.

.

a

Hoa đào nở, chim én về, mùa xuân lại đến. Chúc quý thầy cô và anh chị em đồng môn năm mới Giáp Thìn : - nghìn sự như ý, vạn sự như mơ, triệu sự bất ngờ, tỷ lần hạnh phúc.
THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ, ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU - MỘT NĂM MỚI AN KHANG THỊNH VƯỢNG - VẠN SỰ NHƯ Ý

24 tháng 1 2024

NHỮNG NGƯỜI "KHÔN NGOAN"

 


                                                                                                                                                                     Vừa rồi tôi và gia đình đi ăn ở một nhà hàng “bao bụng” (buffet) của Tàu, tình cờ gặp một người quen làm cùng hãng nghỉ việc cách đây 2 năm. Giờ anh đang làm người quản lý ở tiệm này. Tình hình kinh tế vẫn còn chậm nhưng tiệm này vẫn khá đông khách, nhìn quanh, chỉ lác đác vài “đầu đen” mà tôi đoán là người Việt. Hỏi anh bạn sao tiệm ngon mà người Việt ít đến, dường như người ta chưa biết nhiều, sao không quảng cáo trên báo Việt ngữ để lấy thêm khách. Anh cười nói trước có quảng cáo báo Việt, có khá đông khách Việt Nam đến. Sau này ông chủ cắt luôn, có mấy chủ báo hay người “chào hàng” quảng cáo đến gặp nhưng ông đều từ chối. Anh nói, ổng không muốn có khách Việt đến ăn. Thấy tôi tỏ vẻ ngạc nhiên thì anh kể, một số người mình đi ăn buffet “xấu tính” : ăn nửa bỏ nửa.

Có người dẫn theo gia đình, con cái, nhiều em nhỏ xíu cũng lấy thức ăn đầy vun như người khổng lồ. Ăn vài ba miếng là bỏ lại nguyên đĩa, lại xăng xái đi lấy món khác. Ông chủ bảo ăn bao nhiêu cũng không tiếc, vì cái luật của “bao bụng” ổng kinh doanh trên 10 năm nay, nhưng kiểu vừa ăn vừa đổ ổng nóng mặt không chịu được. Thêm nữa, mỗi khi có tôm hùm hay cua Alaska là họ chỉ chăm bẳm sắp hàng, lấy về cho bàn mình 2, 3 đĩa đầy ắp trước sự khó chịu của nhân viên phục vụ lẫn tia mắt thiếu thiện cảm của các thực khách khác. Họ chỉ ăn chọn những món “sang” như một cách gỡ gạc hơn là thưởng thức các thức ăn đa dạng của tiệm. 

Tôi hỏi, nếu không quảng cáo người ta vẫn tìm đến thì sao, anh xuống giọng, khách thì tiệm nào cũng cần nhưng họ cần những người khách “biết điệu”, lôi khách đến mới khó chứ đuổi đi thì dễ, chỉ việc dặn người sắp bàn nói hết chỗ. Họ chờ vài lần là lần sau không thấy đến nữa. 

 Chuyện người bạn kể không lạ với tôi. Tôi đã nhiều lần chứng kiến những cảnh khó coi của một số người Việt mình, trong một chợ ở địa phương, tôi tận mắt thấy hai ba bà nội trợ hè nhau xé tung hai ba thùng xoài đã niêm kín để chọn những trái ngon nhất, mập nhất cho vào thùng của mình. Tôi thấy xót ruột dùm cho chủ chợ, vì không những thùng xoài này sẽ không bán được vì bị lấy mất những trái ngon nhất mà còn bị bầm giập khi bị ném ào ào từ nơi này sang nơi khác.

Có lúc tôi trông thấy một bác lớn tuổi dùng chiếc que khều chọn từng con tôm trong thùng tôm ở chợ Hiệp Thái, bác lựa rất lâu để chọn một con tôm bỏ vào trong túi nhựa của bác. Nửa tiếng sau tôi tình cờ đi ngang vẫn thấy bác miệt mài khều, vậy mà đâu được chỉ hơn nửa pound, mà những con tôm bác chọn xem ra cũng chẳng khác gì mấy những con trong thùng. Tôi không rõ nếu chọn kỹ như vậy có thể giúp bác tăng tuổi thọ thêm vài mươi năm nữa không ? 

Chỉ cần lướt qua chợ búa một vòng, tôi nghĩ ai cũng thấy những cảnh chướng mắt tương tự, người ta thi nhau bóp, nặn cật lực những quả đào, trái xoài đã chín mọng để chọn một quả ưng ý, bất chấp việc nhào nặn khiến chúng sẽ bị vất đi vì bầm đen. Và không biết sẽ có bao nhiêu người kỹ tính như vậy. Có thể vì vậy mà sau này tôi thấy nhiều chợ Á Đông không còn để rau quả bên ngoài mà cho hẳn vào bọc ny lông để tránh bị vầy vọc. 

 Nói chung tâm lý của nhiều người cái gì của mình là vàng, là ngọc còn của thiên hạ xem như đồ bỏ. Việc này không chỉ ở chợ Việt Nam mà lan sang những chợ Mỹ. Nhiều lần tôi nghe người ta kháo nhau đi sắp hàng để mua giấy vệ sinh bán giảm giá (sale), nhiều người mua nhiều lần và trả tiền ở các quầy khác nhau để tránh nhận diện, trong khi tiệm đó “On sale” với mục đích để kéo khách hàng đến mua những món khác chứ không phải bán giấy vệ sinh dưới giá thị trường để mau sập tiệm. 

Tôi còn nhớ có lần năm 2000, người ta đồn thổi việc bị cúp điện khi chuyển sang thiên niên kỷ mới, người Việt ùn ùn kéo nhau đi mua gạo, nước mắm khiến giá đẩy lên gần gấp đôi vì khan hiếm giả tạo... Chưa đủ, họ đùng đùng kéo nhau qua các tiệm Mỹ, từ Costco cho đến Sam Club để lùng mua gạo. Nhiều gia đình rủ nhau đi 3, 4 người, có người nhờ bạn bè sắp hàng mua dùm một lúc 20 bao gạo khiến manager phải hạn chế ban đầu chỉ cho mua 4 bao, sau giảm mỗi đầu người còn 1 bao và họ xanh mặt khi thấy người đầu đen vẫn tiếp tục nườm nượp kéo đến mua gạo, giống như đang tận thế đến.

Tôi không rõ rằng, nếu tích lũy gạo, mì gói nước mắm cho vài năm như vậy, liệu họ có được yên thân khi cả nước Mỹ thiếu thực phẩm, hay họ cho rằng họ khôn hơn thiên hạ, khôn hơn cả chính phủ Mỹ để dân chúng đói bù lăn bù lóc trong khi chỉ có mỗi gia đình mình là no đủ. 

Hậu quả là vụ chuyển đổi hệ thống computer sang thiên niên kỷ mới chẳng có gì ầm ĩ khiến nhiều gia đình phải ráng ăn số mì gói dành cho cả năm để giải quyết số thực phẩm họ đã tích góp. Có nhà ăn gạo mục, gạo hẩm một thời gian dài vì mua quá nhiều và sau đành đổ bỏ hoặc gạ bán với giá còn phân nửa cho những người quen. 

 Chính vợ tôi cũng nhiều lần thúc giục tôi “đầu cơ” gạo, mắm... khi nghe ngóng dư luận bên ngoài nhưng tôi phản đối và tin rằng chúng ta đang ở một đất nước tự do với sự điều hành của một chính phủ biết quan tâm đến đời sống của dân chúng. 

Một khi chúng ta đã chọn nơi này làm quê hương thì “hột muối cắn đôi, cục đường không... lủm trọn”, đó cũng là cách chia sẻ buồn vui với đất nước này và từng bước học hỏi những nếp sống văn minh.

Đâu đó tôi vẫn gặp những con người “khôn ngoan”, họ dạy dỗ, quát mắng con cái inh ỏi bằng tiếng Anh ba rọi trong tiệm ăn, nhà hàng, siêu thị. Họ để chúng chạy nhảy, đùa giỡn như đang ở vườn trẻ (daycare), khiến nhiều lúc tôi dại dột thầm mong là biết khi nào để thiên hạ bớt “khôn” để người khác nhờ không đây ?

 

  Phạm Xuân Phụng


Cô Đơn




 Buổi chiều hai “vợ chồng son” ngồi vào bàn ăn. Bà mở nồi cơm điện xúc ra hai bát cơm thì ông lên tiếng hỏi ngay:

– Vẫn cơm buổi sáng hả?
– Cơm còn nhiều đủ cho buổi chiều anh ạ.
Nét mặt ông không vui:
– Em biết là anh chỉ thích ăn cơm nóng mới nấu thôi mà.
Vâng, em biết, nhưng cơm còn nhiều, nấu thêm cơm mới ngày mai chúng ta lại có cơm cũ.
-- Ông lại nhìn vài con tôm bày trong chiếc đĩa nhỏ xinh xinh bên cạnh bát canh rau cải xanh nấu thịt bò cũng nho nhỏ xinh xinh và ông …phát giác thêm: Tôm rim của ngày hôm qua, còn bát canh của buổi sáng nay. Anh nhắc lại anh chỉ muốn cơm canh nóng sốt, bữa nào ra bữa ấy.
-- Giọng bà dỗ dành: Ngoan đi, nghe lời em. Hôm nay em hơi mệt, anh chịu khó ăn đồ còn dư đỡ mất công em nấu, đỡ tốn tiền và đỡ chật tủ lạnh.
Bà đã nhẫn nhịn, đã dịu ngọt mà ông vẫn sưng xỉa bưng bát cơm ăn như kẻ bị lưu đày, bị đối xử tàn tệ. Ông ăn lưng bát cơm thì buông đũa suồng sã thô lỗ và đứng dậy xong bữa.
-- Bà cảm thấy bị tổn thương và ngán ngẩm. Nỗi buồn bã và ân hận dâng lên tận cổ. Bà nghẹn lời không muốn nói gì nữa...
Mới ở với nhau hơn một năm mà ông đã thay đổi và lộ hẳn con người thật của ông. “Chàng” của… năm ngoái, thuở mới quen không còn nữa...
Hai ông bà gặp nhau trong một buổi sinh hoạt cộng đồng ở Nam Cali. Họ ngồi cạnh nhau. Ông bắt chuyện làm quen trước, qua vài câu thăm hỏi khéo léo, cả hai cùng biết chút đời tư của nhau, cùng độ tuổi và cùng góa bụa đơn lẻ như nhau.
Bà về hưu tiền ít ỏi nên xin hưởng welfare, bà ở căn apartment dành cho người cao niên lợi tức thấp. Đứa con trai duy nhất của bà đã lập gia đình, vợ nó người Mỹ. Một hai năm vợ chồng nó mới từ tiểu bang khác về Cali thăm bà. Bà quen với cảnh sống một mình kể từ khi chồng bà qua đời và con ở xa. Căn phòng bà ở tầng lầu hai, có lan can cửa sau ngập bóng mát cây cao, bà kê chiếc ghế dựa dài ở đây, những lúc rảnh nằm thảnh thơi đón gió và đọc sách báo. Thỉnh thoảng bà gấp sách báo ngừng đọc cho đỡ mỏi mắt và phóng tầm nhìn xa mây trời lênh đênh hay nhìn xuống dưới đất người ta qua lại trong khu apartment mà vui.
Từ khi ông làm quen, niềm vui của bà nhiều hơn. Đã mấy lần bà ngồi ở lan can hiên sau nhìn thấy ông đang đậu xe và đi bộ vào nhà bà, ông ngước lên, bà nhìn xuống, bốn mắt ở xa nhau mà cùng giao cảm, cùng rộn ràng. Họ như mới ở tuổi đôi mươi hẹn hò. Mỗi lần ông đến thăm luôn mang theo một món quà, khi thì bó hoa đẹp nên thơ lãng mạn, khi thì thực tế đời thường một hộp heo quay và hai ổ bánh mì còn nóng để hai người cùng ăn. Bà đáp lễ, có lúc mời ông dùng chung bữa cơm trưa, cơm chiều, ông đều vui vẻ ăn và khen ngon, dù đó là nồi cơm bà nấu hai ngày ăn chưa hết, là nồi cá kho ba ngày vẫn còn, hay nồi thịt kho trứng ít nhất cũng vài ngày cứ kho đi kho lại. Bà cảm động vì đã gặp người cùng sở thích, cảm thông.
Bà tính đơn giản và tiết kiệm vì đồng tiền ít ỏi. Một mình nấu một cup gạo chỉ dính nồi thì bà nấu hẳn vài cup gạo để ăn vài lần, các món kho món mặn cũng thế. Bà có nhiều thời giờ thảnh thơi xem phim truyện trên YouTube và đọc sách bạn bè gởi tặng hay báo miễn phí tha về một đống ngoài chợ búa.
Khi ông ngỏ lời muốn kết hôn với bà, muốn cùng bà “dìu nhau” đi nốt quãng đường đời còn lại bà đắn đo nhiều lắm. Đánh đổi cuộc sống độc thân tự do và nhàn hạ lấy cuộc sống chung hai người trên danh nghĩa vợ chồng rất nhiều khác biệt. Ít nhiều bà sẽ lệ thuộc vào ông.
Về với ông nhà cao cửa rộng, tiền bạc không thiếu. Nhưng trái tim đa cảm của bà đã chọn ông, chọn cuộc sống lứa đôi cuối đời với người mà bà tin là tri kỷ tri âm chứ không vì những thứ vật chất ấy. Nhà bà cách nhà ông chỉ 30 phút lái xe mà hai khung trời khác biệt. Ông ở trong khu hàng xóm sang trọng, căn nhà to đẹp, cuộc sống trung lưu. Các con ông đứa nào cũng thành danh trong ăn học, trong kinh doanh.
Khi bà dọn về với ông, ba đứa con ông giỏi xã giao lịch sự với bà, nhưng bà vẫn đọc thấy chúng nhìn bà với vẻ ái ngại và nghi ngờ. Chắc chúng tưởng bà ăn welfare này lấy ông vì tài sản và danh giá của gia đình ông? Chúng đâu biết ông đã phải năn nỉ cầu mong bà nhận lời và bà đã đắn đo suy nghĩ mãi mới đi đến quyết định sống chung.
Những ngày đầu sống chung đã là những tuần trăng mật, họ như đôi vợ chồng son luôn cho nhau những ánh mắt thắm tình và nụ cười trìu mến bao dung. Họ xưng hô “anh, em” ngọt ngào và trân trọng. Nhưng ông không đơn giản như bà nghĩ. Chắc ông quen sống trong giàu sang, quen được chiều chuộng và quen ra lệnh sai bảo người khác, ông khó tính khó nết đến khác người. Nhà chỉ hai người nhưng ông muốn cơm phải nấu hai bữa sáng chiều, món trưa khác, món chiều khác. Bữa ăn luôn là cơm canh nóng sốt. Ban đầu bà hào hứng chiều ý ông, nghĩ ra những món ăn ngon để thay đổi và không trùng lập. Bà đã lên danh sách những món cho mỗi tuần. Chưa bao giờ bà phải trổ tài gia chánh chăm chỉ đến thế, chồng con bà trước kia chưa được bà tận tình chăm sóc đến thế. Dần dần bà cảm thấy mệt mỏi với công việc bếp núc ngày hai bữa này, vì cả khi bà cảm thấy nhức đầu sổ mũi muốn được nghỉ ngơi vẫn phải lăn vào bếp..
Khi xưa ở một mình, nếu không thể vào bếp bà chỉ ăn một tô mì gói cũng xong bữa.
Hôm nào bà ước lượng sai, còn dư cơm dư canh là bị ông cằn nhằn hao tiền tốn bạc vì ông không thích ăn lại món cũ dù cùng một ngày. Ông đưa ra thí dụ cho bà học hỏi:
– Tách trà ngon chỉ nhỏ bằng hạt mít, nhấp từng chút một mới thú vị, cũng trà ấy mà cho vào ly cối tổ bố và uống ào ào thì chẳng ra gì. Cơm canh em cứ nấu ngày hai buổi, mỗi thứ một ít vừa đủ thôi, trông thanh cảnh và ngon.
Bà chán kiểu ăn uống “quý phái” của ông quá rồi. Bàn ăn mỗi thứ một chút, bày trong bát đĩa sạch đẹp sẵn sàng để mời ông ngồi vào bàn như một khách quý.
Lúc còn ở apartment bà từng vừa ăn ổ bánh mì vừa nằm ghế dựa và nhìn mây nhìn gió ngoài hiên sau nhà cũng là hạnh phúc.
Có lần bà làm bếp, đang đứng chặt miếng sườn heo non trên kitchen island thì ông hớt hãi từ trong phòng chạy ra và... chỉ thị:
– Em làm gì ầm ầm thế? mang xuống nền nhà, tha hồ mà băm mà chặt cho… đỡ hư hại cái quầy này.
– Ngồi đau lưng lắm, mà em chặt vài nhát sườn non thôi mà.
Tuy nói thế bà vẫn phải mang thớt xuống đất để chặt miếng sườn cho xong còn hơn là đứng lý luận với ông và biết là sẽ không có sự thông cảm.
Hay khi bà vào rửa mặt trong restroom thì ông đã vài lần theo bén gót chỉ để ân cần nhắc nhở:
– Em đừng làm nước văng tung tóe lên trên kẻo sinh ra nấm mốc khó sửa chữa lắm.
– Em biết rồi, dù ở apartment em vẫn cẩn thận giữ gìn thế mà. Anh cứ làm như em mới đến Mỹ ngày hôm qua.
Ông rất quí hóa căn nhà của ông, sợ bẩn tường, trầy sơn hư hỏng đủ thứ.
Có lần ông nói hớ, bà hiểu rằng căn nhà này ông đã sang tên cho con gái út và nó muốn ông phải giữ gìn nhà cho tốt để sau này bán sẽ được giá.Thì ra cha con nhà ông tính toán quá. Biết đâu ông cũng đã chia tiền của, sang tên tài sản cho các con rồi mới… được quyền bước thêm bước nữa. Cũng may bà chưa làm hôn thú giấy tờ gì với ông cả, chỉ dọn đến sống chung trước nên đỡ mang tiếng. Bà bỗng nhận ra mình như kẻ ở nhờ, hầu hạ cơm nước cho “chủ”, chăm sóc dọn dẹp căn nhà cho “chủ” và mất quyền tự do của chính mình.
Hiếm hoi lắm gia đình thằng con trai của bà mới về thăm. Bà không muốn tiếp đón chúng trong căn nhà không phải của bà. Mẹ con bà cháu đã hẹn nhau ở nhà hàng, xong con cháu về khách sạn, bà về…nhà chồng.
Hôm ấy bà tủi thân, nghĩ đến con cháu mà rơi nước mắt . Đáng lẽ con cháu sẽ ùa vào căn phòng apartment như mọi lần, bà sẽ nấu bữa ăn ngon đãi con trai và con dâu, bà mua món bánh kẹo mà hai đứa cháu nội yêu thích, chúng sẽ tha hồ cười nói, đùa nghịch và làm xáo trộn căn phòng hẹp. Gia đình bà sẽ trò chuyện hỏi han nhau nhiều hơn, vui vẻ hơn, ấm cúng biết bao nhiêu. Ông đã không hiểu được nỗi lòng bà, không an ủi mà còn cau có:
– Gặp con cháu thế đủ rồi, gặp nhiều thêm phiền phức chứ ích lợi gì.
Bà đã âm thầm xin thuê lại một căn phòng trong khu chung cư cũ, căn phòng trước kia có bóng cây cao râm mát nơi lan can sau nhà nay đã có người khác ở. Nhưng căn phòng nào cũng là căn phòng độc thân, căn phòng vui vẻ cho bà trở về.
Khi nhà cửa đã thuê xong xuôi bà mới lên tiếng chia tay ông.
Ông tức giận và ngạc nhiên, ông đơn giản tưởng bà …thoát khỏi cảnh nhà nghèo, rời xa khu chung cư rẻ tiền về với ông ở nhà đẹp, đi xe sang sẽ là may mắn và hãnh diện cho bà.
Thấy bà cương quyết đòi chia tay, ông đành xuống nước năn nỉ. Dù ông thương yêu bà bao nhiêu không làm bà xúc động nữa. Bản chất vẫn là ông dở hơi khó tính, là người chồng gia trưởng, không thích hợp với bà.
Xách valy ra khỏi cửa nhà ông, bà đổi cách xưng hô và cay đắng nói:
-- Mỗi ngày ông chịu khó hai lần ra khu chợ Việt Nam, vào hàng... cơm chỉ nhé. Sáng chỉ một vài món, chiều chỉ một vài món là luôn có cơm canh nóng sốt, thức ăn đổi mới cho ông vừa lòng...

Tác giả : Nguyễn Thị Thanh Dương




TÌNH NGƯỜI

Chiều 30 tết, mọi người đổ đến chợ, hối hả chọn mua những thứ hàng còn thiếu. Quỳnh lững thững bước vào hàng hoa, trời cũng đã muộn, số người bán hoa đã về vãn, chỉ còn lại ít người, thấy cô, mấy người bán rối rít mời.
Cô khẽ gật đầu đáp lại, cô thấy có hai đứa bé tầm 8, 10 tuổi đang ngồi cuối dãy, cạnh cây đào nhỏ, cậu con trai có vẻ sốt ruột, nhớn nhác ngó người mới tới, đứa chị đang ngồi vẻ mặt tỏ rõ sự buồn nản. Thấy cô tiến đến gần, thằng bé lấy tay kéo chị nói thì thầm:
- Kia chị…có khách.
Vừa nói nó vừa nhìn cô như muốn bảo chị nó là mời cô mua đào thì phải. Nó cứ rụt rè lấy tay kéo áo chị mấy lần.
Khi cô đã đứng trước mặt, con bé mới ngước lên nhìn với ánh mắt đượm buồn, nửa như muốn nói, nửa như ngại ngùng, đúng lúc đó thằng em ngồi bên lại lấy tay huých vào chị như thúc giục. Thấy vậy chị vội đứng dậy, nó khẽ nói chỉ đủ cho chị nghe rõ:
- Cô mua giúp cháu cây đào này đi ạ !
Cô ngắm cây đào, tuy nhỏ nhưng được uốn tỉa khá kỳ công, tuy không đẹp lắm nhưng bù lại nó rất nhiều nụ và hoa chỉ mới nở lưa thưa . Cây này chỉ mai kia hoa sẽ nở rộ. – Cô thoáng nghĩ trong đầu như vậy. Rồi cô nhìn hai đứa trẻ, con chị trông vẻ mặt thanh tú, nước da trắng, khuôn mặt xinh xắn trông rất hiền từ, nó mặc chiếc áo phao đã cũ, thằng em mặt gầy, những cặp mặt rất sáng. Nhìn chúng cô đoán chắc bố mẹ chúng làm ruộng. Thấy cô không nói gì hai đứa dường như nín thở chờ đợi.
- Nhà các cháu có xa không ? Các cháu đi bằng gì đến đây?
- Dạ nhà chúng cháu cách đây 8 cây số cô ạ !
- Chị em cháu đi bộ khiêng đào đến ạ! – Không để cho con chị nói hết câu, thằng em có vẻ sốt ruột nói đế theo ngay, dường như nó muốn trả lời thật nhanh để xem cô có mua hay không?
Nhìn ánh mắt như cầu khẩn, van lơn của hai chị em, khiến chị nẩy lòng thương cảm. Chúng là những đứa trẻ đang tuổi ăn, tuổi lớn mà đã phải bươn trải thế này chắc hoàn cảnh cũng khó khăn. Đoán biết tâm lý của hai đứa đang sốt ruột và lo không bán được cây đào nên chị nói luôn:
- Được rồi cô sẽ mua cho các cháu ? Thế mẹ đâu mà không đi bán lại để các cháu đi thế này, tí về nhà tối mất ?
- Dạ…dạ … – Con chị ấp úng.
- Thế mẹ cháu đâu ?
- Mẹ cháu vừa mất cô ạ ! – Nó nói vậy, mắt đã ầng ẫng nước. Nó cúi vội xuống lấy tay áo quyệt nước mắt.
- Ôi vậy sao ? – Cô tiến đến kéo nó vào bên mình, con bé bẽn lẽn khẽ áp người vào cô, thật sự cô cũng không biết nói gì để an ủi nó. Trong khi thằng em hau háu hết nhìn chị nó, lại nhìn cô chờ đợi. Để con bé qua cơn xúc động. Cô ngồi xuống bên nó nhẹ nhàng hỏi:
- Thế cây đào này bán bao nhiêu ?
Thằng em dường như quá nóng ruột nó sốt xắng đáp luôn :
- Bố dặn 200 là bán ạ ! Để lấy tiền mua vàng hương cho mẹ.
Lúc này con chị dường như đã bình tĩnh lại, nó nói:
- Bố dặn thế nhưng giờ cô trả bao nhiều tùy ạ ! Từ trưa đến giờ không có ai hỏi cả – Nó thật thà nói.
- Được rồi cô trả đủ cho cháu. Nhưng giờ hai cháu ngồi đây chờ cô vào chợ mua mấy thứ nhé. Tiền đây cháu cầm lấy.
Thằng em thấy vậy mắt nó sáng lên vì sung sướng, con chị cầm tiền và nói:
- Cháu cảm ơn cô ! Cô vào chợ đi chúng cháu chờ ạ !
- Thế bố đã sắm được những gì ở nhà rồi ?
- Dạ nhà có 3 con gà, còn bánh chưng dì cháu gói cho rồi, giờ có tiền này về cháu mua hoa quả và vàng hương cho mẹ nữa thôi !
Cô đi vào chợ mua đầy hai túi hoa quả và bánh kẹo, và không quên mua cả vàng hương, cô lễ mễ xách ra chỗ hai chị em con bé. Rồi cô lái xe cho hàng lên thùng bán tải, hai chị em nhanh nhẹn khiêng cây đào giúp để lên thùng xe. Xong xuôi, cô bảo hai đứa:
- Bây giờ mới có 4 giờ, còn sớm, cô sẽ đưa các cháu về nhà luôn không đi bộ gần chục cây số sẽ bị tối bố lại mong. Con chị ngần ngại vẻ như lo lắng điều gì nó bảo:
- Dạ cháu cảm ơn cô nhiều, cô thật tốt. Giờ cô để bọn cháu tự về, hai chị em cháu chạy cũng chỉ khoảng gần tiếng là về nhà thôi, cháu không dám làm phiền cô nữa !
Thằng em nhìn chị tiu nghỉu, mặt lộ rõ vẻ thất vọng. Chắc nó đang nghĩ chị “dại quá được ngồi ô tô mà lại không đi”! Nó cúi xuống huých vào chị nó rồi lý nhí:
- Chạy mệt chắc phải mất hơn tiếng mới về được, mà chị chạy chậm toàn bắt em phải đợi thôi !
Biết tâm lý của chúng chị ôn tồn bảo:
- Cô mua sắm xong rồi, đằng nào cô cũng thuận đường qua nhà cháu, cứ lên xe, cô đưa về, vèo tý đến nơi hai đứa đỡ phải chạy.
Không kịp để chị nó đồng ý thằng em đã leo tót lên xe. Trước thái độ ân cần của cô, con chị lưỡng lự chút rồi nó cũng chui vào xe. Thằng em thích thú cười tít mắt, con chị mắng:
- Em chỉ được bộ thế là nhanh. – Rồi quay sang cô nó nói: – Cháu cảm ơn cô !
Thằng bé cũng lý nhí nói:
- Dạ cháu cảm ơn cô ạ !
Khi xe về đến ngõ, cô mở cửa xe và xách hai gói quà đưa cho hai chị em. Chúng vô cùng ngạc nhiên, không để cho chúng kịp nói gì cô ôn tồn bảo:
- Cháu mang vào nhà đi, coi như đây là quà mừng năm mới của cô với gia đình cháu, các cháu đừng ngại gì !
- Ôi cô cho chúng cháu nhiều thế này ? Vậy cô vào nhà cháu đã !
- Thôi giờ cô phải về làm cỗ cúng tất niên, tết cô rảnh sẽ quay lại thăm các cháu !
- Chúng cháu cảm ơn cô ! À cô tên là gì thế ạ ?
Vờ như không nghe thấy, cô đóng vội cửa và lái xe đi. Qua kính chiếu hậu, cô thấy hai chị em nó đứng vẫy tay mãi cho đến khi xe vào khúc cua khuất hẳn sau khóm tre làng. Dọc đường về cô thấy thật vui khi nghĩ món quà hẳn sẽ đem lại cho hai đứa trẻ niềm vui nho nhỏ trong những ngày tết !
Tác giả: Bùi Nhật Lai 

Không có nhận xét nào:

CHÀO MỪNG QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU SÓC TRĂNG THAM QUAN, ỦNG HỘ HOANGDIEUTRUONGXUASAIGON.BLOGSPOT.COM. CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM NHIỀU SỨC KHỎE, THÀNH CÔNG TRONG CÔNG VIỆC.