- Trong tiếng Anh có đến ba từ để nói về cháo. “Porridge” là từ để chỉ cháo trắng đặc được nấu từ gạo hoặc yến mạch gần giống như cháo trắng mà chúng ta hay dùng để ăn chung với hột vịt muối. Các nước phương Tây cũng ăn porridge nấu rất đặc vào buổi sáng cho thêm tí muối tiêu với trứng tráng hoặc xúc xích nhỏ. Còn cháo hoa (cháo nấu với ít gạo và nhiều nước để hạt gạo nở ra như hoa) và thường nấu chung với thịt thì được gọi là “congee” hoặc “rice soup”. Để nói về món cháo vịt, đáng lẽ phải gọi là “duck meat congee” hoặc “duck meat rice soup” mới đúng. Quả thật, có những cái mình nghĩ rằng mình biết rồi nhưng vẫn sai như thường.
Trở lại với cháo, lúc nhỏ tôi rất ghét ăn cháo vì cháo vừa nhạt vừa loãng, ăn xong cũng như chưa ăn, không được chắc bụng như ăn cơm. Tôi né tất cả các thể loại cháo từ cháo trắng ăn với thịt kho tiêu mỗi khi bị bệnh, cho tới cháo gà, cháo vịt, cháo lòng, cháo cá… Trong đó, món cháo mà tôi ghét nhất là cháo trắng của người Tiều. Không như cháo trắng của người Việt bán ở các xe cháo khuya ăn cùng với dưa món, hột vịt muối hoặc thịt cá kho tiêu, vốn là cháo trắng nấu đặc; cháo trắng của người Tiều nấu rất loãng, bảy phần nước và ba phần gạo, nấu tới hạt gạo nở bung ra gần như nát nhừ, ăn chả có mùi vị gì cả.
Người Tiều ăn cháo gần như trong mọi bữa ăn. Buổi sáng của người Quảng Đông, sang thì điểm tâm với đủ thứ há cảo xíu mại, bình dân thì cũng tô hủ tíu mì hay cái bánh bao; còn buổi sàng của người Tiều thì ăn cháo loãng với cà na muối, hột vịt muối hoặc cải xá bấu muối thật mặn. Sang hơn tí thì người Tiều có thêm cặp dầu cha quảy là xong bữa ăn sáng. Buổi trưa và buổi chiều thì họ lại tô cháo loãng được múc ra húp thay canh. Ngay cả những quán bán đồ ăn người Tiều cũng luôn có nồi cháo trắng kế bên nồi cơm.
Hồi còn nhỏ, mỗi lần dẫn tôi đi ăn cơm Tiều, ba tôi luôn kêu thêm chén cháo trắng để húp với ít nước thịt kho còn lại. Khi tôi tỏ vẻ không hứng thú với việc húp chén cháo trắng nhạt thếch lõng bõng này, ba tôi hay bảo: “Hồi ba còn nhỏ, a dè a mà (ông nội bà nội) nghèo lắm, cả nhà bảy tám anh chị em, mỗi người chỉ có dách gủn pạc chúc (một chén cháo trắng) và pun che hàm tản (nửa cái trứng vịt muối) thôi.” Ba tôi chẳng bao giờ dạy cho tôi nói tiếng Quảng Đông một cách bài bản mà luôn có cách nói chuyện nửa Việt nửa Quảng như vậy, con cái hiểu thì hiểu không hiểu thì thôi. Vậy mà cuối cùng tôi cũng nói được tiếng Quảng.
Người Tiều không chỉ ăn cháo trắng mà còn có cả cháo lòng với đầy đủ tim gan cật ruột cũng gần giống như cháo lòng của người Việt; nhưng lòng xắt lát mỏng để bên ngoài chứ không nấu trong nồi như cháo lòng của người Việt, khi nào khách gọi thì mới trụng qua cháo rồi cho vào tô. Nước cháo được nấu bằng mực, nấm rơm và xương ống nên rất ngọt và thơm. Người Tiều ăn cháo lòng cũng thường thêm dầu cha quảy như người Việt nhưng không bỏ giá và ớt mà bỏ rất nhiều hành lá xắt nhỏ, tiêu xay, gừng tươi xắt sợi và một ít dầu mè. Cũng như ăn hủ tiếu mì, người Hoa ăn cháo thường nêm thêm giấm đỏ và nước tương chứ không nêm nước mắm. Không chỉ có cháo lòng mà cháo cá, cháo mực, cháo thịt bằm hoặc cháo tôm viên khi ăn cũng nêm nếm như vậy: gừng tươi, dầu mè, tiêu, xì dầu và giấm. Cháo lòng kiểu người Tiều hồi đó tôi cũng có ăn một vài lần ở chợ Bàn Cờ quận 3 nhưng vì không hảo cháo lắm nên lâu rồi cũng không ăn lại.
Dân sành ăn tối Sài Gòn – Chợ Lớn chắc ít người không biết tới quán cháo thập cẩm ở bùng binh Soái Kình Lâm kế bên chợ thuốc bắc Phùng Hưng. Cháo ở đây nấu theo kiểu người Quảng Đông là cháo trắng nấu đặc và ăn với tôm, mực, da heo, gan, cật, phèo nên gọi là “chạp chúc” (cháo thập cẩm). Thật ra gọi là “thập cẩm” không đúng lắm vì “chạp cẩm” dịch ra tiếng Việt là “tạp cẩm” mới đúng. Có lẽ chữ “tạp” nghe có vẻ hổ lốn và hỗn tạp quá nên người Việt mới gọi là “thập cẩm” cho sang hơn.
Theo lời kể của những người sống lâu ở Chợ Lớn thì quán cháo Đèn Năm Ngọn (tên cũ của khu Soái Kình Lâm) này đã có từ rất lâu đời rồi, nếu tính tới nay chắc cũng không dưới năm sáu chục năm. Hồi nhỏ, ba tôi hay chở tôi ra đây ăn, nhưng quán cháo này gắn với một kỷ niệm khá kinh dị nên tôi không bao giờ quay trở lại ăn nữa, dù thỉnh thoảng thèm món Hoa, tôi vẫn chở bà xã đi vòng vòng Chợ Lớn ăn lại những quán gắn liền với ký ức tuổi thơ của mình. Có một lần khi đang ngồi ăn với ba mẹ tôi ở quán cháo đó, có một cậu bé trạc tuổi tôi lúc đó (5-6 tuổi) bán vé số mời mua. Và khi nhìn lên thì tôi suýt nữa hét toáng lên vì sợ: cánh mũi của cậu bé này không biết bị ai cắt mất chỉ còn hai cái lỗ sâu hoắm nhìn vừa đáng thương vừa đáng sợ. Hình ảnh đó ám ảnh tôi tới ngày hôm nay đến mức tôi không dám ăn lại quán cháo đó lần nào nữa cho dù đã hơn 30 năm rồi.
Dạo mấy năm gần đây tôi lại đổi tính thích ăn cháo. Nhiều lúc cảm thấy mệt trong người hoặc chỉ là đơn giản không muốn ăn cơm thì một chén cháo trắng và nửa cái hột vịt muối luộc hoặc tí thịt kho tiêu mặn cũng có thể giải quyết cơn đói và nhẹ người. Cầu kỳ hơn một tí thì cho cái trứng hột vịt bắc thảo và tí thịt bằm vào trong nồi cháo quấy lên. Tôi thích ăn trứng bắc thảo nấu chung với cháo hoặc chưng cùng với trứng vịt tươi, trứng vịt muối tạo thành món trứng 3 màu ăn chung với cơm hay cháo gì cũng rất ngon. Hột vịt bắc thảo (tiếng Quảng Đông gọi là pì tản) ai ăn không quen thì nhìn hơi sợ sợ vì cả quả trứng đen bóng và có mùi ngai ngái của amoniac, nhưng khi đã quen rồi thì sẽ ghiền vì vị béo béo bùi bùi rất đặc trưng. Hồi còn ở Mỹ có lần tôi nấu cháo trứng vịt bắc thảo mời cô bạn người Nhật ăn thử. Cô lúc đầu còn ngại vì thấy màu cháo đen thui nhưng khi ăn một chén thì tự động vô nồi múc thêm chén nữa. Bởi vậy mới nói, không phải cứ là sơn hào hải vị mới ngon mà đôi khi những thứ dân dã đơn giản nếu hạp khẩu vị vẫn ngon hơn yến sào bào ngư vi cá vậy.
(Copy và đăng lại từ bài viết “Tản mạn cháo” trên Facebook Vien Huynh) .
From Do Tam Quoc .
Gian Lorenzo Bernini không chỉ nổi tiếng với điêu khắc về phút xuất thần của thánh Teresa mà hầu như tất cả những tác phẩm của ông đều được xếp vào hàng kinh điển. Thường trong cuộc đời nghệ thuật, chúng ta hay bắt gặp một nghệ sĩ nào đó để lại những kiệt tác bởi những khoảnh khắc ngẫu hứng hay thăng hoa bất chợt. Nhưng trường hợp của Bernini thì hơi lạ, ông như sinh ra để làm cha đẻ cho những kiệt tác. Có lẽ điêu khắc gia này là ví dụ điển hình cho câu nói cái gì mà phong độ nhất thời đẳng cấp mãi mãi ấy.
Mình thích tác phẩm này quá. Nó mô tả giai đoạn cao trào trong câu chuyện của thần Apllo và nàng Daphne, ngay giây phút nàng ấy biến thành cây nguyệt quế.
Bernini bắt đầu tác phẩm này năm ông 23 tuổi và hoàn thành nó sau 2 năm. Khi ra mắt (1625), nó lập tức trở thành một kỳ quan. Người ta đánh giá nó không những chuẩn mực về hình tướng mà còn hoàn hảo trong cách mô tả sự chuyển động cũng như xuất thần về mặt biểu cảm.
Về câu chuyện Apllo và Daphne có thể được tìm thấy dưới nhiều phiên bản nhưng tình tiết cũng không quá khác biệt. Huyền thoại quyến rũ này kể về tình yêu thuần khiết của thần Apollo dành cho tiên nữ Daphne. Người ta kể rằng Daphne là mối tình đầu của Apollo, nhưng thật đáng tiếc, nàng tiên xinh đẹp ấy chưa bao giờ đáp lại tình yêu mãnh liệt đó.
Huyền thoại kể rằng ngay tại giây phút Apollo, vị thần ánh sáng và thơ ca, tỏ kiêu ngạo vì vừa chiến thắng con rồng Python bằng những mũi tên của mình thì thần Cupid bay ngang qua, vai đeo cung tên. Apollo không nhận ra vị thần tình yêu này nên đã tỏ ra cao ngạo về chiến công của mình và buông lời chế giễu vị cậu bé với những mũi tên cũng bé nhỏ.
Cupid tức giận. Thần bay lên một ngọn núi và bắn hai mũi tên, mũi tên bằng vàng rực lửa dành cho Apollo và mũi tên chì nguội lạnh dành cho Daphne. Và bi kịch bắt đầu.
Apollo điêu đứng khi bắt gặp nàng Daphne xinh đẹp bên một dòng sông. Cảm xúc bùng lên dữ dội, chàng đuổi theo bày tỏ tình yêu của mình nhưng không được. Trái tim Daphne đã tắt lịm. Nàng chạy trốn, bất chấp những lời thỉnh cầu của nam thần trên đỉnh Olympia.
Apollo vẫn kiên trì. Cuộc rượt đuổi của hai kẻ tội nghiệp kết thúc ngay lúc Apollo vừa bắt kịp Daphne. Tại giây phút ấy, Daphne đã cầu xin cha mình, và thần sông Peneus đã biến nàng thành cây nguyệt quế.
Tác phẩm của Bernini đã bắt đúng khoảnh khắc này, sống động như thể câu chuyện đang diễn ra. Ngay lúc bàn tay Apollo vừa chạm vào hông Daphne, nàng ấy như vừa nhảy lên để trốn tránh. Tại giây phút cao trào ấy, những rễ cây từ ngón chân yêu kiều của nàng đã bám vào đất, những chiếc lá trổ ra từ bàn tay và mái tóc mây, tấm khăn choàng lụa là cũng đã bắt đầu mang vẻ thô ráp của vỏ cây,…
Chỉ là sau thất bại đầu đời kể trên, Apollo trở nên một tay săn gái thần sầu với đâu cỡ chục cô nàng xinh đẹp.
Sưu tầm.
Nguồn: Trần Phan
Tượng Nữ thần Tự do được trùng tu năm 1984 - 1986 .
Trong quá khứ của mình , công trình cao 93m này đã được " make up " 3 lần , vào các năm 1938 , 1984 - 1986 , 2011 - 2013 , sau khi được nhân dân Pháp trao tặng cho nước Mỹ năm 1886
Tượng Nữ thần Tự do, biểu tượng của tự do và dân chủ, đã trải qua nhiều đợt trùng tu trong quá khứ để duy trì và bảo vệ công trình này. Được Pháp tặng cho Mỹ vào năm 1886, bức tượng này đã trở thành một biểu tượng văn hóa quan trọng của nước Mỹ. Cùng xem qua các đợt trùng tu lớn của Tượng Nữ thần Tự do:
1. Đợt trùng tu năm 1938: Lần trùng tu đầu tiên này nhằm sửa chữa những hư hại nhỏ và bảo trì tổng thể để giữ gìn công trình.
2. Đợt trùng tu năm 1984 - 1986: Đây là đợt trùng tu lớn nhất và nổi bật nhất, kéo dài trong suốt hai năm. Đợt trùng tu này bao gồm việc sửa chữa cấu trúc bên trong, thay thế một số tấm đồng bị hỏng và làm mới toàn bộ bề mặt tượng. Công trình này được hoàn thành vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày khánh thành Tượng Nữ thần Tự do.
3. Đợt trùng tu năm 2011 - 2013: Trong đợt trùng tu gần đây nhất, các công việc bảo dưỡng và nâng cấp an toàn đã được thực hiện, bao gồm cải thiện hệ thống thang máy và lối thoát hiểm để đảm bảo an toàn cho du khách.
Những đợt trùng tu này không chỉ bảo vệ tượng khỏi sự hủy hoại của thời gian và thời tiết mà còn giúp nâng cao trải nghiệm của du khách khi đến tham quan công trình lịch sử này.
Người Phụ Nữ Đầu Tiên Trong Lịch Sử Việt Nam Mở Trường Học Là Ai?
Đây là nữ sĩ có đủ tài lẫn sắc. Ở thời kỳ “trọng nam khinh nữ”, bà vẫn chứng tỏ được bản thân, khiến đấng mày râu phải nể mình vài phần.
Thời Lê trung hưng, ở Việt Nam có một nữ sĩ vô cùng nổi tiếng. Bà là Đoàn Thị Điểm (1705 – 1749), người có tài văn thơ, thông minh từ bé.
Đoàn Thị Điểm quê ở làng Hiến Phạm, xã Giai Phạm, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Năm 16 tuổi, nữ sĩ này được Thượng thư Lê Anh Tuấn nhận nuôi, định cho tiến cung vào phủ chúa Trịnh. Thế nhưng, Đoàn Thị Điểm không chịu mà muốn về nhà cùng cha và anh đi học ở trường làng Lạc Viên, huyện Yên Dương, tỉnh Kiến An (nay thuộc thành phố Hải Phòng).
Hình tượng Đoàn Thị Điểm trong phim. Ảnh: Internet
Biến cố xảy ra với gia đình Đoàn Thị Điểm khi bà 25 tuổi. Năm 1735, anh trai bà đột ngột qua đời. Người phụ nữ này đã dùng chính nghề bốc thuốc anh trai truyền dạy để kiếm sống, nuôi mẹ già và giúp chị dâu nuôi các cháu.
Tuy không làm phi tần của chúa Trịnh, nhưng Đoàn Thị Điểm cũng từng có thời gian vào cung phủ chúa dạy học cho cung phi. Mãi về sau bà mới về xã Chương Dương, huyện Thượng Phúc (nay là Thường Tín) làm nghề bốc thuốc.
Năm 35 tuổi, cuộc sống đang rất yên bình nhưng Đoàn Thị Điểm vẫn trăn trở vì xưa đến nay chưa thấy “đàn bà con gái nào dạy học trò đậu đạt”. Bấy giờ là thời đại trọng nam khinh nữ, phụ nữ thậm chí còn không được đi thi, không được làm nghề dạy học.
Thế rồi, Đoàn Thị Điểm quyết định mở trường học tại nhà, vừa bốc thuốc, vừa truyền đạo Thánh hiền. Trường học của Đoàn Thị Điểm tiếng thơm vang xa, ngày càng đông người đến xin học. Một trong số những người học trò thành danh của Đoàn Thị Điểm là Đào Duy Doãn (đỗ tiến sĩ năm 1763). Nữ sĩ Đoàn Thị Điểm chính là người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mở trường dạy học, trở thành danh sư của đất nước.
Tài năng, xinh đẹp nhưng đổi lại đường tình duyên của Đoàn Thị Điểm lại khá muộn màng. Mãi đến năm 37 tuổi bà mới kết hôn với Nguyễn Kiều. Chồng bà là một tiến sĩ nổi tiếng hay chữ, từng có 2 đời vợ. Vừa cưới xong, Nguyễn Kiều đã đi sứ Trung Quốc biền biệt 3 năm. Bấy giờ, Đoàn Thị Điểm sống cảnh chờ chồng đã dịch ra quốc âm tập thơ “Chinh phụ ngâm” từ bản chữ Hán của danh sĩ Đặng Trần Côn.
Trong văn hóa nghệ thuật Việt Nam, Đoàn Thị Điểm là nữ sĩ danh tiếng nhất, cùng với Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan, Xuân Quỳnh. Với đạo Cao Đài, bà được xem như một kiếp giáng trần của Tứ Nương Diêu Trì Cung.
Hậu thế sau này tôn kính Đoàn Thị Điểm không chỉ bởi bà tài năng, xinh đẹp mà còn vì đức hạnh cao quý. Nói cách khác, hình ảnh Đoàn Thị Điểm xứng đáng là mẫu phụ nữ tiêu biểu của xã hội Việt Nam mọi thời đại.
Ngày nay, nhiều đường phố, trường học ở Việt Nam được đặt theo tên của Đoàn Thị Điểm như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Huế, Hưng Yên, Đà Lạt, Nha Trang, Vũng Tàu, Quảng Ninh, Quảng Ngãi… Việc làm này nhằm tưởng nhớ đến vị nữ sĩ hàng đầu của nước nhà, người đã vượt lên mọi định kiến, khẳng định được bản thân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét