Ngày giỗ bố tôi, mẹ đưa một đĩa xôi thịt vun đầy, dặn dò: “Con mang đi biếu thím Diên! Hoàn cảnh thím tội nghiệp lắm!”.
Tôi vừa vào đến ngõ, hai con chó nhỏ xông ra, sủa nhị nhặng. Giọng một bà lão rề rà:
- Ai đấy? Vào đi. Nhà không khóa cửa!
Bao năm xa quê, nay tôi trở về, dường như ngôi nhà và mảnh vườn của thím Diên cũng không khác xưa là bao.
Trong căn buồng lợp tôn thấp chủn, cái nóng xuyên qua lớp ván gỗ, hừng hực phả vào người. Tôi nhìn mãi vẫn không thể tin đó là thím Diên. Một bà cụ gầy trơ xương, hai chân teo tóp, đôi mắt chỉ còn một màu trắng đục.
Ký ức đưa tôi trở về ngày xưa, khi thím Diên còn trẻ. Một người phụ nữ có gương mặt phúng phính, hay cười, cứ luôn tay, luôn chân với công việc đồng áng.
Năm thím ngoài 50 tuổi, một sáng thức dậy, hai mắt thím đau nhức, ngứa ngáy, nước mắt cứ chảy ròng ròng. Càng ngày, thím Diên càng nhìn mọi thứ mờ mịt. Dù chạy chữa khắp nơi nhưng cuối cùng, thím vẫn không thể giữ được ánh sáng cho đôi mắt.
Không thấy đường đi, cứ ngồi một chỗ lâu ngày rồi thím bị liệt. Vậy là cuộc đời thím từ đó, mất cả mắt lẫn chân, ngày ngày chỉ ở trên chiếc giường nhỏ bé.
- Thằng Quắn đang đi mời cưới con trai nó. Cháu ở chơi, đợi tí… nó về.
Thím vừa dặn, vừa không quên kể rôm rả những chuyện tuổi thơ ngày xưa của tôi với thằng Quắn. Nó hơn tôi 2 tuổi. Ngày ấy, chúng tôi hay gọi nhau mày tao tí tớ. Tôi không khỏi bất ngờ, vì ở tuổi 38, thằng Quắn đã sắp sửa làm sui gia.
Tôi nhớ mãi cái trò láu cá mà lũ trẻ xóm tôi thường bày ra để chọc phá thằng Quắn. Học chưa hết lớp 1, Quắn nằng nặc nghỉ học, để ở nhà la cà đi chơi.
Chồng mất sớm, thím Diên một mình tần tảo nuôi 5 đứa con nhỏ. Mỗi ngày, lo chạy ăn từng bữa nên thím cũng chẳng còn hơi sức đâu quán xuyến chuyện học hành của thằng Quắn. Mặc dù có một số thầy cô giáo đạp xe đến nhà để khuyên nhủ thằng Quắn đi học nhưng nó thường lẩn trốn.
Thấy thằng Quắn không biết chữ, lũ con nít chúng tôi hùa nhau, lấy mấy cục than đen, viết lên nền đất những dòng chữ thật to: “Quắn ăn… c…ứ…t…”.
Chúng tôi chỉ vào dòng chữ tục tằn ấy, đố thằng Quắn đánh vần và đọc được. Nó cứ nhìn nét than đen nguệch ngoạc dưới đất, cười ngơ ngác, bởi chẳng hiểu chúng tôi viết cái gì…? Lấy thế làm thích thú, cả đám trẻ con cùng hò reo, cười ngặt nghẽo.
Kỷ niệm cũ dừng đột ngột, khi tôi nghe trước nhà có tiếng xe máy, lẫn với tiếng ho khùng khục của một người đàn ông.
Dáng người vẫn gầy gò như thuở bé nhưng mái tóc quăn của Quắn nay đã thưa thớt hẳn. Khác hẳn ngày nhỏ, giờ đây nụ cười của Quắn héo hắt, gượng gạo, khi gặp lại tôi. Trả lời vội cho xong vài câu hỏi thăm xã giao của tôi, Quắn lấy cớ bận đi tưới cây và nhanh chóng lảng ra sau vườn. Thím Diên ngại ngùng, đỡ lời:
- Số thằng Quắn khổ lắm. Lúc trẻ còn có sức khỏe đi đào thuê gốc cây cho người ta. Giờ có tuổi lại đổ bệnh, lo tiền ăn thôi đã khó, đừng nói gì tiền thuốc thang…!
- Thế còn con trai của Quắn thì sao thím?
Tôi hỏi dò, với hy vọng Quắn có con cái đỡ đần phần nào. Nhưng thím Diên thở dài ngán ngẩm, bảo:
- Thằng Quý cũng như bố nó, học chưa hết cấp 1 đã bỏ học. Ai rủ đi đâu, làm gì, cũng nghe. Có một đợt theo đám bạn xấu, may không là… bóc lịch! Giờ lại về đi cưa cây thuê cho người ta. Sắp sửa cưới vợ đấy!
Thím Diên phe phẩy chiếc quạt giấy trên tay, lòng đau đáu nỗi lo. Thím xiết xẩm bảo: Ngày xưa, thím đi làm thuê kiếm tiền cho thằng Quắn đi học nhưng nó cũng lười biếng, không chịu học hành. Giờ đến thằng Quắn, ai thuê đâu làm đó, mong kiếm tiền cho con ăn học nhưng thằng Quý cũng bỏ học giữa chừng.
Bỗng thím chặc lưỡi: “Ngẫm ra, nhà thím mù đến ba đời… cháu ạ! Thím thì mù mắt còn con, cháu thím thì lại… mù chữ. Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời thế mà nhà thím ba đời rồi vẫn không đổi đời được!”. Giọng thím Diên đầy chua chát, hai cánh mũi đỏ lên phập phồng.
Từ sau vườn, tôi bỗng nghe có tiếng bước chân chạy thình thịch. Mặt xám ngắt, Quắn đội vội chiếc nón bảo hiểm lên đầu, kịp dặn mẹ vỏn vẹn: “Thằng Quý cưa trúng tay. Con chạy ra đó xem sao? Mẹ cứ ăn trước đi, đừng chờ…”.
Đĩa xôi thịt tôi để trên bàn đã nguội lạnh từ lâu nhưng thím Diên không tài nào nuốt nổi. Thím ngồi dựa vào vách nhà, luôn miệng cầu mong sao cho đứa cháu nội được bình an vô sự.
Trên đường về, tôi cứ suy nghĩ mãi về câu chuyện của gia đình thím Diên. Tôi nhận ra rằng, nếu ai đó không may mắn rơi vào cảnh mù lòa, ấy là do số phận. Nhưng mù sự hiểu biết… đó lại là do bản thân mỗi người lựa chọn, phải không các bạn?
Nguyễn Nga
LÒNG NGƯỜI – HAI MẶT
Ngày xưa, ở một ngôi làng nọ…
Dưới cái nắng cháy da, một gã ăn mày rách rưới, nằm bất động trên đường. Bỗng một dòng nước mát lạnh, rưới chầm chậm vào đôi môi nứt nẻ của gã. Khi tỉnh lại, gã cảm động, bởi trước mặt là bà lão ân nhân với nụ cười hiền hậu.
Từ đó, ngày hai buổi trước cổng làng, gã trở thành người phụ bà, bán nước sâm. Không chỉ được ăn uống đầy đủ, gã còn được nhận thêm một khoản tiền công. Gã hạnh phúc ngất ngây, vì đã thoát cảnh sống vật vờ, nay đây mai đó, bữa đói, bữa no.
Thấy gã chăm chỉ, bà lão bắt đầu nghĩ đến việc truyền nghề cho gã. Mỗi ngày, bà thường gọi gã vào gian bếp, dặn dò: "Hai mươi loại cây này đều có công dụng riêng, khi kết hợp hài hòa sẽ tạo nên vị nước uống thanh mát, bổ dưỡng. Công thức này là bí quyết gia truyền của nhà ta, người ngoài, chưa ai học được…”.
Nghe đến đây, gã khấp khởi mừng thầm trong bụng. Gã nhẩm tính đến số tiền công vừa tích cóp được. Gã quyết định ra mở một quầy nước sâm, chọn vị trí ngay phía trên bà lão. Gã lại còn để giá nước sâm rẻ hơn phân nửa so với bà. Gã đinh ninh sẽ hốt sạch sành sanh khách của bà lão.
Đúng là sau đó, quán nước của bà đột nhiên ế ẩm. Ngày ngày, bà cứ nấu nước sâm lên rồi lại mang đổ đi, vì không ai mua. Còn xe nước sâm của gã, khách bu đông như kiến cỏ. Bà lão dẫu buồn rầu nhưng cũng không hề trách cứ gã lời nào. Bà vẫn kiên trì, đều đặn bán nước sâm.
Cho đến một ngày, gió xoay chiều, đổi hướng, khách hàng từ từ quay lưng lại với gã. Nhiều người còn ra mặt chê bai: “Nước sâm của cậu tuy rẻ… nhưng không ngon như của bà lão kia”. Và họ lần lượt quay lại mua nước sâm của bà, khiến hàng nước của gã ế nhăn.
Bực tức lẫn chán nản, gã tìm đến bà lão để hỏi nguyên nhân. Bà nhìn gã, điềm nhiên bảo: "Con quá hấp tấp, vội vã nên chỉ mới học được cách nấu… nhưng chưa kịp học được cái tâm của người nấu…". Nghe vậy, gã cúi đầu, thẹn thùng, khi nhận ra sự vô ơn của mình.
Một đời dãi dầu sương gió, khiến bà lão dù có tính thương người nhưng vẫn luôn biết cách thử lòng người. Trong công thức nấu nước sâm gia truyền, bà đã cố ý “dạy thiếu một vị cây”. Chính bởi lý do này mà nước sâm gã nấu ra đã không ngon như của bà nấu. Lúc đầu, bà định bụng, đợi khi gần nhắm mắt xuôi tay, nếu thấy gã là người có tâm đức, nhất định sẽ truyền dạy hết nghề cho gã, chỉ tiếc là… gã sớm lấy oán báo ơn.
Gã cũng không biết rằng: Bản thân không chỉ đánh mất một người thầy tốt mà còn cả một cơ hội quý giá để thay đổi cuộc đời…
VĐH sưu tầm
Pappy là chủ một cửa tiệm bán đồ cổ. Ðã từ lâu, ông giữ kín một nỗi buồn riêng. Một hôm, trong lúc đang lau chùi cái đèn lồng để chuẩn bị giao cho khách hàng, bỗng ông nghe tiếng nhạc của cái chuông treo ở cửa tiệm. Ông thích điệu nhạc của nó và muốn chia sẻ với khách hàng nên đã treo nó lên.
Ban đầu ông không nhìn thấy ai, mãi một lúc sau mới có một mái tóc gợn sóng mềm mại nhô lên ở trước quầy hàng. Ðó là một cô bé xinh xắn dễ thương hãy còn nhỏ xíu.
– Ông giúp được gì cháu đây, hở cháu bé? Ông Pappy cảm thấy lòng vui hẳn lên.
– Thưa ông, cô bé ngước cặp mắt màu nâu lên nhìn ông. “Cháu muốn mua một món quà cho ông cháu.”
Ông Pappy gợi ý:
– Ông cháu có thích đồng hồ bỏ túi không. Ông có một cái hãy còn mới, tốt lắm.
Cô bé không trả lời. Nó đi quanh phòng rồi tới bên cánh cửa đưa bàn tay nhỏ bé cầm lấy tay nắm. Nó lắc nhẹ cánh cửa để nghe tiếng nhạc vang lên. Mặt cô bé chợt bừng sáng, nó nói: “Chính là cái này đây. Mẹ cháu nói ông cháu thích âm nhạc lắm ”.
Ông Pappy khựng lại. Ông không muốn làm cô bé thất vọng nhưng đành phải nói:
– Xin lỗi cháu. Ông không bán cái chuông này được. Hay cháu lấy cái hộp đồ chơi này cho ông cháu, chắc ông cháu thích vì nó cũng phát ra nhạc.
Cô bé nhìn cái hộp rồi lắc đầu.
– Chắc là không đâu ạ.
Ðể cho cô bé hiểu và khỏi buồn, ông kể cho nó nghe là con gái của ông từng chơi cái chuông này và vì vậy ông không muốn bán. Cô bé tỏ vẻ xúc động, mắt rưng rưng. Nó nói:
– Cháu hiểu rồi, ông ạ. Cháu cảm ơn ông.
Trong giây lát ông Pappy chợt nghĩ tới gia đình mình. Vợ ông mất đã lâu. Con gái ông sau một lần giận gia đình đã bỏ đi nước ngoài sinh sống. Ðã mười năm trôi qua, ông không được tin tức gì của cô con gái.
Rồi ông tự nhủ với mình: con gái ông đã bỏ đi vậy sao ông không để cái chuông cho người khác – một người có thể chia sẻ nó với những người mà họ thương yêu.
– Khoan đã, cháu ạ, ông kêu lên với cô bé lúc nó mở cửa và tiếng nhạc lại vang ngân. Ông bằng lòng bán cái chuông. Cháu đừng buồn nữa nha.
Cô bé vui mừng vỗ tay reo:
– Ôi, cháu cảm ơn ông.
– Ðược rồi. Ông Pappy cũng cảm thấy vui vui trong lòng dù biết rồi đây mình sẽ nhớ cái chuông lắm. Nhưng ông bảo này, cháu phải hứa là giữ gìn cái chuông cẩn thận. Rồi ông lấy cái chuông xuống, lau chùi sạch bụi và cho vào một cái túi giấy, trao vào tay cô bé.
– Cháu xin hứa. Cô bé nói. Nhưng chợt nó nhìn ông Pappy, ánh mắt lo lắng.
– Nhưng ông ơi, giá của cái chuông này là bao nhiêu vậy? Cô bé hỏi.
– Vậy cháu có bao nhiêu tiền nào? Ông Pappy hỏi, với nụ cười tinh nghịch.
Cô bé chỉ có trong tay 2 đô la 47 xu. Nhìn thấy vậy, ông Pappy nói như reo:
– Chà chà, cháu thiệt là may mắn. Giá của cái chuông đó vừa đúng 2 đô la 47 xu.
Cô bé đi rồi, ông Pappy cứ ngẩn ngơ suốt buổi. Ông nhớ cái chuông và điệu nhạc của nó. Cho tới giờ chuẩn bị đóng cửa, bỗng ông lại nghe tiếng chuông ngân nga. Ông cho rằng mình tưởng tượng, nhưng nhìn ra cửa ông thấy cô bé lúc sáng lại xuất hiện, cô bé đang cầm cái chuông lắc lắc, miệng mỉm cười.
– Gì thế này? Cháu đổi ý rồi sao?
– Không ạ. Cô bé vừa nói vừa cười. Mẹ cháu bảo cái chuông này là dành cho ông.
Trước khi ông Pappy kịp nói thêm lời nào thì mẹ cô bé bước vào. Mắt cô ấy có ngấn lệ và cô nhìn ông nói.
– Con chào bố!...
Còn cô bé thì kéo nhẹ gấu áo ông.
– Ông ơi, khăn tay đây, ông lau mắt đi…
Nguồn : Bao Nguyen Quang sưu tầm
VỢ CHỒNG GIÀ.
1. Con cái phương trưởng ra ở riêng hết chỉ còn ông bà sống trong căn hộ 3 buồng nơi khu tập thế sát bờ sông. Như mọi ngày cơm nước xong, bà dọn dẹp bếp núc, ông lên nhà bật Tivi, pha ấm trà nhân trần thư thả ngồi uống xem mấy chương trình thời sự. Khi bà từ dưới bếp lên, ông rót cốc trà nóng đưa tận tay bà, chuyển kênh phim cho bà xem, rồi họ lặng lẽ theo dõi phim trên truyền hình cho đến khi bà đấm lưng thùm thụp đứng dậy vào ngủ trước. Ông xem thêm chút rồi tắt Tivi kiểm tra cửa rả rồi đi nằm. Ngang qua phòng bà đã thấy bà ngáy pho pho.
Chả biết từ bao giờ họ gọi nhau là ông, là bà thay cho cách gọi anh, em ngọt ngào theo suốt mấy chục năm. Cũng chẳng nhớ từ bao giờ ông bà ra nằm riêng mỗi người mỗi phòng. Chắc tại bà kêu ông ngáy to nhất là hôm nào vui bạn bè uống vài chén rượu. Ông cũng phàn nàn bà có thói quen cứ dọng chân xuống giường thình thịch mỗi khi mỏi. Cái gì mãi rồi cũng thành quen. Đôi khi bà muốn gọi ông là anh như ngày nào cho tình cảm mà thấy ngượng ngùng. Lắm lúc người ngây ngây sốt đắp cả cái chăn dầy vẫn lạnh, ông định qua phòng bà nằm cạnh tìm chút hơi ấm lại lo bà mất ngủ, cũng thôi.
Tối nay, khi bà vừa dưới bếp lên ngồi xuống ghế định xem Tivi thì điện vụt mất. Ông loay hoay bật lửa châm chiếc đèn dầu. Ông bà ngồi đối diện nhau mà chẳng nói lời nào. Không gian tĩnh mịch quá. Nghe rõ cả tiếng gió rì rào ngoài cửa sổ. Bỗng bà bật tiếng:
-Nghe đâu như tiếng con uềnh uôm nó kêu.
Ông nhướn mắt hỏi lại:
-Con gì kêu?
-Con uềnh uôm chứ con gì? Bà dấm dẳng.
-Con ễnh ương chứ. Từ cha sinh mẹ đẻ tôi chưa nghe ai nói con uềnh uôm như bà. Ông gằn giọng.
Thế là họ cãi nhau. Kết quả là sáng hôm sau bà không thấy ông ngồi uống trà bên bàn nữa. Bà lẩm bẩm:"Lại sang thằng cả tá túc chứ gì. Thây kệ". Trưa bà ngồi ăn cơm một mình thấy chả ngon lành gì. Tối bà ngồi coi Tivi mà chả xem chương trình gì ra đầu ra đũa. Đêm bà nằm nhớ thời có mang thằng lớn. Ông mừng lắm, hỏi bà:
-Em định đặt tên con là gì?
-Anh đặt đi, bà nũng nịu: Tuỳ anh.
Không ngờ khi sinh con trong giấy khai sinh ông thấy tên con được bà đặt là Tuỳ Anh, Nguyễn Văn Tuỳ Anh.
Đến đứa con gái thứ hai, bà hỏi ông đặt tên gì? Ông âu yếm nhìn bà bảo: Tuỳ em. Và kết quả tên đứa thứ hai được ông đặt là Tuỳ Em, Nguyễn Thị Tuỳ Em.
Cả tuần vắng bóng ông nhà cửa trống tuềnh trống toàng làm bà nghĩ lại. Mấy ngày ở với con với cháu cũng thấy vui mà sao lòng ông vẫn như lửa đốt. Cảm giác thiêu thiếu nơi ông cũng làm ông nghĩ lại. Hôm ông quay về, bà đón ông nơi bậu cửa, ông chưa kịp nói điều mình định nói bà đã đon đả:
-Tôi hỏi người ta rồi ông ạ. Nói như ông mới đúng. Là con ễnh ương. Tôi nói sai.
Ông cười gượng gạo:
-Không bà nói mới đúng. Nó là con uềnh uôm. Tôi sai rồi.
Lời qua tiếng lại thế là lại cãi nhau. Tiện khăn gói ông sang nhà cô gái út. Vợ chồng già lại ly biệt thêm lần nữa.
2. Khi còn trẻ, còn sống trong tình yêu người ta nhìn nhau qua cặp kính màu hồng, lúc nào cũng thấy những điều tốt đẹp, để rồi thêm gần gũi. Khi về già, họ nhìn nhau qua cặp kính của bác sỹ, nhìn đâu cũng thấy vi trùng, để rồi thêm xa cách. Tình yêu và sức khoẻ như năng lượng trong mỗi con người, cùng với năm tháng nó cũng bị tiêu hao đến mòn kiệt. Thôi thì đã là vợ chồng, thời son trẻ sống bên nhau là hưởng thụ thì lúc về già hãy sống bên nhau vì chịu đựng vậy. Vạn vật cũng có thời, con người sao tránh được. Vợ chồng già hết tình còn nghĩa. Hãy xem nghĩa làm trọng. Đấy là tôi tự bảo mình và nhắn nhe với bao cặp vợ chồng già khác nữa để khỏi vô cớ chia lìa nhau trước khi trở về với cát bụi.
Bài viết của : Hùng Lý từ Berlin, Đức.
Ảnh: Vợ chồng già - tác giả bài viết - dạo công viên Berlin mùa thu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét