Cậu thư sinh đến hỏi 1 vị Thiền Sư rằng:
“Làm thế nào để đánh bại đối thủ của mình ?”.
Vị Thiền Sư mỉm cười, sau đó liền dùng một nhành cây, vạch xuống đất một đường thẳng. Thiền Sư nói: “Con hãy làm cách nào khiến cho đường thẳng này ngắn lại mà không xóa nó, trả lời được thì hãy đến tìm ta”.
Thư sinh về nhà với bài toán của vị Thiền Sư trong đầu. Cậu nghĩ mãi, nhưng cũng không biết làm cách nào khiến đường thẳng kia ngắn lại mà không xóa bớt nó đi. Rõ ràng là một yêu cầu vô lí. Hết 3 ngày mà không tìm ra đáp án, cậu bèn đến gõ cửa thầy Thiền Sư một lần nữa.
Thư sinh nói : “Thưa thầy, con thật không biết làm cách nào khiến đường kẻ này ngắn đi cả”.
Vị Thiền S sẽư mỉm cười, sau đó lại dùng một nhánh cây khác, nhẹ nhàng vẽ một đường thẳng song song với đường thẳng kia, nhưng dài hơn đường thẳng cũ một chút, đoạn mỉm cười: “Con xem, chẳng phải là đường thẳng cũ đã ngắn hơn so với đường thẳng mới rồi sao ?”
Vị Thiền Sư nhẹ nhàng giải thích: “Đối thủ của con chính là đường thẳng ban đầu, con không có cách nào khiến cho họ trở nên tồi tệ hơn. Con chỉ có một cách duy nhất, đó là khiến cho bản thân con trở nên xuất sắc hơn. Đừng quan tâm đối thủ của mình “ngắn hay dài, cao hay thấp”, hãy cứ trở thành đường thẳng “dài nhất”. Đến lúc ấy, chẳng ai có thể đánh bại được con”.
Trong cuộc sống cũng vậy. Đôi khi chúng ta luôn nhìn vào những thành công của người khác và mong ước, oán hận, hoặc ghen tị. Chúng ta không thể mong chờ đối thủ bước lùi để kém cỏi hơn chúng ta, mà chỉ có cách tự nỗ lực để trở nên giỏi giang hơn, bản lĩnh hơn đối thủ.
Do vậy, thay vì hy vọng người khác thất bại, gục ngã, thì chính mình hãy đứng dậy, luôn kiên cường tiến nhanh lên phía trước, luôn nổ lực để bản thân vượt trội hơn và càng vượt trội hơn.
– Hơn thua so với chính mình.
Hôm nay mình hãy hơn mình hôm qua !!!
Sưu Tầm
ĐẰNG SAU CÁI TÁT
Chị ngồi tô son trước gương, thi thoảng chị dừng lại nghe ngóng rồi lại thở dài.
Tiếng ti vi ngoài phòng khách vang lên những tiếng la hét ầm ĩ của một trận bóng đá . Chị đoán là anh lại đang dán mắt vào đó. Nghĩ trong đầu như vậy, chị cười khẩy. Bỗng dưng chị thấy khó chịu với cái sự nhàm chán của chồng.
Chị khoác thêm chiếc áo rồi đi ra khỏi nhà. Đi ngang qua phòng ngủ của con, chị dừng lại khi thấy cánh cửa phòng khẽ mở. Chị ngó đầu vào bên trong và nhìn thấy anh. Anh vặn nhỏ chiếc đèn ngủ, kéo chăn đắp ngang người con rồi hôn nhẹ lên trán con bé. Bất giác chị cảm thấy chạnh lòng ganh tỵ đôi chút.
Chị ra ngoài phòng khách và nhận thấy anh đã cho nhỏ tiếng tivi từ bao giờ. Vẫn là trận đấu bóng đá nhưng nhưng anh gần như chỉ xem hình mà không nghe tiếng. Anh không muốn làm con thức giấc.
- “Muộn rồi em còn đi đâu vậy?”
Chị đưa tay nhìn đồng hồ rồi thản nhiên:
- “Mới 10h làm gì mà muộn. Ai như anh lúc nào cũng ru rú ở nhà !”
- “Em có biết, con bé cần có em không, mà lúc nào cũng đi như vậy? Con đang tuổi lớn, con cần em…”
- “Em không thể chôn vùi cuộc sống của mình trong cái nhà này mỗi tối được. Em cũng cần phải có những hoạt động riêng cho mình. Tối nay em đi tiệc với lớp khiêu vũ buổi tối, em về muộn. Anh đừng chờ”.
- “Con sốt, anh không muốn em đi. Em ở nhà một hôm thì đã sao!
Chị thản nhiên anh bởi bao lâu nay anh vẫn nói vậy nhưng rồi lại mặc kệ khi nhìn chị bước ra khỏi nhà. Chị lẳng lặng cầm chiếc điện thoại rồi bấm số, coi như không nghe thấy lời anh vừa nói.
- “Lan à, đến đón mình nhé, mình đợi ở đầu ngõ nha”
Chị bước gần về phía cửa mà không hề nhận ra rằng đôi tay anh đang nắm lại và run lên vì giận dữ:
- “Em đứng lại…!!!”
Chị vẫn không ngừng bước về phía cửa:
- “Anh nói, em đứng lại!”
Tới lúc này, chị mới ngây người ra khi nghe thấy sự bực tức toát lên từ câu nói và ngữ điệu của anh. Với vẻ mặt đầy khó chịu, chị bỏ chiếc mũ bảo hiểm ra khỏi đầu, từ tốn tháo giày rồi bước vào nhà.
- “Anh không có quyền cấm tôi. Tôi cũng có phải có những tự do cá nhân của riêng mình chứ!”
- “Đã bao giờ anh cấm đoán em trong những cuộc vui chơi chưa? Nhưng hôm nay con ốm và anh muốn em ở nhà để làm tròn nghĩa vụ của một người mẹ !”
Chị nhếch mép cười với thái độ khinh thường chồng ra mặt.
- “Nếu thế, anh nên học cách làm tốt trách nhiệm của một người chồng, người cha đi. Anh kiếm ra nhiều tiền, chí ít là bằng tôi. Đã bất tài thì đừng lên mặt…”
-“Bốp ...!”
Anh tát một cái vào má chị. Mắt anh ánh lên sự giận dữ và bất bình nhưng ngay sau đó nó trùng xuống. Có lẽ anh cảm thấy có lỗi bởi bao năm qua anh chưa từng một lần to tiếng với vợ chứ đừng nói là dùng vũ lực. Trong đời anh phải đánh vợ nghĩa là anh đã bất lực với cuộc sống hôn nhân của mình.
Chị đưa tay sờ lên gò má vừa bị tát một cái bỏng rát. Nhưng chị không khóc. Chị nhìn anh đầy thách thức và nói:
- “Anh giỏi lắm, đã bất tài lại còn đánh vợ. Có người đàn ông nào như anh chưa?”
Chị chạy ra khỏi nhà, chẳng cần mũ bảo hiểm, chị vẫy một chiếc taxi.
Ngồi trên xe, chị không biết mình sẽ đi đâu.
Đã gần chục năm rồi anh chị lấy nhau. Từ một tình yêu đẹp thời sinh viên, cuối cùng thì cuộc hôn nhân này biến thành điều gì? Chị luôn cảm thấy bất mãn vì chồng không làm ra nhiều tiền. Chị là người phụ nữ thành đạt, chị ra ngoài và gặp những người đàn ông mở miệng là nói tới bạc tỉ. Vì thế mà chị âm ỉ giận. Giận vì chồng lúc nào cũng ôm khư khư cái cuộc sống êm đềm nhưng chị thích cuộc sống hào nhoáng và sung sướng hơn thế.
Chị lướt nhanh lại quãng thời gian đã qua. Quả là anh đã thay chị làm người vợ trong nhà. Tan làm anh về sớm đón con, anh nấu cơm, anh dọn nhà, anh cho con ăn, anh dỗ cho con ngủ…
Còn chị, chị quen với việc trở thành người của xã hội hơn là gia đình. Mọi người thấy chị sướng khi có chồng đảm đang, tháo vát, nhưng chị thì thấy chán nản, coi thường khi chồng không phong độ như người ta.
Nước mắt chị cứ thế lăn dài… Bao năm rồi chị chưa từng bị chồng đánh. Chị có cảm giác tức tối nhưng cũng nuối tiếc một thời tình yêu mê đắm…
Hình như anh vẫn vậy, nhưng chỉ có chị là khác. Chị không còn cảm thấy cần được yêu thương từ anh thêm nữa…
Anh ngồi trong phòng khách một mình. Anh tắt điện và để cho bóng tối bao trùm lấy mình. Anh nghĩ về những lời vợ nói, về cuộc hôn nhân này và về những gì đã qua trong suốt 10 năm qua. Anh khóc, giọt nước mắt của người đàn ông đã rơi.
Chị trở về nhà vào lúc 2h sáng. Thấy chị về nhà, anh lao ra mở cửa. Anh không nói một lời nào, chỉ lẳng lặng đóng cánh cổng lại. Chị đoán anh biết lỗi nên mới làm như vậy. Chị vẫn làm như bộ mình không có chuyện gì.
Chị đi thẳng vào phòng ngủ rồi chốt cửa. Chị biết thế nào đêm nay anh cũng chẳng vào phòng, chị muốn làm như thế để chứng tỏ cho anh biết rằng chị không muốn có sự xuất hiện của anh trong căn phòng này.
Nhưng chị chờ, chờ mãi, gần 1h đồng hồ qua đi. Chị nhìn điện thoại thấy báo 3h sáng. Chị rón rén mở cánh cửa phòng và nhìn ra phòng khách. Anh không hề ở đó.
Chị giật mình chạy vội lại. Chị bật điện lên và thấy trên bàn một tờ giấy đặt ngay ngắn:
“Thương gửi em…
Anh biết, bao năm qua, em cảm thấy bất mãn vì có một người chồng không kiếm ra nhiều tiền như em mong đợi. Anh biết, đó là lỗi của một người đàn ông như anh.
Nhưng em ạ. Ngôi nhà lúc nào cũng cần phải sáng đèn, căn bếp cần có người thắp lửa… Nếu em là người phía bên ngoài cánh cửa thì anh phải là người lùi lại, bật công tắc đèn, làm cho bếp luôn ấm… Vì chúng ta là một gia đình. Vì con cần có người bên nó.
Sẽ ra sao nếu chúng ta cùng ra ngoài và căn nhà này luôn khóa chặt.
Anh dám chắc, nó lạnh lẽo chứ không còn là một tổ ấm.
Lúc đó anh sợ rằng em có mang tiền về thì căn nhà vẫn lạnh lẽo và u ám.
Anh chỉ nghĩ rằng nếu có một người đã bay trên bầu trời như một con diều no gió thì cần có một người làm sợi dây níu nó về với mặt đất. Anh đã chấp nhận là người lùi lại.
Nhưng em luôn cầu toàn một điều gì khác nữa, có lẽ là nhiều hơn những điều anh có thể.
Chúng ta nên dừng lại. Đó là cách để em không thấy lòng mình bất mãn và để anh không cảm thấy mình mệt mỏi.
Nếu chúng ta chỉ mang lại những tổn thương và không bằng lòng cho nhau, đó là lúc con tim đã hết yêu rồi em ạ.
Đơn anh viết và ký sẵn rồi. Còn chờ em nữa thôi.
Tạm biệt em”.
Anh đã đợi chị về nhà rồi anh mới ra đi.
Chị bật khóc khi nghĩ ra việc anh đã cố gắng làm tròn trách nhiệm giữ hơi ấm cho căn nhà này tới cùng. Chị bật điện sáng căn phòng khách và ngồi mong đợi anh. Chị đoán sáng hôm sau hết giận rồi anh sẽ về…Bởi chị luôn coi anh là vật thuộc quyền sở hữu của riêng chị...
Nhưng trời mỗi lúc một sáng mà anh đã không trở về...
Bất giác chị nhìn lại một lượt quanh nhà và cảm thấy thiếu vắng, một cảm giác trống trải, lạnh lẽo lạ thường...
Sưu Tầm
BỨC THƯ TUYỆT MỆNH CỦA NGƯỜI MẸ 80 TUỔI "HỐI HẬN VÌ SINH RA 4 CON TRAI" KHIẾN NHIỀU NGƯỜI TRÀO NƯỚC MẮT
Thật khó để tưởng tượng nổi về 1 bức thư tuyệt mệnh của 1 người mẹ có nội dung "cảm ơn vì đã chăm sóc mẹ nhưng mẹ hối hận khi đã sinh ra các con".
Bức thư này là của 1 bà mẹ đã 80 tuổi ở Trung Quốc. Không một ai là không khóc khi được đọc những dòng chữ đó.
"Các con trai của mẹ,
Hôm nay là ngày 6/6, mẹ đã qua tuổi 80, điều này cũng có nghĩa là mẹ đã sống được 80 năm trên đời rồi.
Trải qua một thời gian dài như vậy, mẹ sinh 4 đứa con và nuôi thêm 8 đứa cháu tất thảy. Tức là trong suốt cuộc đời mình, mẹ đã nuôi 12 người, cả con lẫn cháu. Vì vậy mà mẹ nghĩ rằng mẹ đủ từng trải và đủ tiếp xúc để có thể hiểu rõ về những đứa con của mình.
Đặc biệt là từ vài năm trước, sau khi cha các con qua đời, mẹ cảm thấy một cách rõ ràng rằng các con ngày càng trở nên thiếu kiên nhẫn với mẹ. Nhưng lúc đó, mẹ đã thực sự hy vọng rằng các con có thể đưa mẹ về nhà, mẹ muốn sống với các con và mẹ có thể làm bất cứ điều gì để được như thế.
Mẹ cứ mong chờ nhưng 2 tháng đã trôi qua mà không một ai trong số các con đón mẹ về. Trái tim của mẹ lạnh lẽo như đóng băng vì mẹ biết các con sẽ không bao giờ có ý định đó.
Cũng may là khi ấy các con đối xử với mẹ không tệ. 4 người các con đã chia nhau, mỗi người 1 tuần ở lại với mẹ, nên mẹ không còn sợ hãi khi màn đêm buông xuống nữa.
Thực ra, ai cũng vậy thôi, sống đến ngần này tuổi rồi, điều đáng sợ nhất là gì? Đó chẳng có gì khác ngoài nỗi cô đơn.
Mẹ biết, các con đã dành 1 năm 9 tháng để chăm sóc mẹ, khoảng thời gian đó tương đương với 630 ngày. Là một người mẹ, mẹ cảm ơn các con vì hành động đó.
Thế nhưng sau đó, các con gặp mẹ với gương mặt ngày càng cau có. Khi đến, các con không chào hỏi gì và lúc đi cũng chẳng nói với mẹ một câu nào. Nó giống như là các con đang vào khách sạn và đi lướt qua một bà già xa lạ vậy.
Mẹ không muốn xúc phạm bất kỳ ai trong số các con. Mẹ không ăn của các con một bữa ăn nào, cũng không mặc quần áo của các con và càng không tiêu tốn một đồng nào của các con. Nhưng các con luôn cho mẹ cảm giác, việc các con đến thăm mẹ giống như là một món nợ, một gánh nặng phải trả.
Ngay cả khi mẹ đã chẳng còn minh mẫn thì mỗi tối, các con vẫn bỏ về nhà mình, không một ai ở lại với mẹ. Chính điều đó đã khiến cho mẹ cảm thấy cô đơn hơn bao giờ hết.
Sau khi cha các con qua đời, các con đã ở cạnh mẹ 1 năm 9 tháng. Mẹ biết ơn vì điều này nhưng ở phần còn lại của cuộc đời, mẹ sẽ đi một mình.
Trong hơn 2 năm qua, mẹ đã phải vật lộn với nỗi cô đơn. Vào ngày sinh nhật lần thứ 80 của mẹ, các con đã đến và đều chúc mẹ "Sống lâu trăm tuổi!", nhưng lúc đó mẹ chỉ cười và nghĩ, sống trăm tuổi thật vô dụng.
Và gần đây, bệnh tim của mẹ ngày càng nặng hơn. Mẹ không nói điều đó với các con và mẹ không biết phải nói gì. Mẹ mong rằng bệnh tật sẽ mang mẹ đi gặp cha các con sớm hơn, nếu được như vậy thì mẹ sẽ biết ơn cuộc đời này rất nhiều.
Mấy ngày trước, mẹ mơ thấy cha các con. Ông ấy nhìn mẹ cười và nói: "Bà đi với tôi nhé! Bà sẽ không còn cảm thấy cô đơn nữa".
Tỉnh dậy, mẹ nhìn thấy những ngôi sao bên ngoài cửa sổ, thấy mặt trăng tròn và lớn. Mẹ đã mơ thấy cha các con, mơ thấy rằng ông ấy sẽ đón mẹ đi vào một đêm tuyệt đẹp như thế. Trong suốt cuộc đời mình, mẹ biết ơn tình yêu của ông ấy dành cho mẹ và biết ơn sự chăm sóc của các con trong 630 ngày vừa qua.
Bệnh tim của mẹ mỗi ngày một nặng nên mẹ hiểu rằng mình không còn nhiều thời gian nữa. Thế nên mẹ đã viết bức thư này, bởi duyên phận của mẹ con mình cũng chẳng còn bao nhiêu.
Tóc mẹ đã bạc hết rồi, mẹ có thể thề với mái tóc của mình rằng, mẹ thực sự trân trọng những gì các con đã làm cho mẹ. Ngoài câu này ra, mẹ còn muốn nói thêm rằng: "Mẹ rất hối hận khi đẻ ra các con. Nếu có kiếp sau, mẹ không muốn các con là con của mẹ nữa."
Nhưng với tư cách là một người mẹ, mẹ vẫn hi vọng rằng cả 4 người các con sẽ hạnh phúc trong những năm tháng sau này, sẽ không bị 8 đứa con của mình bỏ rơi.
Sau lá thư này, mẹ muốn dừng lại tất cả..."
Cuối cùng, một vài ngày sau, người ta phát hiện bà mẹ 80 tuổi đã nhắm mắt xuôi tay với gương mặt vô cùng bình yên trên chiếc giường của mình, trong tay là bức ảnh duy nhất của bà và chồng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét