.

.

a

Hoa đào nở, chim én về, mùa xuân lại đến. Chúc quý thầy cô và anh chị em đồng môn năm mới Giáp Thìn : - nghìn sự như ý, vạn sự như mơ, triệu sự bất ngờ, tỷ lần hạnh phúc.
THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ, ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU - MỘT NĂM MỚI AN KHANG THỊNH VƯỢNG - VẠN SỰ NHƯ Ý

06 tháng 5 2024

Mỹ nhân đẹp nhất nhì Sài Gòn xưa: 18 tuổi đã 3 đời chồng, cặp kè toàn đại thiếu gia và những ngày cuối đời khó tin!

 

18 tuổi 3 đời chồng đều không hạnh phúc, cô Ba Trà chán ghét cuộc hôn nhân trăm năm, lao vào những cuộc tình chớp nhoáng. Danh sách người tình của cô dài vô biên, tất cả đều là đại gia, thiếu gia, tỷ phú chịu chơi.

Ngược thời gian trở lại những năm 20-30 của thế kỷ trước, có rất nhiều mỹ nhân tuổi trẻ son sắt, xinh đẹp mỹ miều, được mệnh danh là hoa hậu, hoa khôi. Dù thời điểm đó không có cuộc thi sắc đẹp nào được tổ chức chính thống nhưng nhan sắc nổi bật đã giúp nhiều phụ nữ được ca ngợi bằng các mỹ từ "hoa hậu", "hoa khôi", "người đẹp". 

Trong đó, cái tên cô Ba Trà nổi tiếng nhất nhì Nam Kỳ lục tỉnh lúc bấy giờ. Cô được biết đến với mệnh danh là "Tuyệt sắc giai nhân Sài Gòn", "Bà hoàng sòng bạc Sài Gòn", "Bà hoàng vũ trường". Nhan sắc và cuộc đời cô được báo chí thời đó đề cập rất nhiều, có những câu chuyện đã trở thành giai thoại. 

Đệ nhất mỹ nhân xuất thân nghèo khó 

Cô Ba Trà tên thật là Trần Ngọc Hà, sinh năm 1906 ở tỉnh Long An trong gia đình nghèo khó. Theo lịch sử ghi lại, có người nói bố mẹ cô sống không hạnh phúc, cô về ở bên ngoại cùng mẹ. Cũng có người đồn rằng cha cô mất sớm, nhà nội nghĩ cô là "vật xui xẻo" mang lại tang tóc cho gia đình nên chì chiết, ghẻ lạnh cô. Thậm chí còn bị nghi ngờ là "con hoang" không cùng máu mủ. 

Từ năm 14 tuổi, Ba Trà chỉ quần quật làm việc, hái rau, đi chân trần bắt ốc, mò cua,.... Mang những tổn thương tâm hồn và cuộc sống khổ cực nhưng không thể che giấu nhan sắc trời ban, càng lớn Ba Trà càng xinh đẹp. Cô được miêu tả là người có làn da trắng ngần, đôi má hồng, đôi mắt ướt, hàng lông mi dài cong vút khiến ai cũng mê mẩn. 


Cô Ba Trà trên phim ảnh và đời thật 

Đệ nhất mỹ nhân 18 tuổi đã 3 đời chồng và vô số người tình 

"Vào đời" sớm, nhan sắc của Ba Trà ngày càng sớm trổ mã. Nhiều nhà văn, nhà thơ và các tay chơi thời bấy giờ hết lời khen ngợi nhan sắc cô Ba. Vì muốn thoát cảnh nghèo khó, mẹ cô Ba Trà đã ép gả cô cho một bác sĩ Tây già hơn cô vài chục tuổi, lúc này Ba Trà mới 14 tuổi. Cuộc hôn nhân không kéo dài bao lâu vì vị bác sĩ này trở lại Pháp. Ông ta chỉ để lại cho Ba Trà vài chục đồng bạc sinh sống. 

Lần thứ 2, cô lên xe hoa cùng công tử nhà giàu đất Phan Rang tên Toàn. Thiếu gia này không tiếc tiền để chiều chuộng Ba Trà. Song cuộc sống hạnh phúc, viên mãn chỉ vỏn vẹn 2 năm. Thiếu gia Toàn vì si mê những giai nhân khác mà bỏ mặc vợ con. 

Năm 18 tuổi, cô Ba Trà tiếp tục trở thành vợ của bác sĩ danh tiếng thời bấy giờ. Thế nhưng, không lâu sau đó, cuộc hôn nhân thứ 3 này cũng tan vỡ. 

Bỏ mặc quá khứ, các đại gia vẫn hết lòng cưng nựng mỹ nhân Ba Trà

Dù từng trải qua 3 đời chồng nhưng Ba Trà vẫn là "thỏi nam châm" thu hút sự chú ý ở chốn ăn chơi. Thời điểm ấy, có đến cả chục người đàn ông sẵn sàng cung phụng tiền cho cô Ba tiêu xài xả láng. Những vị đại gia, công tử chỉ vì muốn có trái tim người đẹp mà không tiếc tay vung tiền. 

Chán ghét những cuộc hôn nhân trăm năm, cô Ba Trà lao vào những cuộc tình chớp nhoáng. Danh sách người tình của cô dài vô biên, tất cả đều là đại gia, thiếu gia, tỷ phú chịu chơi. 

Trong 10 năm rực rỡ nhất của nhan sắc, cô Ba Trà đã có trong tay trên mười nghìn lượng vàng. Đây đều là số tiền mà các đại gia, tỷ phú vung ra để lấy lòng người đẹp. Giai thoại về cuộc đối đầu giữa 2 người tình Hắc- Bạch công tử đình đám nhất, cả 2 đều si mê cô Ba Trà và tìm mua những món đồ đắt giá để vượt mặt đối thủ. Thế nên chẳng cần đòi hỏi, những thứ xa hoa như đồ trang sức, nhà cửa, tiền bạc, xe cộ đều tự tìm đến người đẹp. 

Đặc biệt nhất phải kể đến cuộc thi luộc trứng hoặc nấu chè bằng tiền của 2 vị công tử này. Để một nồi chè sôi trong gần 1 giờ, mỗi công tử phải đốt 100 tờ giấy bạc. Cuối cùng, nồi chè của Bạch công tử sôi trước. Thế nhưng, cô Ba  Trà không lựa chọn ai. 


Theo lời cô Ba Trà kể lại với học giả Vương Hồng Sến, người chu cấp cho cô nhiều nhất là công tử Bích, tức đại gia Lâm Kỳ Xuyên ở Cần Thơ. Tổng số tiền công tử Bích tặng Ba Trà lúc bấy giờ lên tới 70.000 tiền Đông Dương. 

Cô Ba Trà còn cặp bồ với ông Tòa áo đỏ tên Trần Văn Tỷ. Trước đó, ông Tỷ làm thư ký tòa bố Bạc Liêu, sau qua Pháp học trường chính trị rồi về nước làm quan Tòa áo đỏ ở Sài Gòn. Khi Ba Trà thiếu tiền tiêu, ông Tỷ sẵn sàng cung phụng và đưa về sống chung ở nhà riêng trên đường Testard, ngày nay là đường Võ Văn Tần. Thế nhưng vì thói tiêu xài phung phí của cô Ba Trà nên 2 năm sau, ông Tỷ đã chia tay với cô. 

Khi nhan sắc rực rỡ nhất, cô Ba Trà lại đốt tiền vào cờ bạc, đỏ đen. Không những thế, cô còn nghiện á phiện. Hầu như ngày nào cô cũng theo chân những tay chơi trọc phú, cầm ống hút ro ro, mắt lờ đờ theo những làn khói trắng. Dần dần, những chiếc nhẫn kim cương, món trang sức đắt tiền, chiếc vòng ngọc thạch,... dần bốc hơi hết theo "nàng tiên nâu".

Đến khi sắc đẹp tàn phai, cô chẳng còn tiền, những công tử theo đuổi cô cũng lẩn tránh dần, cô phải đi làm thuê ở Chợ Lớn để kiếm ăn qua ngày. Không có tài liệu nào nói rõ năm mất của cô nhưng vài thông tin nói rằng, cô Ba Trà qua đời trong cảnh nghèo khổ, cô đơn ở gầm cầu thang một chung cư tại Sài Gòn. Tài sản duy nhất còn lại là chiếc ghế da của cha cô năm xưa. 

Câu chuyện về cô Ba Trà luôn là một giai thoại của đất Sài Thành xưa. Cuộc đời trụy lạc, lầm lỡ và nỗi khổ tuổi xế chiều của một tuyệt sắc giai nhân chính là minh chứng cho câu nói "hồng nhan bạc mệnh".

Theo H.A (Kienthuc.net.vn)



ĐÃ TÌM RA TÁC GIẢ "TTKH " LÀ "PHẠM THỊ LÝ" TRONG BÀI THƠ HAI SẮC HOA TI GÔN !
Một mùa thu trước, mỗi hoàng hôn
Nhặt cánh hoa rơi chẳng thấy buồn,
Nhuộm ánh nắng tà qua mái tóc,
Tôi chờ người đến với yêu đương.
Người ấy thường hay ngắm lạnh lùng
Dải đường xa vút bóng chiều phong,
Và phương trời thẳm mờ sương, cát,
Tay vít dây hoa trắng chạnh lòng.
Người ấy thường hay vuốt tóc tôi,
Thở dài trong lúc thấy tôi vui,
Bảo rằng: “Hoa, dáng như tim vỡ,
Anh sợ tình ta cũng vỡ thôi!”
Thuở ấy, nào tôi đã hiểu gì
Cánh hoa tan tác của sinh ly,
Cho nên cười đáp: “Màu hoa trắng
Là chút lòng trong chẳng biến suy”
Đâu biết lần đi một lỡ làng,
Dưới trời đau khổ chết yêu đương.
Người xa xăm quá! - Tôi buồn lắm,
Trong một ngày vui pháo nhuộm đường...
Từ đấy, thu rồi, thu lại thu,
Lòng tôi còn giá đến bao giờ
Chồng tôi vẫn biết tôi thương nhớ...
Người ấy, cho nên vẫn hững hờ.
Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời
Ái ân lạt lẽo của chồng tôi,
Mà từng thu chết, từng thu chết,
Vẫn giấu trong tim bóng “một người”.
Buồn quá! hôm nay xem tiểu thuyết
Thấy ai cũng ví cánh hoa xưa
Nhưng hồng tựa trái tim tan vỡ.
Và đỏ như màu máu thắm pha!
Tôi nhớ lời người đã bảo tôi
Một mùa thu trước rất xa xôi...
Đến nay tôi hiểu thì tôi đã,
Làm lỡ tình duyên cũ mất rồi!
Tôi sợ chiều thu phớt nắng mờ,
Chiều thu, hoa đỏ rụng chiều thu
Gió về lạnh lẽo chân mây vắng,
Người ấy sang sông đứng ngóng đò.
Nếu biết rằng tôi đã lấy chồng,
Trời ơi! Người ấy có buồn không?
Có thầm nghĩ tới loài hoa... vỡ
Tựa trái tim phai, tựa máu hồng?
Tác giả: TTKH
Nguồn:
1. Tiểu thuyết thứ bảy, số 179, 30-10-1937
2. Thi nhân Việt Nam, NXB Văn học, 2005
Tác giả bài thơ "Hai sắc hoa ti gôn" là người Phủ Lý?
Vietnamnet vừa đăng bài viết "Giai nhân Hà thành tiết lộ về tác giả bài thơ "Hai sắc hoa ti gôn"?", theo đó, một cựu nữ sinh trường Đồng Khánh đã tiết lộ tác giả bài thơ nổi tiếng trên là người Phủ Lý. Xin giới thiệu bài viết này.
Giai nhân Hà thành tiết lộ về tác giả bài thơ 'Hai sắc hoa ti gôn'?
Một ngày cuối tháng 5, tại căn nhà nằm khuất sâu trong con ngõ nhỏ Võ Thị Sáu, Hai Bà Trưng, Hà Nội, chúng tôi có dịp gặp gỡ bà Viên Thị Thuận, năm nay 94 tuổi, một trong những nữ sinh Đồng Khánh thuở nào.
Trường nữ sinh Đồng Khánh - Hà Nội (College de Jeunes Filles) được thành lập năm 1917, nay là trường THCS Trưng Vương - Hà Nội, là ngôi trường duy nhất của miền Bắc dành riêng cho nữ sinh tới cấp trung học.
Ngôi trường được xây dựng vào những thập niên đầuthế kỷ 20, khi vấn đề nữ quyền đang gặp nhiều rào cản của tư tưởng phong kiến.
Từ đây, nhiều tiểu thư khuê các nhanh chóng bước ra khỏi chốn “màn che trướng rủ” để nhập cuộc với thời đại, trở thành những nữ sinh Đồng Khánh có tiếng duyên dáng và nết na.
Trong số họ có rất nhiều người là bậc kỳ nữ tài hoa sau này, như giáo sư Lê Thi (Dương Thị Thoa) con gái GS Dương Quảng Hàm, nhà giáo Hoàng Xuân Sính - nữ tiến sĩ toán học đầu tiên ở Việt Nam...
Bên cạnh đó, trường Đồng Khánh còn được nhiều người biết đến là ngôi trường của những giai nhân…
Ngôi trường của những giai nhân
Trong tâm trí người Hà Nội xưa, trường nữ sinh Đồng Khánh nổi tiếng với những cô học trò xinh đẹp đầy mộng mơ, hồn thiên thướt tha trong tà áo dài đã trở thành một miền kí ức khó phai.
Một ngày cuối tháng 5, tại căn nhà nằm khuất sâu trong con ngõ nhỏ Võ Thị Sáu, Hai Bà Trưng, Hà Nội, chúng tôi có dịp gặp gỡ bà Viên Thị Thuận, năm nay 94 tuổi, một trong những nữ sinh Đồng Khánh thuở nào.
Thời gian dẫu nhuốm màu tuổi tác, nhưng vẻ quý phái, thanh tao của giai nhân Hà thành ngày đó vẫn toát ra từ người đàn bà ở tuổi cửu thập cổ lai hy này.
Bằng chất giọng nhỏ nhẹ với phong thái đoan trang, bà Thuận kể: “Muốn vào trường Đồng Khánh học, các học trò phải vượt qua các kỳ thi gắt gao, chỉ ai thực sự học giỏi mới đỗ được vào trường Đồng Khánh”.
Theo bà Thuận, ngày xưa nữ sinh Đồng Khánh được học toàn diện, họ không chỉ được dạy văn hóa, dạy tiếng Pháp mà còn được dạy nữ công gia chánh, hát, đàn piano, thể dục thể thao.
Lớp của bà Viên Thị Thuận khóa 1934 - 1942.
Bên cạnh đó, trường còn dạy thêu thùa may vá, cách tắm và chăm sóc cho trẻ sơ sinh, cách chi tiêu sao cho hợp lý bằng cách phân loại ra tiền điện, tiền nước, tiền ăn…
Ngày đó, nữ sinh Đồng Khánh nổi tiếng không chỉ thông minh, xinh đẹp mà còn hết sức nết na thuỳ mị. Ai cũng dịu dàng đài các, rất đỗi đa cảm nhưng vô cùng kín đáo, tế nhị. Dù có thích ai họ cũng chỉ giữ kín trong lòng hoặc gửi gắm vào những trang lưu bút.
Cựu nữ sinh Đồng Khánh cho biết: "Ngày đó cuộc sống của chúng tôi nói riêng và các tiểu thư đương thời nói chung rất lãng mạn. Chúng tôi thường đọc thơ và chép thơ vào những quyển lưu bút".
Một cô bạn cùng lớp bà Thuận, so với các bạn có phần cá tính, mạnh mẽ hơn nhưng tâm hồn cũng không kém phần lãng mạn, cô là con gái một bác sĩ.
Cô bạn này có tình cảm với thầy giáo dạy thể thao người Pháp, đẹp trai và phong độ. Bị các bạn trong lớp phát hiện, trêu đùa, cô thường hay ngượng ngùng.
Rồi mối tình đơn phương đó cũng sớm kết thúc khi thấy giáo kết hôn cùng người phụ nữ khác. Còn cô thì gửi nỗi buồn da diết của mối tình đầu tan vỡ vào những quyển sổ lưu bút.
Bà Viên Thị Thuận cho biết thêm, các nữ sinh Đồng Khánh thường mặc áo dài thướt tha, thả mái tóc dài mượt, gọn gẽ đến trường.
Đặc biệt, theo nội quy nhà trường, không ai được phép trang điểm khi đi học. Thế mà các nữ sinh Đồng Khánh lại rất đẹp, đẹp đến hút hồn khiến bao trái tim nam sinh các trường THPT, ĐH phải si mê, ngơ ngẩn. heo đó nam nữ học riêng, buổi chiều tan học, nam sinh từ các trường khác thường mon men đến cổng trường Đồng Khánh, đứng ngắm, nhìn trộm từ xa lúc các cô gái tan học về. Hầu như chàng trai nào cũng mơ được làm quen với một nữ sinh Đồng Khánh.
Họ coi đó là niềm hãnh diện, tự hào để khoe với bạn bè, nhưng điều này quả là chuyện khó, bởi mấy nữ sinh Đồng Khánh luôn lạnh như băng, thâm trầm như biển sâu. Với họ nữ sinh Đồng Khánh luôn là... một ẩn số.
Tác giả bí ẩn của bài thơ “Hai sắc hoa ti gôn”
Bà Thuận cho biết, học sinh nữ từ các tỉnh miền Bắc về đây học tập, phần lớn là con gái gia đình trung lưu, có địa vị trong xã hội. Vào thời gian bà Thuận học năm 3 ở trường Đồng Khánh, có người bạn rất xinh đẹp, tên là Phạm Thị Lý (SN 1922, quê ở Phủ Lý).
Người bạn này của bà được mệnh danh là hoa khôi trường Đồng Khánh, xinh đẹp, thông minh nhưng gia đình muốn bà lấy một người chồng bà không có tình cảm. Vốn có tâm hồn đa sầu, đa cảm nên khi phải lấy người mình không yêu, bà rất buồn bã.
Bà Viên Thị Thuận chia sẻ: “Cũng có thể trong lòng bà ấy đã có ý trung nhân nào khác nhưng ở thời kỳ nữ quyền vừa bắt đầu những bước đi đầu tiên, vẫn mang nặng tư tưởng phong kiến thì việc dành tình cảm cho người con trai nào đó, dẫu “tình trong như đã, mặt ngoài còn e” là điều không thể. Nên khi phải về lấy chồng bà ấy rất buồn… Trước khi lấy chồng, bà Phạm Thị Lý đã sáng tác bài thơ 'Hai sắc hoa ti gôn' gửi đăng báo bằng bút danh TTKH, với mục đích giấu tên.
Bà không ngờ được bài thơ mình sáng tác trong cái giây phút ngẫu hứng lại trở nên nổi tiếng cho đến ngày nay. Hôm đó, bà Lý cùng tôi đến tòa soạn gửi bài thơ rồi đi thẳng nên chẳng ai tìm được tác giả".
Bà Thuận cũng cho biết thêm: “Trước khi gửi đăng báo, bà Lý từng đọc cho các bạn trong lớp nghe…”.
Sau này, rất nhiều giả thiết được đưa ra để xác định tác giả thực sự nhưng đều dừng lại ở mức độ nghi vấn, vì tác giả bài thơ chưa bao giờ lên tiếng xác nhận.
Hình như, dù là cuộc hôn nhân “ép buộc” nhưng cuộc đời bà lại vô cùng hạnh phúc. Có thể vì thế, những cảm xúc đầu đời cùng bài thơ "Hai sắc hoa ti gôn" được bà Lý cất gọn trong kí ức.
Vợ chồng bà sinh được 10 người con, sau này bà theo chồng sang Mỹ định cư và mất ở tuổi 80. Và, tác giả của một bài thơ nổi tiếng giờ vẫn là bí ẩn trong văn đàn.
Một nữ sinh nổi tiếng khác của trường Đồng Khánh, không thể không nhắc đến là GS Lê Thi tên thật là Dương Thị Thoa, con gái của cố GS Dương Quảng Hàm.
Bà cùng các anh chị em được cha mẹ cho ăn học tử tế ngay từ khi còn nhỏ. Bà chính là một trong hai nữ sinh đã kéo cờ trong ngày độc lập đầu tiên tại Quảng trường Ba Đình lịch sử ngày 2/9/1945.
Gần 80 năm đã trôi qua, nữ sinh trường Đồng Khánh cùng khóa bà Thuận chỉ còn lại vài người. Nhưng mỗi dịp có cơ hội gặp gỡ, họ vẫn tranh thủ ngồi lại hàn huyên và ôn lại những kỉ niệm vàng son thủa nào...
Trong hình là Bà Viên thị Thuận (luật sư)
----
(Theo vietnam net)






Nữ hoàng Ai Cập Cleopatra lên ngôi vua năm 17 tuổi và qua đời ở tuổi 39. Bà nói được 9 thứ tiếng. Nữ hoàng biết ngôn ngữ của Ai Cập cổ đại và đã học đọc chữ tượng hình, một trường hợp độc nhất vô nhị trong triều đại của bà. Ngoài ra, bà còn biết tiếng Hy Lạp và các ngôn ngữ của người Parthia, tiếng Do Thái, tiếng Medes, Troglodytes, tiếng Syria, tiếng Ethiopia và tiếng Ả Rập.
Với kiến ​​thức này, bất kỳ cuốn sách nào trên thế giới lúc đó đều có thể mở ra cho bà. Ngoài ngôn ngữ, bà còn học địa lý, lịch sử, thiên văn học, ngoại giao quốc tế, toán học, kỹ thuật pha trộn đồng và các kim loại khác giống như vàng thật, y học, động vật học, kinh tế và các ngành khác. Bà cố gắng tiếp cận mọi kiến ​​thức của thời đại mình.
Nữ hoàng Cleopatra đã dành rất nhiều thời gian trong phòng thí nghiệm. Bà viết một số tác phẩm liên quan đến thảo mộc và mỹ phẩm. Thật không may, tất cả sách của bà đã bị phá hủy trong trận hỏa hoạn tại Thư viện Alexandria vĩ đại vào năm 391 sau Công nguyên. Bác sĩ nổi tiếng Galen đã nghiên cứu công trình của bà và có thể chép lại một số công thức nấu ăn do Cleopatra nghĩ ra.
Một trong những thuốc mà bs Galen khuyên bệnh nhân của mình dùng là một loại kem đặc biệt có thể mọc tóc lại. Sách của Cleopatra cũng bao gồm các mẹo làm đẹp, nhưng không có mẹo nào được chúng ta lưu tâm.
Nữ hoàng Ai Cập cũng quan tâm đến việc chữa bệnh bằng thảo dược, và nhờ kiến ​​thức về ngôn ngữ, bà đã tiếp cận được rất nhiều giấy làm bằng cói (lác) mà ngày nay đã bị thất lạc, mục nát. Ảnh hưởng của bà đối với khoa học và y học đã được biết đến rộng rãi trong những thế kỷ đầu của Cơ đốc giáo. Không còn nghi ngờ gì nữa, bà ấy là một nhân vật độc nhất trong lịch sử nhân loại.

ATKH Phiên dịch




🌻 Charlie Chaplin (1889-1977) là một diễn viên hài, một nhà làm phim vĩ đại người Anh và ông cũng được nhiều người yêu mến với tên gọi vua hài Sác Lô. Charlie Chaplin đã trở thành một trong những nhân vật tiêu biểu nhất của ngành công nghiệp điện ảnh trên toàn thế giới.
Ông là nhà làm phim kiêm diễn viên hài kịch câm được hậu thế nhớ đến như một trong những nghệ sĩ vĩ đại nhất thế kỷ 20. Bắt đầu diễn xuất khi 10 tuổi, trong sự nghiệp kéo dài gần 80 năm, Chaplin đã chạm đến vô số trái tim với những màn trình diễn xuất sắc trong nhiều kiệt tác như The Great Dictator, Modern Times, City lights...
Ông bị đột quỵ trong những năm 1960 và 1970, Chaplin ốm yếu và phải ngồi xe lăn. Ngày lễ Giáng sinh năm 1977, ông qua đời trong giấc ngủ tại nhà riêng, thọ 88 tuổi.
...
✍ Vai diễn chính và được biết đến nhiều nhất của ông là nhân vật kẻ lang thang (The Tramp) (hay còn có tên Charlot - Anh hề ở Pháp, Ý, và nhiều nước khác trong đó có Việt Nam - Sác Lô là phiên âm tiếng Pháp của từ Charlot). "The Tramp" là một anh thanh niên sống lang thang nhưng có tư cách và luôn cư xử như một quý ông, trang phục của anh ta luôn là chiếc áo khoác chật, chiếc quần và đôi giày quá khổ, một chiếc mũ quả dưa, cây gậy chống bằng tre và một bộ ria mép chải chuốt.
Trong rất nhiều vinh dự đã được nhận, Chaplin có một ngôi sao trên Đại lộ Danh vọng Hollywood. Năm 1985 hình của ông được in lên tem của Anh và năm 1994 là tem của Mỹ.
Năm 1992 một bộ phim về cuộc đời Chaplin đã được quay với tựa đề Chaplin, bộ phim được đạo diễn bởi đạo diễn từng đoạt giải Oscar Richard Attenborough và có sự tham gia diễn xuất của Robert Downey Jr., Dan Aykroyd, Geraldine Chaplin (con gái của Charlie, trong phim này cô thủ vai bà nội của mình). Downey đã được đề cử giải Oscar cho diễn viên nam chính năm 1993 với vai diễn trong bộ phim này.
...
✍ Mặc dù trong các vai diễn của Charlie Chaplin thường không sử dụng lời nói, nhưng trong các phát ngôn của ông lại là những câu nói mang tính truyền cảm hứng sâu sắc:
🍁 Không có gì là vĩnh cửu trên thế giới này, bao gồm cả những vấn đề của chúng ta.
💫 Tôi thích đi dưới cơn mưa, vì không ai có thể nhìn thấy nước mắt của tôi.
🍁 Ngày lãng phí nhất trong cuộc đời là ngày chúng ta không nở nụ cười.
💫 Sáu bác sĩ giỏi nhất thế gian này đó là: nắng sáng, nghỉ ngơi, vận động, chế độ ăn uống, lòng tự trọng & bạn bè.
🍁 Bạn sẽ không bao giờ tìm thấy cầu vồng nếu như bạn luôn nhìn xuống.
💫 Cuộc đời là bi kịch khi nhìn cận cảnh, nhưng là hài kịch khi nhìn xa.
🍁 Mỉm cười dù trái tim của bạn đang đau. Hãy mỉm cười, cho dù nó đang tan vỡ.
💫 Để thực sự cười, bạn phải có khả năng chịu đựng nỗi đau của mình và biết chơi với nó.
🍁 Chúng ta ai cũng muốn giúp người khác. Con người là thế. Chúng ta muốn sống bên hạnh phúc của nhau chứ không phải sự khổ sở của nhau.
💫 Sự căm thù của con người sẽ trôi qua, và những kẻ độc tài rồi sẽ chết, và sức mạnh chúng cướp của nhân dân sẽ trở về với nhân dân. Và chừng nào con người còn chết đi, tự do sẽ không bao giờ tàn lụi.
** Ảnh 1: Charlie Chaplin, 83 tuổi, được đẩy trên xe lăn đến sân bay Heathrow ở London cùng vợ, Oona O'Neill (phải) và con gái trong kỳ nghỉ năm 1972 (Ảnh: Fine Art America).
** Ảnh 2: Mộ của Charlie Chaplin và vợ trong nghĩa trang nhân dân ở Corsier-sur-Vevey, Thuỵ Sĩ (Ảnh: Burials and beyond).



Sài Gòn - Gia Định một thời để nhớ: Những câu chuyện về chợ Bến Thành

Chợ Bến Thành xưa được lập ở phía bờ sông Bến Nghé cận thành Gia Định. “Anh ngồi quạt quán Bến Thành/Nghe em có chốn, anh đành quăng om”, câu ca dao này nhiều người Sài Gòn hẳn còn nhớ.

Theo nhiều tư liệu, lúc đầu phố chợ Bến Thành ở phía đông H.Bình Dương (lúc đó là một huyện của Gia Định). Vì chợ dọc theo bến sông trước thành Phiên An nên gọi là chợ Bến Thành (nghĩa là chợ ở bến sông thành Gia Định). Chợ nằm vào khoảng giữa tính từ cột cờ Thủ Ngữ đến đầu đường Nguyễn Huệ hiện nay.

Năm Minh Mạng thứ 14 (1833), trải qua trận binh lửa với Lê Văn Khôi, phố chợ bị tàn phá không còn nguyên như lúc ban đầu. Thời kỳ thực dân Pháp đánh chiếm Gia Định, chợ được dời đến chỗ kinh Lấp ở quãng giữa đường Nguyễn Huệ. Khi người Pháp muốn dời ngôi chợ cũ ở gần bến sông lùi vào trong, có thông tin rằng họ đã cho người đốt cháy chợ.

Năm 1870, ngôi chợ người Pháp cho dựng lại nằm phía trong kinh Lấp (đường Nguyễn Huệ ngày nay), với cột sắt mái tôn, tường gạch khang trang. Lúc đó đường Nguyễn Huệ có con kinh chạy từ bờ sông Bến Nghé tới cuối đường (hiện là UBND TP.HCM), quẹo sang phía chỗ Nhà hát Thành phố rồi tới Sở thú, cầu Thị Nghè. Con kinh ở đường Nguyễn Huệ lúc đó là phố chợ người Chà và (Ấn Độ), Miên dựng nhà san sát để buôn bán, xen vào có nhà gạch phố lầu của người Pháp trú ngụ và làm văn phòng hãng buôn. Những dãy phố trệt còn dăm ba căn ở cạnh sở Ngân khố, là nhà của người Hoa mở ra bán hủ tíu, thịt quay, cháo cá, cà phê, dăm hiệu thuốc bắc và đôi ba hiệu của người Ấn bán vải, tơ lụa, tạp hóa, cà ri, nước hoa...

Phố chợ mỗi ngày một thêm sầm uất vì trên bến dưới thuyền lục tỉnh lui tới giao thương. Khi tờ báo Lục tỉnh Tân Văn xuất bản, lúc đầu ban biên tập cũng tới đây thuê hai căn phố lầu để làm tòa soạn cho tiện giao dịch với các cộng tác viên.

Chợ Bến Thành hiện tại hồi đó gọi là chợ “Bến Thành mới” hay “chợ mới Sài Gòn”. Khi người Pháp có dự án chỉnh trang mở rộng đường phố Sài Gòn - Chợ Lớn đã dời chợ Bến Thành cũ về khu bùng binh ở giữa các trục lộ: Hàm Nghi Lê Lai - Lê Lợi - Phan Bội Châu - Phan Chu Trinh - Lê Thánh Tôn. Chợ mới này được khởi công xây dựng khoảng năm 1912, đến 1914 thì hoàn thành trên khu đất khoảng 10.000 m2, bao quanh bởi 4 con đường Lê Lợi - Lê Thánh Tôn - Phan Bội Châu - Phan Chu Trinh. Chợ xây bằng gạch, cột kèo sắt, mái ngói, có cột tháp cao treo đồng hồ để cho khách đi chợ xem giờ. Ngày khánh thành chợ được tổ chức rầm rộ. Người từ các tỉnh được báo trước 1 tháng nên nô nức hẹn nhau tới chợ để mua sắm và tham quan. Người Hoa, người Chà và… thì đổ xô đến mua sạp để bày bán thuốc điếu, tơ lụa, thực phẩm. Sáng khánh thành có múa lân, diễn võ, hát hồ quảng, cải lương. Ban đêm có đèn cộ bông, nhạc ngũ lâm và cả nhạc kèn đồng của lính Phú-lang-sa (Pháp) tới giúp vui.

Thời đó, các tay cai tổng, hương chức, điền chủ từ lục tỉnh đi ghe thuyền, xe đò lên Sài Gòn ăn chơi hay mua sắm đồ đạc, nếu ở lại đều tới khu chợ Bến Thành cũ thuê nhà trọ trú qua đêm, vì nơi đây rất tiện cho việc đi chợ và ăn nhậu. Chính vì nhu cầu lớn nên khu này còn có Nam Trung khách sạn được mở ra với sự góp vốn của nhiều cổ đông. Đặc biệt, ở Nam Trung khách sạn từ 17 đến 23 giờ đều có ca nhạc đờn ca tài tử. Đêm thì các cô đầu tới hát, khi cô đầu ngưng hát thì có hát thuật (hát có điệu bộ, cử chỉ, có cốt truyện) xen vào để thay đổi không khí cho đám thanh niên thưởng thức, đỡ ngán.

Được ít năm, chợ Bến Thành cũ cũng phải dời đi để người Pháp lấp con kinh làm đường lớn chạy từ mé sông tới Tòa Đô chính (nay là UBND TP.HCM) với những cơ sở hành chính của người Pháp được lập ra như: sở Ngân khố, sở Thương cảng và con đường được mang tên Charner - một sĩ quan thủy binh của Pháp đánh Nam Kỳ lúc đó. Khi ngôi chợ Bến Thành cũ được dời về địa điểm mới, ở khu phố chợ cũ này người Hoa vẫn duy trì các quán ca lâu, cà phê, hủ tíu và hiệu thuốc bắc. Rồi tiện thể gần bến sông, chiều chiều người dân chài lưới bên những con rạch gần đó mang tôm, cá, cua và rau quả… lên bán ở khu phố này, vì vậy người dân còn gọi là chợ Cũ, nằm trên đường Tôn Thất Đạm, Q.1, TP.HCM hiện nay.

Dự án xây chợ Bến Thành mới

Dân số Sài Gòn năm 1970 khoảng 4 triệu người nên ngôi chợ giữa trung tâm thành phố trở nên lỗi thời, chính quyền cũ mở cuộc thi vẽ đồ án để xây dựng một ngôi chợ mới. Có 8 tác phẩm gửi tới dự thi và đồ án của kiến trúc sư Huỳnh Kim Mãng đoạt giải nhất. Theo dự trù vào năm 1972, kinh phí xây dựng chợ lên tới gần 2 tỉ đồng, chính quyền không đủ tài chính nên việc xây dựng chợ mới chưa thực hiện được. Và nhờ thế, TP.HCM có được kiến trúc xưa của ngôi chợ Bến Thành xây dựng từ hồi đầu thế kỷ 20.

Lý Nhân Phan Thứ Lang/Nguồn: ThanhNien Online 

CUỘC ĐỜI VÀ SỐ PHẬN CỦA BA ANH EM THẠCH LAM

Dù số phận nhiều chìm nổi và cả ba đều ra đi quá sớm nhưng với vai trò đặt nền móng, mở đầu phong trào cách tân văn học, tên tuổi 3 anh em nhà văn họ Nguyễn Tường luôn sống mãi trên văn đàn Việt Nam.

Nhất Linh – nghệ sĩ toàn tài

Ông nội của ba nhà văn sáng lập Tự lực Văn đoàn là Nguyễn Tường Tiếp làm tri huyện. Cụ có người con trai duy nhất là Nguyễn Tường Chiếu (húy Nhu, 1881 – 1918) làm Thông phán nên được gọi là Thông Nhu hay Phán Nhu. Ông Nhu lập gia đình với bà Lê Thị Sâm, con gái cả viên quan võ Lê Quang Thuật, người gốc Huế ở Cẩm Giàng (Hải Dương).

Ông Nhu mất năm 1918 khi mới 37 tuổi, bỏ lại 7 người con thơ dại. Một mình bà Sâm tần tảo, gánh gồng, lam lũ nuôi con. Sau 5/7 người con (trừ Thạch Lam và bà Thế) đều có bằng cử nhân, cả 6 người con trai đều thành đạt gồm: Nguyễn Tường Thụy (Tổng Giám đốc bưu điện), Nguyễn Tường Cẩm (kỹ sư canh nông), Nguyễn Tường Tam (nhà văn Nhất Linh), Nguyễn Tường Long (nhà văn Hoàng Đạo); Nguyễn Thị Thế, Nguyễn Tường Lân (Vinh, nhà văn Thạch Lam) và Nguyễn Tường Bách (bác sĩ).

Đặc biệt, cả 3 người con trai là Nguyễn Tường Tam (Nhất Linh), Nguyễn Tường Long (Hoàng Đạo) và bác sĩ Nguyễn Tường Bách đều trở thành đại biểu Quốc hội khóa I của nước Việt Nam độc lập. Rồi Hoàng Đạo làm Bộ trưởng Bộ Quốc dân kinh tế trong chính phủ liên hiệp lâm thời, sau đến Nhất Linh làm Bộ trưởng Ngoại giao trong chính phủ liên hiệp kháng chiến.

Theo bà Nguyễn Thị Thế, không phải cụ Thông Nhu mà chính nhà văn Nhất Linh đã đặt tên mới cho các anh em của mình theo bộ chữ Hán: Thụy, Cẩm, Tam, Long, Vinh, Bách, Thế (có nghĩa là ba con rồng như gấm đẹp, làm vinh hiển muôn đời).

Có người nói rằng, cuộc đời nhà văn Nhất Linh dường như duyên nợ với con số 7. Ông sinh ngày 25/7/1906, mất ngày 7/7/1963. Nếu ngày sinh là cái duyên thì ngày mất lại là cái nợ, vì chính ông đã lựa chọn ngày đó, ngày mang tới 2 con số 7, ngày song thất.


Nhất Linh là người con thứ 3 trong một gia đình có 7 người con. Nhất Linh thành lập Tự lực Văn đoàn gồm 7 thành viên: Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Tú Mỡ, Thế Lữ và Xuân Diệu.

Nghiệp văn của ông cũng gắn liền với 7 truyện dài tiêu biểu: Nắng thu, Đoạn tuyệt, Đôi bạn, Bướm trắng, Lạnh lùng, Xóm cầu mới và Dòng sông thanh thủy. Trong 7 tác phẩm của Nhất Linh, đến nay, đã có 5 tác phẩm ra mắt công chúng trong nước, còn 2 tác phẩm là Xóm cầu mới và Dòng sông thanh thủy – những sáng tác sau năm 1945 mới được biết đến ở hải ngoại. Bà Nhất Linh sinh 12 người con nhưng cũng chỉ nuôi được 7 người.

Tổng kết cuộc đời mình, Nguyễn Tường Tam tự nhận ra rằng: Nguyễn Tường Tam đã thất bại khi làm chính trị, chỉ còn một nhà văn Nhất Linh sống mãi trên văn đàn Việt Nam.

Trong số 5 cử nhân của gia đình, Nguyễn Tường Tam là cử nhân Khoa học Giáo khoa (Lý, Hóa) tốt nghiệp tại Pháp. Năm 1930, trở về nước, Nguyễn Tường Tam xin ra tờ báo trào phúng “Tiếng cười” nhưng không được duyệt.

Năm 1932, ông mua lại tờ tuần báo Phong Hóa của Phạm Hữu Ninh và Nguyễn Xuân Mai, trở thành Giám đốc kể từ số 14, ra ngày 22/9/1932. Nguyễn Tường Tam chủ trương dùng tiếng cười trào phúng để đả kích các hủ tục phong kiến, hô hào “Âu hóa”, đề cao chủ nghĩa cá nhân… Trong năm ấy, ông và các cộng sự quyết định thành lập Tự lực Văn đoàn trên nguyên tắc “dựa vào sức mình, theo tinh thần anh em một nhà”.

Tự lực Văn đoàn tuyên bố thành lập ngày 2/3/1934 (trên báo Phong Hóa số 87). Tháng 12/1936, trên báo Ngày Nay, Nhất Linh cùng nhóm Tự lực Văn đoàn phát động phong trào Ánh Sáng, một tổ chức từ thiện với mục đích cải tạo nếp sống ở thôn quê, trong đó có việc làm nhà hợp vệ sinh cho dân nghèo…

Song hành với làm báo, viết văn, Nguyễn Tường Tam còn hoạt động chính trị.

Nguyễn Tường Tam từng giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao trong Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến. Ông cũng tham gia Quốc hội Khóa I đặc cách không qua bầu cử. Sau ông rời bỏ Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến, lưu vong sang Trung Quốc vào tháng 5/1946 và ở lại Hong Kong cho tới 1951. Năm 1958, Nguyễn Tường Tam rời Đà Lạt về Sài Gòn, mở giai phẩm Văn hóa Ngày Nay ở Sài Gòn, phát hành được 11 số thì bị đình bản.

Năm 1960, Nguyễn Tường Tam thành lập Mặt trận Quốc dân Đoàn kết, ủng hộ cuộc đảo chính của Đại tá Nguyễn Chánh Thi và Trung tá Vương Văn Đông. Đảo chính thất bại, ông bị chính quyền Ngô Đình Diệm giam lỏng tại nhà riêng.

Ngày 5/7/1963, Tòa án Quân sự đặc biệt Sài Gòn có trát đòi Nguyễn Tường Tam có mặt lúc 7h30 ngày 8/7/1963, tại Tòa thượng thẩm, số nhà 131 đường Công Lý Sài Gòn, để nghe xét xử tội “xâm phạm an ninh Quốc gia”. Ngày 7/7/1963, tại nhà riêng, Nguyễn Tường Tam đã cho độc dược vào rượu uống để quyên sinh. Nhà văn Nhất Linh đã ra đi ở tuổi 58 để lại di chúc: “Đời tôi để lịch sử xử. Tôi không chịu để ai xử tôi cả…”.

Đám tang Nhất Linh, nhà thơ Vũ Hoàng Chương viếng ông đôi câu đối: “Người quay tơ, đôi bạn, tối tăm, anh phải sống chứ sao đoạn tuyệt/ Đời mưa gió, lạnh lùng, bướm trắng, buổi chiều vàng đâu chỉ nắng thu”. Trong đó, trừ bốn chữ ‘chứ sao’ và ‘đâu chỉ’ ra, còn là tên các tác phẩm của Nhất Linh.

Không chỉ là một nhà văn, nhà báo nổi tiếng, Nhất Linh còn là một nhà thơ, một họa sĩ tài năng. Với báo Phong Hóa và Ngày Nay trước kia ông ký tên Ðông Sơn và sau này với Văn Hóa Ngày Nay ông ký tên Nhất Linh trên những bức vẽ. Có một số bức họa rất nổi tiếng của ông như Cảnh phố chợ Đông Phương, hay Cúc xưa…

Tháng 10/2010, một họa phẩm hiếm quí của Nhất Linh, bức Cảnh phố chợ Đông Dương (Scène de Marché de rue Indochinois) vẽ trên lụa, thực hiện khoảng 1926-1929 đã được bán đấu giá tại Hong Kong với giá 596.000 đô-la Hong Kong (tương đương với 75.000 USD).

Sinh thời, nhiều người vẫn nói, kỹ thuật viết văn của Nhất Linh bị chi phối và chịu ảnh hưởng nhiều bởi lối viết của Lev Tolstoi nhưng với Nhất Linh cuốn tiểu thuyết hay nhất mọi thời đại là cuốn Đồi gió hú của Emily Brontë. Đây cũng là cuốn tiểu thuyết duy nhất ông dịch trong đời. Ngay cả lúc quyên sinh, ông cũng nằm cạnh cuốn sách này.

Vợ Nhất Linh là bà Phạm Thị Nguyên (1909-1981), quê làng Phượng Dực, Thường Tín, tỉnh Hà Đông, trước năm 1945 là chủ hiệu buôn cau khô có tiếng ở Hà Nội mang tên Cẩm Lợi được ví như bà Tú Xương. Bà bán cau khô, mở rộng quan hệ buôn bán suốt trong Nam ngoài Bắc, toàn tâm toàn ý vì sự nghiệp của chồng.

Những năm tháng Nguyễn Tường Tam mải mê làm báo, viết văn, làm chính trị, thì bà Nguyên vật lộn với nghề buôn bán cauở 15 phố Hàng Bè (Hà Nội), sau chuyển vào Sài Gòn, một mình lặng lẽ nuôi con, làm hậu thuẫn cho chồng thi thố giữa cuộc đời. Hiếm ai biết rằng bà từng tham gia phong trào Ánh Sáng, xóa nhà ổ chuột, làm nhà tranh tre sáng sủa cho dân nghèo thợ thuyền…

Hoàng Đạo – nổi danh về phóng sự báo chí

Nhà văn Hoàng Đạo tên thật là Nguyễn Tường Long (1907-1948). Năm 1930, ông thi vào trường Luật Đông Dương tại Hà Nội. Tốt nghiệp với tấm bằng Cử nhân luật, Nguyễn Tường Long được bổ làm Tham tá lục sự Tòa án Đà Nẵng rồi Hà Nội.


Nguyễn Tường Long chỉ làm công chức ít lâu rồi chuyển sang lĩnh vực báo chí vào năm 1932 rồi cùng Nhất Linh, Thạch Lam sáng lập Tự lực Văn đoàn. Trên báo Phong Hóa, ông lấy bút hiệu là Tứ Ly, chuyên viết những bài đả kích và châm biếm giới quan lại và bài trừ hủ tục trong xã hội Việt Nam. Năm 1936, tờ Phong Hóa bị đóng cửa vì ông viết bài động chạm đến Tổng đốc Hà Đông Hoàng Trọng Phu.

Từ 1937 trở đi, Hoàng Đạo lần lượt cho ra đời những bài viết về xã hội, kinh tế, chính trị rất có giá trị, mang tư tưởng chống phong kiến và đế quốc rất cao như: Trước vành móng ngựa, Mười điều tâm niệm, Bùn lầy Nước đọng, Vấn đề Thuộc địa, Vấn đề Cần lao…

Văn phẩm của Hoàng Đạo được kể tên gồm có tập phóng sự Trước vành móng ngựa (1938), truyện dài Con đường sáng (1940), truyện ngắn Tiếng đàn (1941). Trong nhóm Tự lực Văn đoàn, Hoàng Đạo là người trông nom Nhà xuất bản Đời nay của nhóm. Riêng về văn nghiệp của Hoàng Đạo, Vũ Ngọc Phan trong tác phẩm phê bình văn học Nhà văn hiện đạiđã xếp Hoàng Đạo vào nhóm “tiểu thuyết gia luận đề” cùng với Nhất Linh, nhưng có nét khác là “tuy cũng thuộc loại tiểu thuyết luận đề nhưng khác với tiểu thuyết của Nhất Linh ở chỗ có khuynh hướng xã hội”.

Vũ Ngọc Phan nhận định: “Người ta nhận thấy Hoàng Đạo rất thiết tha với những sự công bình trong xã hội, nên tiểu thuyết của ông ngả hẳn về mặt bình dân. Nhưng cái khuynh hướng thương xót người nghèo của Hoàng Đạo vẫn còn là cái khuynh hướng của người phú hào nghiêng mình xuống hạng thấp kém hơn mình. Cái khuynh hướng ấy của ông phô diễn rất rõ trong tiểu thuyết của ông”.

Thực tế thì Hoàng Đạo đã trải qua những ngày thơ ấu khốn khó và những trang viết của ông thấm đẫm tình người chứ không phải xót thương người nghèo bằng “cái khuynh hướng của người phú hào nghiêng mình xuống hạng thấp kém hơn mình”.

Trong Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, Phạm Thế Ngũ nhận xét, những năm 1937-1939 “thường là nơi diễn đàn thời sự cho cây bút sắc sảo của Hoàng Đạo đưa ra những vấn đề chính trị và xã hội đòi chính quyền thực dân giải quyết như vấn đề tự do của nghiệp đoàn, của báo chí, vấn đề đời sống dân quê trong mục Bùn lầy nước đọng; vấn đề công bằng và luật pháp trong Trước vành móng ngựa”.

Trên tờ Ngày Nay, trong mục Trước vành móng ngựa, Hoàng Đạo đã ghi lại những tình cảnh bi hài của dân nghèo trước tòa tiểu hình Hà Nội. Là một người tốt nghiệp ngành luật, Hoàng Đạo không tin hệ thống tòa án của thực dân. Ông đả phá lề thói quan liêu,ức hiếp người nghèo của bọn quan lại qua những bài viết sắc sảo đã gây tiếng vang rất lớn trong dư luận thời bấy giờ.

Hoàng Đạo tự thấy trách nhiệm của mình không chỉ là nêu ra thảm cảnh của dân tộc, đặc biệt là dân nghèo ở nông thôn, mà còn phải tìm hiểu nguyên do của thảm trạng và tìm cho ra biện pháp giải quyết. Tức là văn chương phải đi đôi với hành động. Do đó, khi Nguyễn Tường Tam thành lập đảng Hưng Việt, ông đã tham gia rồi bị Pháp bắt và bị đầy lên Sơn La. Mãi đến năm 1943, Hoàng Đạo mới được thả nhưng vẫn bị quản thúc tại Hà Nội.

Sau này khi Cách mạng tháng Tám thành công, trong Chính phủ liên hiệp lâm thời, Nguyễn Tường Long làm Bộ trưởng Bộ Quốc dân kinh tế. Sau này theo Sắc lệnh số 94 ngày 4/6/1946, Nguyễn Tường Long được cử làm cố vấn Bộ Quốc dân kinh tế.

Tháng 9/1938, Hoàng Đạo cho xuất bản cuốn Bùn lầy Nước đọng, vừa bày bán thì bị chính quyền thuộc địa Pháp ra lệnh tịch thu và cấm lưu hành. Đây là một tiểu luận chính trị nhằm mổ xẻ phân tích thảm trạng của nông thôn Việt Nam, sau đó đưa ra các phương thức giải quyết.

Năm 1933, Nguyễn Tường Long được một người bạn của mẹ làm mối, ông lập gia đình với Marie Nguyễn Bình (1913-1975), con gái một quả phụ khá giả. Ông và vợ sống hạnh phúc và có cả thảy bốn người con (ba gái và một trai).Tháng 8/1948, Hoàng Đạo bị đứt mạch máu chết trên chuyến xe lửa từ Hong Kong đi Quảng Châu, khi xe ngang qua trấn Thạch Long, hưởng dương 42 tuổi.

Thạch Lam với những trang viết thấm đượm tình người

Nhà văn Thạch Lam (1910-1942)tên thật là Nguyễn Tường Vinh, sau đổi thành Nguyễn Tường Lân. Tuổi thơ của Thạch Lam trải qua ở hai phố huyện. Đầu tiên là phố huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) mà gia đình cư ngụ, kế tiếp là những ngày tạm trú bên bến phà Tân Đệ (Thái Bình) là nơi người anh cả dạy học.


Từ nhỏ được tiếp xúc với cảnh bùn lầy nước đọng, nghèo cùng của nông dân, ảnh hưởng đến suy nghĩ và viết văn sau này, với tính chất bình dân, vị tha, không ưa những thứ quyền qúy, trưởng giả và ghét danh lợi…những mảnh đời lẫm lũi, nhỏ bé, không rõ buồn vui cứ tự nhiên bước vào sáng tác của Thạch Lam, mà tiêu biểu nhất là truyện ngắn Hai đứa trẻ.Thạch Lam từng quan niệm: “Cái thực tài của nhà văn nguồn gốc chính là ở tâm hồn nhà văn, một nghệ sĩ phải có một tâm hồn phong phú, những tình cảm dồi dào. Nếu không, nghệ sĩ đó chỉ là thợ văn khéo thôi”.

Sau khi đỗ Tú tài, Thạch Lam tham gia vào Tự Lực Văn đoàn, viết cho tờ Phong Hóa. Đến năm 1935, ông được giao làm chủ bút tờ Ngày Nay. Tác phẩm của ông gồm 3 tập truyện ngắn: Gió đầu mùa (1937), Nắng trong vườn (1938), Sợi tóc (1941); truyện dài Ngày mới (1939); tiểu luận Theo dòng (1941); tập tuỳ bút Hà Nội băm sáu phố phường (1943) và một vài truyện viết cho thiếu nhi in trong Quyển sách Hạt ngọc (1940). Nhưng những gì ông để lại không phải là số lượng đồ sộ của những tác phẩm lớn mà là một phong cách nghệ thuật độc đáo.

Giới thiệu tập truyện ngắn Gió đầu mùa xuất bản trước Cách mạng Tháng Tám, Thạch Lam viết: “Đối với tôi văn chương không phải là một cách đem đến cho người đọc sự thoát ly hay sự quên, trái lại văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác, làm cho lòng người được thêm trong sạch và phong phú hơn”.

Ông đã viết những câu chuyện thật cảm động về những con người vẫn đang nép mình ở đâu đó trong xã hội này. Những con người dù bị chà đạp vẫn cố gắng vươn tới vẻ đẹp thanh cao, những con người dù khốn khó vẫn tự đấu tranh để vươn tới cái đẹp trong cuộc sống. Mỗi người một hoàn cảnh, một cuộc sống riêng nhưng họ đều có chung tâm trạng dày vò, buồn rầu và lòng khát khao vươn tới một cuộc sống tốt đẹp hơn, cao quý hơn.

Nhận xét về văn chương của Thạch Lam, nhà văn Vũ Ngọc Phan từng nói rằng: “Ngay trong tác phẩm đầu tay (Gió đầu mùa), người ta đã thấy Thạch Lam đứng vào một phái riêng… Ông có một ngòi bút lặng lẽ, điềm tĩnh vô cùng, ngòi bút chuyên tả tỷ mỷ những cái rất nhỏ và rất đẹp… Phải là người giàu tình cảm lắm mới viết được như vậy”.

Đi tiên phong trong việc xóa bỏ cái cũ, Thạch Lam đã chọn người phụ nữ dang dở một đời chồng làm vợ. Không chấp nê, không câu nệ, Thạch Lam quyết định bí mật tổ chức đám cưới với Nguyễn Thị Sáu (quê Ninh Bình), rồi mới báo tin cho gia đình.

Cưới vợ xong, Thạch Lam vẫn không có tiền lo cho tổ ấm, nên chị gái là bà Nguyễn Thị Thế đã nhường cho em trai một căn nhà đơn sơ tại Yên Phụ (ven Hồ Tây, Hà Nội). Ở nơi ấy, vợ chồng Thạch Lam đã có được 7 năm hạnh phúc. Nhuận bút của Thạch Lam không đủ nuôi mấy miệng ăn, bà Sáu phải tay năm, tay mười, bươn chải phụ giúp kinh tế cho chồng. Một người bạn cùng thời của tác giảGió đầu mùa tiết lộ: “Thạch Lam nghèo bởi tác phẩm ông viết rất ít người mua nhưng không vì thế mà bà Nguyễn Thị Sáu kém mặn mà với khách của chồng”.

Không chỉ trong các trang viết mà ngoài đời ông cũng rất thương người. Một nhà thơ, vì cảnh nhà túng quẫn, cứ đến gặp ông (quản trị báo Ngày Nay) xin tạm ứng tiền nhuận bút. Nhưng bạn vay 10 mà trả bài có 3. Có người nhắc ông sao không chặn lại, ông bảo: “Chẳng ai muốn làm một việc như thế, người ta không còn con đường nào khác mới phải làm như vậy. Nếu không giúp đỡ, họ sống ra sao?”.

Ngày 27/6/1942, nhà văn Thạch Lam ra đi khi mới ở độ tuổi 32 vì mắc phải căn bệnh lao phổi. Ông ra đi, để lại người vợ trẻ và 3 người con trong gia cảnh nghèo khó. Hiện nhà văn Thạch Lam được đặt tên đường tại Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và Hải Dương.

Sưu tầm






Không có nhận xét nào:

CHÀO MỪNG QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU SÓC TRĂNG THAM QUAN, ỦNG HỘ HOANGDIEUTRUONGXUASAIGON.BLOGSPOT.COM. CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM NHIỀU SỨC KHỎE, THÀNH CÔNG TRONG CÔNG VIỆC.