.

.

a

Hoa đào nở, chim én về, mùa xuân lại đến. Chúc quý thầy cô và anh chị em đồng môn năm mới Giáp Thìn : - nghìn sự như ý, vạn sự như mơ, triệu sự bất ngờ, tỷ lần hạnh phúc.
THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ, ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU - MỘT NĂM MỚI AN KHANG THỊNH VƯỢNG - VẠN SỰ NHƯ Ý

16 tháng 2 2021

Tám Nỗi Khổ Ở Thế Gian Ai Cũng Phải Nếm Trải

 


Niệm Phật, được ly khổ đắc lạc. Nếu không cầu ra khỏi Ta bà, cầu sinh Tịnh độ thì trong biển khổ Ta bà chịu khổ muôn đời kiếp. Ta bà là thế giới cực khổ, khổ ấy vô lượng nói không cùng tận, nay chỉ lược nói tám khổ mà người đời không thể tránh khỏi.

1/ Sinh khổ: Người đời đều theo nghiệp chuyển mà thọ báo, do ba duyên hòa hợp: nghiệp duyên đời trước, duyên cha và duyên mẹ, thân trung ấm mới được đầu thai. Thấy cha mẹ giao cấu bỗng động dục niệm, do đó kết tưởng thành thai, bên dưới là Sinh tạng, trên là Thục tạng và giữa là bào thai. Lúc mẹ ăn thức nóng vào, bào thai phải bị chịu nóng rất dữ dội, tựa hồ như ở trong vạc dầu sôi. Khi mẹ ăn thức lạnh vào, bị thức lạnh áp bức không khác gì địa ngục hàn băng. Mười tháng ở nơi tối tăm, xung quanh chỗ nào cũng dơ uế, đó là Thai ngục. Lại lúc ra khỏi bào thai, phải chịu khổ của phong đao cắt thân (lạnh như dao cắt), cho nên đứa trẻ lúc mới sinh ra, khóc liền mấy tiếng: Khổ a! Khổ a! Phàm là người, không ai tránh khỏi cái khổ này.

2/ Già khổ: Ngày tháng trôi qua thì thân người cũng bị thời gian lão hóa, mắt mờ tai điếc, tóc bạc da nhăn, khí lực tiêu hao, thân thể khô gầy, chân run gối mỏi… việc gì cũng phải nhờ cậy người khác. Trên hội Lăng Nghiêm, Phật hỏi vua Ba Tư Nặc rằng: “Ðại vương cũng bị thời gian làm cho già nua sao?”. Vua đáp: “Nó thay đổi trong từng sát na nhỏ nhiệm, trẫm không nhận ra, Thu qua Ðông lại, đến nay trẫm đã thế này. Trẫm nhớ hồi còn trẻ, khí huyết sung mãn, nhưng nay răng hầu như sắp hết, tóc đốm bạc khá nhiều, chắc trẫm không còn trụ thế bao lâu nữa”. Như thế đủ thấy, tuy làm vua, quý như con trời, làm chủ cả bốn bể mà cũng không tránh khỏi lão khổ. Cổ nhân dạy rằng: “Giàu sang không thể mua tuổi trẻ, ngày tháng trôi qua tóc biến màu”.

3/ Bệnh khổ: Khi tứ đại bất hòa thì trăm bệnh phát sinh, thế gian ít có người suốt một đời không bệnh, cổ nhân dạy: “Bệnh đến mới biết thân là khổ, lúc mạnh hãy nên sống vì người”. Tạm không nói đến những căn bệnh trầm kha, khốc liệt, chỉ nhức răng chóng mặt thôi cũng đủ làm cho người ta đi đứng không yên, ăn ngủ sút giảm. Lấy đó để biết, hết thảy các bệnh không bệnh nào là không khổ. Thời Tam Quốc, Trương Phi là một người tính tình cương dũng, nói với Vũ Hầu rằng: “Trên đời này tôi chẳng sợ ai cả!”. Vũ Hầu viết một chữ “bệnh” đưa cho xem, hỏi: “Cái này chú có sợ không?”. Trương Phi ngước mắt nhìn Vũ Hầu, nói: “Ái chà! Cái này thì tôi đã đau khổ nhiều vì nó”. Ðủ thấy khi bệnh khổ đến thì anh hùng lực sĩ cũng không thể cưỡng chống lại chúng. Chúng ta lúc bệnh tật, nhất tâm niệm Phật, không vì bệnh khổ mà phiền não. Như vậy lúc mạng chung, trăm khổ hoành hành, chúng ta cũng được tự tại.

4/ Tử khổ: Kinh rằng: “Nhờ nhân duyên hòa hợp mà có thân này, khi nhân duyên tan rã thì thân hư dối này cũng diệt”. Ðã có sinh ra ắt có chết đi. Khi sinh thì giả mượn tứ đại làm thân, lúc chết thì tứ đại phân tán, dụ như con trâu sống bị lột da, đau đớn không cùng. Xương thịt gân cốt là Ðịa đại; máu mủ đàm dãi là Thủy đại; hơi ấm trong thân là Hỏa đại; hơi thở vào ra, tay chân động đậy là Phong đại. Lúc chết thì Phong đại đi trước nên hơi thở chấm dứt, tay chân không còn co quắp. Thứ đến là lửa rời khỏi thân nên thân thể lạnh ngắt. Ba là thủy đại, khi Thủy đại lưu xuất thì chỉ còn lại Ðịa đại là những gì thuộc về thân thể. Ngạn ngữ nói rằng: “Xương trắng đầu núi thành bùn đất”. Chết là một điều tất yếu mà đời người phải trải qua, không ai tránh khỏi. Chúng ta nay còn sống nên khéo quán sát, việc lớn của đời người là sinh tử chứ tiền muôn bạc vựa nào có ích gì, cho dù vợ con thương khóc cũng không cách gì cưỡng lại được. Giả như con đàn cháu đống, có ai thay cái chết cho mình.

Tôi thấy người khác chết
Lòng tôi như lửa thiêu
Chẳng phải xót cho người
Mà là tôi cũng chết.

Cổ nhân dạy:

Hồng hồng trắng trắng chớ dối nhau
Chẳng có ai thịt đỏ cả đâu
Chết đi không bằng trâu với chó
Nay thử nhìn lại tử thi xem.

Trâu dê chết đi, thịt của nó còn có người mua, con người chết thì ai cũng sợ.

5/ Thương yêu mà phải chia lìa là khổ (ái biệt ly khổ): Yêu tức yêu mến, con người yêu mến nhau bất quá là cha mẹ, anh em, vợ chồng, thân quyến, nếu phải xa nhau thì lòng như dao cắt. Gọi là: “Yêu nhau lắm hận nhau cũng lắm, vừa chia tay đã sẵn mối sầu”, không biết rằng đời người tụ tán vốn thuộc vô thường, có hợp tất có ly, có gì phải đau khổ. Xưa có lời dạy: “Cha mẹ ân sâu rồi cũng biệt, vợ chồng nghĩa nặng phải chia lìa; đời người tợ chim cùng trú ẩn, gặp đại hạn thời mỗi tự bay”.

6/ Ghét nhau mà phải sống chung là khổ (oán tắng hội khổ): Không thương yêu nhau mà phải sống chung là do chiêu cảm nghiệp đời trước; nặng thì kết oán cừu, nhẹ thời ghen ghét tật đố. Ghét nhau mà không xa nhau được, đó biết là do nghiệp lực sai sử, muốn xa nhưng lại sống cùng, hoặc là cha con, hoặc là anh em, hoặc là vợ chồng, hoặc là bè bạn… nặng thì thanh toán lẫn nhau, nhẹ thì chọc nhau gây gổ. Vì nhân duyên mà phải sống chung, không cách gì rời xa nhau được, cũng như người câm ăn Hoàng liên, đắng ngắt mà chỉ ấm ứ không thể nói ra. La trạng nguyên có thơ rằng: “Thị thị phi phi ngày nào rõ, phiền phiền não não lúc nào thôi”.

7/ Mong cầu không được như ý là khổ (cầu bất đắc khổ): Người đời ai cũng muốn toàn vẹn, nhưng vì bất túc nên sinh mong cầu. Nếu mong cầu được như ý thì hân hoan vui thích, ngược lại thì ưu sầu phiền não, cả ngày ủ rũ. Thế gian như vậy đều do si mê không tự tỉnh giác, phải biết được mất, giàu nghèo đều là nhân quả, há không nghe: “Thế sự luôn luôn như dòng chảy, chớ đem danh lợi quải trong lòng; cơm lạt áo thô tùy duyên độ, giàu sang vinh hiển chớ mong cầu”.

8/ Năm ấm không điều hòa là khổ (ngũ ấm xí thạnh khổ): Năm ấm tức năm loại lửa phiền não sắc, thọ, tưởng, hành, thức thiêu đốt tâm chúng sinh. Phiền não nếu nặng thì như ngọn lửa bốc mạnh. Hoặc theo nội căn ngoại trần mà khởi phiền não, thuộc sắc ấm; hoặc nương ngũ thức, lãnh nạp năm trần mà khởi phiền não, thuộc thọ ấm; hoặc theo ý thức, tưởng niệm pháp trần mà khởi phiền não, thuộc tưởng ấm; hoặc nương thức thứ bảy, luôn suy nghĩ đắn đo mà khởi phiền não, thuộc hành ấm; hoặc nương vào thức thứ tám, vi tế lưu chú mà khởi phiền não, thuộc thức ấm. Bảy loại trước là biệt khổ, nay chỉ nói một loại. Loại này là tổng khổ, tổng quát các khổ mà nói, thật là thế sự hết thảy đều là khổ, sao bằng sớm niệm Nam mô A Di Ðà Phật.

Trích Khuyên Tu Pháp Môn Niệm Phật 
Biên soạn: Viên Anh Pháp Sư
Việt dịch: Thích Nguyên Anh



Giai thoại về "vẻ đẹp của yêu thương đánh mất" khiến nhiều người bật khóc

Có một giai thoại, không ai có thể khẳng định đó là thật hay không, nhưng giai thoại ấy rất nổi tiếng, rất cảm động, suốt nhiều năm qua vẫn khiến những người trưởng thành bật khóc.


Câu chuyện ấy xoay quanh nhà văn Franz Kafka (1883-1924), một nhà văn sinh ra trong gia đình Do Thái nói tiếng Đức ở Praha. Có lần nhà văn gặp một bé gái trong công viên trong chuyến dạo bộ mà ông đều đặn thực hiện mỗi ngày. Cô bé này đang ngồi khóc bởi vừa đánh mất búp bê trong công viên.

Nhà văn Kafka liền đề nghị sẽ giúp cô bé tìm kiếm cô búp bê thất lạc và hẹn sẽ gặp cô bé vào ngày hôm sau tại chính địa điểm này. Nhà văn sau đó không tìm được búp bê trong công viên nên đã viết một lá thư như thể lá thư ấy được chính cô búp bê viết ra, rồi ngày hôm sau nhà văn mang lá thư ấy đi đến nơi hẹn gặp bé gái để đọc cho cô bé nghe:

"Làm ơn đừng khóc thương em, em đang thực hiện một cuộc hành trình phiêu lưu đi khắp thế gian. Em sẽ viết thư về cho chị để kể về những chuyến hành trình".

Lá thư này là khởi đầu của rất nhiều lá thư mà nhà văn Franz Kafka thực hiện sau đó. Mỗi khi đi gặp bé gái, nhà văn đều đọc cho cô bé nghe một lá thư mới được ông viết rất cẩn thận kể về những chuyến hành trình giả tưởng của búp bê. Bé gái cảm thấy được an ủi rất nhiều.


Khi những cuộc gặp dần đi đến một kết thúc, nhà văn Kafka đã dành tặng cho bé gái một cô búp bê mới. Cô bé chắc chắn nhận ra ngay những nét khác biệt, nhưng đi kèm với cô búp bê này là một lá thư giải thích: "Những cuộc hành trình đã khiến em thay đổi...".

Nhiều năm sau, cô bé ngày xưa nay đã trưởng thành, cô tìm thấy lại búp bê từng được nhà văn tặng năm nào, cô tìm thấy một lá thư được nhét vào một kẽ nứt trên mình búp bê. Lá thư này đến bây giờ cô mới biết về sự tồn tại của nó, trong đó viết: "Mọi thứ mà cháu yêu thương, sau này cháu có thể sẽ đánh mất, nhưng sau cùng, yêu thương sẽ luôn quay trở về trong một hình hài khác".

Có rất nhiều phiên bản về câu chuyện này, nhưng chủ yếu vẫn xoay quanh nhà văn Kafka, bé gái và cô búp bê thất lạc. Đặc biệt, câu chuyện này được nhiều nhà tâm lý học ưa chuộng và thích thú chia sẻ với các bệnh nhân đang tìm tới họ để điều trị tâm lý.

Thực tế, ngay cả khi kể lại, rất nhiều chuyên gia tâm lý cũng phải thừa nhận rằng, phải kể rất nhiều lần, họ mới có thể kìm được những xúc động và hoàn tất câu chuyện một cách bình thản. Cả người kể và người nghe đều rất dễ xúc động trước câu chuyện này, cho dù đó là người già hay trẻ, nam hay nữ, đặc biệt nếu họ đang trong giai đoạn suy sụp sau một mất mát nào đó.

Thực tế có rất nhiều câu chuyện truyền cảm hứng được tạo ra ở dạng giai thoại, khó xác định là có thật hay không. Ngay cả câu chuyện này, không ít chuyên gia tâm lý đã thử truy tìm gốc tích để xem có thật đó là câu chuyện của nhà văn Kafka hay không, nhưng việc xác định này là bất khả thi.


Người ta hiểu rằng đây là một dạng câu chuyện lưu truyền khó truy lại nguồn gốc, được tạo ra với mục đích giúp hàn gắn tâm hồn. Nghe xong câu chuyện này, hầu như ai cũng có cảm giác xúc động nhưng thật nhẹ nhõm, để sẵn sàng cho một sự hàn gắn nội tâm.

Có hai bài học thú vị trong câu chuyện này: Nỗi buồn đau, mất mát là điều xảy ra với bất cứ ai trong chúng ta, ngay cả với những đứa trẻ. Và cách để hàn gắn lại chính mình sau đau đớn chính là cố gắng nhìn xem tình yêu thương sẽ quay trở lại trong một hình hài khác như thế nào.

Đau buồn, mất mát là một điều không thể tránh khỏi trong cuộc sống. Nhà văn Kafka đã đối xử rất dịu dàng với nỗi đau của bé gái khi bé đánh mất búp bê yêu quý, bởi ông hiểu nỗi đau ấy với cô bé kia là rất lớn và ông không xem nhẹ nỗi đau "trẻ con" ấy.

Tình yêu thương rồi sẽ quay trở về trong một hình hài khác... Trong câu chuyện này, chính những lá thư của nhà văn Kafka đã là món quà đích thực của tình yêu thương dịu dàng và sâu sắc.

Còn chúng ta, nhiệm vụ của chúng ta trong cuộc sống này chính là hãy nhìn ra những hình hài khác của yêu thương đã đánh mất, một ngày nào đó sẽ quay trở về.

Bích Ngọc
Theo Huff Post

NGƯỜI MẸ GIÀ BỊ LẪN
Cuối tuần, con trai cả tạt qua biếu mẹ hộp sữa. Mẹ đang hỏi "sữa gì đó mẹ uống được không đó có đắt lắm không con...". Mẹ đang hỏi chưa dứt câu, con trai đã lao ra xe "thôi thôi con bận lắm con đi đây, mẹ cứ uống đi sữa tốt đó".
Giữa tuần, con gái ghé thảy cho mẹ kí táo Mỹ, vừa vào nhà đã quát ầm ĩ "mẹ ơi sao mẹ bầy hầy vầy, lần nào còn đến cũng phải dọn". Mẹ nói "mẹ muốn mua cái ấm nước siêu tốc mới vì cái ấm này mua năm 1999 giờ cũ lắm rồi". Con gái nạt "mẹ lại lẫn nữa rồi ai bảo mẹ cái ấm này mua năm 1999". Mẹ im bặt, nhìn con gái dọn dẹp khua khoắng. Mẹ lại rụt rè bảo "cái ấm nó cũ...", con gái nạt tiếp "thôi mẹ già yếu mẹ ngồi yên cho con nhờ, có mua ấm mẹ cũng đâu có dùng". Nói đoạn con gái lao ra xe, còn lằm bằm "người ta đã bận còn nhì nhằng phát mệt".
Có lần mẹ già buột miệng "nhà này mẹ thương nhất thằng Út, mẹ mong gặp thằng Út nhất". Các con hậm hực bảo "mẹ cưng thằng Út nhất, muốn gặp nó nhất là đúng rồi. Nó không cho mẹ được đồng quà tấm bánh nào mà mẹ vẫn thích nó nhất".
Nhưng không phải, mẹ già thích gặp Út nhất vì mỗi lần Út đến thăm mẹ, tay chẳng mang gì làm quà nhưng sà xuống, vui vẻ bảo "mẹ có chuyện gì vui kể con nghe đi". Vậy là mẹ ngồi kể liên tu bất tận chuyện xưa chuyện nay, chuyện nọ xọ chuyện kia, vừa kể rồi thì kể lại. Anh Út chỉ ngồi chăm chú nghe, thỉnh thoảng ghẹo "ơ chuyện này mẹ vừa kể rồi, mẹ kể chuyện khác đi". Anh ngồi 2, 3 tiếng đồng hồ nghe mẹ kể chuyện, gật gù và mỉm cười. Mẹ kể chuyện mệt rồi anh mới xin phép ra về.
Quà của con cả, con gái chất đống mẹ chẳng dùng vì tuổi già sức yếu đâu ăn uống được gì nhiều. Mẹ cũng không dám nhiều lời vì sợ con mắng là lẫn.
Mẹ chỉ thích gặp Út vì món quà quý nhất của mẹ lúc này là có một người thân chịu ngồi lắng nghe và trò chuyện với mình.
Rất nhiều quãng thời gian còn lại, khi vắng các con, mẹ chỉ biết ngồi nhìn bức tường trắng lặng câm. Vì chị giúp việc cũng oải với sự lẫn của mẹ, nghe mẹ cất tiếng là chuồn mất.
Thậm chí có lúc mẹ còn phải lẩm bẩm nói chuyện một mình nữa.
Quà cho người già, không gì quý hơn một buổi chịu ngồi xuống trò chuyện trong đón đợi.
Sưu tầm












Không có nhận xét nào:

CHÀO MỪNG QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU SÓC TRĂNG THAM QUAN, ỦNG HỘ HOANGDIEUTRUONGXUASAIGON.BLOGSPOT.COM. CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM NHIỀU SỨC KHỎE, THÀNH CÔNG TRONG CÔNG VIỆC.