.

.

a

Hoa đào nở, chim én về, mùa xuân lại đến. Chúc quý thầy cô và anh chị em đồng môn năm mới Giáp Thìn : - nghìn sự như ý, vạn sự như mơ, triệu sự bất ngờ, tỷ lần hạnh phúc.
THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ, ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU - MỘT NĂM MỚI AN KHANG THỊNH VƯỢNG - VẠN SỰ NHƯ Ý

16 tháng 3 2024

“CA TÀI TỬ” & “HÁT CẢI LƯƠNG”…



* Sự phân định càng rành rọt, giữa CA với HÁT, tiếng Việt càng phong phú.
Tôi nhớ lại trong lần đi làm phim tài liệu về bộ môn đờn ca tài tử ở Trà Vinh, có một vị phát biểu: "nơi đây giàu truyền thống hát tài tử...".
Chú Tư đờn kìm nhíu mày nói với tôi, "ổng không phải người Nam mình hả?". Kêu bằng là "vị" đó không biết về bộ môn này nhưng giả bộ đặng lấy lòng, nghe sượng trân!
Bởi, người Nam nói "CA tài tử", chớ không nói "hát tài tử". Trong khi đó, người miền Nam lại nói "đi coi HÁT cải lương”, chớ không nói ”đi coi ca cải lương”.
&1&
"CA", vốn là âm Hán-Việt của 歌. Trong cách dùng chữ Hán-Việt, "CA" gồm hai thứ:
(1a) Như “xướng ca” (唱歌), nghe ca ("thính ca" 聽 歌), ở đây không buộc có lớp lang, diễn xuất.
(1b) có lớp lang, diễn xuất, như "ca kịch" (歌劇).
* Trong khi đó, "HÁT" là Nam âm (thuần Việt). Lúc chưa có chữ Quốc ngữ, "HÁT" được ghi bằng chữ Nôm: 𠺴 (ký tự này không có trong Hán tự).
(Mở ngoặc: trong Hán tự, có vài ký tự đọc theo âm Hán-Việt cũng “hát”, mang nghĩa là "hét to", là "gào", là "uống" như "hát tửu" 喝酒 là uống rượu... Còn "HÁT, mang nghĩa ca hát, cách gọi này là thuần Việt, là Nam âm)
&2&
Người Nam có cách dùng rành rọt giữa âm Hán-Việt và Nam âm, thú vị lắm đa!
Chỉ mượn âm Hán-Việt "CA", để dùng trong trường hợp (1a).
Còn trong trường hợp (1b), dùng cách gọi là "HÁT" (Nam âm).
* Ta nói, CA tài tử, CA vọng cổ, CA Lý con sáo Gò Công... Còn khi nào gọi "CA cải lương"? Tỉ như ngồi lai rai quanh bàn mà CA cải lương (chẳng hạn, ca 12 câu Phụng hoàng trong tuồng Nửa đời hương phấn), ca cho "đã", nghêu ngao. Hoặc nằm võng đong đưa nghe CA cải lương từ radio...
* Còn "HÁT"? Là đi coi HÁT, là coi diễn xuất, lớp lang, điệu bộ - như đi coi hát cải lương, đi coi hát bội.
Trong HÁT, nhấn mạnh điệu bộ, động tác biểu diễn - thậm chí như "hát xiệc", dù từ đầu đến cuối toàn biểu diễn xiếc, ảo thuật, không phải chương trình "ca", thì vẫn gọi là HÁT ("hát xiệc").
&3&
Lại có những vị ưng gọi, "cải lương là một bộ môn ca kịch" (ca kịch cải lương). Gọi "ca kịch" không sai, nhưng họ quên mất trong tiếng Việt có cách gọi đồng nghĩa là "tuồng hát"!
Cả "tuồng" lẫn "hát" đều Nam âm (thuần Việt) (hồi chưa có chữ Quốc ngữ, dùng chữ Nôm để viết: 㗰 𠺴, cả hai ký tự này đều không có trong chữ Hán).
Cái thời đất nước chúng ta chỉ có chữ Hán làm văn tự chánh thống, phải gọi "ca kịch" 歌劇, đành chịu, không thể khác được. Hai tiếng thuần Việt "tuồng hát" đâu có mặt trong Hán tự, buộc phải Hán hóa thành âm Hán-Việt là "ca kịch".
Đàng này, đã có chữ Quốc ngữ rồi, mắc gì không gọi không viết là "tuồng hát"?
* Có người nhắc đến "ca ra bộ", ủa, có điệu bộ mà sao vẫn gọi "ca" đó đa? "Ra bộ", ở đây, chỉ là bước sơ khai, minh họa chớ chưa thực sư trở thành nghệ thuật diễn xuất, vẫn ca là chánh.
Để rồi, từ "ca ra bộ" chuyển thành "hát cải lương".
"CA" chuyển thành "HÁT" - đọc theo Nam âm - ngọt xớt, thú vị hết sức.
MATTHEW NCHUONG
#Saigon



VỀ KHUÔN MẶT

Mỗi người đều do cha mẹ sinh ra, nhưng khi lớn lên khuôn mặt sẽ thay đổi dần theo tâm tính của mình. Vậy nên văn hóa phương Đông vẫn cho rằng “tướng do tâm sinh” là vậy.
Một lần, Tổng thống Mỹ, Abraham Lincoln phỏng vấn một ứng viên nam đến làm nhân viên cho chính phủ. Mặc dù người đàn ông này rất có tài năng nhưng vị Tổng thống vẫn không tuyển dụng.
-- Người phụ tá thấy vậy liền hỏi Tổng thống nguyên nhân vì sao?
-- Tổng thống nói: “Tôi không thích tướng mạo của người này”.
-- Người phụ tá không hiểu nên hỏi lại: “Chẳng lẽ một người khi sinh ra đã không được ưa nhìn thì cũng là lỗi của họ sao?”
-- Tổng thống Lincoln trả lời: “Mỗi người đều do cha mẹ sinh ra, nhưng sau 40 tuổi đều phải chịu trách nhiệm cho khuôn mặt của mình!”
Thực sự trong cuộc sống, con người đến tuổi trung niên, thì tướng mạo sẽ lộ rõ ra tính cách và phẩm chất của người đó. Người có tấm lòng khoan dung thì phần lớn sẽ có khuôn mặt phúc hậu. Người có tính tình hiền dịu thì tướng mạo sẽ đẹp một cách nhu hòa thánh thiện.
Người có tính cách thô bạo lỗ mãng thì tướng mạo sẽ luôn là hung dữ. Người có lòng dạ nhỏ mọn thì phần lớn sẽ có tướng mạo xấu xí, hai hàng lông mày nhíu chặt.
Có người tướng mạo lộ ra vẻ đặc biệt trẻ trung và xinh đẹp thì người này nhất định là đơn thuần lương thiện. Đây là do kết quả của quá trình tu dưỡng tâm tính và hành vi phản chiếu lên khuôn mặt.
Cho nên tướng mạo cũng chỉ ra vận mệnh tương lai của người đó. Nhưng tướng mạo của một người là có thể từng bước cải biến được. Đặc biệt, tướng mạo đẹp là do sự quyến rũ từ trong nội tâm. Bất kể phúc báo nào đều là có nguyên nhân, cho nên dung mạo xinh đẹp cũng là có nguyên nhân từ tâm.
Để có tướng mạo đẹp ở tuổi trung niên, hãy thường xuyên tu dưỡng những điều sau:
1. THƯỜNG XUYÊN MỈM CƯỜI
Có người nói, mỉm cười là cách để làm nở một bông hoa xinh đẹp nhất ở trên khuôn mặt. Người xưa có câu: “Tay hung không đánh mặt cười”. Nụ cười luôn làm rung động lòng người, khiến mọi người vui vẻ, thân thiết và gần gũi nhau hơn. Nhưng đó vẫn chưa phải là điều quan trọng nhất, điều quan trọng nhất chính là, mỉm cười luôn mang đến cho người khác niềm vui và hạnh phúc, mang đến sự sự chia sẻ về tinh thần. Nếu như trên khuôn mặt thường xuyên nở nụ cười là có thể đem thiện ý truyền đạt cho tất cả mọi người. Đây chính là cách hoàn toàn không phải mất phí tổn mà lại tạo ra được giá trị lớn. Đây chính là phương pháp làm đẹp thuận tiện rất, kỳ diệu nhất.
2. KHEN NGỢI NGƯỜI KHÁC NHIỀU HƠN
Ai cũng đều muốn nghe những lời khen ngợi, khích lệ đặc biệt là lời khen ngợi đúng lúc. Các nhà khoa học đã làm một cuộc thí nghiệm đối với nước. Sự kết tinh hình dạng của nước có chịu ảnh hưởng của thanh âm bên ngoài. Tiến sĩ Masaru Emoto, giám đốc Viện Hado (tổ chức IHM) ở Tokyo, Nhật Bản đã tiến hành thí nghiệm sự biến hóa của nước dưới sự ảnh hưởng của âm thanh tác động bên ngoài và phát hiện: Khi ông phát những ca khúc nổi tiếng của Mozart và Beethoven rồi dùng kính hiển vi quan sát, ông nhận thấy các tinh thể nước sẽ thuận theo những giai điệu đẹp đó mà không ngừng có những biến hóa đẹp mắt. Nói những lời dễ nghe thì các tinh thể nước cũng tạo thành những hoa văn hết sức đẹp mắt. Khi nói những lời khó nghe thì các tinh thể nước lại chuyển động hỗn loạn, không có trật tự. Vậy nên, nói những lời khen ngợi, khích lệ người khác cũng sẽ làm rung động tinh thần của họ. Và đồng thời, chính những lời thiện, lời tốt đẹp này cũng sẽ khiến bản thân mình càng thêm xinh đẹp hơn.
3. NHẪN NHỊN NHIỀU HƠN, TỨC GIẬN ÍT ĐI
Người mà có khả năng nhẫn nhịn, ít khi tức giận thì sắc mặt sẽ đẹp hơn. Trong cuốn “Phật thuyết tội phúc báo ứng" kinh nói rằng: Người xấu xí là do thường xuyên tức giận, oán trách mà thành. Người đoan trang trắng trẻo, vẻ mặt rạng ngời, thân thể mềm mại, gặp người, người thích là kết quả của tu nhẫn mà nên.
4. LUÔN BIẾT CẢM ƠN
Người biết quý trọng và có lòng biết ơn với hết thảy, từ bông hoa cọng cỏ, từ con người, đồ vật... thì tự nhiên trong lòng cũng phát sinh một loại cảm tình tốt. Nội tâm người đó lúc nào cũng tựa như nở ra một bông hoa thơm ngát hấp dẫn người khác. Người mà bên trong tràn đầy hương thơm như vậy thì bên ngoài cũng sẽ trở nên xinh đẹp rạng rỡ.
5. SỨC MẠNH CỦA TÂM NIỆM
Vẻ bề ngoài của một người là liên quan mật thiết với nội tâm bên trong của người đó. Tướng do tâm sinh, cho nên bên trong thiện lành thì bên ngoài sẽ xinh đẹp. Một nhà tâm lý học từng nói: “Tâm tình của một người là như thế nào thì cuộc sống của người đó sẽ là như thế, vận mệnh của người đó cũng sẽ lại giống như thế”. Vì vậy, nếu bạn mong muốn trở thành người xinh đẹp, thì trước hết hãy dùng tâm niệm tốt đẹp để đối đãi với thế gian. Khi đó bạn không những phát hiện ra mọi thứ đều trở nên xinh đẹp mà ngay cả tướng mạo của bản thân mình cũng ngày càng trở nên xinh đẹp.
6. TIẾP XÚC NHIỀU HƠN VỚI NGƯỜI CÓ TÂM LINH TỐT ĐẸP
Người xưa nói: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” là có ý nói rằng, nếu như bạn tiếp xúc nhiều hơn với người tốt, người có tâm linh tốt đẹp thì bạn sẽ chịu ảnh hưởng từ họ, dần dần bạn cũng trở nên giống như họ.
❤️ Người đẹp không phải chỉ nói đến là vẻ đẹp bề ngoài mà quan trọng hơn là vẻ đẹp của tâm linh. Người có tâm linh đẹp thì dung mạo cũng sẽ đẹp!
Bài sưu tầm .



Ý NGHĨA BÚT DANH CỦA CÁC NHẠC SĨ…
Nguồn gốc những bút danh của các nhạc sĩ nổi tiếng trước 1975: Ngô Thụy Miên, Anh Việt Thu, Mặc Thế Nhân…
Có nhiều nhạc sĩ đã sử dụng tên thật của mình khi viết nhạc, thí dụ như Trịnh Công Sơn, Trần Thiện Thanh, Châu Kỳ, Nhật Ngân, Phạm Mạnh Cương, Hoàng Thi Thơ, Nguyễn Văn Đông, Vũ Thành An, Từ Công Phụng, Phạm Đình Chương, Văn Phụng, Phạm Thế Mỹ… Có nhiều nhạc sĩ lấy bút hiệu dựa trên tên thật của mình, như nhạc sĩ Lê Dinh (tên thật là Lê Văn Dinh), nhạc sĩ Anh Bằng (tên thật là Anh Bường), nhạc sĩ Hoài Linh (tên thật là Lê Văn Linh), nhạc sĩ Đỗ Lễ (tên thật là Đôc Hữu Lễ)… Tuy nhiên đa số nhạc sĩ khác sử dụng bút hiệu khác với tên thật, như là Lam Phương, Trúc Phương, Trầm Tử Thiêng, Y Vân, Ngô Thụy Miên…
Bài viết này sẽ tìm hiểu ý nghĩa của những bút danh của các nhạc sĩ nổi tiếng trước năm 1975.
Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên
Nhạc sĩ Bảo Chấn là một nhạc công có tiếng trước 1975, cũng là bạn học nhạc của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên. Trong một bài viết, nhạc sĩ Bảo Chấn đã giải thích về bút hiệu Ngô Thụy Miên, một cái tên rất thi vị, và cách giải thích cũng rất thú vị.
Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên tên thật là Ngô Quang Bình, là nhạc sĩ viết tình ca nổi tiếng nhất của dòng nhạc trữ tình Việt Nam. Theo lời của Bảo Chấn, thời còn đi học thì chàng học trò tên Bình thường ngủ gật trong giờ học, cứ muôn nào chán là lăn ra ngủ, thường bị bạn bè chọc. Sau này viết nhạc, ông lấy luôn tên Thụy Miên, nghĩa là ngủ gật. Miên ở trong chữ này đồng nghĩa với Miên trong chữ “thôi miên”, liên quan đến sự ngủ.
Nhạc sĩ Lê Uyên Phương
Nhạc sĩ Lê Uyên Phương tên thật là Lê Minh Lập. Sau này do giấy tờ bị thất lạc nên ông phải làm lại giấy khai sinh hai lần, nhân viên làm giấy tờ nhầm thành Lê Minh Lộc rồi Lê Văn Lộc. Bút hiệu Lê Uyên Phương được ông lấy họ của mình ghép với chữ Phương trong tên của mẹ, cùng với chữ Uyên tên người bạn gái đầu tiên mà ghép thành.
Trong làng nhạc miền Nam trước năm 1975, dòng nhạc Lê Uyên Phương có một chỗ đứng độc tôn, khác biệt với tất cả, một loại nhạc của sự cuồng mê, của những đôi tình nhân quấn quít và rã rời bên nhau. Những bài hát của nhạc sĩ Lê Uyên Phương rất nồng nàn nhưng cũng đầy khắc khoải với những lo âu về thời cuộc, những yêu đương thường vội vã và nhân tình luôn muốn được trọn vẹn ở bên nhau.
Nhạc sĩ Anh Việt Thu
Nhạc sĩ Anh Việt Thu, tác giả của những ca khúc bất hủ Tám Điệp Khúc, Người Ngoài Phố, Hai Vì Sao Lạc… tên thật là Huỳnh Hữu Kim Sang, có người em trai út tên là Huỳnh Hữu Việt Thu bị tật nguyền. Là người anh trai cả trong nhà, nhạc sĩ Anh Việt Thu có trách nhiệm bảo bọc và lo cho những người em, đặc biệt là người em trai út không may mắn, nên khi viết nhạc, ông đã chọn cho mình bút danh Anh Việt Thu (anh của Việt Thu), như là luôn tự nhắc nhở mình về trách nhiệm trong gia đình.
Mang trọng trách lớn nhưng nhạc sĩ Anh Việt Thu vắn số, qua đời khi mới 37 tuổi. Vào một buổi sáng, bên chiếc xe tang của ông có một người vợ trẻ là cựu nữ sinh Gia Long, cùng 2 người con thơ, người cha già rưng rưng râu trắng, người mẹ hiền tóc điểm màu sương, và một người em trai tật nguyền.
Nhạc sĩ Anh Việt Thanh
Có nhiều người tưởng rằng 2 nhạc sĩ Anh Việt Thu và Anh Việt Thanh – tác giả của ca khúc Vùng Lá Me Bay là 2 anh em. Thực ra 2 nhạc sĩ này cùng quê, và dù không phải là anh em ruột nhưng cũng có chút liên hệ họ hàng xa.
Lúc sinh thời, khi được hỏi vì sao chọn bút danh này, nhạc sĩ Anh Việt Thanh đã giải thích như sau: “Sở dĩ tôi lấy tên Anh Việt Thanh là vì tôi và Anh Việt Thu ở cùng làng, có bà con xa bên mẹ, hơn nữa tôi rất phục tài của Anh Việt Thu, nên ước muốn nơi chúng tôi sinh ra có nhiều nhạc sĩ”.
Nhạc sĩ Anh Việt Thu từ giã cõi đời vào ngày 15/3/1975. Như một định mệnh, đúng 40 năm sau, nhạc sĩ Anh Việt Thanh qua đời vào ngày 12/3/2015.
Nhạc sĩ Giao Tiên
Nhạc sĩ Giao Tiên là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu của loại nhạc bình dân đại chúng trước năm 1975 với các ca khúc nổi tiếng như Nhớ Người Yêu, Vó Ngựa Trên Đồi Cỏ Non, Tình Đẹp Mùa Chôm Chôm, Thư Ngoài Biên Trấn, Lại Nhớ Người Yêu, Mất Nhau Rồi… Ông tên thật là Dương Trung, khi viết nhạc, vì thấy tên này khá khô cứng nên ông muốn chọn một bút hiệu khác thi vị hơn. Nhớ lại hồi nhỏ tích truyện Hoa Tiên có nhân vật nữ chính tên là Dương Giao Tiên có cùng họ với mình, nên ông chọn bút danh Giao Tiên.
Hoa Tiên là một truyện dài bằng thơ Nôm ra đời khoảng giữa thế kỷ 18 trong lịch sử văn học Việt Nam, tác giả Hoa Tiên là Nguyễn Huy Tự – một danh sĩ đời Lê trung hưng. Truyện thơ có 1532 câu lục bát (sau này được sửa, thêm thành 1826 câu) được viết phỏng theo một ca bản xuất xứ từ Trung Hoa có nhan đề là Đệ bát tài tử Hoa tiên ký.
Nhạc sĩ Anh Thy
Nhạc sĩ Anh Thy – tác giả ca khúc Hoa Biển – từng là học trò của nhạc sĩ Y Vân vào những năm 1960. Thời điểm này ông cũng gặp gỡ và chơi thân với nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, và chính vị nhạc sĩ nổi tiếng này đã đặt bút danh Anh Thy cho người bạn của mình. Anh Thy là nói lái lại của chữ Y – Thanh, ghép lại từ 2 tên nhạc sĩ Y Vân và Trần Thiện Thanh, có thể xem là 2 người nhạc sĩ gần gũi nhất với Anh Thy vào thời điểm đó.
Nhạc sĩ Y Vân
Y Vân là một trong những nhạc sĩ nổi tiếng nhất của miền Nam trước 1975, tác giả cả khúc được xem là “quốc ca tình mẫu tử” là Lòng Mẹ. Ông tên thật là Trần Tấn Hậu, và cái tên Y Vân được ông chọn cho sự nghiệp âm nhạc lẫy lừng của mình được bắt nguồn từ mối tình đầu. Y Vân nghĩa là “yêu Vân”, Vân đó là cô Tường Vân, họ yêu nhau khi nhạc sĩ mới 19 tuổi, còn nàng mới 16 tuổi.
Khi gia đình biết được giữa con gái và anh nhạc sĩ nghèo đang nảy sinh tình cảm thì tìm mọi cách để ngăn cản. Tường Vân nghe lời cha mẹ đi Pháp du học, bỏ lại anh nhạc sĩ nghèo đau khổ với mối tình vô vọng bị ngăn cách bởi giàu nghèo.
Bà Minh Lâm, vợ của nhạc sĩ Y Vân kể lại: “Sau này, anh vào Nam, cô Vân có gửi thư nhưng vì bận, anh không trả lời, đưa tôi giữ đến tận bây giờ. Mối tình đó tôi rất tôn trọng”.
Chị Ngọc Tú – con gái của nhạc sĩ Y Vân cũng bày tỏ sự ngưỡng mộ khi nhắc về tình đầu của cha. Chị cho biết: “Bố không liên lạc vì muốn cô Vân hạnh phúc. Cô Vân nguyện sống độc thân nên từ trước đến nay thư từ chỉ một hướng từ cô. Tôi thấy thương cô”.
Mối tình đầu sâu nặng đó, ngoài việc để lại cái tên Y Vân nối tiếng, còn là nguồn cảm hứng để cố nhạc sĩ Y Vân cho ra đời nhiều ca khúc nổi tiếng về sau.
Nhạc sĩ Tú Nhi
Những người yêu nhạc vàng, hầu hết đều biết Tú Nhi là bút hiệu khi sáng tác của danh ca nhạc vàng Chế Linh.
Vào khoảng đầu thập niên 1960, Chế Linh nổi lên như là một hiện tượng đặc biệt trong làng nhạc với giọng hát đặc biệt: Nức nở và thổn thức, hát như là nói, như thể là muốn kể lại một câu chuyện buồn bằng âm nhạc. Cách hát này của Chế Linh đi sâu vào lòng người, được đông đảo khán giả đồng cảm, và ông cũng trở thành nam danh ca hàng đầu của nhạc vàng trong suốt 60 năm qua, được xưng tụng là “Tứ trụ nhạc vàng”.
Đi cùng với giọng hát đó là sự ra đời của hàng loạt ca khúc phổ thông dành cho đại chúng nghe nhạc. Đó không phải là những bài hát đầy chất thơ đầy tính ẩn dụ sâu xa, mà là những ca khúc dễ nghe, dễ hiểu, được Chế Linh trực tiếp yêu cầu nhiều nhạc sĩ nổi tiếng thời đó sáng tác, đó là Châu Kỳ, Mạnh Phát hoặc Trúc Phương…
Thời điểm này dòng nhạc vàng dành cho đại chúng vẫn còn rất sơ khởi và chưa có quá nhiều tác phẩm, trong khi đối tượng khán giả yêu thích nghe loại nhạc này là rất lớn. Nắm bắt được thị hiếu đó, Chế Linh cũng tự sáng tác nhiều ca khúc để dành riêng cho giọng hát của mình, ký bút danh là Tú Nhi. Theo lời ông giải thích, Tú Nhi nghĩa là một đứa bé tuấn tú. “Tú” có nghĩa là “tuấn tú”, “Nhi” nghĩa là “em bé”, và từ khi chọn bút danh này cho đến tận bây giờ, ông vẫn luôn mong muốn mình hồn nhiên như một đứa bé thơ.
Nhạc sĩ Đài Phương Trang
Nhạc sĩ Đài Phương Trang tên thật là Phạm Vũ Anh Tứ, tác giả của Người Yêu Cô Đơn, Hoa Mười Giờ… Xuất xứ thú vị của bút hiệu nghe rất nữ tính này được chính nhạc sĩ kể lại:
“Lúc trẻ tôi là một tay đàn hát có tiếng. Bạn bè thường yêu cầu tôi biểu diễn văn nghệ để giải khuây. Thế nhưng đó là khi xung quanh chỉ toàn đàn ông, con trai bởi tôi… rất “nhát gái”. Nếu xuất hiện bóng hồng nào đó, tôi sẽ lập tức đàn hát kém đi. Từ đó nghệ danh Đài Phương Trang ra đời, là cách nói lái của “đàn phương trai”, có nghĩa chỉ đàn hát ở những nơi toàn nam nhi mà thôi”.
Nhạc sĩ Mặc Thế Nhân
Nhạc sĩ Mặc Thế Nhân tên thật là Phan Công Thiệt, tác giả của nhiều bài nhạc vàng nổi tiếng: Cho Vừa Lòng Em, Em Về Với Người, Tương Tư, Trả Tôi Về…
Nhiều người suy đoán bút hiệu Mặc Thế Nhân của ông theo nghĩa tiêu cực, nghĩa là “mặc kệ người đời”. Tuy nhiên nhạc sĩ nói rằng ý nghĩa bút danh của ông là “góp nhặt một vài giọt mực với người đời”. Mặc nghĩa là giọt mực, chứ không phải là mặc kệ.
Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9
Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 là tác giả của những bài hát nổi tiếng Tình Khúc Chiều Mưa, Buồn Ơi Chào Mi, Không…
Ông tên thật là Nguyễn Đình Ánh, khi chơi nhạc ở các phòng trà Sài Gòn, ông lấy nghệ danh rút gọn là Nguyễn Ánh. Tuy nhiên sau đó, có người nói tên này phạm huý vua (vua Gia Long – Nguyễn Ánh), ông bèn nghĩ ra tên khác.
Trong một lần ngồi suy ngẫm, đếm ký tự của tên N G U Y E N A N H thấy vừa tròn 9 ký tự, nên ông lấy luôn nghệ danh thành Nguyễn Ánh 9. Đó cũng là một cái tên độc đáo, khác biệt và dễ gây chú ý.
Nhạc sĩ Trúc Phương
Có thông tin cho rằng chữ Trúc trong bút hiệu Trúc Phương của người nhạc sĩ tài hoa bậc nhất dòng nhạc vàng này bắt nguồn từ tre trúc có rất nhiều ở nơi ông sinh ra. Tuy nhiên những người con của nhạc sĩ Trúc Phương đã phủ nhận thông tin này, và có người nói rằng tên Trúc Phương được ông mượn từ tên của một người trong họ hàng, và đơn giản là vì ông thích cái tên đó.
Nhạc sĩ Trúc Phương tên thật là Nguyễn Thiện Lộc, là tên tuổi lớn nhất của thể loại nhạc vàng giai điệu bolero, rumba.
Nhạc sĩ Lam Phương
Nhạc sĩ Lam Phương tên thật là Lâm Đình Phùng, là một trong những tên tuổi tiêu biểu nhất của làng nhạc miền Nam trước 1975. Ông chọn bút danh Lam Phương là từ cái tên thật Lâm Phùng của mình, nhưng cũng mang ý nghĩa là phương trời màu xanh, mong muốn hướng tới những điều tốt đẹp.
Nhạc sĩ Trường Sa
Nhạc sĩ Trường Sa tên thật là Nguyễn Thìn, sáng tác nhạc từ năm 17 tuổi (1957), nhưng lúc đó ông chưa lấy bút hiệu là Trường Sa. Phải đến năm 1964, ông ra mắt ca khúc Một Lần Xa Bến khi đang giữ chức hạm phó tàu tuần duyên mang tên Trường Sa, nên đã chọn tên này làm bút danh để sáng tác thêm hàng loạt ca khúc nổi tiếng: Hành Trang Giã Từ, Chuyện Người Đan Áo, Mùa Thu Trong Mưa, Rồi Mai Tôi Đưa Em, Xin Còn Gọi Tên Nhau, Một Mai Em Đi.
Nhạc sĩ Khánh Băng
Nhạc sĩ Khánh Băng tên thật là Phạm Văn Minh, tác giả của những bài hát quen thuộc như Sầu Đông, Vườn Tao Ngộ, Giờ Này Anh Ở Đâu, Có Nhớ Đêm Nào… Ngoài cái tên Khánh Băng, ông còn sử dụng các bút hiệu khác là Nhật Hà, Anh Minh.
Tên Khánh Băng được ông ghép từ tên 2 cô bạn thân, một tên Khanh, một tên Băng, thêm dấu sắc tên đầu, từ đó có tên Khánh Băng.
Nhạc sĩ Hàn Châu
Nhạc sĩ Hàn Châu tên thật là Lê Đình Nam, tác giả của những ca khúc nổi tiếng: Những Đóm Mắt Hỏa Châu, Thành Phố Sau Lưng, Ngày Mai Tôi Về… và bút danh Hàn Châu không phải do ông đặt, mà được nhạc sĩ Hoàng Trang đặt giúp khi sáng tác ca khúc Ngỏ Hồn Qua Đêm.
Bài hát Ngỏ Hồn Qua Đêm được ký với 2 tên Triết Giang – Hàn Châu nên lâu nay người ta vẫn tưởng là bài hát được 2 người viết chung. Tuy nhiên theo gia đình nhạc sĩ Hoàng Trang cho biết thì bài hát chỉ do 1 mình Hoàng Trang viết, và ông muốn giúp đỡ người bạn chưa có tên tuổi là Lê Đình Nam nên để thêm tên Hàn Châu vào.
Theo vợ của nhạc sĩ Hoàng Trang kể lại, khi sáng tác bài hát này, vợ chồng nhạc sĩ Hoàng Trang còn rất nghèo, ở trong một căn gác xép nhỏ ở số nhà 218/1 đường Trần Quý Cáp (nay là Võ Văn Tần). Khi hoàn thành bài hát, nhạc sĩ Hoàng Trang nhìn lên tấm bản đồ Việt Nam dán trên tường nhà, thấy bên trên nước Việt Nam là sơ đồ nước Trung Quốc có ghi 2 cái tên Hàn Châu và Triết Giang. Hàn Châu (sau này ghi là Hàng Châu) là một thành phố du lịch nổi tiếng, thủ phủ của tỉnh Triết Giang (sau này ghi là Chiết Giang) ở Trung Quốc. Thấy hai cái tên này lạ và hay nên ông lấy luôn tên Triết Giang cho mình và tên Hàn Châu cho người bạn
Nhạc sĩ Lê Thương
Lê Thương là nhạc sĩ tiên phong và có nhiều đóng góp cho sự hình thành và phát triển của tân nhạc Việt Nam, là tác giả của Hòn Vọng Phu, Thu Trên Đảo Kinh Châu, Thằng Cuội…
Nhạc sĩ Lê Thương tên thật là Ngô Đình Hộ, và bút danh Lê Thương của ông được ghép họ mẹ với tên con sông Thương – dòng sông của tuổi thơ đầy ắp kỷ niệm trong những dịp nghỉ hè ở đồn điền tại Đồng Đăng (Lạng Sơn) của gia đình của một người bạn học. Nơi đây ông cũng có dịp nhìn ngắm tượng đá vọng phu, là nguồn cảm hứng để nhiều năm sau đó ông viết thành bài trường ca bất tử.
Nhạc sĩ Viễn Chinh
Nhạc sĩ Viễn Chinh tên thật là Nguyễn Quốc Việt, tác giả của ca khúc Mùa Xuân Trong Thư Em và Nhật Thực. Bút hiệu Viễn Chinh của ông được kết hợp từ tên của 2 người bạn thân thuở nhỏ là Viên Và Chinh. Ông thêm dấu (~) để thành tên Viễn Chinh.
Nhạc sĩ Tuấn Khanh
Nhạc sĩ Tuấn Khanh là tác giả của Chiếc Lá Cuối Cùng, Hoa Soan Bên Thềm Cũ, Mùa Xuân Đầu Tiên… Ông tên thật là Trần Trọng Ngọc, trước khi sáng tác nhạc ông là ca sĩ đã đạt giải ở đài phát thanh Pháp Á, đi hát với cái tên Trần Ngọc.
Đến khi viết nhạc, ông ghép tên người anh là Trần Trọng Tuấn – là người đã khai tâm trong âm nhạc cho ông vào thuở ban đầu, cùng với tên Khanh, là tên con của ông Trần Trọng Tuấn, để thành tên Tuấn Khanh.








Theo: ĐÔNG KHA (nhacxua.vn) biên soạn

Những điều thú vị về tên đường Thành phố Hồ Chí Minh



Một điều tôi thấy rất hay ở thành phố mang tên Bác là những “cụm” tên đường. Nói cách khác, chỉ cần nhắc tới một con đường có thể hình dung ra được cả khu vực xung quanh như thế nào, và được Hội đồng đặt tên đường thời bấy giờ (những năm 1950) áp dụng.

Ví dụ nhé, nhắc tới tên các tướng quân Tây Sơn và thi sĩ như Tú Xương, Bà Huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương, hay Trần Quang Diệu, Ngô Thời Nhiệm là biết ở quận 3, còn danh tướng nhà Trần như Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật và Trần Khát Chân (tên đường đang bị đặt sai thành “Khắc”) thì ở khu vực phường Tân Định, quận 1.

Thật ra nếu bạn để ý thì việc đặt tên theo cụm ngày nay vẫn áp dụng và được hình thành liên tục. Ví dụ khu “Hoa” ở Phú Nhuận hay các danh nhân họ Lê ở quận Tân Phú. Sau đây là những cụm tên đường khác mà tôi thấy rất đặc trưng ở TPHCM:

- Khu Bắc Hải (quận 10) có tổ hợp các tên đường mang tên các dãy núi và sông ngòi ở nước ta (Cửu Long, Đồng Nai, Ba Vì, Hồng Lĩnh,…)

- Khu vực quận 1 giáp ranh kênh Bến Nghé có cụm tên đường những nhân vật tham gia Việt Nam Quốc dân Đảng tại quận 1 như: Nguyễn Thái Học, Cô Giang, Cô Bắc, Nguyễn Khắc Nhu, Phó Đức Chính, Ký Con

- Phường Tân Thành (Tân Phú) và phường Bình Thọ (TP. Thủ Đức) đều có cụm tên đường Thống Nhất, Dân Chủ, Đoàn Kết, Bác Ái, Độc Lập.

- Phường Thảo Điền (TP. Thủ Đức) có tổ hợp tên đường mang tên các danh nhân phong trào Cần Vương: Nguyễn Duy Hiệu, Ngô Quang Huy, Đặng Hữu Phổ hay các danh nhân gắn liền với nghệ thuật như Tống Hữu Định, Trần Ngọc Diện và Quốc Hương.




Phần 2: Bà Hom, Bà Lài, Bà Ký là ai mà được đặt hẳn tên đường trong nội thành thành phố Hồ Chí Minh?

Đất nước ta đại đa phần sử dụng tên những danh nhân có công với đất nước để đặt tên đường, tuy nhiên không phải trường hợp nào cũng vậy. Có những nhân vật rất “trung lập” - họ không có tội gì với dân tộc, không phục vụ chính quyền thực dân và đế quốc, nhưng đối với người địa phương họ để lại một trí nhớ sâu sắc, hay công trạng lớn lao nào đó để chúng ta an hưởng ngày nay. Đó cũng là một lý do khiến việc những cái tên này không cần đổi ngay cả sau 1975.

Ví dụ, Bà Hạt (quận 10), Bà Lài, Bà Ký, Bà Hom (quận 6) là những bà già ngày xưa buôn bán có tiếng ở xung quanh khu vực đó, dân quen gọi như vậy nên tồn tại tới hiện nay, hay ngã tư Bảy Hiền (quận Tân Bình) cũng được đặt tên vì ngày xưa quanh đây có một ông chú tên Bảy Hiền chuyên cung cỏ cho các gia đình nuôi ngựa, ai tới đây cũng dùng nhà ông Bảy Hiền để chỉ đường, thành ra khu vực này mang cái tên đó tới ngày nay.

Mà cũng chưa hết, một vật gắn liền với khu vực đó cũng có thể trở thành “biểu tượng” và tên đường cũng được đặt theo nó. Ví dụ:

- Đường Bông Sao (quận 8 ) được đặt vậy là vì ngày xưa hai bên đường trồng cây sao rất nhiều để lấy gỗ đóng ghe, khi nở hoa cây ra cơ man là bông nên gọi là Bông Sao.

- Đường Bàu Cát (và cả khu Bàu Cát 1-8 ở quận Tân Bình) có tên này là vì khi xưa cả khu này có một cái bàu (ao tù) chứa nước mưa. Người ta xây nhà xung quanh cái bàu này rồi cứ thế lấn dần vô trong bàu, dần dần cho tới khi chính quyền quận san lấp thì chỉ còn mỗi cái tên.

- Đường Cây Điệp (quận 1) và Cây Keo (quận Tân Phú) được đặt theo một cái cây lớn, nổi bật nằm giữa khu nên dân chúng quen gọi như vậy. Hay Vườn Lài (quận Tân Phú) xuất phát điểm cũng là đường làng nơi người dân chuyên trồng lài để bán hoa lúc bấy giờ.

- Riêng địa danh Vườn Chuối (quận 3) có một lịch sử khá… đáng sợ. Đường này là một phần của khu Mả Ngụy xưa, là nơi nằm xuống của gần 2,000 người dân bị xử tử trong cuộc nổi dậy của Lê Văn Khôi vào thế kỉ 19. Đường này lúc bấy giờ toàn mồ mả, không nhà cửa, cây chuối mọc um tùm nên dân gọi là Vườn Chuối cho tới nay.

Hà Nội có “Hàng” thì ở TPHCM cũng có “Xóm” - chỉ những khu vực nổi danh với một nghề nào đó. Ví dụ, đường Xóm Cải (quận 5) là khi xưa dân địa phường trồng rất nhiều rau cải, Xóm Chỉ (quận 5) từng nổi danh với nghề xe chỉ, Xóm Chiếu (quận 4) là nghề dệt chiếu, tương tự với Xóm Củi (quận 8 ), Xóm Đất (quận 11) và Xóm Vôi (quận 5) vậy đó.

Những điều thú vị về tên đường Thành phố Hồ Chí Minh

Không có nhận xét nào:

CHÀO MỪNG QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU SÓC TRĂNG THAM QUAN, ỦNG HỘ HOANGDIEUTRUONGXUASAIGON.BLOGSPOT.COM. CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM NHIỀU SỨC KHỎE, THÀNH CÔNG TRONG CÔNG VIỆC.