Nhân dịp năm mới Bính Thân, chúng ta không thể không nhắc đến Tôn Ngộ Không, một nhân vật huyền thoại rất nổi tiếng trong văn hoá Đông Phương. Tôn Ngộ Không là một nhân vật chính trong tác phẩm “Tây Du Ký”, một trong tứ đại danh tác Trung Hoa, được sáng tác vào triều đại nhà Minh (1368–1644).
Câu chuyện bắt đầu từ nước Ngạo Lai ở Đông Thắng Thần Châu, một trong Tứ Đại Bộ Châu của Phật giáo. Nơi đây có một quả núi tên là Hoa Quả Sơn, trên đỉnh núi lại có một tảng đá dị thường. Tảng đá này hứng chịu đủ loại nắng mưa gió bão, trải qua hàng nghìn năm đằng đẵng đã hấp thụ tinh khí của đất trời và nhật nguyệt tinh tú. Từ tảng đá ấy dần dần nứt ra một quả trứng đá thần.
Một ngày nọ, sau một trận bão lớn, quả trứng đá nứt ra một con Thạch hầu có hình dáng giống hệt người, chỉ có điều trên thân đầy lông lá và lại có đôi mắt sáng quắc. Khỉ đá sống trong núi rừng hoang vắng, đói ăn hoa quả khát uống nước suối, và làm bạn với bầy khỉ trên Hoa Quả Sơn. Một lần, khỉ đá nhảy xuyên qua một thác nước và phát hiện ra đằng sau thác nước không phải là vách núi mà là một hang động vô cùng mỹ lệ, trước cửa còn ghi mấy chữ “Thủy Liêm động”. Khỉ đá dẫn bầy khỉ vào sống trong hang động và được bầy khỉ tôn làm vua, lấy tên là Mỹ Hầu Vương.
Ở đó, bầy khỉ cùng nhau sinh sống vui vẻ, mỗi ngày đều là yến tiệc. Nhưng rồi một ngày, Mỹ Hầu Vương chợt nhận ra rằng cuộc sống xa hoa này rồi cũng sẽ kết thúc và ai rồi cũng phải chết. Hầu Vương buồn bã, quyết định từ bỏ mọi thứ để lên đường tìm kiếm chân sư, học đạo trường sinh để thoát khỏi sinh tử. Thế là Hầu Vương rời khỏi Hoa Quả Sơn, cải trang ăn mặc giống người và bắt đầu hành trình tầm sư học Đạo.
Trải qua nhiều tháng lênh đênh tìm kiếm, cuối cùng Hầu Vương cũng tìm được một vị sư phụ chân chính, ngài là Bồ Đề Tổ Sư ngụ trên núi Linh Đài. Hầu Vương nhanh chóng trở thành đệ tử ưu tú của Bồ Đề Tổ Sư, được sư phụ dạy cho 72 phép thần thông biến hóa, lại học được phép Cân đẩu vân, lộn một vòng bay xa 10 vạn 8 nghìn dặm. Vị sư phụ Đạo gia đặt cho Hầu Vương cái tên Tôn Ngộ Không, Tôn theo từ Hán cổ có nghĩa là con khỉ, Ngộ Không có nghĩa là giác ngộ được tính không.
Sau khi từ biệt sư phụ, Ngộ Không với bản tính ngạo mạn đã tung hoành khuấy đảo khắp nơi trong thiên hạ, hết loạn Long cung, phá Địa phủ lại đại náo Thiên đình. Đầu tiên, con khỉ lặn xuống biển quậy phá Đông Hải Long Cung, chiến lợi phẩm thu được là bộ áo giáp, giày kim cang huyền thiếc và cây gậy Như Ý mà sau này trở thành bảo bối và cũng là vũ khí lợi hại của Ngộ Không. Sau đó, Tôn Ngộ Không đi xuống Âm Phủ và xóa sạch sổ ghi thiện ác, sinh tử của loài khỉ. Các vị thần tiên trước tình cảnh đó đành phải bay lên Thiên đình bẩm tấu với Ngọc Hoàng Thượng Đế.
Để tránh bị con khỉ gây náo loạn thêm, Ngọc Hoàng bèn phong cho hắn chức quan Bật Mã Ôn, chuyên trông coi ngựa trên Thiên đình. Ban đầu hắn tỏ ra vô cùng thích thú và tự hào, mãi cho đến khi phát hiện ra đây chỉ là chức quan thấp nhất trên Thiên đình, hắn vô cùng tức giận và bỏ về Hoa Quả Sơn.
Thiên binh thiên tướng được cử xuống thu phục Ngộ Không nhưng đều bị hắn đánh bại. Với bản tính kiêu ngạo và ngỗ ngược, hắn tự phong cho mình là Tề Thiên Đại Thánh. Cuối cùng, Ngọc Hoàng đành mời Ngộ Không lên Thiên Đình, giao cho chức quan trông coi vườn đào để dễ bề quản lý.
Một hôm, Vương Mẫu Nương Nương mở hội bàn đào, thần tiên trên Thiên đình đều được mời đến dự, duy chỉ có Tề Thiên Đại Thánh là không được mời, điều này khiến cho Ngộ Không nổi trận lôi đình.
Ngộ Không bèn lẻn vào điện Linh Tiêu, ăn trộm đào tiên, uống trộm linh đan. Chẳng những phá tan yến tiệc mà hắn còn làm hỏng cả vườn đào trường thọ. Đã đến lúc bắt hắn dừng lại.
Lần này, Ngọc Hoàng cử 10 vạn thiên binh thiên tướng để bắt yêu hầu. Cuối cùng, Nhị Lang Thần và Thái Thượng Lão Quân phải ra tay mới bắt được con khỉ.
Thế nhưng mọi cố gắng hành hình con khỉ đều thất bại vì hắn đã ăn no đào tiên cộng với linh đan trường sinh bất tử, dù là đao chém, lửa đốt hay sét đánh cũng chẳng làm gì được hắn. Thiên đình không biết làm thế nào đành phải nhốt hắn vào lò bát quái của Thái Thượng Lão Quân, dùng Tam Muội Chân Hỏa để nấu chảy hắn. Sau 49 ngày bị nung trong lò bát quái, Ngộ Không làm nổ tung lò và thoát ra ngoài, chẳng những không hề hấn gì mà còn luyện được Hỏa Nhãn Kim Tinh, đôi mắt nhìn thấu yêu quái dù chúng có ngụy trang dưới bất cứ hình thức nào.
Cuối cùng, Thiên đình phải nhờ đến sự giúp đỡ của Phật tổ để thu phục yêu hầu. Phật tổ bèn đánh cược với Ngộ Không rằng hắn không thể thoát khỏi lòng bàn tay của Phật tổ. Ngộ Không có phép Cân đẩu vân, lộn một vòng bay xa tới một vạn tám nghìn dặm, vì thế mà chẳng e dè gì liền đồng ý ngay lập tức. Thế nhưng lần này Ngộ Không đã nhầm, thần thông không thắng được Phật lực.
Ngộ Không sau khi nhảy lên lòng bàn tay của Phật tổ liền bay đi rất xa, đến khi nhìn thấy năm cây cột lớn đứng giữa trời thì nghĩ rằng mình đã đi đến tận cùng của trời đất rồi, liền tiểu tiện rồi viết lên đó tám chữ: “Tề Thiên Đại Thánh đáo thử nhất du” (Tề Thiên Đại Thánh từng đến đây vui chơi) để làm bằng chứng. Xong xuôi, hắn quay về để định phần thắng. Lúc này Phật tổ mới cho Ngộ Không xem ngón tay giữa của mình, trên đó vẫn còn nguyên tám chữ “Tề Thiên Đại Thánh đáo thử nhất du”. Tôn Ngộ Không bản lĩnh cao cường là vậy nhưng rốt cuộc vẫn không thể thoát khỏi lòng bàn tay của Phật tổ.
Ngộ Không thua cuộc nên bị Phật tổ bắt nhốt dưới chân núi Ngũ Hành Sơn, Ngộ Không bị đè dưới núi 500 năm. Lúc đó đúng vào thời nhà Đường, có một vị cao tăng từ Đông Thổ sang Tây Trúc thỉnh kinh. Phật tổ đã an bài để Đường Tăng đi qua núi Ngũ Hành Sơn nơi Ngộ Không đang bị giam giữ, lại phái Quan Âm Bồ Tát xuống giải thoát cho Ngộ Không và giao cho Ngộ Không trách nhiệm phò tá Đường Tăng đi lấy kinh.
Ngộ Không lúc này đã toàn tâm toàn ý nguyện phò tá Sư phụ đến Tây Trúc thỉnh kinh. Nhưng bản tính ngông cuồng ngạo mạn của hắn vẫn chưa hoàn toàn được dứt bỏ, vì thế Quan Âm Bồ Tát đã đeo lên đầu Ngộ Không chiếc vòng Kim Cô để Đường Tăng có thể quản lý đồ đệ của mình mỗi khi hắn không chịu nghe lời.
Trải qua 81 khổ nạn trên đường đi, Ngộ Không đã hoàn thành sứ mệnh bảo vệ Đường Tăng, vượt qua muôn vàn nguy hiểm cám dỗ, trừ yêu diệt quái, cuối cùng lấy được chân kinh, chứng đắc Phật quả, được phong là Đấu Chiến Thắng Phật. Tôn Ngộ Không trở thành nhân vật nổi tiếng và nhiều màu sắc nhất trong văn học cũng như văn hóa đại chúng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét