Tôi quen chị một cách rất tình cờ. Buổi chiều, tôi thường đưa cháu ra công viên hóng mát, còn chị, đi bộ thể dục quanh bờ hồ, rồi sau đó, lấy ghế đá công viên làm chỗ nghỉ chân.
Chị ngồi bên cạnh tôi, mỉm cười thân thiện và gợi chuyện làm quen
- Dạ, "cháu quanh bờ " ạ !
- Sao lại gọi là " cháu quanh bờ "?
- Thì là cháu ngoại ấy ! Các cụ quê em vẫn hay gọi thế.
Họ kể là, khi đưa tang ông bà, nếu phải đi qua chỗ lội, cháu nội cứ thế bước đi, kệ bùn đất lấm, còn cháu ngoại, nó phải tìm chỗ khô ráo nó đi, dù phải đi xa hơn, vòng quanh bờ. Hiểu là, cháu nội thì nó thương xót ông bà, không cần biết là dưới chân bẩn hay sạch, cứ thế giẫm lên bùn đất mà đi, còn cháu ngoại thì vẫn còn để ý xem dưới chân như thế nào để còn bước tiếp.
Chị phá lên cười.
- À, ra thế !
Chuyện các cụ nói thế thôi, thời phong kiến trọng nam khinh nữ ấy mà, chứ bây giờ thì cháu nào chả vậy, phải không chị?
- Đúng rồi, cháu nào chả vậy.
Và rồi từ đấy, cứ đi bộ tập thể dục xong là chị về ghế đá ngồi nghỉ, còn tôi thì đưa cháu ra công viên hóng mát ngồi cùng. Khi đã thân quen, chúng tôi tâm sự với nhau mọi niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống.
Quê chị ở một vùng đất ven đô, có con sông Hồng chảy qua, phù sa màu mỡ. Khi còn nhỏ, ngoài giờ đi học, chị giúp cha mẹ việc bãi, việc đồng, cấy lúa, tỉa ngô. Mọi việc nhà nông , chị làm thành thạo, đảm đang, vén khéo như người nông dân thực thụ. Trong xóm, ngoài làng, ai cũng lấy chị làm gương để dạy con. Học hết phổ thông, chưa đầy mười tám, chị vào quân ngũ làm người lính thông tin. Được hơn một năm thì miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, chị không ra quân mà ở lại, tiếp tục đi học để theo nghiệp nhà binh. Và chị gặp anh, thủ trưởng đơn vi hơn chị gần chục tuổi. Họ về chung một nhà trong lời chúc phúc của bố mẹ, anh em, họ hàng đôi bên, bạn bè, đồng nghiệp. Niềm vui cứ thế nhân lên, viên mãn ngập tràn khi hơn một năm sau ngày cưới, đứa con trai mà anh chị cùng khao khát, ước mong đã cất tiếng khóc chào đời. Nó bụ bẫm, trắng trẻo và đáng yêu nhiều lắm. Ngày ấy, anh chị cùng cơ quan và được ở trong một căn nhà tập thể. Thời bao cấp, hai vợ chồng nhà binh cũng còn khó khăn lắm, lấy đâu ra dư dả. Ngoài giờ ở cơ quan, chị nuôi lợn, nuôi gà, tận dụng những chỗ đất còn bỏ trống trong khu tập thể để trồng rau.Vất vả đủ bề nhưng chị thật hạnh phúc vì có một đứa con ngoan ngoãn và khỏe mạnh, một người chồng yêu thương vợ con còn hơn cả bản thân mình.
Thế rồi, biến cố ập đến khi trong một lần trên đường đi công tác, anh gặp tai nạn, không qua khỏi để rồi vĩnh viễn chị mất anh.
Đất trời như sụp đổ. Hạnh phúc chẳng tày gang.
-Anh ơi ! Em chưa kịp sinh cho anh đứa thứ hai khi con đầu chúng ta chưa tròn năm tuổi. Anh ơi! Em biết sống làm sao? em sẽ như thế nào khi thiếu anh. Mẹ con em biết dựa vào đâu?...
Trong tận cùng của nỗi đau ,chị vật vã , gào thét được vài câu và ngất lịm. Trong mơ, chị gặp anh , anh ôm lấy chị, rủ rỉ, dỗ dành:
- Can đảm lên em, anh sẽ luôn ở bên.
Khi tỉnh dậy, chị không thể khóc được nữa, nước mắt cạn rồi. Chị nhìn trân trân lên di ảnh chồng và lại ngất. Nỗi đau nào rồi cũng phải nguôi ngoai. Chị cần phải sống, phải mạnh mẽ để làm chỗ dựa cho con. Và chị đã giành hết tình yêu của mình cho thằng bé chưa đầy năm tuổi.
Chị còn trẻ lắm, xấp xỉ ba mươi. Xung quanh chị luôn luôn có người đòi giúp đỡ. Chị lảng tránh tất cả. Chị thương con và còn nặng lòng với anh nhiều lắm lắm...
Thời gian cứ thế dần trôi, chị vùi đầu vào công việc và chăm lo cho con. Thằng bé ngoan ngoãn, học giỏi. Nó vào đại học rồi đi du học. Một mình chị ở trong căn nhà trống vắng với niềm tin sau hai năm con về, lấy vợ, sinh cho bà một đàn cháu....
Rồi, thằng bé trở về trong vòng tay ấm áp của mẹ. Nó tìm được công việc phù hợp, ổn định, lấy vợ và sinh con. Chị nghỉ hưu trước tuôỉ với quân hàm đại uý và rồi lại bận rộn với công việc của người bà chăm cháu thay con. Cứ như vậy, hai đứa trẻ lớn lên qua bàn tay chăm sóc khéo léo của bà. Rồi, chúng nó đi học, bà ở nhà tiếp tục công việc của một "ÔSin"
Nhưng rồi, không hiểu tại sao mà người con dâu muốn có một khoảng trời riêng, không muốn ở cùng mẹ nữa? Nó bàn với chồng và chồng nó thì yêu và nghe vợ lắm. Chị miễn cưỡng đồng ý và cũng gom góp thêm thắt vào với con để nó mua một căn hộ chung cư giá cả trung bình. Tưởng thế là yên, chị cũng bằng lòng sống một mình trong căn nhà vắng vẻ . Có thời gian, chị gặp gỡ bạn bè, tham gia văn nghệ, chiều chiều đi bộ quanh bờ hồ hóng mát, thảnh thơi. Thỉnh thoảng, nhớ cháu, chị lại sang chơi, mua cho cháu ít đồ ăn, dọn dẹp nhà cửa, một thoáng lại về.
Thế rồi, mặt hồ dậy sóng khi cách đây hai năm, anh con trai về đề nghị mẹ bán nhà để mua một căn hộ chung cư cao cấp, cả nhà ở cùng luôn cho tiện. Chị không nghe. Thuyết phục mẹ mãi không được, nó giận dỗi, thẳng cổ bỏ về.
Bẵng đi một vài tháng, anh con trai lại mò sang hỏi mẹ mượn sổ đỏ để thế chấp ngân hàng, vay tiền, lấy vốn làm ăn. Chị không đồng ý.
- Căn nhà này là công sức của mẹ, mồ hôi của bố. Nó là kỷ niệm cuối cùng của đời bố mẹ. Nếu con làm ăn đổ bể, người ta tịch thu nhà, mẹ biết làm sao?
- Sao mẹ lại cứ nghĩ đến những điều tiêu cực ấy nhỉ?
- Nhưng mà mẹ giữ lại là giữ cho con. Mẹ chết có mang đi được đâu? Tất cả sau này là của con, của cháu.
Biết là không thể nào lay chuyển được mẹ, anh con trai đứng phắt ra về, phán một câu xanh rờn.
- Mẹ không cho con mượn thì từ nay con "từ mẹ".
- Chị tròn mắt nhìn, không thể nào tin nổi đó lại là lời của một đứa con. Đứa con ấy có ăn có học, là niềm tự hào, là niềm tin, là cuộc sống, là tất cả của chị. Đứa con mà chị giành cả tuổi trẻ, sức lực và tình yêu, từ bỏ tất cả khát khao của tuổi thanh xuân đang hừng hực để giành cho nó.
Sau khi trấn tĩnh, chỉ thẳng vào mặt con, chị quát:
Cút thẳng nhà tao! Người ta có thể từ con chứ không thể nào lại để con từ mẹ.
Khi đứa con rời khỏi nhà là lúc người mẹ đổ sụp. Chị uất nghẹn đến mức không thể nào khóc nổi.
- Chị uất lắm em ơi ! Uất lắm ! Tại sao nó lại thế? Tại sao?....
Và chị khóc, khóc như chưa bao giờ được khóc. Những giọt nước mắt bị dồn nén quá lâu, hôm nay mới có dịp bung ra, xối xả, tuôn trào làm lay động con tim người đối diện.
Đợi cơn xúc động qua đi, chị kể tiếp.
- Chị đau đớn, chị suy sụp, chị không ngủ nổi. Cả tháng trời chị chờ đợi ở nó một lời xin lỗi. Nhưng không? Không có. Và cuối cùng, chị quyết định.
- Quyết định thế nào chị?- Tôi chen ngang câu chuyện.
- Chị họp tất cả những người chủ chốt của anh em họ hàng nội ngoại hai bên, chị gọi cả hai vợ chồng nó về. Khi có mặt đông đủ mọi người, chị mang tờ giấy đã thảo sẵn " TỪ CON". Chị đọc rõ ràng, mạch lạc, xong nhờ mọi người ký.
Tất cả đều góp ý với chị hãy từ từ nhưng chị đã quyết, chị không nhân nhượng .
-Theo em thì chị cũng nên xem xét lại, nó là con mình
- Em ơi, chị đã chờ lâu lắm, chờ một lời xin lỗi của một đứa con. Nhưng mà không có. Không còn cách nào khác. Trước khi quyết định, chị đau lắm...đau lắm, nhưng thôi.
Tôi nhìn chị, khuôn mặt của người đàn bà vừa qua cơn xúc động gần như chưa trở lại bình thường, vẫn còn ửng đỏ. Phải nói là chị rất đẹp. Cái đẹp của người đàn bà đã bước vào ngưỡng tuổi bảy mươi nhưng vẫn còn trẻ lắm. Một vẻ đẹp sang trọng và quý phái. Những nét đẹp của một thời xuân sắc mà thời gian cũng không thể nào làm cho nó phôi phai.
Câu chuyện đã khép lại rồi mà vẫn đọng trong tôi một nỗi buồn day dứt. Thực ra tôi cũng chỉ được nghe câu chuyện này từ phía chị, còn suy nghĩ của người con, tôi không được biết. Nhưng dù sao, đó cũng là một cái kết buồn. Chẳng biết sau này thì chuyện về gia đình chị sẽ ra sao? Người con có hối cải và làm hoà với mẹ không? Tất cả là một ẩn số vì sau đó tôi về quê và cũng không còn liên lạc gì với chị .
Tác giả : Trần Thị Thúy Hằng
Bài & ảnh sưu tầm
Khoảng 3h sáng ngày 13/11/1953, tổng đài của đội phòng cháy chữa cháy thủ đô Copenhagen, Đan Mạch nhận được một cuộc điện thoại. Người lính cứu hỏa 22 tuổi tên là Erich đã tiếp nhận cuộc gọi: “Vâng, đây là đội phòng cháy chữa cháy”. Đầu dây bên kia không có ai trả lời nhưng Erich nghe thấy tiếng thở dốc nặng nề.
Không lâu sau đó, một giọng nói gấp gáp vang lên: “Cứu với, cứu tôi với… Tôi không đứng dậy được, tôi đang bị chảy máu”.
“Đừng hoảng hốt, thưa bà”, Erich đáp lại, “Bà đang ở đâu, chúng tôi sẽ lập tức tới ngay?”
“Tôi không biết nữa”.
“Có phải bà đang ở nhà không?”
“Vâng, tôi nghĩ là tôi đang ở nhà”.
“Nhà bà ở đâu, đường nào vậy ạ?”
“Tôi không biết, đầu tôi choáng quá, tôi đang bị chảy máu”.
“Bà ít nhất cần nói cho tôi biết tên bà là gì?”
“Tôi không nhớ, tôi nghĩ là tôi bị đập vào đầu”.
“Xin đừng gác máy”. Erich vừa nói vừa nhấc chiếc điện thoại khác để gọi đến công ty, một người đàn ông lớn tuổi nghe máy.
“Xin hãy giúp tôi tìm ra người đang sử dụng số điện thoại này, bà ấy đang gọi đến đội phòng cháy chữa cháy”.
“Không, tôi không thể, tôi chỉ là bảo vệ gác đêm thôi, tôi không biết những việc này. Hơn nữa hôm nay là thứ bảy nên cũng không có ai ở đây cả”.
Erich cúp máy và nghĩ ra một ý tưởng khác, anh hỏi người phụ nữ: “Làm cách nào mà bà có số điện thoại của đội phòng cháy chữa cháy ạ?”
Người phụ nữ trả lời yếu ớt: “Số này đã được lưu trên điện thoại, lúc bị ngã tôi kéo điện thoại và nó đã gọi đến”.
Erich nói tiếp: “Vậy bà nhìn xem trên điện thoại có số điện thoại của nhà bà hay không?”
“Không có, không có dãy số nào khác, xin các anh hãy đến đây nhanh lên!”. Giọng người phụ nữ càng lúc càng yếu đi.
Erich vội vàng hỏi: “Xin bà hãy nói cho tôi biết bà có thể nhìn thấy vật gì?”
“Tôi… tôi nhìn thấy cửa sổ. Ngoài cửa sổ có đèn đường”
Lúc này, Erich đã có một chút manh mối: Nhà của người phụ nữ hướng ra đường cái, hơn nữa chắc chắn ở lầu không cao, vì có thể nhìn thấy đèn đường.
“Cửa sổ như thế nào, có phải hình vuông không ạ?”
“Không, là hình chữ nhật”.
Căn cứ và hình dạng cửa sổ, Erich đoán người phụ nữ có thể đang sống ở một khu nhà cổ.
“Đèn nhà bà có bật không?” – Đây là câu hỏi cuối cùng của người lính cứu hỏa Erich.
“Vâng, có bật”.
Erich muốn hỏi thêm nhiều manh mối hơn nữa nhưng đầu bên kia đã không còn trả lời, điện thoại chưa bị cúp.
Erich biết rằng phải lập tức hành động. Nhưng chỉ dựa vào những manh mối đó, anh có thể làm gì đây? Anh gọi cho đội trưởng, trình bày lại vụ việc.
Vị đội trưởng nghe xong liền nói: “Không có cách nào cả, không thể tìm được người phụ nữ này…”.
Erich nghe vậy nhưng vẫn không muốn bỏ cuộc. Nhiệm vụ hàng đầu của người lính cứu hỏa là “Cứu người”, anh đã được dạy như thế.
Vào thời điểm này, Eric đã đưa ra một ý tưởng táo báo và không do dự bày tỏ suy nghĩ của mình với thủ trưởng. Đội trưởng nghe xong giật mình kinh ngạc: “Cậu làm như vậy thì dân chúng lại nghĩ là đang nổ ra một cuộc chiến tranh hạt nhân đấy”.
“Tôi khẩn cầu ngài”, Erich nói, “Chúng ta phải mau chóng hành động, nếu bỏ qua cơ hội cứu người này, thì hết thảy đều phí công vô ích”.
Đầu dây bên kia im lặng một lúc, sau đó đội trưởng nói: “Được, chúng ta hãy làm như vậy, tôi chạy qua ngay”.
10 phút sau, 20 chiếc xe cứu hỏa hú còi báo động inh ỏi trong thành phố, mỗi xe một khu vực, chạy khắp các nẻo đường.
Tiếp theo, Erich cẩn thận lắng nghe đầu dây bên phía người phụ nữ, anh vẫn nghe thấy tiếng thở dốc của bà.
Sau đó, vị đội trưởng hỏi anh đã nghe thấy tiếng còi xe cứu hỏa chưa? “Tôi đã nghe thấy”, Erich trả lời.
Vị đội trưởng ra lệnh: “Xe số 2, tắt còi báo động”. Lần này Erich trả lời: “Tôi vẫn còn nghe thấy tiếng còi xe”.
Cho đến chiếc xe thứ 12, Erich hô lên: “Tôi không nghe thấy nữa rồi”.
“Xe số 12, mở còi báo động”.
“Tôi đã nghe thấy tiếng còi xe, nhưng càng chạy càng xa”.
“Xe số 12, quay đầu lại” – đội trưởng ra lệnh.
Ngay sau đó, Erich reo lên: “Đang tới gần rồi, âm thanh nghe ngày càng chói tai, chắc hẳn sắp tới con đường phía nhà người phụ nữ rồi”.
Vị đội trưởng hỏi: “Xe số 12, các bạn có nhìn thấy một cột đèn đường không?”
“Có hơn trăm đèn đường, mọi người đang ngó ra cửa sổ xem xảy ra chuyện gì”.
“Hãy dùng loa”, vị đội trưởng ra lệnh.
Erich nghe thấy tiếng loa: “Thưa quý ông quý bà, chúng tôi đang tìm kiếm một người phụ nữ đang trong tình trạng nguy kịch, chúng tôi chỉ biết bà ấy đang ở trong một căn nhà có đèn sáng, vậy nên mong các vị hãy tắt đèn nhà mình đi”. Sau khi nghe hiệu lệnh, người dân lập tức tắt hết đèn.
Chỉ trong chốc lát, tất cả căn nhà đều tối, chỉ trừ một cửa sổ…Không lâu sau đó, Erich nghe thấy tiếng nhân viên cứu hỏa đi vào trong phòng, một người nói qua bộ đàm: “Người phụ nữ này đã mất ý thức, nhưng mạch vẫn đập. Chúng tôi lập tức đưa bà ấy đến bệnh viện, tôi tin rằng sẽ cứu được bà ấy”.
Helen Thornda – đây là tên của người phụ nữ đã được cứu sống. Bà tỉnh lại và hồi phục trí nhớ của mình vài tuần sau đó.
Sự kiên trì nỗ lực của người lính cứu hỏa trẻ tuổi Erich đã cứu sống được một sinh mạng. Sự việc này đã chứng minh một vấn đề: “Nếu bạn thực sự muốn làm một điều gì đó, bạn nhất định sẽ tìm ra cách. Ngược lại, nếu bạn muốn từ bỏ một điều gì đó, bạn sẽ tìm ra rất nhiều lý do để thuyết phục mình. Làm hay không là do bạn lựa chọn!”
Sưu tầm
Anh tôi
Khi mẹ tôi lấy cha tôi thì anh Thành lên 5 tuổi. Anh Thành là con riêng của cha tôi với người vợ trước. Trong cuộc sống hằng ngày tôi chả thấy có gì ngăn cách tình cảm gia đình có 4 thành viên của tôi cả. Ngoại trừ cách đối xử của cha với anh Thành. Có thể ví cha như một bản nhạc nhiều cung bậc. Cung thăng là sự nghiêm khắc với anh Thành. Cung trầm là sự yêu thương với mẹ con tôi. Cha tôi là một công chức mẫu mực, chỉn chu, cẩn thận trong công việc đến giao tiếρ từ công sở tới gia đình. Những người bạn đồng nghiệp gọi đùa cha tôi là “kẻ sĩ đời cҺót”.
Tôi cứ băn khoăn không hiểu một người chuẩn mực, một đời yêu thương gia đình như cha tôi sao lại không giữ nổi vợ trước. Mẹ tôi kể, người vợ trước của cha tôi vừa xinh đẹρ lại giỏi giang. Năm anh Thành lên 2 tuổi, chẳng hiểu sao mẹ anh ruồng bỏ chồng con, đi theo một người đàn ông khác. Cha tôi bị sốc nặng, chuyện này đã dìm cha tôi trong biển rượu bia và thuốc lá. Đôi khi ông còn tìm đến cả “nàng tiên nâu”. Rồi ông gặp mẹ tôi. “Người phụ nữ đã dang tay cứu vớt phần đời còn lại của ông” như lời cha tôi sau này hay nhắc lại.
Ngàγ ấy, mẹ tôi là giáo viên của một trường mầm non, nơi cha tôi gửi anh Thành ở đó. Cha thường xuyên đón anh muộn. Nhiều lần mẹ tôi phải đưa anh về nhà mình, cho ăn, tắm rửa sạch sẽ, mãi tối khuya mới thấy ông đến đón. Ông lúng túng xin lỗi và hứa sẽ không thế nữa. Nhưng mười lần hứa thì mười một lần tái lại. Mẹ tôi đã phải thật cố gắng để thoát khỏi miệng đời: “dì ghẻ, con chồng” khi quyết định lấy cha tôi. Một năm sau ngày cha mẹ tôi lấy nhau, tôi mới ra đời.
Ngay từ khi sinh ra, tôi đã nhận được biết bαo yêu thương, nâng niu từ cha mẹ đến anh Thành. Đứa trẻ nào mà chẳng đành hanh, ích kỷ nhưng anh Thành luôn nhường nhịn tôi mọi thứ. Khi tôi bắt đầu đi học mới thật sự cảm thấy có anh tuyệt vời làm sao. Nhiều khi gặρ bài khó, tôi nhờ anh giúρ. Cha bảo: “Anh Thành chỉ hướng dẫn mang tính gợi mở thôi nhé. Tuyệt đối không được làm thay”. Thế là anh Thành dẹρ hết sách vở của mình sang một bên, chỉ bảo tận tình đến khi tôi thông hiểu mới thôi. Cũng có lúc lo bài vở của mình nhiều quá nên anh Thành làm hộ luôn. Tôi chỉ việc chép sang sách của mình. Biết chuyện, cha tôi mắng anh Thành té tát, anh còn suýt bị đòn: “Nếu còn gặρ lần nữa thì đừng trách cha ác”. Anh Thành vâng dạ, nhận lỗi. Những ngày cuối cùng của bậc tiểu học, anh Thành bận ôn thi vượt cấρ. Thế nhưng tôi vẫn lôi anh đi chơi. Anh sẵn sàng làm mọi thứ mà tôi yêu cầu. Anh bảo: “Miễn sao em vui là được”.
Về thành tích học tậρ củα anh thì khỏi nói. Năm nào anh cũng là học sinh giỏi. Anh vào trường tốp đầu của thành phố và luôn là thành viên trong đội tuyển thi học sinh giỏi. Mỗi lần anh mang về một tấm giấy khen hay phần thưởng nào đó, thì mẹ lại nhắc tôi: “Con không cần phải mang sách đi học ai cả, cứ lấy anh Thành làm gương là mẹ mừng rồi”. Nhưng với cha thì bảo: “Cái đích cuối cùng còn xa lắm con ạ!”.
Năm anh Thành được tuyển thẳng vào trường cấρ 3 chuyên Nguyễn Trãi, mẹ và tôi vui lắm. Bữa cơm hôm ấy thịnh soạn hơn mọi ngày. Mẹ trịnh trọng tuyên bố: “Mừng thành tích học tập của con trai”. Nhưng trên gương mặt cha lại không biểu lộ chút gì. Hay cha cho rằng kết quả học tập của anh Thành là một sự đương nhiên phải thế. Ông đã quen 9 năm nay rồi. Cha tôi luôn như thế nghiêm khắc đến nghiệt ngã với anh Thành. Nhớ cái năm tôi lên 6, anh em tôi đèo nhau trên chiếc xe đạp của cha, lang thang trong phố. Đang đi, bất chợt một chiếc xe máy lao ra đâm trúng. Anh em tôi ngã lăn xuống đường. Rất may, cả hai xe đều đi chậm nên không ai việc gì. Chỉ có đầu gối tôi chảy nhiều máu. Tôi khóc, người đi xe máy đưa anh em tôi về nhà. Anh Thành có vẻ sợ. Người anh cứ run lên. Dù người đi xe máy cố giải thích với cha tôi rằng ông ta có lỗi, hứa bồi thường thiệt hại nhưng cha vẫn trách mắng anh Thành thậm tệ. Tôi hỏi: “Anh không ghét bỏ em chứ?”.
Anh thản nhiên: “Không bao giờ. Làm anh phải thế!”.
Giữa năm anh Thành học lớρ 11, cha mẹ tôi nhận được kết quả học tập của anh từ nhà trường chuyển về. Nét mặt cha căng thẳng, giận dữ. Vừa thoáng thấy bóng anh Thành, cha đã quát: “Thành, mày học hành thế à? Chỉ tốn cơm, tốn gạo của cha mẹ thôi. Dốt như thế thì sau này sẽ làm gì, con ơi”.
Anh Thành quỳ xuống nền nhà, hai tay khoanh trước ngực, cúi đầu: “Con xin lỗi cha mẹ. Tháng tới con sẽ cố gắng”.
Cái roi mây trong tay cha vun vút quất xuống lưng, xuống vai anh. Mặt anh nhăn lại, nước mắt giàn giụa.
Sau trận đòn đau rát, mẹ thoa dầu gió, day day những vết roi bầm tím. Mẹ vừa khóc vừa nói: “Cha mẹ nào cũng chỉ muốn tốt cho con cái thôi. Con không giận cha con chứ?”.
Anh Thành đáp: “Vâng, con cũng hiểu như thế”.
Đêm nằm, anh Thành mới kể cho tôi rõ. Anh có bạn gái, mới ở mức thân thiết. Có lẽ vì thế mà việc học hành của anh bị sao nhãng. Anh bị tụt xuống hàng thứ 6 toàn khối. Nhiều năm học qua, chưa khi nào anh Thành rời khỏi vị trí thứ nhất hoặc thứ nhì. Anh Thành bảo, cha nổi giận cũng có cái lý của ông.
Tôi hỏi: “Anh có đau lắm không?”.
Anh bảo: “Không”.
“Vậγ tại sao anh khóc?”.
Anh Thành không trả lời tôi mà hỏi lại: “Đông à, anh tệ lắm phải không?”.
Tôi mau mắn: “Với em, anh luôn là người tuyệt vời. Chỉ là cha qua` khắt khe với anh”.
Anh cười nhẹ: “Lớn lên rồi em sẽ hiểu và cảm thông cho cha”.
Ngoài hành lang, chắc cha nghe được cuộc đối thoại của anh em tôi. Từng bước chậm rãi, ông đi lại trong im lặng. Thỉnh thoảng cha lại đưa tay lên day day nơi ngực.
Cuối năm đó, anh Thành bị tai nạn giao thông. Cha cuống cuồng, hoảпg hốt khi nghe tin dữ. Ông vội vã bỏ làm, lao đến bệпh viện. Ông bác sĩ bảo: “Không sao, mọi nguy hiểm đã qua rồi”. Cha ôm ngực thở phào. Đêm ấy, cha ngồi cạnh giường anh Thành, lặng lẽ ngắm gương mặt đứa con thân yêu, thiếu tình mẫu tử từ tấm bé. Nét mặt ông căng thẳng và lo lắng. Nhưng khi anh Thành tỉnh giấc, thì cha lại trở về vẻ lạnh lùng thường thấy. Anh Thành được nghỉ 3 ngày rồi tậρ tễnh đến trường, vì câu nói của cha: “Khỏi rồi, mai đi học thôi. Kẻo nghỉ nhiều quá lại không theo kịp”.
Tôi đưa mắt dò hỏi, mẹ chỉ lắc nhẹ đầu. Mẹ tôi là thế, tuân phục và tin tưởng nơi chồng. Sau lần ấy, tôi thấy anh Thành tậρ trung cho việc học nhiều hơn. Tôi cũng không dám mè nheo lôi anh đi chơi lang thang nữa. Tôi biết, ngoài chuyện học của riêng mình, anh còn phải học cho cả đội tuyển học sinh giỏi của trường, của thành phố, với mục tiêu mang giải về. Áρ lực luôn đè nặng lên vai anh. Dường như anh không còn thời gian cho riêng mình.
Cha vẫn lạnh lùng. Ông tỏ ra thờ ơ trước thành tích học tậρ của anh Thành. Nếu có ai hỏi về anh Thành, ông đều bảo: “Cháu học hành tạm được”.
Trời ơi, kết quả học tập của anh Thành quá tốt. Thế mà cha tôi lại dửng dưng, lạ thật? Tôi chia sẻ suy nghĩ này với anh Thành. Nhưng anh lại bảo: “Làm con không được trách cứ cha mẹ. Sau này em có vợ có con, em sẽ hiểu tấm lòng cha mẹ”.
Năm tôi vào cấρ 2 thì anh Thành đã là sinh viên đại học. Nhưng tôi vẫn không thể hiểu nổi những điều cha mẹ tôi và anh Thành từng nói, nhất là cách đối xử của cha với anh Thành. Mỗi tháng, anh Thành về nhà một, hai lần. Phần vì nhớ nhà, phần vì lấy tiền học và trang trải chi phí sinh hoạt. Tôi biết cái gì ở thủ đô cũng đắt đỏ. Mỗi lần anh Thành về, tôi rất vui. Mỗi lần như vậγ, tôi lôi ra rất nhiều bài khó, nhờ anh hướng dẫn. Như ngày xưa, anh Thành nhiệt tình chỉ bảo.
Một hôm, cha bảo anh Thành: “Từ nay con khỏi về nữa. Cha đã lậρ cho con một tài khoản tại ngân hàng. Cha sẽ gửi tiền vào đó”. Mẹ bảo với cha: “Con nó về thường xuyên cũng tốt mà anh”.
Được đà, tôi nói theo: “Anh cả không về, ai sẽ là người chỉ bảo cho con?”.
Cha tôi không thay đổi ý định. Ông quay sang tôi, lừ mắt: “Con lớn rồi, phải tự lập chứ. Bài nào không làm được thì hỏi bạn, hỏi thầy. Học hành không ra sao, sau này đừng có trách cha mẹ”.
Sang đầu năm thứ ba đại học, cha tôi gọi điện bảo anh Thành: “Bắt đầu từ tháng này, cha mẹ chỉ lo cho con tiền trọ, tiền ăn và học phí thôi. Mọi chi tiêu khác, con phải tự lo”.
Mẹ tôi ngạc nhiên: “Kìa anh, thằng bé xưa nay có làm những việc ấy bao giờ đâu. Anh không nên khắt khe, nghiệt ngã với con quá”. Cha tôi quay lại nói với mẹ tôi: “Em hiểu thế nào là khắt khe, nghiệt ngã? Chẳng có ai sinh ra đã thông thạo mọi thứ. Tất cả đều phải tậρ dần, mọi thứ rồi sẽ quen”. Dường như cha tôi nói đúng, mọi thứ đều phải học, phải tậρ. Anh Thành đã quen với công việc làm thêm từ năm học thứ hai rồi.
Một đêm, tôi chợt tỉnh giấc vì nghe tiếng động nhẹ. Tôi mở mắt nhìn, trong ánh sáng mờ mờ của ngọn đèn ngủ, tôi thấy cha ngồi bên bàn học của anh Thành. Bàn tay ông chậm rãi lần sờ từng tấm ảnh, tấm giấy khen, cũng như nhiều phần thưởng của anh. Ông gượng nhẹ, nắn nót như sợ tất cả sẽ tan biến. Thỉnh thoảng ông lại đưa tay lên ôm ngực và húng hắng ho. Tiếng ho nghe chừng nặng nhọc, vất vả lắm. Gương mặt ông trầm tư suy nghĩ. Tôi đoán chắc cha nhớ anh Thành. Rồi ông đưa tay quệt ngang mắt. Cha tôi khóc. Ông đứng dậy ra khỏi ρhòng. Từng bước chân liêu xiêu của cha đi dưới ngọn đèn vàng vọt. Tôi nhớ có lần mẹ bảo: “Trông cha con như vậy thôi, tưởng cứng rắn, hóa ra rất yếu đuối. Mỗi lần ᵭáпҺ mắng anh cả là đêm ấy ông lại khóc, nhất là từ ngày ông phát hiện ra mình mang trọng bệпh. Điều cha con luôn mong mỏi là anh Thành phải trưởng thành trước khi ông nhắm mắt”.
Tôi hỏi: “Cha con bị bệпh gì?”. Mẹ không trả lời, bà lảng sang chuyện khác.
Dạo này sức khỏe cha tôi xuống quá, ốm đau liên tục. Mẹ tôi chăm sóc chu đáo hơn xưa rất nhiều. Mỗi lần đến bữa, bà đều hỏi: “Anh thích ăn gì để em mua”.
Cha cười: “Ăn gì chẳng được. Em cứ làm như anh là bệпh nhân đặc biệt ấy!”.
Tôi nghĩ mọi việc vẫn ổn. Tuổi già ai mà chẳng đau đầu, nhức xương mỗi khi thời tiết thay đổi. Mẹ kéo tôi ra ngoài, rỉ tai: “Cha con bị ung thư phổi, từ bảy tám năm trước, giờ là giai đoạn cuối”. Tôi choáпg váng như vừa qua cơn ác mộng.
Tôi hỏi: “Anh Thành có biết không?”.
Mẹ bảo: “Anh cả biết”.
Anh Thành vội vã trở về với đôi mắt đỏ hoe. Anh quỳ xuống cạnh giường cha với những tiếng nấc nghẹn. Thân hình cha mỏng dính, hơi thở rất yếu. Mắt ông nhắm nghiền. Ông sắρ vĩnh biệt cõi trần. Bất chợt ông mở mắt, anh Thành vội nắm chặt tay cha. Cha hỏi: “Con đã về rồi hả? Việc tốt nghiệp thế nào?”.
“Dạ. Con nhớ nhà, nhớ cha lắm. Bằng tốt nghiệρ của con đây”.
Cha đưa bàn tay run rẩy vuốt nhẹ vào cái màu đỏ chói ngoài bìa: “Con không giận cha chứ?”.
“Dạ. Không bao giờ, cha ơi. Con biết cha mẹ chỉ muốn những điều tốt cho con thôi”.
“Ừ, con hiểu được lòng cha như thế là tốt. Chỉ có kiến thức và nghị lực mới giúp người ta vượt qua mọi khó khăn trên đường đời. Giờ con đã trưởng thành. Cha có thể yên tâm ra đi”.
Rồi cha lại thiếp đi và không bao giờ tỉnh lại nữa. Gương mặt ông như bừng sáng. Đôi môi như đang mỉm cười.
TG: Nguyễn Sỹ Đoàn
TẮM SÔNG
Vậy là má không cho tôi tắm sông nữa. Má nói, má coi truyền hình, người ta biểu, nước sông bây giờ ô nhiễm lắm, trẻ nít tắm nhiều hư con mắt. Tôi hỏi ô nhiễm là gì, má tôi nói thì là dơ chớ sao. "Một chút thôi mà - tôi cố nài nỉ - có chút xíu thôi". Má tôi dứt khoát, không là không.
Tôi chê lý do của má đưa ra lãng xẹt, chỉ vậy mà bắt hỏng cho tắm sông nữa. Buồn muốn chết. Những chiều ra đồng chạy rong chạy ruổi thả diều về, nực thôi là nực, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, xách cái gàu ra ngoài cầu ao xối sàn sạt mà không thấy mát tí nào, thèm nhảy ùm cái xuống sông, sải tay sải chân vẫy vùng cho sướng người.
Tôi biết lội hồi sáu tuổi. Hôm đầu tiên xuống nước, tôi ở truồng ngủng ngẳng... Ba ôm tôi xuống bến, ông đặt bàn tay to bè lên cái bụng tròn ủm của thằng con đỡ tôi nằm trên sâm sấp nước. Lúc đó tôi sướng quá, tay chân luýnh quýnh đạp lia lịa làm nước văng sáng trắng mặt ba tôi (nước mát thì thôi đi chớ). Má tôi ngồi trên bờ vừa hái đọt choại vừa ngó xuống, kêu:
- Anh khéo, ngộp con nó.
Ba cười to:
- Em đừng lo. Mai mốt thằng nầy lặn ngụp phải biết.
Chỉ năm hôm sau, khi ba tôi lặng lẽ bỏ bàn tay ra, tôi đã lủm bủm lội được một quãng. Cái đầu tôi ngoi lên còn cái mông chìm lỉm, ba cười, chê: "Cái thằng bơi y hệt con chó phèn". Nhưng đám bạn cùng lứa của tôi đang ngồi chò hỏ trên bờ nhìn thèm phải biết. Thằng Tèo bệu bạo so bì, "Sao tao ôm dừa khô tập hoài mà hỏng biết lội". Tôi tài khôn, "Mầy bắt chuồn chuồn cho nó cắn rún á, biết lội liền hà". Nó tưởng thiệt, đi bắt chuồn chuồn về cho cắn muốn tiêu cái rúng luôn. Vậy mà tôi còn cố đổ thừa, "Tại mầy hỏng bắt chuồn chuồn đỏ, chuồn chuồn đỏ cắn rún mới biết lội được".
Sau nầy nhớ lại, tôi nghĩ nhất định mình bơi giỏi là nhờ bàn tay ấm nóng của ba đã truyền cho tôi lòng dũng cảm và sức mạnh. Ba nói, con nít ở vùng sông nước mà không biết bơi thì tội nghiệp, xuống bến trợt chân, qua cầu gãy ván... Bất trắc không biết chừng.
Ai chớ tôi thì ba tôi khỏi lo. Đi học về, vừa cất cái cặp đã nhảy ùm xuống sông. Tụi bạn phục lăn cái tài lặn dài hơi. Còn về khoản lội đua, mỗi con Én là dám so kè với tôi, trời đất ơi, con gái gì mà lội thoi thót như con ếch, lẹ ghê. Mà cũng tại nó cao, chân dài, tay dài, nó sải một nhịp, tôi đã lọt lại phía sau. Vừa rồi, tôi với nó bơi thi, hỏng hiểu sao tôi lúm cúm thế nào mà để nó qua bờ bên kia trước, nó bắt tôi kêu nó bằng chị hai, thấy tức chết. Thằng tèo bênh vực tôi, nó an ủi, "Mai mốt trả thù, hén mậy?" Tội nghiệp, nó thần tượng tôi từ cái năm sáu tuổi tới giờ. Tôi hứa, mai mốt trả thù. Nhưng từ má tôi cấm ngặt, coi như không còn cơ hội nữa. Sông với tôi có biết bao nhiêu là chuyện với nhau, bây giờ biểu không tắm nữa, buồn ơi là buồn vậy.
Ngày xưa đúng là sông không như bây giờ. Nước sông không như bây giờ. Nước sông mát. Nước không trong khe như trong sách người ta hay tả mà cợn phù sa. Xứ tôi là xứ phù sa mà. Sông có mùi thơm hơi ngòn ngọt của bẹ dừa nước mọc chồm chồm ra ngoài bãi. Nước lớn, cá kìm kìm lội thành đàn nhộn nhịp. Nước ròng sát bãi, tụi tôi chạy rượt với đám cá thòi lòi. Hồi đó, đất sình dưới đáy sông chúng tôi chọi nhau cũng thơm, nên mặt mũi tèm lem bùn mà không thèm để ý, có đứa bị chọi nguyên một cục sình vô miệng, trợn trừng không nói được tiếng nào.
Từ từ, sông ngầu đục hẳn đi. Cứ nước lớn, mặt sông đầy rác. Mới đầu, tụi tôi thích lắm, tụi tôi vớt được bao nhiêu là chai lọ, tha hồ nuôi cá lia thia. Con Én coi tay chân quều quào vậy chớ siêng, nó vớt được bao nhiêu là đồ chơi cúng cuội. Rồi tụi tôi cũng chán trò chai lọ, mặc kệ chúng, dưới sông trôi đầy kia kìa. Tôi hỏi ba tôi rác đâu mà nhiều vậy, ba nói là do người ở chợ hay đổ rác xuống sông. Tôi gật gù, ờ phải, ở chợ người ta đông lắm.
Trong đám bạn, tôi biết chợ nhiều nhất. Nhà tôi có cái quán cóc nhỏ bán bánh kẹo, đồ chơi con nít. Mỗi lần đi chợ bổ hàng, má đều chở tôi theo. Ra ngoài đó, má lên chợ, tôi dòm chừng chiếc xuồng. Sau nầy tôi thêm một nhiệm vụ nữa là gỡ rác quấn chân vịt máy. Rác nhiều quá, cứ đi được một chút nghe cái máy chạy rị mọ, biết thế nào chân vịt cũng bị quấn rác rồi. Một ngày nọ, tự nhiên tôi nghĩ, mình gỡ ra rồi quăng xuống, thế nào nó cũng vướng vô mấy chiếc xuồng khác, tội nghiệp người ta ghê lắm. Tôi lẳng lặng giở cái sạp xuồng lên, bỏ mớ rác vào đó. Má tôi rầy, "rác rưởi mà để vô xuồng chi con, dơ hết". Tôi nghĩ sao thưa vậy. Má tôi cười, không nói gì nhưng vẻ mặt rất hài lòng. Hôm đó, về tới nhà, được hai thúng rác đầy vun. Tôi bưng lên nhà, ba tôi bón vô giồng bạc hà, tụi nó được bón phân xanh lặc lìa, mướt rượt, tốt phải biết.
Chuyện đó làm tôi nổi lên, người lớn ai cũng khen hết lời. Khen tôi nhỏ mà khôn, nhỏ mà biết nghĩ cho người khác. Nó ít nhiều thay đổi kế hoạch vui chơi của tụi tôi trong hè này. Buổi chiều chạy rượt chán chê, tụi tôi ra ngoài bến chơi, mấy đứa bạn cũng bị cấm không cho tắm sông nữa. Con Én bàn, "Hay là rảnh rảnh tụi mình xin ba má cho bơi xuồng đi vớt rác, mai mốt sông sạch tụi mình tắm cho đã." Tụi tôi ai cũng cho là đúng. Thằng Tèo còn giả đò khen con Én xinh đẹp, thông minh, con Én biết nó không phải khen thiệt liền dẩu môi:
- Ừ, kệ tao, còn mầy, mai mốt đừng đem mèo chết quăng xuống sông nghen, vừa dơ sông vừa tội lắm, mầy làm vậy mai mốt chết thành mèo đó.
Thằng Tèo khờ, nó rụt người lại, im re. Bọn tôi cười rồi "một, hai, ba" nhảy ùm xuống nước. Sông lại bao lấy chúng tôi, lạ quá, sông cũng ôm thằng Tèo tuồng như không giận nó đã quăng con mèo chết xuống. Tụi tôi tự nhủ, bữa nay tắm lần này nữa thôi, tụi tôi chờ cho tới chừng nào sông sạch, trong trở lại. Tôi lén nhìn con Én, lặng sải tay bơi một mạch qua bờ bên kia, "Mai mốt thể nào cũng trả thù chớ con trai mà để thua con gái, kỳ lắm".
Nguyễn Ngọc Tư
NHỮNG ĐỨA CON HIỂU THẢO !
Mấy chiếc xe hơi đỗ xịch trước nhà, chiếc màu trắng, chiếc màu đen, chiếc màu đỏ nối đuôi nhau sáng loà cả mắt. Bà Phúc xỏ vội đôi dép rồi lom khom ra phía sân nhìn, hóa ra là ba đứa con bà sáng nay rủ nhau đi ăn sáng tiệm chay ngoài phố giờ về rủ nhau chuẩn bị lên chùa vì hôm nay là rằm tháng bảy lễ Vu Lan báo hiếu !
Bà Phúc nay đã 75 tuổi góa chồng từ lúc 48 tuổi vì chẳng may ông Phúc bị tai biến qua đời. Gần 30 năm bà Phúc một mình tận tuỵ bám vào cửa hàng tạp hóa và mảnh đất vườn do hai ông bà tạo dựng để nuôi ba đứa con hai gái một trai khôn lớn, học hành nên người, công việc làm ăn thành đạt, dựng vợ gã chồng đầy đủ.
Bà thấy mình tuổi cao nên cũng đã cắt đất chia đều cho ba đứa con ,mỗi đứa 15m tới tính ra là được 3 nền, nếu chẳng may bà có qua đời thì chị em cũng không nồi da xáo thịt.
Bà Phúc vẫn ở căn nhà cấp bốn đơn giản bề ngang 5 m tới , giữa nhà bà đặt bàn thờ chồng để sớm hôm nhang khói, đỡ quạnh quẽ cô đơn lúc tuổi xế chiều .
Khoảnh đất của bà do chính phủ mở rộng đường nên bỗng dưng trở thành mặt trước, do đó giá trị lên gấp mấy chục lần, các con bà chỉ cần bán một nền thì có thể xây nhà lầu sắm xe hơi.
Bà vui mừng cho các con!
Các con bà lục tục mang lễ vật sắp xếp vào các xe đủ các loại bà Phúc thấy hoa cả mắt, cô con gái thứ hai đưa một hộp thức ăn bảo đứa con trai học lớp ba mang vào cho bà ngoại để ăn sáng , thằng cu nhảy chân sáo vào đưa hộp thức ăn cho bà, không quên ôm bà ngoại một cái rồi chạy ra nhảy phóc lên xe. Bà mở hộp thấy bún chay, bà đang muốn ốm dự là chẳng ăn được gì!
Bà Phúc hai hôm nay thấy mệt trong người, ngày thường bà thích tự nấu ăn, chiều hôm qua bà nhờ con dâu nấu cho bà nồi cháo, bà ăn vẫn còn . Hôm nay bà nghĩ chắc ngày lễ mấy con bà sẽ hội tụ lại đây để nấu nướng xúm xít vui vẻ cùng bà.
Tự dưng thấy chúng lũ lượt kéo lên chùa nên bà chưng hửng, mấy chiếc xe đã nổ máy, bà Phúc hỏi với theo :
--- Thế trưa, chiều các con có về không, mẹ mệt trưa nầy mẹ chưa biết ăn gì!
Cô con gái lớn thò đầu ra cửa xe nói lại :
--- Mẹ nấu mì tôm ăn đỡ đi. Hôm nay lễ Vu Lan báo hiếu, chúng con bận đi chùa lễ Phật , trưa và chiều nay tụi con ăn cơm ở chùa rồi !
Bà Phúc lặng lẽ quay vào, nhìn lên bàn thờ chồng bà rân rấn nước mắt!
Bà tên Phúc, nhưng bà thật vô phúc!
Tác giả : Ngọc Hàn Thuyên
( Truyện viết theo sự thật ngoài đời)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét