Giờ sinh vật cô giáo giảng bài, ở cuối lớp có hai học sinh đang đánh ca rô. Cô giáo thấy vậy quát.
- Tồ và Tí tại sao không chịu nghe cô giảng bài hả!
Bây giờ cô hỏi mà không trả lời được thì liệu đấy.
Tồ hãy trả lời cho cả lớp biết. Tại sao nuôi con bằng sữa mẹ tốt hơn sữa bò?
Tồ ra vẻ mặt rất hớn hở tỏ ra rất thuộc bài nhanh nhảu trả lời ngay:
- Thưa cô vì có các ưu điểm sau:
1. Sữa mẹ khi uống không cần pha, mà là bú cô ạ.
2. Khi đi chơi xa không cần bình thủy nước sôi đang tách, muỗng mang theo lỉnh kỉnh
3. Không cần đậy đằng gì mà kiến gián vẫn không bao giờ vô được, và cuối cùng cái bình sữa lại rất đẹp ạ
Cô giáo vừa giận vừa tức cười vì câu trả lời của đứa học trò tinh nghịch nhưng nén giận hỏi thêm:
- Vậy nó không có nhược điểm nào sao.
- Tồ: Thưa cô có ạ, thỉnh thoảng có mùi thuốc lá và mùi rượu bia ạ !
- Cô: !!!
MAY CÓ EM CAN
Vừa chập tối đã nghe thấy vợ chồng hàng xóm cãi vã,xô xát ầm ĩ.
Em chạy sang can. Chị vợ phừng phừng:
_ Đấy ! Cô xem! Vừa lúc sáng đưa cho năm trăm ngàn đã hết! Đi đàn đúm, bù khú, thiết đãi bạn bè mất hút từ sáng giờ mới về , mặt mũi thì phừng phừng...
_ Bình tĩnh ! Bình tĩnh chị ơi! bình tĩnh đi chị.
Mọi việc cứ phải nhìn dưới nhiều góc độ để giải quyết chị ạ. Có mỗi năm trăm nghìn thì làm sao mà đủ mời mọc thết đãi bạn bè suốt từ sáng đến giờ được.
Rượu vào nguy hiểm lắm, vừa hại gan vừa bị công an phạt... Chắc là anh ấy bao gái thôi....
Choang! Choang ! Choang!.... Khiếp! Chị ấy kinh khủng thật! Em can mãi chẳng được...
Sưu Tầm
NHẦM…!
Đêm đã khuya, gã đàn ông quá say gõ cửa một căn hộ. Một người phụ nữ mở cửa, ngạc nhiên hỏi:
- Ôi anh, sao anh về trễ thế?
Gã đàn ông cúi đầu lắp bắp:
- Anh xin lỗi em, hôm nay gặp bạn bè vui quá nên anh về trễ, làm phiền đến em.
Người phụ nữ tươi cười đáp:
- Không có gì đâu anh, anh say thế mà còn biết đường về nhà là tốt rồi!
Gã đàn ông vẫn lè nhè tiếp:
- Nhưng anh vẫn phải xin lỗi em vì sau đó anh và các bạn có đi tăng 2, vui vẻ cùng các em ở quán bia ôm.
Người phụ nữ vẫn tươi cười đáp:
- Có gì đâu anh, đàn ông các anh có tí rượu bia vào là hay thích đi tăng 2, tăng 3 như vậy.
Gã đàn ông lại nói:
- Anh lại xin lỗi em vì sau đó anh và các bạn đã đánh bạc và anh đã thua hết sạch tiền.
Người phụ nữ vẫn tươi cười đáp:
- Không sao đâu anh, tiền bạc là vật ngoài thân. Anh sẽ làm việc và kiếm lại được mà.
Gã đàn ông lại nói:
- Điều cuối cùng mà anh muốn xin lỗi em là trên đường về đây anh đã vượt đèn đỏ và bị công an giữ xe rồi.
Người phụ nữ vẫn ôn tồn đáp:
- Anh đừng lo, ngày mai anh đến nộp phạt rồi lấy xe về thôi.
Gã đàn ông quỳ xuống nức nở:
- Ôi em, Đức Chúa trời của anh, Thánh Ala của anh, Phật Bà của anh, thiên thần của anh, chỉ có ở đây - trong ngôi nhà đầy tình yêu thương này anh mới cảm nhận được hết sự bình yên và cả sự tha thứ, chia sẻ, cảm thông sâu sắc đến như vậy từ người vợ hiền yêu quý như em.
Người phụ nữ mỉm cười:
- Cầu cho Chúa, Trời, Tiên, Phật, Thánh, Thần phù hộ cho anh; cầu cho anh được bình yên và nhận được sự tha thứ, chia sẻ, cảm thông trong chính ngôi nhà của mình như anh mong muốn. Nhưng anh phải gõ cửa căn hộ bên cạnh, vì đó mới là nhà của anh!
Kết…
Tất cả phụ nữ trên thế gian này đều có tấm lòng rộng mở. Họ sẵn sàng tha thứ, chia sẻ, cảm thông với những sai lầm khó chấp nhận nhất của người đàn ông...Miễn sao người đó không phải là chồng mình.
Còn tất cả đàn ông trên thế gian này đều lấy nhầm vợ, đáng lý ra phải lấy cô hàng xóm ...
Vài chuyện vu vơ!
1 - Già rồi mà, ai mà chả lắm bệnh, nhất là cái bệnh hay quên, có những lúc đi ăn sáng quên bố nó ví, đến quán lại còn hành tỏi ăn này ăn kia, mặt thì vênh lên với chủ quán, lúc trả tiền vỗ đít thì ôi thôi, thay quần quên ví, phải rối rít xin nợ trả sau. Có những lúc ra đến cửa cứ áy náy mình quên gì, mà không nhớ ra được, ra quán cà phê gặp bạn mới nhớ: ấy chết, quên không mang quà cho mày, thế chứ lỵ, may là chưa tới mức ăn rồi lại biểu chưa ăn thì toi ,..... hớ hớ.
Đấy! Ngay như hôm rồi đi dự gặp mặt đầu năm, thấy có đứa vồn vã đến hỏi thăm: ối anh, trời ơi sao anh trẻ thế, trẻ hơn cả lúc đi làm, sướng rơn cả bụng, nhưng mặt nghệt ra vì chả nhớ nó là đứa nào, chỉ thấy cái mặt quen quen;
- về anh có làm gì thêm không ạ?
- thì làm thinh chứ làm gì,
- sao mà anh trẻ thế, có bí quyết gì không ạ ( lại khen, lại sướng),
- mình bị bệnh "quên" bạn ạ, thế quái nào mà giờ quên tịt những chuyện buồn, quên cả những người mình từng ghét, chả nhớ mình bao nhiêu tuổi; người thân, bạn bè vừa mới làm tổn thương mình xong, mai lại chả nhớ gì cả, cứ thấy cuộc vui là lao tới, chỗ nào lấn cấn, buồn buồn thì chuồn mất, mà vui mấy rồi tan cuộc cũng quên luôn, thế mới lạ, rõ ràng là vẫn ăn ngủ đều đặn, thể dục, thể thao hằng ngày, mà đầu óc thì cứ hay quên.
2- Sao dạo này tôi hay bị chửi thế không biết( ngoài bắc thì gọi là bị mắng thôi), nhất là mấy người lớn hơn tôi nha, cậy lớn mà.
Chả là tôi có ông bạn, ổng mời tôi tới nhà nhậu, vui quá tôi về quên cả điện thoại ở nhà ổng, mà giờ một phút mà không có đt bên mình thì ... như mọi người biết rồi đó, khác gì vợ đi vắng, tôi nhắn ông mai đi công việc ghé qua nhà đưa giúp tôi đt, ổng ok.
Sáng ra nghe chuông cửa, tôi lật đật chạy ra, vừa nhìn thấy mặt ổng đã chửi: sao tao gọi từ nãy mà không thèm nghe! Coi thường nhau vừa thôi nha.
- ơ thê sao anh ko bấm chuông
- thì tao gọi đt cũng thế chứ sao
- mà đt em anh cầm mà
.......
Ông bạn năm nay tuổi cũng ngang tổng thống biden thì có nên giận không Khổ lắm, chia sẻ cho bớt khổ.
3- Hôm nay bị vk la xối sả, mà có phải lỗi của mình đâu. Chả là bả về bấm chuông mãi mà mình không ra mở cổng, bả cáu gọi điện:
- Anh làm cái gì mà vk bấm chuông từ nãy không ra mở cổng!
Thì ra cái chuông bị hư, mình từ tốn nói: thì tại cái chuông nó hư mà, để chiều anh gọi thợ điện tới sửa, rồi rút đt gọi liền, nó hứa 2 giờ chiều em đến, tsb nó, chờ đến 4 giờ chiều cũng chẳng thấy đâu, đt hỏi lại:
- Sao không thấy đến sửa cho anh!
Nó bảo em có đến mà, đến nhà em bấm chuông đợi tới 30 phút, chẳng thấy ai ra mở cổng thế là em lại về.
Thế là 5 giờ chiều bả đi làm về lại bấm chuông và chờ 30 phút, và mình lại bị la xối sả. Tại cái chuông chứ tại mình đâu nhỉ.
Ngày 20/3 mới đây, Nhà sách Kyobo nổi tiếng ở quận Gangnam, thành phố Seoul (Hàn Quốc) đã chia sẻ câu chuyện về một vị khách đặc biệt của họ. Ngay lập tức, câu chuyện này đã thu hút được sự chú ý của đông đảo mọi người từ trên truyền thông tới mạng xã hội.
Theo đó, hồi tháng 11 năm ngoái, một người đàn ông chừng 30 tuổi để lại chiếc phong bì kẹp trong cuốn sách. Anh ta lẳng lặng ra khỏi hiệu sách mà không hề nói một lời nào.
Vào thời điểm đó, nhân viên hiệu sách giữ chiếc phong bì như một món đồ khách bỏ quên nhưng gần đây họ đã quyết định mở nó ra vì khách hàng thậm chí đã không quay lại tìm sau thời gian dài.
Khi mở ra, họ vô cùng kinh ngạc khi thấy bên trong phong bì là một lá thư viết tay cùng với 20 tờ tiền Hàn Quốc mệnh giá 50.000 won (tổng là 1 triệu won - tương đương hơn 18 triệu VNĐ).
Khách hàng bí ẩn viết trong thư: "Hôm nay mùi hương của cuốn sách khiến tim tôi đập thình thịch".
"Tôi đã mắc rất nhiều lỗi lầm trong đời. Tôi không thể sửa chữa hết mọi lỗi lầm của mình, nhưng nếu có thể, tôi muốn nhìn thẳng vào sự thật và thừa nhận lỗi lầm", anh viết và thú nhận những gì đã xảy ra hơn 15 năm trước đó.
Người đàn ông chia sẻ rằng hồi còn học cấp hai, cấp ba, anh là thiếu niên chơi bời lêu lổng, lại còn hay ăn cắp vặt.
Lần đầu tiên anh ghé qua Nhà sách Kyobo để đọc sách khi còn học trung học, nhưng sau đó anh đã ăn trộm sách và đồ dùng học tập nhiều lần.
Hành động của anh cuối cùng đã bị một nhân viên hiệu sách phát hiện và mọi chuyện kết thúc khi bố anh đến xin lỗi và trả tiền mua cuốn sách.
Thời gian trôi qua, tôi trưởng thành và lập gia đình rồi có 2 đứa con. Khi nhìn lại, tôi thấy mình mắc một món nợ không thể trả nổi. Những cuốn sách và đồ dùng học tập tôi đã lấy trộm trước khi bị bắt tại trận. Tôi nhớ rất rõ", anh viết.
"Tôi muốn kể cho các con nghe về cuộc đời mình mà không giấu giếm, nhưng tôi nghĩ mình sẽ vô cùng xấu hổ nếu ai đó hỏi tôi đã làm gì để sửa chữa sai lầm. Đã quá muộn rồi, nhưng tôi sẽ rất cảm kích nếu hiệu sách có thể chấp nhận khoản tiền mua sách này của tôi với tấm lòng rộng lượng".
Anh viết: "Tôi mang ơn Nhà sách Kyobo bao nhiêu thì tôi sẽ giúp đỡ, cho đi và tha thứ bấy nhiêu".
Ahn Byung-hyun và Kim Sang-hoon, đồng giám đốc điều hành của Nhà sách Kyobo, đã bình luận về câu chuyện của vị khách bí ẩn này rằng: "Nhìn lại quá khứ không phải là điều dễ dàng, nó càng khó khăn đối với một người đàn ông ở độ tuổi 30. Tôi chợt nhớ lại lời dạy của người sáng lập nhà sách rằng không được chửi bới làm nhục thiếu niên ấy ngay cả khi cậu bé lấy trộm cuốn sách và dùng những lời lẽ tốt đẹp dạy dỗ cho đứa trẻ ở một nơi mà người khác không nhìn thấy".
Cố Chủ tịch Shin Yong-ho, người sáng lập Nhà sách Kyobo, được cho là đã nói với nhân viên cửa hàng vào thời điểm đó rằng:
- Hãy tử tế với tất cả khách hàng và sử dụng kính ngữ ngay cả khi đối tượng là học sinh tiểu học.
- Khách vào đọc sách mà không mua cũng đừng lườm liếc.
- Khách ngồi chép sách vào vở cũng không phàn nàn.
Dù có ăn trộm sách cũng đừng bao giờ đối xử với họ như một tên trộm và hãy dắt nó đi đến một nơi mà người khác không nhìn thấy, dạy dỗ bằng những lời lẽ tốt đẹp.
Nhà sách Kyobo sẽ tặng thêm 1 triệu won cùng với số tiền của vị khách hàng bí ẩn và chuyển tổng cộng 2 triệu won cho tổ chức từ thiện trẻ em Save the Children.
Nguồn: SBS News
HÀNH ĐỘNG TỬ TẾ CỦA MỘT NGƯỜI ĐÀN ÔNG KHIẾN CẢ NƯỚC MỸ CẢM ĐỘNG…
Triệu Tử Hinh-Nguyên Anh biên dịch
Đây là một câu chuyện có thật xảy ra ở Hoa Kỳ. Câu chuyện được lan truyền trên Internet này nói với mọi người rằng: Thiên lý thiện ác hữu báo đối với bất cứ ai đều có tác dụng, thuận theo thiên lý chính là phúc báo.
Dưới đây là câu chuyện của Seine Marne.
Đó là một buổi tối đầu xuân tháng hai, trên trời có chút mưa tuyết lất phất, Seine Marne đang lái chiếc xe Ford từ Portland đến Sheridan để ký hợp đồng đặt hàng. Hợp đồng này rất quan trọng, nó gần như quyết định số phận của công ty ông, là kết quả của hơn ba tháng đàm phán gian khổ.
Seine Marne vô cùng vui vẻ, ngâm nga một giai điệu trên suốt quãng đường. Trên đường không có nhiều xe, đèn xanh nên ông lái xe rất nhanh. Khi đến nơi hẹn, lúc dừng xe, ông dường như nhìn thấy điều gì đó qua ánh đèn? Seine Mane cúi xuống nhìn kỹ hơn và phát hiện có gì đó kỳ lạ ở bánh trước bên phải. Khi đến gần, ông ngửi thấy mùi máu tanh nồng nặc. Khi ông chạm vào nó, nó thực sự là máu! Seine Marne giật mình, đột nhiên trở nên căng thẳng, chẳng lẽ ông đã tông vào ai đó khi đang lái xe với tốc độ cao? Ông cố gắng nhớ lại nhưng dường như không có ấn tượng gì về việc chiếc xe tông vào vật thể nào. Nhưng vết máu trên bánh xe là có thật!
Nhưng Seine Marne, giữa sự giàu có sắp đến gần và vụ tai nạn xe hơi, ông gần như không hề do dự, nếu không nhanh chóng quay ngược lại để tìm người có thể đã bị mình làm bị thương thì hậu quả sẽ khủng khiếp biết bao! Có lẽ mạng sống của họ còn có thể cứu được? Dựa theo lương tâm của mình, ông lập tức lên xe, nổ máy, quay đầu xe và quan sát kỹ con đường mình đã đi.
Lúc này, đối tác kinh doanh đang chờ ký hợp đồng đã gọi điện hỏi ông tại sao không để ý đến thời gian? Họ thúc giục ông nhanh lên! Seine Marne giải thích rằng ông ấy đang vội và sẽ đến đó ngay, đồng thời cầu xin sự tha thứ của họ. Đối tác kinh doanh đang đợi ở đó rất tức giận và hét lên: “Cút đi, đồ không đúng giờ!” rồi cúp điện thoại.
Seine Marne sững sờ, đó là một hợp đồng trị giá 3 triệu đô la Mỹ! Ông thật muốn chạy tới, bản hợp đồng này có ý nghĩa sống còn với ông! Có lẽ số phận của cuộc đời ông sẽ được thay đổi, bởi bản hợp đồng này! Tuy nhiên, ông vẫn lái xe đi tiếp. Trong mắt ông dường như nhìn thấy người bị thương đang nằm trên vũng máu, rên rỉ đau đớn, mạng sống của họ đang bị đe dọa.
Trong đêm sương mù, Seine Marne vừa lái xe vừa nhìn dọc đường. Cuối cùng đi gần nửa đường, ông nhìn thấy bóng một người nằm ở đó! Ông nhanh chóng đỗ xe rồi bước ra ngoài. Một cô bé mười ba, mười bốn tuổi đang nằm bất tỉnh trên đường. Cô bé bị thương ở đầu và máu chảy rất nhiều. Seine Marne bế bé gái lên và đưa bé đến bệnh viện. Sau khi được giải cứu, cháu bé tạm thời thoát khỏi cơn nguy kịch nhưng vẫn bất tỉnh.
Cảnh sát đã liên lạc với cha mẹ của cô bé, cặp vợ chồng vô cùng yêu thương con gái đã gầm lên và đánh Seine Marne. Seine Marne không bào chữa và âm thầm chịu đựng trong nước mắt. Ông nghĩ rằng nếu mình là cha mẹ của đứa trẻ, ông cũng sẽ đấm đá hung thủ! Ông bị đánh đến mức mũi bầm tím, mặt sưng vù, nhổ ra hai chiếc răng đầy máu. Khi về nhà, gia đình nói ông thật ngu ngốc, vì không có bằng chứng chứng minh ông là hung thủ nên tại sao ông phải làm vậy? Tại sao lại nhận trách nhiệm về mình?
Seine Marne không giải thích nhiều, ông gác lại công việc kinh doanh trong tay, hàng ngày hộ tống bé gái bị thương tên Catherine đến bệnh viện, đồng thời thanh toán mọi chi phí y tế kịp thời. Catherine hôn mê trong 26 ngày và Seine Marne đã bảo vệ cô bé trong 26 ngày, tiêu tốn 38.000 USD chi phí y tế.
May mắn thay, đến ngày thứ 27, Catherine cuối cùng cũng tỉnh dậy và nói cho mọi người biết sự thật: Vào ngày xảy ra sự việc, cô bé đang mang tập hồ sơ tranh về vùng quê để phác họa, trên đường về, cô nhớ rất rõ mình bị một chiếc xe máy màu đỏ đang chạy rất nhanh đụng ngã!
Cảnh sát đã ghi lại lời kể của cô và gọi đến video giám sát trên đường phố ngày hôm đó, từ video giám sát họ xác nhận được lời kể của cô bé và đã tìm ra chủ nhân của chiếc xe máy màu đỏ gây tai nạn! Vết máu trên bánh xe Seine Marne chỉ là vết máu nhỏ giọt trên mặt đất khi Catherine bị xe máy tông.
Sự tình trở nên rõ ràng. Cha mẹ cô gái ôm ông khóc, ông không phải người gây tai nạn, mà là ân nhân cứu mạng của cô gái này! Nếu như không phải ông ấy quay lại kịp thời, đưa cô gái đến phòng cấp cứu của bệnh viện thì có lẽ cô gái đáng yêu này đã sớm không còn!
Câu chuyện của ông đã khiến cả nước Mỹ cảm động, và vận mệnh của ông cũng vì thế mà thay đổi. Những hợp đồng kinh doanh đến như mưa tuyết, khiến ông choáng ngợp. Mọi người đều tin rằng đồng hành cùng một doanh nhân như vậy sẽ dẫn đến thiên đường!
Trong cuộc phỏng vấn với đài truyền hình địa phương, câu trả lời của Seine Marne với phóng viên rất đơn giản: “Lúc đó, tôi chỉ nghĩ nếu không quay lại kiểm tra thì tôi sẽ không bao giờ cảm thấy thoải mái trong cuộc đời. Tôi làm điều này chỉ để thỏa mãn lương tâm của mình, tôi không có quyền lựa chọn giữa sinh mạng của người khác và lợi ích kinh doanh”.
Sưu tầm
My Lan Phạm
CHÂN THÀNH
Vào một ngày mưa to ở nước Mỹ, có một người phụ nữ người ướt sũng chạy vào trú chân ở cửa hàng ven đường. Hầu như các nhân viên ở đây đều không chú ý đến bà. Có một cậu nhân viên trẻ tuổi tiến đến bên người phụ nữ và hỏi: - Bà ơi, bà khoẻ không, bà có cần cháu giúp gì không ạ? Người phụ nữ trả lời: - À không đâu cháu, tôi chỉ tránh mưa một lát, tạnh mưa tôi sẽ đi ngay. Đứng trú mưa được một lúc, bà cảm thấy có chút bất tiện cho cửa hàng nên tìm kiếm thứ gì đó để mua, nhưng đi lòng vòng mãi mà không tìm ra món gì để mua. Cậu thanh niên khi nãy biết ý liền chạy lại nói với người phụ nữ: - Bà ơi, bà đừng ngại. Cháu đã để chiếc ghế ngoài cửa, bà có thể yên tâm ngồi đợi tới khi hết trời mưa rồi về ạ. Nghe những điều ấy, bà cảm kích vô cùng. Sau hai tiếng trời mưa tầm tã, trời cũng dứt mưa. Người phụ nữ xin tên, địa chỉ và một số thông tin của cậu nhân viên này rồi rời đi. Một tháng sau, cậu nhận được lời mời ký hợp đồng lao động với một công ty rất lớn. Về sau cậu mới biết rằng người phụ nữ trú mưa lúc trước đã mang đến cho cậu cơ hội tuyệt vời này. Bà chính là mẹ của ông vua thép Andrew Carnegie, tỷ phú nước Mỹ. Chàng thanh niên trẻ tuổi này về sau trở thành cánh tay đắc lực cho Carnegie. Khi bạn chân thành với ai đó, bạn sẽ được người khác quan tâm đôi khi còn nhiều hơn gấp nhiều lần những gì mà bạn đã dành cho họ.
Nguồn Người Việt Hải Ngoại
CON BÚP BÊ
Ở tuổi 40, Franz Kafka (1883-1924)-tiểu thuyết gia và nhà văn viết truyện ngắn - người chưa bao giờ kết hôn và không có con, đi bộ qua công viên ở Berlin thì ông gặp một bé gái đang khóc vì bé đã đánh mất con búp bê yêu thích của mình. Cô bé và Kafka đã tìm kiếm con búp bê không thành công. Kafka bảo cô bé gặp ông ở đó vào ngày hôm sau và họ sẽ quay lại tìm búp bê
Ngày hôm sau, khi cả hai vẫn chưa tìm thấy con búp bê, Kafka đã đưa cho cô bé một bức thư "viết" bởi con búp bê : "Xin đừng khóc. Tôi đã đi một chuyến đi để ngắm thế giới. Tôi sẽ viết cho bạn về những chuyến phiêu lưu của tôi. ”
Và bắt đầu một câu chuyện tiếp diễn cho đến cuối cuộc đời của Kafka.
Trong các lần gặp nhau, Kafka đã đọc những bức thư của con búp bê được viết cẩn thận với những cuộc phiêu lưu và cuộc trò chuyện mà bé gái thấy rất đáng yêu.
Cuối cùng, Kafka đã mang đến một con búp bê (ông đã mua) và nói rằng búp bê của cô bé đã trở lại.
" không giống con búp bê của cháu chút nào," bé gái nói.
Kafka đã đưa cho cô bé một bức thư khác mà con búp bê viết: "chuyến du lịch của tôi đã làm thay đổi tôi. ” Cô bé ôm con búp bê mới về nhà, cho búp bê một ngôi nhà hạnh phúc.
Một năm sau Kafka mất.
Nhiều năm sau, bé gái bây giờ trưởng thành tìm thấy một bức thư bên trong con búp bê. Trong bức thư nhỏ ký bởi Kafka, có dòng chữ sau đây:
“Tất cả những gì bạn yêu quí có thể sẽ mất đi, nhưng cuối cùng, tình yêu sẽ trở lại theo một cách khác. ”
Truyện Nước Ngoài
CHUYỆN HAY…
Một con cáo phát hiện một chuồng gà, nhưng con cáo đó vì quá mập nên không thể chui lọt qua hàng rào để ăn gà. Thế là nó nhịn đói suốt ba ngày, cuối cùng đã vào được. Tuy nhiên, sau khi ăn no nê rồi, chiếc bụng phình to nên lại không ra được nữa, đành phải bắt đầu nhịn đói lại ba ngày mới ra được. Cuối cùng nó xót xa than thở rằng, bản thân mình ngoài nhất thời sướng miệng ra, trên cơ bản hoàn toàn là phí công vô ích.
*** *** Đời người không phải cũng như vậy sao. Đến trần truồng mà ra đi cũng trần truồng. Không ai có thể mang theo tài sản và danh vọng mà mình đã vất vả kinh doanh một đời để theo cùng. Dùng tuổi trẻ để kiếm tiền, nhưng tiền lại không mua lại được tuổi trẻ.
Dùng mạng sống để kiếm tiền, nhưng tiền lại không mua lại được mạng sống. Dùng hạnh phúc để đổi lấy tiền, nhưng tiền lại không mua lại được hạnh phúc. Dùng thời gian để kiếm tiền, nhưng tiền lại không mua lại được thời gian.
Cho dù dùng cả cuộc đời để có được tất cả tiền bạc của cả thế giới, nhưng tiền bạc của cả thế giới cũng không mua lại được cuộc đời của bạn.Vậy nên những lúc nên làm việc thì hãy làm việc, những lúc nên nghỉ ngơi thì hãy nghỉ ngơi, vui vẻ làm việc, tận hưởng cuộc sống, trân quý tất cả những gì mà mình có được, hãy yêu thương những người mà bạn yêu thương, vui vẻ mà sống trọn từng ngày.
Sống một ngày vui vẻ là sống một ngày. Sống một ngày không vui vẻ cũng là sống một ngày… Vậy tại sao chúng ta lại không trân quý hết thảy, vui vẻ mà sống trọn một ngày chứ!
Trong thời kỳ cực thịnh, gia đình Huyện Sỹ nắm trong tay toàn bộ vùng đất trù phú ở Gò Công, Long An, Tiền Giang kéo dài đến tận biên giới Campuchia.
Ruộng đất bao la, cò bay mỏi cánh
Trưa tháng 3, TP.HCM nắng nóng như đổ lửa, chúng tôi đến thăm quan nhà thờ Huyện Sỹ (quận 1). Đây là một trong những nhà thờ có khuôn viên rộng rãi, khoáng đãng nhất tại TP.HCM.
Với gam màu trắng sáng chủ đạo, khối kiến trúc toát lên vẻ đẹp trang nghiêm. Tính đến nay, nhà thờ đã ngoài trăm tuổi và là nơi lưu dấu về Huyện Sỹ, người đứng đầu trong tứ đại phú hào Sài Gòn xưa.
Huyện Sỹ tên thật là Lê Nhứt Sỹ (1841 - 1900). Ông sinh ra tại Sài Gòn trong một gia đình theo Công giáo. Thuở nhỏ, ông được các tu sĩ người Pháp đưa sang Malaysia học tập.
Trong thời gian này, Lê Nhứt Sỹ đổi tên thành Lê Phát Đạt do tên cũ trùng với tên một người thầy của ông. Trở về Sài Gòn, ông được bổ nhiệm làm thông ngôn, rồi trở thành Ủy viên Hội đồng Quản hạt Nam kỳ.
Sau đó không lâu, ông được phong hàm lên cấp huyện. Dù đã đổi tên nhưng người dân vẫn quen gọi ông bằng cái tên Nhứt Sỹ. Danh xưng Huyện Sỹ gắn bó với ông từ đó.
Huyện Sỹ giàu lên không phải nhờ chức tước, bổng lộc. Trong sách Sài Gòn năm xưa, học giả Vương Hồng Sển cho rằng, Huyện Sỹ giàu lên là nhờ việc gom tiền mua rẻ những thửa đất có địa thế tốt do chính quyền Pháp phát mãi.
Sau khi mua lại, ông trồng lúa trên các mảnh đất này. Lúa trúng mùa, Huyện Sỹ thu về lượng lớn thóc gạo. Nhận thấy đầu tư có lãi lớn, ông tiếp tục vay mượn tiền bạc để mua đất khắp Tân An, Đức Hòa, Đức Huệ thuộc tỉnh Long An ngày nay.
Có ruộng đất, ông thuê người canh tác, trồng lúa. Lúa liên tiếp trúng mùa, ông Sỹ giàu lên nhanh chóng và tiếp tục có tiền để mua thêm điền sản ở nhiều nơi.
Trong thời kỳ cực thịnh, gia đình Huyện Sỹ nắm trong tay toàn bộ vùng đất trù phú ở Gò Công, Long An, Tiền Giang kéo dài đến tận biên giới Campuchia.
Giai đoạn này, dân gian thường có câu "cò bay mỏi cánh cũng không hết đất của ông Huyện Sỹ". Gia đình Huyện Sỹ giàu có đến mức xuất hiện giai thoại ông có một kho tiền bí mật. Để đảm bảo tiền không mốc, hỏng, ông thuê hẳn một nhóm người bảo quản, đem tiền ra phơi nắng rồi cất lại vào kho.
Giàu có, Huyện Sỹ Lê Phát Đạt cho con cái du học ở những trường danh giá của Pháp. Khi các con trưởng thành, trở về nước, ông chia cho quản lý một phần tài sản ở những vùng khác nhau.
Sau này, con cháu của ông gồm: Lê Thị Bình (mẹ Nam Phương Hoàng hậu), Lê Phát An, Lê Phát Thanh, Lê Phát Vĩnh, Lê Phát Tân đều là những đại điền chủ nổi tiếng có nhiều đất ở Tân An, Đức Hòa, Đức Huệ và Đồng Tháp Mười (tỉnh Long An ngày nay). Trong số này, người con Lê Phát An của ông là nổi tiếng nhất.
Gia tộc giàu có hơn vua Bảo Đại
Không chỉ sở hữu ruộng đất bao la ở các tỉnh miền Tây, Huyện Sỹ còn mua một loạt khu đất ngoại thành Sài Gòn, đặc biệt là ở khu vực quận Gò Vấp ngày nay để làm kho xưởng, nhà máy rồi cho người khác thuê lại.
Tại đây, ông cũng cho xây dựng hàng nghìn căn nhà để cho thuê. Các giai thoại đều khẳng định, đất đai của Huyện Sỹ bao trùm một vùng rộng lớn của Sài Gòn, kéo dài từ ngoại thành đến các quận 1, Tân Bình, Gò Vấp.
Cho đến bây giờ, dù đã trải qua hơn 100 năm, các dấu tích, minh chứng cho nhận định trên vẫn hiện hữu tại TP.HCM gồm: Nhà thờ Huyện Sỹ (quận 1), nhà thờ Hạnh Thông Tây (quận Gò Vấp), nhà thờ Chí Hòa (quận Tân Bình).
Tất cả các nhà thờ này đều xây trên đất của Huyện Sỹ. Trong số này, nhà thờ Huyện Sỹ hay còn gọi nhà thờ Chợ Đũi là nổi tiếng hơn cả.
Theo các tài liệu còn sót lại, nhà thờ này được Huyện Sỹ Lê Phát Đạt hiến đất và xuất 1/7 gia tài để xây dựng. Tính theo thời giá lúc bấy giờ, chi phí xây dựng nhà thờ Huyện Sỹ trên 30.000 đồng bạc Đông Dương. Đây được nhận định là một số tiền cực lớn vào thời điểm ông sinh sống.
Nhà thờ Huyện Sỹ được xây dựng từ năm 1902 đến năm 1905 mới hoàn thành. Nhà thờ xây theo kiến trúc Gothic và dùng đá granite Biên Hòa để ốp mặt tiền, các cột chính điện. Sau hơn 100 năm, kiến trúc này vẫn trầm mặc cùng thời gian, trở thành điểm du lịch nổi tiếng của TP.HCM.
Ngoài các dấu tích nói trên, người xưa còn truyền tai giai thoại gia tộc Huyện Sỹ giàu có hơn cả vua Bảo Đại. Thông tin này xuất hiện khi cháu ngoại ông, bà Nguyễn Hữu Thị Lan kết hôn với vị hoàng đế cuối cùng của triều Nguyễn.
Chuyện kể rằng, khi bà Nguyễn Hữu Thị Lan ra Huế tổ chức hôn lễ với vua Bảo Đại, ông Lê Phát An, con trai của Huyện Sỹ đã tặng cô cháu gái của mình 1 triệu đồng tiền mặt để làm của hồi môn.
Lúc bấy giờ, giá vàng chỉ 50 đồng/lượng. Nếu quy đổi, 1 triệu đồng lúc đó tương đương 20.000 lượng vàng. Từ món quà hồi môn này, dân gian đồn thổi tài sản của gia tộc Huyện Sỹ còn giàu có hơn nhiều so với vua Bảo Đại.
Thậm chí, có thông tin cho rằng, vị vua cuối cùng của triều đại nhà Nguyễn cưới Nam Phương Hoàng hậu chỉ để có thể sử dụng khối tài sản kếch xù của gia tộc bà. Lúc còn làm vua, Bảo Đại luôn bị cho là tiêu tiền của nhà vợ.
Nhận định trên được ông Phạm Khắc Hòe, Đổng lý Ngự tiền Văn phòng tại triều đình Huế ghi lại trong hồi ký Từ Triều đình Huế đến Chiến khu Việt Bắc của mình. Ông viết: “Cô Lan lấy Bảo Đại chủ yếu là để lên ngôi Hoàng hậu. Bảo Đại lấy cô Lan chủ yếu là để đào mỏ…”.
Độ giàu của gia tộc Huyện Sỹ còn thể hiện trong việc ông Nguyễn Hữu Hào (con rể Huyện Sỹ, cha đẻ của Nam Phương Hoàng hậu) để lại khối tài sản khổng lồ cho con gái, khi bà rời Việt Nam sang Pháp sinh sống.
Sách Nam Phương - Hoàng hậu cuối cùng của tác giả Lý Nhân Phan Thứ Lang viết: “Tài sản riêng do gia đình Nguyễn Hữu Hào tậu cho bà gồm một chung cư lớn tại Neuilly và một chung cư tại đại lộ Opera. Ngoài ra bà còn nhiều nhà đất ở bên xứ Maroc, Congo…”.
Mặc dù không có một thống kê cụ thể nào về tài sản, ruộng đất của Huyện Sỹ nhưng mức độ giàu có của ông được thể hiện qua những công trình còn hiện hữu tại nhiều quận của TP.HCM sau hơn 100 năm qua.
Chưa kể đến việc gia tộc sở hữu những điền sản bao la ở các tỉnh miền Tây, chỉ riêng việc nắm trong tay các khu đất rộng lớn kéo dài từ quận 1 đến quận Bình Tân, Gò Vấp, Huyện Sỹ đã đủ trở thành người giàu bậc nhất Sài Gòn xưa.
Dẫu vậy, Huyện Sỹ vẫn chưa phải là người có tiếng tăm nhất tại Nam kỳ lục tỉnh.
Thay vào đó, một nhân vật khác dù xếp sau ông một bậc về độ giàu có nhưng lại vô cùng nổi tiếng. Thậm chí, gia sản của người này không chỉ khiến người dân Nam kỳ lục tỉnh thán phục, mà cả người Pháp cũng phải ngạc nhiên.
HÀ NGUYỄN/VIETNAMNET
Tỷ phú Sài Gòn xưa chơi ngông cỡ nào?
- Ông Nguyễn Văn Hảo, một thương gia, tỷ phú ô tô của Sài Gòn xưa vì quá yêu cải lương đã mở nguyên một rạp hát lớn nhất, 1200 chỗ mang tên mình: Rạp Nguyễn Văn Hảo.
Nằm cách tòa nhà 4 mặt tiền không xa, cũng trên đường Trần Hưng Đạo, rạp Công Nhân được xem là 1 trong những rạp cải lương lâu đời nhất ở miền Nam. Trước khi mang tên Công Nhân, rạp mang tên chính chủ nhân của nó, rạp Nguyễn Văn Hảo...
Quá mê nghệ thuật cải lương, năm 1905 thầy năm Tú, một nhà giáo ở Mỹ Tho đã bỏ tiền ra lập nên gánh hát và xây dựng rạp hát Thầy Năm Tú. 35 năm sau, năm 1940 ở Sài Gòn, ông Nguyễn Văn Hảo - một thương gia - tỷ phú ô tô ở Sài Gòn cũng đã tìm được một miếng đất rộng để xây dựng nên rạp hát mang tên mình - rạp Nguyễn Văn Hảo.
Ông Hảo cũng như thầy năm Tú và bao người dân miền Nam khác, rất mê nghệ thuật cải lương. Dường như cải lương đã đi vào máu thịt của từng người. Họ không hề bỏ một vở diễn nào. Vì thế, rạp Nguyễn Văn Hảo mở cửa đã đáp ứng được sự mong muốn của khán giả và của chính người trong cuộc, ông Hảo.
Rạp Nguyễn Văn Hảo trước đây. Ảnh tư liệu
Rạp khá rộng. Mặt tiền trên đường Trần Hưng Đạo và mặt hậu giáp với đường Bùi Viện. Qui mô của rạp khá lớn với tổng cộng 1200 chỗ ngồi chính thức. Ngoài ra trên các lối đi còn có những hàng ghế phụ dành cho những khách không mua đươc vé chính thức.
Rạp có 3 tầng. Tầng trệt dành cho người có vé hạng nhất với 500 ghế bọc nệm da màu đỏ. Tiếp đến lầu 2 có 400 ghế dành cho khách có vé hạng nhì. Cả tầng trệt và lầu 2 đều có ghế dựa và bọc nệm. Riêng tầng 3, ghế được đóng bằng ván dài xếp thành nhiều tầng có thể chứa khoảng 300 người, dành cho những vé rẻ tiền hơn.
Rạp Công Nhân số 30 Trần Hưng Đạo ngày nay
Với sức chứa lớn cùng với sân khấu rộng và thoáng nên khi rạp Nguyễn Văn Hảo bắt đầu hoạt động, một lượng khá giả đến ủng hộ. Những rạp hát cùng thời như rạp Aristo trên đường Lê Lai, rạp Thành Xương đường Yersin, rạp Thuận Thành ở Đakao đều là những rạp dành cho cải lương nhưng không còn đáp ứng được yêu cầu của khán giả.
Các đoàn cải lương ở khắp 3 miền, gánh nào cũng muốn được trình diễn trên sân khấu Nguyễn Văn Hảo. Vì ở đó có những thuận lợi giúp cho các bầu gánh, soạn giả và họa sĩ thực hiện những tiến bộ kỹ thuật và nghệ thuật để nâng cao trình độ của sân khấu cải lương.
Có thể nói, trong suốt một thời gian khá dài nhờ có rạp Nguyễn Văn Hảo với những tiện nghi vào bậc nhất thời bấy giờ, nghệ thuật cải lương càng có điều kiện phát triển lên tới đỉnh cao.
Từ khi thành lập đến trước 1954, nhiều đoàn hát với những vở tuồng rất ấn tượng được trình diễn tại đây. Người mê cải lương không thể quên "Tây Thi gái nước Việt" do đoàn Năm Châu biểu diễn, "Đoàn chim sắt" của đoàn Hoa Sen...
Chuyện kể về những đoàn hát đến rạp biểu diễn thì nhiêu vô kể. Trong số đó, câu chuyện về đêm khai trương vở tuồng "Đoàn chim sắt" thật ấn tượng. Ngoài 1200 chỗ ngồi chính thức, khán giả còn đứng đông nghẹt ở hai bên vách tường, chật cả lối đi ở giữa. Thậm chí, có một số khán giả còn đứng trước sân khấu che cả tầm nhìn của khách có vé thượng hạng khiến nhiều người lên tiếng phản đối...
Đến năm 1970, gia cảnh ông Hảo có nhiều biến động khiến cho ông không còn toàn tâm toàn ý với công việc kinh doanh. Ông cho thuê rạp hát để sau đó, người chủ mới đã biến nơi đây thành rạp chiếu bóng với cái tên mới, ciné Nguyễn Văn Hảo.
Bộ phim đầu tiên được trình chiếu tại đây là "Lương Sơn Bá, Chúc Anh Đài" rồi đến "Thích Ca đắc đạo". Đây là những bộ phim gây được ấn tượng và có tiếng vang lúc bấy giờ.
Sau 1975, rạp Nguyễn Văn Hảo được đổi tên thành rạp Công Nhân đến bây giờ...
VIETNAMNET
Khu mộ cổ của bá hộ giàu nhất Sài Gòn xưa
- Ngôi cổ mộ nằm lọt thỏm trong con hẻm nhỏ trên đường Phú Thọ Hòa (Phú Thọ Hòa, Tân Phú, TP.HCM). Mộ được xây bằng đá, có tường rào, mái che, họa tiết chạm khắc công phu. Người nằm trong mộ là vợ chồng ông Lý Tường Quan, hay còn gọi là bá hộ Xường, người đứng thứ ba trong bốn người giàu có nhất Nam kỳ lục tỉnh.
Chân dung một thương gia
Lý Tường Quan (1842-1896), tự Phước Trai. Cha ông vốn là người Hoa sang Việt Nam sinh sống, lấy vợ người Việt và sinh được 4 người con. Ông là con thứ 3 sinh ra tại đất Gia Định.
Ông là người có tài, rất thông minh và ham học. Ông tinh thông tiếng Việt, tiếng Hoa và tiếng Pháp. Người Hoa tại Chợ lớn đã bầu ông là bang chủ Tiều Châu. Người Pháp nghe tiếng mời ông làm thông ngôn rồi kiêm luôn bang chủ của cả 7 bang người Hoa.
Khu nhà mồ bà hộ Xường tại hẽm 79/30 đường Phú Thọ Hòa.
Nghề thông ngôn thời ấy không đơn giản là chỉ phiên dịch. Người làm thông ngôn có điều kiện biết nhiều thông tin cơ mật và khả năng tiến thân vào bộ máy chính quyền Pháp là điều dễ dàng.
Trước ngôi mộ có 2 tượng người bằng đá, hương án, lư hương và bia đều bằng đá.
Lý Tường Quan hiểu rõ điều đó nhưng bản chất không muốn tiến thân bằng con đường quan lộ. Năm 30 tuổi ông xin nghỉ làm thông ngôn trở về đời sống dân thường làm nghề buôn bán.
Mộ ông Lý Tường Quan
Khởi nghiệp đi buôn, ông về miền lục tỉnh mua cá đem ra bán ở Chợ Lớn. Ông bán cả cá khô lẫn cá tươi và có cả một đội thuyền để vận chuyển.
Nhận thấy các ghe thuyền chỉ lưu thông một chiều rất lãng phí, ông nghĩ ngay đến việc chuyển các nhu yếu phẩm cần thiết từ Chợ Lớn đua đến tận tay người nông dân. Nhờ vậy là chỉ trong thời gian ngắn việc buôn bán của ông phất lên như diều gặp gió.
Bia sau ghi tiểu sử và sự nghiệp ông Lý Tường Quan, trước bia có hình thờ.
Không chỉ buôn bán trong nước, ông mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa. Các loại cá khô, mắm được ông chế biến bán qua các nước lân cận. Công việc làm ăn của ông thuận lợi nhờ vào sự hiểu biết và tinh thông nhiều ngôn ngữ giúp ông vượt qua được những trở ngại ban đầu.
Cái tên bá hộ Xường bắt đầu vang danh khi ông bước sang lĩnh vực bất động sản. Ông tìm mua những thửa đất giá rẻ ở những vị trí đẹp. Sau đó, ông xây nhà, xây biệt thự rồi cho thuê. Cứ thế ông phát triển và chỉ vài năm sau số nhà đất ông có trong tay con số khá lớn. Có thể nói, nhà đất của ông chiếm hết phân nửa vùng Chợ Lớn và lan rộng ra trong pham vi Gia Định.
Tiếng tăm của ông vang dội. Nhiều người đánh giá, nếu chú Hỏa với 30.000 căn nhà nhưng chỉ được xếp vào hàng thư 4 thì với bá hộ Xường đứng hàng thứ 3, số nhà phải hơn rất nhiều.
Trong khi nhứt Sỹ (huyện Sĩ), nhì Phương (tổng đốc Phương) làm giàu nhờ có các chức vụ trong chính quyền Pháp thì tam Xường (Lý Tường Quan) chỉ nhờ vào năng lực sẵn có của mình để tiến thân, khiến người đời cảm phục.
Mộ bà Nguyễn Thị Lâu, vợ ông Lý Tường Quan
Mặc dù rất giàu nhưng ông và gia đình vẫn sống trong khuôn khổ và nề nếp, không ăn chơi, hưởng lạc. Ông mất năm 1896 khi chỉ mới 54 tuổi. Con cháu ông tiếp tục cai quản gia sản cho đến năm 1975 thì họ ra sinh sống ở nước ngoài.
Khu mộ bá hộ Xường
Khu mộ của vợ chồng bá hộ Xường không to lớn nguy nga, nép mình trong con hẻm nhỏ, ngôi mộ mang đậm nét kiến trúc cổ Trung Hoa. Ngôi mộ nằm trong nhà mồ ngay chính giữa có cửa vòm, hai bên cửa là cặp liễn chữ Hán.
Mộ bằng đá xanh hình chữ nhật 3,4x2,2m, dày 0,3m, nhô cao 0,8m. Đứng trước mộ là 2 tượng người bằng đá, một nam một nữ, mang tên là Lương Phước Thắng và Kiều Thoại Hương.
Hương án được đặt ở giữa bên trên có lư hương. Tất cả đều bằng đá được chạm khắc công phu. Bia trước cũng bằng đá dựng sát ngôi mộ. Trên bia có ba hàng chữ Hán ghi lại phần mộ của ông Lý Tường Quan kèm theo danh tánh các con cùng lập mộ.
Mặt tiền và trong sân từ đường họ Lý bị chiếm dụng.
Phía sau mộ là một tấm bia lớn được dựng rất trang trọng. Hai bên là liễn đối. Trên bia có khắc hơn 300 chữ Hán với nội dung ghi lại tiểu sử và sự nghiệp của ông Lý Tường Quan. Trước bia còn có tấm hình thờ.
Mộ bà Nguyễn Thị Lâu - vợ ông Lý Tường quan - được xây dựng ngoài trời bên cạnh nhà mồ. Mộ có tường bao quanh, có bia trước bia sau. Tất cả đều bằng đá kiên cố và rất mỹ thuật.
Quần thể nhà mồ và mộ của ông bà Lý Tường Quan đều là di sản quý giá về nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc và chạm khắc trang trí của Việt Nam giai đoạn cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20.
Bên trong từ đường
Ngoài ngôi cổ mộ, trên đường Hải Thượng Lãn Ông (phường 14, quận 5) còn có ngôi từ đường của dòng họ Lý. Sinh thời, căn nhà này là nơi ông bà Lý Tường Quan và các con sinh sống. Hiện cả ngôi mộ và nhà từ đường đều được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố.
Mặc dù đã được công nhận là di tích nhưng mặt tiền và trong sân nhà từ đường dòng họ Lý đã bị nhiều người buôn bán chiếm dụng. Khi chúng tôi có mặt, còn trong giờ làm việc nhưng cửa từ đường đóng chặt. Phải khó khăn lắm những người bên trong mới mở cửa cho chúng tôi vào bên trong ghi hình.