.

.

a

Hoa đào nở, chim én về, mùa xuân lại đến. Chúc quý thầy cô và anh chị em đồng môn năm mới Giáp Thìn : - nghìn sự như ý, vạn sự như mơ, triệu sự bất ngờ, tỷ lần hạnh phúc.
THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ, ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU - MỘT NĂM MỚI AN KHANG THỊNH VƯỢNG - VẠN SỰ NHƯ Ý

24 tháng 10 2017

KHẮC KHẨU




Bạn có tin cái số “khắc khẩu” hay không? Vợ chồng, anh chị em hay cha mẹ và con cái, thương thì có thương, nhưng mà ở xa kìa, chứ hễ gần nhau thì không cãi lớn cũng cãi nhỏ. Khi gặp trường hợp như thế, người ta đành chịu thua và đổ thừa… tại vì khắc khẩu!!!
Hạnh và Thức là một cặp vợ chồng lý tưởng dưới mắt bạn bè. Mối lương duyên của họ đã trải qua rất nhiều trắc trở vì quan niệm dị biệt của gia đình, nhưng cuối cùng họ cũng được toại nguyện. “Chúng tôi thương nhau lắm, dù đã gặp quá nhiều khó khăn nhưng đã quyết lòng chết cho tình yêu nên mới được ngày hôm nay.”- Đó là câu nói của Thức cách đây năm năm, sau tuần trăng mật. Tám năm sau, tôi tình cờ gặp lại hai người trong một bữa tiệc. Hạnh trông vẫn xinh xắn dù đã có hai con. Thức hơi gầy và già một chút. Khi nghe Hạnh tâm sự tôi rất ngỡ ngàng: “Chỉ được năm năm thôi, kể từ khi đứa con đầu lòng đi học thì hai vợ chồng cãi nhau liên miên. Nhiều khi chỉ vì chuyện đâu đâu. Thật sự, mình không hiểu tại sao Thức và mình có quá nhiều điểm dị biệt như vậy mà lại yêu nhau. Hồi chưa cưới, anh ấy lúc nào cũng chiều chuộng mình. Những buổi hẹn nhau đi chơi, dù mình có đến trễ bao lâu, anh cũng không hề phàn nàn. Ăn mặc kiểu gì anh cũng khen đẹp. Lúc nào anh cũng tỏ ra là người dễ tính, vui tươi. Trong năm năm đầu sau ngày cưới, anh ấy vẫn dễ thương như vậy. Bây giờ thì thay đổi hoàn toàn. Đôi lúc mình có cảm tưởng anh là một người nào khác…
– Hạnh nói anh Thức đã thay đổi tính tình, mà thay đổi như thế nào?
– Anh ấy khắc khe với con quá đáng. Thằng nhỏ mới sáu tuổi mà bắt nó phải như người lớn vậy. Đi học về không được xem ti vi, không được chơi game. Phòng ngủ của nó nếu không ngăn nắp, dù chỉ là một chút, thì cũng bị la mắng ngay. Mỗi lần thấy cái mặt tiu nghỉu của thằng nhỏ vì bị rầy, mình xót ruột, bênh con thì hai vợ chồng lại cãi nhau.
Mới đầu là chuyện dạy con, rồi từ từ kéo thêm những chuyện khác. Kết quả là hai đứa “mặt lớn mặt nhỏ” cả mấy ngày!
– Anh ấy dạy con, sao Hạnh bảo là thay đổi tính tình?
– Không phải chừng đó đâu! Thức trở thành người khó tính từ lúc nào không hay. Thí dụ khi mình lái xe, từ lúc lên xe cho đến lúc xuống xe, ổng cứ “warning” mình hoài, nào là nhìn bên trái kìa! Quẹo phải, coi chừng cán lề! Sao không bật signal, có ngày cảnh sát phạt cho coi. Chạy từ từ, làm gì thắng gấp quá vậy! Mình lái xe cừ khôi lắm chứ đâu phải đồ bỏ. Mười hai năm nay chưa hề gây một lỗi lầm nào, trong khi Thức hai lần de xe đụng vào hàng rào, một lần cọ vào thùng rác trầy xe, vài ba cái ticket vì chạy nhanh. Vậy mà lúc nào cũng làm thầy đời, nghĩ coi có tức không? Mình lái xe mà ai ngồi kế bên cứ nhắc “cù nhây” bực mình lắm. Chưa hết đâu, mình là đàn bà mà anh cứ bắt mình phải biết sửa chữa thứ này thứ nọ. Mỗi lần thay nhớt hay thay bánh xe, Thức bắt mình phải đứng kề bên và luôn muốn “dạy dỗ” nhìn đi để mai mốt còn biết làm. Kể cả mấy cái vòi nước trong nhà với lý do “lỡ ngày nào anh không có ở nhà nó bị hư thì em làm sao” (làm như bên nầy không có thợ vậy!). Mình tỏ vẻ bất mãn thì anh ấy đay nghiến “nhìn cái mặt cau có hết muốn ở nhà”. Chị thử nghĩ xem, như vậy làm sao tránh khỏi cãi nhau.
– Còn phần Hạnh, thì sao? Tính tình có thay đổi so với “thuở ban sơ mới về” không?
Hạnh cười bẽn lẽn:
– Làm sao khỏi! Mình cũng phải thay đổi để ứng phó với anh Thức chứ! Phải công nhận mình có dữ dằn hơn xưa nhiều. Buổi sáng nào mà Thức mở miệng than phiền điều gì là mình nổi quạu ngay. Thế rồi mạnh ai nấy lái xe đi, chẳng hề chào nhau, chẳng có một nụ cười. Ít nhất là ba năm gần đây, hai vợ chồng ngày càng “khắc khẩu” nên cứ gây gổ hoài.
Trước khi chia tay Hạnh ngậm ngùi thố lộ trong tiếng thở dài:
– Dù không có gì quá nghiêm trọng, nhưng những bất đồng dẫn đến cãi nhau đã làm tổn thương tình yêu giữa hai vợ chồng rất nhiều.
Sau lần chuyện trò đó chúng tôi không có dịp gặp lại nhau cho đến khi vợ chồng Hạnh dọn về Atlanta vì Thức xin được việc làm ở đó. Tháng rồi, có dịp sang bên ấy, tôi ghé thăm vợ chồng Hạnh. Thời gian thật nhanh, mới đó mà đã bốn năm. Trong bữa cơm tối thân mật tại nhà, tôi thấy Hạnh và Thức có vẻ rất hạnh phúc. Hạnh khoe với tôi rằng, gia đình Hạnh đã vượt qua được những “cơn phong ba”. Tôi hỏi bí quyết nào vậy. Với nụ cười thật tươi, Thức nói:
– Khi về đây, thời gian đầu còn rảnh rỗi, chúng tôi tham dự những khóa học về hôn nhân, hạnh phúc gia đình. Nhờ những dịp đó mới nhìn thấy những sai lầm của chính mình. Đó là tính chủ quan, thói chỉ trích. Chúng tôi quyết định phải thay đổi bằng cách lắng nghe.
– Phương cách đó là làm sao? – Tôi hỏi.
– Chúng tôi để một quyển nhật ký chung trên bàn viết. Mỗi ngày có điều gì không hài lòng về nhau thì ghi vào cột A, điều gì vui lòng ghi vào cột B, phần giải thích, phê bình khi đọc nhật ký của người kia ghi vào cột C. Tôi làm ca đêm nên ban ngày tôi đọc nhật ký của Hạnh và trả lời. Buổi tối, Hạnh đọc của tôi. Một tuần lễ đầu, trang nhật ký dày đặc. Thật ra, có những điều không bao giờ ta hiểu được tận đáy lòng của nhau.
Có khi vì vô ý mà nói một câu gì đó hoặc nét biểu lộ trên khuôn mặt đã làm tổn thương đến nhau mà không hay và nhờ đọc qua nhật ký mới khám phá ra. Phải công nhận dù là vợ chồng đã sống với nhau hơn mười hai năm nhưng có những điều chưa bao giờ chúng tôi nói với nhau một cách thành thật như trong nhật ký.
– Có bao giờ anh nổi nóng và tự ái khi bị phiền trách trong nhật ký không?
– Có chứ, đó là những trường hợp ý tốt của mình bị hiểu lầm hay cái xấu của mình bị nói trúng phóc. Nhưng vì lúc đó chỉ có một mình nên không thể nói gì được, chỉ còn cách ngồi suy nghĩ và dần dần lắng dịu để trả lời bằng cách viết. Nhờ thế mà lời lẽ mình viết ra chính chắn hơn. Thí dụ như có hôm đọc một đoạn của Hạnh – “Hôm nay ngồi trên xe, anh không chịu nói gì cho vui mà cứ chằm chằm nhìn vào tay lái, rồi cứ ra lệnh chạy thế nầy, chạy thế kia, với nét mặt nhăn nhó, em rất bực bội. Sao anh không tin tưởng em? Em chỉ cần anh nhắc khi có gì nguy hiểm mà em không thấy kịp. Nếu như vậy thì đừng bao giờ để em lái xe nữa!”. Nghĩ lại mình có lỗi nên tôi viết vào phần B, câu xin lỗi và giải thích cho Hạnh biết chỉ vì cái tật của tôi hay lo.
Thật ra, chính tôi cũng rất bực mình khi lái xe có mẹ tôi ngồi bên cạnh, bà cũng hay nhắc nhở những điều không cần thiết như tôi đã nói với Hạnh.
– Hai người đã bắt đầu viết cho nhau từ bao giờ, hiện nay còn viết nữa hay không?
Hạnh cười thật tươi, liếc chồng một cách hóm hỉnh:
– Khi nào anh chàng nầy còn khó chịu thì còn viết! Mình bắt đầu từ năm trước. Mới đầu cầm viết thấy ngượng nghịu, nhưng dần dần thích thú vì tò mò nóng lòng xem hôm nay sẽ đọc những gì. Kết quả thật nhanh chóng. Chỉ trong vòng ba tháng chúng tôi không còn cãi nhau nữa. Tất cả đã được giải quyết trong nhật ký, đồng thời còn biết thêm những điều tốt của nhau nữa! Cho đến hôm nay thì cột A đã ít chữ, mà cột B thì nhiều hơn. Có lẽ một ngày gần đây căn nhà nầy sẽ đầy ắp tiếng cười.

* * *

Bạn thân mến,
Trong lời thề ước khi thành hôn của những người Công giáo có câu “… để yêu thương và tôn trọng nhau mọi ngày suốt đời…” Một lời thề rất khó thực hiện, nhưng là yếu tố cần thiết để xây dựng hạnh phúc. Làm sao có thể giữ được lời thề nầy nếu hai người không thể hiểu lòng nhau và người nào cũng khư khư giữ chặt những tật xấu của mình mà không hề biết rằng mình đã làm tổn thương người bạn đời.
Qua kinh nghiệm sống của vợ chồng Thức, người viết tin rằng nếu cố gắng, thì mọi người đều có thể thay đổi một số cá tính của mình, nếu hai người đều ý thức rằng việc nầy cần thiết để đạt được hạnh phúc. Thử nghĩ xem, có khi nào bạn lớn tiếng chê bai hay lộ vẻ khó chịu trong bữa ăn tại nhà một người bạn vì món ăn lạt lẽo hay không. Dĩ nhiên là không, vì bạn không muốn làm buồn lòng họ. Nhưng bạn lại chẳng thèm đụng đến món ăn do chồng hay vợ nấu mà không vừa ý bạn? Nếu biết rằng người bạn đời của bạn sẽ bị tổn thương thế nào khi nhìn thấy gương mặt đằng đằng sát khí của bạn với giọng nói đay nghiến, chắc bạn sẽ cố gắng tự nhủ rằng từ nay tôi sẽ luôn luôn mỉm cười với giọng nói nhẹ nhàng hơn.
Hạnh phúc luôn luôn nằm trong tay của những người biết lắng nghe và sửa đổi phải không bạn?

Trần Yên Hạ

KHẮC KHẨU CHỈ LÀ CHUYỆN NHỎ !

Khắc khẩu với vợ là chuyện "thường ngày ở huyện", đặc biệt với các đôi vợ chồng trẻ. Ngày xưa "tam tòng tứ đức", chồng nói gì vợ đố dám nói lại một câu, giờ nam nữ bình quyền, vợ lúc nào cũng có thể có ý kiến riêng của mình.

"PHÂN LOẠI" KHẮC KHẨU

Đám mày râu khi ngồi với nhau có thể bình tĩnh phân loại các kiểu khắc khẩu với vợ :

Khắc khẩu trẻ con : Khi vợ là con một, vợ hiếu thắng, thích tranh luận đôi co nhưng thuộc dạng "khẩu xà tâm Phật", trong thâm tâm hay khi ra ngoài hoặc có người thứ ba thì luôn tỏ ra yêu và kính trọng chồng. Với kiểu khắc khẩu này, chồng có thể mỉm cười cho qua, chim_sau_danh-contentthậm chí thỉnh thoảng còn kiếm cớ "cãi nhau" với vợ cho vui cửa vui nhà. Tuy nhiên, cũng cần cảnh báo để vợ không quá mù ra mưa, từ khắc khẩu trẻ con chuyển thành cãi nhau gay gắt.

Khắc khẩu ngoại : Khi đi ra ngoài, khi có người thứ ba chứng kiến, vợ thấy lời nói của chồng đôi lúc không lọt tai, làm mình bị mất thể diện nên phản bác lại ngay để chữa thẹn. Cách xử sự như thế sẽ làm ông chồng thấy nóng mặt, lời qua tiếng lại và dễ cãi nhau.
Vị dụ có bà vợ hay chê chồng : "Đã không biết còn hay thích nói"; "Biết tin vịt mà cũng đi buôn", chồng nói gì là vợ chặn họng làm chồng quê độ. Tuy nhiên, về nhà hai vợ chồng vẫn thân mật với nhau như chẳng có chuyện gì. Với kiểu khắc khẩu này, chồng có thể rút kinh nghiệm, không nên có những lời lẽ làm vợ "nóng mặt" và nên biết kiềm chế, im lặng không nói nữa, bỏ đi chỗ khác, không biểu lộ thái độ, về nhà "đóng cửa bảo nhau". Tuy nhiên, nguy cơ khắc khẩu ngoại này nếu không "điều trị" đúng lúc, đúng bài có thể thành khắc khẩu mãn tính.

Khắc khẩu nặng : Khi vợ chồng không còn yêu thương, suốt ngày hầm hè nhau, chuyện bé xé ra to, nói gì cũng dễ chuyển thành chiến tranh, sẵn sàng gọi nhau bằng những từ ngữ không hay ho. Khi quan hệ vợ chồng đã chuyển sang mức độ này, nhiều ông chồng thấy gia đình không còn là bến đỗ bình yên, cuộc sống bỗng trở thành địa ngục nên chỉ còn cách tuyên bố với vợ "đường em em đi, đường anh anh đi".

ĐỪNG ĐỂ KHẮC KHẨU TRỞ THÀNH "AXÍT"

Có những cặp vợ chồng không bao giờ nói chuyện bình thường với nhau được quá 5 phút, hễ bàn cái gì cũng cãi lộn, vì mỗi người đều muốn theo ý mình. Chồng nói một câu, vợ cũng phải đá lại một câu "ăn miếng trả miếng" hoặc ngược lại. Những chuyện vợ chồng khắc khẩu nhau thường là chuyện nhỏ nhặt, ví dụ vợ khen cái đồ này dùng tốt - chồng sẽ bảo là không ; chồng nói đi ăn ở nhà hàng này ngon - vợ sẽ bĩu môi chê nhà hàng ấy dở. Nhiều cặp vợ chồng thấy việc cãi vã nhau là môn thể thao miệng, là một phần của cuộc sống, ngày nào không đôi co ngày ấy như thiếu cái gì đó.
Khắc khẩu chỉ là chuyện "nhỏ như con thỏ" trong cuộc sống vợ chồng, nhất là khi so với bao nhiêu việc trọng đại khác, so với những lo toan cơm áo gạo tiền hàng ngày. Nhưng nếu chồng/vợ đều không biết kiềm chế, không biết nghĩ đến gia đình, con cái mà cứ nói cho sướng miệng, nói để thỏa mãn sự hiếu thắng và ý muốn của bản thân, sự khắc khẩu sẽ trở thành axít đậm đặc, phá hoại hạnh phúc gia đình lúc nào không hay. Vì vậy, đừng ngại ngần thực hiện theo lời chỉ dạy của các cụ thời xưa :                   
      "Lời nói không mất tiền mua      
      Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau"   

Phan An


Chuyện kể về người đẹp Tràng An hiếm hoi thoát kiếp 'hồng nhan bạc phận'

Sau tình đầu lỡ dở với một thi sĩ yểu mệnh, giai nhân Đỗ Thị Bính lên xe hoa với một chàng kỹ sư phong lưu theo sự sắp đặt của gia đình và sống hạnh phúc tới cuối đời.
Giai nhân Đỗ Thị Bính (1915 - 1992) là một trong số 19 người con của nhà tư sản Đỗ Lợi – nhà thầu khoán thuộc hàng nhất nhì Hà Nội những năm 1930. Ông còn là thành viên ưu tú được dòng họ Đỗ "Bá Già" (thuộc thôn Tiên Lữ, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc) nể phục.
Do nhà có điều kiện nên bà Bính không phải lo lắng chuyện tiền bạc, cuộc sống luôn ngập tràn nhung lụa ngay từ khi còn bé. Tuy nhiên, người con gái xinh đẹp lại phải sớm chịu cảnh chia ly với mối tình đầu đậm chất ngôn tình, rồi kết hôn theo sự sắp đặt của cha mẹ nhưng lại sống hạnh phúc tới cuối đời.
Chuyen ke ve nguoi dep Trang An hiem hoi thoat kiep 'hong nhan bac phan' - Anh 1
Vẻ đẹp kiều diễm của mĩ nhân Đỗ Thị Bính trong ngày cưới (Ảnh: gia đình cung cấp)
Bà Bính là một trong số ít giai nhân Hà thành thủa xưa thoát kiếp "hồng nhan bạc phận".
Mối tình đầu "yểu mệnh"
Sinh ra trong một gia đình có điều kiện, từ nhỏ mỹ nhân Hà thành đã được ăn sung mặc sướng. Lớn lên nhờ vẻ đẹp trời cho và gu thời trang tinh tế, cô Bính thường chọn lựa những bộ đồ màu đen nhằm tôn lên vóc dáng mỹ miều và làn da trắng ngần.
Theo lời kể lại bà Bùi Thị Mai, con gái của bà Đỗ Thị Bính: "Mẹ tôi dáng cao, da trắng hồng. Bà thường mặc đồ đen như một sở thích và cũng bởi trang phục màu đen tôn lên làn da trắng của bà, khiến bà vừa bí ẩn vừa cuốn hút. Có lẽ, đó cũng là lý do để người đời gọi bà là 'người đàn bà áo đen".
Dù là tiểu thư khuê các, được cha cưng chiều hết mực nhưng bà Đỗ Thị Bính không hề kiêu căng, khoa trương mà sống rất giản dị, gần gũi với mọi người. Trong nhà, bà cũng giúp đỡ cha mẹ làm việc vặt chứ không chỉ "ngồi chơi xơi nước" như nhiều tiểu thư danh giá.
Người đẹp Tràng An còn có sở thích đọc tiểu thuyết, đặc biệt là tiểu thuyết Pháp. "Đến tận khi mẹ tôi đã ngoài 70, sở thích đọc tiểu thuyết của bà vẫn không thay đổi. Bà thường ra hiệu sách mượn về đọc đến quên ăn quên ngủ", bà Mai kể về mẹ.
Chuyen ke ve nguoi dep Trang An hiem hoi thoat kiep 'hong nhan bac phan' - Anh 2
Đỗ Thị Bính (áo đen, đang ngồi) chụp cùng chị họ và bạn. Bà là người rất hòa đồng, giản dị và gần gũi. (Ảnh: gia đình cung cấp)
Thời bấy giờ, nhan sắc cô Bính thu hút được bao ánh nhìn của các công tử nhưng không ai lọt nổi vào mắt xanh của người đẹp, duy chỉ có một thi nhân là nhà thơ đa tài Nguyễn Nhược Pháp. Thế nhưng, mối tình đầu câm nín của họ lại không có kết thúc tốt đẹp.
Giai thoại kể lại rằng ông Nguyễn Nhược Pháp khi đó công tác ở một tòa soạn báo gần nhà cô Bính, luôn mượn cớ đi qua ngôi nhà 30 phố Hàng Đẫy chỉ để ngắm nhìn người đẹp. Những khi cô Bính chưa xuất hiện, ông phải đợi cho đến lúc nhìn thấy mỹ nhân mới chịu rời đi.
Trong nhiều tác phẩm của ông Pháp còn vương vấn bóng hình của giai nhân Tràng An, ví như một số câu thơ trích từ tác phẩm Sơn Tinh – Thủy Tinh của Nguyễn Nhược Pháp như sau:
"Tóc xanh viền má hây hây đỏ,
Miệng nàng bé thắm như san hô,
Tay ngà trắng nõn, hai chân nhỏ:
Mê nàng, bao nhiêu người làm thơ".
Tương truyền, cô Bính và ông Pháp còn trao đổi thư tay cho nhau, tuy nhiên hai người chỉ có duyên nhưng không có phận bởi nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp lại sớm qua đời khi mới ở tuổi 24 vì bệnh lao phổi.
Nên duyên với chàng kỹ sư phong lưu
Một năm sau sự ra đi của mối tình đầu, cha mẹ đã khuyên bảo cô Bính kết hôn với Bùi Tường Viên (1909 - 1986), một kỹ sư mới du học ở Pháp về và cũng là em trai út của luật sư nổi tiếng Bùi Tường Chiểu bấy giờ. Sau này, ông Bùi Tường Viên là Hiệu trưởng trường Mỹ nghệ Đông Dương, tiền thân của Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội ngày nay.
Chôn giấu tình yêu với người trong mộng quá cố, mỹ nhân Hà thành lên xe hoa với chàng kỹ sư năm 1939. Những tưởng hôn nhân ấy sẽ không hạnh phúc khi cô Bính luôn nhớ thương người cũ, nhưng tình cảm của Bùi Tường Viên đã khiến cô Bính xiêu lòng.
Bà Mai kể lại câu chuyện tình của bố mẹ: "Theo những gì tôi được mẹ kể, ngày mẹ lên xe hoa, mẹ cũng chưa có tình cảm với bố tôi. Trước đó họ cũng chưa từng gặp mặt lần nào. Khi về ở cùng, bà mới bắt đầu dành nhiều tình cảm cho chồng. Bởi lẽ, tính cách và con người của bố tôi đã khiến trái tim bà rung động".
Chuyen ke ve nguoi dep Trang An hiem hoi thoat kiep 'hong nhan bac phan' - Anh 3
Mỹ nhân Đỗ Thị Bính bên cạnh chồng là kỹ sư Bùi Tường Viên.
Không giống như nhiều cuộc hôn nhân khác cũng như phụ nữ Việt Nam yên phận với việc phục tùng và chăm sóc chồng theo khía cạnh trách nhiệm, cuộc sống vợ chồng của cô Bính và ông Viên hạnh phúc nhờ sự san sẻ, giúp đỡ, cảm thông cho nhau. Hơn nữa, ông Viên là người từng đi du học Pháp nên ảnh hưởng chút tư tưởng phương Tây.
Cũng theo lời kể của bà Mai, ông Viên rất tôn trọng, nhường nhịn và chưa bao giờ to tiếng với vợ. Khi cuộc kháng chiến chống Pháp nổ ra, cả gia đình họ Đỗ và Bùi đều tham gia Cách mạng. Hòa bình lập lại, gia đình cô Bính trở về Thủ đô, sống cuộc đời giản dị nhưng hạnh phúc.
Năm 1976, ông Bùi Tường Viên mắc bệnh ung thư. Bà Bính luôn bên chồng chăm sóc ông mỗi ngày, thậm chí còn nhờ người quen tìm mua nhiều loại thuốc quý ở các nơi để tẩm bổ cho chồng. 10 năm sau đó, ông Viên qua đời.
Kể từ khi chồng mất, bà Bính ít khi nhắc tới chồng trừ ngày giỗ. Năm 1992, giai nhân đất Tràng An Đỗ Thị Bính qua đời, hưởng thọ 77 tuổi.
Cloudy
Theo Vietnamnet

Không có nhận xét nào:

CHÀO MỪNG QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU SÓC TRĂNG THAM QUAN, ỦNG HỘ HOANGDIEUTRUONGXUASAIGON.BLOGSPOT.COM. CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM NHIỀU SỨC KHỎE, THÀNH CÔNG TRONG CÔNG VIỆC.