Bà Ariane Nelson, đang đứng đổ xăng ở một cây xăng trong thành phố nước Mỹ thì một cậu bé da đen chừng 17-18 tuổi rụt rè đến bên bà hỏi xin bà mua cho cậu một chai sữa tươi.
Thoạt đầu bà định nói không, nhưng khi vào tiệm trả tiền thì bà lại đổi ý mua sữa cho cậu.
Bà Nelson đã quay đi rồi, nhưng có cái gì đó thôi thúc bà ngoái đầu lại nhìn xem họ làm gì.
Thì ra cô bé cầm trên tay một tô cereal, cậu đổ sữa vào cho cô ăn sáng.
Thấy vậy, bà Nelson đến bên và hỏi thăm hoàn cảnh hai người. Ðược biết cả hai đều nghèo, cha mẹ không lo được, nên hai người phải dựa vào nhau để sống.
Họ không có việc làm và mấy ngày rồi họ chỉ ăn ngũ cốc lót lòng.
Bà Nelson liền nói
“Vậy cậu rửa xe cho tôi đi, tôi sẽ trả cậu $20”.
Cả 3 người đến chỗ rửa xe tự động gần đó và cậu bé rửa xe cho bà thật cẩn thận. Lúc cầm tờ $20 bà trả, cậu bé ứa nước mắt cám ơn. Cậu nói, đã lâu rồi cậu chưa tìm được việc làm, tiền ăn uống mấy ngày qua của họ là do cô gái chi trả. Cậu rất vui mừng vì hôm nay cậu đã có thể là một người đàn ông chân chính, kiếm tiền bằng sức lao động của mình để lo cho bạn gái.
Cảm động vì thái độ và suy nghĩ của cậu, bà Nelson dẫn họ về nhà, lấy một bộ quần áo vest cũ của con trai bà cho cậu, để cậu có quần áo đàng hoàng mặc đi xin việc, hướng dẫn cậu cách điền đơn và cách trả lời phỏng vấn sao cho dễ kiếm được việc hơn. Cậu nhỏ cám ơn bà đã giúp cho cậu lấy lại sự tự tin và hứa với bà sẽ cố gắng thật tốt để sống làm người tử tế.
Bà Ariane Nelson đăng câu chuyện trên lên FB của mình. Bà cho biết đã cho 2 đứa số điện thoại và hứa sẽ đưa chúng đi tới bất cứ cuộc phỏng vấn nào có được. Bà nói
“Tôi không giàu có gì, chỉ vừa đủ ăn đủ mặc. Nhưng theo tôi nghĩ sự giàu có không nằm ở chỗ mình có bao nhiêu tiền, mà ở chỗ mình cho đi được bao nhiêu !”
Sưu tầm.
CHUYỆN CÓ THẬT 100%
(Nhân ngày Chúa giáng trần)
Trần Thái Sơn
Một cô bé đang đứng thổn thức bên cạnh một nhà thờ nhỏ sau khi đã chạy vòng vòng mà không vào được bên trong vì “nhà thờ chật cứng”.
“Con không vào được lớp học Chủ Nhật” (Sunday School: lớp học mà nhà thờ thường mở vào ngày chủ nhật để dạy giáo lý và chữ cho trẻ em là chính nhà thờ), cô bé nức nở nói với vị linh mục vừa đi tới. Nhìn bộ dạng tiều tụy, nhếch nhác của cô bé, vị linh mục hiểu ngay ra nguyên do, và cầm tay cô bé dẫn vào trong, tìm cho cô một chỗ trong lớp học.
Đêm hôm đó, cô bé lên giường ngủ mà đầu chỉ nghĩ tới những đứa trẻ không có chỗ để thể hiện lòng tôn kính đối với Chúa. Khoảng 2 năm sau đó, cô bé đã chết trong một chung cư tồi tàn. Cha mẹ của cô bé gọi điện cho vị linh mục - người đã trở nên rất thân thiết với cô bé, đến để chủ trì buổi lễ tang.
Khi di chuyển thi hài của cô bé nghèo, người ta đã tìm thấy một chiếc ví rách nát và bẩn thỉu tựa như được moi ra từ đống rác, trong đó có 57 xu và một tờ giấy xé nham nhở viết trên đó vài dòng chữ nghuệch ngoạc của đứa trẻ: “Để giúp đỡ xây dựng một nhà thờ lớn hơn cho nhiều đứa trẻ có thể đến Lớp học ngày Chủ nhật”.
Đó là kết quả trong 2 năm trời dành dụm với cả tấm lòng hy sinh không chút vụ lợi của cô bé. Khi đọc những dòng chữ này, vị linh mục đã không thể cầm được nước mắt.
Mang theo mảnh giấy và chiếc ví rách nát trong những buổi lễ, vị linh mục kể cho mọi người câu chuyện về tấm lòng hy sinh cao cả của đứa bé. Ông đã bỏ ra rất nhiều công sức để kêu gọi, quyên góp tiền xây dựng một nhà thờ rộng hơn. Nhưng câu chuyện này không chỉ dừng lại ở đó.
Một tờ báo có uy tín đăng câu chuyện về cô bé, và có một nhà kinh doanh bất động sản đã đọc được nó. Ông ta đề nghị nhượng bán cho nhà thờ một mảnh đất rộng, mà giá trị hồi đó lên tới nhiều ngàn đô la, với giá chỉ có… 57 xu.
Các tín đồ đã tổ chức một đợt quyên góp quy mô rộng và lớn chưa từng có, chỉ chưa đầy 5 năm số tiền đã lên tới 250.000 đô la - một số tiền rất lớn thời bấy giờ (cách đây gần một thế kỷ). Tấm lòng nhân hậu cao cả của cô bé đã được đền đáp một cách xứng đáng.
Nếu có dịp qua thành phố Philadelphia, mời bạn ghé thăm Nhà thờ Temple Baptist (Nhà thờ Thánh rửa tội) với sức chứa 3.300 người; và trường đại học Temple, nơi mà hàng trăm sinh viên đang theo học. Và bạn cũng nên ghé thăm Bệnh viện Good Samaritan (Bệnh viện hội bác ái) cùng với Trường học ngày Chủ nhật, nơi dành cho hàng trăm đứa trẻ tham dự Lớp học ngày Chủ nhật, và sẽ không còn đứa trẻ nào trong vùng phải đứng bên ngoài vào ngày chủ nhật nữa.
Trong một căn phòng của toà nhà, bạn có thể tìm thấy một tấm hình với khuôn mặt dễ thương của cô bé gái, người với 57 xu và sự hy sinh của mình, đã làm nên một câu chuyện thần thoại.
Ngay bên cạnh đó, tấm hình của vị linh mục - Dr.Russell H.Conwell, tác giả của cuốn sách “Cánh đồng Kim cương”.
Đó là một câu chuyện có thật, hoàn toàn thật, minh chứng cho những gì mà một tâm hồn cao thượng và tấm lòng hy sinh cao cả có thể làm được, chỉ với 57 xu.
Sưu tầm
Lòng trung thực.
Harris là một nhân viên cao cấp của một công ty quảng cáo nổi tiếng ở thành phố New York.
Vào một buổi trưa tháng 8 năm 2010, cô và bạn của mình đi ăn trong một nhà hàng. Khi người bạn tỏ ý muốn ra ngoài một lát, hai người cùng nhau bước ra khỏi nhà hàng và đứng trên hè phố.
- “Tên tôi là Valentine, tôi 32 tuổi và tôi đã thất nghiệp được ba năm. Tôi sống bằng cách đi ăn xin. Bạn có thể cho tôi một chút để mua đồ ăn có được không?”
Sau khi Valentine nói xong, anh nhìn Harris với ánh mắt mong chờ.
Nhìn vào khuôn mặt của người thanh niên trước mặt, Harris xúc động, cô mỉm cười và nói với Valentine:
- “Không sao, tôi rất sẵn lòng giúp bạn.” nói rồi cô thò tay vào túi định lấy tiền cho Valentine. Nhưng không may, cô không mang theo tiền mặt, cô ấy chỉ có một thẻ tín dụng, điều đó làm cho cô ấy bối rối. Cô đang cầm một thẻ tín dụng và không biết phải nên làm gì.
Valentine thấy cô bối rối liền nói,
- “Nếu cô tin tôi, cô có thể cho tôi mượn thẻ tín dụng này không?”
Harris nghe vậy liền cười và đồng ý đưa thẻ tín dụng cho Valentine.
Sau khi nhận được thẻ tín dụng, Valentine không rời đi ngay mà nói với Harris: “Ngoài việc mua đồ ăn, tôi có thể mua thêm nước được không?”
Harris nói mà không suy nghĩ:
- “Không sao đâu. Nếu bạn cần bất cứ thứ gì khác, bạn có thể mua nó bằng tiền trong thẻ.”
Sau khi Valentine rời đi với chiếc thẻ tín dụng, Harris và người bạn của cô quay lại nhà hàng. Ngay sau khi ngồi xuống, Harris bắt đầu nghi ngờ và hối hận. Cô nói với bạn mình với sự lo lắng:
- “Thẻ tín dụng của tôi không chỉ không có mật mã, mà còn có một trăm ngàn đô la trong đó. Người đó chắc chắn đã bỏ trốn với nó rồi.”
Người bạn phàn nàn với cô ấy và nói:
- “Bạn tin một người lạ chỉ tình cờ gặp mặt một lần, bạn thật tốt bụng và ngây thơ!”
Harris không còn tâm trí để ăn, và sau khi người bạn thanh toán hóa đơn, hai người lặng lẽ ra khỏi nhà hàng.
Trước sự ngạc nhiên của họ, ngay khi họ bước ra ngoài, họ thấy Valentine đã chờ sẵn bên ngoài. Anh ta đưa thẻ tín dụng cho Harris bằng hai tay và nói:
- “Tôi đã chi 25 đô la mua một số thứ, đồ dùng vệ sinh và hai chai nước, xin cô kiểm tra lại.”
Đối mặt với người vô gia cư trung thực và đáng tin cậy này, Harris và bạn của cô đã rất ngạc nhiên và cảm động. Cô không thể không cầm lấy tay Valentine và nói liên tục: “Cảm ơn, cảm ơn!”
Valentine có vẻ bối rối. Cô ấy đã giúp mình. Mình nên biết ơn cô ấy mới phải, tại sao cô ấy phải cảm ơn mình nhỉ?
Sau đó, Harris và người bạn đã đến toà soạn New York Post và nói với họ về những gì vừa xảy ra.
Ban biên tập New York Post cũng cảm động vì sự trung thực của Valentine và đã viết một bài báo nói về câu chuyện trên. Nó ngay lập tức gây ra một phản ứng lớn trong xã hội. Tờ báo tiếp tục nhận được thư và cuộc gọi từ độc giả, bày tỏ sẵn sàng giúp đỡ Valentine.
Sau khi đọc báo, một doanh nhân ở Texas đã gửi tặng Valentine 6.000 đô la vào ngày hôm sau để thưởng cho sự trung thực của anh ấy.
Trước sự ngạc nhiên của Valentine, anh nhận được một cuộc gọi từ Wisconsin Airlines vài ngày sau đó, bày tỏ sẵn sàng tuyển anh làm tiếp viên hàng không của công ty và thông báo cho anh ký hợp đồng làm việc càng sớm càng tốt.
Valentine tràn ngập trong niềm vui lớn, anh nói với cảm xúc: “Mẹ tôi đã dạy tôi từ nhỏ, tôi phải thành thật và đáng tin. Ngay cả khi tôi không có tiền trong túi, tôi không thể đánh mất đi sự chính trực của mình. Bởi vì tôi luôn tin rằng những người trung thực sẽ luôn gặp được những điều tốt lành!”
Một trong những điều quý giá nhất của cuộc sống này là sự chính trực và chân thành, nó tốt đẹp hơn bất kỳ danh tiếng, tài sản và những ham muốn ích kỷ nào.
Đứng trước mọi cám dỗ và sóng gió của cuộc đời cũng mong bạn và tôi đều giữ vững được một trái tim chân thành, chính trực như Valentine.
LeVanQuy /sưu tầm
TUỔI XẾ CHIỀU.
Rồi ai cũng phải về với cát bụi, có ai sống mãi trên nhân thế này đâu. Và thời gian càng ngày càng ngắn lại, sức khỏe càng ngày càng yếu đi.
Sao không bắt tay làm ngay những điều mình mong ước, sao không đi đến ngay những nơi mà ta thích thú, sao không sắm ngay những vật mà ta từng mơ tưởng khi trong túi vẫn đủ tiền.
Sao không chào mọi người bằng cái vẫy tay, bằng một nụ cười bởi nhiều khi đó là lần đầu tiên ta gặp họ nhưng có thể cũng là lần cuối cùng bởi không còn duyên gặp lại. Tuổi già nên tạo cho mình một đam mê sáng tạo: chụp hình, vẽ tranh, nặn tượng, làm gốm, làm vườn, trồng cây, viết nhạc, làm thơ, đi đây đi đó...tất cả trở thành gia vị cho cuộc sống mà thời trẻ bận rộn với manh áo, miếng cơm, lo âu cuộc sống ta không thực hiện được. Gắng đọc sách, đọc báo, vào mạng, viết mail để rèn luyện trí nhớ. Sống lâu mà chẳng nhớ gì, chẳng biết gì đang xảy ra cũng phí một quãng đời.
Đoạn đường trước mặt của mọi người ngày càng ngắn lại, sao không thể tha thứ, bao dung cho nhau những ty hiềm, những đụng chạm của một thuở. Sao không siết tay nhau khi còn sống.Sao không kiếm miếng ngon để thưởng thức hương vị của cuộc đời khi túi còn đủ tiền để trả cho món ăn ngon, đã đến lúc không nên hà tiện, keo kiệt để làm khổ thân mình, bởi khi ta mất đi mà vẫn còn tiền cũng là điều bất hạnh.
Nếu con cháu ngoan hiền thành đạt, có tình cảm với ta, có chăm sóc, thăm hỏi ta cũng là điều hạnh phúc. Bằng không, nếu chúng quên tình cảm gia đình, thì cũng đừng lấy điều đó làm buồn mà thất vọng. Con cái muốn đi theo con đường nào, chọn ngành nghề gì, yêu ai và muốn lập gia đình với ai, ta chỉ nên khuyên nhủ, định hướng, không nên bắt chúng phải theo ý ta, sống vì ta. Bởi chúng có cuộc đời riêng của chúng và chúng ta chắc chắn sẽ không sống mãi với chúng nên phải để chúng quyết định đời mình.
Cũng không nên quá tin tưởng vào con cái mà giao hết số tiền dành dụm suốt cuộc đời cho chúng. Vì đó là mở đầu cho những bất hạnh mà ta phải chịu đựng sau này. Nếu khi đến tuổi mà cứ ôm khư khư các cháu, ta đã phí phạm thời gian còn lại ngắn ngủi của mình. Người biết lo xa là khi tuổi trung niên đã chuẩn bị cho tuổi già, chuẩn bị để khỏi lệ thuộc vào con cái về vật chất, được như thế những ngày của tuổi già không phải trông mong vào những đồng tiền chu cấp của các con, được thoải mái và tự do trong sinh hoạt.
Người ta bảo tuổi già buồn, nhưng thật ra nếu biết cách sống và có sức khỏe, tuổi già là tuổi vui. Đó là tuổi đã làm xong những phận sự, chẳng còn nhiều trách nhiệm với cuộc đời, mọi lo toan cũng chẳng còn mấy chút. Giàu cũng giàu rồi, nghèo cũng nghèo rồi, chẳng còn sức lực và thời gian để thay đổi số mệnh.
Đau khổ, lo âu hay hạnh phúc, hoan hỉ đều do tâm ta mà ra. Cuối con đường của cuộc sống, an lạc, an nhiên mà đi, chăm sóc bản thân, chấp nhận cái đích cuối cùng của loài người, không âu lo, chẳng sợ hãi cái chết, hãy xem cuộc đời chẳng có gì là quan trọng nữa và tận hưởng nó đến giây phút cuối cùng, âu đó chính là con đường hạnh phúc.
Tác giả : Đỗ Duy Ngọc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét