- Vào một ngày, khi người không còn nữa, đứng cạnh thân xác đang nguội lạnh, cứng đờ người đã thấy...
Người ghét ta, nhảy múa vui mừng
Người thương ta, nước mắt rưng rưng.
Người ghét ta, nhìn nấm mộ của ta, niềm vui hiện rõ trên gương mặt.
Người thương ta, chẳng nỡ quay đầu nhìn lần cuối.
- Ba Tháng sau, thân xác ta đang dần trương sình, bốc mùi hôi thối, thuở còn sống ta vô cùng ghét côn trùng, giờ đây giòi bọ đang nhăm nhi cái thân mà ta cả đời nâng niu, tàn sát sinh mạng để cung phụng cho nó đủ thức ngon, mặc đẹp, đắp vào bao nhiêu tiền của.
- Một Năm Sau: thân thể của ta đã rã tan…nấm mộ của ta mưa bay gió thổi...ngày giỗ ta, họ vui như trẩy hội, mở tiệc hội họp ca nhạc, ăn uống linh đình.
Người ghét ta, lâu lâu trong buổi trà dư tửu hậu nhắc đến tên ta...họ vẫn còn bực tức.
Người thương ta, khi đêm khuya vắng lặng, khóc thầm rơi lệ tìm ai bày tỏ.
- Mười Năm Sau: ta không còn thân thể nữa, chỉ còn lại một ít xương tàn.
Người ghét ta, chỉ nhớ mơ hồ tên ta, họ đã quên mất gương mặt của ta.
Người yêu thương ta nhất, khi nhớ về ta có chút trầm lặng. Cuộc sống xô bồ dần dần làm phai mờ đi tất cả.
- Vài Chục Năm Sau...nấm mộ của ta hoang tàn không người nhang khói, quan tài nơi ta nằm đã mục nát, chỉ còn một mảng hoang vu.
Người ghét ta, đã già lú cũng quên ta rồi.
Người yêu thương ta nhất, cũng tiếp bước ta đi vào nấm mộ.
- Đối Với Thế Giới Này...
Ta đã hoàn toàn trở thành hư vô, không ai biết ta từng tồn tại, bạn bè, đồng nghiệp, người thân, mỗi người một nơi, kẻ già, người chết, những gì ta dùng đã mất, những gì ta để lại rơi vào tay kẻ khác.
Ta phấn đấu, hơn thua, tranh giành cả đời, cũng không mang theo được nhành cây ngọn cỏ. Tiền tài, gia sản mà tôi cố giữ, cố thủ đoạn, mưu mô để có cũng không mang được một phần hư danh, vinh dự hão huyền nào.
- Ta nhận ra sống trên đời này, bất luận là giàu sang phú quý hay bần tiện nghèo nàn. Khi nhắm mắt, xuôi tay phải bỏ lại tất cả, trả hết cho đời. Cái ta mang theo được, chính là cái ta đã cho đi là đạo đức là tình thương. Bất giác ta có chút ân hận, lòng lâng lâng một nỗi buồn khó tả, cứ da diết, da diết mãi không thôi.
Bao nhiêu phồn hoa, thoáng qua phút chốc. Trăm năm sau, chỉ còn lại một nắm cát vàng.
Cuộc đời như nước chảy hoa trôi, lợi danh như bóng mây chìm nổi, chỉ có tình thương ở lại đời.
Đã biết chốn này là quán trọ...
Hơn thua hờn oán để mà chi...
Thử ra ngồi xuống bên phần mộ.
Hỏi họ mang theo được những gì
Sưu tầm
Người ta khen bạn cũng được, chê bạn cũng được, yêu bạn cũng được, ghét bạn cũng được
Nói tốt về bạn cũng được, nói xấu về bạn cũng được, chân thành với bạn cũng được, giả dối với bạn cũng được.
Đơn giản cuộc sống muôn màu muôn vẻ, bất cứ điều gì đến trong đời cũng cho bạn một bài học quý giá.
Cứ chấp nhận và thay đổi bản thân ngày càng tốt hơn là được!
BIẾT ĐỦ LÀ ĐỦ !
Bạn tôi có đứa cháu ở quê. Nhà cháu rất nghèo. Khi hỏi "Kinh tế thế nào?", cháu nói: "Ổn chú ạ. Ruộng cấy đủ thóc ăn quanh năm, mảnh vườn sau nhà, mùa nào có rau đó. Chả thiếu thứ gì. À, mà tháng chín này, cu Tý nhà cháu đến trường, cháu đang thiếu tiền để mua cho nó một đôi dép". Số tiền, mà cô cháu này thiếu, chỉ là mấy chục nghìn.
Tôi nhớ tới một người bạn cùng quê, hiện sống ở Hà Nội. Gia đình anh khá giả hơn. Vợ chồng anh có hai cậu con trai. Họ đã lo được cho đứa lớn du học ở Mỹ. Giờ họ phải lo cho đứa nhỏ cũng được du học như anh nó. Số tiền họ thiếu mỗi năm là... hàng tỷ đồng.
Có cái gì đó như là nghịch lý: người nghèo thiếu ít hơn, người khá giả thiếu nhiều hơn!
Khi đi bộ, bạn thiếu xe đạp. Khi có xe đạp, bạn thiếu xe máy. Khi có xe máy, bạn thiếu ô tô. Khi chưa có nhà, bạn chỉ thiếu tiền mua căn hộ. Khi có căn hộ, bạn sẽ thiếu tiền mua biệt thự...
Càng giàu, cái thiếu càng lớn hơn, cho tới khi... bạn ngộ ra đạo lý: biết đủ là đủ.
Tuy nhiên, không dễ ngộ ra đạo lý này. Chính lòng tham vô đáy của con người là trở ngại lớn nhất, như câu chuyện ngụ ngôn dưới đây.
Một vị tướng quân có công lớn, được vua ban thưởng theo cách sau: cho phép tướng quân, một người một ngựa, phi liên tục không nghỉ; ngựa phi tới đâu thì đất Vua ban tới đó. Và thế là vị tướng quân này đã lên ngựa, phi liên tục trong nhiều ngày không nghỉ. Ngựa của ông đã đi qua những vùng đất bao la rộng lớn. Ông thấy đất vẫn chưa đủ rộng. Phi tiếp. Khi người và ngựa đã rất mệt, ông vẫn cố gắng. Ông muốn lãnh địa của mình phải rộng lớn hơn nữa. Cuối cùng sức lực cũng cạn kiệt, cả người và ngựa đã gục ngã xuống đất. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, ông mới hiểu rằng, thực ra mình chỉ cần có sáu tấc* đất.
Người không biết đủ, dù giàu mà vẫn nghèo. Họ luôn nhìn lên những thứ người khác có, mà mình không có. Họ chẳng bao giờ hài lòng với những gì mình đang có.
Người biết đủ, dù nghèo mà không nghèo. Họ không dằn vặt vì những thứ mình không có. Thay vào đó, họ trân trọng và hạnh phúc với những gì mình đang có.
“Tri túc tiện túc, đãi túc, hà thời túc”
Biết đủ là đủ, đợi cho đủ, thì bao giờ mới đủ.
Sưu tầm
TRĂNG CƯỜI
Thuở xưa, trong một ngôi làng nọ, có một gia đình nghèo khổ. Hai vợ chồng vì không có tiền, thường lợi dụng ban đêm sang vườn rau nhà người ta, ăn cắp rau quả.
Một đêm nọ, người chồng nhà này đem theo một đứa con trai nhỏ bảy tuổi vào vườn rau nhà người ta, muốn nhổ vài củ cải trắng mang về nhà.
Khi người cha vừa nhổ mấy củ cải trắng, thì đứa con nhỏ đột nhiên la khẽ ở đằng sau lưng: “Ôi! Cha ơi! Có người đang nhìn chúng ta kìa!”
Người cha kinh hãi, đưa mắt nhìn xung quanh, bối rối hỏi: “Con à! Người đó ở đâu?”
Đứa bé nhỏ vừa chỉ tay lên bầu trời vừa trả lời: “Cha ơi! Cha nhìn kìa, trăng đang nhìn chúng ta đó! Không phải sao?”
Nghe đứa con nói câu này, người cha lặng yên, ngẩn cả người.
Ông từ từ buông mấy củ cải trong tay xuống, trong tâm đầy hối hận, vừa khổ sở, vừa vui mừng. Ông yên lặng nắm tay con đi về nhà.
Trên đường đi, ông suy nghĩ: “Trộm cắp là tội nghiệp rất lớn, có lẽ là phật, bồ tát, hay thần linh từ bi, thông qua miệng con trai, giúp mình tỉnh ngộ, giúp mình cải chính hướng thiện đây mà!”
Kỳ thực, ranh giới giữa chính và tà, chỉ ở một niệm trong đầu mà thôi!
Ông chủ vườn rau kia vì rau thường bị mất trộm, tức giận không chịu được, nghĩ thầm tên trộm này thật quá đáng ghét, nhất định phải bắt cho được… liền trốn phía sau một cái cây để rình bắt.
Khi ông nhìn thấy bóng người, đang muốn hô hoán bắt trộm, thì nghe được tiếng của đứa bé nói, nhất thời cũng sững sờ đứng yên nơi đó… ngước nhìn ánh trăng, nhờ vào ánh trăng, người chủ vườn rau cũng thấy được gương mặt của tên trộm, biết được rằng người đó chính là gia đình nghèo khổ bần hàn cùng làng.
Nhìn hai cha con yên lặng dắt tay nhau rời đi, ông lại ngẩng đầu nhìn ánh trăng, lòng lặng thinh không nói điều gì.
Sau khi người chủ vườn rau về nhà, ông đem sự tình kể cho vợ nghe, người vợ nói: “Ánh trăng kia không phải là cũng đang nhìn anh hay sao?”
Người chủ vườn rau cả đêm không ngủ được.
Giữa trưa hôm sau, ông chạy đi tìm người cha ăn trộm đêm đó, nói: “Nhà tôi đang cần tìm một người giúp việc, anh có thể đến giúp không? Trừ tiền công, tôi sẽ cho anh một ít thức ăn mang về nhà”.
Đối với cơ hội kiếm tiền quý giá này, lại có thể khiến gia đình no ấm, người đó đương nhiên đã đồng ý.
Màn đêm buông xuống, người cha nắm tay đứa con ngồi trên bậc cửa ngắm ánh trăng, đứa con nói: “Ô! Cha xem trăng đang nhìn mình kìa!”
Cùng lúc đó, người chủ vườn rau cũng đang ngồi ngắm trăng ở nhà, nói với vợ: “Chưa bao giờ anh nghĩ đến trăng cũng đang nhìn, nhìn người khác cũng nhìn anh, nhìn xem người khác đang làm gì, cũng đang nhìn anh đối đãi như thế nào… Ô! Em xem, trăng đang cười đó!”
--- --- ---
=>Dù việc mình làm không ai biết, nhưng có lương tâm mình biết và trời biết, đất biết, vì thế hãy đừng có làm gì trái với lương tâm của mình!
Bài và ảnh: Sưu tầm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét