.

.

a

Hoa đào nở, chim én về, mùa xuân lại đến. Chúc quý thầy cô và anh chị em đồng môn năm mới Ất Tỵ 2025 : - nghìn sự như ý, vạn sự như mơ, triệu sự bất ngờ, tỷ lần hạnh phúc.
THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ, ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU - MỘT NĂM MỚI ẤT TỴ 2025 AN KHANG THỊNH VƯỢNG - VẠN SỰ NHƯ Ý

22 tháng 12 2024

Đảo Elephant



Đảo Elephant là một hòn đảo xa xôi và băng giá nằm ở Nam Đại Dương, gần mũi phía Bắc của Bán đảo Nam Cực. Hòn đảo này không có người sinh sống và nổi tiếng với vai trò trong câu chuyện sinh tồn của cuộc thám hiểm xuyên Nam Cực của Ernest Shackleton. Sau khi con tàu Endurance bị nghiền nát bởi băng, thủy thủ đoàn của Shackleton đã trú ẩn trên đảo Elephant hơn bốn tháng trước khi được giải cứu.

Hòn đảo này nằm cách Nam Mỹ khoảng 1.200 km (750 dặm) về phía Nam và cách trạm nghiên cứu Nam Cực gần nhất khoảng 940 km (585 dặm). Đảo thuộc quần đảo South Shetland và có địa hình hiểm trở với các sông băng, vách đá dốc đứng và khí hậu vùng cực khắc nghiệt. Cái tên “Elephant Island” được cho là xuất phát từ hình dạng giống voi của nó hoặc từ những con hải cẩu voi thường xuất hiện trên bờ biển.

Dù điều kiện khắc nghiệt, đảo vẫn hỗ trợ một số loài động vật hoang dã như chim cánh cụt, hải cẩu và chim biển phát triển mạnh nhờ vào vùng biển giàu dinh dưỡng xung quanh. Đảo Elephant vẫn là địa điểm quan trọng cho nghiên cứu khoa học và là nơi phản ánh về khả năng kiên cường của các nhà thám hiểm trong môi trường khắc nghiệt.

Việc tiếp cận đảo Elephant rất hiếm và thường chỉ giới hạn trong các đoàn thám hiểm khoa học hoặc những chuyến du thuyền đặc biệt. Thời tiết khắc nghiệt và làn nước băng giá khiến nơi đây trở thành một điểm đến đầy thử thách, nhưng lịch sử bi tráng và vẻ đẹp tự nhiên của nó vẫn thu hút sự quan tâm của những nhà thám hiểm và sử gia. 

Sưu tầm

Từ trường tiết lộ tòa nhà gấp đôi Nhà Trắng dưới lòng đất Iraq

(NLĐO) - Dấu tích thủ đô tráng lệ 2.700 tuổi của Vương quốc Assyria đã được tìm thấy bởi một nhóm khảo cổ quốc tế, nhờ máy đo từ trường.

Theo Liên đoàn Địa vật lý Mỹ (AGU), một trong những cơ quan tham gia cuộc khảo sát mới nhất tại miền Bắc Iraq, máy đo từ trường đã giúp phát hiện ra một cụm cấu trúc thách thức những hiểu biết về thủ đô Khorsabad của Vương quốc Assyria cổ đại.

Những gì họ tìm thấy bên dưới lòng đất, nơi Khorsabad từng tọa lạc, là dấu vết của một khu vườn cung điện và 5 tòa nhà lớn, bao gồm một biệt thự 127 phòng, kích thước gấp đôi Nhà Trắng.

Tượng sinh vật thần thoại Lamassu, được coi là biểu tượng của thủ đô Khorsabad của Assyria - nơi vừa được khảo sát bằng công cụ đo từ trường - được trưng bày tại Mỹ - Ảnh: BẢO TÀNG KHẢO CỔ HỌC VIỆN ĐÔNG PHƯƠNG, ĐẠI HỌC CHICAGO

Nhà địa vật lý Jörg Fassbinder từ Đại học Ludwig-Maximilians (Đức), trưởng nhóm nghiên cứu, đã trình bày phát hiện tại hội nghị thường niên của AGU vừa được tổ chức ở Washington DC.

Nhóm tác giả đã mang một thiết bị đo từ trường nặng 15 kg rà soát chi tiết phế tích Khorsabad để tìm các cấu trúc ngầm còn ẩn giấu dưới lòng đất từ năm 2022.

"Mỗi ngày chúng tôi lại khám phá ra một điều mới" - TS Fassbinder nói.

Họ nhận thấy dường như những gì nhân loại hiện nay biết về thành đô của vương quốc hùng mạnh này chỉ dựa trên rất ít dữ liệu, ví dụ như các không gian và sáng tạo nghệ thuật liên quan đến nhà vua.

Phần lớn thủ đô - nơi những cư dân khác sinh sống và chứng kiến sự vận hành của một nền văn minh cổ đại lẫy lừng - vẫn chưa được biết đến.

Kết quả của cuộc khảo sát mới cho thấy Khorsabad là một thủ đô thịnh vượng phát triển vượt xa những gì các nhà khảo cổ đã nghĩ trước đây, theo Live Science.

Vì tất cả những công trình mới phát hiện đều còn chôn vùi dưới lòng đất, sẽ cần thêm các cuộc khai quật quy mô lớn để chúng ta có thể hiểu cặn kẽ hơn về đô thành tồn tại từ thế kỷ thứ 8 trước Công nguyên này.

Hoàng đế Tân Assyria Sargon II bắt đầu xây dựng thủ đô mới khổng lồ của mình - ban đầu được gọi là Dur-Sharrukin, có nghĩa là "Pháo đài Sargon" - vào năm 713 trước Công nguyên.

Nhưng ông đã qua đời chỉ 8 năm sau đó, có thể là trước khi thành đô này được hoàn thiện.

Khi kế vị cha, Hoàng đế Sennacherib đã dời đô đến TP Nineveh. Vì vậy, Khorsabad bị bỏ hoang và lãng quên trong hơn hai thiên niên kỷ.

Các đoàn khảo cổ của Pháp và Mỹ vào những năm 1800 và 1900 đã khai quật được cung điện Khorsabad, bao gồm các bức tượng "Lamassu" mang tính biểu tượng của những con bò có cánh với đầu người.

Tuy vậy, ngoài cung điện và các bức tường bao của thành phố, bố cục của thủ đô cổ đại vẫn còn là một bí ẩn.

Bí ẩn rùng mình về 13 xác ướp có lưỡi bằng vàng ở Oxyrhynchus

(NLĐO) - Một hầm mộ cực kỳ phức tạp đã che giấu loạt xác ướp bí ẩn từ triều đại Ptolemaic của Ai Cập.

Theo Bộ Du lịch và cổ vật Ai Cập, 13 xác ướp có lưỡi và một số móng tay bằng vàng đã được khai quật tại di chỉ Oxyrhynchus tại thành phố cùng tên ở miền Trung Ai Cập, cách Cairo khoảng 160 km.

Loạt xác ướp này được che giấu trong một hầm mộ cũng phức tạp và bí ẩn như cách những người cổ đại này đã an nghỉ.


Số lưỡi vàng và móng tay vàng mà các nhà khảo cổ Ai Cập đã thu thập từ các xác ướp ở Oxyrhynchus - Ảnh: BỘ DU LỊCH VÀ CỔ VẬT AI CẬP

Theo Live Science, nhóm nghiên cứu đã tìm thấy các xác ướp khi đào sâu xuống đáy một hố chôn cất đã biết và phát hiện ra một hành lang ngầm.

Hành lang này dẫn đến 3 buồng chứa hàng chục xác ướp thuộc triều đại Ptolemaic (khoảng năm 304 đến năm 30 trước Công nguyên), là triều đại do một trong những vị tướng của Alexander Đại đế cai trị Ai Cập.

Đây không phải là những xác ướp có lưỡi vàng đầu tiên được khai quật ở Oxyrhynchus. 16 xác ướp lưỡi vàng tương tự đã được tìm thấy ở di chỉ này trước đây.

Các nhà khoa học cho biết đằng sau món trang sức kỳ dị này là một niềm tin rùng mình.

Người Ai Cập cổ đại đã cho rằng vàng là "thịt của các vị thần", theo hai nhà khảo cổ Esther Pons Mellado và Maite Mascort, đồng giám đốc của phái đoàn khảo cổ học Tây Ban Nha - Ai Cập tại Oxyrhynchus.

Vì thế, họ trang bị lưỡi bằng vàng cho người chết với niềm tin rằng điều này sẽ giúp những nhân vật quý tộc này có đặc quyền là nói chuyện ở thế giới bên kia.

Trước đây một số xác ướp có lưỡi bằng vàng đã được khai quật ở những địa điểm khác, nhưng chỉ lẻ tẻ và được xác định là thuộc về các quan chức cao cấp của Ai Cập cổ đại.

Bình luận trên Live Science, GS Ai Cập học Salima Ikram cho rằng số xác ướp lưỡi vàng nhiều bất thường tại Oxyrhynchus có thể do đây là nơi chôn cất tập trung của những người ưu tú liên quan đến đền thờ và các giáo phái thờ động vật từng phát triển mạnh nơi đây.

Ngoài ra, có một giả thuyết khác đơn giản hơn: Lưỡi vàng có thể chỉ là mốt thời thượng trong khu vực này vào thời kỳ đó.

"Robot kiến" hứa hẹn thành công cụ y khoa đột phá

Nhóm nghiên cứu từ Đại học Hanyang (Hàn Quốc) vừa cho ra mắt loại robot siêu nhỏ với kích thước tính bằng micromet và có thể phối hợp hoạt động như đàn kiến.

Những microrobot này được chế tạo bằng cách sử dụng khuôn và nhựa epoxy nhúng hợp kim sắt từ, thứ giúp robot có thể được "lập trình" để tạo thành các cấu hình khác nhau sau khi tiếp xúc với từ trường mạnh từ những góc độ nhất định. Những microrobot sau đó có thể được điều khiển bằng các trường từ bên ngoài để thực hiện chuyển động xoay hoặc những động tác khác.

Trong thí nghiệm, các nhà nghiên cứu đã điều khiển 1.000 microrobot phối hợp để vượt qua những thử thách như trèo qua chướng ngại vật cao gấp 5 lần chiều cao của mỗi con, tạo thành bè nổi trên mặt nước, đi qua một ống bị tắc, vận chuyển một viên thuốc nặng gấp 2.000 lần trọng lượng của mỗi con qua chất lỏng…

Kết quả nghiên cứu cho thấy loại "robot kiến" này có tiềm năng lớn để trở thành công cụ y khoa đột phá trong tương lai, với các ứng dụng như tái thông mạch máu hoặc vận chuyển thuốc đến một mục tiêu xác định trong cơ thể người.

Thí nghiệm cho thấy đàn “robot kiến” tạo thành bè nổi trên mặt nước. Ảnh: ĐẠI HỌC HANYANG

"Mặc dù kết quả nghiên cứu rất hứa hẹn nhưng các đàn robot sẽ cần mức độ tự động cao hơn trước khi sẵn sàng cho các ứng dụng thực tế" - ông Jeong Jae Wie, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết.

Hiện nay, loạt robot này vẫn phụ thuộc việc điều khiển bằng từ trường từ bên ngoài và chưa có khả năng tự động điều hướng qua các không gian phức tạp hoặc chật hẹp. Vì vậy, nhóm nghiên cứu vẫn đang tập trung vào việc cải thiện khả năng tự động của chúng.

Bình luận trên trang New Scientist, nhà nghiên cứu Xiaoguang Dong từ Đại học Vanderbilt (Mỹ) cho rằng các microrobot từ tính này là công cụ đầy hứa hẹn cho việc cung cấp thuốc ít xâm lấn trong không gian nhỏ, kín và hạn chế trong cơ thể.

Ngoài việc cải thiện khả năng tự động của robot, ông Dong cho rằng nhóm nghiên cứu còn cần giải quyết các thách thức về an toàn, như phủ vật liệu thân thiện với con người lên các hạt từ tính "có nguy cơ gây độc". Nếu an toàn, theo ông Dong, các robot này có thể điều hướng hiệu quả đến các khu vực bệnh tật mục tiêu và cung cấp thuốc tại chỗ, giúp các phương pháp điều trị trở nên chính xác và hiệu quả hơn.

Theo Người Lao Động

Phát hiện chiến trường cổ đại của Alexander Đại đế tại Thổ Nhĩ Kỳ

Các nhà khảo cổ học vừa xác định được vị trí chính xác của một trong những trận chiến quan trọng nhất của Alexander Đại đế, diễn ra cách đây hơn 2.300 năm. Phát hiện này được công bố trên tờ Türkiye Today của Thổ Nhĩ Kỳ.


Một bức tranh khảm mô tả Alexander Đại đế. Ảnh: iStock/Getty Images 

Địa điểm chiến trường cổ đại được tìm thấy bên bờ sông Biga thuộc tỉnh Çanakkale, tây bắc Thổ Nhĩ Kỳ. Trong thời cổ đại, con sông này được biết đến với tên gọi Granicus.

Trận chiến Granicus diễn ra vào năm 334 trước Công nguyên đánh dấu chiến thắng quan trọng đầu tiên của Alexander trong chiến dịch chống lại Đế chế Ba Tư Achaemenid. Chiến thắng này mở đường cho việc chinh phục vùng Tiểu Á - khu vực lịch sử tương ứng với phần lớn lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại.

Tiến sĩ Reyhan Korpe, nhà khảo cổ học đến từ Đại học Çanakkale Onsekiz Mart (ÇOMU), người đã khởi xướng dự án nghiên cứu này từ 20 năm trước, nhấn mạnh: "Trận Granicus được coi là một trong những thời khắc then chốt trong lịch sử thế giới. Sau chiến thắng tại đây, Alexander đã tiến quân chinh phục vùng Tây Anatolia và phần lớn châu Á, mở rộng đế chế của mình tới tận Ấn Độ".

Nhóm nghiên cứu không chỉ xác định được vị trí chính xác của chiến trường, các ngôi làng liên quan và vị trí của nó trong đồng bằng, mà còn phát hiện ra tuyến đường mà Alexander và quân đội của ông đã di chuyển để đến địa điểm này. Tiến sĩ Reyhan Korpe chia sẻ: "Chúng tôi đã lập bản đồ chi tiết lộ trình của Alexander, bắt đầu từ làng Ozbek, đi qua Umurbey, Lapseki và cuối cùng đi xuống đồng bằng Biga".

Sau phát hiện này, chính quyền địa phương đang lên kế hoạch phát triển địa điểm chiến trường thành điểm du lịch trong khuôn khổ dự án "Tuyến đường Văn hóa Alexander Đại đế".

Đào Lâm (TTXVN)







Không có nhận xét nào:

CHÀO MỪNG QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU SÓC TRĂNG THAM QUAN, ỦNG HỘ HOANGDIEUTRUONGXUASAIGON.BLOGSPOT.COM. CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM NHIỀU SỨC KHỎE, THÀNH CÔNG TRONG CÔNG VIỆC.