Còn đúng một tuần nữa thì Tết bên quê nhà. Mấy hôm trước, đọc bài của chị Nương viết về Đại Hải đã làm tôi thật cảm xúc - rồi hôm qua, tôi nhận được tin nhắn của ông anh lớn tuổi trước kia từng là học trò của thầy tôi. Anh hỏi tôi ngày xưa anh đến thăm thầy có thấy một tấm hình được phóng lớn mà thầy chụp cùng với các học sinh trường Đại Hải lúc gần bãi trường, nếu tôi còn giữ tấm hình đó thì in ra rồi gửi cho anh. Tôi nhớ ngay ra tấm hình: thầy tôi chụp chung với vài giáo viên và các học sinh lớp nhất trường Đại Hải. Điểm sinh động trong tấm hình là có hai anh học trò quay sang đang giằng co nhau trông thật vui và ngây thơ dễ thương - nhưng tấm hình đó nằm trong album gia đình có lẽ đã thất lạc khi anh em chúng tôi dọn đồ về SG. Tôi kể điều này với anh bạn và anh cười khà khà bảo tôi: anh là một trong hai người mà em tưởng sắp đánh lộn đó. Sự thực không phải hai anh đánh lộn đâu mà chỉ để tranh nhau chỗ đứng thôi. Rồi anh bùi ngùi kể tiếp: người bạn của anh tên Tưởng kia giờ không còn nữa. Anh ấy đã mất trong một trận chiến trước 75 năm xưa. Tôi cũng thật bất ngờ và buồn với tin này dù ngày ấy tôi còn bé, không biết anh Tưởng là ai... chiến tranh đã để lại không biết bao nhiêu là đau thương mất mát!
Ngoài trời tuyết đang rơi. Bỗng dưng, hôm nay tôi nhớ thật nhiều về những ngày thơ ấu nơi làng Đại Hải xưa. Nơi mà thầy mẹ chúng tôi đã bỏ Bắc vào Nam đi cư năm 54 để tìm tự do và mặc dù thầy tôi đã cùng bác giáo Trọng mua đất ở Sài Gòn, gần nhà thương Đồn Đất, vẫn bán đi ngay khi cha Huy muốn “ông giáo về đây để mở trường học giúp tôi”.
Vài tháng sau gia đình tôi và hai bà cô về Đại Hải, nơi miền đất phương Nam mầu mỡ nhiều phù sa với những cánh đồng thẳng cánh cò bay. Về nơi này, chúng tôi sống gần dân làng phần lớn là họ hàng thân thiết. Mọi người sống bằng nghề nông như hồi ở làng quê đất Bắc. Ở đây, ruộng nương trù phú và cá tôm đầy đồng. Một điều bất tiện là ngày ấy Đại Hải chỉ có trường tiểu học. Đến trung học anh chị em chúng tôi lại phải khăn gói lên Sóc Trăng hoặc Cần Thơ ở trọ để học tiếp.
Chúng tôi lớn lên trong cuộc sống êm đềm làng quê với những cánh đồng trải dài và lũy tre xanh ngắt. Tôi thích nhất những ngày hè gặt lúa được theo cô Kiểm ra ruộng, đi chênh vênh trên con đê cao cạnh ruộng chú vệ Tam. Vừa đi vừa ôn hát những bài nhạc mà anh Thoại mới dạy hôm qua: nương chiều, em bé quê, nhớ người thương binh...Tôi cứ tự do rống lên sai be bét mà không sợ anh Thoại mắng. Gió từ đồng trống lồng lộng thổi về mang theo mùi hương của lúa và gốc rạ, mùi của cả đám năn dại vừa được xới lên từ phía cuối thửa ruộng... Rồi những chiều tháng tư mùa Phục Sinh ra sau vườn nhà vẫn nghe văng vẳng tiếng chuông nhà thờ ngân vang theo gió chiều vọng lại, thật buồn bã mà cũng thật êm đềm!
Tôi không thể quên được những ngày giáp Tết của tuổi thơ: bánh trái, áo đẹp và tiền mừng tuổi là những món quà đẹp nhất. Thầy tôi dạy học nên các anh chị đến chúc tuổi nhiều lắm! Ngày ấy tình nghĩa thầy trò còn thân thiết sâu nặng, tình làng xóm cũng gần gũi chan hoà...
Rồi anh chị em chúng tôi lớn dần: chị Ruy lập gia đình lại theo nghề dạy học của thầy. Anh Thoại học Quốc gia hành chánh. Tôi cũng chọn nghề dạy học để nối gót chị Ruy và sau đó lấy chồng về sống ở SG.
Mỗi năm tôi lại về Đại Hải thăm gia đình. Có những lần về ấm áp vui mừng và có lần về thật đau đớn khi phải tiễn những người thân yêu nhất ra đi.
Sau 75 mọi người tứ tán. Dân làng Đại Hải chúng tôi một số ở lại chọn nơi này làm chốn yên nghỉ cuối cùng, một số phiêu dạt nơi xứ xa.
Thầy mẹ tôi và hai bà cô cũng đã nghỉ yên trong lòng nghĩa trang Đại Hải từ mấy chục năm qua. Ngôi trường tiểu học thầy làm Hiệu Trưởng hai mươi lăm năm xưa giờ thành trường cấp ba - và con đường dẫn vào làng Ngọc Lý đã không còn nằm cạnh thảm cỏ năm xưa nữa. Ngôi Thánh Đường cũng được xây lại khang trang uy nghi. Dòng sông trước nhà, nước không còn trong veo để đám trẻ nhỏ bơi bè chuối như ngày thơ ấu của chúng tôi. Tất cả đã đổi thay theo dòng thời gian...
Nơi này chúng tôi không có Tết và ngoài kia thì đất trời thật lạnh lùng! Tuyết trắng giờ đã phủ đầy mái hiên. Tuổi thơ của tôi qua đi lâu rồi nhưng hình ảnh thầy mẹ tôi và hai bà cô cùng với những con đường, dòng sông và cánh đồng trơ gốc rạ ngày mùa gặt sẽ còn mãi in sâu trong lòng tôi - có lẽ, cho đến ngày sau cùng của cuộc sống...
FB Nguyễn lập Loan HD66
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét