉ theo trường đi cắm trại ở biển Vũng Tàu vài hôm đã… dắt về nhà một thằng Hải Quân chẳng biết nguồn gốc lai lịch con cái nhà ai. Thế lỡ nó đi cắm trại trong rừng dắt về nhà… một thằng mán thằng mường chúng ta cũng phải tiếp à. Rồi ông bà ngoại đe dọa tôi liệu cái thần hồn học cho bằng được cái nghề Dược Sĩ hay Bác Sĩ như người cha quá cố của tôi rồi mới được lấy chồng.
Nhưng mối tình đầu của tôi với anh Hải Quân càng ngày càng thắm thiết, tôi khóc lóc, tôi đe dọa tự tử và đe dọa… sẽ bỏ nhà đi theo anh ta. Thế là ông bà ngoại đành chịu thua đứa cháu gái bướng bỉnh.
Mẹ tôi thì dịu dàng nói với tôi:
– Con làm đúng khi bảo vệ tình yêu của mình, như mẹ lỡ một đời…
*************************
Tôi trở về hiện tại khi chồng tôi cầm tờ tuần báo từ phòng trong đi ra.
– Em đang nghĩ gì thế, anh đọc cho em nghe một mẩu tìm bạn bốn phương nè.
– Biết rồi, em đọc mục này thường xuyên.
– Anh cũng đọc thường xuyên, nhưng hôm nay anh bỗng suy nghĩ ra một điều. Này nhé một bà goá phụ 65 tuổi đang cô đơn cần tìm một người đàn ông nếu hợp sẽ… dìu nhau đi nốt quãng đường còn lại.
Tôi bật cười châm biếm:
– Dìu nhau là phải rồi vì cả hai cùng già, cùng lạng quạng đi đứng không vững. Sao đã ở vậy đến tuổi 65 mà không tiếp tục cho hết đời luôn nhỉ, lại còn… giở chứng??
– Ban đầu anh cũng nghĩ như em, nhưng bây giờ thì khác, người ta tìm nhau để cuộc sống không cô độc lẻ loi, mà cô độc lẻ loi thì buồn tủi lắm em ơi. Khi ta có đôi, đi đâu ở đâu ta cũng nghĩ ở nơi kia vẫn có người chờ đợi ta về sẽ thấy đời ấm cúng hẳn lên.
Tôi băn khoăn:
– Có phải anh suy nghĩ thế khi lúc nãy em vừa kể anh nghe mẹ em chợt tỉnh ra trong giây lát khi bà thấy cái vòng đeo tay của em, món trang sức ngày xưa bà thường dùng làm dáng, làm đẹp không?
– Chính thế. Ngày ấy mẹ em mới 24 tuổi, trẻ đẹp và nồng nàn tình xuân, thế mà hết cha mẹ đến con cái đã ngăn cản bà tái giá. Em có lỗi một phần trong cuộc đời mẹ cô độc thiếu vắng một người đàn ông, một vòng tay âu yếm, một bờ vai nương tựa..
Tôi nói như rên rỉ:
– Nghe anh nói em đau lòng quá! Em thật đáng tội.
Hình ảnh mẹ tôi ngày xưa hiện ra khi tôi độ lên 10, mẹ tôi xinh đẹp hay làm duyên làm dáng đeo chiếc vòng tay bằng cẩm thạch lên nước trong xanh.
Thì ra hôm nay trong tiềm thức sâu thẳm lãng quên của mẹ tôi chút kỷ niệm nào đó vẫn còn. Bất giác mắt tôi cay cay…
Chồng tôi giục:
– Thôi em đi tắm, thay đồ rồi nghỉ ngơi, hôm nay em về muộn để anh sẽ thu gom quần áo em thay và đi giặt….
Thật ấm áp khi bên cạnh tôi luôn có người đàn ông cùng chung vui buồn, chăm sóc lo lắng cho nhau. Thế mà mẹ tôi đã không có những tình cảm này suốt cả một cuộc đời son trẻ.
Tôi đã từng hiểu ra điều này suốt bao nhiêu năm từ khi tôi lấy chồng, hạnh phúc êm ấm bên chồng.
Đôi khi tôi thấy lòng áy náy thương mẹ, hối hận ngày xưa tôi đã ngăn cản mẹ lấy chồng, nhưng tôi lại tự an ủi và kiêu hãnh mẹ là người phụ nữ thanh cao lý tưởng trong mắt mọi người, là người mẹ tuyệt vời, người mẹ đáng kính nể và ngưỡng mộ của chị em tôi.
Chưa bao giờ tôi cảm thấy ân hận và bị giày vò như ngày hôm nay. Nếu như tôi cũng cô đơn như mẹ, nếu như đời tôi không có một người đàn ông yêu thương bên cạnh, cuộc đời sẽ chông chênh và buồn lắm.
Ngày xưa tôi yêu anh và lấy anh làm chồng thật xứng đáng, ông bà ngoại tôi đã lo ngại “thằng Hải Quân” đi lênh đênh khắp nơi, mỗi bến bờ quen một cô, cháu sẽ khổ cả đời. Nhưng ông bà đã đoán sai rồi, tiếc rằng ông bà ngoại không sống đến ngày nay để thấy anh Hải Quân của tôi vẫn là người chồng, người cha tốt.
Anh đi vào phòng tắm ôm ra một rổ quần áo dơ để vào phòng giặt. Thấy tôi vẫn ngồi yên anh ngạc nhiên đến gần:
– Em sao thế?
Tôi ngước lên nhìn anh, đôi mắt cay cay đã long lanh giọt nước mắt:
– Anh ơi, anh có biết em đang nghĩ gì không? Nếu… nếu…. mẹ trẻ lại như xưa…
Anh nghe lầm nên hỏi ngược lại:
– Nếu em trẻ lại như xưa hả? Vậy em còn muốn yêu anh nữa không? Hay lại chê “thằng Hải Quân lông bông” như ông bà ngoại em đã chê?
Đến bây giờ anh vẫn nhớ cái cảm giác khi lần đầu gặp ông bà ngoại em, nếu tàu anh ra khơi có… đụng độ tàu địch ngay trước mặt anh cũng chưa bối rối đến thế..
– Anh nghe kỹ đây, không phải em mà là mẹ em. Nếu mẹ trẻ lại như xưa, khi em 10 tuổi em sẽ không bắt chước ông ngoại cầm chổi lông gà phất bụi trên tủ để đuổi khách của mẹ đâu, em sẽ không đành hanh ghét ông Thảo đâu, em sẽ bảo mẹ đi lấy chồng. Em ân hận lắm. Ôi, nếu mẹ trẻ lại…. nếu mẹ trẻ lại….….
Anh hiểu ra, an ủi tôi:
– Chúng ta không thể lấy lại quá khứ, em đừng tự trách mình như thế, hãy sống với hiện tại, chăm sóc mẹ tận tình để báo hiếu mẹ đã hy sinh cả một thời xuân xanh nuôi con khôn lớn.
Tôi lau nước mắt mỉm cười:
– Vâng, chiều mai em vào thăm mẹ, em lại đeo vào tay mẹ chiếc vòng này để mẹ có khoảnh khắc vui như thiếu phụ còn xuân đang làm đẹp cho mình, cho người tình mình thương mến, dù chỉ là một niềm vui ngớ ngẩn.
Chồng tôi nhắc nhở:
– À, em nhớ thăm bà Ann bên cạnh luôn nhé, con cái bà bận rộn không vào thăm thường xuyên như em. Biết đâu bà Ann cũng cần có ai đó bên cạnh để chợt nhớ ra mình là ai và được vui trong phút giây như mẹ em…

Nguyễn Thị Thanh Dương


Không có nhận xét nào:

CHÀO MỪNG QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU SÓC TRĂNG THAM QUAN, ỦNG HỘ HOANGDIEUTRUONGXUASAIGON.BLOGSPOT.COM. CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM NHIỀU SỨC KHỎE, THÀNH CÔNG TRONG CÔNG VIỆC.