Có nhiều người đã cho rằng trong toàn bộ lịch sử nhân loại chỉ có đúng 2 thiên tài vĩ đại, 2 cá nhân kiệt xuất với những tầm nhìn vượt quá xa thời của họ, 2 người duy nhất được đưa ra thuyết âm mưu là người ngoài hành tinh, một là Leonardo da Vinci, và người thứ hai, lại là một người hùng vô danh với những phát minh, những ý tưởng mà chúng ta đang được sử dụng hôm nay (kể cả mạng Internet mà bạn đang dùng để đọc bài của tôi), người thứ 2 là Nikola Tesla.
Nếu Leonardo da Vinci là thiên tài toàn năng, được biết đến với những tác phẩm nghệ thuật vĩ đại, những công trình chép tay về máy bay, về giải phẫu sinh lý người ở … thế kỷ 16, thì Nikola Tesla lại bị coi là nhà bác học điên, một kẻ lập dị với những ý tưởng bị coi là điên rồ thời đó. Người đàn ông sinh năm 1856 này đã từng nói về những tên lửa, những ngư lôi, thiết bị bay điều khiển bằng vô tuyến, máy bay phản lực, tàu có đệm không khí từ những năm cuối thế kỷ 19. Vì vượt thời đại quá xa, còn công nghệ thì không theo kịp, ông bị coi là nhà bác học điên.
Cùng thời với ông, trong khi Edison nổi tiếng và được hâm mộ cho đến tận về sau này, thì Tesla lại bị kì thị và coi là kẻ lập dị (tôi sẽ nói thêm chuyện này ở phần sau bài viết).
“Tôi có thể dỡ tung trái đất, nhưng tôi không bao giờ làm việc đó. Mục đích của tôi là tìm ra những ý tưởng mới và để cho những nghiên cứu mới.”
Vào thời đó, chỉ có những chính phủ là tin vào những ý tưởng điên rồ đó. Đấy là lý do có nhiều thuyết âm mưu về việc Tesla có liên quan đến cuộc chiến tranh thế giới thứ 2, và những ý tưởng của ông là khởi phát cho vũ khí mà Đức Quốc Xã sử dụng trong cuộc chiến tranh này. Nhưng ông cũng đến Nga, đến Mỹ. Giống như một sứ giả đi xếp đặt cho sự cân bằng của các cường quốc. Telsa không phục vụ các quốc gia riêng rẽ, ông là người của nhân loại.
Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người xếp Tesla cạnh Da Vinci trong nhóm 2 thiên tài dị biệt theo kiểu tương lai học. Họ từng kể rằng ông từng khuyên 1 người bạn đừng đi chuyến du lịch TITANIC. Tiên đoán chiến tranh thế giới thứ nhất sẽ diễn ra trong vòng 4 năm và kết thúc vào tháng 12. Thế giới không hòa bình được lâu và thế giới sẽ đến cuộc chiến tranh mới sau đó 20 năm.
Số lượng khổng lồ các ý tưởng mà Tesla viết nên và phác thảo ra vượt quá suy nghĩ đương thời. Giống như thể ông lấy chúng từ trong giấc mơ, và khi tỉnh giấc ông dùng hiện thực chép lại. Từ năm 19 tuổi đến tận khi qua đời, mỗi ngày Tesla chỉ ngủ đúng 2 tiếng đồng hồ. Ông không thể rời khỏi bàn làm việc, và khi ngủ thiếp thì lại mơ thấy chúng. Ông làm việc điên cuồng và không ngừng nghỉ chỉ để giải đáp cho câu hỏi “Chúng ta là ai? Từ đâu đến? Để làm gì? Chúng ta có những khả năng gì?”
Cuộc đời của ông cho đến lúc nhắm mắt là sống với các ý tưởng tràn ra như thác đổ. Hơn 300 phát minh, đa phần là đi trước thời đại nhưng tên tuổi của ông mới chỉ được cả thế giới ghi nhận trong vòng 20 năm trở lại đây.
Bây giờ tôi sẽ giải đáp câu hỏi: Tại sao hồi nhỏ chúng ta chỉ biết mỗi về Thomas Edison, cha đẻ của dòng điện, mà không biết về Nikola Tesla, cha đẻ của điện xoay chiều, của sóng vô tuyến? Nhiều câu chuyện về sự ngược đãi của Edison giành cho Tesla, những mưu mô hay cả nhiều người tin rằng rất nhiều phát minh mà Edison đóng dấu bản quyền vốn là của Tesla. Cũng có một vài bài báo minh oan cho mối quan hệ này. Tùy các bạn, nhưng có một điều tôi tin rằng ta phải sử dụng tính logic để giải quyết vấn đề.
Bạn lên cỗ máy thời gian và quay ngược lại hình ảnh thời thơ ấu, bên những bóng đèn vàng, và chiếc tivi đen trắng. Tôi muốn hỏi bạn rằng ngày hôm đó, bạn có biết sẽ đến một ngày có Internet hay không? Câu trả lời rằng không.
Tôi sinh ra ở một miền quê nghèo tỉnh Quảng Bình, ngày đó tôi đọc các câu chuyện về những danh nhân, về nỗ lực của nhà phát minh Edison. Nhưng nếu có một người nói với tôi rằng có một lão bác học điên cùng thời với Edison luôn nói về truyền dẫn không dây, và dự báo về tương lai thế giới sẽ có một ngày bạn ở London và được nghe, được thấy một linh mục ở New York giảng đạo, thì tôi chắc chắn không tin. Vâng, xin thưa cái nhà bác học điên ấy là Tesla, và cái ông miêu tả là Internet, livestream hôm nay đấy.
Kể cả Edison cũng không theo kịp Tesla.
Ngày đó, trong cơn bi phẫn, Telsa đã thốt lên: “Thế giới thiển cận và lầm lạc đã cười nhạo các ý tưởng của tôi. Biết bao nhiêu người gọi tôi là kẻ hay tưởng tượng. Nhưng hãy để cho thời gian trả lời tất cả. Thế giới non dại và tàn nhẫn này, một ngày rồi sẽ sử dụng các thí nghiệm của tôi.”
Khi Internet ra đời, công nghệ vô tuyến phát triển, công nghệ không dây đang đi đến thời đại 5G. Loài người khi đó mới sửng sốt phát hiện ra rằng cách đó 100 năm đã có một con người nói về những điều này, và kẻ đó bị coi là người điên. Trong hối hận, họ đi đòi công bằng cho ông, hòng đưa tên tuổi Tesla trở lại với công chúng, bên cạnh và vượt qua luôn Edison.
Vào ngày 1/7/2003, tại thung lũng Silicon huyền thoại có hai người đàn ông tên là Eberhard và Tarpenning cùng một người bạn thứ 3 là hàng xóm Ian Wright đã thành lập một công ty. Họ thống nhất đặt cho nó cái tên là Tesla Motors. Họ chọn cái tên đó là để mục đích vinh danh nhà khoa học bị lãng quên vừa tìm lại được chỗ đứng trong lịch sử: Nikola Tesla.
Và cũng như Tesla, những gì họ có trong tay chỉ là những ý tưởng, bản phác thảo. Cho đến một ngày định mệnh của tháng 4/2004, có một triệu phú trẻ gốc Nam Phi với tầm nhìn cũng điên không kém Tesla đã quyết định đầu tư vào Tesla Motors 6,35 triệu đô la trong lần rót vốn đầu tiên. Người đàn ông đó đã nắm lấy con thuyền non trẻ này. Với vị trí CEO, anh đổ mồ hôi, công sức, và rót cả tài sản bản thân hòng đưa con thuyền ấy vượt qua giông tố, từng bước từng bước đi qua chướng ngại công nghệ đến chướng ngại con người, chính phủ. Cuối cùng cũng đến hồi chiến thắng. Cùng với Tesla, ông trở thành người giàu nhất thế giới. Tên gã đàn ông đó là Elon Musk.
78 năm từ sau ngày Nikola Tesla mất trong tủi nhục, sự xa lánh, và sự nghèo đói, những hậu bối thần tượng ông giờ đã đòi lại cho ông sự công bằng, tự tôn, lòng thành kính. Từ đêm dài lãng quên, giờ đây họ đã biến cái tên Tesla thành bất tử.
(Nguồn: Dũng Phan)
--------------------------------
Irena Sendler - Người phụ nữ cứu sống 2.500 trẻ em Do Thái khỏi phát xít Đức.
Sinh ra tại Ba Lan vào ngày 15.2.1910, Irena Sendler, hay còn được biết đến là Irena Krzyżanowska lớn lên với những lời dạy bảo của cha mình về giá trị của việc giúp đỡ mọi người, bất kể tôn giáo và quốc tịch. Cha bà Irena là bác sĩ Stanisław Krzyżanowski, từng điều hành một bệnh viện ở ngoại ô Otwock.
"Lý do tôi cứu những đứa trẻ vì chúng gắn liền với gia đình tôi, với tuổi thơ tôi. Tôi được cha dạy rằng chỉ cần ai đó cầu cứu sẽ có những cánh tay giúp đỡ họ, từ sâu thẳm trái tim, không phân biệt tôn giáo hay quốc tịch" - bà Irena chia sẻ.
Vì vậy, bất chấp việc là một phụ nữ Công giáo, bà đã tự lòng cam kết phải giúp đỡ các gia đình Do Thái bằng mọi cách có thể, nhất là lúc mạng sống của họ bị đe dọa khi Đức quốc xã lập nên Khu tập trung Do Thái Warsaw (Warsaw Ghetto)
Là nhân viên của Sở Phúc lợi Warsaw (Ba Lan) phụ trách các căng-tin của các quận trong thành phố, bà Irena Sendler đã có điều kiện gần gũi những gia đình nghèo Do Thái. Trước chiến tranh, các căng-tin này chuyên chu cấp bữa ăn, trợ giúp tài chính và những dịch vụ khác cho trẻ mồ côi, người già và người nghèo khó.
Năm 1939, khi Đức quốc xã xâm chiếm Ba Lan và bắt đầu sàng lọc người Do Thái, dù bị cấm nhưng Irena vẫn tổ chức được các căng-tin quyên góp quần áo, thuốc men và tiền bạc cho người Do Thái. Ba năm sau, quân phát xít Đức quyết định dồn 450.000 người Do Thái ở Ba Lan vào 16 khu nhà tại Warsaw Ghetto.
Cuối năm 1942, Irena Sendler tham gia phong trào Zegota (Hội đồng trợ giúp người Do Thái) do chính phủ Ba Lan lưu vong thành lập với mục đích giải cứu người Do Thái Ba Lan. Trong những năm 1942 và 1943, bà Sendler và một nhóm nhỏ nhân viên xã hội khác đã giúp trẻ em Do Thái trốn thoát.
Vượt qua lệnh cấm của Đức quốc xã, với tư cách nhân viên xã hội, Irena được quyền đi lại tự do trong khu ghetto và tiếp tục giúp đỡ những gia đình Do Thái ở đây theo nhiều cách khác nhau, nhất là giúp đỡ các em bé, những người còn ngây thơ và không biết gì đến hậu quả của chiến tranh. Nhớ lại thời kỳ này, Irena từng viết: “Lúc đầu tôi chủ yếu hành động theo cảm tính: nhận thức được sự khủng khiếp của cuộc sống sau những bức tường, tôi cố giúp những người bạn cũ”.
Một trong những nhiệm vụ hàng đầu của Zegota là giải thoát những đứa trẻ trong ghetto trước khi phát xít Đức đốt bỏ khu này, đồng nghĩa với việc chúng sẽ theo cha mẹ bị lùa lên các toa tàu chở gia súc để đưa đi “lao động” ở miền Đông, nhưng thực ra là đưa về Treblinka, một ngôi làng nhỏ ở Mazovia, nơi Đức quốc xã đã tổ chức các trại tử thần như một phần của chiến dịch Reinhard Aktion - mật mã của cuộc tàn sát người Do Thái ở Ba Lan.
Để giải cứu những đứa trẻ Do Thái, Irena cùng đồng đội đã sử dụng nhiều cách khác nhau để đưa các em ra ngoài. Bà dặn lũ trẻ giả vờ bị bệnh và di chuyển chúng tới các bệnh viện ngoài khu ghetto.
Tuy vậy, đầu năm 1943, Đức quốc xã bắt đầu đóng cửa các ghetto và cấm luôn các nhân viên xã hội. Canh gác trở nên nghiêm ngặt hơn. Irena Sendler liền xoay xở để trở thành nhân viên y tế bằng giấy tờ giả của Sở Kiểm dịch Warsaw. Irena và cộng sự của mình gần như được vào trại hợp pháp.
Đến lúc này, Irena đành phải sử dụng tính sáng tạo của mình. Bà giấu lũ trẻ bên trong những chiếc xe cấp cứu, trong những quan tài, vali, và cốp xe ô tô. Những đứa trẻ vài tháng tuổi được cho uống thuốc ngủ và xách ra ngoài bằng những cái túi có đục lỗ để tránh bị ngạt. Những đứa lớn hơn được dẫn ra qua đường cống ngầm, nhiều đứa được ném qua hàng rào có người chờ đón sẵn.
Với Irena, khi đó là một bà mẹ trẻ, việc thuyết phục các bậc cha mẹ chia ly con mình là một nhiệm vụ đau đớn và nặng nề. Tìm được các gia đình sẵn lòng cưu mang các em và như thế, đặt cả gia đình họ vào vòng mạo hiểm, cũng là một việc không đơn giản. Tuy nhiên, bà đã làm được những điều tưởng như không thể.
Bằng những hành động có phần liều lĩnh này, Irena Sendler đã cứu giúp được cho hơn 2.500 đứa trẻ Do Thái trốn thoát khỏi khu Warsaw Ghetto. Sau đó, chúng được cấp giấy tờ giả, với lai lịch mới là những đứa trẻ Kitô giáo và đưa tới những gia đình Ba Lan, các cô nhi viện hay tu viện; nơi chúng sẽ được nhận quần áo và những hỗ trợ vật chất từ Zegota.
Về tên và số liệu về tất cả trẻ em được cứu, Irena ghi lại trong hai danh sách được viết trên những tờ giấy ăn mỏng dính. Bà cho hai danh sách vào hai cái chai rồi chôn sâu trong một khu vườn. Đó là niềm hi vọng của bà về sự đoàn tụ gia đình của những đứa trẻ Do Thái.
Thế nhưng, không được bao lâu, ngày 20.10 năm 1943, hành động của bà Sendler đã bị phát hiện, bà bị Gestapo bắt và giam giữ tại nhà tù Piawiak, được coi là chốn “tử vì đạo” của hàng trăm người kháng chiến Ba Lan. Bà bị chúng tra hỏi và tra tấn dã man, bị đánh gãy chân và bàn chân và chịu nhiều vết thương khác. Tuy vậy, bà một mực không chịu hé răng về những hoạt động của mình hay của Zegota. Không moi móc được thông tin, bà Sendler bị chúng kết tội tử hình.
May mắn thay, những người đồng đội của bà đã kịp mua chuộc được tên đao phủ và giúp bà trốn thoát trên đường đến địa điểm hành hình. Thoát chết, bà lui vào ẩn náu nhưng vẫn tiếp tục cứu giúp những người Do Thái với một mật danh khác.
Sau khi chiến tranh kết thúc, Irena đã cung cấp cái chai đựng danh sách những đứa trẻ được giải cứu cho Ủy ban cứu nạn người Do Thái để giúp họ đoàn tụ. Buồn thay, hầu hết những đứa trẻ không được nhìn thấy cha mẹ mình một lần nữa...
Không như nhà tư bản người Đức O.Schindler, người cứu sống hơn 1.000 trẻ Do Thái bằng cách tuyển dụng chúng vào nhà máy của mình ở Krakow và được mọi người biết đến nhờ vào một bộ phim đoạt giải của đạo diễn lừng danh Steven Spielberg, chuyện của bà Sendler vẫn “nằm im trong bóng tối”. Mãi đến năm 1999, khi một nhóm học sinh ở trường Kansas (Mỹ) tình cờ phát hiện ra câu chuyện và viết thành một vở kịch mang tên “Cuộc sống trong cái chai”, câu chuyện anh hùng của bà Irene Sendler mới được biết đến.
Năm 2003, bà Sendler được nhận giải thưởng Jan Karski dành cho sự quả cảm (được đặt theo tên nhà hoạt động kháng chiến người Ba Lan). Năm 2007, bà được Quốc hội Ba Lan vinh danh là công dân danh dự, người hùng dân tộc. Cùng năm, bà cũng được đề cử trao giải Nobel Hòa bình vì đã cứu sống 2.500 đứa trẻ Do Thái.
Tổng thống Lech Kaczynski gọi bà Sendler là một nữ anh hùng tuyệt vời và xứng đáng được cả đất nước kính trọng. Tuy nhiên, bà Sendler khẳng định rằng mình chẳng làm gì đặc biệt. “Tôi không phải là một anh hùng. Ngược lại thì đúng hơn. Tôi đã có thể làm hơn thế. Tôi luôn bị cắn rứt lương tâm vì đã cứu được quá ít người. Sự nuối tiếc này sẽ theo tôi cho đến lúc chết”.
Trả lời phỏng vấn báo giới, bà nói:“Tôi được dạy dỗ phải cứu sống một người nào đó khi họ sắp bị chết cho dù họ mang quốc tịch hoặc tôn giáo gì”. Bà cho rằng vinh dự này lẽ ra phải dành cho toàn nhóm Zegota - những người đã không còn sống để chứng kiến sự kết thúc của phát xít Đức. Họ đã trả giá cả cuộc đời mình cho việc cứu người.
Vào ngày 12.5.2008, Irena Sendler đã trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 98 tại thành phố Warsaw. Người Mỹ đã vinh danh bà bằng bộ phim “The Courageous Heart of Irena Sendler” (Trái tim dũng cảm của Irena Sendler) nhưng tiếc thay bà đã không kịp xem.
SƯU TẦM.
Từ fb Trần Phú Vinh
KHÁC BIỆT MÂM CỖ TẾT 3 MIỀN.
Hà Nội có thịt đông, Huế có thịt luộc tôm chua và các tỉnh miền Nam
không thể thiếu thịt kho hột vịt trong ngày Tết.
Mâm cỗ ngày Tết tại các tỉnh thành Việt Nam mỗi nơi một nét, tùy văn hóa, địa lý hay ẩm thực của mỗi vùng miền. Khi đi du lịch vào dịp đầu năm, bạn có thể được thưởng thức, hiểu về văn hóa ẩm thực qua mâm cỗ tại từng địa phương.
Miền Bắc
Nghệ nhân ẩm thực Ánh Tuyết cho biết, mâm cỗ Tết truyền thống của người Hà Nội hay người miền Bắc nói chung thường có xôi gấc, bánh chưng, dưa hành muối, nem (chả giò), giò thủ và thịt đông. Các món ăn này được chọn vì người miền Bắc đón xuân vào thời tiết lạnh. Trong đó, thịt đông là món đặc trưng của mùa đông xuân mà các vùng miền khác thường không có.
Mỗi gia đình thường gia giảm thêm một số món như bóng bì xào thập cẩm, gà luộc, canh măng, miến xào mề gà... Bà Ánh Tuyết cũng cho biết, theo truyền thống, mâm cỗ xưa cần 4 bát, 4 đĩa. Những nhà khá giả hoặc làm quan thì làm 6 bát, 6 đĩa, thậm chí 8 bát, 8 đĩa.
Mâm cỗ Tết miền Bắc. Ảnh: Shutterstock
Miền Trung
Ở Huế các món ăn cho mâm cỗ Tất niên thường có tối thiểu 7 món. Người Huế vẫn nấu những món trong cuộc sống hằng ngày. Theo nghệ nhân ẩm thực Huế Mai Thị Trà, không tính gà luộc nguyên con, xôi, chè..., mâm cỗ thường gồm bánh chưng hoặc bánh tét, món hầm, thịt luộc tôm chua, tôm thịt rim, cá chiên, một món xào, dưa món. Bên cạnh đó, chả, nem chua, ram Huế, gỏi... cũng là một số món được ăn vào ngày Tết, tùy theo điều kiện của mỗi gia đình. Những món ăn này có trên mâm cỗ của người dân, còn yến tiệc đón năm mới của vua chúa triều Nguyễn sẽ đủ sơn hào hải vị, được chế biến cầu kỳ.
Nem công chả phượng là một món ăn biểu tượng của
ẩm thực cung đình Huế. Ảnh: Bảo Ngân
Miền Nam
Những món không thể thiếu trong cỗ tết phương Nam là bánh tét, canh khổ qua nhồi thịt và thịt kho hột vịt. Đầu bếp Trần Ngọc Sang (TP HCM) lý giải, dân gian cho rằng ăn canh khổ qua để "cái khổ đi qua", xua tan điều không tốt trong năm cũ. Món thịt kho hột vịt với miếng thịt vuông, quả trứng tròn tượng trưng cho trời đất tròn vuông, năm mới trọn vẹn, đầy đủ. Ngoài ra, mỗi nhà lại biến tấu thêm các món ăn khác như gà xé phay, tôm khô củ kiệu... Tráng miệng có nhiều loại mứt trái cây và bánh kẹo ngọt như mứt dừa, me, mãng cầu...
Các món ăn ngày Tết miền Nam. Ảnh: Shutterstock
Để hành trình du lịch ý nghĩa hơn, du khách có thể vừa du xuân, vừa trải nghiệm ẩm thực đặc trưng ngày Tết của từng vùng miền. Thực đơn được chọn lọc, lồng ghép nhằm đem lại cho du khách trong chuyến du xuân đầu năm một cảm xúc thật đặc biệt. Đây chính là điểm nhấn mà Vietravel muốn đem đến cho du khách qua bộ sản phẩm "Mâm cỗ ngày xuân". Trước khi dùng bữa, du khách được nghe nghệ nhân ẩm thực hoặc đầu bếp giới thiệu về các món ăn, tìm hiểu sự khác biệt trong cách bày biện mâm cỗ của mỗi địa phương.
Bảo Ngân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét