Berlin, hơn 170 năm trước. Cô bé Clara 12 tuổi đem lòng yêu Schumann, cậu học trò cưng của cha mình.
Schumann 21 tuổi, tài hoa xuất chúng đang độ nở rộ, vừa mê say nghệ thuật đến điên cuồng lại vừa có tính tình u uất, đa sầu đa cảm. Chất nghệ sĩ ấy khiến Clara chết mê chết mệt. Chỉ sợ Schumann yêu người khác, cô bé bèn nài nỉ chàng trai : “Anh chịu khó đợi em lớn lên, anh nhé !"
Về sau, Schumann luyện dương cầm không may bị hỏng mất một ngón tay, anh đành bỏ dở giấc mộng trở thành nhạc công piano và chuyển sang học sáng tác nhạc. Clara an ủi chàng : “Anh yêu, em sẽ cho anh mượn đôi bàn tay của em !”
Song mối tình của họ bị người cha của Clara ngăn trở. Tuy rất cưng cậu học trò có thiên tài âm nhạc bẩm sinh này, nhưng ông không đồng ý để con gái mình kết duyên với một anh chàng nghèo kiết xác như Schumann. Vả lại Clara đàn dương cầm rất giỏi, nếu sớm vướng vào chuyện tình ái thì tiền đồ sáng sủa của cô sẽ đi đứt.
Clara son sắt một lòng nhất quyết không xa rời Schumann. Ông thầy nổi giận kiện cậu học trò ra toà. Quan toà phán : “Tình yêu vô tội”,
và bác bỏ lời tố cáo của ông.
Clara và Schumann có với nhau 8 mặt con. Cuộc sống vất vả của người chủ một gia đình đông con cộng thêm việc sáng tác nhạc quá tổn hao sức lực đã khiến Schumann chưa đến 30 tuổi đã có hiện tượng tâm thần bất định, mấy lần phải vào bệnh viện tâm thần điều trị.
Đúng lúc ấy, cậu học trò 18 tuổi của Schumann là Brahms đem lòng yêu bà vợ của thầy giáo, dù bà hơn mình những 14 tuổi.
Bệnh tình của Schumann ngày một trầm trọng, ông sớm từ giã cuộc đời ở tuổi 46 . Clara đau khổ giam mình trong nhà, không gặp bất cứ ai.
Sau cùng, chính là Brahms đã khuyên bà : “Nếu bà thực sự yêu thầy, thì bà nên giới thiệu rộng rãi các tác phẩm của thầy trước dư luận, chứ không nên để các tác phẩm ấy cùng xuống mồ theo thầy.”
Clara sực tỉnh trước lời khuyên chí lý ấy và nhớ lại lời hứa trước đây của mình. Bà nhất thiết phải dâng đôi bàn tay của mình cho người mình yêu quý. Từ đó trở đi, Clara dành cả cuộc đời cho các chuyến đi biểu diễn những bản nhạc của Schumann sáng tác. Sở dĩ các tác phẩm của Schumann được lưu truyền rộng rãi đến ngày nay, một phần quan trọng là nhờ công sức của Clara.
Suốt đời Clara Schumann từ chối lời cầu hôn của Brahms, vì bà biết anh là một nghệ sĩ lớn đầy triển vọng, nếu bà nhận lời lấy anh thì sẽ chỉ làm khổ anh mà thôi.
Brahms mất năm 64 tuổi, suốt đời sống độc thân./.
======
Robert Schumann (1810-1856) và Clara Schumann (1819-1896) là cặp vợ chồng nhạc sĩ nổi tiếng thế giới, người Đức. Schumann dẫn đầu phong trào nhạc lãng mạn, Clara là nhạc công nổi tiếng, cũng là một nhà soạn nhạc.
Johannes Brahms (1833-1897 là nhà soạn nhạc nổi tiếng người Đức.
Đây là hình ảnh Clara Schumann được in trên đồng tiền mệnh giá quan trọng nhất của nước Đức trước đây, kèm ảnh cây đàn piano mà Clara đã dùng để đàn các tác phẩm của chồng bà.
Nguyễn Hải Hoành biên dịch
Sưu tầm
My Lan Phạm
CHUYỆN TRẦU CAU…
Mẹ tôi thuộc thế hệ vấn khăn – nhuộm răng – nhai trầu, nên khi chỉ vài tháng tuổi, vừa nhận biết được cảnh vật chung quanh tôi đã nhìn, đã ngửi thấy mùi trầu cau. Tới tuổi bắt đầu ăn vụng thì trầu cau có lẽ là món “hành nghề” đầu tiên của tôi, nhưng chỉ một lần đủ tởn đến tận giờ. Trầu cau vừa đắng, vừa chát, vừa hăng nồng.
Cau đúng là vừa đắng và chát. Chát nhiều hơn đắng. Chát là do trong cau, cả vỏ lẫn hạt chứa hàm lượng chất tannin khá bộn.
Trong cau có nhóm alkaloid, mà nổi bật nhất là chất arecoline. Chất này tác động đến hệ thần kinh, làm co con ngươi (mắt), co thắt cuống phổi, giảm nhịp tim, tăng nhu động ruột… Hiện nay, khoa học thừa nhận arecoline có cải thiện phần nào nhận thức, trí nhớ của người bệnh alzheimer. Arecoline trong cau cũng làm giun sán không bám vào thành ruột, nên thường được dùng là thành phần trong thuốc trị giun.
Những lợi ích sức khỏe về trị giun sán, co thắt cuống phổi… công hiệu tới mức nào, tôi không biết chắc, nhưng về trí nhớ và nhận thức thì mẹ tôi minh mẫn cho đến lúc ra đi. Bà mất vì tuổi già, thọ 94 tuổi.
Mùi hăng nồng là do lá trầu. Có bằng chứng cho thấy, lá trầu (có hoặc không có thuốc lào) có thể gây ung thư vòm miệng. Còn hạt cau cũng được xác định gây ung thư trên động vật. Những nghiên cứu về trầu cau đã bỏ qua thành phần vôi, nên có phản biện cho rằng, nhờ vôi mà độc tính của arecoline bị vô hiệu hóa.
Cau nhai với lá trầu thấy thơm ngon, nên buồn miệng ăn hoài. Một số nhà khoa học ở Đài Loan giải thích, nghiện là do chất arecoline có trong cau. Thực ra, chưa có nghiên cứu nào nói đến việc ăn trầu cau đưa đến hậu quả “nghiện”. Tôi thì nghĩ là ăn trầu cũng bị nghiện. Mẹ tôi ăn trầu từ hồi con gái, và ăn đủ bộ: trầu-cau- vôi, có khi còn thêm chút thuốc lào. Chỉ trước khi mất vài tháng, bỗng dưng bà không ăn trầu nữa. Lúc đó tôi cảm thấy có điều gì bất ổn.
Nhiều nước vùng Đông Nam Á có thói quen ăn trầu cau, có hoặc không có thuốc lào. Chỉ riêng Việt Nam là phải quệt thêm chút vôi vào lá trầu thì mới đủ bộ, như trong sự tích trầu cau.
Vôi ở đây là đá vôi đem nung, rồi ngâm nước thành vôi tôi (hydroxide calcium (Ca(OH)2). Vôi có tính kiềm rất mạnh, nhờ vậy mà nước trầu mới đỏ, “môi thắm chỉ hồng”.
Sự tích trầu cau của Việt Nam là chuyện tình buồn. Hai anh em ruột cùng yêu một thiếu nữ. Cô gái lấy người anh. Người em bỏ đi, chết bên bờ suối hóa thành tảng đá (vôi). Người anh đi tìm em, chết hóa thành cây cau bên tảng đá. Vợ đi tìm chồng, chết hóa thành lá trầu quấn quanh cây cau.
Tình nghĩa gia đình quấn quýt giữa Trầu – Cau – Vôi để cho ra môi thắm chỉ hồng như thế, liệu có phải là nguyên nhân mà người Việt dùng trầu cau trong lễ cưới xin hay không, tôi không chắc.
Thời buổi này lễ dạm hỏi ít ai còn nói đến trầu cau. Hồi con gái tôi lập gia đình, nhà trai hỏi lễ vật thế nào. Tôi chỉ xin vài lá trầu, vài quả cau và chút vôi, để trên bàn thờ. Nơi đó vẫn còn lưu giữ cái cối giã trầu của mẹ tôi.
VŨ THẾ THÀNH
Hồn Phở
(Xin kính tặng người đã sinh ra tôi)
Phở, với tôi, không còn là món ăn thuần túy nữa, mà là Ðạo.
Trong nhà, tôi là Ông Ðạo phở. Tôi có thể ăn phở trừ cơm ngày này qua tháng khác mà không ngán chút nào. Ðây là nói phở bò, phở gà, chứ không phải thứ "phở" dành cho những ai chán cơm thèm phở kia đâu nha!
Không rõ là tôi mê phở từ lúc nào. Chỉ nhớ từ trước năm 1975, mỗi lần đi ngang qua quán phở ở Dục Mỹ thì giống như có ai níu chân tôi lại. Lom lom nhìn vào thấy đông ơi là đông, và thơm ơi là thơm. Ðể ý người ta xơi phở sao mà sành điệu quá chừng, từ cách cho rau cho giá vào tô, xịt tương đen đỏ rồi vắt chanh, cho đến cách cầm đũa muỗng, sao mà nó bài bản, điệu đà. Tôi cũng có lần thấy một ông ăn phở cầm nguyên nhánh rau húng quế sũng nước rảy xuống nền nhà, làm nước văng trúng tới chân tôi. Trong tiềm thức, đôi lúc tôi vẫn còn cảm thấy ướt ướt mát mát. Tôi cũng quên tuốt luốt là lúc nhỏ có được cho ăn phở thường xuyên không, và vị phở như thế nào thì tôi chịu thua, chỉ nhớ được mùi thơm quyến rũ của nó mà thôi.
Sau ngày đổi đời, gia đình tôi tản cư về quê. Từ đó hình như phở tuyệt tích giang hồ. Và không những chỉ có phở mà còn vài thứ tôi từng được nếm qua như bôm (apple) giòn ngọt, như cam Sunkist màu vàng tươi của Mỹ, hay Coca-Cola mà mỗi khi uống đều phải nhắm mắt nốc một hơi rồi nhăn mặt khà khoan khoái, tất cả đều rủ nhau biến mất tiêu. Đời thay đổi nên vạn thứ cũng đổi thay.
Vài năm sau khi Cửa Hàng Ăn Uống Quốc Doanh mở ra, phở mới mon men trở về, và nó rủ rê cả những quán phở tư nhân rón rén mở cửa trở lại.
Có lần tôi và thằng bạn chen vô đó để xếp hàng ăn phở, và lần đầu tiên nhìn tô phở cách mạng, tôi nản ơi là nản. Bởi đó là một thứ phở kinh hồn bạt vía, là phở không người lái. Nghĩa là ngoài bánh và nước dùng ra, không có thịt thà hành ớt gì cả. Nước lèo thì đục nhờ nhờ, lềnh bềnh váng mỡ, thực khách tự tới quầy tự bưng ra kiếm chỗ trống mà ngồi, rồi thì cứ vậy mà ăn. Nếu bày đặt õng ẹo chê này nọ thì bầy heo của trại chăn nuôi hợp tác xã sẽ có dịp no nê với phở bỏ mứa bằng thích.
Phàn nàn thì cứ việc phàn nàn, ăn vẫn cứ phải ăn, chứ tiền đâu mà ra quán tư nhân để cho đáng mặt phở! Chuyện tô phở dở òm đó chỉ có bấy nhiêu mà tôi lại càu nhàu hoài. Má tôi thở dài, vì thằng con mới tí tuổi đầu mà đã biết …thất tình vì phở. Hồi đó cái nghèo hình như phủ trùm thiên hạ, cơm còn không đủ mà ăn, nói chi đến chuyện phở phiếc. Vậy mà lần nọ má đi chợ về, có mua được ít xương bò, bà nói, “Chiều nay má sẽ nấu phở cho con ăn.”
Tôi mừng muốn chết.
Có lẽ nhiều người vẫn chưa quên, ở miệt quê đâu có cái màn nhà nhà nấu phở, người người xơi phở như bên Mỹ này. Muốn thưởng thức phở thì chỉ có ra hàng, ra quán thôi. Cho nên cứ thử tưởng tượng, ở nơi quê mùa mà được ăn phở nấu tại gia thì nó đã biết dường nào!
Tôi không biết má tôi nấu mất bao lâu, nấu như thế nào, mà lúc bưng tô phở bà đưa cho, mới lua đũa đầu tiên, tôi ngừng ngang lập tức. Tôi nhìn má, bắt gặp ánh mắt như thầm hỏi, "ăn được hông con?" Hai má con không nói được tiếng nào. Phở quốc doanh đã dở danh trấn giang hồ rồi mà phở bà nấu còn rùng rợn hơn thế nữa. Nó không có thứ chi hết ngoài nước hầm xương, thêm chút bột ngọt, và bún khô luộc lên thay cho bánh phở. Ðỗi sau má tôi mới nói, “Con nè, nhà mình hông còn như xưa, chắc con cũng biết. Thấy con thèm phở má chịu hổng được. Má đâu biết nấu phở, với lại mình đang sống dưới quê thì tìm đâu ra gia vị để nấu cho ra nồi phở bò được. Thôi ráng ăn đỡ đi, con”.
- Không sao đâu má! Con ăn tô này chắc con no tới ngày mai quá- Tui cố cà rỡn cho má vui. Mà sao má hổng ăn? - Tôi hỏi.
- Thằng tía mày, giỏi tửng tửng quen mỏ. Má đâu có ăn được thịt bò đâu con!
Tự dưng tôi nghe trong đầu o o như có tiếng ong bay, cố nuốt cái cục nghẹn, đừng để cho nó trồi lên trồi xuống nữa.
***
Thời gian sau, gia đình tôi thường ra vô Sài Gòn để làm giấy tờ đi Mỹ, lúc đó đã rủng rỉnh tí tiền nhờ có mấy anh chị gửi về, tôi lê la hết quán phở này đến tiệm phở khác. Công nhận phở nơi đó ngon thiệt, nhất là mấy quán phở trong Chợ Lớn, thịt thà rau giá tương đen tương đỏ đâu ra đó đàng hoàng.
Nhưng nói đến thiên đường phở thì, với tôi, chỉ có ở quận Cam, Nam California, mới là vô địch.
Từ những quán phở ở đây, tôi mới biết phở không chỉ là tiếng phở trụi lủi, mà còn kèm theo nhiều tên khác nữa. Nào tái nạm, tái chín, nào gầu, gân, sách bò viên v...v...Rất ư là hấp dẫn, chỉ nghe thôi là đã thấy trong bụng cồn cào rồi.
Sau bao nhiêu lần thử đủ các thứ phở, trừ phở ngầu pín, tôi đã chế ra một cách vừa nhanh vừa gọn để gọi phở. Vừa sà vào bàn, tùy theo đối tượng mà tôi mở máy:
- Chị/Cô/Chú/Bác ơi, cho tui xin tô xe lửa tái gầu gân bò viên, thêm hành trần nước béo nha!
Vậy mà có lần tôi bị Tổ trát, gặp trúng cô ẻo lả như Điêu Thuyền... sắp đắm bước ra đưa thực đơn cho khách. Không hiểu khi gặp cổ tôi bị trúng cơn gió quái quỷ gì mà tôi cứ lúng búng lùng bùng. Nghe tôi đọc thần chú xong, cô ta kê nguyên một cái tủ lẫn bàn ghế chén dĩa vào họng tôi, “Chú ơi! Tiệm cháu chỉ bán chớ hổng có cho, nên chú đừng xin!”
Từ đó tôi “thù” những người nào xưng hô chú cháu với tôi lắm lựng, nhất là những cô nào vừa trẻ lại vừa đẹp!
***
Nhiều năm tháng sau, tôi làm một chuyến trở về quê hương, tìm lại những chốn xưa mà tôi đã từng cầm đũa. Vẫn còn thấy ngon như thường. Tôi không nói đến chuyên vệ sinh ở đây, vì mỗi nơi mỗi khác. Nhưng ngon với tôi lúc đó nhiều nghĩa lắm.
Có ai để ý vì sao các quán phở bên Việt Nam chỉ mới bước vô cửa thôi đã nghe sực nức mùi thơm lừng, hơn hẳn các quán phở bên này không? Vì cái xe phở nằm chình ình ở trước tiệm có thùng nước lèo đang nghi ngút phả khói vào tảng thịt bò chín nâu đậm, vào miếng gầu vàng xuộm treo lủng lẳng trên chiếc móc sắt. Góc kia là miếng thịt đỏ tươi đang nằm gọn lỏn trên thớt, ông chủ quán thoăn thoắt vừa xắt vừa bốc cho vào tô. Nào là những bó hành ngò xanh non, e ấp kề bên rổ ớt sim chín đỏ rực. Ta nói bao nhiêu màu sắc, bao nhiêu hương thơm đặc trưng của quán phở nó đập vào mắt, nó xộc vào mũi, nó kích thích thần khẩu thần vị ngay lập tức. Khách ăn tha hồ được nhìn, được ngắm mãn nhãn, được nuốt… nước miếng đã đời trước khi so đũa.
***
Người xưa có nói “ăn xưa, chừa nay” thiệt không trật vào đâu được. Từ ngày rời Cali để dọn qua tiểu bang xa, thì người tình phở của tôi lại ra đi không mang va li thêm một lần nữa. Nơi tôi đang sống rất ít người Việt, thành thử hàng quán chả ra làm sao cả. Mỗi lần ghiền phở là phải xách xe chạy hơn tiếng đồng hồ mới có. Ðúng là cực hình.
- Phở họ bán ăn cho có thôi, chứ mình nấu có lẽ khá hơn -Tôi rù rì với má xấp nhỏ như vậy.
- Ừa, nấu thì nấu!
Thế là vợ chồng hì hục đi mua xương, mua thịt về. Réo người này, hỏi người nọ về cách nấu nướng nêm nếm. Cũng phở chan nước mắt mấy lần. Cuối cùng rồi cũng xong, cũng ra dáng người tình phụ của tôi lắm. Từ đó phở ghé thăm nhà tôi thường xuyên hơn. Hết phở bò thì chuyển sang phở gà. Hình như tuần nào nhà tôi cũng thơm lừng mùi phở.
Miếng ngon nhớ lâu, đòn đau nhớ đời. Tôi thì ngược lại. Dù ai vô tình hay cố ý làm cho tôi đau đớn, tôi cũng tìm mọi cách xoa dịu cho vết thương mau lành, sớm chừng nào tốt chừng đó. Còn món ăn dẫu ngon hay dở, tôi cũng vẫn nhớ hoài nhớ hủy. Nhớ là nhớ đến tấm lòng người đã nấu ra món, cho tôi có cái ăn. Tôi gọi đó là hồn, như hồn người tình phở của tôi.
Như hồn tô phở của má tôi.
Diệp Bảo Khương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét