Tên tuổi của vị kiến trúc sư tài ba này gắn liền với nhiều công trình nổi tiếng trên khắp lãnh thổ Việt Nam như Dinh Độc Lập, Viện Đại học Huế, chợ Đà Lạt...
Tuổi thơ vất vả và mối lương duyên đặc biệt
Ngô Viết Thụ sinh ngày 17/09/1926, thuộc thế hệ thứ 17 họ Ngô Viết làng Lang Xá, xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ông sinh ra trong một gia đình trí thức gia giáo làm giáo viên Trường Kỹ thuật Huế, thân sinh ông cũng là một nhà Nho học với kiến thức uyên thâm và từng thiết kế kiến trúc và trang trí cho một số công trình của dòng họ tại Huế.
Thuở nhỏ gia đình nghèo khó, cuộc sống vất vả nhọc nhằn, Ngô Viết Thụ ở với ông ngoại, được ông kèm dạy chữ Nho, sau từng vào học thợ tiện ở ngôi trường của cha, dự định nếu đường công danh trắc trở sẽ trở về quê làm thợ cơ khí kiếm sống. Vốn có tư chất thông minh, thừa hưởng các phẩm chất của cha ông, lại lớn lên trong môi trường học thức, Ngô Viết Thụ được bồi đắp thêm óc sáng tạo, am tường sâu rộng kiến thức Hán Nôm, cũng là một thợ tiện có tay nghề cao, những nhân tố đó đã giúp ích rất nhiều cho sự nghiệp sau này.
Học xong trung học, năm 18 tuổi Ngô Viết Thụ thi vào Trường Kiến trúc Đà Lạt thuộc Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và trở thành tân sinh viên trường này. Trong thời gian ở Đà Lạt, ông đã kết hôn với bà Võ Thị Cơ, một phụ nữ phẩm hạnh, gia giáo của xứ sở sương mù. Cuộc tình của ông bà được kể như một mối lương duyên tiền định.
Sau khi tốt nghiệp Trường Kiến trúc Đà Lạt, chàng kiến trúc sư trẻ Ngô Viết Thụ được bố vợ tạo điều kiện cho đi Pháp du học. Tuy nhiên, ông tỏ ra áy náy vì gia cảnh nghèo khó của mình, bản thân lại không muốn sống dựa vào nhà vợ. Hiểu rõ điều đó, người vợ trẻ không muốn chồng bận tâm áy náy, đã xin nghỉ học ở nhà phụ giúp cha mẹ buôn bán lấy tiền cho chồng du học.
Hiểu được ân tình của vợ, trong thời gian học tập xa quê, ông không dám ham chơi như các bạn đồng học tại Paris mà dành hết thời gian vào việc học hành, mong có ngày gặt hái thành quả. Sau này ông kể, có nhiều buổi dạ vũ tại đại học xá, âm nhạc vang vọng, các bạn sinh viên cử các cô đầm lên gõ cửa phòng để trêu ghẹo nhưng ông vẫn lặng lẽ ngồi trong phòng miệt mài vẽ các đồ án, bên cạnh tấm hình vợ bồng con gái đầu lòng.
Là người Việt đầu tiên đạt giải thưởng Khôi nguyên La Mã
Tại Pháp, Ngô Viết Thụ học ở Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Paris. Thời gian đó, ông đã xuất sắc đoạt giải Paul Bigot do Viện Hàn lâm tổ chức. Năm 1955, ông bảo vệ đồ án tốt nghiệp kiến trúc sư xuất sắc D.P.L.G.
Cũng năm 1955, Học viện Hội họa và Điêu khắc tổ chức “Giải thưởng lớn Rôma” thường được gọi là giải “Khôi nguyên La Mã”. Đây là giải thường có truyền thống lâu đời từ năm 1663 ở Pháp dưới thời vua Louis XIV, dành cho những tài năng trẻ trong lĩnh vực âm nhạc, hội họa, điêu khắc và kiến trúc.
Vì là giải thưởng rất danh giá và lâu đời nên cuộc thi quy tụ được hàng trăm thí sinh xuất sắc nhất châu Âu. Ngô Viết Thụ được ưu tiên mời tham gia cuộc thi này vì trước đó ông đã đoạt giải Paul Bigot do Viện Hàn lâm tổ chức nên không cần tham gia vòng ngoài mà trực tiếp vào thi 3 vòng sau cùng. Ngô Viết Thụ đã xuất sắc vượt qua 2 vòng liền để lọt vào vòng chung kết với 10 thí sinh còn lại.
Để chuẩn bị cho bài thi của mình, Ngô Viết Thụ đã miệt mài vẽ kiến trúc công trình Ngôi thánh đường trên Địa Trung Hải. Đến lúc chỉ còn 1 tuần nữa là hết hạn thì ông mới nhận ra rằng mình đã mắc sai lầm khi chọn phương án thiết kế theo phong cách cổ điển. Mặc dù thời gian rất gấp, nhưng Ngô Viết Thụ vẫn quyết định mạo hiểm bỏ luôn bản cũ mà vẽ lại toàn bộ theo phong cách hiện đại với tư duy mới đột phá.
Bằng đôi tay khéo léo của người từng là thợ cơ khí, ông đã tự thiết kế một thiết bị nhỏ giúp ông một mình vẽ nhanh đồ án trên một diện tích giấy rộng trên 10 thước vuông mà chỉ mất chưa đầy 1 tuần. Đồ án tuyệt vời này đã giúp ông thành người Việt Nam đoạt giải “Khôi nguyên La Mã” với số phiếu 28/29 của Ban giám khảo.
Khi kết quả được công bố, bạn bè của Ngô Viết Thụ, chủ yếu là người Pháp, đã hân hoan công kênh ông lên vai trên những con phố ở Paris trong niềm vui sướng vô hạn. Cho đến bây giờ Ngô Viết Thụ vẫn là người châu Á duy nhất đoạt được giải thưởng “Khôi nguyên La Mã” này.
Ngay sau khi biết tin đoạt giải, Ngô Viết Thụ chạy ra bưu điện gửi hai điện tín về Huế cho cha mẹ và về Đà Lạt cho vợ con. Gia đình ông rất hãnh diện và nhận được nhiều lời khen tặng và chúc mừng của người thân, bạn bè và chính quyền thời đó.
Giành được giải thưởng danh giá, Ngô Viết Thụ được làm nghiên cứu về quy hoạch và kiến trúc ở cung điện Medicis tại Rome do Pháp tài trợ. Các triển lãm kiến trúc, quy hoạch và hội họa hàng năm của ông cùng những người đoạt giải “Khôi nguyên La Mã” đều được Tổng thống Pháp và Ý đến cắt băng khánh thành.
Kiến trúc sư đại tài và những bản thiết kế vĩ đại
Không những giỏi về thiết kế, Ngô Viết Thụ còn đặc biệt am hiểu về phong thủy và đã vận dụng nó một cách khéo léo, kín đáo qua từng bản thiết kế của mình. Sau khi trở lại Việt Nam, ông đã tham gia thiết kế nhiều công trình kiến trúc lớn, mang giá trị biểu tượng và còn tồn tại đến ngày nay.
Những thiết kế nổi bật của ông có thể kể đến như: Dinh Độc Lập, Viện Đại học Huế, nhà thờ Phủ Cam - Huế, Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, chợ Đà Lạt, Trường Đại học Nông nghiệp Sài Gòn, Trường Đại học Y khoa Sài Gòn, công trường Mê Linh, Bệnh viện Sông Bé 500 giường (1985), khách sạn Century Huế (1990), phác thảo chùa Trúc Lâm Đà Lạt. Ông còn cộng tác trong quy hoạch tổng mặt bằng của Hà Nội (đến năm 2000), và quy hoạch Hải Phòng.
Trong đó Dinh Độc Lập là công trình mà ông tâm đắc nhất, cũng là công trình biểu tượng của Sài Gòn lúc đó. Thiết kế Dinh Độc Lập đã thể hiện rõ nét quan niệm kiến trúc Việt hiện đại, không hề mang các chi tiết kiến trúc cổ điển nhưng vẫn có được sự hài hòa và mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, khác biệt hoàn toàn với các thiết kế khác cùng thời (kiến trúc cổ điển Pháp hoặc kiến trúc cung đình).
Dinh Độc Lập còn mang những yếu tố phong thủy đặc biệt với thiết kế hình chữ “Cát” mang lại sự may mắn, tốt lành, được xây dựng trên long mạch, với mong muốn đem lại sự thịnh vượng cho toàn bộ xã hội. Đây cũng là công trình đánh dấu phong cách thiết kế riêng biệt của vị kiến trúc sư đại tài Ngô Viết Thụ.
Thùy Dung/Người quan sát.
Người đàn ông duy nhất trong lịch sử nhân loại được chôn cất trên Mặt trăng: Là bộ óc vĩ đại của thế kỷ XX, có niềm đam mê mãnh liệt với thiên văn.
Nhà thiên văn có niềm đam mê cháy bỏng với Mặt trăng
Sinh ngày 28/4/1928, Eugene Shoemaker là một bộ óc vĩ đại của thế kỷ XX. Nghiên cứu của ông về hố va chạm ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều dự án và công trình khoa học, từ nhiệm vụ Apollo đến sự kiện khủng long tuyệt chủng. Với những cống hiến cho tri thức nhân loại, ông được cựu Tổng thống Mỹ George H.W. Bush trao Huân chương Khoa học Quốc gia năm 1992.
Shoemaker nghiên cứu Mặt trăng và mơ ước được khoác lên mình bộ đồ phi hành gia, dạo bước trên xứ sở xa xôi này. Tuy nhiên, ông không bao giờ có cơ hội thực hiện ước mơ đó. Bệnh Addison đã dập tắt hy vọng trở thành phi hành gia của ông.
Shoemaker là nhà địa chất đam mê nghiên cứu hố va chạm. Ông góp phần khẳng định Barringer, hố trũng nổi tiếng sâu 173m gần Flagstaff, bang Arizona, Mỹ, hình thành do thiên thạch đâm xuống. Ông cũng là người ủng hộ và đấu tranh cho giả thuyết về thiên thạch va chạm khiến khủng long tuyệt chủng 66 triệu năm trước. Nhờ việc lập bản đồ một số hố trũng trên Mặt trăng, ông mang lại bước tiến lớn trong việc nghiên cứu địa chất của vệ tinh tự nhiên này.
Năm 1961, Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) xây dựng Chương trình Nghiên cứu Địa chất vũ trụ và chọn Shoemaker, người được coi là cha đẻ của ngành địa chất vũ trụ, để dẫn dắt. Ông cũng tham gia các chuyến thực địa đến hố Barringer và một số địa điểm khác, đào tạo phi hành gia Apollo tương lai cách lấy mẫu đất đá.
Nghiên cứu của ông góp phần vào việc phát hiện sao chổi Shoemaker-Levy 9, vật thể đâm vào sao Mộc năm 1994. Một trong những người phát hiện sao chổi này là Carolyn, đồng nghiệp và cũng là vợ Eugene.
Người đầu tiên và duy nhất được an táng trên Mặt trăng
Khi vẫn còn đang cống hiến cho nền thiên văn, nhà khoa học vĩ đại đã bất ngờ qua đời ở tuổi 69 khi đang làm việc. Trên đường khám phá miệng núi lửa ở Úc vào năm 1997, ông gặp tai nạn xe hơi và qua đời.
Thế nhưng, cuộc phiêu lưu vào vũ trụ của Eugene Shoemaker chưa kết thúc ở đó. Vào năm 1988, một đồng nghiệp, học trò thân thiết của Shoemaker là Carolyn Porco đã quyết tâm đưa một phần tro cốt của ông lên Mặt trăng. Với các thành tựu khổng lồ của Shoemaker, không khó khăn để Porco có thể thuyết phục NASA đồng tình với mong muốn này. Eugene Shoemaker trở thành người đầu tiên và duy nhất cho đến hiện tại được an nghỉ trên Mặt trăng.
Ngày 6/1/1998, NASA đưa tàu thăm dò Lunar Prospector lên cực nam Mặt trăng cùng 28g tro cốt của Shoemaker. Phần tro này được bảo vệ cẩn thận trong một lá đồng thau có khắc tên, ngày tháng, hình ảnh sao chổi Hale-Bopp, hố thiên thạch Arizona (nơi ông đào tạo các phi hành gia Apollo) và một đoạn thơ được trích từ tác phẩm Romeo và Juliet của William Shakespeare.
Sau 1 năm hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu, con tàu thăm dò được điều khiển đâm xuống gần cực nam, đồng nghĩa với việc một phần của Shoemaker cũng theo đó lưu lại trên hành tinh nhỏ này mãi mãi.
"Mỗi khi nhìn lên Mặt trăng, tôi sẽ luôn biết Eugene đang ở đó", Carolyn Shoemaker, vợ của nhà thiên văn học chia sẻ.
Tại quê hương Trái đất, kể từ đó, bia đá tưởng niệm của ông cũng được viết thêm một dòng: "Sống một lần, chôn cất hai lần".
Nỗ lực đưa tro cốt 66 người nổi tiếng lên Mặt trăng Gần đây, Công ty Celestis lại thực hiện sứ mệnh thứ hai - có tên là Tranquility. Một viên nang chứa tro cốt và DNA của 66 người nổi tiếng đã chết được đưa lên tàu Peregrine để mang lên chôn trên Mặt trăng. Tàu Peregrine được tên lửa đẩy Vulkan phóng vào vũ trụ lúc 2h18 sáng 8/1 (giờ địa phương) từ mũi Canaveral, bang Florida, Mỹ. Nếu không có gì trục trặc, tàu sẽ hạ cánh ở phần đông bắc của Mặt trăng vào ngày 23/2 và sẽ ở đó vĩnh viễn. Tuy nhiên, vào tối 8/1 (giờ Việt Nam), công ty cho biết "một sự bất thường đã xảy ra khiến tàu không thể đạt được hướng ổn định về Mặt trời". Hiện công ty đang phân tích các dữ liệu và xử lý sự cố. Navajo Nation - lãnh thổ bán tự trị của người bản địa Mỹ ở phía tây nam nước Mỹ - đã chỉ trích nỗ lực chôn cất tro cốt trên Mặt trăng vì phớt lờ vị trí thiêng liêng của Mặt trăng trong nhiều nền văn hóa bản địa. Lãnh đạo Navajo Nation mô tả đây là một “sự xúc phạm không gian thiêng liêng”. Thùy Dung/Người quan sát. Người đàn ông được mệnh danh là 'cụ tổ ngành giáo dục Nam Kỳ' - nhà sư phạm đi trước thời đại, một đời đau đáu vì sự nghiệp trồng người.Ông là một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho sự học, gieo mầm tri thức cho đất Gia Định. Từ chối danh lợi, lui về ở ẩn để rèn luyện nhân tài Dù được xem là một nhà nho lớn nhưng nhiều tài liệu cho rằng chưa rõ năm sinh danh sư Võ Trường Toản, cũng có ý kiến cho rằng ông sinh vào năm 1709. Theo sách "Đại Nam nhất thống chí", tổ tiên Võ Trường Toản gốc ở miền Trung, sau di cư vào Nam theo làn sóng chung, được khởi phát mạnh mẽ kể từ năm 1623, thời điểm người Việt chính thức vào xứ Đồng Nai, Gia Định lập nghiệp. Theo sách "Địa chí Bến Tre" thì Võ Trường Toản sống vào thế kỷ 18, người làng Hòa Hưng, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định, nay là hai bên đường Cách Mạng Tháng Tám ở quận 3 và 10 của TP HCM. Sinh ra gặp thời loạn thế, là bậc hiền tài hiếm có nhưng Võ Trường Toản không màng công danh, sự nghiệp, ông từ chối ra làm quan cho cả triều Tây Sơn và Chúa Nguyễn về quê ở ẩn, mở trường đào tạo nhân tài cho đất nước. Ông coi đó là trách nhiệm của kẻ sĩ. Võ Trường Toản mở trường dạy học hàng trăm học sinh mà khuôn viên nay là đình Chí Hòa trong con hẻm đường Cách Mạng Tháng Tám, quận 10, TP HCM. Những học trò xuất sắc mà nổi tiếng nhất lúc bấy giờ của cụ Võ Trường Toản là "Gia Định tam bảo" hay còn gọi "Gia Định tam gia", tức ba ông Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Ngô Nhân Tịnh - 3 quan văn đại thần đắc lực của vua Gia Long, có nhiều công lao đối với sự phát triển của Nam Bộ xưa. Thơ văn của họ được in thành sách Gia Định tam gia thi cập còn truyền đến nay. Chẳng những các học trò chịu ảnh hưởng sâu sắc, những người thuộc thế hệ sau như Nguyễn Đình Chiểu, Huỳnh Mẫn Đạt, Phan Văn Trị, Bùi Hữu Nghĩa, Trương Định, Nguyễn Hữu Huân... cũng được cho là ít nhiều chịu ảnh hưởng về đạo đức, khí chất của nhà giáo Võ Trường Toản. Họ đã giữ tròn tiết tháo khi nước nhà bị xâm lược, không làm hổ thẹn danh tiếng sĩ phu Nam Bộ. Bằng đức độ và tài năng, Võ Trường Toản cùng những học trò của mình khai thông đạo học, mở mang tri thức xứ sở, giáo hóa dân chúng, làm cho miền Nam trở nên đoàn kết, gắn bó với quốc gia, trung nghĩa liều mình khi nước mất nhà tan. Triết lý giáo dục đi trước thời đại Suốt cuộc đời, Võ Trường Toản cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. Ông là một nhà sư phạm mẫu mực, tận tụy với nghề dạy học, không ham công danh, sự nghiệp chỉ đau đáu một việc “dạy chữ, dựng người”. Việc có nhiều nhân tài thành danh, cống hiến cho đất nước trưởng thành từ mái trường của ông đã thực sự chứng tỏ uy tín và đạo đức của ông. Không giống các nhà Nho cùng thời, Võ Trường Toản có tư tưởng giáo dục tiến bộ, đi trước thời đại. Ông chủ trương dạy theo phương pháp “nghĩa lý để giáo hóa”. Khi giảng với học trò về sách Đại học, một sách trong Tứ thư, ông nói rõ: "Sách Đại học một nghìn bảy trăm chữ, tán ra gồm vô số sự vật, tóm lại còn 200 chữ, tóm nữa thì còn một chữ, tóm lại nữa một chữ cũng không". Nghĩa là cần thấu triệt nội dung cuốn sách, không nên học vẹt từng câu, từng chữ, câu nệ tiểu tiết. Đó gọi là “tri ngôn dưỡng khí”. Tư tưởng này của ông ảnh hưởng sâu sắc đến những nho sĩ tài danh thế hệ hậu bối như: Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị, Bùi Hữu Nghĩa, Trương Định, Nguyễn Hữu Huân... Soi vào thực tiễn ngành giáo dục nước ta hiện nay, triết lý dạy học “nghĩa lý để giáo hóa” của Võ Trường Toản vẫn còn nguyên giá trị. Học cốt ở tinh thần, tư tưởng chứ không phải học theo kiểu rập khuôn máy móc để rồi tự đánh mất khả năng tư duy, sáng tạo. Võ Trường Toản chú trọng hướng con người đến lễ nghĩa, nhân hậu, chí khí. Ông chủ yếu truyền dạy tư tưởng Nho gia cho học trò. Đại thần Phan Thanh Giản từng viết về Võ Trường Toản “Từ khi tiên sinh đem cái học nghĩa lý ra dạy người, chẳng những đương thời nung đúc được nhiều nhân tài mà do sự truyền thuật giảng dụ mài dũa, đến giờ dân lục tỉnh trung nghĩa cảm phát, liều chẳng tiếc mình. Tuy vì thâm nhận hậu trạch của triều đình cố kết lòng người, nhưng cũng há chẳng do công khai đạo của tiên sinh từ xưa để lại mới được như thế này ư”. Võ Trường Toản dẫn dắt học trò đi theo con đường của một nhà nho chân chính: sống trong thời loạn lạc, dẫu có thất thế, sống ẩn dật cũng không thờ ở với vận mệnh nước nhà. Theo lưu truyền, lúc ấy Chúa Nguyễn Ánh nghe danh tài đức của Võ Trường Toản, đã trân trọng mời ông ra tham chính, nhưng ông khước từ. Bù lại, ông dâng 10 kế sách giúp an dân, trị quốc; đào tạo nhiều học trò có tài đức giúp Chúa Nguyễn khôi phục cơ nghiệp, xây dựng, phát triển, đất nước… Những tác phẩm của Võ Trường Toản hầu hết đã bị thất truyền, ông không ra làm quan nên không có ghi nhận về sự nghiệp quan trường. Đóng góp lớn lao nhất của ông đối với nền giáo dục nước nhà được ghi nhận qua thế hệ học trò tài danh ông tận tâm đào tạo, là sự giáo hóa dân chúng lục tỉnh Nam kỳ thấm nhuần văn đạo, đoàn kết, vì nghĩa lớn quên mình. Có thể nói rằng, những kinh nghiệm sư phạm của Võ Trường Toản được vận dụng mang lại nhiều ý nghĩa thiết thực cho công tác giáo dục hiện tại, qua đó khẳng định những đóng góp to lớn của ông đối với sự nghiệp giáo dục nước nhà theo chiều dài lịch sử. Thùy Dung/Người quan sát Xác ướp trăm tuổi vẫn nguyên vẹn giữa lòng Sài Gòn khiến các nhà khoa học cũng phải trầm trồ.Nằm ngay giữa trung tâm quận 1, TP HCM có một xác ướp hàng trăm tuổi đang an giấc nghìn thu. Đầu năm 1994, khi di dời nghĩa trang để chỉnh trang khu vực xóm Cải, phường 8, quận 5, TP HCM, một ngôi mộ cổ kỳ bí được phát hiện, hé lộ những bí ẩn mang tính lịch sử. Từ đó, người dân nơi đây gọi đó là “Xác ướp xóm Cải”. Khi đó, những ngôi mộ khác được tiến hành bình thường, cho đến khi nhóm công nhân chạm phải ngôi mộ nằm trong khuôn viên cả trăm mét vuông với kết cấu chắc chắn như một ngôi đình. Gần 30 năm kể từ ngày được khai quật, "Xác ướp xóm Cải" vẫn được bảo quản đặc biệt tại Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (TP HCM) khiến các nhà khoa học cũng phải trầm trồ vì nghệ thuật ướp xác đạt đến trình độ cao của người Việt thời trước. Mộ được chôn rất sâu, phải mất 40 ngày, 15 thanh niên mới đục đến được đáy quách sâu gần 8m. Vỏ quách kiên cố như tường thành, được làm bằng hợp chất gồm vỏ sò nung, cát, than gỗ và mật ong. Quan tài lớn hơn bình thường, được ghép bằng hai lớp gỗ quý. Dưới nắp quan tài là hai lớp chiếu cói và một lớp giấy bản dày hơn 5cm. Ngập trong chất dầu thơm có màu đỏ, xác ướp được bọc trong chín lớp áo vải, lụa, gấm quý. Đây là một phụ nữ trạc 60 tuổi, tóc cắt ngắn chớm vai, da dẻ mịn màng và hơi có màu đỏ sạm của dầu thơm. Các khớp xương của xác ướp vẫn còn co duỗi rất tốt, da thịt mềm mại, rất ít có dấu hiệu bị phân hủy. Về trang phục, cũng như trang sức của người phụ nữ cũng vô cùng đặc biệt. Dưới chân đi hài bằng vải bố thêu kim tuyến (trang phục của cung đình thời xưa), bên cạnh là một đôi hài khác. Ngay cả lớp vải quấn bên ngoài xác ướp cũng được làm bằng chất liệu lụa tự nhiên và gấm, áo rộng cài khuy chéo. Thậm chí từng chiếc khuy được làm bằng mã não và kim loại mạ vàng. Trên hai cổ tay của xác ướp có đeo 2 vòng kim loại bằng vàng. Đây là trường hợp đặc biệt, khác hẳn với hầu hết các xác ướp đã từng khai quật. Vì thế, đây có thể là lý do khiến huyệt mộ được đào sâu và xây dựng hết sức kiên cố. Bên cạnh đó, các nhà khảo cổ học tìm thấy một xâu chuỗi làm bằng hạt bồ đề trên cổ xác ướp. Đáng chú ý, còn tìm thấy một túi nhỏ bằng gấm bên trong có phong bì đựng 3 tờ giấy viết chữ Hán, bao gồm 1 tờ ghi chép bài chú Vãng sanh Tịnh độ, một tờ ghi tên năm vị Phật và một tờ giấy khác với ngữ nghĩa chỉ việc quy y. Thông qua nhiều nghiên cứu, khảo sát, số liệu lịch sử, các nhà khoa học khẳng định đây là xác ướp của bà Nguyễn Thị Hiệu, được coi là hoàng thân quốc thích của vua Gia Long (Nguyễn Ánh, 1762-1820). Cơ thể mảnh mai, dáng người nhỏ nhắn, bàn tay thon, nhỏ của xác ướp khiến các nhà khoa học nhận định lúc sinh thời bà đã có một cuộc sống an nhàn, phú quý không phải làm việc vất vả bao giờ. Điều này phù hợp với địa vị quý tộc của bà. Cũng theo ghi chép của nhiều tài liệu việc bảo quản xác ướp bà Hiệu là nhằm kéo dài tuần lễ ma chay. Đây là điều chỉ ở các tầng lớp trên, dành cho hoàng thân quốc thích mới được thực hiện. Xác ướp bà Nguyễn Thị Hiệu là một trong những xác ướp nguyên vẹn nhất được phát hiện ở Việt Nam suốt một thế kỷ qua. Cứ khoảng 3 tháng một lần, chuyên gia Đại học Y dược TP HCM lại sang kiểm tra tình trạng và lau thuốc chống nấm mốc, bảo vệ mô xác ướp. Phòng bà nằm cũng được gắn máy hút ẩm, máy thông gió hoạt động liên tục để giữ gìn xác ướp. Hiện nay, tại viện bảo tàng, xác của bà được đặt trong lồng kính uy nghiêm. Thùy Dung/Người quan sát |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét